Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

Anh chị thấy việc huấn luyện người khác là cần thiết không?

Anh chị thấy việc huấn luyện người khác là cần thiết không?

“Cha cho các con những lời khuyên dạy tốt”.—CHÂM 4:2, Đặng Ngọc Báu.

BÀI HÁT: 93, 96

1, 2. Tại sao chúng ta cần phải huấn luyện người khác để họ có thể đảm nhận các trách nhiệm thần quyền?

Nhiệm vụ chính của Chúa Giê-su là công bố tin mừng về Nước Trời. Tuy nhiên, ngài đã dành thời gian để huấn luyện người khác trở thành những người chăn bầy và người dạy dỗ (Mat 10:5-7). Dù Phi-líp bận rộn với tư cách là người rao giảng tin mừng, nhưng chắc hẳn ông đã giúp bốn con gái của mình trở nên hữu hiệu trong việc chia sẻ sự thật Kinh Thánh (Công 21:8, 9). Ngày nay, việc huấn luyện người khác quan trọng như thế nào?

2 Trên thế giới, số người chấp nhận tin mừng đang gia tăng. Những người mới và chưa làm báp-têm cần hiểu tầm quan trọng của việc học Kinh Thánh cá nhân. Bên cạnh đó, họ cần phải được huấn luyện để rao giảng tin mừng và dạy sự thật cho người khác. Trong các hội thánh, các anh cần được khuyến khích nỗ lực trong việc hội đủ điều kiện để được bổ nhiệm làm phụ tá và trưởng lão. Qua “những lời khuyên dạy tốt”, các tín đồ thành thục có thể giúp những người mới để họ tiến bộ về thiêng liêng.—Châm 4:2ĐNB.

GIÚP NHỮNG NGƯỜI MỚI CÓ SỨC MẠNH VÀ SỰ KHÔN NGOAN TỪ LỜI ĐỨC CHÚA TRỜI

3, 4. (a) Phao-lô cho thấy việc học Kinh Thánh liên hệ thế nào với việc có thánh chức hữu hiệu? (b) Nếu muốn khuyến khích các học viên của mình học Kinh Thánh cá nhân, trước tiên chúng ta phải làm gì?

3 Việc học Kinh Thánh cá nhân quan trọng như thế nào? Chúng ta tìm thấy câu trả lời qua điều mà sứ đồ Phao-lô nói với các tín đồ ở Cô-lô-se. Ông viết: “Chúng tôi không ngừng cầu nguyện cho anh em được đầy dẫy sự hiểu biết chính xác về ý muốn của Đức Chúa Trời, có sự thông hiểu nhờ thần khí ngài cùng mọi sự khôn ngoan, hầu sống xứng đáng với Đức Giê-hô-va để làm ngài vui lòng trọn vẹn, trong khi anh em tiếp tục sinh hoa kết quả trong mọi việc lành và gia tăng sự hiểu biết chính xác về ngài” (Cô 1:9, 10). Với sự hiểu biết chính xác ấy, các tín đồ ở Cô-lô-se có thể “sống xứng đáng với Đức Giê-hô-va để làm ngài vui lòng trọn vẹn”. Điều này sẽ giúp họ tiếp tục “sinh hoa kết quả trong mọi việc lành”, đặc biệt là trong việc rao giảng tin mừng. Để phụng sự một cách hiệu quả, một người thờ phượng Đức Giê-hô-va cần phải đều đặn học Lời Đức Chúa Trời. Chúng ta nên giúp các học viên Kinh Thánh hiểu được điều đó.

4 Nếu muốn giúp người khác nhận được lợi ích từ việc học Kinh Thánh cá nhân, trước tiên chính chúng ta phải tin chắc giá trị của việc học cá nhân. Chính chúng ta cần có thói quen tốt trong việc học Kinh Thánh. Thế nên, anh chị có thể tự hỏi: “Khi chủ nhà nêu lên quan điểm trái ngược với sự dạy dỗ của Kinh Thánh hoặc đặt ra những câu hỏi khó, mình có thể đưa ra câu trả lời dựa trên Kinh Thánh không? Khi đọc về việc Chúa Giê-su, Phao-lô và những người khác đã kiên trì ra sao trong thánh chức, mình có suy ngẫm xem sự kiên trì của họ nên tác động thế nào đến việc mình phụng sự Đức Giê-hô-va không?”. Tất cả chúng ta đều cần sự hiểu biết và lời khuyên từ Lời Đức Chúa Trời. Ngoài ra, khi cho người khác biết mình đã nhận được nhiều lợi ích ra sao từ việc học Kinh Thánh cá nhân, chúng ta có thể khuyến khích họ siêng năng học Kinh Thánh để nhận được những lợi ích như thế.

5. Hãy nêu một đề nghị về cách giúp những người mới để họ học Kinh Thánh cá nhân một cách đều đặn.

5 Có lẽ anh chị thắc mắc: “Làm thế nào mình có thể huấn luyện học viên Kinh Thánh học Lời Đức Chúa Trời đều đặn?”. Một phương pháp tốt là cho học viên thấy cách chuẩn bị cho cuộc học hỏi với anh chị. Anh chị có thể đề nghị học viên đọc những thông tin liên quan trong phụ lục của sách Kinh Thánh thật sự dạy gì?, và tra cứu các câu Kinh Thánh được viện dẫn. Hãy giúp học viên chuẩn bị cho các buổi nhóm họp với mục tiêu tham gia bình luận. Hãy khuyến khích học viên đọc mỗi số Tháp Canh Tỉnh Thức!. Nếu Thư viện Tháp Canh hoặc THƯ VIỆN TRỰC TUYẾN Tháp Canh có trong ngôn ngữ của học viên, anh chị có thể giúp người ấy biết cách sử dụng những công cụ này để trả lời các câu hỏi về Kinh Thánh. Nhờ những sự trợ giúp như thế, rất có thể học viên của anh chị sẽ sớm yêu thích việc học Kinh Thánh cá nhân.

6. (a) Bằng cách nào anh chị có thể giúp học viên vun trồng lòng ham thích đối với Kinh Thánh? (b) Rất có thể một học viên sẽ làm gì khi người ấy thật lòng yêu thích Kinh Thánh?

6 Dĩ nhiên, chúng ta không nên gây áp lực cho bất cứ ai để họ đọc và học Kinh Thánh. Thay vì thế, hãy dùng các công cụ do tổ chức của Đức Giê-hô-va cung cấp để giúp học viên yêu thích Kinh Thánh hơn. Với thời gian, có lẽ một học viên thành thật sẽ có cùng cảm nhận như người viết Thi-thiên khi ông hát: “Lấy làm tốt thay cho tôi đến gần Đức Chúa Trời: Tôi nhờ Chúa Giê-hô-va làm nơi nương-náu mình” (Thi 73:28). Thần khí của Đức Giê-hô-va sẽ tác động trên một học viên có lòng biết ơn và siêng năng như thế.

HUẤN LUYỆN NHỮNG NGƯỜI MỚI RAO GIẢNG VÀ DẠY DỖ

7. Chúa Giê-su đã huấn luyện những người công bố tin mừng như thế nào? (Xem hình nơi đầu bài).

7 Ma-thi-ơ chương 10 ghi lại những sự chỉ dẫn mà Chúa Giê-su ban cho 12 sứ đồ. Ngài không nói chung chung, mà đề cập đến những điểm cụ thể. [1] Các sứ đồ đã lắng nghe khi Chúa Giê-su dạy họ cách rao giảng hữu hiệu. Sau đó, họ tham gia thánh chức. Nhờ đã được quan sát các phương pháp của Chúa Giê-su, họ sớm trở thành những người có khả năng dạy dỗ sự thật Kinh Thánh (Mat 11:1). Chúng ta có thể huấn luyện các học viên của mình trở thành những người công bố tin mừng hữu hiệu. Giờ đây, hãy xem hai điều mà chúng ta có thể giúp họ thực hiện.

8, 9. (a) Trong thánh chức, Chúa Giê-su đã nói chuyện như thế nào với các cá nhân? (b) Chúng ta có thể giúp những người công bố mới nói chuyện với người ta như thế nào, giống như cách nói chuyện của Chúa Giê-su?

8 Nói chuyện với người ta. Chúa Giê-su thường nói chuyện riêng với người ta về Nước Trời. Chẳng hạn, tại giếng của Gia-cốp gần thành Si-kha, ngài có cuộc trò chuyện sống động với một phụ nữ, và cuộc trò chuyện ấy đã mang lại kết quả tốt (Giăng 4:5-30). Ngài cũng nói chuyện với một người thu thuế là Ma-thi-ơ Lê-vi. Các sách Phúc âm ghi lại rất ít chi tiết về cuộc nói chuyện ấy, nhưng Ma-thi-ơ đã chấp nhận lời mời của Chúa Giê-su để trở thành môn đồ ngài. Trong một bữa tiệc tại nhà Ma-thi-ơ, ông và những người khác đã được nghe Chúa Giê-su nói chuyện trong một khoảng thời gian.—Mat 9:9; Lu 5:27-39.

9 Vào một dịp khác, Chúa Giê-su đã trò chuyện thân thiện với Na-tha-na-ên, người có cái nhìn tiêu cực về những ai đến từ Na-xa-rét. Tuy nhiên, Na-tha-na-ên đã được thôi thúc để thay đổi suy nghĩ của mình. Ông quyết định học thêm về những sự dạy dỗ của Chúa Giê-su, một người đến từ Na-xa-rét (Giăng 1:46-51). Thế nên, chúng ta có lý do chính đáng để huấn luyện những người công bố mới nói chuyện với người ta một cách thân thiện và tử tế. [2] Nhờ được giúp đỡ theo cách này, rất có thể họ sẽ vui thích khi thấy những người có lòng thành hưởng ứng trước lời lẽ tử tế và sự quan tâm cá nhân.

10-12. (a) Chúa Giê-su đã vun trồng sự chú ý của những người tỏ ra quan tâm đến tin mừng như thế nào? (b) Làm thế nào chúng ta có thể giúp những người công bố mới để họ cải thiện kỹ năng của người dạy sự thật Kinh Thánh?

10 Vun trồng sự chú ý. Chúa Giê-su chỉ có thời gian giới hạn để thi hành thánh chức. Dù vậy, ngài đã dành thời gian để vun trồng sự chú ý của những ai tỏ ra quan tâm đến tin mừng. Chẳng hạn, Chúa Giê-su đã lên một chiếc thuyền và từ trên thuyền, ngài dạy dỗ một đoàn dân đông. Vào dịp đó, ngài đã dùng phép lạ để giúp Phi-e-rơ kéo được một mẻ cá khổng lồ, rồi nói với ông: “Từ nay anh sẽ trở thành tay đánh lưới người”. Những điều Chúa Giê-su nói và làm đã mang lại kết quả nào? Phi-e-rơ và những người đi cùng ông “chèo thuyền trở lại bờ, bỏ tất cả và đi theo [Chúa Giê-su]”.—Lu 5:1-11.

11 Một thành viên của Tòa Tối Cao là Ni-cô-đem đã tỏ ra quan tâm đến sự dạy dỗ của Chúa Giê-su. Ông muốn học hỏi thêm nhưng lại sợ người ta dị nghị nếu ông trò chuyện với Chúa Giê-su một cách công khai. Chúa Giê-su đã linh động và sẵn sàng dành thời gian để gặp ông vào ban đêm, tại một nơi riêng tư (Giăng 3:1, 2). Chúng ta có thể rút ra bài học nào từ những lời tường thuật này? Con Đức Chúa Trời dành thời gian cho các cá nhân để xây dựng đức tin của họ. Chẳng phải chúng ta nên siêng năng trong việc thăm lại và điều khiển các cuộc học hỏi Kinh Thánh với những người chú ý sao?

12 Những người công bố mới rất có thể sẽ cải thiện kỹ năng của người dạy sự thật Kinh Thánh nếu chúng ta kết hợp với họ trong thánh chức rao giảng. Chúng ta có thể giúp họ lưu ý đến những ai tỏ ra quan tâm dù chỉ một chút. Khi thăm lại và điều khiển các cuộc học hỏi Kinh Thánh, chúng ta có thể mời những người công bố mới đi cùng. Với sự huấn luyện và khích lệ như thế, những người công bố ít kinh nghiệm hơn chắc hẳn sẽ muốn vun trồng sự chú ý của người khác và điều khiển các cuộc học hỏi Kinh Thánh. Họ cũng sẽ học cách không vội bỏ cuộc mà kiên trì và kiên nhẫn trong thánh chức.—Ga 5:22; xem khung “ Kiên trì là điều thiết yếu”.

HUẤN LUYỆN NHỮNG NGƯỜI MỚI PHỤC VỤ ANH EM ĐỒNG ĐẠO

13, 14. (a) Anh chị có suy nghĩ nào về gương của những người hy sinh nhiều vì người khác, như được ghi lại trong Kinh Thánh? (b) Qua những cách thực tế nào anh chị có thể huấn luyện những người công bố mới và người trẻ thể hiện tình yêu thương với các anh chị em?

13 Những lời tường thuật trong Kinh Thánh nêu bật đặc ân mà chúng ta có trong việc thể hiện “tình huynh đệ” và phục vụ lẫn nhau. (Đọc 1 Phi-e-rơ 1:22; Lu-ca 22:24-27). Con Đức Chúa Trời đã hy sinh mọi thứ, bao gồm cả mạng sống của mình, để phục vụ người khác (Mat 20:28). Đô-ca “làm nhiều việc thiện và hay giúp đỡ người nghèo” (Công 9:36, 39). Một nữ tín đồ ở Rô-ma là Ma-ri “đã làm nhiều việc” vì các anh em trong hội thánh (Rô 16:6). Bằng cách nào chúng ta có thể giúp những người mới để họ hiểu tầm quan trọng của việc giúp đỡ các anh chị em đồng đạo?

Hãy huấn luyện những người mới thể hiện tình yêu thương với anh em đồng đạo (Xem đoạn 13, 14)

14 Các Nhân Chứng thành thục có thể mời những người mới đi cùng khi thăm người đau ốm và người lớn tuổi. Nếu thích hợp, các bậc cha mẹ có thể đưa con cái đi theo trong những dịp như thế. Các trưởng lão có thể hợp tác với những anh chị khác để đảm bảo rằng các anh chị lớn tuổi thân yêu có được đồ ăn tốt và nhà cửa của họ được bảo trì. Qua những cách này, người trẻ và người mới sẽ học cách thể hiện những hành động tử tế với người khác. Chẳng hạn, khi rao giảng tại khu vực của mình ở nông thôn, một anh trưởng lão ghé thăm những Nhân Chứng trong khu vực đó để hỏi thăm về tình hình của họ. Nhờ thế, một anh trẻ thường đi chung với anh trưởng lão ấy đã học được một điều là mọi người trong hội thánh cần được chăm sóc và yêu thương.—Rô 12:10.

15. Tại sao việc các trưởng lão quan tâm đến sự tiến bộ của những người nam trong hội thánh là điều quan trọng?

15 Vì Đức Giê-hô-va dùng những người nam để dạy dỗ trong hội thánh, nên điều quan trọng là các anh cần phát huy khả năng ăn nói. Là trưởng lão, anh có thể lắng nghe khi một phụ tá tập làm bài giảng không? Nhờ sự trợ giúp này, anh phụ tá ấy có thể cải thiện kỹ năng của một người dạy Lời Đức Chúa Trời.—Nê 8:8. [3]

16, 17. (a) Phao-lô quan tâm như thế nào đến việc giúp Ti-mô-thê tiến bộ? (b) Bằng cách nào các trưởng lão có thể huấn luyện những người chăn bầy tương lai của hội thánh một cách hữu hiệu?

16 Nhu cầu về những người chăn bầy trong hội thánh đạo Đấng Ki-tô là rất lớn, và những ai sẽ làm công việc này trong tương lai cần tiếp tục được huấn luyện. Phao-lô cho biết khái quát về cách huấn luyện khi ông nói với Ti-mô-thê: “Hỡi con ta, hãy tiếp tục nhận lấy sức lực bởi lòng nhân từ bao la mà con được hưởng nhờ hợp nhất với Đấng Ki-tô Giê-su. Về những điều con nghe nơi ta và đã được nhiều nhân chứng xác nhận, hãy truyền lại cho những người trung thành, nhờ thế họ sẽ có đủ tư cách dạy lại người khác” (2 Ti 2:1, 2). Ti-mô-thê đã học từ Phao-lô qua việc cùng phụng sự với sứ đồ ấy, một người lớn tuổi hơn. Sau đó, Ti-mô-thê áp dụng các phương pháp của Phao-lô vào thánh chức của chính mình cũng như trong những khía cạnh khác của việc phụng sự Đức Chúa Trời.—2 Ti 3:10-12.

17 Phao-lô không để Ti-mô-thê tình cờ được huấn luyện. Ông đã đưa người trẻ này đi cùng (Công 16:1-5). Các trưởng lão có thể noi gương Phao-lô qua việc mời những phụ tá có khả năng cùng đi thăm chiên với mình khi thích hợp. Nhờ thế, các trưởng lão cho những anh này cơ hội được quan sát trực tiếp cách dạy dỗ, đức tin, sự kiên nhẫn và tình yêu thương mà các giám thị cần phải có. Đây là bước góp phần vào việc huấn luyện những người mà trong tương lai sẽ chăn “bầy của Đức Chúa Trời”.—1 Phi 5:2.

TẦM QUAN TRỌNG CỦA VIỆC HUẤN LUYỆN NGƯỜI KHÁC

18. Tại sao chúng ta nên xem trọng việc huấn luyện người khác?

18 Việc huấn luyện người khác là điều đặc biệt quan trọng vì ngày càng có thêm nhu cầu và cơ hội để phụng sự Đức Giê-hô-va. Gương của Chúa Giê-su và Phao-lô trong việc huấn luyện người khác vẫn còn nguyên giá trị. Đức Giê-hô-va muốn các tôi tớ của ngài thời nay được huấn luyện tốt để chu toàn các trách nhiệm thần quyền. Đức Chúa Trời cho chúng ta đặc ân giúp những người ít kinh nghiệm hơn phát huy khả năng của họ để thực hiện những công việc cần thiết trong hội thánh. Khi tình trạng thế gian ngày càng đồi bại và những cơ hội mới trong việc rao giảng tiếp tục gia tăng, thì sự huấn luyện như thế vừa quan trọng vừa cấp thiết.

19. Tại sao anh chị nên tin chắc rằng những nỗ lực của mình trong việc huấn luyện người khác sẽ thành công?

19 Dĩ nhiên, việc huấn luyện người khác đòi hỏi thời gian và nỗ lực. Nhưng Đức Giê-hô-va và Con yêu dấu của ngài sẽ hỗ trợ và ban cho chúng ta sự khôn ngoan để thực hiện việc huấn luyện này. Chúng ta sẽ vui mừng khi thấy những người mình giúp đỡ tiếp tục “chăm chỉ và nỗ lực làm việc” (1 Ti 4:10). Mong sao chính chúng ta cũng tiếp tục tiến bộ về thiêng liêng khi phụng sự Đức Giê-hô-va.

^ [1] (đoạn 7) Những điểm mà Chúa Giê-su đề cập gồm có: (1) Rao giảng đúng thông điệp. (2) Thỏa lòng với những sự cung cấp của Đức Chúa Trời. (3) Tránh tranh cãi với chủ nhà. (4) Tin cậy Đức Chúa Trời khi gặp những kẻ chống đối. (5) Không chịu khuất phục trước nỗi sợ hãi.

^ [2] (đoạn 9) Sách Được lợi ích nhờ sự giáo dục của Trường Thánh Chức Thần Quyền, trg 62-64, có những gợi ý rất hữu ích về cách nói chuyện với người ta trong thánh chức.

^ [3] (đoạn 15) Sách Được lợi ích nhờ sự giáo dục của Trường Thánh Chức Thần Quyền, trg 52-61, giải thích về những phẩm chất cần thiết để một người trở nên hữu hiệu trong việc nói trước công chúng.