Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

Những ai thể hiện đức tin nơi Đức Chúa Trời sẽ được ngài chấp nhận

Những ai thể hiện đức tin nơi Đức Chúa Trời sẽ được ngài chấp nhận

“Noi gương những người nhờ đức tin và lòng kiên nhẫn mà được hưởng những điều Đức Chúa Trời đã hứa”.—HÊ 6:12.

BÀI HÁT: 86, 54

1, 2. Giép-thê và con gái ông đã đối mặt với thử thách nào?

Sự chờ đợi trong lo âu đã chấm dứt. Nhẹ nhõm khi thấy cha an toàn trở về từ chiến trường, cô gái chạy đến đón cha và mừng vui trước chiến thắng đáng kinh ngạc của ông. Thay vì cùng hát múa với cô, ông xé chiếc áo chiến trận đã vấy bẩn và kêu lên: “Ớ con, than ôi! Con gây cho cha tức tối [“đau xót”, Bản Diễn Ý] quá thay!”. Rồi ông nói ra những lời sẽ thay đổi đời sống cô mãi mãi, làm tan vỡ những ước mơ và hy vọng của cô về một đời sống bình thường. Dù vậy, không hề lưỡng lự, cô đưa ra một lời đáp tuyệt vời, khuyến khích cha mình làm theo điều mà ông đã hứa với Đức Giê-hô-va. Những lời ấy cho thấy cô có đức tin mạnh mẽ. Cô tin tưởng rằng bất cứ điều gì Đức Giê-hô-va đòi hỏi đều là tốt nhất cho cô (Quan 11:34-37). Lòng của cha cô dâng trào niềm tự hào vì ông biết rằng việc con gái tình nguyện ủng hộ quyết định của ông sẽ mang lại sự hài lòng cho Đức Giê-hô-va.

2 Giép-thê và người con gái kính sợ Đức Chúa Trời đã đặt lòng tin cậy nơi đường lối của Đức Giê-hô-va, ngay cả khi không dễ để làm thế. Họ tin chắc rằng việc được Đức Chúa Trời chấp nhận là điều hoàn toàn xứng đáng với bất cứ sự hy sinh nào.

3. Tại sao gương của Giép-thê và con gái ông có thể giúp ích cho chúng ta ngày nay?

3 Thể hiện đức tin nơi Đức Giê-hô-va và giữ lòng trung thành với ngài không phải lúc nào cũng dễ. Thực tế, chúng ta cần phải “tranh đấu vì niềm tin” (Giu 3). Để giúp chúng ta làm thế, hãy xem xét những thử thách mà Giép-thê và con gái ông đã đối phó thành công. Họ đã thể hiện đức tin nơi Đức Giê-hô-va như thế nào?

THỂ HIỆN ĐỨC TIN BẤT CHẤP NHỮNG ẢNH HƯỞNG CỦA THẾ GIAN

4, 5. (a) Đức Giê-hô-va ban cho dân Y-sơ-ra-ên mệnh lệnh nào khi họ vào Đất Hứa? (b) Theo Thi-thiên bài 106, điều gì đã xảy ra cho dân Y-sơ-ra-ên vì sự bất tuân của họ?

4 Hằng ngày, Giép-thê và con gái có thể thấy được những hậu quả tai hại của việc bất trung với Đức Giê-hô-va. Gần 300 năm trước đó, các bậc cha ông của họ đã được lệnh tiêu diệt toàn bộ dân ngoại sống trong Đất Hứa (Phục 7:1-4). Dân Y-sơ-ra-ên đã không vâng theo mệnh lệnh này. Hậu quả là nhiều người trong số họ bắt đầu làm theo đường lối tội lỗi của người Ca-na-an và rơi vào bẫy của việc thờ các thần giả cũng như thực hành những điều vô luân, đồi bại.—Đọc Thi-thiên 106:34-39.

5 Sự phản nghịch đó khiến họ không được Đức Giê-hô-va chấp nhận; ngài không còn bảo vệ và chăm lo cho họ nữa (Quan 2:1-3, 11-15; Thi 106:40-43). Việc giữ trung thành với Đức Giê-hô-va trong những năm tháng khó khăn ấy hẳn là một thách đố cho các gia đình kính sợ Đức Chúa Trời! Dù vậy, Kinh Thánh cho biết vẫn có những người có đức tin, chẳng hạn như Giép-thê và con gái ông, Ên-ca-na, An-ne và Sa-mu-ên. Họ đều quyết tâm được Đức Chúa Trời chấp nhận.—1 Sa 1:20-28; 2:26.

6. Ngày nay có những ảnh hưởng nào đến từ thế gian, và chúng ta phải làm gì?

6 Chúng ta sống trong một thế giới nơi người ta có lối suy nghĩ và hành động tương tự như người Ca-na-an xưa: Họ ca ngợi tình dục và bạo lực cũng như cổ vũ chủ nghĩa vật chất. Đức Giê-hô-va đã cho chúng ta những lời cảnh báo rõ ràng, giống như ngài đã làm với dân Y-sơ-ra-ên, để bảo vệ chúng ta khỏi những ảnh hưởng đó. Chúng ta sẽ rút ra bài học từ những sai lầm của dân Y-sơ-ra-ên không? (1 Cô 10:6-11). Chúng ta phải cố gắng loại bỏ khỏi đời sống mình bất cứ lối suy nghĩ nào giống với người Ca-na-an (Rô 12:2). Chúng ta có đang nỗ lực hết sức để làm thế không?

THỂ HIỆN ĐỨC TIN DÙ BỊ THẤT VỌNG

7. (a) Giép-thê đã bị chính dân tộc của mình đối xử ra sao? (b) Giép-thê đã phản ứng thế nào?

7 Trong thời Giép-thê, sự bất tuân của dân Y-sơ-ra-ên đã dẫn đến việc họ trở thành nô lệ cho người Phi-li-tin và Am-môn (Quan 10:7, 8). Tuy nhiên, những thử thách mà Giép-thê gặp phải không chỉ đến từ những quốc gia thù nghịch, mà còn đến từ chính các anh em của ông và những người dẫn đầu trong nước Y-sơ-ra-ên. Vì lòng ghen tị và thù ghét, các anh em cùng cha khác mẹ đã đuổi ông đi và tước đoạt một cách bất hợp pháp sản nghiệp mà ông có quyền nhận được với tư cách là con đầu lòng (Quan 11:1-3). Dù vậy, Giép-thê đã không để cho hành vi độc ác của họ chi phối thái độ của mình. Thay vì thù hận và lờ đi lời nài xin giúp đỡ của các trưởng lão trong dân sự, ông đã hỗ trợ họ (Quan 11:4-11). Điều gì có lẽ đã thôi thúc Giép-thê hành động như một người có thiêng liêng tính?

8, 9. (a) Những nguyên tắc nào trong Luật pháp Môi-se có lẽ đã giúp ích cho Giép-thê? (b) Đối với Giép-thê, điều gì là quan trọng nhất?

8 Giép-thê không chỉ là một dũng sĩ mà còn là một người hiểu rõ về cách Đức Chúa Trời đối xử với dân ngài. Sự hiểu biết sâu sắc của Giép-thê về lịch sử Y-sơ-ra-ên đã giúp ông có cái nhìn rõ ràng về điều đúng và điều sai theo quan điểm của Đức Giê-hô-va (Quan 11:12-27). Các nguyên tắc của Đức Chúa Trời trong Luật pháp Môi-se đã uốn nắn lối suy nghĩ cũng như tấm lòng của Giép-thê. Ông biết rằng Đức Giê-hô-va không chấp nhận việc nuôi lòng hận thù. Thay vì thế, Đức Chúa Trời đòi hỏi dân ngài phải yêu thương nhau. Luật pháp cũng dạy rằng một người không được phép lờ đi nhu cầu của người khác, ngay cả khi người đó “ghét” mình.—Đọc Xuất Ê-díp-tô Ký 23:5; Lê-vi Ký 19:17, 18.

9 Gương của những người có đức tin như Giô-sép có lẽ cũng ảnh hưởng đến phản ứng của Giép-thê. Giô-sép đã thể hiện lòng thương xót với các anh của mình dù họ “sanh lòng ganh-ghét” chàng (Sáng 37:4; 45:4, 5). Suy ngẫm về những gương như thế có lẽ đã giúp Giép-thê chọn cách hành động làm đẹp lòng Đức Giê-hô-va. Chắc chắn, hạnh kiểm của những người anh em đã làm Giép-thê rất đau lòng nhưng ông vẫn tiếp tục phụng sự Đức Giê-hô-va và phục vụ dân ngài (Quan 11:9). Đối với Giép-thê, cuộc chiến bảo vệ danh Đức Giê-hô-va quan trọng hơn bất cứ mâu thuẫn cá nhân nào. Ông đã quyết tâm thể hiện đức tin nơi Đức Giê-hô-va và điều này mang lại kết quả tốt cho chính ông cũng như cho những người khác.—Hê 11:32, 33.

10. Ngày nay, làm thế nào chúng ta có thể để cho các nguyên tắc của Đức Chúa Trời giúp mình hành động phù hợp với tư cách của một tín đồ?

10 Chúng ta sẽ để gương của Giép-thê động đến lòng mình không? Có lẽ anh em đồng đạo nào đó từng đối xử không tốt với chúng ta hoặc làm chúng ta thất vọng. Nếu vậy, chúng ta không nên để cho những thử thách như thế cản trở mình tham dự các buổi nhóm họp hoặc ngăn chúng ta phụng sự Đức Giê-hô-va và kết hợp một cách trọn vẹn với hội thánh. Noi gương Giép-thê, chúng ta cũng có thể để cho các tiêu chuẩn của Đức Chúa Trời giúp mình vượt qua những hoàn cảnh khó khăn và tiếp tục là một nguồn ảnh hưởng tốt.—Rô 12:20, 21; Cô 3:13.

SỰ HY SINH TÌNH NGUYỆN CHO THẤY ĐỨC TIN CỦA CHÚNG TA

11, 12. Giép-thê đã đưa ra lời hứa nguyện nào, và lời hứa ấy bao hàm điều gì?

11 Giép-thê nhận ra rằng ông cần sự giúp đỡ của Đức Chúa Trời để giải thoát dân Y-sơ-ra-ên khỏi tay người Am-môn. Giép-thê hứa nguyện với Đức Giê-hô-va rằng nếu ngài ban cho ông chiến thắng, ông sẽ dâng cho Đức Giê-hô-va người đầu tiên ra từ trong nhà mình khi ông trở về từ chiến trận. Người ấy sẽ được dâng làm một “của-lễ thiêu” (Quan 11:30, 31). Điều này có nghĩa gì?

12 Việc hy sinh con người làm vật tế lễ là điều Đức Giê-hô-va gớm ghiếc. Do đó, rõ ràng Giép-thê đã không có ý định hy sinh bất cứ ai theo nghĩa đen (Phục 18:9, 10). Dưới Luật pháp Môi-se, một của lễ thiêu được dâng toàn bộ cho Đức Giê-hô-va nên chắc hẳn Giép-thê có ý nói rằng ông sẽ dâng người ấy để phụng sự Đức Chúa Trời một cách chuyên độc. Lời hứa này ám chỉ việc phụng sự tại đền tạm đến hết cuộc đời. Đức Giê-hô-va lắng nghe lời cầu xin của Giép-thê và ban cho ông chiến thắng vang dội, giúp ông đánh bại và bắt phục kẻ thù (Quan 11:32, 33). Nhưng ai sẽ là người được dâng làm “của-lễ thiêu” cho Đức Chúa Trời?

13, 14. Những lời của Giép-thê nơi Các Quan Xét 11:35 cho biết gì về đức tin của ông?

13 Hãy nhớ lại khung cảnh được miêu tả nơi đầu bài. Khi Giép-thê trở về từ chiến trận, người đi ra đón ông không ai khác chính là cô con gái yêu quý và là con duy nhất của ông! Giờ đây, Giép-thê đối mặt với một thử thách. Liệu ông sẽ giữ lời và dâng con gái mình để phụng sự tại đền tạm đến hết đời không?

14 Một lần nữa, các nguyên tắc của Đức Chúa Trời hẳn đã hướng dẫn Giép-thê đưa ra lựa chọn đúng. Có lẽ ông đã nhớ những lời được ghi nơi Xuất Ê-díp-tô Ký 23:19. Những lời ấy chỉ dẫn rằng dân của Đức Giê-hô-va cần sẵn lòng dâng cho ngài những điều tốt nhất mà họ có. Luật pháp cũng nói rằng nếu một người đã hứa nguyện điều gì thì người ấy phải thực hiện. Luật pháp viết như sau: “Khi một người nào có hứa-nguyện cùng Đức Giê-hô-va,... thì chớ nên thất-tín. Mọi lời ra khỏi miệng người, người phải làm theo” (Dân 30:3). Giống như người phụ nữ có đức tin là An-ne, người có lẽ sống cùng thời với ông, Giép-thê phải giữ lời hứa nguyện dù biết rằng điều này sẽ ảnh hưởng đến chính tương lai của mình và của con gái. Ông không có người con nào khác. Cô gái ấy là hy vọng duy nhất để Giép-thê có người nối dõi, là người sẽ mang danh ông và tiếp nhận sản nghiệp của ông tại nước Y-sơ-ra-ên (Quan 11:34). Dù vậy, Các Quan Xét 11:35 kết thúc với lời của Giép-thê: “Cha có mở miệng khấn-nguyện cùng Đức Giê-hô-va, không thế nuốt lời”. Giép-thê đã thể hiện đức tin ngay cả khi phải chịu sự mất mát lớn, điều này đã giúp ông được Đức Chúa Trời chấp nhận và ban phước. Anh chị sẽ đưa ra lựa chọn như thế không?

15. Nhiều người trong chúng ta đã đưa ra lời hứa nguyện nào, và làm thế nào chúng ta có thể chứng tỏ rằng mình có đức tin?

15 Khi dâng đời sống cho Đức Giê-hô-va, chúng ta đã hứa nguyện là mình sẽ hết lòng làm theo ý muốn ngài. Chúng ta biết rằng việc giữ lời hứa ấy đòi hỏi sự hy sinh. Tuy nhiên, tinh thần sẵn lòng của chúng ta đặc biệt bị thử thách khi chúng ta được yêu cầu làm những điều mà mới đầu mình không mấy hứng thú. Khi vượt qua sự lo lắng và sẵn lòng vâng lời Đức Chúa Trời, chúng ta chứng tỏ rằng mình có đức tin. Những ân phước chúng ta nhận được luôn lớn hơn rất nhiều so với bất cứ sự hy sinh nào, dù sự hy sinh đó có thể khiến mình đau lòng (Mal 3:10). Nhưng còn về con gái Giép-thê thì sao?

Bằng cách nào chúng ta có thể biểu lộ đức tin giống như Giép-thê và con gái ông? (Xem đoạn 16, 17)

16. Con gái của Giép-thê đã phản ứng ra sao trước lời hứa của cha mình? (Xem hình nơi đầu bài).

16 Hẳn không dễ cho con gái Giép-thê chấp nhận kết cục của lời mà cha đã hứa nguyện. Lời hứa này khác với lời hứa của An-ne. An-ne hứa dâng con trai của bà là Sa-mu-ên để phụng sự tại đền tạm với tư cách một người Na-xi-rê (1 Sa 1:11). Một người Na-xi-rê có thể kết hôn và sinh con cái. Nhưng con gái Giép-thê được dâng làm một “của-lễ thiêu” trọn vẹn nên cô sẽ không có những niềm vui ấy (Quan 11:37-40). Là con gái của người lãnh đạo và thủ lĩnh thắng trận trong nước Y-sơ-ra-ên, cô có thể được gả cho một người đàn ông ưu tú trong xứ. Nhưng giờ đây cô sẽ trở thành một tôi tớ khiêm nhường tại đền tạm. Cô gái này phản ứng thế nào? Cô đã cho thấy mình đặt việc phụng sự Đức Giê-hô-va lên hàng đầu khi nói: “Cha ôi, nếu cha có mở miệng khấn-nguyện cùng Đức Giê-hô-va, xin hãy làm cho con y như lời ra khỏi miệng cha” (Quan 11:36). Để đẩy mạnh sự thờ phượng thật, cô đã hy sinh những ước muốn tự nhiên là lấy chồng và sinh con cái. Chúng ta có thể noi theo tinh thần hy sinh của cô như thế nào?

17. (a) Chúng ta có thể noi theo đức tin của Giép-thê và con gái ông như thế nào? (b) Những lời được ghi nơi Hê-bơ-rơ 6:10-12 khích lệ anh chị ra sao để có tinh thần hy sinh?

17 Hàng ngàn tín đồ trẻ, cả nam lẫn nữ, tình nguyện hy sinh việc kết hôn hoặc sinh con, ít nhất trong thời điểm hiện tại, để tập trung phụng sự Đức Giê-hô-va nhiều hơn. Nhiều anh chị lớn tuổi cũng đang hy sinh thời gian mà họ có thể dành cho con cháu để tham gia các dự án xây cất thần quyền, hoặc tham dự Trường cho người rao truyền Nước Trời và phụng sự tại những nơi cần nhiều người công bố Nước Trời hơn. Nhiều anh chị khác gạt sang một bên những việc cá nhân để tham gia các đợt rao giảng trong mùa Lễ Tưởng Niệm. Việc phụng sự hết lòng như thế mang lại niềm vui sâu xa cho Đức Giê-hô-va, đấng sẽ không bao giờ quên công việc và tình yêu thương mà những anh chị ấy dành cho ngài. (Đọc Hê-bơ-rơ 6:10-12). Anh chị có thể hy sinh thêm một số điều để phụng sự Đức Giê-hô-va một cách trọn vẹn hơn không?

NHỮNG ĐIỀU CHÚNG TA HỌC ĐƯỢC

18, 19. Chúng ta đã học được gì qua lời tường thuật về Giép-thê và con gái ông, và chúng ta có thể noi gương họ ra sao?

18 Dù cuộc đời của Giép-thê có rất nhiều thử thách nhưng ông đã để cho lối suy nghĩ của Đức Giê-hô-va hướng dẫn mình đưa ra những lựa chọn trong đời sống. Ông kháng cự những ảnh hưởng của thế gian xung quanh. Những nỗi thất vọng cay đắng do người khác gây ra đã không làm suy yếu quyết tâm của ông trong việc thể hiện đức tin. Đức Giê-hô-va ban phước cho Giép-thê và con gái ông vì sự hy sinh tình nguyện của họ. Ngài đã dùng cả hai người để đẩy mạnh sự thờ phượng thanh sạch. Vào thời điểm mà những người khác từ bỏ các tiêu chuẩn của Đức Chúa Trời, Giép-thê và con gái ông vẫn bám chặt lấy các tiêu chuẩn ấy.

19 Kinh Thánh khuyến giục chúng ta “noi gương những người nhờ đức tin và lòng kiên nhẫn mà được hưởng những điều Đức Chúa Trời đã hứa” (Hê 6:12). Mong sao chúng ta noi gương Giép-thê và con gái ông qua việc sống phù hợp với một sự thật trọng yếu mà đời sống của họ nêu bật: Những ai thể hiện đức tin nơi Đức Chúa Trời sẽ được ngài chấp nhận.