Độc giả thắc mắc
Hê-bơ-rơ 4:12 nói rằng “lời Đức Chúa Trời là lời sống, có quyền lực”. “Lời Đức Chúa Trời” được nói đến ở đây là gì?
Văn cảnh cho thấy sứ đồ Phao-lô đang nói đến thông điệp hoặc lời phán về ý định của Đức Chúa Trời, như chúng ta thấy trong Kinh Thánh.
Hê-bơ-rơ 4:12 thường được viện dẫn trong các ấn phẩm của chúng ta để cho thấy Kinh Thánh có quyền lực thay đổi đời sống, và cách giải thích như thế hoàn toàn thích hợp. Tuy nhiên, sẽ hữu ích khi xem xét Hê-bơ-rơ 4:12 trong văn cảnh rộng hơn. Phao-lô đang khuyến giục các tín đồ người Hê-bơ-rơ hành động phù hợp với ý định của Đức Chúa Trời. Nhiều khía cạnh của ý định ấy được ghi lại trong Kinh Thánh. Phao-lô nêu một ví dụ về dân Y-sơ-ra-ên, những người đã được cứu khỏi xứ Ai Cập. Họ có triển vọng vào đất hứa, một xứ “đượm sữa và mật” và là nơi họ có thể được hưởng sự nghỉ ngơi thật sự.—Xuất 3:8; Phục 12:9, 10.
Đó là ý định mà Đức Chúa Trời đã phán. Nhưng sau đó dân Y-sơ-ra-ên trở nên cứng lòng và không thể hiện đức tin. Vì thế, phần lớn trong số họ đã không được vào sự nghỉ ngơi ấy (Dân 14:30; Giô-suê 14:6-10). Tuy nhiên, Phao-lô nói thêm rằng “lời hứa vào sự nghỉ ngơi của [Đức Chúa Trời]” vẫn còn (Hê 3:16-19; 4:1). Rõ ràng, “lời hứa” ấy là một phần trong ý định mà Đức Chúa Trời đã phán. Giống như các tín đồ người Hê-bơ-rơ, chúng ta có thể đọc về ý định đó và hành động phù hợp. Để nhấn mạnh rằng lời hứa này được dựa trên Kinh Thánh, Phao-lô đã trích dẫn những phần nơi Sáng-thế Ký 2:2 và Thi-thiên 95:11.
Chắc hẳn chúng ta được tác động khi biết “lời hứa vào sự nghỉ ngơi của [Đức Chúa Trời] vẫn còn”. Chúng ta tin chắc rằng triển vọng dựa trên Kinh Thánh về việc vào sự nghỉ ngơi của Đức Chúa Trời là điều hoàn toàn có thể trở thành hiện thực, và chúng ta đã thực hiện những bước để vào sự nghỉ ngơi ấy. Chúng ta không làm thế bằng cách cố giữ Luật pháp Môi-se hoặc tìm kiếm sự chấp nhận của Đức Giê-hô-va qua những việc làm khác. Thay vì thế, là những người có đức tin, chúng ta vui mừng hành động phù hợp với ý định mà Đức Chúa Trời đã tiết lộ, và tiếp tục làm thế. Thêm vào đó, như đã được nhắc đến ở trên, hàng ngàn người trên toàn cầu đã bắt đầu tìm hiểu Kinh Thánh và học về ý định mà Đức Chúa Trời đã tiết lộ. Nhiều người trong số họ đã được thúc đẩy để thay đổi đời sống, thể hiện đức tin và làm báp-têm để trở thành tín đồ đạo Đấng Ki-tô. Cách họ được tác động rõ ràng chứng minh rằng “lời Đức Chúa Trời là lời sống, có quyền lực”. Ý định mà Đức Chúa Trời đã tiết lộ, như được ghi trong Kinh Thánh, đã tác động đến đời sống chúng ta và sẽ tiếp tục có quyền lực trong đời sống chúng ta.