Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

“Giê-hô-va Đức Chúa Trời chúng ta là Giê-hô-va có một không hai”

“Giê-hô-va Đức Chúa Trời chúng ta là Giê-hô-va có một không hai”

“Hỡi Y-sơ-ra-ên! hãy nghe: Giê-hô-va Đức Chúa Trời chúng ta là Giê-hô-va có một không hai”.—PHỤC 6:4.

BÀI HÁT: 138, 112

1, 2. (a) Tại sao những từ được ghi nơi Phục-truyền Luật-lệ Ký 6:4 nổi tiếng? (b) Tại sao Môi-se nói ra lời này?

Trong hàng thế kỷ, sáu từ trong văn bản tiếng Hê-bơ-rơ ở Phục-truyền Luật-lệ Ký 6:4 đã được những người theo Do Thái giáo dùng làm một phần trong lời cầu nguyện đặc biệt. Lời cầu nguyện này được gọi là Shema; Shema là từ đầu tiên trong câu Kinh Thánh trên. Họ nói lời đó hằng ngày, vào buổi sáng và buổi tối. Qua lời cầu nguyện ấy, những người sùng đạo thuộc Do Thái giáo tuyên bố sự thờ phượng chuyên độc của họ dành cho Đức Chúa Trời.

2 Những từ đó là một phần của lời từ biệt mà Môi-se nói với nước Y-sơ-ra-ên khi họ tập trung tại đồng bằng Mô-áp vào năm 1473 TCN. Nước Y-sơ-ra-ên sắp băng qua sông Giô-đanh để chiếm lấy Đất Hứa (Phục 6:1). Người lãnh đạo của họ trong 40 năm qua là Môi-se muốn dân tộc ấy can đảm khi đương đầu với những thử thách phía trước. Họ cần tin cậy Giê-hô-va Đức Chúa Trời của họ và trung thành với ngài. Những lời cuối cùng của Môi-se sẽ tác động sâu sắc đến dân tộc ấy. Sau khi đề cập đến Mười Điều Răn và những luật lệ khác mà Đức Giê-hô-va đã ban cho nước Y-sơ-ra-ên, Môi-se đưa ra lời tuyên bố mạnh mẽ nơi Phục-truyền Luật-lệ Ký 6:4, 5. (Đọc).

3. Chúng ta sẽ xem xét những câu hỏi nào trong bài này?

3 Chẳng phải những người Y-sơ-ra-ên nhóm lại tại đó với Môi-se đã biết rằng Giê-hô-va Đức Chúa Trời của họ là “Giê-hô-va có một không hai” sao? Dĩ nhiên là họ biết. Những người Y-sơ-ra-ên trung thành đã biết và thờ phượng chỉ một Đức Chúa Trời: Đức Chúa Trời của Áp-ra-ham, Y-sác và Gia-cốp, là tổ phụ họ. Nếu thế, tại sao Môi-se lại lưu ý họ rằng Giê-hô-va Đức Chúa Trời của họ là “Giê-hô-va có một không hai”? Sự độc nhất của Đức Giê-hô-va có liên quan đến việc yêu thương ngài hết lòng, hết ý, hết sức, như được nói đến trong câu 5 không? Những lời nơi Phục-truyền Luật-lệ Ký 6:4, 5 có ý nghĩa gì với chúng ta ngày nay?

SỰ ĐỘC NHẤT CỦA ĐỨC GIÊ-HÔ-VA

4, 5. (a) Một nghĩa của cụm từ “Giê-hô-va có một không hai” là gì? (b) Đức Giê-hô-va khác biệt với các thần của các nước như thế nào?

4 Duy nhất. Cụm từ “có một không hai” có thể nói đến sự độc nhất, duy nhất. Dường như ở đây Môi-se không phải đang bác bỏ những sự dạy dỗ của tôn giáo sai lầm về một thần có ba ngôi. Đức Giê-hô-va là đấng dựng nên trời đất, Đấng Cai Trị Hoàn Vũ. Ngài là Đức Chúa Trời có thật và duy nhất; không có thần nào khác giống như ngài (2 Sa 7:22). Do đó, Môi-se đang nhắc dân Y-sơ-ra-ên rằng họ phải dành cho Đức Giê-hô-va sự thờ phượng chuyên độc. Họ không được bắt chước các dân tộc xung quanh, là những người thờ các thần và nữ thần khác nhau. Một số thần giả ấy được cho là điều khiển những thành phần thiên nhiên nào đó. Số khác là những bản thể riêng biệt của một vị thần.

5 Chẳng hạn, người Ai Cập thờ thần mặt trời Ra, nữ thần bầu trời Nut, thần mặt đất Geb, thần sông Ni-lơ là Hapi, và nhiều con vật thánh. Nhiều thần giả trong số này đã bị Đức Giê-hô-va hạ nhục trong Mười Tai Vạ. Thần có vị thế nổi bật của người Ca-na-an là Ba-anh, thần sinh sản, và dường như cũng là thần bầu trời, thần mưa và thần bão. Tại nhiều nơi, Ba-anh còn là thần bảo hộ của địa phương (Dân 25:3). Dân Y-sơ-ra-ên phải nhớ rằng Đức Chúa Trời của họ là “Giê-hô-va có một không hai”.—Phục 4:35, 39.

6, 7. Cụm từ “có một không hai” còn có ý nghĩa nào khác, và bằng cách nào Đức Giê-hô-va đã chứng tỏ ngài là đấng “có một không hai”?

6 Nhất quán và thành tín. Cụm từ “có một không hai” cũng có ý nói đến sự hợp nhất và đồng nhất về mục tiêu và hành động. Giê-hô-va Đức Chúa Trời không phải là đấng thiếu nhất quán hoặc không thể đoán định. Thay vì thế, ngài luôn trung tín, thành tín, chân thật và nhất quán. Đức Giê-hô-va hứa với Áp-ra-ham rằng con cháu của ông sẽ thừa hưởng Đất Hứa, và ngài đã làm những việc phi thường để hoàn thành lời hứa ấy. Dù 430 năm đã trôi qua, Đức Giê-hô-va vẫn không suy giảm lòng quyết tâm trong việc thực hiện điều đó.—Sáng 12:1, 2, 7; Xuất 12:40, 41.

7 Nhiều thế kỷ sau, khi cho biết dân Y-sơ-ra-ên là các nhân chứng của ngài, Đức Giê-hô-va nói với họ: “Ta là Chúa! Chẳng có Đức Chúa Trời nào tạo-thành trước ta, và cũng chẳng có sau ta nữa”. Để nhấn mạnh mục tiêu không thay đổi của ngài, Đức Giê-hô-va nói thêm: “Tự muôn đời, Ta vẫn là Ta” (Ê-sai 43:10; 43:13, Các Giờ Kinh Phụng Vụ; 44:6; 48:12). Thật là một đặc ân tuyệt vời cho dân Y-sơ-ra-ên, cũng như cho chúng ta, khi được làm các tôi tớ của Đức Giê-hô-va, Đức Chúa Trời nhất quán và thành tín trong mọi đường lối ngài!—Mal 3:6; Gia 1:17.

8, 9. (a) Đức Giê-hô-va đòi hỏi điều gì nơi những người thờ phượng ngài? (b) Chúa Giê-su đã nhấn mạnh ra sao về tầm quan trọng của những lời mà Môi-se nói?

8 Đúng vậy, Môi-se nhắc dân Y-sơ-ra-ên rằng Đức Giê-hô-va không hề thay đổi, ngài luôn yêu thương và quan tâm đến họ. Vì thế, điều hợp lý là họ phải dành cho ngài sự thờ phượng chuyên độc, yêu thương ngài hết lòng, hết ý và hết sức. Các bậc cha mẹ phải dạy về Đức Giê-hô-va cho con cái vào mọi dịp để những người trẻ cũng thờ phượng ngài một cách chuyên độc và hết lòng.—Phục 6:6-9.

9 Vì ý muốn và mục tiêu của Đức Giê-hô-va không thay đổi nên rõ ràng, các đòi hỏi căn bản của ngài đối với những người thờ phượng chân chính ngày nay vẫn không thay đổi. Để sự thờ phượng của mình được Đức Chúa Trời chấp nhận, chúng ta cũng phải dành cho ngài sự thờ phượng chuyên độc, đồng thời yêu thương ngài hết lòng, hết tâm trí và hết sức lực. Đó chính là điều mà Chúa Giê-su nói với một người hỏi ngài. (Đọc Mác 12:28-31). Vậy, qua những hành động nào chúng ta có thể cho thấy mình thật sự hiểu “Giê-hô-va Đức Chúa Trời chúng ta là Giê-hô-va có một không hai”?

DÀNH CHO ĐỨC GIÊ-HÔ-VA SỰ THỜ PHƯỢNG CHUYÊN ĐỘC

10, 11. (a) Sự thờ phượng của chúng ta dành cho Đức Giê-hô-va là chuyên độc theo nghĩa nào? (b) Bằng cách nào những người trẻ Hê-bơ-rơ ở Ba-by-lôn đã cho thấy rằng họ thờ phượng Đức Giê-hô-va một cách chuyên độc?

10 Để cho thấy Đức Giê-hô-va là Đức Chúa Trời có một và duy nhất của mình, chúng ta cần thờ phượng ngài một cách chuyên độc. Chúng ta không thể vừa thờ phượng Đức Chúa Trời vừa thờ phượng các thần khác. Sự thờ phượng của chúng ta cũng không được dính líu đến bất cứ tư tưởng hoặc thực hành nào của các hình thức thờ phượng khác. Chúng ta phải nhớ rằng Đức Giê-hô-va không đơn giản là một thần trong số nhiều vị thần hoặc là thần cao nhất và quyền năng nhất trong số đó. Ngài là Đức Chúa Trời có thật và duy nhất. Chúng ta chỉ nên thờ phượng một mình Đức Giê-hô-va.—Đọc Khải huyền 4:11.

11 Trong sách Đa-ni-ên, chúng ta đọc về những người trẻ là Đa-ni-ên, Ha-na-nia, Mi-sa-ên và A-xa-ria. Họ đã cho thấy họ thờ phượng Đức Giê-hô-va một cách chuyên độc không chỉ qua việc kiêng những thức ăn ô uế, mà còn qua việc từ chối quỳ lạy pho tượng bằng vàng của Nê-bu-cát-nết-sa. Những điều họ ưu tiên thật rõ ràng; trong sự thờ phượng của họ, không có chỗ cho việc thỏa hiệp.—Đa 1:1–3:30.

12. Để dành cho Đức Giê-hô-va sự thờ phượng chuyên độc, chúng ta phải cảnh giác về điều gì?

12 Để thờ phượng Đức Giê-hô-va một cách chuyên độc, chúng ta phải cẩn thận không cho phép bất cứ điều gì thay thế hoặc chia sẻ vị trí mà chúng ta chỉ nên dành cho Đức Giê-hô-va trong đời sống của mình. Những điều ấy có thể là gì? Trong Mười Điều Răn, Đức Giê-hô-va nói rõ là dân ngài không được có thần nào khác, và họ không được thực hành bất cứ hình thức thờ hình tượng nào (Phục 5:6-10). Ngày nay, việc thờ hình tượng có thể diễn ra dưới nhiều hình thức, và một vài hình thức có lẽ không dễ nhận ra. Nhưng các đòi hỏi của Đức Giê-hô-va không thay đổi. Ngài vẫn là “Giê-hô-va có một không hai”. Hãy xem điều này nên có ý nghĩa gì với chúng ta.

13. Chúng ta có thể bắt đầu yêu mến điều gì hơn Đức Giê-hô-va?

13 Nơi Cô-lô-se 3:5 (đọc), chúng ta thấy một lời khuyên mạnh mẽ cho tín đồ đạo Đấng Ki-tô liên quan đến điều có thể phá vỡ tình bạn đặc biệt mà họ có với Đức Giê-hô-va. Hãy lưu ý rằng sự tham lam được liên kết với việc thờ thần tượng. Bởi vì điều mà một người ham muốn, chẳng hạn như sự giàu sang hoặc lối sống xa hoa, có thể kiểm soát đời sống của người ấy đến mức sự ham muốn đó đóng vai trò như một vị thần đầy quyền lực. Thật ra, không khó để chúng ta thấy rằng mọi tội lỗi khác được đề cập trong câu Kinh Thánh trên, qua cách nào đó, đều liên kết với sự tham lam và vì thế liên kết với việc thờ thần tượng. Nếu tham muốn những điều tội lỗi ấy thì chúng ta có thể bắt đầu yêu mến chúng hơn Đức Giê-hô-va. Liệu chúng ta có thể mạo hiểm để cho bất cứ điều gì trong số đó kiểm soát chúng ta, khiến Đức Giê-hô-va không còn là “Giê-hô-va có một không hai” với mình không? Không, chúng ta không thể làm thế.

14. Sứ đồ Giăng đã đưa ra lời cảnh báo nào?

14 Sứ đồ Giăng cũng nêu lên điểm tương tự khi ông cảnh báo rằng nếu bất cứ ai yêu những gì thuộc về thế gian, như “sự ham muốn của xác thịt, sự ham muốn của mắt và sự phô trương của cải”, thì “tình yêu thương đối với Cha không có trong người ấy” (1 Giăng 2:15, 16). Điều này có nghĩa là chúng ta cần luôn tra xét lòng mình để xem liệu lòng chúng ta có đang bị lôi cuốn bởi các loại hình giải trí, mối quan hệ, kiểu ăn mặc và ngoại diện của thế gian không. Yêu thế gian cũng có thể bao gồm nỗ lực đạt được những “việc lớn”, chẳng hạn như theo đuổi việc học lên cao (Giê 45:4, 5). Chúng ta đang đứng trước ngưỡng cửa của thế giới mới mà Đức Chúa Trời đã hứa ban. Do đó, điều trọng yếu là hãy ghi nhớ những lời mạnh mẽ của Môi-se! Nếu hiểu rõ và tin chắc rằng “Giê-hô-va Đức Chúa Trời chúng ta là Giê-hô-va có một không hai”, chúng ta sẽ làm mọi điều có thể để dành cho ngài sự thờ phượng chuyên độc và phụng sự ngài theo cách mà ngài chấp nhận.—Hê 12:28, 29.

GIỮ SỰ HỢP NHẤT CỦA TÍN ĐỒ ĐẠO ĐẤNG KI-TÔ

15. Tại sao Phao-lô nhắc các tín đồ rằng Đức Chúa Trời là “Giê-hô-va có một không hai”?

15 Sự độc nhất của Đức Giê-hô-va cũng có ý nói đến sự hợp nhất và đồng nhất về mục tiêu. Đây là đặc điểm mà chúng ta, những người thờ phượng Đức Chúa Trời, phải có khi phụng sự ngài. Hội thánh đạo Đấng Ki-tô vào thế kỷ thứ nhất bao gồm người Do Thái, Hy Lạp, La Mã và những người thuộc các nước khác. Họ có gốc gác, phong tục và sở thích khác nhau. Vì thế, một số tín đồ gặp khó khăn trong việc chấp nhận cách thờ phượng mới hoặc từ bỏ hoàn toàn đường lối cũ của mình. Sứ đồ Phao-lô thấy thích hợp để nhắc họ rằng tín đồ đạo Đấng Ki-tô chỉ có một Đức Chúa Trời là Đức Giê-hô-va.—Đọc 1 Cô-rinh-tô 8:5, 6.

16, 17. (a) Lời tiên tri nào đang được ứng nghiệm trong thời chúng ta, và kết quả là gì? (b) Điều gì có thể làm suy giảm sự hợp nhất của chúng ta?

16 Nói sao về hoàn cảnh của hội thánh đạo Đấng Ki-tô vào thời nay? Nhà tiên tri Ê-sai báo trước rằng “trong những ngày sau-rốt”, người thuộc mọi nước sẽ đổ về nơi cao trọng của sự thờ phượng thật của Đức Giê-hô-va. Họ sẽ nói: “[Đức Giê-hô-va] sẽ dạy chúng ta về đường-lối Ngài, chúng ta sẽ đi trong các nẻo Ngài” (Ê-sai 2:2, 3). Chúng ta hạnh phúc biết bao khi tận mắt thấy lời tiên tri này đang ứng nghiệm! Kết quả là nhiều hội thánh có những người thuộc các chủng tộc, văn hóa và ngôn ngữ khác nhau đang ngợi khen Đức Giê-hô-va. Tuy nhiên, sự đa dạng này có thể đưa đến những vấn đề mà chúng ta cần để ý một cách nghiêm túc.

Anh chị có đang góp phần vào sự hợp nhất của hội thánh đạo Đấng Ki-tô không? (Xem đoạn 16-19)

17 Chẳng hạn, anh chị cảm thấy thế nào về các anh em đồng đạo đến từ những nền văn hóa rất khác biệt với văn hóa của anh chị? Tiếng mẹ đẻ, cách phục sức, phép lịch sự và thức ăn của họ có lẽ không phải là điều mà anh chị quen thuộc. Anh chị có khuynh hướng lảng tránh họ và gần như chỉ kết hợp với những người có hoàn cảnh tương tự với mình không? Nói sao nếu những anh được bổ nhiệm làm giám thị trong hội thánh, hoặc trong vòng quanh hay chi nhánh của anh chị, trẻ hơn hoặc có sự khác biệt về văn hóa hay chủng tộc với anh chị? Anh chị có để cho những vấn đề như thế làm suy giảm sự hợp nhất và đồng nhất về mục tiêu mà những người thuộc dân của Đức Giê-hô-va nên có không?

18, 19. (a) Lời khuyên nào được nói đến nơi Ê-phê-sô 4:1-3? (b) Chúng ta có thể làm gì để giúp hội thánh giữ được sự hợp nhất?

18 Điều gì có thể giúp chúng ta tránh những cạm bẫy như thế? Phao-lô đã đưa ra một số lời khuyên thiết thực cho các tín đồ ở Ê-phê-sô, một thành phố thịnh vượng và đa dạng. (Đọc Ê-phê-sô 4:1-3). Hãy lưu ý rằng trước tiên, Phao-lô đề cập đến những đức tính như khiêm nhường, mềm mại, nhẫn nhịn và yêu thương. Các đức tính này có thể được ví như những cột trụ của một ngôi nhà, giúp ngôi nhà ấy đứng vững. Nhưng bên cạnh việc có những cột trụ chắc chắn, một ngôi nhà cần được bảo trì đều đặn, nếu không nó có thể bắt đầu bị mục rữa. Phao-lô khuyến giục các tín đồ ở thành Ê-phê-sô hết lòng “gìn giữ sự hợp nhất có được nhờ thần khí”.

19 Mỗi chúng ta nên xem việc góp phần gìn giữ sự hợp nhất trong hội thánh là trách nhiệm của chính mình. Chúng ta có thể làm gì? Trước tiên, hãy vun trồng và thể hiện những đức tính mà Phao-lô đề cập. Đó là khiêm nhường, mềm mại, nhẫn nhịn và yêu thương. Sau đó, hãy dồn mọi nỗ lực để phát huy ‘sự hòa thuận với nhau’. Nói theo nghĩa bóng, chúng ta nên sửa chữa bất cứ vết nứt nào có thể xuất hiện, chẳng hạn như những sự hiểu lầm. Khi làm thế, chúng ta sẽ góp phần vào việc gìn giữ sự hòa thuận và hợp nhất đáng quý của chúng ta.

20. Bằng cách nào chúng ta có thể cho thấy mình hiểu rằng “Giê-hô-va Đức Chúa Trời chúng ta là Giê-hô-va có một không hai”?

20 “Giê-hô-va Đức Chúa Trời chúng ta là Giê-hô-va có một không hai”. Thật là một lời tuyên bố mạnh mẽ! Lời ấy đã giúp dân Y-sơ-ra-ên được thêm sức để đương đầu với những thử thách mà họ đối mặt khi vào và chiếm lấy Đất Hứa. Ghi nhớ lời ấy sẽ giúp chúng ta có sức mạnh để đương đầu với hoạn nạn lớn sắp đến và góp phần vào sự hòa thuận và hợp nhất trong địa đàng. Hãy tiếp tục dành cho Đức Giê-hô-va sự thờ phượng chuyên độc qua việc yêu thương và phụng sự ngài hết mình cũng như dồn mọi nỗ lực để gìn giữ sự hợp nhất của đoàn thể anh em tín đồ đạo Đấng Ki-tô. Nếu tiếp tục làm thế, chúng ta có thể trông mong với niềm tin chắc rằng mình sẽ thấy sự ứng nghiệm của lời Chúa Giê-su nói về những người được ngài xét là chiên: “Hỡi những người được Cha ta ban phước, hãy đến thừa hưởng Nước đã được chuẩn bị sẵn cho các ngươi từ khi thành lập thế gian”.—Mat 25:34.