Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

Bênh vực tin mừng trước các quan chức cấp cao

Bênh vực tin mừng trước các quan chức cấp cao

“Tôi đã chọn người này để mang danh tôi đến dân ngoại, cùng các vua” (Công 9:15). Đây là lời Chúa Giê-su nói về một người mới cải sang đạo Đấng Ki-tô, người Do Thái mà sau này được biết đến là sứ đồ Phao-lô.

Một trong “các vua” ấy là Nê-rô, hoàng đế La Mã. Hãy thử hình dung anh chị sẽ cảm thấy thế nào nếu phải bênh vực đức tin trước một nhà cai trị như thế. Dù vậy, các tín đồ được khuyến khích bắt chước Phao-lô (1 Cô 11:1). Một cách mà chúng ta có thể làm thế là xem xét những kinh nghiệm của Phao-lô liên quan đến hệ thống pháp lý trong thời của ông.

Luật pháp Môi-se là luật pháp của nước Y-sơ-ra-ên và là chuẩn mực đạo đức cho những người Do Thái tin kính ở mọi nơi. Sau Lễ Ngũ Tuần năm 33 CN, những người thờ phượng chân chính không bị buộc phải giữ Luật pháp Môi-se (Công 15:28, 29; Ga 4:9-11). Dù vậy, Phao-lô và các tín đồ khác vẫn nói về Luật pháp một cách tôn trọng. Họ đã có thể làm chứng trong nhiều cộng đồng người Do Thái mà không bị cản trở (1 Cô 9:20). Thực tế, Phao-lô đã nhiều lần đến các nhà hội, nơi mà ông có thể làm chứng cho những người đã biết về Đức Chúa Trời của Áp-ra-ham, cũng như cho những người mà ông có thể lý luận dựa trên phần Kinh Thánh tiếng Hê-bơ-rơ.—Công 9:19, 20; 13:5, 14-16; 14:1; 17:1, 2.

Các sứ đồ chọn Giê-ru-sa-lem là trung tâm đầu tiên để hướng dẫn công việc rao giảng. Họ thường xuyên dạy dỗ ở đền thờ (Công 1:4; 2:46; 5:20). Thỉnh thoảng Phao-lô đi đến Giê-ru-sa-lem, và sau này ông đã bị bắt ở đó. Sự việc ấy khởi đầu một tiến trình pháp lý mà cuối cùng đã khiến ông bị giải tới Rô-ma.

PHAO-LÔ VÀ LUẬT PHÁP LA MÃ

Các bậc cầm quyền La Mã có quan điểm ra sao về những niềm tin mà Phao-lô rao giảng? Để trả lời, hãy lưu ý đến quan điểm của người La Mã đối với tôn giáo nói chung. Họ không ép những nhóm sắc tộc khác nhau thuộc đế quốc của mình phải từ bỏ tôn giáo riêng, trừ khi điều đó có vẻ là mối nguy hiểm cho nhà nước hoặc gây ảnh hưởng xấu về đạo đức.

Người Do Thái trong đế quốc La Mã được chính phủ ban cho nhiều quyền. Một cuốn sách về xã hội của các tín đồ Đấng Ki-tô thời ban đầu (Backgrounds of Early Christianity) cho biết: “Do Thái giáo được hưởng một địa vị đặc biệt trong đế quốc La Mã... Người Do Thái được tự do thực hành tín ngưỡng và được miễn thờ các thần của nước La Mã. Họ có thể kiểm soát đời sống trong cộng đồng của họ dựa trên luật pháp riêng”. Họ cũng không phải tham gia nghĩa vụ quân sự. * Phao-lô đã tận dụng sự bảo vệ của luật pháp La Mã đối với Do Thái giáo khi ông bênh vực đạo Đấng Ki-tô trước các bậc cầm quyền La Mã.

Những kẻ chống đối Phao-lô cố dùng nhiều cách để khiến dân thường và các bậc cầm quyền chống lại sứ đồ ấy (Công 13:50; 14:2, 19; 18:12, 13). Hãy xem một trường hợp. Các trưởng lão ở hội thánh Giê-ru-sa-lem nghe một tin đồn đang lan rộng trong vòng người Do Thái rằng Phao-lô rao truyền việc “phải bỏ Luật pháp Môi-se”. Những chuyện như thế có thể khiến một số người Do Thái mới cải sang đạo Đấng Ki-tô nghĩ rằng Phao-lô không tôn trọng sự sắp đặt của Đức Chúa Trời. Ngoài ra, Tòa Tối Cao có thể tuyên bố đạo Đấng Ki-tô là một sự bội đạo khỏi Do Thái giáo. Nếu điều đó xảy ra thì những người Do Thái kết hợp với tín đồ đạo Đấng Ki-tô có thể bị trừng phạt. Họ sẽ bị xã hội ruồng bỏ và bị cấm rao giảng trong đền thờ hoặc nhà hội. Do đó, các trưởng lão trong hội thánh khuyên Phao-lô chứng minh rằng những lời đồn đại ấy là vô căn cứ qua việc vào đền thờ và làm một điều mà Đức Chúa Trời không đòi hỏi, nhưng cũng không có gì sai.—Công 21:18-27.

Phao-lô đã làm thế, và điều này dẫn đến cơ hội “bênh vực và tìm cách hợp pháp hóa quyền rao giảng tin mừng” (Phi-líp 1:7). Tại đền thờ, những người Do Thái gây náo loạn và muốn giết Phao-lô. Viên chỉ huy La Mã đến bắt Phao-lô. Khi sắp bị đánh đập, Phao-lô tiết lộ rằng ông là một công dân La Mã. Điều này dẫn đến việc ông bị giải tới Sê-sa-rê, là nơi chính quyền La Mã quản trị xứ Giu-đa. Tại đây, ông có những cơ hội đặc biệt để can đảm làm chứng trước các bậc cầm quyền. Rất có thể điều này giúp cho những người có lẽ chưa biết nhiều về đạo Đấng Ki-tô nay được biết rõ hơn.

Chương 24 của sách Công vụ miêu tả vụ Phao-lô bị xét xử trước Phê-lích, quan tổng đốc La Mã quản trị xứ Giu-đa, là người đã nghe ít nhiều về niềm tin của tín đồ đạo Đấng Ki-tô. Những người Do Thái cáo buộc Phao-lô vi phạm luật của La Mã ít nhất trong ba cách. Họ nói rằng ông xúi giục người Do Thái khắp đế quốc nổi loạn, cầm đầu một giáo phái nguy hiểm và cố xúc phạm đến đền thờ, là nơi nằm dưới sự bảo vệ của La Mã vào thời đó (Công 24:5, 6). Những lời cáo buộc này có thể dẫn đến việc ông bị kết án tử hình.

Các tín đồ đạo Đấng Ki-tô thời nay nên quan tâm đến cách Phao-lô đối phó với những lời cáo buộc ấy. Ông đã giữ được sự bình tĩnh và thể hiện lòng tôn trọng. Ông nhắc đến Luật pháp và các sách tiên tri, đồng thời khẳng định rằng ông có quyền thờ phượng ‘Đức Chúa Trời của tổ phụ mình’. Đó là một quyền mà những người Do Thái khác đều có, theo luật pháp La Mã (Công 24:14). Với thời gian, Phao-lô đã có thể bênh vực và công khai đức tin của mình trước quan tổng đốc kế tiếp là Bốt-kiu Phê-tô, cũng như trước vua Hê-rốt A-ríp-ba.

Cuối cùng, để được xét xử công bằng, Phao-lô nói: “Tôi kháng án lên Sê-sa!”. Thời bấy giờ, Sê-sa là nhà cai trị quyền lực nhất.—Công 25:11.

VỤ XÉT XỬ PHAO-LÔ TRONG PHIÊN TÒA CỦA SÊ-SA

Sau này, một thiên sứ nói với Phao-lô: “Anh phải đứng trước mặt Sê-sa” (Công 27:24). Khi mới bắt đầu cai trị, hoàng đế La Mã là Nê-rô từng nói rằng ông sẽ không đích thân xét xử mọi vụ án. Trong tám năm đầu cai trị, ông thường giao trách nhiệm xét xử cho những người khác. Sách nói về đời sống và các lá thư của Phao-lô (The Life and Epistles of Saint Paul) cho biết rằng khi Nê-rô chấp nhận xét xử một vụ án, ông sẽ nghe vụ đó trong chính cung điện của mình. Tại đó, ông được một nhóm cố vấn trợ giúp. Họ là những người dày dạn kinh nghiệm và có sức ảnh hưởng.

Kinh Thánh không cho biết liệu có phải đích thân Nê-rô nghe và xét xử Phao-lô không, hay ông giao cho một người khác việc nghe Phao-lô kháng cáo, rồi báo lại cho ông. Dù trong trường hợp nào, rất có thể Phao-lô đã giải thích rằng ông thờ phượng Đức Chúa Trời của người Do Thái và ông đã khuyến giục tất cả mọi người thể hiện sự tôn trọng đối với chính phủ (Rô 13:1-7; Tít 3:1, 2). Dường như Phao-lô đã thành công trong việc bênh vực tin mừng trước những quan chức cấp cao, và phiên tòa của Sê-sa đã trả tự do cho ông.—Phi-líp 2:24; Phi-lê 22.

CHÚNG TA CÓ TRÁCH NHIỆM BÊNH VỰC TIN MỪNG

Chúa Giê-su nói với các môn đồ: “Anh em sẽ vì cớ tôi mà bị giải đến trước mặt vua chúa và quan quyền để làm chứng cho họ cùng các dân ngoại” (Mat 10:18). Quả là một đặc ân khi được đại diện cho Chúa Giê-su theo cách này. Nỗ lực của chúng ta trong việc bênh vực tin mừng có thể mang lại những chiến thắng về pháp lý. Dĩ nhiên, dù con người bất toàn quyết định điều gì đi chăng nữa, quyền rao giảng tin mừng của chúng ta đến từ Đức Giê-hô-va. Chỉ duy nhất Nước Đức Chúa Trời mới mang lại sự giải thoát vĩnh viễn khỏi áp bức và bất công.—Truyền 8:9; Giê 10:23.

Nhưng ngay cả vào thời nay, danh của Đức Giê-hô-va có thể được tôn vinh khi các tín đồ đạo Đấng Ki-tô bênh vực niềm tin của mình. Giống như Phao-lô, chúng ta nên cố gắng bình tĩnh, chân thật và trình bày một cách thuyết phục. Chúa Giê-su nói với các môn đồ rằng họ không cần ‘chuẩn bị trước mình phải biện hộ thế nào, vì ngài sẽ ban cho họ lời lẽ và sự khôn ngoan mà mọi kẻ thù địch họ, dù hợp lại, cũng không thể chống lại hoặc phản bác được’.—Lu 21:14, 15; 2 Ti 3:12; 1 Phi 3:15.

Khi các tín đồ đạo Đấng Ki-tô bênh vực đức tin trước các vua chúa, quan quyền hoặc các viên chức chính phủ, họ có thể làm chứng cho những người mà có lẽ khó tiếp cận với thông điệp của đạo Đấng Ki-tô theo cách khác. Một số phán quyết thuận lợi của tòa án đã cải tiến các bộ luật, nhờ thế bảo vệ được sự tự do ngôn luận và tự do tín ngưỡng. Nhưng cho dù những vụ án như thế có kết quả ra sao, lòng can đảm mà tôi tớ của Đức Chúa Trời thể hiện làm ngài vui lòng.

Danh của Đức Giê-hô-va được tôn cao khi chúng ta bênh vực đức tin của mình

^ đ. 8 Nhà văn James Parkes nhận xét: “Người Do Thái... có quyền giữ những ngày lễ của họ. Không có gì là đặc biệt trong việc ban hành những đặc quyền này, vì khi làm vậy, người La Mã chỉ làm theo phong tục là ban quyền tự trị nhiều nhất có thể cho những khu vực khác nhau trong đế quốc của họ”.