Liệu sẽ có một thế giới không còn bạo lực không?
Bạn hoặc một thành viên trong gia đình của bạn đã từng là nạn nhân của hành vi bạo lực chưa? Bạn có lý do gì để sợ rằng mình sẽ bị bạo hành không? Bạo lực được xem là một “vấn đề sức khỏe cộng đồng ngày càng trầm trọng trên thế giới”. Hãy xem vài ví dụ.
BẠO HÀNH GIA ĐÌNH VÀ TÌNH DỤC: Liên Hiệp Quốc cho biết: “Cứ ba phụ nữ thì có một người bị bạn tình bạo hành thể xác hoặc tình dục vào một thời điểm nào đó trong đời”. Đáng buồn thay, “người ta ước tính rằng trên khắp thế giới, cứ năm phụ nữ thì có một người là nạn nhân của vụ hiếp dâm hoặc toan hiếp dâm”.
TỘI ÁC ĐƯỜNG PHỐ: Một báo cáo cho biết rằng có hơn 30.000 băng nhóm bạo lực và tội phạm đang hoạt động ở Hoa Kỳ. Tại châu Mỹ La-tinh, được biết là cứ 3 người thì có 1 người là nạn nhân của tội phạm bạo lực.
GIẾT NGƯỜI: Người ta ước tính rằng gần nửa triệu người đã bị giết trong một năm qua, nhiều hơn số người thiệt mạng trong các cuộc chiến tranh. Nam châu Phi và Trung Mỹ có tỉ lệ giết người cao nhất, gấp bốn lần so với mức trung bình của thế giới. Chỉ trong một năm, ở châu Mỹ La-tinh có hơn 100.000 người bị sát hại và riêng Brazil, có khoảng 50.000 người. Đâu là giải pháp lâu dài cho nạn bạo lực?
NẠN BẠO LỰC CÓ THỂ ĐƯỢC NGĂN CHẶN KHÔNG?
Tại sao nạn bạo lực lại lan rộng như thế? Có nhiều nguyên nhân đã được xác định, trong đó có: sự căng thẳng phát sinh từ sự bất bình đẳng về xã hội và kinh tế, xem thường sinh mạng của người khác, lạm dụng rượu và ma túy, trẻ em chứng kiến hành vi bạo lực của người lớn, và thực tế là những tội phạm bạo lực dường như không bị trừng phạt.
Phải thừa nhận rằng có những tiến bộ trong việc ngăn chặn nạn bạo lực tại một số nơi trên thế giới. Được biết là ở thành phố São Paulo, Brazil, dù mật độ dân cư rất đông nhưng tỉ lệ giết người đã giảm 80% trong 10 năm qua. Dù vậy, tội ác, bạo lực vẫn hiện diện trong thành phố này và cứ 100.000 dân cư thì có 10 người bị giết. Vậy làm sao để nạn bạo lực chấm dứt một lần và vĩnh viễn?
Có một giải pháp lâu dài cho nạn bạo lực. Giải pháp này liên quan đến thái độ và hành vi của con người. Những người bạo lực cần phải thay đổi những đặc tính như kiêu ngạo, tham lam, ích kỷ và thay vào đó là hãy yêu thương, tôn trọng và quan tâm đến người khác.
Điều gì có thể thôi thúc một người thực hiện những bước thay đổi đáng kể như thế? Hãy suy nghĩ đến những điều Kinh Thánh dạy:
-
“Yêu thương Đức Chúa Trời nghĩa là vâng giữ các điều răn ngài”.—1 Giăng 5:3.
-
“Sự kính-sợ Đức Giê-hô-va, ấy là ghét điều ác”. *—Châm-ngôn 8:13.
Tình yêu thương dành cho Đức Chúa Trời và sợ làm buồn lòng ngài là động lực mạnh mẽ để những
người bạo lực thay đổi lối sống. Họ không chỉ thực hiện những thay đổi nhỏ mà còn có thể biến đổi hoàn toàn nhân cách của mình. Điều này có thật sự xảy ra không?Hãy xem trường hợp của anh Alex. * Anh đã ngồi tù 19 năm ở Brazil vì hành vi bạo lực. Sau khi học Kinh Thánh, anh đã trở thành Nhân Chứng Giê-hô-va vào năm 2000. Anh đã thật sự thay đổi hành vi bạo lực của mình không? Có, anh vô cùng hối tiếc về tất cả những điều xấu mà mình đã gây ra. Anh cũng cho biết: “Tôi yêu thương Đức Chúa Trời vì ngài đã giúp tôi cảm nhận mình thật sự được tha thứ. Lòng biết ơn và tình yêu thương dành cho Đức Giê-hô-va đã giúp tôi thay đổi lối sống của mình”.
Anh César, cũng ở Brazil, dính líu đến các vụ trộm cắp và cướp có vũ khí. Anh đã sa vào lối sống ấy suốt 15 năm. Điều gì đã giúp anh thay đổi? Trong thời gian anh ở tù, Nhân Chứng Giê-hô-va đã đến gặp anh và anh đã học Kinh Thánh. Anh César cho biết: “Lần đầu tiên trong đời tôi biết được mục đích của đời sống là gì. Tôi đã biết yêu thương Đức Chúa Trời. Tôi cũng sợ làm buồn lòng ngài, sợ mình quay lại con đường sai và làm Đức Giê-hô-va buồn. Tôi không muốn vô ơn trước sự nhân từ của ngài. Chính tình yêu thương và lòng kính sợ ấy đã thôi thúc tôi thay đổi”.
Những trường hợp trên cho chúng ta biết điều gì? Đó là Kinh Thánh có quyền lực để biến đổi cuộc sống của một người, bằng cách thay đổi lối suy nghĩ của họ (Ê-phê-sô 4:23). Anh Alex, được đề cập ở trên, cho biết thêm: “Những điều tôi học từ Kinh Thánh giống như làn nước mát đổ vào người tôi, từ từ cuốn trôi đi những suy nghĩ xấu xa. Đây là những điều bản thân tôi nghĩ rằng mình không bao giờ từ bỏ được”. Thật vậy, khi tư tưởng chúng ta tràn đầy thông điệp thánh sạch của Kinh Thánh thì nó có thể loại bỏ hoặc cuốn trôi đi những điều xấu xa. Lời Đức Chúa Trời có quyền lực tẩy sạch (Ê-phê-sô 5:26). Kết quả là người độc ác và ích kỷ có thể thay đổi cách sống của mình để trở thành người tốt và hiếu hòa (Rô-ma 12:18). Họ cảm nghiệm được sự bình an trong đời sống khi áp dụng các nguyên tắc Kinh Thánh.—Ê-sai 48:18.
Hơn tám triệu Nhân Chứng Giê-hô-va trong 240 nước và vùng lãnh thổ đã khám phá ra bí quyết để xóa bỏ nạn bạo lực. Người thuộc mọi chủng tộc, địa vị xã hội và nền văn hóa đã học cách yêu thương và kính sợ Đức Chúa Trời, cũng như sống hòa thuận và yêu thương nhau (1 Phi-e-rơ 4:8). Họ là bằng chứng sống cho thấy một thế giới không còn bạo lực nữa có thể trở thành hiện thực.
MỘT THẾ GIỚI KHÔNG CÒN BẠO LỰC SẮP ĐẾN GẦN!
Kinh Thánh hứa rằng Đức Chúa Trời sắp loại trừ nạn bạo lực ra khỏi trái đất này. Thế giới bạo lực ngày nay đang đối mặt với ngày Đức Chúa Trời “phán xét và hủy diệt những kẻ không tin kính” (2 Phi-e-rơ 3:5-7). Sẽ không còn người bạo lực nào làm cho người khác phải khổ sở. Làm sao chúng ta có thể chắc chắn rằng Đức Chúa Trời muốn can thiệp và chấm dứt nạn bạo lực?
Kinh Thánh nói Đức Chúa Trời ‘ghét kẻ ưa sự hung-bạo’ (Thi-thiên 11:5). Đấng Tạo Hóa yêu hòa bình và công lý (Thi-thiên 33:5; 37:28). Đó chính là lý do ngài sẽ không mãi dung túng người bạo lực.
Quả thật, một thế giới mới tràn đầy bình an đang gần kề (Thi-thiên 37:11; 72:14). Mời bạn hãy tìm hiểu cách chúng ta có thể hội đủ điều kiện để sống trong một thế giới không còn bạo lực.
^ đ. 14 Các tên trong bài đã được thay đổi.