Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

Giữ sự trung lập trong một thế gian chia rẽ

Giữ sự trung lập trong một thế gian chia rẽ

“Của Đức Chúa Trời hãy trả cho Đức Chúa Trời”.—MAT 22:21.

BÀI HÁT: 33, 137

1. Làm thế nào chúng ta có thể vừa vâng lời Đức Chúa Trời vừa vâng lời các chính phủ loài người?

Kinh Thánh bảo chúng ta vâng lời các chính phủ loài người. Nhưng Lời Đức Chúa Trời cũng dạy rằng chúng ta phải vâng phục Đức Chúa Trời hơn là vâng phục loài người (Công 5:29; Tít 3:1). Điều này có mâu thuẫn không? Hoàn toàn không! Nguyên tắc về sự vâng phục tương đối giúp chúng ta hiểu và làm theo những mệnh lệnh ấy. Chúa Giê-su đã tóm tắt nguyên tắc này như sau: “Thế thì của Sê-sa hãy trả cho Sê-sa, của Đức Chúa Trời hãy trả cho Đức Chúa Trời” [1] (Mat 22:21). Chúng ta làm theo chỉ dẫn của Chúa Giê-su như thế nào? Chúng ta vâng phục uy quyền của chính phủ nơi mình sống bằng cách vâng theo luật pháp của chính phủ, tôn trọng các quan chức chính phủ và nộp các khoản thuế mà chính phủ quy định (Rô 13:7). Tuy nhiên, nếu các bậc cầm quyền bảo chúng ta bất tuân với Đức Chúa Trời, chúng ta từ chối làm theo yêu cầu đó với thái độ tôn trọng.

2. Làm thế nào chúng ta cho thấy mình trung lập trong các vấn đề chính trị của thế gian?

2 Một cách để chúng ta trả cho Đức Chúa Trời điều ngài có quyền nhận được là giữ trung lập trong các vấn đề chính trị của thế gian (Ê-sai 2:4). Do đó, chúng ta không chống đối các chính phủ loài người mà Đức Giê-hô-va cho phép hoạt động, đồng thời cũng không cổ vũ các hoạt động liên quan đến chủ nghĩa dân tộc và ái quốc (Rô 13:1, 2). Chúng ta không vận động hành lang, tham gia các cuộc bầu cử, chạy đua vào chính trường hoặc cố gắng thay đổi chính quyền.

3. Tại sao chúng ta phải giữ trung lập?

3 Kinh Thánh đưa ra một số lý do cho biết tại sao Đức Chúa Trời đòi hỏi chúng ta giữ trung lập. Chẳng hạn, chúng ta làm theo những sự dạy dỗ của Chúa Giê-su Ki-tô và noi gương ngài qua việc “không thuộc về thế gian”, tránh dính líu đến chính trị và chiến tranh của thế gian (Giăng 6:15; 17:16). Để làm thần dân trung thành của Nước Đức Chúa Trời, chúng ta phải giữ trung lập. Nếu không, làm sao chúng ta có thể có một lương tâm trong sạch khi rao giảng rằng chỉ có Nước Đức Chúa Trời mới giải quyết được các vấn đề của nhân loại? Ngoài ra, không giống như những tôn giáo sai lầm chia rẽ các thành viên của họ qua việc can thiệp vào chính trị, sự thờ phượng thật gìn giữ đoàn thể anh em quốc tế của chúng ta qua việc giúp chúng ta giữ trung lập.—1 Phi 2:17.

4. (a) Làm thế nào chúng ta biết rằng việc giữ trung lập sẽ ngày càng khó khăn hơn? (b) Tại sao chúng ta nên chuẩn bị ngay từ bây giờ để giữ trung lập?

4 Ở nơi chúng ta sống, môi trường chính trị có lẽ ổn định và cởi mở với sự thờ phượng thật. Dù vậy, khi thế gian của Sa-tan gần đến hồi kết liễu, vấn đề trung lập có thể sẽ trở nên nổi cộm hơn. Thế gian đầy dẫy những người “cố chấp” và “ngoan cố”. Vì vậy, thế gian sẽ chỉ ngày càng chia rẽ (2 Ti 3:3, 4). Tại một số nước, anh em của chúng ta đã gặp những thử thách bất ngờ liên quan đến sự trung lập của họ vì môi trường chính trị thay đổi nhanh chóng. Anh chị có nhận ra lý do mình cần củng cố quyết tâm giữ trung lập ngay từ bây giờ không? Nếu không chuẩn bị và đợi đến khi gặp một tình huống khó khăn, có thể chúng ta sẽ thỏa hiệp và không giữ được lập trường trung lập. Vậy chúng ta có thể chuẩn bị như thế nào để giữ trung lập trong một thế gian chia rẽ? Hãy xem xét bốn cách để làm thế.

XEM CÁC HỆ THỐNG CHÍNH TRỊ CỦA CON NGƯỜI THEO QUAN ĐIỂM CỦA ĐỨC GIÊ-HÔ-VA

5. Đức Giê-hô-va có quan điểm nào về các hệ thống chính trị của con người?

5 Cách đầu tiên để giữ trung lập là có cùng quan điểm với Đức Giê-hô-va về các hệ thống chính trị. Dù một số hệ thống chính trị có vẻ công bằng nhưng bản thân khái niệm người này cai trị trên người kia không bao giờ là ý định của Đức Giê-hô-va (Giê 10:23). Các hệ thống chính trị của con người cổ vũ chủ nghĩa dân tộc, là điều chia rẽ gia đình nhân loại. Ngay cả những nhà lãnh đạo tốt nhất của con người cũng không thể giải quyết mọi vấn đề. Hơn nữa, kể từ năm 1914, các hệ thống chính trị của thế gian đã trở thành những tổ chức đối địch với Nước Đức Chúa Trời. Nước của ngài sẽ sớm loại bỏ các hệ thống chính trị ấy.—Đọc Thi-thiên 2:2, 7-9.

6. Chúng ta nên đối xử ra sao với những người có quyền hành trong chính phủ?

6 Đức Chúa Trời để cho các hệ thống chính trị của con người tồn tại vì họ có thể duy trì sự ổn định ở một mức độ nào đó. Nhờ thế, chúng ta có thể rao giảng tin mừng về Nước Trời (Rô 13:3, 4). Thậm chí, Đức Chúa Trời bảo chúng ta cầu nguyện cho các bậc cầm quyền, đặc biệt là khi những quyết định của họ có thể sẽ ảnh hưởng đến sự thờ phượng của chúng ta (1 Ti 2:1, 2). Chúng ta có thể thực hiện những bước về mặt pháp lý để xin các bậc cầm quyền giúp mình được đối xử công bằng, giống như sứ đồ Phao-lô đã làm (Công 25:11). Dù Kinh Thánh dạy rằng Sa-tan, kẻ thù của Đức Chúa Trời, có quyền trên các hệ thống chính trị, nhưng Lời Đức Chúa Trời không nói rằng hắn trực tiếp điều khiển mỗi nhà lãnh đạo hay mỗi quan chức (Lu 4:5, 6). Do đó, chúng ta nên tránh ám chỉ rằng một quan chức nào đó nằm dưới quyền Sa-tan. Thay vì thế, trong việc đối xử với “chính phủ cùng các bậc cầm quyền”, chúng ta “không nói xấu ai”.—Tít 3:1, 2.

7. Chúng ta phải tránh lối suy nghĩ nào?

7 Chúng ta vâng lời Đức Chúa Trời qua việc không bao giờ đề cao bất cứ ứng viên hoặc đảng phái nào hơn ứng viên hoặc đảng phái khác, ngay cả khi họ có vẻ ủng hộ những lợi ích của chúng ta. Sự trung lập của chúng ta có thể bị thử thách ra sao về phương diện này? Giả sử có một cuộc nổi dậy với mục tiêu lật đổ một chính phủ gây ra nhiều đau khổ, ngay cả cho dân của Đức Chúa Trời. Dù sẽ không biểu tình với những người nổi dậy, nhưng liệu chúng ta có nghĩ những người nổi dậy là đúng và mong rằng họ sẽ thành công không? (Ê-phê 2:2). Chúng ta phải giữ trung lập không chỉ trong lời nói và hành động mà còn trong lòng mình.

“KHÔN KHÉO” NHƯNG “HIỀN LÀNH”

8. Khi khó giữ trung lập, làm thế nào chúng ta có thể “khôn khéo” và “hiền lành”?

8 Cách thứ hai để giữ trung lập khi đối mặt với các thử thách là “khôn khéo như rắn nhưng phải hiền lành như chim bồ câu”. (Đọc Ma-thi-ơ 10:16, 17). Chúng ta biểu lộ sự “khôn khéo” và giữ sự “hiền lành” qua việc sớm nhận ra những hoàn cảnh nguy hiểm và không để những hoàn cảnh ấy dẫn mình đến việc thỏa hiệp. Hãy xem xét một số thử thách có thể xảy ra và cách chúng ta có thể đối phó.

9. Chúng ta phải cẩn thận về điều gì khi nói chuyện với người khác?

9 Những cuộc nói chuyện. Chúng ta phải thận trọng khi người khác nêu lên các vấn đề chính trị. Chẳng hạn, khi chia sẻ thông điệp Nước Trời, hãy tránh ca ngợi hoặc chỉ trích các chính sách của một đảng phái hay một nhà lãnh đạo. Hãy cố gắng thiết lập điểm chung với chủ nhà qua việc tập trung vào bản chất của vấn đề thay vì bất cứ giải pháp chính trị nào được đưa ra. Sau đó, hãy dùng Kinh Thánh để cho thấy làm thế nào chính phủ của Đức Chúa Trời sẽ giải quyết vấn đề ấy một cách triệt để và vĩnh viễn. Nếu người ta nêu lên những vấn đề như hôn nhân đồng tính hoặc phá thai, hãy bảo vệ các tiêu chuẩn của Đức Chúa Trời và giải thích cách chúng ta vâng giữ những tiêu chuẩn đó trong đời sống của chính mình. Trong khi thảo luận, hãy tuyệt đối giữ trung lập về các khía cạnh liên quan đến chính trị của những chủ đề ấy. Nếu một người nói rằng những luật nào đó nên được ban hành, bãi bỏ hoặc sửa đổi thì chúng ta không ủng hộ hoặc phản đối. Đồng thời, chúng ta cũng không gây áp lực để người khác đồng ý với quan điểm của mình.

10. Khi xem hoặc đọc bất cứ điều gì trên phương tiện truyền thông, làm thế nào chúng ta có thể giữ trung lập?

10 Phương tiện truyền thông. Thông tin đăng tải dưới dạng “tin tức” thường được trình bày theo cách thiên vị và ủng hộ một bên. Các phương tiện truyền thông đôi khi hoạt động như một công cụ của hệ thống chính trị. Các bản tin có thể đưa ra quan điểm thiên vị một cách trắng trợn trong những nước mà phương tiện truyền thông bị kiểm soát chặt chẽ. Nhưng ngay cả các tín đồ đạo Đấng Ki-tô sống tại những nước được gọi là tự do cũng phải cẩn thận để không bắt đầu có cùng quan điểm với một người bình luận tin tức có thiên kiến. Hãy tự hỏi: “Mình có thích nghe một phóng viên nào đó vì mình đồng ý với quan điểm chính trị của người ấy không?”. Nếu vậy, anh chị có thể tìm một nguồn thông tin khách quan hơn. Trong mọi trường hợp, sẽ là khôn ngoan nếu anh chị giới hạn việc tiếp nhận thông tin từ những kênh truyền thông cổ vũ các vấn đề chính trị, đồng thời hãy so sánh những gì anh chị nghe với “khuôn mẫu của sự dạy dỗ đúng đắn” trong Kinh Thánh.—2 Ti 1:13.

11. Tại sao chúng ta có thể khó giữ trung lập nếu quá xem trọng tài sản của mình?

11 Chủ nghĩa vật chất. Nếu quá xem trọng tài sản, chúng ta có nguy cơ thỏa hiệp và đánh mất sự trung lập khi bị thử thách. Chị Ruth ở Malawi đã thấy một số Nhân Chứng làm thế khi họ bị bắt bớ trong thập niên 1970. Chị kể lại: “Họ không thể từ bỏ đời sống tiện nghi. Một số người đã đi lưu đày với chúng tôi nhưng sau đó lại gia nhập đảng phái chính trị và trở về nhà vì họ không muốn chịu đựng đời sống thiếu tiện nghi trong trại tị nạn”. Trái lại, phần lớn dân Đức Chúa Trời đã giữ trung lập dù gặp khó khăn kinh tế hoặc thậm chí mất hết những gì họ có.—Hê 10:34.

12, 13. (a) Đức Giê-hô-va có quan điểm nào về con người? (b) Làm thế nào để biết liệu chúng ta có đang tự hào quá mức về đất nước của mình?

12 Sự tự hào quá mức. Người ta thường khoe khoang về chủng tộc, dân tộc, văn hóa, thành phố hay quốc gia của họ. Nhưng việc tự hào quá mức về dân tộc, văn hóa hay quốc gia sẽ khiến chúng ta đi ngược lại quan điểm của Đức Giê-hô-va về sự cai trị của con người và về gia đình nhân loại. Dĩ nhiên, Đức Chúa Trời không muốn chúng ta từ bỏ văn hóa của mình. Thực tế, những khác biệt về văn hóa cho thấy sự đa dạng tuyệt vời của gia đình nhân loại. Dù vậy, chúng ta phải nhớ rằng mọi người đều bình đẳng trước mắt Đức Chúa Trời.—Rô 10:12.

13 Sự tự hào quá mức về nơi chúng ta xuất thân là trọng tâm của chủ nghĩa dân tộc, và có thể là bước đầu dẫn đến việc thỏa hiệp. Tín đồ đạo Đấng Ki-tô cũng có thể mắc phải vấn đề này. Ngay cả một số tín đồ vào thế kỷ thứ nhất đã phân biệt đối xử với các anh em khác vì quốc tịch của họ (Công 6:1). Làm thế nào chúng ta biết liệu sự tự hào quá mức có đang bén rễ trong lòng mình? Giả sử một anh hoặc chị từ nước khác đưa ra cho anh chị một lời đề nghị. Liệu anh chị có ngay lập tức nghĩ rằng “Ở đây chúng tôi làm tốt hơn” và từ chối lời đề nghị đó? Nếu thế, hãy nhớ lời khuyên được soi dẫn này: “Hãy khiêm nhường xem người khác cao hơn mình”.—Phi-líp 2:3.

ĐỨC GIÊ-HÔ-VA SẼ THÊM SỨC CHO ANH CHỊ

14. Lời cầu nguyện có thể giúp chúng ta ra sao, và ví dụ nào trong Kinh Thánh chứng tỏ điều này?

14 Cách thứ ba để giữ trung lập là xin Đức Giê-hô-va thêm sức cho chúng ta. Hãy cầu xin ngài ban thần khí, là lực có thể giúp anh chị kiên nhẫn và tự chủ. Đây là những phẩm chất cần thiết để đương đầu với một hệ thống chính trị tham nhũng hoặc bất công. Cũng hãy cầu xin Đức Giê-hô-va ban cho anh chị sự khôn ngoan để nhận ra và đối phó với những tình huống có thể khiến mình đánh mất sự trung lập của tín đồ đạo Đấng Ki-tô (Gia 1:5). Nếu anh chị bị bỏ tù hoặc chịu hình phạt khác vì kiên quyết ủng hộ sự thờ phượng thật, hãy cầu xin Đức Giê-hô-va ban cho mình sức mạnh để dạn dĩ bênh vực niềm tin và chịu đựng bất cứ sự ngược đãi nào có thể xảy đến.—Đọc Công vụ 4:27-31.

15. Làm thế nào Kinh Thánh có thể giúp chúng ta giữ trung lập? (Cũng xem khung “Lời Đức Chúa Trời củng cố lòng tin của họ”).

15 Đức Giê-hô-va có thể thêm sức cho anh chị qua Lời ngài. Hãy suy ngẫm về những câu Kinh Thánh sẽ giúp anh chị giữ trung lập khi gặp thử thách. Hãy ghi nhớ những câu ấy ngay bây giờ để chúng có thể nâng đỡ anh chị nếu sau này anh chị không có Kinh Thánh bên mình. Lời Đức Chúa Trời cũng có thể củng cố niềm hy vọng của anh chị nơi những ân phước mà Nước Trời sẽ mang lại trong tương lai. Chúng ta thật sự cần hy vọng này để chịu đựng sự ngược đãi (Rô 8:25). Hãy chọn những đoạn Kinh Thánh miêu tả các ân phước mà anh chị đặc biệt mong đợi, và hình dung chính mình đang hưởng những ân phước này trong địa đàng.

ĐƯỢC LỢI ÍCH TỪ NHỮNG NGƯỜI GIỮ LÒNG TRUNG KIÊN

16, 17. Chúng ta có thể học được gì từ gương của những tôi tớ trung thành đã giữ trung lập? (Xem hình nơi đầu bài).

16 Cách thứ tư sẽ giúp chúng ta giữ trung lập là nghĩ về gương những tôi tớ trung thành của Đức Giê-hô-va. Gương của họ có thể cho chúng ta sự khôn ngoan và sức mạnh cần thiết để chịu đựng. Chẳng hạn, Sa-đơ-rắc, Mê-sác và A-bết-Nê-gô đã từ chối thờ phượng một pho tượng đại diện cho nhà nước Ba-by-lôn. (Đọc Đa-ni-ên 3:16-18). Lời tường thuật về sự quyết tâm của họ đã giúp các Nhân Chứng ngày nay có sự can đảm để từ chối thực hiện những nghi thức quốc gia ở nơi họ sống. Chúa Giê-su cũng giữ tách biệt hoàn toàn với các xung đột về chính trị và xã hội của thế gian. Chúa Giê-su biết rằng gương của ngài sẽ tác động đến những người khác. Thế nên, ngài khuyến giục các môn đồ: “Hãy can đảm lên! Tôi đã thắng thế gian”.—Giăng 16:33.

17 Nhiều Nhân Chứng thời hiện đại đã giữ sự trung lập của mình. Một số bị tra tấn, bỏ tù và thậm chí hy sinh vì đức tin. Gương của họ có thể giúp anh chị giống như cách những gương ấy đã giúp một anh ở Thổ Nhĩ Kỳ tên là Barış. Anh chia sẻ: “Franz Reiter là một anh trẻ bị hành quyết vì từ chối gia nhập quân đội của Hitler. Lá thư anh viết cho mẹ vào đêm trước khi chết đã cho thấy đức tin và lòng tin cậy lớn lao của anh nơi Đức Giê-hô-va. Tôi muốn noi gương anh nếu mình phải đối mặt với một thử thách như thế”. [2]

18, 19. (a) Các anh em trong hội thánh có thể giúp anh chị như thế nào trong việc giữ trung lập? (b) Anh chị quyết tâm làm gì?

18 Các anh em trong hội thánh cũng có thể hỗ trợ anh chị. Hãy cho các trưởng lão biết những thử thách về sự trung lập mà có lẽ anh chị đang gặp phải. Họ có thể cho anh chị lời khuyên khôn ngoan dựa trên Kinh Thánh. Các anh em trong hội thánh sẽ khích lệ anh chị nếu họ biết về những thử thách mà anh chị đang đối mặt. Hãy nhờ họ cầu nguyện cho anh chị. Dĩ nhiên, nếu chúng ta muốn anh em hỗ trợ và cầu nguyện cho mình thì chúng ta cũng nên làm thế cho họ (Mat 7:12). Anh chị có thể tìm thấy trên trang web jw.org danh sách những anh em đang ngồi tù. [3] Hãy chọn tên của một vài người, rồi cầu xin Đức Giê-hô-va giúp họ can đảm và tiếp tục trung thành với ngài.—Ê-phê 6:19, 20.

19 Khi các hệ thống chính trị của thế gian gần đến hồi kết liễu, chúng ta sẽ không ngạc nhiên nếu họ ngày càng khó chấp nhận sự trung thành của chúng ta với Đức Giê-hô-va và Nước của ngài. Thế nên, mong sao chúng ta hãy củng cố lòng quyết tâm ngay bây giờ để giữ sự trung lập trong một thế gian chia rẽ.

^ [1] (đoạn 1) Chúa Giê-su đang nói về một chính phủ khi ngài đề cập đến Sê-sa. Thời điểm đó, Sê-sa là nhà cai trị và là người có quyền lực nhất.

^ [2] (đoạn 17) Xem sách Nhân Chứng Giê-hô-va—Những người rao giảng về Nước Trời (Jehovah’s Witnesses—Proclaimers of God’s Kingdom), trg 662, và khung “Anh hy sinh vì tôn vinh Đức Chúa Trời” nơi chương 14 của sách Nước Đức Chúa Trời đang cai trị!.

^ [3] (đoạn 18) Xem bài “Jehovah’s Witnesses Imprisoned for Their Faith—By Location”. Vào mục NEWSROOM > LEGAL DEVELOPMENTS.