Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

Đấng Tối Cao là đấng như thế nào?

Đấng Tối Cao là đấng như thế nào?

Càng biết rõ về các đức tính của một người, tình bạn giữa chúng ta với người ấy càng thân thiết hơn. Tương tự thế, càng biết rõ Đức Giê-hô-va là đấng như thế nào, tình bạn giữa chúng ta với ngài càng thân thiết hơn. Trong số các đặc tính tuyệt vời của ngài, có bốn đặc tính nổi bật: quyền năng, khôn ngoan, công bằng và yêu thương.

NGÀI LÀ ĐẤNG QUYỀN NĂNG

“Lạy Chúa Tối Thượng Giê-hô-va! Kìa! Ngài đã làm nên trời đất bằng quyền năng vĩ đại”.​—GIÊ-RÊ-MI 32:17.

Chúng ta thấy quyền năng của Đức Chúa Trời qua công trình sáng tạo. Chẳng hạn, khi đi ra ngoài vào một ngày hè đẹp trời, bạn cảm nhận điều gì? Hơi ấm của mặt trời. Bạn đang hưởng những gì Đức Giê-hô-va đã tạo dựng bằng quyền năng ngài. Năng lượng của mặt trời lớn đến mức nào? Nhiệt độ ở tâm điểm mặt trời là khoảng 15 triệu độ C. Mỗi giây, mặt trời phát ra năng lượng tương đương với sức nổ của hàng trăm triệu quả bom nguyên tử.

Tuy nhiên, trong số hàng tỉ ngôi sao trong vũ trụ, có nhiều ngôi sao lớn hơn mặt trời. Theo ước tính của các nhà khoa học, một trong những ngôi sao lớn nhất vũ trụ là UY Scuti có đường kính lớn gấp khoảng 1.700 lần đường kính của mặt trời. Nếu đặt ngôi sao này ở vị trí của mặt trời thì trái đất và quỹ đạo của Mộc Tinh đều sẽ nằm trong nó. Qua đây, hẳn chúng ta hiểu sâu sắc hơn lời của Giê-rê-mi khi ông nói rằng Đức Chúa Trời làm nên “trời đất”, tức vũ trụ, bằng quyền năng vĩ đại của ngài.

Quyền năng của Đức Chúa Trời mang đến điều gì cho chúng ta? Sự sống của con người tùy thuộc vào những gì Đức Chúa Trời tạo ra, như mặt trời và nguồn tài nguyên dồi dào trên đất. Đức Chúa Trời còn dùng quyền năng để giúp chúng ta về phương diện cá nhân. Như thế nào? Vào thế kỷ thứ nhất, ngài ban cho Chúa Giê-su quyền năng để làm những việc phi thường. Kinh Thánh tường thuật: “Người mù thấy được, người què đi được, người phong cùi được sạch, người điếc nghe được, người chết sống lại” (Ma-thi-ơ 11:5). Ngày nay thì sao? Kinh Thánh cho biết: “Ngài ban sức mạnh cho người mòn mỏi”, và nói thêm: “Ai trông cậy Đức Giê-hô-va sẽ được lại sức” (Ê-sai 40:29, 31). Đức Chúa Trời ban cho chúng ta “sức lực hơn mức bình thường” để đương đầu hay chịu đựng khó khăn, thử thách trong đời sống (2 Cô-rinh-tô 4:7). Thật vậy, Đức Chúa Trời dùng quyền năng vô hạn vì lợi ích của chúng ta. Hẳn bạn muốn đến gần một đấng như thế.

NGÀI LÀ ĐẤNG KHÔN NGOAN

“Lạy Đức Giê-hô-va, các công việc ngài nhiều thay! Ngài làm hết thảy một cách khôn ngoan”.THI THIÊN 104:24.

Khi tìm hiểu công trình sáng tạo, chúng ta không khỏi thán phục sự khôn ngoan của Đức Chúa Trời. Trong một ngành nghiên cứu gọi là phỏng sinh học, các nhà khoa học quan sát thiên nhiên và mượn ý tưởng để thiết kế nhiều sản phẩm, từ miếng khóa dán đơn giản cho đến chiếc máy bay phức tạp.

Con mắt là một kiệt tác của Đấng Tạo Hóa

Chúng ta còn kinh ngạc hơn trước sự khôn ngoan của Đức Chúa Trời khi tìm hiểu về con người, chẳng hạn sự phát triển của em bé trong bụng mẹ. Ban đầu là một trứng được thụ tinh, chứa mọi thông tin di truyền cần thiết. Rồi nó phân chia thành nhiều tế bào giống nhau. Đến đúng thời điểm, các tế bào phân hóa thành hàng trăm loại khác nhau, như tế bào máu, tế bào thần kinh và tế bào xương. Chẳng bao lâu, các cơ quan bắt đầu hình thành và hoạt động. Chỉ trong chín tháng, một tế bào ban đầu đã phát triển thành một thai nhi hoàn chỉnh, có hàng tỉ tế bào. Trước sự thiết kế đầy khôn ngoan như thế, nhiều người có cùng cảm nghĩ với một người viết Kinh Thánh: “Xin ca ngợi ngài vì con được tạo nên cách diệu kỳ”.—Thi thiên 139:14.

Sự khôn ngoan của Đức Chúa Trời mang đến điều gì cho chúng ta? Đấng Tạo Hóa biết chúng ta cần gì để hạnh phúc. Ngài cho ghi lại những lời khuyên khôn ngoan trong Kinh Thánh dựa trên sự hiểu biết uyên thâm của ngài. Chẳng hạn, Kinh Thánh khuyên: “Hãy tiếp tục... rộng lòng tha thứ nhau” (Cô-lô-se 3:13). Lời khuyên này có khôn ngoan không? Có. Theo các cuộc nghiên cứu, tha thứ giúp một người ngủ ngon hơn, giảm huyết áp, giảm nguy cơ bị trầm cảm và các vấn đề sức khỏe khác. Đức Chúa Trời giống như một người bạn quan tâm và đầy khôn ngoan, luôn cho chúng ta những lời khuyên thiết thực và hữu ích (2 Ti-mô-thê 3:16, 17). Hẳn bạn muốn có một người bạn như thế.

NGÀI LÀ ĐẤNG CÔNG BẰNG

“Đức Giê-hô-va yêu chuộng công lý”.THI THIÊN 37:28.

Đức Chúa Trời luôn làm điều đúng. Thật vậy, “Đức Chúa Trời không bao giờ làm điều ác, Đấng Toàn Năng chẳng hề làm điều sai!” (Gióp 34:10). Những phán quyết của ngài đều công minh, như người viết Thi thiên nói: “Ngài sẽ xét xử công bằng cho các dân” (Thi thiên 67:4). Vì “Đức Giê-hô-va nhìn trong lòng” nên không bị kẻ giả tạo đánh lừa, mà luôn nhận ra sự thật và xét xử sáng suốt (1 Sa-mu-ên 16:7). Hơn nữa, Đức Chúa Trời thấy hết nạn bất công và tha hóa. Ngài hứa là không lâu nữa “quân gian ác sẽ bị diệt trừ khỏi đất”.—Châm ngôn 2:22.

Đức Chúa Trời không phải là đấng phán xét hà khắc, chỉ muốn trừng phạt người ta. Ngài thương xót người phạm tội khi có cơ sở. Kinh Thánh nói: “Đức Giê-hô-va có lòng thương xót và trắc ẩn”, ngay cả với người gian ác nếu họ thành thật ăn năn. Đó chẳng phải là công lý thật hay sao?—Thi thiên 103:8; 2 Phi-e-rơ 3:9.

Sự công bằng của Đức Chúa Trời mang đến điều gì cho chúng ta? Sứ đồ Phi-e-rơ viết: “Đức Chúa Trời không hề thiên vị, nhưng trong các dân, hễ ai kính sợ ngài và làm điều đúng thì được ngài chấp nhận” (Công vụ 10:34, 35). Vì Đức Chúa Trời không bao giờ thiên vị hoặc phân biệt đối xử nên chúng ta có thể thờ phượng ngài và được ngài chấp nhận, bất kể chủng tộc, quốc gia, học vấn hay tầng lớp xã hội.

Đức Chúa Trời không thiên vị nên chúng ta có thể được ngài chấp nhận, bất kể chủng tộc hay tầng lớp xã hội

Vì muốn chúng ta hiểu công lý của ngài và sống theo để được lợi ích, Đức Chúa Trời ban cho chúng ta lương tâm. Kinh Thánh nói rằng lương tâm là “luật pháp được viết trong lòng”, “làm chứng” cho hành động đúng hay sai của chúng ta (Rô-ma 2:15). Lương tâm giúp chúng ta như thế nào? Nếu được rèn luyện, lương tâm sẽ thôi thúc chúng ta tránh điều sai hoặc tai hại. Khi chúng ta mắc lỗi, lương tâm sẽ thúc đẩy chúng ta ăn năn, sửa đổi. Thật vậy, nhờ hiểu rõ công lý của Đức Chúa Trời, chúng ta được lợi ích và có thể đến gần ngài.

NGÀI LÀ ĐẤNG YÊU THƯƠNG

“Đức Chúa Trời là tình yêu thương”.1 GIĂNG 4:8.

Đức Chúa Trời có quyền năng, sự khôn ngoan và công bằng, nhưng Kinh Thánh không nói ngài quyền năng, sự khôn ngoan hay công bằng. Kinh Thánh nói ngài tình yêu thương. Tại sao? Vì Đức Chúa Trời có quyền năng để hành động, có sự khôn ngoan và công bằng hướng dẫn, nhưng chính tình yêu thương thúc đẩy ngài hành động. Tình yêu thương chi phối mọi điều ngài làm.

Đức Giê-hô-va dựng nên các tạo vật có lý trí ở trên trời và dưới đất cũng vì tình yêu thương, chứ không phải vì cần họ. Ngài tạo ra họ để vui sống trong tình yêu thương và sự chăm sóc của ngài. Vì lòng vị tha, ngài chuẩn bị trái đất làm ngôi nhà lý tưởng cho con người. Đến nay, ngài vẫn thể hiện tình yêu thương với cả nhân loại qua việc “làm mặt trời mọc lên soi sáng người ác lẫn người hiền và làm mưa cho người công chính lẫn người không công chính”.—Ma-thi-ơ 5:45.

Hơn nữa, “Đức Giê-hô-va là đấng giàu lòng trắc ẩn và thương xót” (Gia-cơ 5:11). Ngài tỏ lòng trắc ẩn với những người thực hiện các bước để tìm hiểu và đến gần ngài. Đức Chúa Trời chú ý đến từng người thành tâm như thế. Thật vậy, “ngài không ở xa mỗi người trong chúng ta”.—Công vụ 17:27.

Tình yêu thương của Đức Chúa Trời mang đến điều gì cho chúng ta? Chúng ta được ngắm nhìn cảnh hoàng hôn, nghe tiếng cười của trẻ thơ hay cảm nhận tình yêu thương của người thân. Những điều này không phải là thiết yếu nhưng làm cho đời sống chúng ta thêm phong phú.

Đức Giê-hô-va cũng thể hiện tình yêu thương qua việc ban cho chúng ta đặc ân cầu nguyện. Kinh Thánh khuyên: “Đừng lo lắng bất cứ điều gì, nhưng trong mọi việc, hãy dùng lời cầu nguyện, nài xin và tạ ơn mà trình lời thỉnh cầu của anh em cho Đức Chúa Trời”. Như người cha yêu thương, Đức Giê-hô-va muốn chúng ta giãi bày những lo lắng thầm kín nhất. Rồi ngài sẽ vì tình yêu thương không vụ lợi mà ban “sự bình an của Đức Chúa Trời, là điều vượt quá mọi sự hiểu biết”.—Phi-líp 4:6, 7.

Qua bài thảo luận về quyền năng, sự khôn ngoan, công bằng và tình yêu thương của Đức Chúa Trời, hẳn bạn đã biết rõ hơn ngài là đấng như thế nào. Để tìm hiểu thêm về ngài, mời bạn xem ngài đã làm gì và sẽ làm gì vì lợi ích của bạn.

ĐẤNG TỐI CAO LÀ ĐẤNG NHƯ THẾ NÀO? Đức Giê-hô-va là đấng quyền năng, khôn ngoan và công bằng hơn hết. Nhưng điều thu hút nhất là tình yêu thương