Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

Anh chị có để Thợ Gốm Vĩ Đại uốn nắn mình không?

Anh chị có để Thợ Gốm Vĩ Đại uốn nắn mình không?

“Đất sét ở trong tay thợ gốm thể nào, thì các ngươi cũng ở trong tay ta thể ấy”.—GIÊ 18:6.

BÀI HÁT: 60, 22

1, 2. Tại sao Đức Chúa Trời xem Đa-ni-ên là “người rất được yêu-quí”, và làm thế nào chúng ta có thể vâng lời giống như Đa-ni-ên?

Khi những người Do Thái bị bắt đi lưu đày bước vào thành Ba-by-lôn cổ xưa, họ thấy thành phố này đầy dẫy hình tượng và thấy một dân tộc làm nô lệ cho các ác thần. Dù vậy, những người Do Thái trung thành, chẳng hạn như Đa-ni-ên và ba người bạn, đã không để mình bị rập khuôn theo thế giới của người Ba-by-lôn (Đa 1:6, 8, 12; 3:16-18). Đa-ni-ên và ba người bạn quyết tâm thờ phượng Đức Giê-hô-va một cách chuyên độc và xem ngài là Thợ Gốm của mình. Họ đã thành công! Đa-ni-ên sống ở Ba-by-lôn gần như cả đời. Dù vậy, thiên sứ của Đức Chúa Trời nói rằng ông là “người rất được yêu-quí”.—Đa 10:11, 19.

2 Trong thời Kinh Thánh, người thợ gốm có thể ép đất sét vào một cái khuôn để tạo nên hình dạng mà ông mong muốn. Những người thờ phượng chân chính thời nay nhận biết rằng Đức Giê-hô-va là Đấng Cai Trị Hoàn Vũ, đấng có quyền uốn nắn các dân và các nước. (Đọc Giê-rê-mi 18:6). Đức Chúa Trời cũng có quyền uốn nắn mỗi cá nhân chúng ta. Tuy nhiên, ngài tôn trọng sự tự do ý chí của chúng ta và muốn chúng ta vâng phục ngài một cách tự nguyện. Chúng ta hãy tập trung vào cách mình có thể tiếp tục giống như đất sét mềm dẻo trong tay Đức Chúa Trời qua việc xem xét ba khía cạnh: (1) Làm thế nào chúng ta có thể tránh những đặc tính khiến mình cứng lòng trước sự khuyên dạy của Đức Chúa Trời? (2) Bằng cách nào chúng ta có thể vun trồng những phẩm chất giúp mình tiếp tục mềm dẻo và vâng phục? (3) Các bậc cha mẹ tin kính có thể vâng phục Đức Chúa Trời ra sao khi uốn nắn con cái?

TRÁNH NHỮNG ĐẶC TÍNH CÓ THỂ KHIẾN CHÚNG TA CỨNG LÒNG

3. Những đặc tính nào có thể khiến chúng ta cứng lòng? Hãy cho ví dụ.

3 Châm-ngôn 4:23 nói: “Khá cẩn-thận giữ tấm lòng của con hơn hết, vì các nguồn sự sống do nơi nó mà ra”. Để không trở nên cứng lòng, chúng ta phải cảnh giác trước những đặc tính xấu như sự kiêu ngạo, việc bước đi trong tội lỗi và thiếu đức tin. Những điều này có thể thúc đẩy tinh thần nổi loạn và bất tuân (Đa 5:1, 20; Hê 3:13, 18, 19). Vua Ô-xia của nước Giu-đa đã thể hiện tính kiêu ngạo. (Đọc 2 Sử-ký 26:3-5, 16-21). Lúc đầu, Ô-xia “làm điều thiện trước mặt Đức Giê-hô-va” và “rắp lòng tìm-kiếm Đức Chúa Trời”. Nhưng “khi người được trở nên cường-thạnh, lòng bèn kiêu-ngạo”, dù cho sự cường thạnh của ông đến từ Đức Chúa Trời! Thậm chí, ông còn cố xông hương tại đền thờ, một đặc ân chỉ dành cho các thầy tế lễ thuộc dòng A-rôn. Khi các thầy tế lễ can ngăn, vị vua Ô-xia kiêu ngạo đã trở nên giận dữ! Hậu quả là gì? Ông bị “bại-hoại” một cách nhục nhã trong tay Đức Chúa Trời và bị bệnh phong cùi đến hết đời.—Châm 16:18.

4, 5. Điều gì có thể xảy ra nếu chúng ta không cảnh giác trước sự kiêu ngạo? Hãy cho ví dụ.

4 Nếu không cảnh giác trước sự kiêu ngạo, chúng ta cũng có thể bắt đầu “nghĩ cao quá về mình”, có lẽ còn đi đến mức bác bỏ lời khuyên của Kinh Thánh (Rô 12:3; Châm 29:1). Hãy xem kinh nghiệm của một trưởng lão tên là Jim. Anh đã bất đồng ý kiến với các trưởng lão khác về một vấn đề của hội thánh. Anh Jim kể lại: “Tôi nói với các anh ấy rằng họ không yêu thương, rồi rời buổi họp”. Khoảng sáu tháng sau, anh chuyển đến một hội thánh gần đó nhưng không được bổ nhiệm làm trưởng lão. Anh thừa nhận: “Tôi đã rất buồn và thất vọng. Thái độ tự xem mình là công chính đã khuất phục tôi, thế nên tôi bỏ sự thật”. Anh Jim đã ngưng hoạt động trong mười năm. Anh thừa nhận: “Lòng kiêu hãnh của tôi bị tổn thương, và tôi bắt đầu đổ lỗi cho Đức Giê-hô-va về những điều đang xảy ra. Qua nhiều năm, các anh đã đến thăm và cố gắng lý luận với tôi nhưng tôi từ chối sự giúp đỡ của họ”.

5 Kinh nghiệm của anh Jim cho thấy sự kiêu ngạo có thể khiến chúng ta bào chữa về các hành động của mình, và trở nên khó uốn nắn (Giê 17:9). Anh Jim cho biết: “Tôi không thể ngưng suy nghĩ rằng những người khác có lẽ đã sai lầm ra sao”. Anh chị đã bao giờ bị tổn thương vì một anh em đồng đạo hoặc vì mất những đặc ân nào đó chưa? Nếu vậy, anh chị đã phản ứng thế nào? Sự kiêu ngạo có ảnh hưởng đến anh chị không, hay mối quan tâm chính của anh chị là làm hòa với anh em và giữ trung thành với Đức Giê-hô-va?—Đọc Thi-thiên 119:165; Cô-lô-se 3:13.

6. Điều gì có thể xảy ra nếu chúng ta bước đi trong tội lỗi?

6 Việc bước đi trong tội lỗi, thậm chí bí mật phạm tội, cũng có thể khiến một người lờ đi lời khuyên của Đức Chúa Trời. Khi đó, người ấy càng dễ phạm tội hơn. Một anh nói rằng với thời gian, anh không còn bận tâm nhiều đến hạnh kiểm sai trái của mình nữa (Truyền 8:11). Một anh khác từng có thói quen xem tài liệu khiêu dâm, sau này đã thừa nhận: “Tôi thấy mình bắt đầu có thái độ chỉ trích đối với các trưởng lão”. Thói quen xem tài liệu khiêu dâm đã gây hại cho anh về thiêng liêng. Cuối cùng, hạnh kiểm xấu của anh bị lộ ra và anh đã nhận được sự trợ giúp rất cần thiết. Dĩ nhiên, tất cả chúng ta đều bất toàn. Nhưng nếu bắt đầu có thái độ chỉ trích hoặc bào chữa cho một đường lối sai trái thay vì tìm kiếm sự tha thứ và trợ giúp của Đức Chúa Trời, thì có lẽ chúng ta đang trở nên cứng lòng.

7, 8. (a) Dân Y-sơ-ra-ên xưa đã cho thấy việc thiếu đức tin có thể dẫn đến sự cứng lòng ra sao? (b) Chúng ta học được bài học gì?

7 Chúng ta thấy một ví dụ về việc thiếu đức tin có thể làm cứng lòng như thế nào trong trường hợp của dân Y-sơ-ra-ên, là dân được Đức Giê-hô-va giải thoát khỏi Ai Cập. Dân Y-sơ-ra-ên đã thấy Đức Chúa Trời làm nhiều phép lạ vì họ, trong đó có một số phép lạ thật sự đáng kinh ngạc! Dù vậy, khi đến gần Đất Hứa, dân tộc đó đã cho thấy rằng họ thiếu đức tin. Thay vì tin cậy Đức Giê-hô-va, họ trở nên sợ hãi và lầm bầm về Môi-se. Thậm chí họ còn muốn trở về Ai Cập, là nơi mà họ đã làm nô lệ! Đức Giê-hô-va rất buồn lòng. Ngài nói: “Dân nầy khinh ta và không tin ta cho đến chừng nào?” (Dân 14:1-4, 11; Thi 78:40, 41). Vì cứng lòng và thiếu đức tin, thế hệ đó đã chết trong đồng vắng.

8 Ngày nay, đức tin của chúng ta cũng bị thử thách khi thế giới mới đang đến gần. Chúng ta nên đánh giá về đức tin của mình. Chẳng hạn, chúng ta có thể xem xét quan điểm của mình về những lời mà Chúa Giê-su nói ở Ma-thi-ơ 6:33. Hãy tự hỏi: “Những điều ưu tiên và các quyết định của mình có cho thấy rằng mình thật sự tin lời của Chúa Giê-su không? Liệu mình sẽ quyết định bỏ một số buổi nhóm họp hoặc buổi rao giảng để tăng thêm thu nhập không? Mình sẽ làm gì nếu những áp lực ngoài đời tiếp tục gia tăng? Liệu mình sẽ để thế gian ép mình vào khuôn của nó, rồi có lẽ khiến mình rời bỏ sự thật không?”.

9. Tại sao chúng ta cần “tự xét xem” mình có sống trong đức tin hay không, và chúng ta có thể làm thế bằng cách nào?

9 Một ví dụ khác: Hãy nghĩ về một tôi tớ của Đức Giê-hô-va đang phần nào do dự trong việc vâng theo các tiêu chuẩn Kinh Thánh, có lẽ liên quan đến sắp đặt về sự khai trừ, việc chọn bạn bè hoặc giải trí. Hãy tự hỏi: “Liệu mình có đang ở trong trường hợp đó không?”. Nếu phát hiện ra mình đang bắt đầu có thái độ cứng lòng như thế, chúng ta cần nhanh chóng tra xét đức tin của bản thân! Kinh Thánh khuyên: “Anh em hãy tự xét xem mình có còn sống trong đức tin hay không. Hãy tự kiểm điểm” (2 Cô 13:5, Các Giờ Kinh Phụng Vụ). Chúng ta nên thường xuyên tra xét bản thân một cách trung thực dựa trên Lời Đức Chúa Trời.

HÃY TIẾP TỤC LÀ NGƯỜI DỄ UỐN NẮN

10. Điều gì có thể giúp chúng ta giống như đất sét mềm dẻo trong tay Đức Giê-hô-va?

10 Để giúp chúng ta tiếp tục giống như đất sét mềm dẻo, Đức Chúa Trời đã ban cho chúng ta Lời của ngài, hội thánh đạo Đấng Ki-tô và thánh chức rao giảng. Như nước làm mềm đất sét, việc đọc và suy ngẫm Kinh Thánh hằng ngày có thể giúp chúng ta là người dễ uốn nắn trong tay Đức Giê-hô-va. Ngài đã yêu cầu các vua của nước Y-sơ-ra-ên phải chép cho mình một bản sao Luật pháp của ngài và đọc hằng ngày (Phục 17:18, 19). Các sứ đồ đã nhận thấy rằng việc đọc và suy ngẫm Kinh Thánh là điều rất quan trọng cho thánh chức của họ. Các sứ đồ đã trích dẫn và đề cập đến phần Kinh Thánh tiếng Hê-bơ-rơ hàng trăm lần trong các phần Kinh Thánh mà họ viết, đồng thời khuyến khích những người mà họ rao giảng đọc và suy ngẫm Kinh Thánh (Công 17:11). Ngày nay, chúng ta cũng nhận thấy tầm quan trọng của việc đọc Lời Đức Chúa Trời hằng ngày, cầu nguyện và suy ngẫm về Lời ấy (1 Ti 4:15). Làm thế sẽ giúp chúng ta tiếp tục khiêm nhường trước mắt Đức Giê-hô-va và là người dễ uốn nắn trong tay ngài.

Hãy dùng những điều Đức Giê-hô-va ban để giúp anh chị tiếp tục là người dễ uốn nắn (Xem đoạn 10-13)

11, 12. Đức Giê-hô-va có thể dùng hội thánh đạo Đấng Ki-tô ra sao để uốn nắn chúng ta tùy theo nhu cầu của mỗi người? Hãy cho ví dụ.

11 Qua hội thánh đạo Đấng Ki-tô, Đức Giê-hô-va có thể uốn nắn chúng ta tùy theo nhu cầu của mỗi người. Anh Jim, người được đề cập ở trên, đã bắt đầu có thái độ mềm dịu hơn khi một trưởng lão quan tâm đến cá nhân anh. Anh Jim nhận xét: “Anh ấy không trách cứ tôi về những điều xảy ra cho tôi hoặc chỉ trích tôi, dù chỉ một lần. Thay vì thế, anh giữ cái nhìn tích cực và cho thấy anh thật lòng muốn giúp đỡ”. Khoảng ba tháng sau, anh trưởng lão đã mời anh Jim tham dự một buổi nhóm họp. Anh Jim nói: “Hội thánh nồng nhiệt chào đón tôi, và tình yêu thương của họ là bước ngoặt đối với tôi. Tôi bắt đầu nhận thấy rằng cảm xúc của mình không phải là điều quan trọng nhất. Với sự trợ giúp của các anh và của người vợ yêu quý luôn đứng vững về thiêng liêng, tôi đã dần có lại tình trạng thiêng liêng tốt”. Anh Jim cũng cho biết anh được khích lệ nhiều khi đọc bài “Chớ nên oán trách Đức Giê-hô-va” và bài “Hãy trung thành phụng sự Đức Giê-hô-va”, được đăng trong Tháp Canh ngày 15-8-1993.

12 Với thời gian, anh Jim được bổ nhiệm làm trưởng lão trở lại. Kể từ đó, anh đã giúp các anh khác vượt qua những thử thách tương tự và phục hồi về thiêng liêng. Anh kết luận: “Tôi đã nghĩ mình có mối quan hệ bền chặt với Đức Giê-hô-va nhưng trên thực tế thì không phải vậy! Tôi hối tiếc vì đã để cho lòng kiêu ngạo khiến mình không nhìn thấy được những điều quan trọng hơn và chỉ luôn nghĩ đến lỗi của người khác”.—1 Cô 10:12.

13. Thánh chức rao giảng có thể giúp chúng ta vun trồng những phẩm chất nào, và mang lại lợi ích ra sao?

13 Bằng cách nào thánh chức rao giảng có thể uốn nắn chúng ta vì lợi ích của chúng ta? Việc chia sẻ tin mừng với người khác có thể giúp chúng ta vun trồng tính khiêm nhường cũng như các khía cạnh khác nhau của bông trái thần khí (Ga 5:22, 23). Hãy thử nghĩ về những phẩm chất tốt mà anh chị đã vun trồng trong thánh chức. Hơn nữa, khi thể hiện nhân cách giống như nhân cách của Đấng Ki-tô, chúng ta làm cho thông điệp của mình thu hút hơn. Điều này có thể tác động đến thái độ của một số chủ nhà. Chẳng hạn, hai Nhân Chứng ở Úc đã lắng nghe một chủ nhà với thái độ tôn trọng, dù bà nói với họ những lời rất khiếm nhã. Sau này, bà đã hối hận về cách cư xử của mình và viết thư cho văn phòng chi nhánh. Trong lá thư đó, bà viết: “Tôi xin gửi đến hai cá nhân rất khiêm nhường và kiên nhẫn ấy lời xin lỗi về thái độ tự cao tự đại và hành vi trịch thượng của mình. Tôi thật ngốc khi đứng trước hai người đang truyền giảng Lời Đức Chúa Trời và cố đuổi họ đi như vậy”. Liệu người chủ nhà có viết như thế không nếu hai người công bố ấy đã nóng giận dù chỉ một chút? Hẳn là không. Quả thật, thánh chức rao giảng mang lại nhiều lợi ích cho chính chúng ta và cho những người lân cận!

VÂNG PHỤC ĐỨC CHÚA TRỜI KHI UỐN NẮN CON CÁI

14. Các bậc cha mẹ phải làm gì nếu muốn uốn nắn con cái một cách thật sự hiệu quả?

14 Phần lớn các em nhỏ đều thích học hỏi và thường khiêm nhường (Mat 18:1-4). Do đó, các bậc cha mẹ khôn ngoan có thể cố gắng khắc ghi sự thật vào lòng và trí con nhỏ, đồng thời giúp chúng yêu mến sự thật (2 Ti 3:14, 15). Dĩ nhiên, để thành công, các bậc cha mẹ phải khắc ghi sự thật vào lòng của chính mình, và phải sống theo sự thật. Khi các bậc cha mẹ làm thế, con cái họ sẽ không chỉ nghe sự thật mà còn cảm nghiệm được sự thật. Hơn nữa, chúng sẽ học cách xem sự sửa dạy của cha mẹ là một biểu hiện của tình yêu thương, giống như tình yêu thương của Đức Giê-hô-va.

15, 16. Các bậc cha mẹ nên cho thấy họ tin cậy Đức Chúa Trời ra sao nếu có con bị khai trừ?

15 Nhưng dù lớn lên trong gia đình tin kính, một số người con về sau đã từ bỏ sự thật hoặc bị khai trừ, khiến gia đình rất đau lòng. Một chị ở Nam Phi chia sẻ: “Khi anh trai bị khai trừ, tôi cảm thấy như thể anh đã chết. Thật sự rất đau lòng!”. Chị và cha mẹ chị đã phản ứng thế nào? Họ làm theo sự hướng dẫn trong Lời Đức Chúa Trời. (Đọc 1 Cô-rinh-tô 5:11, 13). Cha mẹ chị nói: “Chúng tôi quyết tâm áp dụng Kinh Thánh. Chúng tôi nhận ra rằng làm mọi việc theo đường lối của Đức Chúa Trời sẽ mang lại kết quả tốt nhất. Chúng tôi xem việc khai trừ là sự sửa phạt đến từ Đức Giê-hô-va và tin chắc rằng ngài sửa phạt vì yêu thương và sửa phạt một cách có chừng mực. Thế nên, chúng tôi chỉ liên lạc với con trai khi có những vấn đề thật sự cần thiết trong gia đình”.

16 Người con trai cảm thấy thế nào? Sau này anh nói: “Tôi biết rằng gia đình không ghét tôi, nhưng họ vâng lời Đức Giê-hô-va và tổ chức của ngài”. Anh cũng nói thêm: “Khi bạn buộc phải nài xin Đức Giê-hô-va giúp đỡ và tha thứ, bạn sẽ nhận ra mình cần đến ngài nhiều tới mức nào”. Hãy hình dung gia đình trên vui mừng ra sao khi người trẻ này được nhận lại! Quả thật, khi hướng về Đức Chúa Trời trong mọi việc làm của mình, chúng ta có thể đạt được kết quả tốt nhất.—Châm 3:5, 6; 28:26.

17. Tại sao chúng ta nên tiếp tục vâng phục Đức Giê-hô-va trong đời sống mình, và đường lối này sẽ mang lại phần thưởng nào cho chúng ta?

17 Nhà tiên tri Ê-sai nói về giai đoạn cuối của sự lưu đày của người Do Thái, khi những người biết ăn năn sẽ thừa nhận rằng: “Hỡi Đức Giê-hô-va... Ngài là Cha chúng tôi! Chúng tôi là đất sét, Ngài là thợ gốm chúng tôi; chúng tôi thảy là việc của tay Ngài”. Rồi họ sẽ nài xin: “Đừng luôn-luôn nhớ đến tội-ác chúng tôi! Nầy, chúng tôi xin Ngài hãy đoái-xem, chúng tôi đều là dân Ngài!” (Ê-sai 64:8, 9). Tương tự thế, khi chúng ta khiêm nhường vâng phục Đức Giê-hô-va và tiếp tục làm điều này trong đời sống, thì ngài sẽ xem chúng ta là những người rất được yêu quý, giống như nhà tiên tri Đa-ni-ên. Hơn nữa, Đức Giê-hô-va sẽ tiếp tục uốn nắn chúng ta qua Lời ngài, qua thần khí và qua tổ chức của ngài. Nhờ thế, một ngày nào đó chúng ta có thể đứng trước ngài với tư cách là con cái hoàn hảo của Đức Chúa Trời.—Rô 8:21.