Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

Hỡi các bậc cha mẹ, hãy giúp con cái xây dựng đức tin

Hỡi các bậc cha mẹ, hãy giúp con cái xây dựng đức tin

“Gã trai-trẻ và gái đồng-trinh... Cả thảy khá ngợi-khen danh Đức Giê-hô-va!”.—THI 148:12, 13.

BÀI HÁT: 88, 115

1, 2. (a) Các bậc cha mẹ phải đối mặt với thách đố nào, và làm sao họ có thể đối phó với thách đố ấy? (b) Chúng ta sẽ xem xét bốn điểm nào?

Một cặp vợ chồng ở Pháp chia sẻ: “Chúng tôi tin nơi Đức Giê-hô-va nhưng điều đó không có nghĩa là con cái chúng tôi cũng sẽ tin nơi ngài. Đức tin không mang tính di truyền. Con cái chúng tôi có được đức tin từng chút một”. Một anh ở Úc viết: “Việc giúp xây dựng đức tin nơi lòng con cái có lẽ là thử thách lớn nhất mà bạn sẽ đối mặt. Bạn cần tận dụng mọi nguồn lực mà mình có. Bạn có thể cảm thấy mình đã giải đáp câu hỏi của con một cách thỏa đáng. Rồi bạn nhận ra rằng sau này con lại nêu lên câu hỏi đó! Những câu trả lời làm thỏa mãn trí tò mò của con bạn ngày hôm nay có thể không đủ làm chúng thỏa mãn vào ngày mai. Có lẽ bạn cần thường xuyên trở lại một số đề tài”.

2 Nếu là bậc cha mẹ, đôi lúc anh chị có cảm thấy mình không đủ khả năng để chu toàn trách nhiệm dạy dỗ và uốn nắn con cái trở nên những người có đức tin không? Thật ra, nếu chỉ dựa vào sự khôn ngoan của bản thân, không ai trong chúng ta có khả năng chu toàn nhiệm vụ đó! (Giê 10:23). Nhưng chúng ta có thể thành công khi tìm kiếm sự hướng dẫn của Đức Chúa Trời. Hãy xem xét bốn điều có thể hỗ trợ anh chị trong việc giúp con cái xây dựng đức tin: (1) tìm hiểu để biết rõ về con, (2) dạy dỗ con với lòng nhiệt tình, (3) dùng những minh họa hiệu quả, (4) kiên nhẫn và cầu nguyện.

HIỂU RÕ CON CỦA MÌNH

3. Các bậc cha mẹ có thể noi gương Chúa Giê-su ra sao trong việc dạy dỗ?

3 Chúa Giê-su không ngại hỏi xem các môn đồ tin điều gì (Mat 16:13-15). Hãy noi gương ngài. Tốt nhất là trong một hoàn cảnh thoải mái, hãy khuyến khích các con nói lên cảm xúc của chúng, bao gồm bất cứ mối nghi ngờ nào mà chúng có thể có. Một em Nhân Chứng 15 tuổi ở Úc viết: “Ba thường nói chuyện với em về niềm tin của em và giúp em lý luận. Ba hỏi: ‘Kinh Thánh nói gì? Con có tin điều Kinh Thánh nói không? Tại sao con tin?’. Ba muốn em trả lời bằng lời lẽ riêng, chứ không chỉ lặp lại lời của ba hoặc mẹ. Khi lớn lên, em đã phải giải thích thêm về những câu trả lời của mình”.

4. Tại sao việc không xem nhẹ các câu hỏi của con là điều quan trọng? Hãy nêu ví dụ.

4 Nếu con không chắc chắn về sự dạy dỗ nào đó, hãy cố gắng không phản ứng quá mạnh hoặc phản ứng như thể anh chị đang cố bảo vệ niềm tin của mình. Hãy kiên nhẫn giúp con lý luận về vấn đề ấy. Một người cha chia sẻ: “Đừng xem nhẹ những câu hỏi của con. Đừng bỏ qua vì nghĩ rằng những câu hỏi đó không mấy quan trọng, cũng đừng né tránh một đề tài chỉ vì đề tài ấy có thể khiến anh chị cảm thấy không thoải mái”. Thật ra, sẽ hữu ích nếu xem những câu hỏi chân thành của con là một dấu hiệu cho thấy con quan tâm và muốn có sự hiểu biết. Ngay cả khi mới 12 tuổi, Chúa Giê-su đã nêu lên những câu hỏi nghiêm túc. (Đọc Lu-ca 2:46). Một em 15 tuổi ở Đan Mạch nhớ lại: “Khi em nói rằng em băn khoăn không biết tôn giáo của chúng ta có phải là tôn giáo thật hay không, ba mẹ đã giữ bình tĩnh, dù có lẽ họ lo lắng cho em. Ba mẹ đã dùng Kinh Thánh để trả lời mọi câu hỏi của em”.

5. Làm thế nào các bậc cha mẹ cho thấy họ không xem việc con cái có đức tin là điều đương nhiên?

5 Hãy tìm hiểu để biết rõ về con cái anh chị: Chúng có suy nghĩ, cảm xúc và mối quan tâm nào? Đừng bao giờ cho rằng các con có đức tin chỉ vì chúng tham dự các buổi nhóm họp và tham gia thánh chức cùng anh chị. Hãy có những cuộc thảo luận về thiêng liêng trong các hoạt động thường ngày của gia đình. Hãy cầu nguyện với con và cầu nguyện cho con. Hãy cố gắng để biết bất cứ thử thách nào về đức tin mà con gặp phải và giúp con đối phó.

DẠY DỖ CON VỚI LÒNG NHIỆT TÌNH

6. Việc các bậc cha mẹ khắc ghi sự thật Kinh Thánh vào lòng của chính mình giúp ích thế nào cho họ với tư cách là người dạy dỗ?

6 Khi dạy dỗ, Chúa Giê-su có thể động đến lòng người khác vì ngài yêu mến Đức Giê-hô-va, Lời Đức Chúa Trời và con người (Lu 24:32; Giăng 7:46). Lòng yêu mến như thế sẽ giúp các bậc cha mẹ động đến lòng con cái. (Đọc Phục-truyền Luật-lệ Ký 6:5-8; Lu-ca 6:45). Thế nên, hỡi các bậc cha mẹ, hãy siêng năng học Lời Đức Chúa Trời và các ấn phẩm giúp nghiên cứu Kinh Thánh. Hãy quan tâm đến sự sáng tạo và các bài trong những ấn phẩm thảo luận về đề tài này (Mat 6:26, 28). Khi làm thế, anh chị sẽ gia tăng sự hiểu biết và lòng biết ơn đối với Đức Giê-hô-va, đồng thời được trang bị tốt hơn để dạy dỗ con cái mình.—Lu 6:40.

7, 8. Khi lòng của người làm cha hoặc làm mẹ tràn đầy sự thật Kinh Thánh, kết quả sẽ là gì? Hãy nêu ví dụ.

7 Khi lòng anh chị tràn đầy sự thật Kinh Thánh, anh chị sẽ muốn thảo luận điều đó với gia đình mình. Hãy làm thế không chỉ vào lúc chuẩn bị cho các buổi nhóm họp hoặc trong buổi thờ phượng của gia đình, mà vào mọi dịp. Hơn nữa, những cuộc thảo luận như thế không nên gượng ép mà nên đến một cách tự nhiên, như một phần trong các cuộc trò chuyện hàng ngày của gia đình anh chị. Một cặp vợ chồng ở Hoa Kỳ nghĩ về Đức Giê-hô-va khi gia đình họ chiêm ngưỡng một cảnh đẹp trong thiên nhiên hoặc thưởng thức món ăn nào đó. Họ nói: “Chúng tôi nhắc con cái về tình yêu thương và sự suy tính chu đáo của Đức Giê-hô-va trong mọi thứ mà ngài ban cho chúng ta”. Khi làm vườn với hai con gái, một cặp vợ chồng ở Nam Phi nêu bật những đặc điểm như sự kỳ diệu về cách hạt giống nảy mầm, rồi cây cối lớn lên. Họ chia sẻ: “Chúng tôi cố gắng giúp các con vun trồng lòng quý trọng lớn lao đối với sự sống và sự phức tạp tuyệt vời của nó”.

8 Khi con trai của mình khoảng mười tuổi, một người cha ở Úc đã tận dụng chuyến thăm viện bảo tàng để giúp con củng cố đức tin nơi Đức Chúa Trời cũng như niềm tin nơi sự sáng tạo. Anh chia sẻ: “Chúng tôi đã xem một cuộc trưng bày các sinh vật biển thời cổ đại được gọi là con cúc (thứ vỏ ốc hóa đá) và bọ ba thùy. Chúng tôi kinh ngạc vì những động vật đã tuyệt chủng này rất đẹp, phức tạp và hoàn thiện, không hề thua kém những gì chúng ta có thể thấy ngày nay. Thế nên, nếu sự sống tiến hóa từ những dạng đơn giản đến dạng phức tạp hơn, tại sao những sinh vật cổ xưa này lại phức tạp đến vậy? Đó là một bài học gây ấn tượng mạnh cho tôi và tôi đã chia sẻ với con trai của mình”.

DÙNG NHỮNG MINH HỌA HIỆU QUẢ

9. Tại sao việc dạy dỗ bằng minh họa lại có hiệu quả, và một người mẹ đã cho thấy điều này là đúng như thế nào?

9 Chúa Giê-su thường dùng các minh họa, là điều kích thích suy nghĩ, động đến lòng và giúp nhớ lâu hơn (Mat 13:34, 35). Con trẻ thường có khả năng tưởng tượng sống động. Vậy nên, hỡi các bậc cha mẹ, hãy cố gắng dùng minh họa trong việc dạy dỗ. Một người mẹ ở Nhật Bản đã làm thế. Khi con trai lớn của chị được mười tuổi và người con trai còn lại lên tám, chị đã dạy chúng về bầu khí quyển của trái đất và lòng quan tâm mà Đức Giê-hô-va biểu lộ qua việc tạo nên bầu khí quyển ấy. Để dạy hai con trai về điều này, chị đưa cho chúng sữa, đường và cà phê. Sau đó, chị bảo mỗi đứa pha cho chị một tách cà phê. Chị nói: “Chúng làm rất cẩn thận. Khi tôi hỏi các con tại sao lại cẩn thận đến vậy, chúng nói rằng chúng muốn pha cà phê theo đúng cách mà tôi thích. Tôi giải thích rằng Đức Chúa Trời cũng pha trộn các khí trong bầu khí quyển với sự quan tâm như thế, theo đúng cách mà chúng ta được lợi ích”. Minh họa này rất thích hợp với độ tuổi của hai em ấy và thu hút các em theo cách mà sự dạy dỗ thụ động có lẽ sẽ không làm được. Chắc hẳn hai em sẽ nhớ bài học đó rất lâu!

Anh chị có thể dùng những vật quen thuộc để giúp con cái xây dựng đức tin nơi Đức Chúa Trời và củng cố niềm tin nơi sự sáng tạo (Xem đoạn 10)

10, 11. (a) Anh chị có thể dùng minh họa nào để giúp con xây dựng đức tin nơi Đức Chúa Trời? (Xem hình nơi đầu bài). (b) Anh chị đã thấy những minh họa nào có hiệu quả?

10 Thậm chí anh chị có thể dùng một công thức nấu ăn để giúp con mình xây dựng đức tin nơi Đức Chúa Trời. Như thế nào? Sau khi anh chị dạy con nấu xong một món ăn theo công thức, hãy giải thích về vai trò của công thức ấy. Sau đó, hãy đưa cho con một trái cây, chẳng hạn như trái táo, và hỏi: “Con có biết là trái táo này được bắt đầu với một ‘công thức’ không?”. Rồi hãy bổ trái táo làm đôi và đưa cho con một hạt táo. Anh chị có thể giải thích rằng công thức đã được “viết” trong hạt táo, nhưng bằng một ngôn ngữ phức tạp hơn nhiều so với những từ ngữ trong một sách dạy nấu ăn. Anh chị có thể hỏi: “Nếu công thức nấu ăn phải có một người viết ra, vậy thì ai đã viết công thức phức tạp hơn nhiều cho trái táo?”. Nếu con của anh chị tương đối lớn, anh chị có thể giải thích rằng công thức cho trái táo, thật ra là cho cả cây táo, là một phần của bộ mã trong ADN. Anh chị có thể cùng với con xem một số minh họa nơi trang 10 đến 20 của sách mỏng Nguồn gốc sự sống—Năm câu hỏi quan trọng.

11 Nhiều bậc cha mẹ thích thảo luận với con cái về các bài trong loạt bài “Một sự thiết kế?” được đăng trong Tỉnh Thức!, hoặc dùng mục này làm nền tảng để dạy những ý tưởng đơn giản cho con ở độ tuổi rất nhỏ. Chẳng hạn, một cặp vợ chồng ở Đan Mạch đã so sánh máy bay với các con chim. Họ nói: “Máy bay trông giống với chim. Nhưng máy bay có thể ấp trứng và đẻ ra những máy bay con không? Các con chim có cần đường băng đặc biệt nào để hạ cánh không? Con thấy âm thanh của máy bay khác biệt thế nào với tiếng chim hót? Vậy ai thông minh hơn: người chế tạo máy bay hay đấng tạo ra loài chim?”. Những lời như thế cùng với các câu hỏi khéo léo có thể giúp con phát triển “sự dẽ-dặt [“khả năng suy xét”, NW]” và xây dựng đức tin nơi Đức Chúa Trời.—Châm 2:10-12.

12. Làm thế nào các minh họa có thể giúp con cái tin chắc hơn vào Kinh Thánh?

12 Những minh họa hiệu quả cũng có thể giúp con cái tin chắc hơn vào sự chính xác của Kinh Thánh. Chẳng hạn, hãy xem xét Gióp 26:7. (Đọc). Làm thế nào anh chị có thể cho thấy câu Kinh Thánh này được soi dẫn? Thay vì chỉ đưa ra các thông tin, sao không kích thích trí tưởng tượng của con? Hãy cho con biết rằng Gióp sống rất lâu trước khi kính thiên văn và tàu vũ trụ ra đời. Con có thể cho thấy một số người rất khó tin rằng một vật to lớn, chẳng hạn như trái đất, lại không có giá đỡ. Con có thể dùng một quả bóng hoặc một hòn đá để chứng minh điều này qua việc cho thấy rằng các vật có khối lượng phải được đặt trên một thứ gì đó. Một bài học như thế sẽ giúp con hiểu rằng Đức Giê-hô-va cho ghi lại những thông tin trong Kinh Thánh từ rất lâu trước khi con người có thể chứng minh.—Nê 9:6.

CHO THẤY GIÁ TRỊ CỦA CÁC NGUYÊN TẮC KINH THÁNH

13, 14. Làm thế nào các bậc cha mẹ có thể giúp con cái hiểu giá trị của các nguyên tắc Kinh Thánh?

13 Việc giúp con cái hiểu giá trị của các nguyên tắc Kinh Thánh là điều đặc biệt quan trọng. (Đọc Thi-thiên 1:1-3). Có nhiều cách để làm thế. Chẳng hạn, anh chị có thể bảo các con tưởng tượng rằng chúng sẽ sống ở một hòn đảo xa xôi, và phải chọn một số người để sống cùng trên hòn đảo ấy. Sau đó, hãy hỏi: “Để cả nhóm sống bình an và hòa thuận với nhau thì mỗi người cần phải có những đức tính nào?”. Anh chị cũng có thể chia sẻ với các con về những sự hướng dẫn khôn ngoan nơi Ga-la-ti 5:19-23.

14 Khi làm thế, anh chị có thể dạy con hai bài học quan trọng. Thứ nhất, những tiêu chuẩn của Đức Chúa Trời giúp phát huy sự bình an và hòa thuận thật sự. Thứ hai, qua việc giáo dục chúng ta ngay bây giờ, Đức Giê-hô-va đang giúp chúng ta được chuẩn bị cho đời sống trong thế giới mới (Ê-sai 54:13; Giăng 17:3). Anh chị có thể giúp con hiểu rõ những điểm này bằng cách chia sẻ với con một kinh nghiệm trong các ấn phẩm của tổ chức, chẳng hạn như từ loạt bài “Kinh Thánh thay đổi đời sống” được đăng trong Tháp Canh. Nếu trong hội thánh có một anh em đồng đạo đã thực hiện những thay đổi lớn để làm vui lòng Đức Giê-hô-va, anh chị có thể mời người ấy đến nhà và chia sẻ kinh nghiệm. Những kinh nghiệm như thế cho thấy các nguyên tắc Kinh Thánh có tác động tích cực đến đời sống của một người.—Hê 4:12.

15. Khi dạy dỗ con cái, anh chị nên có mục tiêu chủ đạo nào?

15 Điểm chính là: Khi dạy dỗ con cái, đừng đi theo lối mòn. Hãy cố gắng dùng trí tưởng tượng, kích thích suy nghĩ của các con, đồng thời lưu ý đến độ tuổi của chúng. Hãy làm cho việc học hỏi trở nên thú vị và giúp củng cố đức tin. Một người cha nói: “Đừng bao giờ trở nên mệt mỏi trong việc thử dùng những cách mới để tiếp cận các đề tài cũ”.

HÃY THỂ HIỆN ĐỨC TIN MẠNH MẼ, KIÊN NHẪN VÀ CẦU NGUYỆN

16. Tại sao sự kiên nhẫn là rất quan trọng khi các bậc cha mẹ dạy dỗ con cái? Hãy nêu ví dụ.

16 Để xây dựng đức tin mạnh mẽ, chúng ta cần thần khí của Đức Chúa Trời (Ga 5:22, 23). Giống như trái cây, đức tin cần thời gian để lớn mạnh. Do đó, anh chị cần thể hiện sự kiên nhẫn và kiên trì trong việc dạy dỗ con cái. Một người cha ở Nhật Bản có hai con nói: “Vợ chồng tôi đã dành nhiều thời gian cho con cái. Từ lúc các con còn rất nhỏ, tôi đã học với chúng 15 phút mỗi ngày, ngoại trừ những ngày chúng tôi có nhóm họp. Mười lăm phút không phải là điều quá khó với cả chúng tôi và các con”. Một giám thị vòng quanh viết: “Khi ở tuổi thanh thiếu niên, tôi có nhiều thắc mắc hoặc mối nghi ngờ mà không nói ra hết. Với thời gian, nhiều thắc mắc đã được giải đáp tại các buổi nhóm họp, trong buổi học gia đình hoặc buổi học cá nhân. Do đó, điều quan trọng là các bậc cha mẹ tiếp tục dạy dỗ con cái mình”.

Nếu anh chị muốn trở thành người dạy dỗ hữu hiệu, trước tiên Lời Đức Chúa Trời phải ở trong lòng anh chị (Xem đoạn 17)

17. Tại sao việc cha mẹ nêu gương tốt là điều quan trọng, và một cặp vợ chồng đã nêu gương tốt ra sao cho các con gái của mình?

17 Dĩ nhiên, một điều trọng yếu khác là gương mẫu về đức tin của anh chị. Con cái sẽ quan sát những điều anh chị làm, và chắc hẳn chúng sẽ được tác động tốt. Do đó, hãy xây dựng đức tin của chính mình. Hãy cho con cái thấy Đức Giê-hô-va có thật như thế nào với anh chị. Khi một cặp vợ chồng ở Bermuda có những lúc lo âu, họ cầu nguyện cùng với con cái để xin Đức Giê-hô-va hướng dẫn, và họ khuyến khích các con tự cầu nguyện. Họ chia sẻ: “Chúng tôi cũng bảo con gái lớn rằng ‘hãy tin cậy hoàn toàn nơi Đức Giê-hô-va, bận rộn trong công việc Nước Trời và đừng quá lo lắng’. Khi thấy kết quả mà điều này mang lại, cháu biết rằng Đức Giê-hô-va đang giúp đỡ chúng tôi. Nhờ thế, đức tin của cháu nơi Đức Chúa Trời và Kinh Thánh đã mạnh mẽ hơn rất nhiều”.

18. Các bậc cha mẹ cần nhận biết sự thật quan trọng nào?

18 Hỡi các bậc cha mẹ, đừng bao giờ quên rằng anh chị không thể buộc con cái phải có đức tin. Là cha mẹ, anh chị có thể trồng và tưới, nhưng Đức Chúa Trời mới là đấng làm cho lớn lên (1 Cô 3:6). Vậy, hãy cầu xin Đức Giê-hô-va ban thần khí và nỗ lực dạy dỗ những người con yêu quý của mình. Vì khi làm thế, anh chị sẽ được ngài ban phước dồi dào.—Ê-phê 6:4.