Kinh Thánh—Nguồn của sự thật
Từ xưa đến nay, nhiều người thuộc mọi gốc gác đã xem Kinh Thánh là sách đáng tin cậy và nguồn của sự thật. Hàng triệu người hiện đang làm theo sự dạy dỗ trong sách này. Nhưng cũng có một số người xem Kinh Thánh đã lỗi thời hoặc chỉ là huyền thoại. Còn bạn thì sao? Bạn có nghĩ Kinh Thánh là nguồn của sự thật không?
LÝ DO BẠN CÓ THỂ TIN KINH THÁNH
Làm sao để biết Kinh Thánh có đáng tin cậy hay không? Hãy thử nghĩ: Nếu một người bạn luôn nói thật với bạn suốt nhiều năm, thì hẳn là bạn sẽ tin cậy người đó. Kinh Thánh có giống như người bạn đáng tin cậy, luôn cho bạn biết sự thật không? Hãy xem một số bằng chứng cho thấy bạn có thể tin Kinh Thánh.
Người viết trung thực
Những người viết Kinh Thánh rất trung thực, không ngại nói ra lỗi lầm và thất bại của mình. Chẳng hạn, nhà tiên tri Giô-na ghi lại việc ông không vâng lời Đấng Tối Cao (Giô-na 1:1-3). Trong phần kết của sách mang tên ông, Giô-na nhấn mạnh cách ngài sửa phạt ông, nhưng không nhắc tới việc mình ăn năn và sửa sai. Hẳn ông không muốn thu hút sự chú ý đến bản thân (Giô-na 4:1, 4, 10, 11). Sự trung thực của tất cả những người viết Kinh Thánh cho thấy họ xem trọng sự thật.
Lời khuyên thiết thực
Kinh Thánh có luôn đưa ra lời khuyên khôn ngoan về các vấn đề thường ngày không? Có. Chẳng hạn, hãy xem Kinh Thánh nói gì về việc gìn giữ mối quan hệ tốt với người khác: ‘Mọi điều mình muốn người ta làm cho mình thì cũng phải làm cho họ’ (Ma-thi-ơ 7:12). “Lời đáp êm dịu làm nguôi cơn thịnh nộ, còn lời gay gắt khơi dậy cơn giận dữ” (Châm ngôn 15:1). Đúng thế, từ khi được viết ra cho đến nay, những lời khuyên trong Kinh Thánh vẫn thiết thực.
Chính xác về lịch sử
Nhiều phát hiện về khảo cổ trong những năm qua xác nhận rằng các nhân vật, địa điểm và sự kiện trong Kinh Thánh là có thật. Chẳng hạn, hãy xem một chi tiết nhỏ. Vào thế kỷ thứ năm trước công nguyên, một người viết Kinh Thánh là Nê-hê-mi cho biết người Ty-rơ (từ xứ Phê-ni-xi) chuyển tới sống ở Giê-ru-sa-lem đã “mang cá cùng đủ loại hàng hóa đến”.—Nê-hê-mi 13:16.
Có bằng chứng nào xác minh câu Kinh Thánh này không? Có. Các nhà khảo cổ đã phát hiện ra một số hàng hóa của Phê-ni-xi ở xứ Y-sơ-ra-ên. Điều đó cho thấy có sự trao đổi buôn bán giữa hai nước cổ xưa này. Ngoài ra, tại Giê-ru-sa-lem, người ta cũng khai quật được những mẫu hóa thạch của một số loài cá thuộc Địa Trung Hải. Các nhà khảo cổ tin rằng những loài cá này đã được lái buôn mang đến từ vùng biển xa xôi. Sau khi xem xét các bằng chứng, một học giả kết luận: “Hẳn câu Nê-hê-mi 13:16 nói về việc người Ty-rơ buôn bán cá ở Giê-ru-sa-lem là đúng”.
Chính xác về khoa học
Dù Kinh Thánh là sách chủ yếu nói về tôn giáo và lịch sử, nhưng khi đề cập đến khoa học thì luôn đưa ra thông tin phù hợp. Hãy xem một ví dụ.
Khoảng 3.500 năm trước, sách Gióp trong Kinh Thánh cho biết trái đất lơ lửng “trong khoảng không” (Gióp 26:7). Điều này khác hẳn với những câu chuyện hoang đường cho rằng trái đất nổi trên mặt nước hoặc được đỡ bởi một con rùa. Khoảng 1.100 năm sau khi sách Gióp được viết ra, người ta vẫn cho rằng trái đất phải được đỡ bởi vật gì đó, chứ không tin trái đất lơ lửng trong khoảng không. Chỉ mới cách đây hơn 300 năm, vào năm 1687, Isaac Newton đã công bố công trình nghiên cứu về định luật vạn vật hấp dẫn và giải thích rằng trái đất chuyển động theo quỹ đạo là nhờ một lực hút. Cột mốc khoa học này đã khẳng định điều Kinh Thánh nói hơn 3.000 năm trước là sự thật!
Lời tiên tri được ứng nghiệm
Những lời tiên tri trong Kinh Thánh chính xác đến mức nào? Hãy xem lời tiên tri của Ê-sai về sự sụp đổ của thành Ba-by-lôn.
Lời tiên tri: Vào thế kỷ thứ tám trước công nguyên, người viết Kinh Thánh là Ê-sai đã tuyên bố rằng thành Ba-by-lôn, sau này là thủ đô của một đế quốc hùng mạnh, sẽ sụp đổ và không còn ai cư ngụ ở đó nữa (Ê-sai 13:17-20). Thậm chí Ê-sai còn cho biết tên người chinh phục là Si-ru. Ê-sai cũng miêu tả chiến thuật của Si-ru là “làm cạn mọi sông” và báo trước các cổng thành sẽ bị bỏ ngỏ.—Ê-sai 44:27–45:1.
Sự ứng nghiệm: Khoảng 200 năm sau lời tiên tri của Ê-sai, một vị vua Ba Tư đã tấn công Ba-by-lôn. Đó là ai? Chính là Si-ru. Vì thành Ba-by-lôn rất kiên cố nên Si-ru quyết định nhắm vào dòng sông chảy qua thành, là sông Ơ-phơ-rát. Vua cho người đào kênh để dẫn nước sông vào một đầm lầy. Nhờ thế, mực nước đã hạ xuống ngang đùi, đủ để quân lính của vua lội bộ qua dòng sông giáp với tường thành. Thật kinh ngạc là quân Ba-by-lôn không đóng các cổng thành hướng ra sông! Quân của Si-ru tràn vào Ba-by-lôn qua những cổng này và chiếm được thành.
Tuy nhiên, còn một chi tiết: Có thật là không ai cư ngụ ở thành Ba-by-lôn nữa không? Trong vài thế kỷ vẫn có người ở đó. Nhưng hiện nay, Ba-by-lôn chỉ còn là tàn tích nằm gần Bát-đa, I-rắc. Điều này chứng thực lời tiên tri của Ê-sai đã được ứng nghiệm hoàn toàn. Kinh Thánh thật đáng tin cậy khi báo trước về các sự kiện trong tương lai!