Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

Một đức tính tin kính quý giá hơn kim cương

Một đức tính tin kính quý giá hơn kim cương

Từ lâu kim cương đã được xem là những viên đá quý. Một số viên kim cương có giá trị hàng triệu đô la. Nhưng theo quan điểm của Đức Chúa Trời, có thể có những điều còn giá trị hơn kim cương hay những viên đá quý khác không?

Chị Haykanush, một người công bố chưa báp-têm sống ở Armenia, đã nhặt được một hộ chiếu ở gần nhà. Có vài thẻ ghi nợ và một số tiền lớn trong hộ chiếu. Chị nói chuyện này với chồng. Anh cũng là một người công bố chưa báp-têm.

Cặp vợ chồng ấy có những vấn đề nghiêm trọng về tài chính và đang trong cảnh nợ nần. Dù vậy, họ đã quyết định mang số tiền đó trả lại về địa chỉ được ghi trên hộ chiếu. Người bị mất hộ chiếu rất kinh ngạc, gia đình ông cũng vậy. Vợ chồng chị Haykanush giải thích rằng họ có được tính trung thực là nhờ những điều họ đang học từ Kinh Thánh. Họ cảm thấy mình cần phải trung thực và đã tận dụng cơ hội này để nói chuyện về Nhân Chứng Giê-hô-va, đồng thời để lại một số ấn phẩm cho gia đình ấy.

Gia đình này muốn tặng chị Haykanush một số tiền để hậu tạ nhưng chị đã từ chối nhận. Ngày hôm sau, vợ của người được trả lại hộ chiếu đã đến gặp vợ chồng chị Haykanush tại nhà và nhất quyết rằng chị phải nhận một chiếc nhẫn kim cương như một món quà biểu lộ lòng biết ơn của gia đình ấy.

Giống như gia đình đó, nhiều người hẳn sẽ ngạc nhiên về tính trung thực mà vợ chồng chị Haykanush thể hiện. Nhưng Đức Giê-hô-va có ngạc nhiên không? Ngài nghĩ gì về sự trung thực của họ? Sự trung thực của họ có đáng công không?

NHỮNG ĐỨC TÍNH QUÝ GIÁ HƠN VẬT CHẤT

Những câu hỏi trên không khó trả lời. Lý do là vì các tôi tớ của Đức Chúa Trời tin rằng trước mắt ngài, việc thể hiện những đức tính giống như ngài là điều quý giá hơn kim cương, vàng hay những vật chất khác. Đúng vậy, Đức Giê-hô-va có quan điểm khác với phần lớn loài người về điều gì là quý giá và điều gì không quý giá (Ê-sai 55:8, 9). Đối với tôi tớ của Đức Giê-hô-va, việc phản ánh trọn vẹn hơn các đức tính của ngài là một thành quả vô giá.

Chúng ta có thể thấy điều này từ những gì Kinh Thánh nói về sự thông sáng và khôn ngoan. Châm-ngôn 3:13-15 nói: “Người nào tìm đặng sự khôn-ngoan, và được sự thông-sáng, có phước thay! Vì thà được nó hơn là được tiền-bạc, hoa-lợi nó sanh ra tốt hơn vàng ròng. Sự khôn-ngoan quí-báu hơn châu-ngọc, chẳng một bửu-vật nào con ưa-thích mà sánh kịp nó được”. Rõ ràng, Đức Giê-hô-va quý trọng những đức tính như thế hơn bất cứ kho báu vật chất nào.

Vậy nói sao về tính trung thực?

Chính Đức Giê-hô-va luôn trung thực; ngài “không thể nói dối” (Tít 1:2). Ngài cũng soi dẫn sứ đồ Phao-lô viết điều sau đây cho các tín đồ người Hê-bơ-rơ vào thế kỷ thứ nhất: “Hãy tiếp tục cầu nguyện cho chúng tôi, vì chúng tôi tin mình có lương tâm thật thà và muốn sống lương thiện trong mọi việc”.—Hê 13:18.

Chúa Giê-su Ki-tô nêu gương tốt về tính trung thực. Chẳng hạn, hãy nhớ lại khi thầy tế lễ thượng phẩm Cai-pha kêu lên rằng “ta buộc ngươi phải thề trước mặt Đức Chúa Trời hằng sống và nói thật ngươi có phải là Đấng Ki-tô, Con Đức Chúa Trời hay không!”, Chúa Giê-su đã nói thật rằng ngài là Đấng Mê-si. Chúa Giê-su đã làm thế dù sự thừa nhận ấy có thể giúp Tòa Tối Cao có lý do để tuyên bố ngài là kẻ phạm thượng và có thể dẫn đến việc ngài bị xử tử.—Mat 26:63-67.

Còn chúng ta thì sao? Liệu chúng ta sẽ trung thực trong những tình huống mà nếu lược bớt hoặc bóp mép từ ngữ một chút có thể mang lại cho chúng ta lợi ích về vật chất không?

TRUNG THỰC LÀ MỘT THÁCH ĐỐ

Phải thừa nhận là không dễ gì để trung thực trong những ngày sau cùng khi nhiều người “chỉ biết yêu bản thân, ham tiền” (2 Ti 3:2). Một cuộc khủng hoảng về tài chính hoặc bất ổn về việc làm có ảnh hưởng đến tính trung thực. Nhiều người nghĩ họ có lý do chính đáng để trộm cắp, gian lận hoặc có những việc làm thiếu trung thực khác. Quan niệm này phổ biến đến mức trong những tình huống liên quan đến lợi ích vật chất, nhiều người nghĩ rằng việc trung thực đơn giản là không khả thi. Ngay cả một số tín đồ đã có những quyết định thiếu khôn ngoan trong lĩnh vực này, và vì “tham lợi bất chính” mà họ đã đánh mất vị thế tốt của mình trong hội thánh.—1 Ti 3:8; Tít 1:7.

Tuy nhiên, phần lớn tín đồ đều noi gương Chúa Giê-su. Họ nhận ra rằng những đức tính tin kính quan trọng hơn bất cứ sự giàu sang hay lợi thế nào. Do đó, các tín đồ trẻ không gian lận để đạt điểm cao tại trường (Châm 20:23). Đúng là sự trung thực có lẽ không luôn luôn giúp một người nhận được lợi ích về vật chất, giống như chị Haykanush. Dù vậy, trung thực là điều đúng trước mắt Đức Chúa Trời và giúp chúng ta giữ một lương tâm tốt, là điều thật sự có giá trị.

Trường hợp của anh Gagik đã chứng tỏ điều này. Anh nói: “Trước khi trở thành tín đồ đạo Đấng Ki-tô, tôi làm việc cho một công ty lớn, và ông chủ tránh nộp thuế bằng cách chỉ báo cáo một phần nhỏ lợi nhuận của công ty. Là giám đốc điều hành, tôi được kỳ vọng đạt ‘một thỏa thuận’ với kiểm toán viên thuế vụ qua việc hối lộ để ông lờ đi các việc làm gian lận của công ty. Vì vậy, tôi có tiếng là người không trung thực. Khi học sự thật, tôi từ chối việc tiếp tục làm thế, dù công việc đó được trả lương rất cao. Thay vì thế, tôi mở công ty riêng. Ngay từ ngày đầu tiên, tôi đã đăng ký kinh doanh hợp pháp và trả mọi khoản thuế”.—2 Cô 8:21.

Anh Gagik kể: “Thu nhập của tôi giảm đi khoảng một nửa, nên không dễ để chu cấp cho gia đình. Tuy nhiên, giờ đây tôi cảm thấy hạnh phúc hơn. Tôi có một lương tâm trong sạch trước mắt Đức Giê-hô-va. Tôi làm gương tốt cho hai con trai, và hội đủ điều kiện để nhận các đặc ân trong hội thánh. Giờ đây, tôi có tiếng là một người trung thực đối với các kiểm toán viên thuế vụ và những người khác mà tôi có quan hệ công việc”.

ĐỨC GIÊ-HÔ-VA LÀ MỘT NGUỒN TRỢ GIÚP

Đức Giê-hô-va yêu mến những người tô điểm cho sự dạy dỗ của ngài bằng cách thể hiện các đức tính tuyệt hảo của ngài, trong đó có tính trung thực (Tít 2:10). Ngài đã soi dẫn vua Đa-vít viết ra lời đảm bảo này: “Trước tôi trẻ, rày đã già, nhưng chẳng hề thấy người công-bình bị bỏ, hay là dòng-dõi người đi ăn-mày”.—Thi 37:25.

Kinh nghiệm của người phụ nữ trung thành Ru-tơ minh chứng cho điều đó. Cô không rời bỏ mẹ chồng là Na-ô-mi khi bà già yếu, mà gắn bó với bà. Ru-tơ chuyển tới nước Y-sơ-ra-ên, nơi cô có thể thờ phượng Đức Chúa Trời (Ru 1:16, 17). Khi ở nước Y-sơ-ra-ên, Ru-tơ đã chứng tỏ rằng cô trung thực và siêng năng. Cô chăm chỉ mót lúa theo sự sắp đặt của Luật pháp. Đức Giê-hô-va không để Ru-tơ và Na-ô-mi sống trong cảnh cơ cực, đúng như điều mà về sau Đa-vít đã cảm nghiệm được (Ru 2:2-18). Điều đáng chú ý là Đức Giê-hô-va không chỉ chăm lo cho Ru-tơ về vật chất. Ngài đã chọn cô làm tổ mẫu của vua Đa-vít và thậm chí là tổ mẫu của Đấng Mê-si được hứa trước!—Ru 4:13-17; Mat 1:5, 16.

Một số tôi tớ của Đức Giê-hô-va có thể ở trong hoàn cảnh dường như rất khó kiếm đủ tiền để trang trải cho những điều cần thiết. Thay vì tìm kiếm một giải pháp dễ dàng nhưng thiếu trung thực, họ nỗ lực làm việc siêng năng và chăm chỉ. Nhờ thế, họ cho thấy rằng họ quý trọng các đức tính tuyệt hảo của Đức Chúa Trời, trong đó có tính trung thực, hơn bất cứ loại của cải vật chất nào.—Châm 12:24; Ê-phê 4:28.

Giống như Ru-tơ thời xưa, các tín đồ trên khắp thế giới đã thể hiện đức tin nơi quyền năng trợ giúp của Đức Giê-hô-va. Họ hoàn toàn tin cậy đấng đã cho ghi lại lời hứa này trong Lời của ngài: “Ta sẽ không bao giờ lìa ngươi, và chẳng bao giờ bỏ ngươi” (Hê 13:5). Hết lần này đến lần khác, Đức Giê-hô-va đã cho thấy rằng ngài có thể giúp đỡ và sẽ giúp đỡ những người ở trong hoàn cảnh khó khăn nhưng vẫn thể hiện tính trung thực vào mọi lúc. Ngài đã giữ đúng lời hứa là cung cấp cho họ những điều thiết yếu trong đời sống.—Mat 6:33.

Con người có thể quý trọng kim cương và những vật khác có giá trị. Nhưng chúng ta có thể tin chắc rằng với Cha trên trời, việc chúng ta thể hiện tính trung thực và những đức tính khác của ngài chắc chắn có giá trị hơn rất nhiều so với bất cứ viên đá quý nào!

Tính trung thực giúp chúng ta giữ được lương tâm trong sạch và có thể nói năng dạn dĩ trong thánh chức