Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

Hỡi các bạn trẻ, hãy củng cố đức tin của mình

Hỡi các bạn trẻ, hãy củng cố đức tin của mình

“Đức tin... là bằng chứng rõ ràng của những điều có thật, dù không nhìn thấy được”.—HÊ 11:1.

BÀI HÁT: 41, 69

1, 2. Nhiều người trẻ thời nay cảm thấy bị áp lực gì, và họ có thể thực hiện một trong những bước nào để đối phó với áp lực ấy?

Một bạn học đã nói với một chị trẻ ở Anh Quốc rằng: “Bạn có vẻ thông minh mà lại tin vào Đức Chúa Trời sao?”. Một anh ở Đức viết: “Các giáo viên của tôi xem lời tường thuật của Kinh Thánh về sự sáng tạo là chuyện huyền thoại. Họ cho rằng đương nhiên các sinh viên đều tin vào thuyết tiến hóa”. Một chị trẻ ở Pháp nói: “Các giáo viên ở trường của tôi khá ngạc nhiên khi biết có những sinh viên vẫn tin vào Kinh Thánh”.

2 Là một tôi tớ trẻ tuổi của Đức Giê-hô-va hoặc là một người đang tìm hiểu về ngài, bạn có cảm thấy mình bị áp lực để chấp nhận những niềm tin phổ biến, chẳng hạn như thuyết tiến hóa, thay vì tin nơi Đấng Tạo Hóa không? Nếu vậy, bạn có thể thực hiện một số bước để củng cố đức tin và giữ cho đức tin vững mạnh. Một bước là sử dụng khả năng suy xét mà Đức Chúa Trời ban cho. Khả năng ấy ‘sẽ coi-sóc bạn’ và bảo vệ bạn khỏi những triết lý của thế gian mà có thể hủy hoại đức tin của mình.—Đọc Châm-ngôn 2:10-12.

3. Chúng ta sẽ thảo luận điều gì trong bài này?

3 Đức tin chân thật dựa trên sự hiểu biết chính xác về Đức Chúa Trời (1 Ti 2:4). Thế nên, khi đọc và học Lời Đức Chúa Trời cũng như các ấn phẩm của tổ chức, đừng chỉ xem lướt qua. Hãy dùng khả năng suy xét để có thể hiểu những gì mình đọc (Mat 13:23). Hãy xem điều này có thể giúp bạn ra sao trong việc càng tin chắc rằng Đức Chúa Trời là Đấng Tạo Hóa, đồng thời củng cố đức tin nơi Kinh Thánh. Đây là những đề tài mà không thiếu “bằng chứng rõ ràng”.—Hê 11:1.

BẠN CÓ THỂ LÀM GÌ ĐỂ CỦNG CỐ ĐỨC TIN?

4. Việc tin nơi thuyết tiến hóa và tin nơi sự sáng tạo có điểm gì tương tự, và do đó tất cả chúng ta phải làm gì?

4 Có phải bạn đã nghe người ta nói rằng họ tin thuyết tiến hóa vì thuyết này dựa trên khoa học, trong khi niềm tin nơi Đức Chúa Trời là dựa vào đức tin? Nhiều người có quan điểm như thế. Nhưng chúng ta nên nhớ điều này: Dù một người tin Đức Chúa Trời hay tin thuyết tiến hóa thì người ấy đều phải tin vào một điều mà mình không thể nhìn thấy. Không ai trong chúng ta đã thấy Đức Chúa Trời hoặc chứng kiến một thứ gì đó được tạo ra (Giăng 1:18). Không có người nào, kể cả các nhà khoa học, đã chứng kiến một loài sinh vật tiến hóa thành loài sinh vật khác. Chẳng hạn, không ai đã tận mắt thấy một loài bò sát tiến hóa thành động vật có vú (Gióp 38:1, 4). Do đó, tất cả chúng ta đều phải xem xét bằng chứng và dùng khả năng suy xét để đi đến những kết luận hợp lý. Sứ đồ Phao-lô đã viết về sự sáng tạo như sau: “Dù Đức Chúa Trời là vô hình, nhưng từ lúc thế gian được dựng nên, khi xem xét những vật ngài tạo ra thì người ta có thể thấy rõ các đặc tính của ngài, tức quyền năng muôn đời và cương vị Chúa Trời; bởi thế, họ không thể bào chữa cho mình”.—Rô 1:20.

Khi lý luận với người khác, hãy tận dụng những công cụ có trong ngôn ngữ của bạn (Xem đoạn 5)

5. Dân Đức Chúa Trời đã được trang bị như thế nào để có thể sử dụng khả năng nhận thức?

5 Kinh Thánh nói: “Bởi đức tin, chúng ta nhận biết rằng mọi vật trên trời dưới đất được sắp đặt bởi lời của Đức Chúa Trời” (Hê 11:3). “Nhận biết” có nghĩa là nhận ra điều mà có lẽ không dễ thấy ngay. Do đó, những người có khả năng nhận thức sẽ dùng trí óc, chứ không chỉ dùng mắt và tai. Tổ chức của Đức Giê-hô-va đã cung cấp nhiều công cụ được nghiên cứu kỹ lưỡng để giúp chúng ta “nhìn thấy” Đấng Tạo Hóa qua con mắt đức tin (Hê 11:27). Những công cụ này gồm video Kỳ công sáng tạo tôn vinh Đức Chúa Trời (Anh ngữ), sách Có một Đấng Tạo Hóa quan tâm đến bạn không?, sách mỏng Sự sống—Do sáng tạo?Nguồn gốc sự sống—Năm câu hỏi quan trọng. Qua các tạp chí của tổ chức, chúng ta cũng nhận được những thông tin hay để suy ngẫm. Tạp chí Tỉnh Thức! thường xuyên đăng các bài phỏng vấn những nhà khoa học cũng như những người khác mà trong đó, họ giải thích tại sao hiện nay họ tin nơi Đức Chúa Trời. Loạt bài “Một sự thiết kế?” đã nêu bật những ví dụ về sự thiết kế đáng kinh ngạc mà chúng ta thấy trong thiên nhiên. Các nhà khoa học thường nỗ lực để bắt chước những sự thiết kế tuyệt vời ấy.

6. Hãy cho biết lợi ích của việc dùng các công cụ mà chúng ta có, và lợi ích mà cá nhân bạn nhận được.

6 Một anh trẻ 19 tuổi ở Hoa Kỳ đã nói về hai sách mỏng được đề cập ở trên như sau: “Những sách mỏng đó thật giá trị đối với tôi. Tôi đã xem kỹ chúng cả chục lần”. Một chị ở Pháp viết: “Các bài ‘Một sự thiết kế?’ làm tôi kinh ngạc! Chúng cho thấy rằng những kỹ sư giỏi nhất có thể bắt chước nhưng không bao giờ tạo ra được thứ gì sánh bằng các thiết kế phức tạp trong thiên nhiên”. Cha mẹ của một em 15 tuổi ở Nam Phi nói: “Bài đầu tiên mà con gái chúng tôi thường đọc trong Tỉnh Thức! là bài ‘Phỏng vấn’”. Còn bạn thì sao? Bạn có tận dụng trọn vẹn những sự cung cấp này không? Chúng có thể giúp cho đức tin của bạn trở nên giống như một cây có rễ đâm sâu. Nhờ thế, đức tin ấy sẽ giúp bạn đứng vững trước những “ngọn gió” của sự dạy dỗ sai lầm.—Giê 17:5-8.

ĐỨC TIN CỦA BẠN NƠI KINH THÁNH

7. Tại sao Đức Chúa Trời muốn bạn dùng lý trí?

7 Có gì sai không khi đặt ra những câu hỏi chân thành về Kinh Thánh? Không có gì sai! Đức Giê-hô-va muốn bạn dùng “lý trí” để chứng minh sự thật cho chính mình. Ngài không muốn bạn tin chỉ vì người khác tin. Thế nên, hãy dùng khả năng suy xét để có được sự hiểu biết chính xác. Rồi sự hiểu biết ấy có thể trở thành một nền tảng vững chắc cho đức tin chân thật. (Đọc Rô-ma 12:1, 2; 1 Ti-mô-thê 2:4). Một cách để có được sự hiểu biết như thế là nghiên cứu những đề tài mà bạn muốn biết nhiều hơn.

8, 9. (a) Một số anh chị thích nghiên cứu những đề tài nào? (b) Một số anh chị đã nhận được lợi ích ra sao khi suy ngẫm về những gì mình học?

8 Một số anh chị chọn nghiên cứu những đề tài liên quan đến các lời tiên tri trong Kinh Thánh hoặc sự chính xác của Kinh Thánh về lịch sử, khảo cổ và khoa học. Một lời tiên tri thú vị để xem xét là Sáng-thế Ký 3:15. Đây là lời tiên tri đầu tiên trong số nhiều lời tiên tri giúp chúng ta hiểu chủ đề chính của Kinh Thánh, đó là biện minh cho quyền tối thượng của Đức Chúa Trời và làm thánh danh ngài qua phương tiện Nước Trời. Câu Kinh Thánh ấy dùng hình ảnh tượng trưng để cho thấy cách Đức Giê-hô-va sẽ giải quyết mọi đau khổ mà con người đã trải qua kể từ khi A-đam và Ê-va phản nghịch. Bạn có thể nghiên cứu Sáng-thế Ký 3:15 như thế nào? Một cách là chuẩn bị một đường biểu diễn dòng thời gian. Trên đó, bạn có thể liệt kê những câu Kinh Thánh then chốt cho thấy cách Đức Chúa Trời từng bước tiết lộ những đối tượng và sắp đặt được nói đến trong Sáng-thế Ký 3:15, đồng thời chứng tỏ rằng lời tiên tri ấy sẽ được ứng nghiệm. Khi thấy các câu Kinh Thánh hòa hợp với nhau, chắc chắn bạn sẽ kết luận rằng các nhà tiên tri và người viết Kinh Thánh hẳn phải “được thần khí hướng dẫn”.—2 Phi 1:21.

9 Một anh ở Đức chia sẻ: “Nước Trời là chủ đề xuyên suốt trong Kinh Thánh... Đúng vậy, dù khoảng 40 người đã viết Kinh Thánh và nhiều người trong số họ sống ở những thời điểm khác nhau và không trực tiếp biết nhau”. Một chị ở Úc đã cảm động khi xem một bài học hỏi trong Tháp Canh ngày 15-12-2013 nói về ý nghĩa của Lễ Vượt Qua. Ngày lễ đặc biệt này có liên quan chặt chẽ đến Sáng-thế Ký 3:15 và sự xuất hiện của Đấng Mê-si. Chị viết: “Cuộc học hỏi ấy đã giúp tôi thấy được Đức Giê-hô-va tuyệt vời như thế nào. Tôi thật sự ấn tượng khi hiểu rằng có một đấng đã sắp đặt điều này cho dân Y-sơ-ra-ên và sắp đặt ấy được ứng nghiệm nơi Chúa Giê-su. Tôi đã phải dừng lại và suy ngẫm về sự kỳ diệu của bữa ăn mang tính cách tiên tri ấy, tức Lễ Vượt Qua!”. Tại sao chị có cảm xúc đó? Chị đã suy nghĩ sâu sắc và hiểu được những gì mình đọc. Điều này giúp chị củng cố đức tin và đến gần hơn với Đức Giê-hô-va.—Mat 13:23.

10. Sự trung thực của những người viết Kinh Thánh củng cố đức tin của chúng ta nơi Lời Đức Chúa Trời ra sao?

10 Một điều khác có thể giúp chúng ta củng cố đức tin là xem xét sự can đảm và trung thực của những người viết Kinh Thánh. Nhiều tác giả thời xưa tâng bốc các nhà lãnh đạo và tôn vinh vương quốc của họ. Tuy nhiên, các nhà tiên tri của Đức Giê-hô-va luôn nói sự thật. Họ sẵn sàng chỉ ra những khuyết điểm của chính dân tộc mình, ngay cả của các vị vua (2 Sử 16:9, 10; 24:18-22). Họ cũng cho biết rõ những lỗi lầm của mình và của những tôi tớ khác của Đức Chúa Trời (2 Sa 12:1-14; Mác 14:50). Một anh trẻ ở Anh Quốc nhận xét: “Sự trung thực như thế là điều hiếm có và càng giúp chúng ta tin chắc Kinh Thánh thật sự đến từ Đức Giê-hô-va”.

11. Làm thế nào những người trẻ có thể gia tăng lòng quý trọng đối với giá trị của các nguyên tắc Kinh Thánh?

11 Những nguyên tắc hướng dẫn khôn ngoan trong Kinh Thánh khiến nhiều người tin chắc Kinh Thánh được Đức Chúa Trời soi dẫn. (Đọc Thi-thiên 19:7-11). Một chị trẻ ở Nhật Bản viết: “Khi gia đình tôi làm theo những sự dạy dỗ trong Kinh Thánh, chúng tôi thật sự hạnh phúc. Chúng tôi cảm nghiệm được sự bình an, hợp nhất và yêu thương”. Các nguyên tắc Kinh Thánh giúp chúng ta tránh dự phần vào sự thờ phượng sai lầm, đồng thời bảo vệ chúng ta khỏi những thực hành mê tín mà nhiều người đang làm nô lệ (Thi 115:3-8). Các tư tưởng triết lý nói rằng Đức Chúa Trời không hiện hữu có ảnh hưởng đến người ta không? Những sự dạy dỗ như thuyết tiến hóa thường biến thiên nhiên thành một vị thần và quy cho thiên nhiên những quyền lực chỉ thuộc về Đức Giê-hô-va. Những người không tin vào sự hiện hữu của Đức Chúa Trời tuyên bố rằng tương lai của chúng ta hoàn toàn phụ thuộc vào chính chúng ta. Tuy nhiên, họ không cho chúng ta hy vọng chắc chắn nào về một tương lai tốt đẹp hơn.—Thi 146:3, 4.

LÝ LUẬN VỚI NGƯỜI KHÁC

12, 13. Hãy cho biết một cách hữu hiệu để thảo luận về sự sáng tạo hoặc Kinh Thánh với bạn học, thầy cô hay người khác.

12 Làm thế nào bạn có thể lý luận một cách hiệu quả với người khác về sự sáng tạo và Kinh Thánh? Thứ nhất, đừng vội cho rằng mình biết điều người khác tin. Một số người nói họ tin nơi thuyết tiến hóa, nhưng họ cũng nghĩ rằng Đức Chúa Trời hiện hữu. Họ nghĩ Đức Chúa Trời đã dùng sự tiến hóa để tạo ra các dạng sống khác nhau. Một số người khác nói họ tin nơi thuyết tiến hóa vì cảm thấy rằng nếu thuyết tiến hóa không đúng thì đã không được dạy ở trường. Ngoài ra, một số người không còn tin nơi Đức Chúa Trời vì họ thất vọng với tôn giáo. Thế nên, khi thảo luận về nguồn gốc sự sống với một người, thường thì điều khôn ngoan là hãy đặt câu hỏi trước. Hãy tìm hiểu xem người ấy tin gì. Nếu bạn tỏ ra phải lẽ và sẵn sàng lắng nghe, có lẽ người ấy sẽ muốn nghe bạn.—Tít 3:2.

13 Nếu ai đó có vẻ đang công kích niềm tin của bạn nơi sự sáng tạo, bạn có thể đáp lại như thế nào? Hãy tế nhị đề nghị người ấy giải thích xem làm sao sự sống có thể bắt đầu mà không có Đấng Tạo Hóa. Để dạng sống đầu tiên tiếp tục tồn tại, nó phải có khả năng sinh sản, hay tự sao chép. Một giáo sư về hóa học nói rằng điều này cần đến những yếu tố cần thiết, trong đó có (1) một màng bảo vệ, (2) khả năng hấp thu và xử lý năng lượng, (3) thông tin trong các gen và (4) khả năng sao chép thông tin đó. Giáo sư ấy nói thêm: “Người ta kinh ngạc trước sự phức tạp của hình thái sự sống đơn giản nhất”.

14. Bạn có thể làm gì nếu cảm thấy mình chưa được chuẩn bị để thảo luận về sự tiến hóa hoặc sự sáng tạo?

14 Nếu cảm thấy mình chưa được chuẩn bị để thảo luận về sự tiến hóa hoặc sự sáng tạo, bạn có thể thử dùng cách lý luận đơn giản của Phao-lô. Ông viết: “Ngôi nhà nào cũng có người dựng nên, còn đấng dựng nên muôn vật chính là Đức Chúa Trời” (Hê 3:4). Lập luận như thế rất hợp lý và hiệu quả! Đúng vậy, những thiết kế phức tạp là sản phẩm của một trí tuệ thông minh. Bạn cũng có thể dùng một ấn phẩm thích hợp. Một chị đã tặng hai sách mỏng được đề cập ở trên cho một bạn nam nói rằng bạn ấy không tin có Đức Chúa Trời, mà tin vào sự tiến hóa. Khoảng một tuần sau, người trẻ đó công nhận: “Giờ đây, tôi tin nơi Đức Chúa Trời”. Điều này dẫn đến một cuộc học hỏi Kinh Thánh, và người trẻ ấy nay đã trở thành anh em của chúng ta.

15, 16. Bạn có thể điều chỉnh cách mình thảo luận Kinh Thánh ra sao, và với mục tiêu nào?

15 Bạn có thể dùng những nguyên tắc cơ bản ấy khi nói chuyện với một người nghi ngờ về Kinh Thánh. Hãy tìm hiểu xem người ấy thật sự tin gì và những đề tài nào có thể khiến người ấy quan tâm (Châm 18:13). Nếu quan tâm đến các vấn đề khoa học, có lẽ người ấy sẽ hưởng ứng khi bạn đề cập đến những điểm cho thấy Kinh Thánh chính xác về khoa học. Một số người khác có thể được động đến lòng khi xem những ví dụ cho thấy Kinh Thánh tường thuật chính xác về lịch sử và báo trước chính xác về những sự kiện mà nhiều năm sau mới xảy ra. Bạn cũng có thể chia sẻ những nguyên tắc Kinh Thánh hướng dẫn đời sống, chẳng hạn như những nguyên tắc được đề cập trong Bài giảng trên núi.

16 Hãy nhớ rằng mục tiêu của bạn là chiếm được tấm lòng của người ta, chứ không phải là chiến thắng trong các cuộc tranh luận. Thế nên, hãy là một người biết lắng nghe. Hãy đặt ra những câu hỏi chân thành cũng như nói năng một cách mềm mại và tôn trọng, đặc biệt với những người lớn tuổi hơn bạn. Có thể họ sẽ tôn trọng quan điểm của bạn hơn. Họ cũng sẽ thấy rằng bạn đã suy nghĩ kỹ về những niềm tin cơ bản của mình. Đó là điều mà nhiều người trẻ thời nay không làm. Dĩ nhiên, hãy nhớ rằng bạn không nhất thiết phải đáp lại những người ngoan cố hoặc chỉ muốn chế giễu niềm tin của bạn.—Châm 26:4.

HÃY CHỌN SỰ THẬT CHO CHÍNH MÌNH

17, 18. (a) Điều gì có thể giúp bạn chọn sự thật cho chính mình? (b) Chúng ta sẽ xem xét câu hỏi nào trong bài tới?

17 Đức tin mạnh mẽ không chỉ dựa vào sự hiểu biết cơ bản về Kinh Thánh. Do đó, hãy đào sâu Lời Đức Chúa Trời, như thể là bạn đang tìm kiếm những bửu vật ẩn bí (Châm 2:3-6). Hãy tận dụng những công cụ khác có trong ngôn ngữ của bạn, chẳng hạn như Thư viện Tháp Canh trong DVD, THƯ VIỆN TRỰC TUYẾN Tháp Canh hoặc Cẩm nang tra cứu của Nhân Chứng Giê-hô-va. Ngoài ra, hãy đặt mục tiêu đọc toàn bộ Kinh Thánh, có lẽ trong 12 tháng. Ít có điều gì giúp xây dựng đức tin của chúng ta nhiều hơn so với việc đọc Lời Đức Chúa Trời. Hồi tưởng về tuổi trẻ của mình, một giám thị vòng quanh nói: “Đọc toàn bộ Kinh Thánh là một trong những cách giúp tôi hiểu rằng Kinh Thánh là Lời Đức Chúa Trời. Cuối cùng, tôi đã hiểu các câu chuyện trong Kinh Thánh mà mình được học khi còn rất nhỏ. Đây là một bước ngoặt đối với sự phát triển về thiêng liêng của tôi”.

18 Hỡi các bậc cha mẹ, anh chị đóng vai trò chính yếu trong sự phát triển về thiêng liêng của con cái. Làm thế nào anh chị có thể giúp con cái xây dựng đức tin mạnh mẽ? Bài tới sẽ thảo luận đề tài này.