Bạn có biết?
Có điều gì đặc biệt trong cách Chúa Giê-su đối xử với người phong cùi?
Người Do Thái thời xưa rất sợ bệnh phong cùi, một chứng bệnh thường gặp vào thời Kinh Thánh. Căn bệnh đáng sợ này có thể tấn công các đầu dây thần kinh của người bệnh, làm cho cơ thể bị thương tổn và biến dạng vĩnh viễn. Vào thời đó, người ta không biết cách chữa căn bệnh này. Người bệnh bị cách ly và bắt buộc phải cảnh báo người khác về căn bệnh của mình.—Lê-vi Ký 13:45, 46.
Giới lãnh đạo Do Thái giáo đã đặt thêm luật về bệnh phong cùi. Những luật đó không có trong Kinh Thánh và khiến cho cuộc sống của người bệnh gặp khó khăn một cách không cần thiết. Chẳng hạn, luật lệ của giới ráp-bi cấm bất kỳ ai đến gần người phong cùi trong vòng 4 cu-bít (khoảng 2m). Nhưng nếu đang có gió, không ai được đến gần trong vòng 100 cu-bít (khoảng 45m). Kinh Thánh đưa ra điều luật là người phong cùi phải sống “ngoài trại-quân”. Tuy nhiên, một số chuyên gia luật Do Thái giải thích rằng điều luật này có nghĩa là những người phong cùi không được sống trong các thành có tường thành. Vì vậy, khi thấy một người phong cùi trong thành, một ráp-bi sẽ ném đá vào người đó và nói: “Hãy trở về chỗ ngươi ở, đừng làm ô uế người khác”.
Cách đối xử của Chúa Giê-su thật khác biệt làm sao! Thay vì đuổi người phong cùi đi, ngài đã sờ và chữa lành bệnh cho họ.—Ma-thi-ơ 8:3.
Giới lãnh đạo Do Thái giáo cho phép ly dị trên cơ sở nào?
Ly dị là một vấn đề gây tranh cãi trong giới lãnh đạo Do Thái giáo vào thế kỷ thứ nhất CN. Vì vậy, vào dịp nọ, một số người Pha-ri-si đã hỏi một câu để thử ngài: “Một người có được phép ly dị vợ vì bất cứ lý do nào không?”.—Ma-thi-ơ 19:3.
Luật pháp Môi-se cho phép một người ly dị vợ nếu người đó “thấy nơi nàng một sự xấu-hổ nào” (Phục-truyền Luật-lệ Ký 24:1). Vào thời Chúa Giê-su, có hai trường phái tư tưởng của giới ráp-bi giải thích trái ngược nhau về ý nghĩa của điều luật này. Trường phái Sa-mai, vốn là trường phái nghiêm khắc hơn, giải thích điều luật này có nghĩa rằng lý do hợp pháp duy nhất cho việc ly dị là “không trong sạch”, tức ngoại tình. Ngược lại, trường phái Hi-lên cho rằng một người có thể ly dị vợ một cách hợp pháp khi vợ chồng có bất đồng, dù nhỏ nhặt đến đâu. Theo trường phái này, một người có thể ly dị vợ nếu vợ chỉ cần làm hỏng bữa ăn tối của chồng hoặc nếu chồng tìm thấy một phụ nữ mà anh ta nghĩ là đẹp hơn.
Vậy Chúa Giê-su đã trả lời câu hỏi của những người Pha-ri-si như thế nào? Ngài chỉ nói: “Ngoại trừ trường hợp vợ gian dâm, hễ ai ly dị vợ và cưới người khác là phạm tội ngoại tình”.—Ma-thi-ơ 19:6, 9.