Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

Hãy tiếp tục tranh đấu để nhận được ân phước của Đức Giê-hô-va

Hãy tiếp tục tranh đấu để nhận được ân phước của Đức Giê-hô-va

“Ngươi đã có vật-lộn [“tranh đấu”, Bản Diễn Ý] cùng Đức Chúa Trời và người ta; ngươi đều được thắng”.​—SÁNG 32:28.

BÀI HÁT: 60, 38

1, 2. Các tôi tớ của Đức Giê-hô-va phải đương đầu với những thử thách nào?

Từ người trung thành đầu tiên là A-bên cho đến thời chúng ta, những người thờ phượng trung thành đều phải tranh đấu. Sứ đồ Phao-lô viết cho các tín đồ người Hê-bơ-rơ rằng họ “đã nhẫn nhịn và chịu khổ trong các thử thách cam go” khi tìm kiếm ân phước và sự chấp nhận của Đức Giê-hô-va (Hê 10:32-34). Phao-lô so sánh sự tranh đấu của các tín đồ với sự nỗ lực của những vận động viên tranh đua trong các cuộc thi đấu ở Hy Lạp, chẳng hạn như chạy bộ, đấu vật và đấm bốc (Hê 12:1, 4). Ngày nay, chúng ta đang ở trong cuộc đua để giành sự sống. Chúng ta phải đối mặt với những đối thủ muốn làm mình bị phân tâm, vấp ngã, bỏ cuộc cũng như muốn cướp đi niềm vui hiện tại và phần thưởng của mình trong tương lai.

2 Trước tiên, chúng ta có một cuộc chiến đấu (hay “đấu vật”) dữ dội với Sa-tan và thế gian gian ác của hắn (Ê-phê 6:12, chú thích). Điều trọng yếu là chúng ta phải nỗ lực để không bị ảnh hưởng bởi “các thành lũy” của thế gian, bao gồm các học thuyết, tư tưởng triết lý và những thực hành tai hại, chẳng hạn như làm điều vô luân, hút thuốc lá, lạm dụng rượu và dùng ma túy. Chúng ta cũng phải không ngừng chiến đấu với sự yếu đuối của xác thịt và sự nản lòng.—2 Cô 10:3-6; Cô 3:5-9.

3. Bằng cách nào Đức Chúa Trời huấn luyện chúng ta chiến đấu với các kẻ thù?

3 Chúng ta thật sự có thể đánh bại những đối thủ mạnh mẽ đó không? Có thể, nhưng điều này đòi hỏi nhiều nỗ lực. Phao-lô liên tưởng mình với một người đấm bốc vào thời xưa khi nói: “Cách tôi vung nắm đấm chẳng phải là đấm không khí” (1 Cô 9:26). Giống như một người đấm bốc chiến đấu với đối thủ, chúng ta phải chống lại các kẻ thù của mình. Đức Giê-hô-va huấn luyện và giúp chúng ta chiến đấu. Ngài cung cấp những chỉ dẫn cứu mạng trong Lời của ngài. Ngài cũng giúp chúng ta qua những ấn phẩm dựa trên Kinh Thánh, cũng như qua các buổi nhóm họp và hội nghị. Anh chị có đang áp dụng những gì mình học được không? Nếu không làm thế, anh chị sẽ giống như “đấm không khí”, và không thật sự chống lại kẻ thù của mình.

4. Làm thế nào chúng ta tránh để điều ác thắng mình?

4 Các kẻ thù có thể tấn công vào thời điểm chúng ta ít nghĩ đến nhất, và vào lúc chúng ta yếu nhất. Thế nên, chúng ta phải luôn tỉnh thức. Kinh Thánh đưa ra một lời cảnh báo: “Đừng để điều ác thắng mình, nhưng luôn lấy điều thiện thắng điều ác” (Rô 12:21). Lời khích lệ đừng để “điều ác thắng mình” cho thấy rằng chúng ta có thể thắng điều ác. Đúng vậy, chúng ta có thể chiến thắng nếu tiếp tục chống lại điều ác. Ngược lại, nếu không cảnh giác và ngưng chiến đấu, chúng ta có thể bị khuất phục trước Sa-tan, thế gian gian ác của hắn và sự bất toàn của bản thân. Đừng bao giờ để Sa-tan làm anh chị hoảng sợ và buông tay chịu thất bại!—1 Phi 5:9.

5. (a) Điều gì có thể giúp chúng ta tiếp tục tranh đấu để nhận được ân phước của Đức Chúa Trời? (b) Chúng ta sẽ xem xét về những nhân vật nào trong Kinh Thánh?

5 Để thành công, những ai đang đấu tranh phải nhớ về lý do mà mình chiến đấu. Nếu muốn có được ân phước và sự chấp nhận của Đức Chúa Trời, họ cần tiếp tục chú tâm vào lời đảm bảo nơi Hê-bơ-rơ 11:6: “Người đến gần ngài phải tin rằng ngài hiện hữu và là đấng ban thưởng cho những ai sốt sắng tìm kiếm ngài”. Động từ Hy Lạp được dịch là “sốt sắng tìm kiếm” là một dạng từ ám chỉ mức độ mãnh liệt và sự nỗ lực cao (Công 15:17). Kinh Thánh ghi lại gương tốt của những người nam và nữ đã nỗ lực tìm kiếm ân phước của Đức Giê-hô-va. Gia-cốp, Ra-chên, Giô-sép và Phao-lô đã đối mặt với những hoàn cảnh khiến họ bị mệt mỏi về cảm xúc lẫn thể chất. Dù vậy, họ đã chứng tỏ rằng sự kiên trì mang lại những ân phước dồi dào. Bằng cách nào chúng ta có thể noi gương bốn người tranh đấu xuất sắc này?

SỰ KIÊN TRÌ MANG LẠI ÂN PHƯỚC

6. Điều gì đã giúp Gia-cốp kiên trì, và ông đã được ban thưởng ra sao? (Xem hình nơi đầu bài).

6 Tộc trưởng Gia-cốp đã tranh đấu và kiên trì vì ông yêu mến Đức Giê-hô-va, quý trọng những điều thiêng liêng và có lòng tin chắc nơi lời hứa của ngài về việc ngài sẽ ban phước cho dòng dõi ông (Sáng 28:3, 4). Điều này giải thích tại sao khi Gia-cốp gần 100 tuổi, ông đã làm mọi điều có thể để nhận được ân phước của Đức Chúa Trời. Thậm chí ông còn vật lộn với một thiên sứ mặc lấy hình người. (Đọc Sáng-thế Ký 32:24-28). Phải chăng tự Gia-cốp có sức mạnh và sự bền bỉ cần thiết để vật lộn với một thiên sứ mạnh mẽ? Dĩ nhiên là không! Nhưng ông là một người tranh đấu đầy quyết tâm, và đã chứng tỏ rằng ông sẽ không thoái lui trước cuộc thử thách đó! Quả thật, Gia-cốp đã được ban thưởng vì sự kiên trì của mình. Ông nhận được tên gọi thích hợp là Y-sơ-ra-ên (có nghĩa là “Người vật lộn [Người kiên trì] với Đức Chúa Trời” hay “Đức Chúa Trời vật lộn”). Gia-cốp đã nhận được phần thưởng lớn lao mà chúng ta cũng đang tìm kiếm: Đó là ân phước và sự chấp nhận của Đức Giê-hô-va.

7. (a) Ra-chên đã đối mặt với tình huống buồn nản nào? (b) Bà đã tiếp tục tranh đấu ra sao, và cuối cùng đã được ban phước như thế nào?

7 Người vợ yêu dấu của Gia-cốp là Ra-chên cũng háo hức được thấy cách Đức Giê-hô-va sẽ thực hiện lời hứa với chồng bà. Nhưng có một điều dường như là chướng ngại vật không thể vượt qua: Bà không có con. Vào thời của bà, việc không có con bị xem là một nỗi đau khổ to lớn. Bằng cách nào Ra-chên đã tìm được sức mạnh về thể chất và tinh thần để tiếp tục chiến đấu với những hoàn cảnh gây nản lòng, nhưng lại hoàn toàn nằm ngoài tầm kiểm soát của bà? Bà đã không bao giờ mất hy vọng. Thay vì thế, bà tiếp tục tranh đấu qua việc cầu nguyện nhiều hơn nữa. Đức Giê-hô-va lắng nghe những lời nài xin chân thành của Ra-chên, và cuối cùng bà đã được ban phước để có con. Thật dễ hiểu khi có lần Ra-chên đã kêu lên trong chiến thắng: “Tôi đã hết sức chống-cự... và tôi được thắng”!—Sáng 30:8, 20-24.

8. Giô-sép đã gặp thử thách kéo dài nào, và cách chàng phản ứng nêu gương tốt ra sao cho chúng ta?

8 Gương kiên trì của Gia-cốp và Ra-chên chắc hẳn đã tác động mạnh mẽ đến con trai họ là Giô-sép, cũng như đến cách mà chàng sẽ đối phó với những thử thách về đức tin của chính mình. Khi Giô-sép 17 tuổi, cuộc sống của chàng bị đảo lộn hoàn toàn. Vì ghen tị, các anh đã bán chàng làm nô lệ. Sau này, Giô-sép phải chịu đựng những năm bị ngồi tù một cách bất công ở Ai Cập (Sáng 37:23-28; 39:7-9, 20, 21). Giô-sép đã không trở nên nản lòng, và cũng không oán giận đến mức tìm cách trả thù. Thay vì thế, Giô-sép đã tập trung lòng và trí vào mối quan hệ đầy ân phước với Đức Giê-hô-va (Lê 19:18; Rô 12:17-21). Gương của Giô-sép có thể giúp chúng ta. Chẳng hạn, ngay cả khi có tuổi thơ khó khăn hoặc có hoàn cảnh hiện tại dường như vô vọng, chúng ta cần tiếp tục tranh đấu và kiên trì. Chúng ta có thể tin chắc rằng nếu làm thế, Đức Giê-hô-va sẽ ban phước cho chúng ta.—Đọc Sáng-thế Ký 39:21-23.

9. Noi gương Gia-cốp, Ra-chên và Giô-sép, chúng ta nên nỗ lực làm gì để nhận được ân phước của Đức Giê-hô-va?

9 Hãy nghĩ về một tình huống khó khăn mà anh chị đang đối mặt. Có lẽ đó là một hình thức của sự bất công, thành kiến hay nhạo báng, hoặc có ai đó vu cáo anh chị vì ghen tị. Thay vì buông tay chịu thất bại trước khó khăn, hãy nhớ về điều đã giúp Gia-cốp, Ra-chên và Giô-sép tiếp tục vui mừng phụng sự Đức Giê-hô-va. Đức Chúa Trời đã thêm sức và ban phước cho họ vì họ tiếp tục biểu lộ lòng quý trọng sâu xa đối với những điều thiêng liêng. Họ đã tiếp tục tranh đấu và hành động phù hợp với những lời cầu nguyện chân thành của mình. Vì đang sống gần ngày thế gian gian ác này bị kết liễu, chúng ta có lý do mạnh mẽ để nắm lấy hy vọng vững vàng được đặt trước mặt mình! Anh chị có sẵn sàng nỗ lực và tranh đấu để nhận được ân huệ của Đức Giê-hô-va không?

HÃY SẴN SÀNG TRANH ĐẤU ĐỂ NHẬN ĐƯỢC ÂN PHƯỚC

10, 11. (a) Có thể chúng ta phải tranh đấu với những điều gì để nhận được ân phước của Đức Chúa Trời? (b) Điều gì sẽ giúp chúng ta có những lựa chọn đúng và chiến thắng sự nản lòng cũng như những điều khiến mình bị phân tâm?

10 Một số hoàn cảnh nào có lẽ đòi hỏi chúng ta phải tranh đấu để nhận được ân phước của Đức Chúa Trời? Một hoàn cảnh mà nhiều anh chị đối mặt là việc tranh đấu để chiến thắng sự yếu đuối của xác thịt. Một số anh chị khác phải quyết tâm và nỗ lực để giữ quan điểm tích cực về thánh chức. Trong hoàn cảnh của anh chị, có thể đó là việc đương đầu với tình trạng sức khỏe kém hoặc cảm giác cô đơn. Ngoài ra, một số anh chị phải nỗ lực trong việc tha thứ cho người làm họ tổn thương hoặc có lỗi với họ. Dù đã phụng sự bao lâu, tất cả chúng ta phải kháng cự những điều có thể cản trở mình phụng sự Đức Giê-hô-va, là đấng ban thưởng cho những người trung thành.

Anh chị có đang tranh đấu để nhận được ân phước của Đức Chúa Trời không? (Xem đoạn 10, 11)

11 Thực tế, việc đưa ra những quyết định đúng và đi theo đường lối tin kính có thể rất khó khăn, đặc biệt là khi lòng dối trá kéo chúng ta đi theo chiều ngược lại (Giê 17:9). Nếu anh chị nhận ra rằng mình đã phần nào bị lòng tác động theo cách tiêu cực, hãy cầu xin Đức Chúa Trời ban thần khí. Lời cầu nguyện và thần khí có thể cho anh chị sức lực để theo đuổi đường lối mà anh chị biết là đúng và sẽ được Đức Giê-hô-va ban phước. Hãy hành động phù hợp với lời cầu nguyện. Hãy cố gắng đọc một phần Kinh Thánh mỗi ngày. Hãy dành thời gian cho việc học cá nhân và có Buổi thờ phượng của gia đình một cách đều đặn.—Thi 119:32.

12, 13. Hai tín đồ đã được giúp đỡ ra sao trong việc kiểm soát những ham muốn sai trái?

12 Có nhiều ví dụ về cách mà Lời Đức Chúa Trời, thần khí của ngài và những ấn phẩm của tổ chức đã giúp các tín đồ chiến thắng những ham muốn sai trái. Một bạn nam ở tuổi thanh thiếu niên đã đọc một bài nói về cách kháng cự những ham muốn sai trái, được đăng trong Tỉnh Thức! (Anh ngữ) ngày 8-12-2003. Bạn nam này cảm thấy thế nào? Em chia sẻ: “Em đang đấu tranh để kiểm soát những suy nghĩ không đúng đắn. Khi đọc trong bài rằng ‘đối với nhiều người, cuộc chiến chống lại những ham muốn sai trái đặc biệt cam go’, em cảm thấy mình là một phần của đoàn thể anh em. Em thấy rằng mình không đơn độc”. Người trẻ này cũng nhận được lợi ích từ một bài khác nói về những ham muốn tình dục trái tự nhiên, được đăng trong Tỉnh Thức! (Anh ngữ) ngày 8-10-2003. Em để ý đến việc bài nói rằng đối với một số người, cuộc chiến chống lại những ham muốn sai trái là “một cái gai xóc vào thịt” (2 Cô 12:7). Trong khi tiếp tục chiến đấu để giữ hạnh kiểm công chính, họ có thể lạc quan nhìn về tương lai. Em nói: “Vì lý do đó, em nghĩ rằng khi mỗi ngày trôi qua, em có thể giữ trung thành. Em rất biết ơn Đức Giê-hô-va vì ngài đã dùng tổ chức của ngài để giúp chúng ta sống qua mỗi ngày trong thế gian gian ác này”.

13 Cũng hãy xem xét kinh nghiệm của một chị ở Hoa Kỳ. Chị viết: “Tôi muốn cảm ơn các anh vì luôn cung cấp cho chúng tôi những thức ăn mà mình cần và vào đúng thời điểm. Tôi thường cảm thấy những bài ấy được viết cho chính mình. Trong nhiều năm, tôi đã đấu tranh với ham muốn sai trái về một điều mà Đức Giê-hô-va ghét, và ham muốn đó rất mạnh mẽ. Đôi lúc, tôi muốn buông tay và ngừng chiến đấu. Tôi biết Đức Giê-hô-va là đấng thương xót và sẵn sàng tha thứ, nhưng vì có ham muốn sai trái ấy và từ sâu trong lòng, tôi không ghét nó, nên tôi cảm thấy mình không thể nhận được sự giúp đỡ của ngài. Cuộc chiến kéo dài này đã ảnh hưởng đến mọi khía cạnh của đời sống tôi... Sau khi đọc bài ‘Bạn có “tấm lòng nhận-biết” Đức Giê-hô-va?’ trong Tháp Canh ngày 15-3-2013, tôi thật sự cảm thấy Đức Giê-hô-va muốn giúp tôi”.

14. (a) Phao-lô cảm thấy thế nào về những sự tranh đấu của bản thân? (b) Bằng cách nào chúng ta có thể chiến thắng những sự yếu đuối về xác thịt?

14 Đọc Rô-ma 7:21-25. Chính Phao-lô biết việc tranh đấu với những ham muốn và sự yếu đuối của xác thịt bất toàn có thể khó khăn thế nào. Tuy nhiên, ông tin chắc rằng mình có thể chiến thắng trong cuộc chiến ấy bằng cách cầu nguyện và nương cậy nơi Đức Giê-hô-va, đồng thời thể hiện đức tin nơi sự hy sinh làm giá chuộc của Chúa Giê-su. Còn chúng ta thì sao? Khi tranh đấu chống lại việc chiều theo sự yếu đuối xác thịt của chính mình, chúng ta có thể chiến thắng. Bằng cách nào? Bằng cách noi gương Phao-lô, nương cậy hoàn toàn nơi Đức Giê-hô-va chứ không phải nơi sức riêng của mình, đồng thời có đức tin nơi giá chuộc.

15. Tại sao lời cầu nguyện có thể giúp chúng ta giữ trung thành và chịu đựng các thử thách?

15 Đôi lúc, Đức Chúa Trời có thể cho chúng ta cơ hội thể hiện mức độ quan tâm của mình về một vấn đề. Chẳng hạn, nói sao nếu chúng ta (hoặc một thành viên trong gia đình) bị bệnh nặng, hoặc chúng ta phải đối mặt với một sự bất công nào đó? Chúng ta sẽ cho thấy mình có lòng tin cậy hoàn toàn nơi Đức Giê-hô-va bằng cách nài xin ngài ban cho mình sức mạnh để giữ trung thành và không mất đi niềm vui cũng như sự thăng bằng về thiêng liêng (Phi-líp 4:13). Kinh nghiệm của nhiều người, cả trong thời của Phao-lô và thời nay, chứng tỏ rằng lời cầu nguyện có thể thêm sức cho chúng ta và giúp chúng ta có lòng can đảm để tiếp tục chịu đựng.

HÃY TIẾP TỤC TRANH ĐẤU ĐỂ NHẬN ĐƯỢC ÂN PHƯỚC CỦA ĐỨC GIÊ-HÔ-VA

16, 17. Là người tranh đấu, anh chị quyết tâm làm gì?

16 Kẻ Quỷ Quyệt rất muốn thấy anh chị bỏ cuộc và buông tay chịu thất bại. Thế nên, hãy quyết tâm “gìn giữ những điều tốt lành” (1 Tê 5:21). Hãy yên tâm là anh chị có thể chiến thắng trong cuộc chiến chống lại Sa-tan, thế gian gian ác của hắn và bất cứ khuynh hướng tội lỗi nào. Anh chị có thể làm được điều này qua việc hoàn toàn tin cậy rằng Đức Chúa Trời sẽ làm anh chị vững mạnh.—2 Cô 4:7-9; Ga 6:9.

17 Vậy, hãy tiếp tục tranh đấu. Hãy tiếp tục kiên trì và bền bỉ. Hãy tin chắc rằng Đức Giê-hô-va sẽ “đổ phước xuống cho [anh chị] đến nỗi không chỗ chứa”.—Mal 3:10.