Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

Nguồn gốc và mục tiêu của hôn nhân

Nguồn gốc và mục tiêu của hôn nhân

“Giê-hô-va Đức Chúa Trời phán rằng: Loài người ở một mình thì không tốt; ta sẽ làm nên một kẻ giúp-đỡ giống như nó”.—SÁNG 2:18.

BÀI HÁT: 36, 11

1, 2. (a) Hôn nhân đã bắt đầu thế nào? (b) Có lẽ người nam và người nữ đầu tiên đã nhận ra điều gì về hôn nhân? (Xem hình nơi đầu bài).

Kết hôn là điều thông thường trong đời sống. Nhưng hôn nhân đã bắt đầu thế nào và mục tiêu của hôn nhân là gì? Xem xét về điều này có thể giúp chúng ta có quan điểm đúng về hôn nhân, cũng như vui hưởng một cách trọn vẹn hơn những ân phước mà hôn nhân mang lại. Sau khi tạo ra người đàn ông đầu tiên là A-đam, Đức Chúa Trời đưa các con vật đến với ông để ông có thể đặt tên cho chúng. Nhưng “về phần A-đam, thì chẳng tìm được một ai giúp-đỡ giống như mình hết”. Thế nên, Đức Chúa Trời làm cho A-đam ngủ mê, lấy một xương sườn của ông để làm nên một người nữ và đưa đến cùng A-đam. (Đọc Sáng-thế Ký 2:20-24). Vì vậy, hôn nhân đến từ Đức Chúa Trời.

2 Chúa Giê-su xác nhận rằng chính Đức Giê-hô-va đã nói: “Người nam sẽ rời cha mẹ để gắn bó với vợ mình, và hai người sẽ trở nên một” (Mat 19:4, 5). Việc Đức Chúa Trời dùng một xương sườn từ A-đam để tạo ra một người nữ có thể đã khiến cặp vợ chồng đầu tiên ấy ý thức rõ là mối quan hệ của họ rất gần gũi. Không có sắp đặt về việc ly dị hoặc có nhiều hơn một người bạn đời cùng lúc.

HÔN NHÂN ĐÁP ỨNG Ý ĐỊNH CỦA ĐỨC GIÊ-HÔ-VA RA SAO?

3. Một mục tiêu quan trọng của hôn nhân là gì?

3 A-đam vui thích khi có một người vợ đáng yêu, người mà sau đó được ông đặt tên là Ê-va. Bà là người “giúp-đỡ” và bổ trợ cho A-đam. Họ mang lại hạnh phúc cho nhau mỗi ngày qua việc hoàn thành vai trò của người vợ và người chồng (Sáng 2:18). Một mục tiêu quan trọng của hôn nhân là làm cho trái đất có đầy dẫy người ở (Sáng 1:28). Dù những người con trai và con gái yêu thương cha mẹ mình nhưng họ sẽ rời cha mẹ để kết hôn và lập các gia đình mới. Sẽ có đầy dẫy người sống trên đất và họ sẽ nới rộng ngôi nhà ấy cho đến khi cả trái đất trở thành địa đàng.

4. Cuộc hôn nhân đầu tiên đã gặp vấn đề gì?

4 Cuộc hôn nhân đầu tiên đã gặp tai họa vì cả A-đam và Ê-va đều lạm dụng sự tự do ý chí qua việc bất tuân với Đức Giê-hô-va. “Con rắn xưa kia”, tức Sa-tan Kẻ Quỷ Quyệt, đã lừa gạt Ê-va bằng cách dẫn dụ bà tin rằng nếu ăn trái của “cây biết điều thiện và điều ác”, bà sẽ có sự hiểu biết đặc biệt để có thể quyết định điều gì là tốt và điều gì là xấu. Bà đã không biểu lộ lòng tôn trọng đối với quyền làm đầu của chồng khi không hỏi ý kiến của ông về vấn đề ấy. Thay vì vâng lời Đức Chúa Trời, A-đam đã nhận lấy trái cây mà Ê-va đưa cho ông.—Khải 12:9; Sáng 2:9, 16, 17; 3:1-6.

5. Chúng ta có thể học được gì từ cách A-đam và Ê-va trả lời Đức Giê-hô-va?

5 Khi Đức Chúa Trời yêu cầu A-đam giải thích, ông đã đổ lỗi cho vợ. A-đam nói: “Người nữ mà Chúa đã để gần bên tôi cho tôi trái cây đó và tôi đã ăn rồi”. Ê-va đổ lỗi rằng con rắn đã dỗ dành bà (Sáng 3:12, 13). Những lời phi lý ấy không thể bào chữa cho việc làm của họ! Vì cặp vợ chồng đầu tiên không vâng lời Đức Giê-hô-va nên họ là những kẻ nổi loạn bị kết án. Quả là một gương cảnh báo cho chúng ta! Để thành công trong hôn nhân, người vợ và người chồng cần phải biết chịu trách nhiệm và vâng lời Đức Giê-hô-va.

6. Anh chị giải thích thế nào về Sáng-thế Ký 3:15?

6 Bất chấp điều Sa-tan đã làm trong vườn Ê-đen, Đức Giê-hô-va ban hy vọng cho nhân loại qua lời tiên tri đầu tiên trong Kinh Thánh. (Đọc Sáng-thế Ký 3:15). Tạo vật thần linh phản nghịch là Sa-tan sẽ bị “dòng-dõi” của “người nữ” giày đạp. Đức Giê-hô-va cho con người có một cái nhìn thoáng qua về mối quan hệ đặc biệt giữa ngài và vô số các tạo vật thần linh công chính phụng sự ngài ở trên trời. Sau này, Kinh Thánh tiết lộ rằng từ tổ chức trên trời được ví như vợ của ngài, Đức Chúa Trời sẽ phái một tạo vật thần linh “giày-đạp” Kẻ Quỷ Quyệt. Dòng dõi của người nữ sẽ cho nhân loại biết vâng lời cơ hội hưởng được triển vọng mà cặp vợ chồng đầu tiên đã đánh mất. Đó là triển vọng sống mãi mãi trên đất theo ý định ban đầu của Đức Giê-hô-va.—Giăng 3:16.

7. (a) Điều gì đã xảy ra cho hôn nhân từ sau cuộc phản nghịch của A-đam và Ê-va? (b) Kinh Thánh đòi hỏi điều gì nơi những người chồng và người vợ?

7 Sự phản nghịch của A-đam và Ê-va đã tác động xấu đến hôn nhân của họ cũng như mọi cuộc hôn nhân sau đó. Chẳng hạn, Ê-va và những người nữ là con cháu của bà sẽ trải qua nhiều đau đớn trong khi mang thai và sinh nở. Phụ nữ sẽ có ham muốn mãnh liệt đối với chồng, còn những người nam sẽ cai trị vợ mình, thậm chí ngược đãi vợ, như chúng ta thấy trong nhiều cuộc hôn nhân ngày nay (Sáng 3:16). Tuy nhiên, Kinh Thánh đòi hỏi những người chồng thực thi quyền làm đầu một cách yêu thương, còn những người vợ phải vâng phục quyền làm đầu của chồng (Ê-phê 5:33). Nhờ có sự hợp tác giữa những người bạn đời kính sợ Đức Chúa Trời, các tình huống gây xích mích được giảm thiểu tối đa hoặc được loại bỏ hoàn toàn.

HÔN NHÂN TỪ THỜI A-ĐAM ĐẾN TRẬN NƯỚC LỤT

8. Hôn nhân có lịch sử thế nào từ thời A-đam đến trận Nước Lụt?

8 Trước khi tội lỗi và sự bất toàn khiến A-đam và Ê-va phải chết, cặp vợ chồng ấy đã sinh các con trai và con gái (Sáng 5:4). Con trai đầu lòng của họ là Ca-in đã cưới một người nữ trong họ hàng của mình. Lê-méc, hậu duệ của Ca-in, là người đàn ông đầu tiên được Kinh Thánh tường thuật rằng đã lấy hai vợ (Sáng 4:17, 19). Trong các thế hệ từ A-đam đến trận Nước Lụt thời Nô-ê, chỉ có một vài cá nhân được nhận diện là những người thờ phượng Đức Giê-hô-va. Trong số đó có A-bên, Hê-nóc và Nô-ê cùng gia đình ông. Kinh Thánh cho biết vào thời Nô-ê, “các con trai của Đức Chúa Trời thấy con gái loài người tốt-đẹp, bèn cưới người nào vừa lòng mình mà làm vợ”. Mối quan hệ trái tự nhiên giữa những thiên sứ mặc lấy hình người với các phụ nữ đã sản sinh ra những đứa con lai rất hung bạo, được gọi là Nê-phi-lim. Hơn nữa, “sự hung-ác của loài người trên mặt đất rất nhiều, và các ý-tưởng của lòng họ chỉ là xấu luôn”.—Sáng 6:1-5.

9. Đức Giê-hô-va đã làm gì đối với những kẻ gian ác trong thời Nô-ê, và chúng ta nên rút ra bài học nào từ những điều đã xảy ra vào thời đó?

9 Đức Giê-hô-va giáng trận Nước Lụt vào thời Nô-ê để hủy diệt những kẻ gian ác. Thời bấy giờ, người ta quá chú tâm vào các công việc thường nhật, trong đó có hôn nhân, đến mức họ không bận tâm đến những điều mà “Nô-ê là người rao giảng sự công chính” đã nói về sự hủy diệt sắp xảy ra (2 Phi 2:5). Chúa Giê-su so sánh những tình trạng vào thời đó với các tình trạng mà chúng ta thấy trong thời nay. (Đọc Ma-thi-ơ 24:37-39). Ngày nay, phần lớn người ta không muốn nghe tin mừng về Nước Đức Chúa Trời, là tin mừng đang được rao giảng khắp đất để làm chứng cho muôn dân trước khi thế gian gian ác này bị kết liễu. Hãy ghi nhớ bài học sau: Chúng ta không nên để cho ngay cả những điều liên quan đến gia đình, chẳng hạn như hôn nhân và việc nuôi dạy con cái, làm mình mất đi tinh thần khẩn trương về ngày của Đức Giê-hô-va.

HÔN NHÂN TỪ TRẬN NƯỚC LỤT ĐẾN THỜI CHÚA GIÊ-SU

10. (a) Trong nhiều nền văn hóa, những thực hành tình dục nào đã trở thành lối sống phổ biến? (b) Áp-ra-ham và Sa-ra đã nêu gương tốt ra sao trong hôn nhân của họ?

10 Dù Nô-ê và ba người con trai đều chỉ có một vợ nhưng vào thời các tộc trưởng, tục đa thê đã tồn tại. Trong nhiều nền văn hóa, tình dục vô luân đã trở thành lối sống phổ biến, thậm chí còn được đưa vào các nghi lễ tôn giáo. Khi Áp-ram (Áp-ra-ham) và vợ ông là Sa-rai (Sa-ra) vâng lời Đức Chúa Trời và chuyển đến xứ Ca-na-an, xứ này tràn ngập các thực hành bôi nhọ hôn nhân. Vì thế, Đức Giê-hô-va đã ra lệnh hủy diệt Sô-đôm và Gô-mô-rơ vì cư dân của những thành này thực hành hoặc dung túng cho sự vô luân bại hoại. Áp-ra-ham đã thực hiện tốt vai trò làm đầu trong gia đình, còn Sa-ra nêu gương tốt về việc vâng phục quyền làm đầu của chồng. (Đọc 1 Phi-e-rơ 3:3-6). Áp-ra-ham sắp xếp để con trai ông là Y-sác cưới được một người thờ phượng Đức Giê-hô-va. Con trai của Y-sác là Gia-cốp cũng kết hôn với người thờ phượng Đức Chúa Trời và sau này ông đã trở thành tổ phụ của 12 chi phái Y-sơ-ra-ên.

11. Luật pháp Môi-se đã bảo vệ dân Y-sơ-ra-ên như thế nào?

11 Sau này, Đức Giê-hô-va đưa con cháu của Gia-cốp (Y-sơ-ra-ên) vào mối quan hệ với ngài dựa trên giao ước. Luật pháp Môi-se đã có các điều luật liên quan đến những phong tục về hôn nhân trong thời các tộc trưởng, bao gồm tục đa thê. Luật pháp giúp bảo vệ dân Y-sơ-ra-ên về thiêng liêng qua việc nghiêm cấm kết hôn với những người thờ phượng sai lầm. (Đọc Phục-truyền Luật-lệ Ký 7:3, 4). Khi những vấn đề nghiêm trọng trong hôn nhân nảy sinh, các trưởng lão vào thời đó thường đưa ra sự trợ giúp. Việc ghen tuông, nghi ngờ và ngoại tình được giải quyết một cách thỏa đáng. Dù một người được phép ly dị, nhưng việc ly dị cũng phải tuân theo quy định trong Luật pháp. Một người có thể ly dị vợ vì “một sự xấu-hổ” nào đó (Phục 24:1). Điều gì là “xấu-hổ” không được định nghĩa, nhưng hợp lý để cho rằng điều đó không phải là những vấn đề nhỏ.—Lê 19:18.

ĐỪNG BAO GIỜ ĐỐI XỬ BỘI BẠC VỚI NGƯỜI BẠN ĐỜI CỦA MÌNH

12, 13. (a) Một số người trong thời của Ma-la-chi đã đối xử với vợ mình ra sao? (b) Ngày nay, hậu quả sẽ là gì nếu một người đã báp-têm quyết định chạy theo bạn đời của người khác, rồi cưới người đó sau khi ly dị người hôn phối của mình?

12 Trong thời của nhà tiên tri Ma-la-chi, nhiều người chồng thuộc dân Do Thái đã đối xử bội bạc với vợ mình qua việc ly dị vợ, với đủ mọi lý do. Những người đàn ông này đã bỏ người vợ mà mình lấy lúc tuổi trẻ, có lẽ để cưới những phụ nữ trẻ hơn hoặc thậm chí để cưới những người nữ ngoại giáo. Khi Chúa Giê-su sống trên đất, những người nam thuộc dân Do Thái vẫn còn đối xử bội bạc và ly dị vợ “vì bất cứ lý do nào” (Mat 19:3). Giê-hô-va Đức Chúa Trời ghét việc ly dị như thế.—Đọc Ma-la-chi 2:13-16.

13 Ngày nay, việc không chung thủy trong hôn nhân không được chấp nhận trong vòng dân của Đức Chúa Trời. Nhưng giả sử rằng một người nam hoặc nữ đã báp-têm quyết định chạy theo bạn đời của người khác, rồi cưới người đó sau khi ly dị người hôn phối của mình. Nếu không ăn năn, người phạm tội ấy sẽ bị khai trừ để giữ sự trong sạch về thiêng liêng của hội thánh (1 Cô 5:11-13). Người ấy sẽ phải có “hành động chứng tỏ sự ăn năn” trước khi được hội thánh nhận lại (Lu 3:8; 2 Cô 2:5-10). Dù không có quy định về việc bao nhiêu thời gian phải trôi qua trước khi người ấy được nhận lại nhưng sự phản bội này, là điều hiếm khi xảy ra trong vòng dân Đức Chúa Trời, không thể bị làm ngơ. Có lẽ cần một khoảng thời gian tương đối dài, một năm hoặc lâu hơn nữa, để người phạm tội cho thấy bằng chứng của việc ăn năn thật sự. Ngay cả khi được nhận lại, người ấy vẫn phải khai trình “trước ngai phán xét của Đức Chúa Trời”.—Rô 14:10-12; xem Tháp Canh (Anh ngữ) ngày 15-11-1979, trg 31, 32.

HÔN NHÂN TRONG VÒNG CÁC TÍN ĐỒ ĐẠO ĐẤNG KI-TÔ

14. Luật pháp đã phục vụ cho mục tiêu tổng thể nào?

14 Dân Y-sơ-ra-ên ở dưới Luật pháp Môi-se trong hơn 1.500 năm. Với vai trò là người giám hộ dẫn đến Đấng Mê-si, Luật pháp đã giúp dân Đức Chúa Trời ghi nhớ các nguyên tắc công chính trong việc giải quyết những vấn đề gia đình cũng như các vấn đề khác (Ga 3:23, 24). Khi Chúa Giê-su chết, Luật pháp hết hiệu lực và Đức Chúa Trời bắt đầu một sắp đặt mới (Hê 8:6). Dưới sắp đặt này, một số điều mà Luật pháp từng cho phép sẽ không còn được áp dụng.

15. (a) Trong hội thánh đạo Đấng Ki-tô, tiêu chuẩn cho hôn nhân là gì? (b) Một tín đồ nên cân nhắc các yếu tố nào khi suy nghĩ về việc ly dị?

15 Khi trả lời câu hỏi mà những người Pha-ri-si nêu ra, Chúa Giê-su nói rằng việc Môi-se cho phép ly dị là điều mà “từ ban đầu không có” (Mat 19:6-8). Qua đó, Chúa Giê-su cho biết tiêu chuẩn của Đức Chúa Trời về hôn nhân mà đã được thiết lập trong vườn Ê-đen sẽ là tiêu chuẩn cho hội thánh đạo Đấng Ki-tô (1 Ti 3:2, 12). Vì vợ chồng “là một” nên họ phải gắn bó với nhau, đồng thời để cho tình yêu thương với Đức Giê-hô-va và với người bạn đời củng cố mối quan hệ của họ. Nếu một người ly dị hợp pháp nhưng không phải vì người hôn phối phạm tội gian dâm thì người ấy sẽ không được tự do tái hôn (Mat 19:9). Dĩ nhiên, một người có thể quyết định tha thứ cho người hôn phối ngoại tình nhưng đã ăn năn, giống như nhà tiên tri Ô-sê đã tha thứ cho người vợ phạm tội vô luân là Gô-me. Tương tự, Đức Giê-hô-va biểu lộ lòng thương xót đối với dân Y-sơ-ra-ên vì họ đã ăn năn sau khi ngoại tình về thiêng liêng (Ô-sê 3:1-5). Bên cạnh đó, nếu một người biết vợ hoặc chồng của mình ngoại tình nhưng quyết định quan hệ chăn gối trở lại với người hôn phối đã phạm tội ấy, thì hành động này đồng nghĩa với sự tha thứ và không còn cơ sở dựa trên Kinh Thánh để ly dị.

16. Chúa Giê-su nói gì về việc sống độc thân?

16 Sau khi cho biết rằng trong vòng các tín đồ thật, không có cơ sở để ly dị ngoại trừ việc người hôn phối phạm tội gian dâm, Chúa Giê-su nói về những người “được ban ơn” để sống độc thân. Ngài nói thêm: “Ai sống được như vậy thì hãy làm vậy” (Mat 19:10-12). Nhiều người đã quyết định tiếp tục sống độc thân để phụng sự Đức Giê-hô-va mà không bị phân tâm. Những người ấy đáng được khen.

17. Điều gì có thể giúp một tín đồ quyết định kết hôn hay không?

17 Điều gì có thể giúp một người quyết định kết hôn hay tiếp tục sống độc thân? Từ trong lòng, người ấy cần xét xem mình có thể tiếp tục sống độc thân không. Sứ đồ Phao-lô khuyến khích việc sống độc thân, nhưng ông nói: “Vì sự gian dâm tràn lan nên mỗi người nam hãy có vợ, mỗi người nữ hãy có chồng”. Phao-lô nói thêm: “Nếu không tự chủ được thì hãy kết hôn, vì thà kết hôn còn hơn bị ham muốn tình dục un đốt”. Việc kết hôn có thể giúp một người tránh để cho ham muốn tình dục dẫn đến thói quen thủ dâm hoặc phạm tội vô luân. Bên cạnh đó, tuổi tác là một yếu tố cần xem xét, vì sứ đồ Phao-lô nói: “Nếu một người còn trong trắng nghĩ rằng mình không thể kiểm soát được ham muốn tình dục, và đã qua tuổi bồng bột, thì nên làm thế này: Hãy kết hôn, nếu đó là điều mình muốn; người ấy không phạm tội gì” (1 Cô 7:2, 9, 36; 1 Ti 4:1-3). Dù vậy, một người không nên kết hôn chỉ vì có những ham muốn tình dục mạnh mẽ, là những ham muốn có thể đến trong tuổi trẻ. Có lẽ người ấy chưa đủ trưởng thành để gánh vác các trách nhiệm trong hôn nhân.

18, 19. (a) Hôn nhân của tín đồ đạo Đấng Ki-tô nên bắt đầu với hai người như thế nào? (b) Bài tới sẽ thảo luận điều gì?

18 Hôn nhân của tín đồ đạo Đấng Ki-tô nên bắt đầu với một người nam và nữ đã dâng mình cho Đức Giê-hô-va và đều yêu thương ngài hết lòng. Họ cũng nên yêu thương nhau sâu đậm đến mức muốn sống chung với nhau trong quan hệ hôn nhân. Chắc chắn, họ sẽ được ban phước vì vâng theo lời khuyên chỉ kết hôn với “môn đồ của Chúa” (1 Cô 7:39). Một khi đã kết hôn, chắc hẳn họ sẽ đồng ý rằng Kinh Thánh cho lời khuyên tốt nhất về việc xây dựng hôn nhân thành công.

19 Chúng ta đang sống trong giai đoạn cuối của “những ngày sau cùng”, khi nhiều người nam và nữ không có những đức tính cần thiết để xây dựng một hôn nhân thành công (2 Ti 3:1-5). Bài tới sẽ thảo luận những nguyên tắc Kinh Thánh có thể giúp các tín đồ đã kết hôn đối phó với những thử thách của đời sống trong giai đoạn hiện nay. Qua Lời quý báu của ngài, Đức Giê-hô-va đã ban cho chúng ta những điều cần thiết để có hôn nhân thành công và hạnh phúc, khi chúng ta tiếp tục bước đi với dân ngài trên con đường dẫn đến sự sống vĩnh cửu.—Mat 7:13, 14.