Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

‘Hãy để sự chịu đựng hoàn tất công việc của nó’

‘Hãy để sự chịu đựng hoàn tất công việc của nó’

“Hãy để sự nhịn nhục [“chịu đựng”, Đặng Ngọc Báu] hoàn tất công việc của nó, hầu anh em được toàn vẹn và tốt đẹp trong mọi phương diện, không thiếu sót về mặt nào cả”.—GIA 1:4.

BÀI HÁT: 135, 139

1, 2. (a) Chúng ta có thể học được gì từ sự bền chí của Ghê-đê-ôn và 300 người theo ông? (Xem hình nơi đầu bài). (b) Theo Lu-ca 21:19, tại sao bền chí chịu đựng là điều rất quan trọng?

Trận chiến thật mệt nhọc. Dưới sự dẫn dắt của quan xét Ghê-đê-ôn, quân lính Y-sơ-ra-ên đã đuổi theo kẻ thù là quân Ma-đi-an và đồng minh của chúng suốt đêm với quãng đường khoảng 32km! Kinh Thánh cho biết điều xảy ra kế tiếp: ‘Ghê-đê-ôn đi tới sông Giô-đanh, sang qua cùng ba trăm người đồng theo mình; họ mệt-nhọc’. Dù vậy, Ghê-đê-ôn và những người theo ông chưa thắng trận vì còn khoảng 15.000 quân địch vẫn sống. Sau nhiều năm chịu đựng sự áp bức của dân Ma-đi-an, người Y-sơ-ra-ên biết rằng đây không phải là lúc bỏ cuộc. Thế nên, để tiêu diệt kẻ thù, “họ cũng cứ rượt theo” và đã hạ gục dân Ma-đi-an.—Quan 7:22; 8:4, 10, 28.

2 Chúng ta cũng đang tranh đấu trong một trận chiến không ngừng nghỉ. Kẻ thù của chúng ta gồm có Sa-tan, thế gian của hắn và sự bất toàn của chính mình. Một số người trong chúng ta đã tranh đấu hàng thập kỷ, và với sự trợ giúp của Đức Giê-hô-va, chúng ta đã giành được những thắng lợi. Dù vậy, thỉnh thoảng chúng ta có thể mệt mỏi trong việc chiến đấu với các kẻ thù cũng như trong việc chờ đợi sự kết liễu của thế gian này. Quả thật, chúng ta chưa giành thắng lợi hoàn toàn. Chúa Giê-su cảnh báo rằng chúng ta, những người sống trong những ngày sau cùng, sẽ đối mặt với các thử thách cam go và sự đối xử tàn nhẫn. Nhưng ngài cũng nói rằng việc giành chiến thắng phụ thuộc vào sự bền chí chịu đựng của chúng ta. (Đọc Lu-ca 21:19). Chịu đựng là gì? Điều gì sẽ giúp chúng ta chịu đựng? Chúng ta có thể học được gì từ gương của những người đã chịu đựng? Làm thế nào chúng ta có thể “để sự nhịn nhục [“chịu đựng”, ĐNB] hoàn tất công việc của nó”?—Gia 1:4.

CHỊU ĐỰNG LÀ GÌ?

3. Chịu đựng là gì?

3 Trong Kinh Thánh, chịu đựng không chỉ đơn thuần có nghĩa là buộc phải chịu thử thách hoặc nghịch cảnh. Sự chịu đựng liên quan đến lòng và trí của chúng ta, hay cách chúng ta phản ứng trước những khó khăn. Một người chịu đựng biểu lộ sự can đảm, vững vàng và kiên nhẫn. Theo một tài liệu tham khảo, đây là “đức tính có thể giúp một người chịu đựng mọi sự, không phải chỉ với sự cam chịu nhưng với hy vọng sáng ngời... Đó là đức tính giúp một người đứng vững trước bão táp. Đó là một tính tốt có thể biến thử thách cam go nhất thành vẻ vang vì giúp người ấy thấy được mục tiêu ở đằng sau sự đau đớn”.

4. Tại sao có thể nói rằng sự chịu đựng được thúc đẩy bởi tình yêu thương?

4 Sự chịu đựng của tín đồ đạo Đấng Ki-tô được thúc đẩy bởi tình yêu thương. (Đọc 1 Cô-rinh-tô 13:4, 7). Tình yêu thương dành cho Đức Giê-hô-va thúc đẩy chúng ta chịu đựng bất cứ điều gì phù hợp với ý muốn của ngài (Lu 22:41, 42). Tình yêu thương với anh em giúp chúng ta chịu đựng sự bất toàn của họ (1 Phi 4:8). Tình yêu thương dành cho người bạn đời giúp chúng ta chịu đựng sự “khốn khổ” mà ngay cả những cặp vợ chồng hạnh phúc cũng gặp phải, đồng thời giúp chúng ta củng cố mối quan hệ hôn nhân.—1 Cô 7:28.

ĐIỀU GÌ SẼ GIÚP ANH CHỊ CHỊU ĐỰNG?

5. Tại sao Đức Giê-hô-va là đấng tốt nhất có thể giúp chúng ta chịu đựng?

5 Cầu xin Đức Giê-hô-va ban sức mạnh. Đức Giê-hô-va là “đấng giúp chúng ta chịu đựng và ban sự an ủi” (Rô 15:5). Ngài là đấng duy nhất không chỉ hiểu thấu những vấn đề chúng ta đối mặt mà còn hiểu môi trường, cảm xúc và thậm chí cấu tạo gen có ảnh hưởng thế nào đến chúng ta. Do đó, ngài là đấng tốt nhất có thể trang bị cho chúng ta những điều cần thiết để chịu đựng. Kinh Thánh nói: “Ngài làm thỏa nguyện mọi người kính-sợ Ngài; cũng nghe tiếng kêu-cầu của họ, và giải-cứu cho” (Thi 145:19). Nhưng Đức Chúa Trời sẽ đáp lời như thế nào khi chúng ta cầu xin ngài ban sức mạnh để chịu đựng?

6. Như được hứa trong Kinh Thánh, Đức Giê-hô-va có thể “mở lối thoát” cho chúng ta ra khỏi các thử thách như thế nào?

6 Đọc 1 Cô-rinh-tô 10:13. Khi chúng ta cầu xin Đức Giê-hô-va giúp mình đối phó với các thử thách, ngài sẽ “mở lối thoát”. Đức Giê-hô-va có lèo lái sự việc để loại bỏ thử thách đó không? Có thể. Nhưng thường thì ngài mở lối thoát “hầu [chúng ta] có thể chịu đựng trong lúc bị cám dỗ”. Đúng vậy, Đức Giê-hô-va ban thêm sức để chúng ta “có thể chịu đựng mọi sự với lòng kiên nhẫn và vui mừng” (Cô 1:11). Vì biết rõ những giới hạn về thể chất, tinh thần và cảm xúc của chúng ta nên Đức Giê-hô-va sẽ không bao giờ cho phép một tình huống đi xa đến mức khiến chúng ta không thể giữ trung thành.

7. Hãy minh họa lý do chúng ta cần thức ăn thiêng liêng để chịu đựng.

7 Nuôi dưỡng đức tin bằng thức ăn thiêng liêng. Trên đỉnh Everest, ngọn núi cao nhất thế giới, một người leo núi sẽ cần rất nhiều năng lượng, khoảng 6.000 calo trong một ngày, nhiều hơn đáng kể so với nhu cầu trung bình. Để bền bỉ leo dốc và đạt được mục tiêu, những người leo núi phải nạp càng nhiều calo càng tốt. Tương tự, để bền bỉ trong đường lối đạo Đấng Ki-tô và đạt được mục tiêu, chúng ta phải đều đặn hấp thụ thức ăn thiêng liêng càng nhiều càng tốt. Chúng ta cần tự chủ để dành thời gian cho việc đọc, học hỏi và tham dự các buổi nhóm họp. Những hoạt động này nuôi dưỡng đức tin của chúng ta bằng “thức ăn tồn tại mãi và mang lại sự sống vĩnh cửu”.—Giăng 6:27.

8, 9. (a) Theo Gióp 2:4, 5, vấn đề nào được nêu lên khi chúng ta đối mặt với thử thách? (b) Khi gặp thử thách, anh chị có thể hình dung về cảnh tượng vô hình nào?

8 Nhớ vấn đề liên quan đến lòng trung kiên. Khi gặp thử thách, chúng ta phải chịu khổ. Nhưng vấn đề không chỉ có thế. Lòng trung kiên của chúng ta với Đức Chúa Trời đang bị thử thách. Cách phản ứng trước thử thách sẽ cho thấy liệu chúng ta có thật sự xem Đức Giê-hô-va là Đấng Cai Trị Hoàn Vũ không. Sa-tan, kẻ thù chống lại quyền tối thượng của Đức Giê-hô-va, đã sỉ nhục ngài bằng những lời sau: “Phàm vật chi một người có, tất sẽ trao thế cho mạng-sống mình. Nhưng bây giờ xin Chúa hãy giơ tay ra, đụng đến hại xương thịt [Gióp] ắt là người sẽ phỉ báng Chúa trước mặt” (Gióp 2:4, 5). Theo quan điểm của Sa-tan, không ai phụng sự Đức Giê-hô-va vì yêu thương ngài một cách bất vị kỷ. Sa-tan có thay đổi kể từ khi đưa ra lời tuyên bố đó không? Không hề! Nhiều thế kỷ sau đó, khi bị quăng khỏi trời, Sa-tan vẫn bị gọi là “kẻ cáo buộc anh em chúng ta..., ấy là kẻ ngày đêm cáo buộc họ trước mặt Đức Chúa Trời chúng ta!” (Khải 12:10). Sa-tan không quên vấn đề liên quan đến lòng trung kiên của chúng ta. Hắn nôn nóng muốn thấy chúng ta đầu hàng trước thử thách và từ bỏ việc ủng hộ quyền tối thượng của Đức Chúa Trời.

9 Thế nên, khi anh chị đang vật lộn với nghịch cảnh, hãy hình dung về cảnh tượng vô hình này: Sa-tan cùng các ác thần theo hắn đứng một bên, quan sát xem anh chị sẽ làm gì và quả quyết rằng anh chị sẽ bị khuất phục trước áp lực rồi bỏ cuộc. Phía bên kia là Đức Giê-hô-va, Vua Giê-su Ki-tô, những người được xức dầu đã sống lại và muôn vàn thiên sứ. Họ đang cổ vũ anh chị và vui mừng trước việc anh chị hằng ngày chịu đựng cũng như ủng hộ quyền tối thượng của Đức Giê-hô-va. Anh chị có thể xem lời mời gọi sau của Đức Giê-hô-va là dành cho cá nhân mình: “Hỡi con, khá khôn-ngoan, và làm vui lòng cha, để cha có thế đáp lại cùng kẻ nào sỉ-nhục cha”.—Châm 27:11.

10. Anh chị có thể noi gương Chúa Giê-su ra sao trong việc chú tâm vào những phần thưởng của sự chịu đựng?

10 Chú tâm vào những phần thưởng của sự chịu đựng. Giả sử, trong khi đi trên một chặng đường xa, anh chị dừng lại ở giữa một đường hầm dài. Nhìn quanh chỉ là bóng tối. Dù vậy, anh chị tin chắc rằng nếu tiếp tục đi đến hết đường hầm, mình sẽ lại thấy ánh sáng. Đời sống có thể giống như cuộc hành trình ấy. Có lẽ anh chị phải trải qua những thời điểm rất khó khăn và cảm thấy choáng ngợp trước các vấn đề mình đối mặt. Ngay cả Chúa Giê-su cũng có thể từng cảm thấy như vậy. Ngài phải đối mặt với “nhiều lời chống nghịch của kẻ tội lỗi”, sự sỉ nhục và thậm chí là sự hành hình trong đau đớn trên “cây khổ hình”. Chắc chắn đó là giai đoạn khó khăn nhất trong cuộc đời của ngài trên đất! Dù vậy, Chúa Giê-su chịu đựng tất cả ‘vì niềm vui đặt trước mặt ngài’ (Hê 12:2, 3). Ngài đã chú tâm vào những phần thưởng của sự chịu đựng, đặc biệt là việc ngài có thể góp phần làm thánh danh Đức Chúa Trời và biện minh cho quyền tối thượng của Đức Giê-hô-va. Bóng tối của những thử thách mà Chúa Giê-su chịu chỉ là tạm thời nhưng ánh sáng huy hoàng của phần thưởng trên trời mà ngài nhận được sẽ tồn tại mãi mãi. Ngày nay, những thử thách mà anh chị trải qua có thể khiến anh chị choáng ngợp và đau đớn. Nhưng hãy nhớ rằng các hoạn nạn trên con đường dẫn đến sự sống vĩnh cửu mà anh chị gặp phải chỉ là tạm thời.

“NHỮNG NGƯỜI ĐÃ CHỊU ĐỰNG ĐƯỢC THỬ THÁCH”

11. Tại sao chúng ta nên xem xét gương của “những người đã chịu đựng được thử thách”?

11 Chúng ta không phải chịu đựng một mình. Để khuyến khích các tín đồ chịu đựng hàng loạt khó khăn do Sa-tan gây ra, sứ đồ Phi-e-rơ viết: “Hãy chống lại hắn, hãy giữ vững đức tin, biết rằng cả đoàn thể anh em trên thế giới cũng đang chịu đựng những khổ sở giống như thế” (1 Phi 5:9). Kinh nghiệm của “những người đã chịu đựng được thử thách” dạy chúng ta biết cách tiếp tục đứng vững. Gương của họ cũng cho thấy chúng ta có thể thành công và nhắc chúng ta nhớ rằng đường lối trung thành của mình sẽ được tưởng thưởng (Gia 5:11). Hãy xem xét một vài gương. [1]

12. Chúng ta học được gì từ gương của các chê-ru-bim canh gác vườn Ê-đen?

12 Các chê-ru-bim. Gương của một số tạo vật thần linh hiện ra đầu tiên với con người có thể dạy chúng ta kiên trì chịu đựng khi thi hành một nhiệm vụ khó khăn. Giê-hô-va Đức Chúa Trời “đặt tại phía đông vườn Ê-đen các thần chê-ru-bim với gươm lưỡi chói-lòa, để giữ con đường đi đến cây sự sống” [2] (Sáng 3:24). Chắc chắn những thiên sứ ấy không được tạo ra để làm nhiệm vụ này! Suy cho cùng, tội lỗi và sự phản nghịch không nằm trong ý định của Đức Giê-hô-va đối với nhân loại. Dù vậy, không có chỗ nào trong Kinh Thánh nói rằng các chê-ru-bim, là những tạo vật thần linh cao cấp, phàn nàn rằng nhiệm vụ đó không tương xứng với khả năng của họ. Họ đã không thấy chán và không bỏ cuộc. Thay vì thế, họ trung thành gắn bó với nhiệm vụ được giao và kiên trì cho đến khi hoàn tất công việc, có lẽ vào thời điểm xảy ra trận Đại Hồng Thủy, tức hơn 1.600 năm sau đó!

13. Làm thế nào Gióp có thể chịu đựng được những thử thách của mình?

13 Tộc trưởng Gióp. Nếu anh chị bị tổn thương trước những lời gây nản lòng của một người bạn hay người trong gia đình, hoặc chịu khổ sở vì bệnh nặng hay cảm thấy rất đau buồn trước cái chết của một người thân yêu, anh chị có thể tìm được sự an ủi qua gương của Gióp (Gióp 1:18, 19; 2:7, 9; 19:1-3). Dù không biết ai gây ra nỗi khốn khổ cho mình, Gióp đã không tuyệt vọng hay bỏ cuộc. Tại sao? Một lý do là vì ông “kính-sợ Đức Chúa Trời” (Gióp 1:1). Ông quyết tâm làm vui lòng Đức Giê-hô-va cả trong những hoàn cảnh thuận lợi lẫn khó khăn. Với sự trợ giúp của Đức Giê-hô-va, Gióp suy ngẫm về những điều tuyệt diệu mà ngài đã thực hiện qua thần khí. Nhờ vậy, Gióp càng tin chắc rằng Đức Giê-hô-va sẽ chấm dứt những thử thách của ông vào đúng thời điểm (Gióp 42:1, 2). Điều này đã xảy ra đúng như thế: “Đức Giê-hô-va bèn đem người ra khỏi cảnh khốn người, và ban lại cho Gióp gấp bằng hai các tài-sản mà người đã có trước”. Gióp có “tuổi thọ cao và thỏa lòng” về đời sống.—Gióp 42:10, 17; Bản Dịch Mới.

14. Theo 2 Cô-rinh-tô 1:6, sự chịu đựng của Phao-lô đã giúp người khác như thế nào?

14 Sứ đồ Phao-lô. Anh chị có đang đối mặt với sự chống đối dữ dội, thậm chí cả sự ngược đãi, đến từ những kẻ thù của sự thờ phượng thật không? Anh có phải là một trưởng lão hoặc một giám thị vòng quanh cảm thấy áp lực bởi các trọng trách được giao không? Hãy suy ngẫm về gương của Phao-lô. Ông đã đối mặt với vô số “những điều xảy ra bên ngoài” đến từ những kẻ bắt bớ hiểm độc, đồng thời cảm thấy áp lực mỗi ngày vì lo lắng cho các hội thánh (2 Cô 11:23-29). Dù vậy, Phao-lô không bỏ cuộc, và gương của ông đã làm người khác vững mạnh. (Đọc 2 Cô-rinh-tô 1:6). Khi chịu đựng khó khăn, hãy nhớ rằng gương của anh chị rất có thể đang khích lệ người khác chịu đựng.

SỰ CHỊU ĐỰNG SẼ “HOÀN TẤT CÔNG VIỆC CỦA NÓ” TRONG ANH CHỊ KHÔNG?

15, 16. (a) Sự chịu đựng phải hoàn tất “công việc” nào? (b) Hãy nêu những ví dụ cho thấy cách chúng ta có thể ‘để sự chịu đựng hoàn tất công việc của nó’.

15 Gia-cơ được soi dẫn để viết: ‘Hãy để sự chịu đựng hoàn tất công việc của nó’. Sự chịu đựng phải hoàn tất “công việc” nào? Sự chịu đựng giúp chúng ta “được toàn vẹn và tốt đẹp trong mọi phương diện, không thiếu sót về mặt nào cả” (Gia 1:4). Thử thách thường cho thấy các điểm yếu của chúng ta, tức những khía cạnh trong nhân cách mà mình cần cải thiện. Tuy nhiên, nếu chịu đựng những thử thách ấy, nhân cách tín đồ đạo Đấng Ki-tô của chúng ta sẽ trở nên toàn vẹn và tốt hơn. Chẳng hạn, chúng ta có thể trở nên kiên nhẫn, biết ơn và có lòng trắc ẩn hơn.

Khi chịu đựng các thử thách, nhân cách tín đồ đạo Đấng Ki-tô của chúng ta sẽ trở nên toàn vẹn hơn (Xem đoạn 15, 16)

16 Sự chịu đựng hoàn tất công việc trọng yếu là uốn nắn chúng ta với tư cách tín đồ đạo Đấng Ki-tô, thế nên đừng vi phạm các nguyên tắc Kinh Thánh để chấm dứt những thử thách mà anh chị gặp phải. Chẳng hạn, nói sao nếu anh chị phải tranh đấu với những ý tưởng vô luân? Thay vì chiều theo cám dỗ, hãy cầu nguyện và kháng cự những ham muốn ấy. Nhờ thế, anh chị sẽ củng cố tính tự chủ của mình. Anh chị có đang gặp phải sự chống đối từ một người không cùng đức tin trong gia đình? Thay vì đầu hàng trước áp lực, hãy quyết tâm tiếp tục thờ phượng Đức Giê-hô-va hết lòng. Kết quả là anh chị sẽ càng tin chắc nơi Đức Giê-hô-va. Hãy nhớ rằng: Để được Đức Chúa Trời chấp nhận, chúng ta phải có tính chịu đựng.—Rô 5:3-5; Gia 1:12.

17, 18. (a) Hãy minh họa về tầm quan trọng của việc bền chí chịu đựng cho đến cuối cùng. (b) Khi càng đến gần thời điểm kết thúc, chúng ta có thể tin chắc điều gì?

17 Chúng ta phải chịu đựng không chỉ trong một khoảng thời gian mà phải bền chí chịu đựng cho đến cuối cùng. Để minh họa: Hãy hình dung về một con tàu đang chìm. Để sống sót, các hành khách phải bơi vào bờ. Người nào bỏ cuộc khi chỉ còn cách bờ vài mét cũng mất mạng như những người bỏ cuộc sớm hơn. Tương tự, chúng ta muốn tiếp tục chịu đựng để đến được thế giới mới. Sự sống của chúng ta tùy thuộc vào việc chúng ta chịu đựng. Chúng ta muốn có thái độ giống như sứ đồ Phao-lô, người từng hai lần nói: “Chúng tôi không bỏ cuộc”.—2 Cô 4:1, 16.

18 Chúng ta có thể hoàn toàn tin chắc rằng Đức Giê-hô-va sẽ giúp mình bền chí chịu đựng cho đến cuối cùng. Chúng ta có cùng niềm tin chắc giống Phao-lô, như được miêu tả nơi Rô-ma 8:37-39: “Chúng ta được toàn thắng nhờ đấng đã yêu thương chúng ta. Vì tôi tin chắc rằng ngay cả sự chết, sự sống, thiên sứ, nhà cầm quyền, những điều bây giờ hoặc điều sẽ đến, quyền lực, điều trên cao hoặc dưới thấp, hay bất cứ tạo vật nào khác, cũng không thể ngăn cách chúng ta khỏi tình yêu thương của Đức Chúa Trời được tỏ ra qua Đấng Ki-tô Giê-su, Chúa chúng ta”. Đúng là đôi lúc chúng ta sẽ mệt mỏi. Nhưng mong sao chúng ta bền chí chịu đựng cho đến cuối cùng, để mình có thể được nhắc đến giống như Ghê-đê-ôn và những người theo ông: “Họ cũng cứ rượt theo”.—Quan 8:4.

^ [1] (đoạn 11) Anh chị cũng sẽ được khích lệ khi xem xét sự chịu đựng của dân Đức Chúa Trời trong thời hiện đại. Chẳng hạn, sách Niên giám (Yearbook) năm 1992, 1999 và 2008 có những báo cáo khích lệ về các anh em của chúng ta ở Ethiopia, Malawi và Nga.

^ [2] (đoạn 12) Kinh Thánh không cho biết có bao nhiêu chê-ru-bim được giao nhiệm vụ này.