Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

KINH NGHIỆM

Cách tôi tìm được niềm vui qua việc ban cho

Cách tôi tìm được niềm vui qua việc ban cho

Lần đầu tiên tôi nhận ra rằng mình có thứ gì đó giá trị để cho người khác là khi tôi 12 tuổi. Trong một hội nghị, một anh hỏi tôi có muốn đi rao giảng không. Tôi trả lời là “có” dù trước đó tôi chưa từng rao giảng. Chúng tôi đến khu vực rao giảng, rồi anh ấy đưa cho tôi một số sách nhỏ nói về Nước Đức Chúa Trời, và nói: “Em hãy thăm những người ở bên kia đường, anh sẽ đi bên này”. Tôi bắt đầu đi từng nhà trong sự hồi hộp. Tôi ngạc nhiên vì đã nhanh chóng mời nhận hết sách. Đúng là nhiều người muốn nhận những gì tôi có để cho.

Tôi sinh năm 1923 ở Chatham, Kent, Anh Quốc. Tôi lớn lên trong một thế giới có nhiều người thất vọng. Cuộc Đại Chiến không thực hiện được lời hứa là làm cho thế giới thành nơi tốt đẹp hơn. Cha mẹ tôi cũng bị hàng giáo phẩm đạo Báp-tít gây thất vọng. Những người đó dường như quá chú tâm vào sự thăng tiến của bản thân. Khi tôi khoảng chín tuổi, mẹ tôi bắt đầu đến địa điểm mà Hiệp hội Học viên Kinh Thánh Quốc tế tổ chức các “buổi học” hoặc nhóm họp. Những người ấy mang danh hiệu Nhân Chứng Giê-hô-va. Một trong những chị ở đó dạy tôi và những em trẻ khác về các bài học dựa trên Kinh Thánh và sách Đàn cầm của Đức Chúa Trời (The Harp of God). Tôi thích những gì mình đang học.

HỌC TỪ NHỮNG ANH LỚN TUỔI HƠN

Đến tuổi thiếu niên, tôi thích chia sẻ với người ta hy vọng từ Lời Đức Chúa Trời. Dù thường xuyên một mình đi rao giảng từng nhà, tôi cũng học qua việc đi rao giảng với người khác. Chẳng hạn vào ngày nọ, tôi và một anh lớn tuổi hơn cùng đạp xe đến khu vực rao giảng. Khi chúng tôi đi ngang qua một người thuộc hàng giáo phẩm, tôi nói: “Một con dê kia kìa”. Anh lớn tuổi dừng xe lại, bảo tôi cùng ngồi xuống một cây gỗ. Anh nói: “Ai đã ban cho em quyền để phán xét ai là dê? Hãy vui thích chia sẻ tin mừng cho người khác và để sự phán xét cho Đức Giê-hô-va”. Trong giai đoạn đó, tôi đã học được nhiều điều về niềm vui của việc ban cho.—Mat 25:31-33; Công 20:35.

Một anh lớn tuổi khác đã dạy tôi rằng để tìm niềm vui qua việc ban cho, đôi khi chúng ta phải kiên nhẫn chịu đựng. Vợ anh không thích Nhân Chứng Giê-hô-va. Một lần, anh mời tôi vào nhà để ăn uống chút gì đó. Vợ anh bực bội về việc anh vừa đi rao giảng, đến mức chị đã ném những gói trà vào chúng tôi. Thay vì trách vợ, anh ấy vui vẻ cất trà vào chỗ cũ. Nhiều năm sau, sự kiên nhẫn của anh đã được ban thưởng khi người vợ làm báp-têm để trở thành Nhân Chứng Giê-hô-va.

Tôi ngày càng có ước muốn mang lại hy vọng về tương lai cho người khác. Tháng 3 năm 1940, tôi và mẹ cùng làm báp-têm ở Dover. Anh Quốc tuyên chiến với Đức vào tháng 9 năm 1939, lúc đó tôi 16 tuổi. Tháng 6 năm 1940, từ ngạch cửa nhà mình, tôi quan sát thấy hàng ngàn người lính bị ám ảnh nặng nề bởi chiến tranh, được chở qua trên những chiếc xe tải. Họ là những người sống sót trong trận Dunkerque. Tôi không thấy tia hy vọng nào trong mắt họ và tôi ước ao nói cho họ biết về Nước Đức Chúa Trời. Cuối năm đó, Anh Quốc bắt đầu bị ném bom thường xuyên. Mỗi đêm, tôi đều thấy phi đội ném bom của Đức bay qua trên khu vực nhà mình. Bạn có thể nghe thấy tiếng rít của những trái bom khi chúng rơi xuống, khiến bạn càng khiếp sợ. Khi đi ra ngoài vào sáng hôm sau, chúng tôi thấy các khu vực có những ngôi nhà đã bị tàn phá. Tôi càng nhận ra rằng Nước Trời là hy vọng duy nhất của mình cho tương lai.

BẮT ĐẦU MỘT ĐỜI SỐNG BAN CHO

Vào năm 1941, tôi bắt đầu một đời sống mang lại rất nhiều niềm vui. Tôi đang là thợ học đóng tàu tại Royal Dockyard ở Chatham. Đó là một vị trí mà nhiều người muốn có, với những lợi ích tuyệt vời. Từ lâu, tôi tớ của Đức Giê-hô-va hiểu rằng tín đồ đạo Đấng Ki-tô không nên chiến đấu cho một quốc gia để chống lại một quốc gia khác. Đến năm 1941, chúng ta bắt đầu nhận ra rằng Nhân Chứng không nên làm việc trong ngành chế tạo vũ khí (Giăng 18:36). Khi xưởng sản xuất đang chế tạo tàu ngầm, tôi quyết định từ bỏ công việc và bắt đầu làm thánh chức trọn thời gian. Nhiệm sở đầu tiên của tôi là Cirencester, một thị trấn xinh đẹp ở vùng Cotswolds.

Khi lên 18 tuổi, tôi bị bỏ tù 9 tháng vì từ chối nhập ngũ. Thật là một cảm giác tồi tệ khi cánh cửa phòng giam đầu tiên của tôi đóng sầm lại và chỉ có một mình tôi trong đó. Nhưng không lâu sau, những người coi ngục và các tù nhân bắt đầu hỏi tại sao tôi bị ngồi tù. Tôi vui vẻ giải thích về niềm tin của mình cho họ.

Sau khi ra tù, tôi được mời kết hợp với anh Leonard Smith * để rao giảng ở những thị trấn khác nhau tại quê nhà của mình ở tỉnh Kent. Bắt đầu từ năm 1944, có hơn 1.000 máy bay phản lực không người lái chứa đầy chất nổ đã rơi xuống tỉnh Kent. Chúng tôi ở ngay dưới đường bay giữa Luân Đôn và vùng đất ở châu Âu do Quốc Xã chiếm giữ. Những máy bay ấy gọi là bom bay. Đó là một chiến dịch gây ra nỗi khiếp sợ bởi nếu bạn nghe thấy tiếng động cơ dừng lại, như chúng tôi thường xuyên nghe thấy, thì bạn biết rằng vài giây sau, máy bay sẽ rơi xuống và nổ tung. Chúng tôi học hỏi Kinh Thánh với một gia đình có năm người. Có lúc chúng tôi ngồi dưới một chiếc bàn sắt được thiết kế để bảo vệ gia đình họ, phòng khi nhà bị sập. Sau này, cả gia đình ấy đều làm báp-têm.

MANG TIN MỪNG RA NƯỚC NGOÀI

Quảng cáo về một hội nghị trong những ngày đầu tôi làm tiên phong ở Ai Len

Sau chiến tranh, tôi làm tiên phong hai năm ở miền nam Ai Len. Chúng tôi không biết Ai Len khác với Anh Quốc thế nào. Chúng tôi đi từng nhà để tìm chỗ ở và cho biết mình là những người truyền giáo. Chúng tôi cũng mời nhận tạp chí trên đường phố. Thật “dại dột” khi làm thế ở một nước Công giáo! Khi một người dọa đánh chúng tôi, tôi đã báo với một viên cảnh sát, nhưng ông ta đáp: “Các anh còn mong đợi gì đây?”. Chúng tôi không nhận ra các linh mục có nhiều quyền lực thế nào. Họ đã khiến những người nhận sách của chúng tôi bị mất việc và khiến chúng tôi bị đuổi khỏi nơi đang ở.

Chúng tôi sớm nhận ra rằng khi đến một khu vực mới, tốt nhất là đạp xe cách xa chỗ mình ở và chỉ rao giảng tại nơi có một linh mục khác. Cuối cùng, chúng tôi thăm những người sống ở gần. Tại Kilkenny, chúng tôi học với một người nam trẻ tuổi ba lần mỗi tuần, bất chấp sự đe dọa của đám đông hung bạo. Tôi thích dạy sự thật Kinh Thánh đến mức đã quyết định nộp đơn xin được huấn luyện tại Trường Kinh Thánh Ga-la-át của Hội Tháp Canh để trở thành giáo sĩ.

Chiếc thuyền buồm Sibia được dùng làm nhà giáo sĩ của chúng tôi từ năm 1948 đến năm 1953

Sau khi tốt nghiệp khóa học 5 tháng tại trường Ga-la-át ở New York, tôi và ba học viên khác đã được bổ nhiệm đến những hòn đảo nhỏ ở biển Ca-ri-bê. Tháng 11 năm 1948, chúng tôi rời khỏi thành phố New York trên chiếc thuyền buồm dài 18m có tên là Sibia. Trước đó, tôi chưa từng đi thuyền buồm, vì thế tôi rất hào hứng. Một người trong chúng tôi là anh Gust Maki từng là một thuyền trưởng dày dạn kinh nghiệm. Anh dạy chúng tôi một số cách cơ bản để lái thuyền, chẳng hạn như cách để căng và hạ những loại buồm khác nhau, cách ổn định hướng đi theo la bàn và cách đi ngược chiều gió. Anh Gust tài tình lái chiếc thuyền trong 30 ngày, xuyên qua những cơn bão nguy hiểm, cho đến khi chúng tôi đến Bahamas.

“HÃY REO LỜI ẤY RA TRONG CÁC CÙ-LAO”

Sau vài tháng rao giảng trên những hòn đảo nhỏ của Bahamas, chúng tôi nhổ neo để đến quần đảo Leeward và quần đảo Windward, trải rộng khoảng 800km từ quần đảo Virgin, gần Puerto Rico, đến sát Trinidad. Trong 5 năm, chúng tôi chủ yếu rao giảng ở những hòn đảo xa xôi, nơi không có Nhân Chứng. Thỉnh thoảng, chúng tôi đi nhiều tuần mà không thể gửi hoặc nhận thư. Nhưng chúng tôi rất vui mừng khi rao giảng lời của Đức Giê-hô-va giữa các cù lao!—Giê 31:10.

Thủy thủ đoàn gồm các giáo sĩ trên thuyền Sibia (từ trái sang): Ron Parkin, Dick Ryde, Gust Maki và Stanley Carter

Khi thuyền được thả neo ở một vịnh, sự xuất hiện của chúng tôi đã khiến những người dân trong làng xôn xao. Dân trên đảo tụ tập lại ở cầu tàu để xem chúng tôi là ai. Một số người chưa bao giờ nhìn thấy thuyền buồm hoặc người da trắng. Dân trên đảo là những người thân thiện và sùng đạo, họ quen thuộc với Kinh Thánh. Họ thường cho chúng tôi cá tươi, trái bơ và hạt lạc (đậu phộng). Chiếc thuyền nhỏ bé có ít không gian cho việc ngủ, nấu ăn hoặc giặt quần áo, nhưng chúng tôi xoay xở được.

Chúng tôi chèo thuyền vào bờ và đi thăm người dân cả ngày. Chúng tôi thường nói với họ là sẽ có một bài giảng về Kinh Thánh. Đến chiều tối, chúng tôi rung cái chuông trên thuyền. Thật tuyệt vời khi thấy những người dân đi đến. Những chiếc đèn dầu của họ giống như các ngôi sao lấp lánh đang từ từ rơi xuống sườn đồi. Thỉnh thoảng, có một trăm người đến và họ ở lại tới khuya để nêu lên những thắc mắc. Họ rất thích hát, vì thế chúng tôi đã đánh máy và phát cho họ lời của một số bài hát Nước Trời. Bốn người chúng tôi cố gắng hát đúng nhạc, rồi họ hát theo. Giọng của họ hòa với nhau rất hay. Quả là quãng thời gian vui vẻ!

Sau khi chúng tôi điều khiển xong một cuộc học hỏi Kinh Thánh, một số học viên cùng đi bộ đến nhà kế tiếp mà chúng tôi thăm để được học chung với gia đình ấy. Dù phải rời đi sau khi đã dành vài tuần ở một nơi nào đó, chúng tôi thường nhờ những người chú ý nhất tiếp tục học hỏi với những người khác cho đến khi chúng tôi quay lại. Thật vui mừng khi thấy một số người đảm nhiệm vai trò được giao một cách nghiêm túc.

Ngày nay, nhiều hòn đảo trong số ấy là những khu nghỉ mát nhộn nhịp, nhưng lúc đó chúng chỉ là nơi hẻo lánh có những hồ ven biển màu ngọc lam với bãi biển đầy cát và những cây cọ. Chúng tôi thường chèo thuyền từ đảo này sang đảo kia vào buổi tối. Những con cá heo bơi tung tăng sát mạn thuyền, và bạn chỉ có thể nghe thấy tiếng nước rẽ từ mui thuyền. Trăng chiếu sáng trên biển êm đềm, tạo thành một đường ánh bạc trải dài đến tận chân trời.

Sau 5 năm rao giảng trên những hòn đảo, chúng tôi nhổ neo đến Puerto Rico để đổi thuyền buồm sang thuyền có động cơ. Khi đến nơi, tôi đã gặp và yêu mến Maxine Boyd, một chị giáo sĩ xinh đẹp. Cô ấy là người rao truyền tin mừng sốt sắng từ khi còn nhỏ. Sau này, cô ấy làm giáo sĩ tại Cộng hòa Dominican cho đến khi bị chính quyền Công giáo trục xuất vào năm 1950. Vì là một thủy thủ, tôi có giấy phép được ở lại Puerto Rico chỉ trong một tháng. Tôi phải sớm đi đến những hòn đảo khác và vài năm sau mới có thể quay lại. Vì thế, tôi tự nhủ: “Ronald, nếu muốn có cô ấy thì phải hành động ngay”. Sau ba tuần, tôi cầu hôn cô ấy và sau sáu tuần, chúng tôi cưới nhau. Maxine và tôi được bổ nhiệm làm giáo sĩ ở Puerto Rico, nên tôi không bao giờ lên chiếc thuyền mới.

Vào năm 1956, chúng tôi bắt đầu làm công tác vòng quanh và thăm các hội thánh. Nhiều anh chị là người nghèo nhưng chúng tôi rất thích thăm họ. Chẳng hạn, ở làng Potala Pastillo, có hai gia đình Nhân Chứng đông con và tôi từng thổi sáo cho bọn trẻ nghe. Tôi hỏi một bé gái tên là Hilda xem cô bé có muốn đi rao giảng với chúng tôi không. Hilda trả lời: “Cháu muốn, nhưng cháu không thể đi được vì không có giày”. Chúng tôi mua cho cô bé một đôi giày và cô bé đã đi rao giảng chung. Nhiều năm sau, vào năm 1972, khi Maxine và tôi thăm nhà Bê-tên ở Brooklyn, một chị vừa tốt nghiệp Trường Ga-la-át đã lại gần chúng tôi. Chị ấy chuẩn bị tới nhiệm sở ở Ecuador. Chị ấy nói: “Cô chú không nhận ra cháu phải không? Cháu là đứa bé không có giày, đến từ Pastillo đây”. Đó là Hilda! Chúng tôi vui mừng đến mức đã khóc!

Năm 1960, chúng tôi được mời phụng sự tại chi nhánh Puerto Rico, nằm trong một ngôi nhà nhỏ hai tầng ở Santurce, San Juan. Lúc đầu, anh Lennart Johnson và tôi làm phần lớn công việc. Vợ chồng anh ấy là những Nhân Chứng đầu tiên ở Cộng hòa Dominican và họ đã đến Puerto Rico năm 1957. Sau này, Maxine phụ trách việc gửi ấn phẩm cho những ai đặt tạp chí dài hạn, với hơn một ngàn bản mỗi tuần. Cô ấy thích làm công việc đó vì nghĩ đến tất cả những người được nhận thức ăn thiêng liêng.

Tôi thích phụng sự tại Bê-tên vì đó là một đời sống ban cho, nhưng không có nghĩa là tôi không gặp thử thách. Chẳng hạn, trong thời gian hội nghị quốc tế đầu tiên ở Puerto Rico diễn ra vào năm 1967, tôi cảm thấy choáng ngợp trước các trách nhiệm. Người dẫn đầu trong vòng Nhân Chứng Giê-hô-va vào thời đó là anh Nathan Knorr đã đến Puerto Rico. Anh ấy tưởng lầm rằng tôi lơ là trong việc sắp xếp đưa đón các giáo sĩ đến thăm, dù tôi đã làm rồi. Sau đó, anh cho tôi lời khuyên mạnh mẽ về việc cần có sự tổ chức và nói rằng anh thất vọng về tôi. Tôi không muốn tranh luận với anh ấy nhưng tôi cảm thấy mình bị hiểu lầm và buồn bực một thời gian khá lâu. Dù vậy, vào lần kế tiếp mà Maxine và tôi gặp anh Knorr, anh ấy mời chúng tôi đến phòng và nấu một bữa ăn cho chúng tôi.

Từ Puerto Rico, chúng tôi thăm gia đình tôi ở Anh Quốc vài lần. Vào thời điểm mẹ và tôi chấp nhận sự thật, ba đã không chấp nhận. Nhưng khi có cuộc viếng thăm của các anh diễn giả từ nhà Bê-tên, mẹ tôi thường mời họ ở nhà mình. Ba tôi thấy các giám thị ấy thật khiêm nhường. Họ khác hẳn với những người thuộc hàng giáo phẩm mà nhiều năm trước đã khiến ba chán ghét. Cuối cùng vào năm 1962, ba làm báp-têm để trở thành Nhân Chứng Giê-hô-va.

Cùng Maxine ở Puerto Rico một thời gian ngắn sau khi chúng tôi kết hôn, và kỷ niệm 50 năm ngày cưới vào năm 2003

Người vợ yêu dấu của tôi là Maxine qua đời năm 2011. Tôi rất mong được gặp lại cô ấy khi có sự sống lại. Ý nghĩ đó làm tôi cảm thấy vui! Trong 58 năm bên nhau, Maxine và tôi đã thấy dân của Đức Giê-hô-va ở Puerto Rico gia tăng từ khoảng 650 lên đến 26.000 Nhân Chứng! Rồi vào năm 2013, chi nhánh Puerto Rico sáp nhập với chi nhánh Hoa Kỳ, và tôi được mời phụng sự tại Wallkill, New York. Sau 60 năm trên đảo Puerto Rico, tôi cảm thấy mình thân thuộc với nơi đây giống con coquí, một loài nhái cây phổ biến ở Puerto Rico, kêu tiếng ko-kee, ko-kee lúc hoàng hôn. Nhưng đã đến lúc phải đi tiếp.

“ĐỨC CHÚA TRỜI YÊU THƯƠNG NGƯỜI NÀO HIẾN TẶNG MỘT CÁCH VUI LÒNG”

Tôi vẫn thích phụng sự Đức Chúa Trời tại nhà Bê-tên. Bây giờ tôi đã hơn 90 tuổi, nhiệm vụ của tôi là khích lệ những thành viên của gia đình Bê-tên với tư cách là người chăn về thiêng liêng. Tôi được cho biết là từ khi đến Wallkill, mình đã thăm hơn 600 anh chị. Một số người đến gặp tôi vì muốn thảo luận về các vấn đề cá nhân hay gia đình. Những người khác xin lời khuyên để đạt được thành công trong việc phụng sự ở Bê-tên. Còn những người mới cưới thì tìm lời khuyên cho hôn nhân. Một số khác được bổ nhiệm ra ngoài cánh đồng. Tôi lắng nghe tất cả những ai đến nói chuyện với mình. Rồi vào lúc thích hợp, tôi thường nói với họ: “‘Đức Chúa Trời yêu thương người nào hiến tặng một cách vui lòng’. Thế nên, hãy vui vẻ trong công việc của mình vì anh chị đang làm cho Đức Giê-hô-va”.—2 Cô 9:7.

Để có niềm vui ở Bê-tên hay bất cứ nơi nào khác, anh chị cần tập trung vào lý do cho thấy tại sao công việc mình đang làm là quan trọng. Mọi việc chúng ta làm ở Bê-tên là công việc phụng sự Đức Chúa Trời. Điều đó góp phần giúp “đầy tớ trung tín và khôn ngoan” cung cấp thức ăn thiêng liêng cho đoàn thể anh em quốc tế (Mat 24:45). Dù phụng sự Đức Giê-hô-va ở bất cứ nơi đâu, chúng ta đều có những cơ hội để ngợi khen ngài. Hãy vui thích về điều ngài bảo chúng ta làm, vì “Đức Chúa Trời yêu thương người nào hiến tặng một cách vui lòng”.

^ đ. 13 Kinh nghiệm của anh Leonard Smith được đăng trong Tháp Canh ngày 15-4-2012.