Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

Anh chị đưa ra các quyết định cá nhân dựa trên điều gì?

Anh chị đưa ra các quyết định cá nhân dựa trên điều gì?

“Hãy tiếp tục tìm hiểu để biết ý muốn của Đức Giê-hô-va”.—Ê-PHÊ 5:17.

BÀI HÁT: 69, 57

1. Một số điều luật và mệnh lệnh trong Kinh Thánh là gì, và làm theo những điều luật và mệnh lệnh trong Lời Đức Chúa Trời mang lại lợi ích nào cho chúng ta?

Qua Lời ngài, Đức Giê-hô-va đã ban cho chúng ta các điều luật cụ thể. Chẳng hạn, ngài cấm sự gian dâm, thờ thần tượng, trộm cắp và say sưa (1 Cô 6:9, 10). Ngoài ra, Chúa Giê-su Ki-tô, Con Đức Chúa Trời, đã ban cho các môn đồ một mệnh lệnh đầy hào hứng nhưng cũng không kém phần thử thách: “Hãy đi dạy dỗ muôn dân trở thành môn đồ tôi, làm báp-têm cho họ nhân danh Cha, Con và thần khí, và dạy họ giữ mọi điều mà tôi đã truyền cho anh em. Này! Tôi sẽ luôn ở cùng anh em cho đến khi thời đại này kết thúc” (Mat 28:19, 20). Những điều luật và mệnh lệnh của Đức Chúa Trời thật sự bảo vệ chúng ta! Việc tuân theo những điều luật và mệnh lệnh ấy đã giúp chúng ta gia tăng lòng tự trọng, có sức khỏe tốt hơn và củng cố hạnh phúc gia đình. Quan trọng hơn, khi trung thành làm theo các mệnh lệnh của Đức Giê-hô-va, trong đó có mệnh lệnh rao giảng, chúng ta được ngài chấp nhận và ban phước.

2, 3. (a) Tại sao Kinh Thánh không cung cấp cho chúng ta các điều luật cho mọi tình huống trong đời sống? (b) Bài này sẽ xem xét những câu hỏi nào? (Xem hình nơi đầu bài).

2 Tuy nhiên, có nhiều tình huống mà Kinh Thánh không đưa ra mệnh lệnh cụ thể. Chẳng hạn, Kinh Thánh không có những điều luật chi tiết về loại quần áo thích hợp cho tín đồ đạo Đấng Ki-tô. Điều này phản ánh sự khôn ngoan của Đức Giê-hô-va như thế nào? Các kiểu ăn mặc cũng như tập quán về thời trang không chỉ có sự khác biệt giữa các nơi trên thế giới mà còn giữa thập kỷ trước và thập kỷ sau. Nếu Kinh Thánh đưa ra danh sách những kiểu ăn mặc và ngoại diện phù hợp thì ngày nay danh sách đó sẽ bị lỗi thời. Vì lý do tương tự, Lời Đức Chúa Trời không đưa ra nhiều điều luật chi phối lựa chọn của một tín đồ về việc làm, chăm sóc sức khỏe và giải trí. Do đó, các cá nhân và người làm đầu gia đình được tự do lựa chọn trong những vấn đề ấy.

3 Phải chăng điều này có nghĩa là khi đứng trước những quyết định lớn mà có lẽ sẽ ảnh hưởng nhiều đến đời sống của mình, những gì chúng ta chọn làm không quan trọng với Đức Giê-hô-va? Liệu Cha trên trời có chấp nhận bất cứ quyết định nào của chúng ta, miễn là quyết định ấy không vi phạm điều luật trong Kinh Thánh? Khi không có những điều luật cụ thể, làm sao chúng ta có thể biết lựa chọn nào sẽ làm vui lòng Đức Giê-hô-va?

CÁC QUYẾT ĐỊNH CÁ NHÂN CÓ QUAN TRỌNG KHÔNG?

4, 5. Các quyết định của chúng ta có thể ảnh hưởng thế nào đến chính mình và người khác?

4 Một số người nghĩ rằng họ có thể làm bất cứ điều gì mình muốn. Tuy nhiên, chúng ta muốn làm Đức Giê-hô-va vui lòng. Thế nên, trước khi đưa ra một quyết định, chúng ta cần xem xét các điều luật cũng như nguyên tắc trong Lời ngài và làm theo. Chẳng hạn, để được Đức Chúa Trời chấp nhận, chúng ta phải hành động phù hợp với điều luật của ngài về máu (Sáng 9:4; Công 15:28, 29). Chúng ta có thể cầu xin Đức Giê-hô-va giúp mình đưa ra những quyết định khôn ngoan và làm vui lòng ngài.

5 Những quyết định cá nhân quan trọng có thể ảnh hưởng nhiều đến tình trạng thiêng liêng của chúng ta. Mỗi lựa chọn của chúng ta rất có thể sẽ tác động tốt hoặc xấu đến mối quan hệ của mình với Đức Giê-hô-va. Một quyết định khôn ngoan sẽ củng cố mối quan hệ của chúng ta với Đức Chúa Trời, trong khi một quyết định dại dột có thể sẽ hủy hoại mối quan hệ ấy. Hơn nữa, một quyết định thiếu khôn ngoan có thể làm người khác bị tổn hại về thiêng liêng qua việc khiến người ấy mất bình an hay thậm chí bị vấp ngã, hoặc làm ảnh hưởng đến sự hợp nhất trong hội thánh. Quả thật, các quyết định cá nhân của chúng ta rất quan trọng.—Đọc Rô-ma 14:19; Ga-la-ti 6:7.

6. Chúng ta nên dựa vào điều gì khi đưa ra các quyết định?

6 Chúng ta nên làm gì trong những tình huống mà Kinh Thánh không có mệnh lệnh cụ thể? Trong những hoàn cảnh như thế, chính chúng ta có trách nhiệm xem xét các chi tiết và đưa ra lựa chọn, không phải chỉ dựa vào ý thích riêng mà dựa vào những gì Đức Giê-hô-va sẽ chấp nhận và ban phước.—Đọc Thi-thiên 37:5.

TÌM HIỂU ĐỂ BIẾT Ý MUỐN CỦA ĐỨC GIÊ-HÔ-VA

7. Khi không có điều luật trong Kinh Thánh về một tình huống nhất định, bằng cách nào chúng ta có thể biết được điều Đức Giê-hô-va muốn chúng ta làm?

7 Có lẽ anh chị thắc mắc: “Làm thế nào chúng ta có thể biết Đức Giê-hô-va chấp nhận điều gì nếu Lời ngài không đưa ra mệnh lệnh cụ thể về vấn đề đó?”. Ê-phê-sô 5:17 nói: “Hãy tiếp tục tìm hiểu để biết ý muốn của Đức Giê-hô-va”. Khi không có một điều luật cụ thể trong Kinh Thánh, bằng cách nào chúng ta có thể nhận biết được ý muốn của Đức Chúa Trời? Đó là cầu nguyện với ngài và chấp nhận sự hướng dẫn của ngài qua thần khí.

8. Làm thế nào Chúa Giê-su nhận biết điều Đức Giê-hô-va muốn ngài làm? Hãy cho ví dụ.

8 Hãy xem xét cách Chúa Giê-su nhận biết điều Cha muốn ngài làm. Trong hai dịp được Kinh Thánh ghi lại, Chúa Giê-su đã cầu nguyện trước tiên và sau đó làm phép lạ để cung cấp đồ ăn cho đoàn dân đông (Mat 14:17-20; 15:34-37). Dù vậy, ngài đã từ chối biến đá thành bánh khi bị Kẻ Quỷ Quyệt cám dỗ tại hoang mạc trong lúc đói bụng. (Đọc Ma-thi-ơ 4:2-4). Vì quen thuộc với quan điểm của Cha, Chúa Giê-su biết rằng ngài không nên biến đá thành bánh. Đúng vậy, Chúa Giê-su nhận biết rằng Đức Chúa Trời không muốn ngài dùng quyền năng được ban để phục vụ cho lợi ích riêng. Qua việc từ chối làm thế, Chúa Giê-su cho thấy ngài tin chắc rằng Đức Giê-hô-va sẽ hướng dẫn và ban cho thức ăn khi ngài cần.

9, 10. Điều gì sẽ giúp chúng ta đưa ra những quyết định khôn ngoan? Hãy minh họa.

9 Nếu muốn đưa ra những quyết định khôn ngoan, giống như Chúa Giê-su đã làm, chúng ta phải nương cậy nơi sự hướng dẫn của Đức Giê-hô-va. Chúng ta cần hành động phù hợp với những lời khôn ngoan sau: “Hãy hết lòng tin-cậy Đức Giê-hô-va, chớ nương-cậy nơi sự thông-sáng của con; phàm trong các việc làm của con, khá nhận-biết Ngài, thì Ngài sẽ chỉ-dẫn các nẻo của con. Chớ khôn-ngoan theo mắt mình; hãy kính-sợ Đức Giê-hô-va, và lìa-khỏi sự ác” (Châm 3:5-7). Khi biết quan điểm của Đức Giê-hô-va qua việc học Kinh Thánh, chúng ta có thể nhận ra điều ngài muốn chúng ta làm trong một tình huống cụ thể. Càng quen thuộc với quan điểm của Đức Giê-hô-va, lòng chúng ta sẽ càng dễ nhận biết sự hướng dẫn của ngài.—Giê 31:33.

10 Để minh họa: Hãy hình dung một người vợ đang đi mua sắm. Chị thấy một đôi giày và muốn mua, nhưng đôi giày đó rất đắt tiền. Thế nên, chị tự hỏi: “Chồng mình sẽ cảm thấy thế nào nếu mình tiêu nhiều tiền đến vậy?”. Rất có thể chị biết câu trả lời dù chồng không đi cùng với chị. Tại sao chị biết? Vì qua một khoảng thời gian, chị đã quen thuộc với quan điểm của chồng về ngân sách chi tiêu có hạn của gia đình. Nhờ đó, chị nhận ra suy nghĩ của anh về việc mua một món đồ như thế. Tương tự, khi chúng ta ngày càng quen thuộc với quan điểm và đường lối của Đức Giê-hô-va, chúng ta càng nhận biết rõ hơn về điều Cha trên trời muốn chúng ta làm trong những hoàn cảnh khác nhau.

LÀM THẾ NÀO ANH CHỊ CÓ THỂ BIẾT ĐƯỢC QUAN ĐIỂM CỦA ĐỨC GIÊ-HÔ-VA?

11. Chúng ta có thể tự hỏi những câu hỏi nào khi đọc hoặc học Kinh Thánh? (Xem khung “ Khi học Lời Đức Chúa Trời, hãy tự hỏi”).

11 Để biết quan điểm của Đức Giê-hô-va, chúng ta cần ưu tiên cho việc học hỏi cá nhân. Khi đọc hoặc học Lời Đức Chúa Trời, chúng ta có thể tự hỏi: “Điều này cho biết gì về Đức Giê-hô-va, đường lối công chính và quan điểm của ngài?”. Chúng ta cần có thái độ như người viết Thi-thiên là Đa-vít. Ông hát: “Hỡi Đức Giê-hô-va, xin cho tôi biết các đường-lối Ngài, và dạy-dỗ tôi các nẻo-đàng Ngài. Xin hãy dẫn tôi trong lẽ thật của Ngài, và dạy-dỗ tôi, vì Ngài là Đức Chúa Trời về sự cứu-rỗi tôi, hằng ngày tôi trông-đợi Ngài” (Thi 25:4, 5). Khi suy ngẫm về một đoạn Kinh Thánh, anh chị có thể xem xét các câu hỏi như: “Bằng cách nào mình có thể áp dụng thông tin này trong gia đình? Mình có thể áp dụng thông tin ấy ở đâu? Ở nhà? Ở chỗ làm? Ở trường học? Trong thánh chức?”. Khi xác định thông tin ấy có thể được áp dụng ở đâu, có lẽ chúng ta sẽ dễ nhận ra cách áp dụng.

12. Làm thế nào các ấn phẩm và buổi nhóm họp có thể giúp chúng ta biết được quan điểm của Đức Giê-hô-va về các vấn đề khác nhau?

12 Một cách khác để trở nên quen thuộc hơn với quan điểm của Đức Giê-hô-va là chú tâm đến sự hướng dẫn dựa trên Kinh Thánh do tổ chức của ngài cung cấp. Chẳng hạn, THƯ VIỆN TRỰC TUYẾN Tháp Canh Cẩm nang tra cứu của Nhân Chứng Giê-hô-va được cung cấp để giúp chúng ta tìm hiểu quan điểm của Đức Giê-hô-va về nhiều tình huống đòi hỏi mình phải đưa ra các quyết định cá nhân. Chúng ta cũng được lợi ích nhiều khi chú ý lắng nghe tại các buổi nhóm họp và tham gia bình luận. Suy ngẫm về nội dung đang được dạy dỗ sẽ giúp chúng ta hiểu rõ hơn về quan điểm của Đức Giê-hô-va và có cùng suy nghĩ với ngài. Qua việc chăm chỉ tận dụng những sự cung cấp của Đức Giê-hô-va để nuôi dưỡng mình về thiêng liêng, chúng ta sẽ ngày càng quen thuộc với đường lối của ngài. Nhờ thế, chúng ta có thể đưa ra các quyết định cá nhân mà sẽ được Đức Chúa Trời ban phước.

HÃY ĐỂ QUAN ĐIỂM CỦA ĐỨC GIÊ-HÔ-VA HƯỚNG DẪN ANH CHỊ TRONG VIỆC ĐƯA RA QUYẾT ĐỊNH

13. Nêu ví dụ cho thấy chúng ta có thể có một quyết định khôn ngoan ra sao khi xem xét quan điểm của Đức Giê-hô-va.

13 Hãy xem xét một ví dụ cho thấy sự hiểu biết về quan điểm của Đức Giê-hô-va có thể giúp chúng ta ra sao trong việc đưa ra những quyết định khôn ngoan. Là những người công bố về Nước Trời, có lẽ chúng ta muốn phụng sự trọn thời gian với tư cách tiên phong đều đều. Để có thể làm thế, chúng ta bắt đầu thực hiện những bước đơn giản hóa đời sống. Nhưng có lẽ chúng ta cũng lo lắng không biết liệu mình có thể thật sự hạnh phúc khi có ít của cải vật chất hơn không. Dĩ nhiên, Kinh Thánh không có mệnh lệnh nào nói rằng chúng ta phải làm tiên phong. Chúng ta có thể tiếp tục phụng sự Đức Giê-hô-va với tư cách là những người công bố trung thành. Tuy nhiên, Chúa Giê-su đảm bảo với chúng ta rằng những ai hy sinh cho Nước Trời sẽ nhận được nhiều ân phước. (Đọc Lu-ca 18:29, 30). Hơn nữa, Kinh Thánh cho thấy Đức Giê-hô-va vui lòng khi chúng ta tình nguyện dâng cho ngài “lễ lạc-ý của miệng” và vui mừng làm mọi điều có thể để đẩy mạnh sự thờ phượng thật (Thi 119:108; 2 Cô 9:7). Chẳng phải việc xem xét những điểm Kinh Thánh này và cầu xin sự hướng dẫn của Đức Giê-hô-va sẽ giúp chúng ta nhận thấy rõ quan điểm của ngài sao? Khi suy ngẫm về những điểm ấy, chúng ta có thể đưa ra một quyết định thực tế, phù hợp với tình huống của mình và sẽ được Cha trên trời ban phước.

14. Làm thế nào anh chị có thể biết liệu một kiểu ăn mặc nào đó có làm Đức Giê-hô-va hài lòng?

14 Hãy xem một ví dụ khác: Giả sử anh chị thích một kiểu ăn mặc mà rất có thể sẽ khiến một số anh chị trong hội thánh cảm thấy khó chịu. Dù vậy, có lẽ anh chị biết không có điều luật cụ thể nào trong Kinh Thánh ngăn cấm việc đó. Đức Giê-hô-va có quan điểm nào về vấn đề này? Sứ đồ Phao-lô được soi dẫn để đưa ra lời khuyên sau: “Người nữ hãy ăn mặc tươm tất, với lòng khiêm tốn và biết suy xét, chứ không phải với kiểu tóc cầu kỳ, vàng ngọc hay những y phục quá đắt tiền, nhưng làm đẹp theo cách thích hợp với người nữ nhận mình thờ phượng Đức Chúa Trời, tức qua những việc làm tốt lành” (1 Ti 2:9, 10). Về nguyên tắc, lời khuyên này cũng áp dụng cho các nam tín đồ. Là tôi tớ của Đức Giê-hô-va, chúng ta không chỉ quan tâm đến ý thích riêng mà còn quan tâm đến cách ăn mặc và ngoại diện của mình có thể ảnh hưởng ra sao đến người khác. Sự khiêm tốn và tình yêu thương thôi thúc chúng ta nghĩ đến quan điểm của anh em đồng đạo để tránh làm họ phân tâm hay thậm chí cảm thấy bị xúc phạm (1 Cô 10:23, 24; Phi-líp 3:17). Ghi nhớ điều Kinh Thánh nói có thể giúp chúng ta nhận ra quan điểm của Đức Giê-hô-va về vấn đề ấy, đồng thời giúp chúng ta đưa ra những quyết định làm vui lòng ngài.

15, 16. (a) Đức Giê-hô-va cảm thấy thế nào nếu chúng ta tiếp tục nghĩ về những điều vô luân? (b) Khi lựa chọn các nội dung giải trí, bằng cách nào chúng ta có thể biết điều gì làm vui lòng Đức Giê-hô-va? (c) Khi đứng trước những quyết định quan trọng, chúng ta nên làm gì?

15 Kinh Thánh cho biết Đức Giê-hô-va thấy buồn khi con người theo đuổi đường lối gian ác và “các ý-tưởng của lòng họ chỉ là xấu luôn”. (Đọc Sáng-thế Ký 6:5, 6). Điều này giúp chúng ta nhận ra rằng tơ tưởng về tình dục vô luân là sai trái và không phù hợp với quan điểm của Đức Giê-hô-va. Thực tế, việc tiếp tục tơ tưởng về tình dục vô luân có thể dẫn đến tội trọng mà Kinh Thánh ngăn cấm. Môn đồ Gia-cơ viết: “Sự khôn ngoan từ trên thì trước tiên là trong sạch, rồi đến hòa thuận, phải lẽ, sẵn sàng vâng lời, đầy dẫy lòng thương xót và các bông trái tốt, không thiên vị cũng chẳng đạo đức giả” (Gia 3:17). Ý thức về điều này nên thôi thúc chúng ta tránh loại giải trí khơi dậy những ý nghĩ và ham muốn không lành mạnh. Các tín đồ nhận biết được ý muốn của Đức Giê-hô-va sẽ không cần phải hỏi xem mình có thể giải trí qua việc đọc một cuốn sách, xem một bộ phim hoặc chơi một trò chơi mà có những điều ngài ghét hay không. Lời Đức Chúa Trời cho biết rõ quan điểm của ngài.

16 Nhiều vấn đề có thể được quyết định theo cách này hay cách khác và đều làm vui lòng Đức Giê-hô-va. Dù vậy, trong những vấn đề quan trọng, đôi lúc sẽ là khôn ngoan nếu xin lời khuyên từ các trưởng lão hoặc các tín đồ có kinh nghiệm (Tít 2:3-5; Gia 5:13-15). Dĩ nhiên, sẽ không thích hợp để nhờ người khác quyết định thay cho mình. Các tín đồ đạo Đấng Ki-tô phải rèn luyện và vận dụng khả năng nhận thức (Hê 5:14). Tất cả chúng ta nên hành động phù hợp với lời được soi dẫn của Phao-lô: “Mỗi người sẽ tự gánh lấy trách nhiệm riêng”.—Ga 6:5.

17. Khi đưa ra những quyết định làm vui lòng Đức Giê-hô-va, chúng ta được lợi ích ra sao?

17 Khi quyết định dựa trên quan điểm của Đức Giê-hô-va, chúng ta đến gần ngài hơn, đồng thời được ngài chấp nhận và ban phước (Gia 4:8). Điều này củng cố đức tin của chúng ta nơi Cha trên trời. Do đó, chúng ta hãy để các điều luật và nguyên tắc của Kinh Thánh hướng dẫn mình, vì những điều luật và nguyên tắc ấy cho biết quan điểm của Đức Giê-hô-va về các vấn đề. Dĩ nhiên, chúng ta sẽ luôn có những điều mới để học về Đức Giê-hô-va (Gióp 26:14). Nhưng nếu nỗ lực học về ngài, ngay bây giờ chúng ta có thể có được sự khôn ngoan, tri thức và thông sáng cần thiết để đưa ra những quyết định sáng suốt (Châm 2:1-5). Ý tưởng và kế hoạch của con người bất toàn sẽ đến và đi, nhưng người viết Thi-thiên nhắc chúng ta rằng: “Mưu của Đức Giê-hô-va được vững lập đời đời, ý-tưởng của lòng Ngài còn đời nầy sang đời kia” (Thi 33:11). Rõ ràng, mỗi chúng ta có thể đưa ra những quyết định tốt nhất khi suy nghĩ và hành động phù hợp với quan điểm của Đức Giê-hô-va, Đức Chúa Trời khôn ngoan tột bậc.