Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

“Tay ngươi chớ yếu-đuối”

“Tay ngươi chớ yếu-đuối”

“Tay ngươi chớ yếu-đuối”.SÔ 3:16.

BÀI HÁT: 81, 32

1, 2. (a) Nhiều người gặp phải những vấn đề nào ngày nay, và chúng gây ra ảnh hưởng gì? (b) Ê-sai 41:10, 13 cho chúng ta hy vọng chắc chắn nào?

Một chị tiên phong đều đều và là vợ của một trưởng lão đã chia sẻ: “Dù duy trì thói quen tốt về thiêng liêng, nhưng tôi phải vật lộn với nỗi lo lắng trong nhiều năm. Điều này khiến tôi mất ngủ và ảnh hưởng đến sức khỏe cũng như cách tôi đối xử với người khác. Đôi khi nó khiến tôi muốn bỏ cuộc”.

2 Anh chị có hiểu được cảm xúc của chị ấy không? Đáng buồn là đời sống trong thế gian gian ác của Sa-tan gây ra rất nhiều áp lực, có thể khiến một người lo lắng và cảm thấy nặng nề. Điều này giống như một cái neo ngăn con thuyền tiến về phía trước (Châm 12:25). Điều gì có thể khiến anh chị có cảm giác đó? Có lẽ anh chị đang cố gắng đương đầu với cái chết của một người thân yêu, đối phó với bệnh nặng, chu cấp cho gia đình trong thời buổi kinh tế khó khăn, hoặc đang gặp sự chống đối. Những điều này gây ra sự căng thẳng về cảm xúc. Với thời gian, sự căng thẳng ấy có thể lấy đi sức lực của anh chị, thậm chí còn khiến anh chị mất niềm vui. Nhưng anh chị có thể yên tâm là Đức Chúa Trời sẵn sàng đưa tay ra để giúp đỡ anh chị.—Đọc Ê-sai 41:10, 13.

3, 4. (a) Kinh Thánh dùng từ “tay” với những ý nghĩa nào? (b) Điều gì có thể khiến chúng ta buông tay xuống theo nghĩa bóng?

3 Kinh Thánh thường dùng các bộ phận của cơ thể con người để minh họa về những đặc tính hoặc hành động khác nhau. Chẳng hạn, tay là một bộ phận được nhắc đến hàng trăm lần trong Kinh Thánh. Việc tay của một người được làm vững mạnh có thể mang ý nghĩa là người đó được khích lệ, củng cố và thêm sức để hành động. Chẳng hạn, cụm từ “làm cho người vững lòng tin-cậy” nơi 1 Sa-mu-ên 23:16 và cụm từ “tiếp-trợ” nơi E-xơ-ra 1:6 trong nguyên ngữ có nghĩa là “làm cho tay vững mạnh”. Hình ảnh tay của một người được làm vững mạnh có thể hàm ý việc người ấy có cái nhìn tích cực và đầy hy vọng về tương lai.

4 Hình ảnh tay yếu đuối và buông xuống đôi lúc được dùng theo nghĩa bóng để miêu tả một người nản lòng hoặc không có hy vọng (2 Sử 15:7; Hê 12:12). Một người ở trong tình huống đó muốn bỏ cuộc thì cũng là điều dễ hiểu. Nếu đối mặt với những hoàn cảnh khiến anh chị bị căng thẳng hoặc mệt mỏi về thể chất, cảm xúc hoặc thậm chí về thiêng liêng, anh chị có thể nhận được sự can đảm cần thiết từ đâu? Điều gì có thể khích lệ và thêm sức cho anh chị để chịu đựng và có niềm vui?

“TAY ĐỨC GIÊ-HÔ-VA CHẲNG TRỞ NÊN NGẮN MÀ KHÔNG CỨU ĐƯỢC”

5. (a) Có thể chúng ta muốn làm gì khi vấn đề nảy sinh, nhưng chúng ta nên tự nhắc mình về điều gì? (b) Chúng ta sẽ thảo luận điều gì?

5 Đọc Sô-phô-ni 3:16, 17. Thay vì đầu hàng trước nỗi sợ hãi và sự nản lòng, là điều giống như buông tay xuống, chúng ta được Cha Giê-hô-va đầy lòng quan tâm mời “trao hết mọi lo lắng cho ngài” (1 Phi 5:7). Chúng ta có thể ghi nhớ lời mà Đức Chúa Trời nói với dân Y-sơ-ra-ên. Đức Giê-hô-va nói rằng tay quyền năng của ngài “chẳng trở nên ngắn mà không cứu được” các tôi tớ trung thành (Ê-sai 59:1). Chúng ta sẽ thảo luận ba ví dụ tiêu biểu trong Kinh Thánh cho thấy Đức Giê-hô-va mong muốn và có khả năng thêm sức cho dân ngài để họ thực thi ý muốn của ngài, bất chấp những khó khăn dường như quá sức. Hãy xem những ví dụ này có thể khích lệ anh chị ra sao.

6, 7. Chúng ta có thể học được những bài học quan trọng nào từ chiến thắng của dân Y-sơ-ra-ên trước dân A-ma-léc?

6 Không lâu sau khi dân Y-sơ-ra-ên được giải cứu một cách kỳ diệu khỏi cảnh nô lệ tại xứ Ai Cập, dân A-ma-léc đã tấn công họ. Theo sự hướng dẫn của Môi-se, Giô-suê can đảm dẫn dắt dân Y-sơ-ra-ên chiến đấu. Trong lúc ấy, Môi-se đưa A-rôn và Hu-rơ đến một sườn đồi gần đó, nơi họ có thể quan sát chiến trận. Có phải ba người đàn ông này chạy trốn khỏi chiến trường vì sợ hãi không? Hoàn toàn không!

7 Môi-se thực hiện một điều mà đã chứng tỏ là chìa khóa dẫn đến thành công. Môi-se giữ cho tay mình và cây gậy của Đức Giê-hô-va hướng lên trời. Chừng nào Môi-se làm thế, chừng đó Đức Chúa Trời thêm sức cho tay của dân Y-sơ-ra-ên để họ thắng hơn dân A-ma-léc. Tuy nhiên, khi tay của Môi-se trở nên mỏi và bắt đầu hạ xuống, thì dân A-ma-léc chiếm ưu thế. A-rôn và Hu-rơ đã nhanh chóng “lấy đá kê cho [Môi-se] ngồi, rồi ở hai bên đỡ tay người lên; tay người chẳng lay-động cho đến khi mặt trời lặn”. Đúng vậy, tay quyền năng của Đức Chúa Trời đã giúp dân Y-sơ-ra-ên thắng trận.—Xuất 17:8-13.

8. (a) A-sa đã phản ứng thế nào khi quân Ê-thi-ô-bi đe dọa nước Giu-đa? (b) Chúng ta có thể noi theo cách A-sa nương cậy Đức Chúa Trời như thế nào?

8 Đức Giê-hô-va cũng chứng tỏ rằng tay của ngài không ngắn trong thời của vua A-sa. Kinh Thánh đề cập đến nhiều trận chiến. Nhưng đội quân tham chiến lớn nhất là của Xê-rách, người Ê-thi-ô-bi. Ông có 1.000.000 chiến binh tinh nhuệ. Quân Ê-thi-ô-bi đông gần gấp đôi quân của A-sa. Vua A-sa đã có thể dễ dàng trở nên lo lắng, sợ hãi và buông tay chịu thất bại. Nhưng thay vì thế, ông đã ngay lập tức tìm đến Đức Giê-hô-va để được giúp đỡ. Theo quan điểm của nhà binh, dường như việc đánh bại quân Ê-thi-ô-bi là điều bất khả thi, nhưng “với Đức Chúa Trời thì mọi sự đều có thể” (Mat 19:26). Đức Chúa Trời đã thể hiện quyền năng lớn lao của ngài và đánh bại “dân Ê-thi-ô-bi tại trước mặt... vua A-sa”, người ‘có lòng trọn-lành cả đời mình đối với Đức Giê-hô-va’.—2 Sử 14:8-13; 1 Vua 15:14.

9. (a) Điều gì đã không thể ngăn cản Nê-hê-mi tái thiết tường thành Giê-ru-sa-lem? (b) Đức Chúa Trời đáp lại lời cầu nguyện của Nê-hê-mi như thế nào?

9 Hãy hình dung Nê-hê-mi hẳn đã cảm thấy ra sao khi đến Giê-ru-sa-lem. Thành ấy gần như không có sự bảo vệ, và những người Do Thái đồng hương của ông đang rất nản lòng. Sự đe dọa từ những kẻ chống đối ngoại bang đã khiến tay của người Do Thái “mỏi-mệt” và họ dừng lại việc tái thiết tường thành Giê-ru-sa-lem. Nê-hê-mi có để cho tình huống đó khiến ông cũng nản lòng và buông tay không? Không! Giống như Môi-se, A-sa và những tôi tớ trung thành khác của Đức Giê-hô-va, Nê-hê-mi đã có thói quen nương cậy nơi ngài qua lời cầu nguyện. Lần này cũng thế. Khi đối mặt với những rào cản dường như quá sức theo quan điểm của người Do Thái, Nê-hê-mi khẩn thiết nài xin Đức Giê-hô-va giúp đỡ và ngài đã đáp lời. Đức Chúa Trời dùng “quyền-năng” và “tay mạnh-mẽ” của ngài để thêm sức cho những bàn tay “mỏi-mệt” của người Do Thái. (Đọc Nê-hê-mi 1:10; 2:17-20; 6:9). Anh chị có tin rằng Đức Giê-hô-va dùng “quyền-năng” và “tay mạnh-mẽ” để thêm sức cho các tôi tớ của ngài vào thời nay không?

ĐỨC GIÊ-HÔ-VA SẼ LÀM VỮNG MẠNH TAY CỦA ANH CHỊ

10, 11. (a) Sa-tan cố làm gì để khiến chúng ta buông tay bỏ cuộc? (b) Đức Giê-hô-va dùng điều gì để củng cố và ban sức mạnh cho chúng ta? (c) Anh chị đã nhận được lợi ích ra sao từ sự giáo dục và huấn luyện của Đức Chúa Trời?

10 Chúng ta có thể chắc chắn rằng Kẻ Quỷ Quyệt sẽ không bao giờ buông tay, hay bỏ cuộc, trong việc ngăn chặn các hoạt động của tín đồ đạo Đấng Ki-tô. Hắn dùng lời dối trá và sự đe dọa từ các chính quyền, nhà lãnh đạo tôn giáo và những kẻ bội đạo. Mục tiêu của hắn là gì? Đó là khiến cho tay của chúng ta mỏi mệt trong công việc rao giảng tin mừng về Nước Trời. Tuy nhiên, Đức Giê-hô-va có thể ban cho chúng ta sức mạnh qua thần khí, và ngài sẵn lòng làm thế (1 Sử 29:12). Điều trọng yếu là chúng ta cầu xin ngài ban thần khí để có thể đương đầu với bất cứ thử thách nào mà Sa-tan và thế gian gian ác của hắn gây ra cho chúng ta (Thi 18:39; 1 Cô 10:13). Chúng ta cũng có thể biết ơn vì mình có Lời Đức Chúa Trời, một sản phẩm của thần khí. Ngoài ra, hãy nghĩ về những thức ăn thiêng liêng dựa trên Kinh Thánh mà chúng ta được nhận mỗi tháng. Những lời nơi Xa-cha-ri 8:9, 13 (đọc) được phán ra trong thời gian đền thờ ở Giê-ru-sa-lem đang được tái thiết, và những lời ấy thật thích hợp với chúng ta.

11 Chúng ta cũng được thêm sức qua sự giáo dục của Đức Chúa Trời tại các buổi nhóm họp, hội nghị và các trường thần quyền. Sự huấn luyện ấy có thể giúp chúng ta có động cơ đúng, đặt các mục tiêu thiêng liêng và chu toàn nhiều trách nhiệm của một tín đồ (Thi 119:32). Anh chị có háo hức tìm kiếm sức mạnh từ sự giáo dục ấy không?

12. Chúng ta phải làm gì để giữ tình trạng thiêng liêng mạnh mẽ?

12 Đức Giê-hô-va đã giúp dân Y-sơ-ra-ên đánh bại quân A-ma-léc và Ê-thi-ô-bi. Ngài cũng ban sức mạnh cho Nê-hê-mi và những cộng sự của ông để họ hoàn tất công việc tái thiết. Tương tự, Đức Chúa Trời sẽ ban sức mạnh giúp chúng ta đứng vững trước sự chống đối, sự thờ ơ lãnh đạm và những mối lo lắng. Nhờ thế, chúng ta có thể thi hành công việc rao giảng (1 Phi 5:10). Chúng ta không mong đợi Đức Giê-hô-va làm phép lạ để giúp đỡ chúng ta. Thay vì thế, chúng ta nên làm phần của mình. Điều này bao gồm đọc Lời Đức Chúa Trời mỗi ngày, chuẩn bị và đều đặn tham dự các buổi nhóm họp hàng tuần, nuôi dưỡng lòng và trí qua việc học cá nhân và qua buổi thờ phượng của gia đình, đồng thời luôn nương cậy nơi Đức Giê-hô-va bằng cách cầu nguyện với ngài. Đừng bao giờ để cho các mục tiêu và hoạt động khác cản trở mình nhận được sự củng cố và khích lệ từ những điều mà Đức Giê-hô-va cung cấp. Nếu anh chị cảm thấy tay mình đã buông xuống trong bất cứ khía cạnh nào kể trên, hãy cầu xin Đức Chúa Trời giúp đỡ. Rồi hãy xem cách mà thần khí của ngài “thêm sinh lực cho anh em, ban cho anh em ước muốn lẫn sức mạnh để thực hiện những điều đẹp lòng ngài” (Phi-líp 2:13). Dù vậy, anh chị có thể làm gì để giúp tay của người khác vững mạnh?

HÃY LÀM VỮNG MẠNH NHỮNG CÁNH TAY RŨ RƯỢI

13, 14. (a) Điều gì đã thêm sức cho một anh sau khi vợ anh qua đời? (b) Chúng ta có thể làm người khác vững mạnh qua những cách nào?

13 Đức Giê-hô-va ban cho chúng ta một đoàn thể anh em quốc tế, những người đầy lòng quan tâm và có thể khích lệ chúng ta. Hãy nhớ rằng sứ đồ Phao-lô đã viết: “Hãy làm vững mạnh những cánh tay rũ rượi và đầu gối bủn rủn, hãy luôn làm cho thẳng con đường dưới chân anh em” (Hê 12:12, 13). Vào thế kỷ thứ nhất, nhiều tín đồ đã được làm vững mạnh về thiêng liêng như thế. Ngày nay cũng có những trường hợp tương tự. Sau khi vợ của một anh qua đời và anh đối mặt với những hoàn cảnh đau buồn khác, anh nói: “Tôi học được rằng chúng ta không thể lựa chọn loại thử thách nào mình phải chịu, cũng như thời điểm hoặc số lần xảy đến. Việc cầu nguyện và học hỏi cá nhân giống như chiếc phao cứu sinh, đã giúp tôi giữ cho đầu mình ở trên mặt nước. Sự ủng hộ của các anh chị em thiêng liêng cũng an ủi tôi rất nhiều. Tôi nhận thức được tầm quan trọng của việc vun trồng một mối quan hệ cá nhân tốt với Đức Giê-hô-va trước khi tình thế khó khăn xảy ra”.

Mỗi anh chị trong hội thánh có thể là nguồn khích lệ cho người khác (Xem đoạn 14)

14 A-rôn và Hu-rơ đã hỗ trợ Môi-se bằng cách đỡ tay của ông trong một trận chiến. Về phần mình, chúng ta có thể tìm những cách thực tế để hỗ trợ và giúp đỡ cho người khác. Cho những ai? Đó là những anh chị đang đấu tranh với những ảnh hưởng của tuổi già, với những giới hạn về sức khỏe, sự chống đối của gia đình, nỗi cô đơn hay cái chết của một người thân yêu. Chúng ta cũng có thể làm vững mạnh những người trẻ đang đối mặt với áp lực dự phần vào việc làm điều sai hoặc tìm kiếm “thành công” trong thế gian này, dù là thành công về mặt giáo dục, tài chính hay sự nghiệp (1 Tê 3:1-3; 5:11, 14). Hãy tìm những cách để biểu lộ lòng quan tâm thành thật với người khác tại Phòng Nước Trời, trong thánh chức, khi dùng bữa chung hoặc khi nói chuyện qua điện thoại.

15. Những lời tích cực có thể tác động thế nào đến anh em đồng đạo?

15 Sau chiến thắng vang dội của A-sa, nhà tiên tri A-xa-ria đã khích lệ ông cũng như dân sự bằng những lời sau: “Song các ngươi hãy mạnh lòng, tay các ngươi chớ nhát-sợ, vì việc các ngươi làm sẽ được phần thưởng” (2 Sử 15:7). Lời ấy đã thôi thúc A-sa thực hiện nhiều thay đổi liên quan đến việc khôi phục sự thờ phượng thanh sạch. Tương tự thế, những lời tích cực của anh chị có thể tác động sâu sắc đến người khác. Nhờ vậy, anh chị có thể giúp họ phụng sự Đức Giê-hô-va một cách trọn vẹn hơn (Châm 15:23). Tại các buổi nhóm họp, đừng bao giờ xem nhẹ việc giơ tay phát biểu và đóng góp những lời bình luận xây dựng, vì điều này có thể tác động mạnh mẽ đến người khác.

16. Giống như Nê-hê-mi, các trưởng lão có thể làm vững mạnh tay của những anh chị trong hội thánh qua cách nào? Hãy nêu ví dụ về cách anh em đồng đạo đã giúp đỡ cá nhân anh chị.

16 Với sự hỗ trợ của Đức Giê-hô-va, Nê-hê-mi và những người ở cùng ông đã làm tay mình vững mạnh để thi hành công việc. Sau đó, họ hoàn thành việc xây cất tường thành Giê-ru-sa-lem chỉ trong 52 ngày! (Nê 2:18; 6:15, 16). Nê-hê-mi không chỉ giám sát, mà chính ông đã tham gia vào việc tái thiết tường thành Giê-ru-sa-lem (Nê 5:16). Tương tự, nhiều trưởng lão đầy lòng yêu thương đã noi gương Nê-hê-mi qua việc hỗ trợ những dự án xây cất thần quyền, hoặc qua việc làm sạch và bảo trì Phòng Nước Trời địa phương. Bằng cách tham gia thánh chức với những người công bố khác và qua việc thăm chiên, các trưởng lão cũng làm vững mạnh bàn tay yếu đuối của những người có lòng lo âu.—Đọc Ê-sai 35:3, 4.

“TAY NGƯƠI CHỚ YẾU-ĐUỐI”

17, 18. Khi đối mặt với những vấn đề hoặc cảm thấy lo lắng, chúng ta có thể chắc chắn về điều gì?

17 Việc vai sánh vai phụng sự với các anh chị em giúp đẩy mạnh sự hợp nhất. Điều này cũng giúp chúng ta xây dựng những tình bạn lâu bền và càng tin chắc nơi các ân phước mà Nước Trời sắp mang lại. Khi làm vững mạnh tay của người khác, chúng ta giúp họ đấu tranh với những hoàn cảnh gây nản lòng, đồng thời giúp họ giữ cái nhìn tích cực và đầy hy vọng về tương lai. Hơn nữa khi làm thế, chúng ta có thể giữ sự tập trung về thiêng liêng và cảm nhận rằng những điều mà Đức Chúa Trời dành sẵn cho chúng ta là có thật. Đúng vậy, điều này cũng sẽ làm vững mạnh tay của chúng ta.

18 Khi xem xét cách Đức Giê-hô-va hỗ trợ và bảo vệ các tôi tớ trung thành vào nhiều dịp trong quá khứ, chúng ta càng có đức tin và lòng tin cậy nơi ngài. Thế nên, khi đối mặt với những áp lực và vấn đề thì “tay [anh chị] chớ yếu-đuối”! Thay vì thế, hãy hướng đến Đức Giê-hô-va trong lời cầu nguyện, rồi tay quyền năng của ngài sẽ làm anh chị vững mạnh và dẫn anh chị đến những ân phước của Nước Trời.—Thi 73:23, 24.