Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

Tại sao chúng ta nên nhóm lại để thờ phượng?

Tại sao chúng ta nên nhóm lại để thờ phượng?

“Hằng ngày họ nhóm lại ở đền thờ”.—CÔNG 2:46.

BÀI HÁT: 20, 119

1-3. (a) Các tín đồ đạo Đấng Ki-tô cho thấy họ háo hức được nhóm lại với nhau như thế nào? (Xem hình nơi đầu bài). (b) Chúng ta sẽ thảo luận điều gì trong bài này?

Khi chị Corinna 17 tuổi, mẹ của chị bị bắt và được đưa tới một trại khổ sai của Xô Viết. Sau đó, bản thân chị bị lưu đày sang Siberia, cách xa nhà hàng ngàn kilômét. Chị bị đối xử như một nô lệ, đôi khi bị buộc phải làm việc ở ngoài trời trong thời tiết rét buốt mà không có quần áo đủ ấm. Bất chấp những hoàn cảnh khắc nghiệt này, chị Corinna và một chị khác đã quyết tâm tham dự một buổi nhóm họp của hội thánh.

2 Chị chia sẻ: “Chúng tôi rời nơi làm việc vào buổi tối và đi bộ 25km để đến ga xe lửa. Chuyến tàu khởi hành lúc hai giờ sáng và chúng tôi ở trên tàu sáu tiếng, rồi xuống xe và đi bộ 10km để đến nơi nhóm họp”. Chuyến đi ấy có đáng công không? Chị Corinna kể lại: “Tại buổi nhóm họp, chúng tôi thảo luận Tháp Canh và hát những bài hát Nước Trời. Điều này giúp chúng tôi được lên tinh thần và củng cố đức tin”. Ba ngày sau, hai chị ấy mới trở lại để làm việc nhưng người quản lý nông trại thậm chí không nhận ra rằng chị Corinna và bạn của chị đã vắng mặt.

3 Dân của Đức Giê-hô-va luôn quý trọng những dịp nhóm lại với nhau. Ngay sau khi hội thánh đạo Đấng Ki-tô được thành lập, hằng ngày các môn đồ của Chúa Giê-su “nhóm lại ở đền thờ” (Công 2:46). Giống như họ, chắc hẳn anh chị cũng có ước muốn đều đặn tham dự các buổi nhóm họp. Dù vậy, tất cả tín đồ đạo Đấng Ki-tô đều phải đương đầu với những trở ngại. Công việc ngoài đời, thời khóa biểu bận rộn hoặc sự mệt mỏi do hoạt động hằng ngày có thể khiến chúng ta khó tham dự các buổi nhóm họp. Vậy, điều gì sẽ thôi thúc chúng ta cố gắng vượt qua những trở ngại đó và duy trì thói quen tham dự các buổi nhóm họp? [1] Làm thế nào chúng ta có thể giúp học viên Kinh Thánh và những người khác thấy được tầm quan trọng của việc tham dự nhóm họp? Trong bài này, chúng ta sẽ xem xét việc tham dự các buổi nhóm họp tác động ra sao đến bản thân anh chị, đến những người khác và đến Đức Giê-hô-va. Khi thảo luận, hãy để ý tám lý do chúng ta cần nhóm lại với nhau để thờ phượng. [2]

ANH CHỊ ĐƯỢC TÁC ĐỘNG THẾ NÀO?

4. Làm thế nào việc nhóm lại với nhau giúp chúng ta học về Đức Giê-hô-va?

4 Các buổi nhóm họp dạy dỗ chúng ta. Mọi buổi nhóm họp ở hội thánh đều giúp chúng ta học về Đức Giê-hô-va, Đức Chúa Trời của chúng ta. Chẳng hạn, gần đây, phần lớn các hội thánh cùng học sách Hãy đến gần Đức Giê-hô-va trong thời gian khoảng hai năm tại Buổi học Kinh Thánh của hội thánh. Chẳng phải việc tìm hiểu về các đức tính của Đức Chúa Trời, cùng với những lời bình luận từ đáy lòng của các anh chị em, đã củng cố tình yêu thương của anh chị dành cho Cha trên trời hay sao? Chúng ta cũng gia tăng sự hiểu biết về Lời của ngài qua việc chú tâm lắng nghe các bài giảng, màn trình diễn và phần đọc Kinh Thánh (Nê 8:8). Hãy nghĩ về những viên ngọc thiêng liêng mà anh chị khám phá mỗi tuần khi chuẩn bị và lắng nghe các điểm Kinh Thánh nổi bật.

5. Các buổi nhóm họp đã giúp anh chị như thế nào trong việc sử dụng những gì mình học từ Kinh Thánh và cải thiện cách rao giảng?

5 Các buổi nhóm họp dạy chúng ta áp dụng những nguyên tắc Kinh Thánh trong mọi khía cạnh của đời sống (1 Tê 4:9, 10). Chẳng hạn, Buổi học Tháp Canh đáp ứng nhu cầu của dân Đức Chúa Trời. Có Buổi học Tháp Canh nào đã thúc đẩy anh chị xem lại mục tiêu của mình, tha thứ cho một anh em đồng đạo hoặc cải thiện chất lượng lời cầu nguyện chưa? Buổi nhóm họp trong tuần huấn luyện chúng ta cách rao giảng tin mừng và dạy dỗ hữu hiệu những nguyên tắc Kinh Thánh.—Mat 28:19, 20.

6. Các buổi nhóm họp khích lệ và giúp chúng ta tiếp tục vững mạnh ra sao?

6 Các buổi nhóm họp khích lệ chúng ta. Thế gian này có thể làm chúng ta suy yếu về tinh thần, cảm xúc và thiêng liêng. Trái lại, các buổi nhóm họp khích lệ và làm chúng ta vững lòng. (Đọc Công vụ 15:30-32). Tại nhiều buổi nhóm họp, chúng ta xem xét lại sự ứng nghiệm của các lời tiên tri trong Kinh Thánh. Nhờ đó, chúng ta càng tin chắc rằng những lời hứa của Đức Giê-hô-va về tương lai cũng sẽ được ứng nghiệm. Dĩ nhiên, không chỉ những anh làm bài trên bục mới khích lệ chúng ta. Các anh em đồng đạo tham gia bình luận và hát từ đáy lòng cũng giúp chúng ta được vững mạnh (1 Cô 14:26). Khi trò chuyện với anh em đồng đạo trước và sau giờ nhóm họp, chúng ta sẽ cảm thấy mình là một phần của hội thánh và được tươi tỉnh thật sự.—1 Cô 16:17, 18.

7. Tại sao việc tham dự các buổi nhóm họp là điều rất quan trọng?

7 Các buổi nhóm họp giúp chúng ta nhận được sự hỗ trợ của thần khí. Chúa Giê-su, đấng đã được vinh hiển, phán rằng: “Ai có tai hãy nghe những gì thần khí nói với các hội thánh” (Khải 2:7). Đúng vậy, Chúa Giê-su dẫn đầu hội thánh đạo Đấng Ki-tô qua thần khí. Chúng ta cần thần khí giúp mình kháng cự cám dỗ và dạn dĩ trong việc rao giảng. Thần khí cũng giúp chúng ta đưa ra những quyết định khôn ngoan. Chẳng phải chúng ta nên tận dụng mọi sự cung cấp, trong đó có các buổi nhóm họp, để nhận được thần khí hay sao?

NGƯỜI KHÁC ĐƯỢC TÁC ĐỘNG RA SAO?

8. Khi anh em thấy chúng ta có mặt tại các buổi nhóm họp, nghe chúng ta bình luận và hát, điều này giúp ích cho họ như thế nào? (Cũng xem khung “Anh luôn ra về với cảm giác tươi tỉnh hơn”).

8 Các buổi nhóm họp cho chúng ta cơ hội bày tỏ tình yêu thương với anh em. Hãy dành thời gian để suy nghĩ về những thử thách mà một số anh chị trong hội thánh đang phải chịu đựng. Không ngạc nhiên gì khi sứ đồ Phao-lô viết: “Hãy quan tâm đến nhau”! Ngay sau đó, ông giải thích rằng chúng ta có thể bày tỏ lòng quan tâm bằng cách “chớ bỏ việc nhóm lại với nhau” (Hê 10:24, 25). Việc tham dự nhóm họp cho thấy anh chị tin rằng anh em đồng đạo xứng đáng nhận được thời gian, sự chú ý và lòng quan tâm của mình. Hơn nữa, anh chị cũng khích lệ các anh em khác khi bình luận và hát từ đáy lòng.Cô 3:16.

9, 10. (a) Hãy giải thích làm thế nào lời của Chúa Giê-su nơi Giăng 10:16 giúp chúng ta hiểu tầm quan trọng của việc nhóm lại với anh em. (b) Khi đều đặn tham dự nhóm họp, chúng ta có thể giúp ích thế nào cho một anh chị bị gia đình từ bỏ?

9 Các buổi nhóm họp giúp chúng ta hợp nhất với anh em đồng đạo. (Đọc Giăng 10:16). Chúa Giê-su ví ngài với người chăn và ví các môn đồ với một bầy chiên. Hãy thử nghĩ: Nếu hai con chiên ở trên núi, hai con ở dưới thung lũng, còn một con khác đang ăn cỏ ở nơi nào đó, liệu chúng ta có miêu tả năm con chiên này là một bầy không? Thông thường, một bầy chiên sẽ ở cùng nhau dưới sự chăm sóc của người chăn. Tương tự thế, chúng ta không thể theo Đấng Chăn Chiên của mình nếu cố tình tự cô lập bản thân. Chúng ta cần nhóm lại với các anh em đồng đạo để thuộc “một bầy” dưới “một người chăn”.

10 Khi tham dự nhóm họp, chúng ta góp phần vào sự hợp nhất của đoàn thể anh em chúng ta (Thi 133:1). Một số anh chị của chúng ta bị cha mẹ hoặc anh chị em ruột chối bỏ. Dù vậy, Chúa Giê-su hứa rằng ngài sẽ ban cho họ một gia đình thiêng liêng yêu thương và quan tâm đến họ (Mác 10:29, 30). Khi đều đặn tham dự nhóm họp, anh chị có thể trở nên giống như một người cha, người mẹ, người anh hoặc người chị đối với những anh chị thân yêu ấy! Chẳng phải điều đó thúc đẩy chúng ta nỗ lực để có mặt tại mỗi buổi nhóm họp sao?

VIỆC CHÚNG TA THAM DỰ NHÓM HỌP TÁC ĐỘNG THẾ NÀO ĐẾN ĐỨC GIÊ-HÔ-VA?

11. Làm thế nào việc tham dự các buổi nhóm họp giúp chúng ta dâng cho Đức Giê-hô-va điều ngài xứng đáng được nhận?

11 Khi tham dự nhóm họp, chúng ta có thể dâng cho Đức Giê-hô-va điều ngài xứng đáng được nhận. Là Đấng Tạo Hóa, Đức Giê-hô-va xứng đáng được chúc tụng, vinh hiển, tạ ơn và tôn kính. (Đọc Khải huyền 7:12). Khi cầu nguyện, hát và nói về Đức Giê-hô-va tại các buổi nhóm họp, chúng ta đang dâng cho ngài điều ngài xứng đáng được nhận, đó là sự thờ phượng của chúng ta. Chúng ta quý trọng đặc ân được tôn kính đấng đã làm cho mình thật nhiều điều.

12. Đức Giê-hô-va cảm thấy thế nào khi chúng ta tham dự các buổi nhóm họp theo mệnh lệnh của ngài?

12 Đức Giê-hô-va cũng xứng đáng được chúng ta vâng lời. Ngài đã ban cho chúng ta mệnh lệnh là không bỏ việc nhóm lại với nhau, đặc biệt trong thời kỳ cuối cùng này. Khi sẵn lòng vâng theo mệnh lệnh đó, chúng ta sẽ làm Đức Giê-hô-va vui lòng (1 Giăng 3:22). Ngài để ý và quý trọng nỗ lực của chúng ta trong việc tham dự mỗi buổi nhóm họp.—Hê 6:10.

13, 14. Tại các buổi nhóm họp, chúng ta đến gần Đức Giê-hô-va và Chúa Giê-su như thế nào?

13 Khi tham dự nhóm họp, chúng ta cho Đức Giê-hô-va thấy chúng ta muốn đến gần ngài và Con ngài. Tại các buổi nhóm họp, Đức Giê-hô-va hướng dẫn chúng ta qua Lời ngài là Kinh Thánh (Ê-sai 30:20, 21). Ngay cả những người không cùng đức tin đến tham dự các buổi nhóm họp có lẽ cũng kết luận rằng: “Quả thật, Đức Chúa Trời ở giữa anh em” (1 Cô 14:23-25). Đức Giê-hô-va ban thần khí cho các buổi nhóm họp và tích cực hướng dẫn chương trình dạy dỗ Kinh Thánh. Thế nên, tại các buổi nhóm họp, chúng ta được nghe tiếng của Đức Giê-hô-va và cảm nhận sự quan tâm đầy yêu thương của ngài. Nhờ đó, chúng ta đến gần ngài.

14 Chúa Giê-su nói: “Nơi nào có hai hoặc ba người nhân danh tôi mà nhóm lại thì có tôi ở giữa họ” (Mat 18:20). Theo nguyên tắc, lời này của Chúa Giê-su áp dụng cho các buổi nhóm họp của chúng ta. Là đầu hội thánh, Chúa Giê-su “bước đi giữa” những hội thánh của dân Đức Chúa Trời (Khải 1:20–2:1). Hãy thử nghĩ: Đức Giê-hô-va và Chúa Giê-su đang tham gia tích cực vào việc làm chúng ta vững mạnh tại các buổi nhóm họp của đạo Đấng Ki-tô. Anh chị nghĩ Đức Giê-hô-va cảm thấy thế nào khi ngài quan sát và thấy chúng ta sốt sắng để đến gần ngài và Con ngài?

15. Tại sao khi tham dự các buổi nhóm họp, chúng ta cho Đức Chúa Trời thấy chúng ta muốn vâng lời ngài?

15 Khi tham dự nhóm họp, chúng ta cho thấy mình ủng hộ quyền tối thượng của Đức Giê-hô-va. Dù Đức Giê-hô-va đã ban mệnh lệnh là chúng ta cần tham dự nhóm họp, nhưng ngài không buộc chúng ta phải làm theo (Ê-sai 43:23). Vì thế, khi chọn vâng theo mệnh lệnh của Đức Giê-hô-va, chúng ta cho thấy mình yêu thương ngài sâu đậm và quyết tâm ủng hộ sự cai trị của ngài (Rô 6:17). Chẳng hạn, có thể chúng ta bị áp lực do người chủ nhất quyết rằng chúng ta phải hy sinh việc đều đặn tham dự các buổi nhóm họp để dành thời gian cho công việc ngoài đời. Có thể chúng ta bị chính phủ chống đối qua việc đe dọa bắt nộp phạt, tống giam hoặc thậm chí qua những hình phạt tệ hơn nữa nếu chúng ta nhóm lại để thờ phượng. Chúng ta cũng có thể bị cám dỗ tham gia vào hoạt động giải trí thay vì tham dự nhóm họp. Trong mỗi trường hợp như thế, chúng ta đối mặt với một sự lựa chọn: Chúng ta sẽ vâng lời ai? (Công 5:29). Khi chọn ủng hộ quyền tối thượng của Đức Giê-hô-va, chúng ta làm ngài vui lòng.—Châm 27:11.

TIẾP TỤC CHUYÊN TÂM NHÓM LẠI VỚI NHAU

16, 17. (a) Làm thế nào chúng ta biết rằng các buổi nhóm họp rất quan trọng với các tín đồ vào thế kỷ thứ nhất? (b) Anh George Gangas cảm thấy thế nào về các buổi nhóm họp đạo Đấng Ki-tô?

16 Sau phép lạ kỳ diệu tại Lễ Ngũ Tuần năm 33 CN, các tín đồ đạo Đấng Ki-tô thời ban đầu không chỉ nhóm lại với nhau một thời gian ngắn. Trái lại, ‘họ chuyên tâm học hỏi nơi các sứ đồ và hằng ngày nhóm lại ở đền thờ’ (Công 2:42, 46). Từ trong tiếng Hy Lạp được dịch là “chuyên tâm” hàm ý sự kiên trì hay bền bỉ trong một đường lối với rất nhiều nỗ lực. Dưới sự cai trị của La Mã và phải đối mặt với sự chống đối từ những nhà lãnh đạo Do Thái giáo, các tín đồ ấy nhận thấy việc tham dự các buổi nhóm họp không phải là điều dễ. Dù vậy, họ vẫn kiên trì làm thế.

17 Nhiều tôi tớ thời nay của Đức Giê-hô-va đã bày tỏ lòng quý trọng sâu xa đối với các buổi nhóm họp đạo Đấng Ki-tô. Anh George Gangas, người là thành viên của Hội đồng Lãnh đạo trong hơn 22 năm, đã chia sẻ: “Đối với tôi, việc họp mặt với anh em là một trong những niềm vui tuyệt vời nhất trong đời và là một nguồn khích lệ. Tôi thích được là một trong những người đầu tiên có mặt tại Phòng Nước Trời và là một trong số những người ra về muộn nhất, nếu có thể được. Tôi cảm thấy vui trong lòng khi nói chuyện với dân của Đức Chúa Trời. Khi ở giữa anh em, tôi cảm thấy thoải mái như ở trong gia đình ruột thịt của mình, trong một địa đàng thiêng liêng”. Anh chia sẻ thêm: “Như la bàn luôn chỉ về hướng bắc, tư tưởng và ước muốn sâu xa của tôi luôn hướng về việc tham dự các buổi nhóm họp”.

18. Anh chị cảm thấy thế nào về các buổi nhóm họp của chúng ta, và anh chị quyết tâm làm gì?

18 Anh chị có cùng cảm nghĩ như thế về việc nhóm lại với nhau để thờ phượng Đức Giê-hô-va không? Vậy, hãy quyết tâm kiên trì, bền bỉ và nỗ lực tham dự các buổi nhóm họp một cách đều đặn. Qua đó, anh chị sẽ cho thấy mình có cùng cảm nghĩ với vua Đa-vít, người từng bày tỏ: “Hỡi Đức Giê-hô-va, tôi ưa nơi-ở của nhà Ngài”.—Thi 26:8.

^ [1] (đoạn 3) Một số anh em đồng đạo của chúng ta không thể tham dự nhóm họp một cách đều đặn do hoàn cảnh nằm ngoài tầm kiểm soát, chẳng hạn như bị bệnh nặng. Họ có thể tin chắc rằng Đức Giê-hô-va hiểu rõ hoàn cảnh và thật sự quý sự thờ phượng hết lòng của họ. Các trưởng lão có thể hỗ trợ để những anh chị ấy nhận được lợi ích từ các chương trình thiêng liêng, có lẽ bằng cách giúp họ kết nối qua điện thoại hoặc thu âm chương trình nhóm họp cho họ.

^ [2] (đoạn 3) Xem khung “Những lý do tham dự các buổi nhóm họp”.