Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

“Hãy tiếp tục khích lệ nhau mỗi ngày”

“Hãy tiếp tục khích lệ nhau mỗi ngày”

“Nếu có lời gì để khích lệ dân chúng, xin hãy nói”.—CÔNG 13:15.

BÀI HÁT: 121, 45

1, 2. Hãy cho thấy tại sao sự khích lệ là điều quan trọng.

Một em gái 18 tuổi là Cristina [1] nói: “Ba mẹ gần như chẳng bao giờ khích lệ em, nhưng chỉ trích em rất nhiều. Đôi khi những lời của ba mẹ khiến em rất đau lòng. Ba mẹ nói rằng em quá trẻ con và không bao giờ khá lên được. Họ cũng chê là em béo ú. Thế nên em thường xuyên khóc và không muốn nói chuyện với họ. Em cảm thấy mình là kẻ vô dụng”. Cuộc sống thật buồn nản làm sao nếu không có sự khích lệ!

2 Ngược lại, sự khích lệ có tác động tốt. Anh Rubén chia sẻ: “Trong nhiều năm, tôi phải đấu tranh với cảm nghĩ mình là kẻ vô dụng. Nhưng lần nọ, tôi đi rao giảng với một trưởng lão và anh ấy nhận ra tôi đang buồn. Khi tôi giãi bày cảm xúc của mình, anh đã lắng nghe với sự đồng cảm. Rồi anh nhắc tôi nhớ đến những điều tốt mà tôi đang làm. Anh cũng nhắc tôi nhớ Chúa Giê-su đã nói rằng mỗi chúng ta đều quý giá hơn muôn vàn chim sẻ. Tôi thường nhớ lại câu Kinh Thánh đó, và câu ấy vẫn động đến lòng tôi. Lời của anh trưởng lão đã tác động đến tôi một cách sâu sắc”.—Mat 10:31.

3. (a) Sứ đồ Phao-lô nói gì về sự khích lệ? (b) Chúng ta sẽ xem xét điều gì trong bài này?

3 Không ngạc nhiên gì khi Kinh Thánh nhấn mạnh rằng việc thường xuyên khích lệ người khác là điều cần thiết. Sứ đồ Phao-lô viết cho các tín đồ người Hê-bơ-rơ: “Hỡi anh em, hãy coi chừng, hầu không ai trong anh em sinh lòng gian ác và thiếu đức tin vì rời xa Đức Chúa Trời hằng sống; nhưng hãy tiếp tục khích lệ nhau mỗi ngày,... hầu không ai trong anh em trở nên cứng lòng bởi sức cám dỗ của tội lỗi” (Hê 3:12, 13). Anh chị có thể thấy lời khuyên “khích lệ nhau” quan trọng như thế nào nếu nhớ lại một lần mình được lên tinh thần nhờ những lời khích lệ. Vậy hãy xem xét những câu hỏi sau: “Tại sao sự khích lệ là điều rất quan trọng? Chúng ta có thể học được gì từ cách Đức Giê-hô-va, Chúa Giê-su và Phao-lô khích lệ người khác? Làm thế nào chúng ta có thể khích lệ một cách hiệu quả?”.

MỌI NGƯỜI ĐỀU CẦN ĐƯỢC KHÍCH LỆ

4. Những ai cần được khích lệ, nhưng tại sao sự khích lệ là điều hiếm có ngày nay?

4 Tất cả chúng ta đều cần được khích lệ. Điều này đặc biệt đúng trong thời gian lớn lên. Một nhà giáo dục là Timothy Evans nói: “Trẻ em... cần sự khích lệ giống như cây cần đến nước. Nhờ được khích lệ, một em trẻ cảm thấy mình có ích và được quý trọng”. Nhưng chúng ta đang sống trong một thời kỳ rất khó đương đầu. Nhiều người ích kỷ, thiếu tình thương tự nhiên, và sự khích lệ là điều hiếm có (2 Ti 3:1-5). Một số bậc cha mẹ không khen con cái vì chính cha mẹ của họ cũng không bao giờ khích lệ họ. Nhiều nhân viên không được khen nên họ than phiền rằng mình không bao giờ được khích lệ tại sở làm.

5. Sự khích lệ bao hàm điều gì?

5 Sự khích lệ thường bao hàm việc khen một người về điều mà người ấy đã làm tốt. Chúng ta cũng có thể khích lệ người khác qua việc cho họ biết rằng họ có những phẩm chất tốt, hoặc qua việc “an ủi người buồn nản” (1 Tê 5:14). Từ Hy Lạp thường được dịch là “khích lệ” có nghĩa đen là “gọi đến cạnh mình”. Khi phụng sự bên cạnh các anh chị em, rất có thể chúng ta sẽ có cơ hội để nói điều gì đó khích lệ. (Đọc Truyền-đạo 4:9, 10). Chúng ta có tận dụng những dịp thích hợp để cho người khác biết lý do chúng ta yêu thương và quý trọng họ không? Trước khi trả lời câu hỏi đó, chúng ta nên nghĩ về câu Châm-ngôn này: “Lời nói phải thì lấy làm tốt biết bao!”.—Châm 15:23.

6. Tại sao Kẻ Quỷ Quyệt muốn làm chúng ta nản lòng? Hãy nêu ví dụ.

6 Sa-tan Kẻ Quỷ Quyệt muốn làm chúng ta nản lòng vì hắn biết rằng sự nản lòng có thể khiến chúng ta suy yếu về thiêng liêng cũng như trong các khía cạnh khác. Châm-ngôn 24:10 nói: “Ngày khốn quẫn mà để mất tinh thần, sức lực con ắt sẽ bị suy giảm” (Các Giờ Kinh Phụng Vụ). Sa-tan dùng cả những tai họa lẫn sự cáo buộc để cố khiến người công chính Gióp bị nản lòng, nhưng âm mưu độc ác đó đã thất bại (Gióp 2:3; 22:3; 27:5). Chúng ta có thể chống lại công việc của Kẻ Quỷ Quyệt bằng cách khích lệ các thành viên trong gia đình và hội thánh. Điều này sẽ góp phần giúp cho nhà của chúng ta và Phòng Nước Trời là những nơi chúng ta cảm thấy an toàn và hạnh phúc.

NHỮNG GƯƠNG MẪU VỀ SỰ KHÍCH LỆ TRONG KINH THÁNH

7, 8. (a) Những ví dụ nào trong Kinh Thánh cho thấy Đức Giê-hô-va xem sự khích lệ là điều quan trọng? (b) Các bậc cha mẹ có thể làm gì để noi gương Đức Giê-hô-va? (Xem hình nơi đầu bài).

7 Đức Giê-hô-va. Người viết Thi-thiên hát: “Đức Giê-hô-va ở gần những người có lòng đau-thương, và cứu kẻ nào có tâm-hồn thống-hối [“buồn nản”, chú thích, NW]” (Thi 34:18). Khi Giê-rê-mi sợ hãi và nản lòng, Đức Giê-hô-va đã giúp nhà tiên tri trung thành ấy tự tin hơn (Giê 1:6-10). Ngoài ra, hãy hình dung nhà tiên tri lớn tuổi Đa-ni-ên đã được khích lệ ra sao khi Đức Chúa Trời phái một thiên sứ đến để làm ông vững mạnh. Thiên sứ ấy gọi Đa-ni-ên là người “rất được yêu-quí”! (Đa 10:8, 11, 18, 19). Tương tự thế, anh chị có thể khích lệ những người công bố, tiên phong và các anh chị cao tuổi có sức khỏe kém không?

8 Đức Chúa Trời không nghĩ rằng vì ngài và Con yêu dấu đã làm việc cùng nhau trong một thời gian rất dài nên ngài không cần phải khen và khích lệ Chúa Giê-su khi Chúa Giê-su ở trên đất. Thay vì thế, trong hai dịp, Chúa Giê-su đã nghe Cha ngài nói từ trời: “Đây là Con yêu dấu của ta, người làm hài lòng ta” (Mat 3:17; 17:5). Đức Chúa Trời đã khen Chúa Giê-su và hãnh diện về Con ngài. Chắc hẳn, Chúa Giê-su thấy được khích lệ rất nhiều vào hai dịp ngài nghe những lời ấy: lúc khởi đầu thánh chức và trong năm cuối cuộc đời của ngài trên đất. Đức Giê-hô-va cũng phái một thiên sứ đến để làm Chúa Giê-su vững lòng khi ngài cảm thấy sầu não trong đêm trước khi chết (Lu 22:43). Nếu là bậc cha mẹ, chúng ta hãy noi gương Đức Giê-hô-va qua việc thường xuyên khích lệ con cái và khen khi chúng làm điều gì tốt. Chúng ta cũng nên hỗ trợ thêm cho con cái nếu chúng gặp những thử thách về lòng trung kiên tại trường học hết ngày này qua ngày khác.

9. Chúng ta có thể học được gì từ cách Chúa Giê-su đối xử với các sứ đồ?

9 Chúa Giê-su. Vào đêm thiết lập Lễ Tưởng Niệm, Chúa Giê-su nhận thấy một điểm tiêu cực nơi các sứ đồ, đó là sự kiêu ngạo. Chúa Giê-su đã khiêm nhường rửa chân cho họ nhưng họ vẫn tranh cãi về việc ai lớn nhất trong vòng họ; và Phi-e-rơ đã quá tự tin (Lu 22:24, 33, 34). Dù vậy, Chúa Giê-su khen các sứ đồ trung thành vì họ đã gắn bó với ngài khi ngài gặp thử thách. Ngài báo trước rằng họ sẽ làm những việc lớn hơn ngài, và trấn an rằng Đức Chúa Trời yêu mến họ (Lu 22:28; Giăng 14:12; 16:27). Chúng ta có thể tự hỏi: “Chẳng phải mình nên noi gương Chúa Giê-su qua việc khen con cái và người khác về những điều tốt họ làm, thay vì tập trung vào khuyết điểm của họ sao?”.

10, 11. Làm thế nào sứ đồ Phao-lô cho thấy ông nhận biết việc khích lệ người khác là điều cần thiết?

10 Sứ đồ Phao-lô. Trong những lá thư của mình, Phao-lô đã nói tích cực về anh em đồng đạo. Dù đã đi cùng một số anh em trong nhiều năm và chắc hẳn biết những nhược điểm của họ, nhưng ông nói tốt về họ. Chẳng hạn, Phao-lô miêu tả Ti-mô-thê là “con yêu dấu và trung thành của [ông] trong Chúa”, là người mà sẽ thật lòng chăm lo cho các tín đồ khác (1 Cô 4:17; Phi-líp 2:19, 20). Sứ đồ Phao-lô khen Tít với hội thánh Cô-rinh-tô rằng: “Anh ấy là bạn đồng hành của tôi và là người cộng sự vì lợi ích của anh em” (2 Cô 8:23). Ti-mô-thê và Tít hẳn được khích lệ làm sao khi biết điều Phao-lô nghĩ về họ!

11 Phao-lô và Ba-na-ba đã liều mạng quay lại những nơi mà họ từng bị tấn công dữ dội. Chẳng hạn, bất chấp sự chống đối của những kẻ cuồng tín ở Lít-trơ, họ đã trở lại đó để khuyến khích các môn đồ mới giữ vững đức tin (Công 14:19-22). Tại Ê-phê-sô, Phao-lô đã đối mặt với một đám đông giận dữ. Công vụ 20:1, 2 nói: “Khi cuộc náo loạn đã lắng xuống, Phao-lô mời các môn đồ đến, khích lệ và từ giã họ rồi lên đường đi Ma-xê-đô-ni-a. Sau khi đi qua một số nơi trong vùng đó và nói nhiều lời khích lệ anh em, Phao-lô đi đến Hy Lạp”. Chắc chắn đối với Phao-lô, việc khích lệ người khác là điều rất quan trọng.

SỰ KHÍCH LỆ VÀO THỜI NAY

12. Các buổi nhóm họp đóng vai trò nào trong việc giúp chúng ta khích lệ người khác và được khích lệ?

12 Một lý do mà Cha trên trời đã nhân từ sắp đặt cho chúng ta có các buổi nhóm họp đều đặn là để chúng ta có thể khích lệ người khác và chính mình được khích lệ. (Đọc Hê-bơ-rơ 10:24, 25). Giống như các môn đồ của Chúa Giê-su thời ban đầu, chúng ta nhóm lại với nhau để học hỏi và được khích lệ (1 Cô 14:31). Chị Cristina, người được đề cập nơi đầu bài, chia sẻ: “Điều tôi thích nhất về các buổi nhóm họp là tình yêu thương và sự khích lệ mà tôi nhận được ở đó. Thỉnh thoảng khi đến Phòng Nước Trời, tôi cảm thấy buồn nản. Nhưng các chị đã đến gần, ôm tôi và nói rằng tôi trông rất đẹp. Họ nói với tôi rằng họ yêu thương tôi và rất vui khi thấy tôi tiến bộ về thiêng liêng. Sự khích lệ của họ khiến tôi được lên tinh thần rất nhiều!”. Thật ấm lòng biết bao khi tất cả chúng ta đều góp phần vào việc “khích lệ lẫn nhau”!—Rô 1:11, 12.

13. Tại sao những tôi tớ nhiều kinh nghiệm của Đức Chúa Trời cần được khích lệ?

13 Ngay cả những tôi tớ nhiều kinh nghiệm của Đức Chúa Trời cũng cần được khích lệ. Hãy xem trường hợp của Giô-suê. Ông đã trung thành phụng sự Đức Chúa Trời trong nhiều năm. Dù vậy, Đức Giê-hô-va bảo Môi-se khích lệ Giô-suê: “Hãy truyền mạng-lịnh cho Giô-suê, làm cho người vững lòng bền chí; vì ấy là người phải đi qua trước mặt dân nầy, khiến chúng nhận lấy xứ mà ngươi sẽ thấy” (Phục 3:27, 28). Giô-suê sắp đảm nhận trách nhiệm lớn lao là dẫn dắt dân Y-sơ-ra-ên chinh phục Đất Hứa. Ông sẽ đối mặt với những trở ngại và phải chịu ít nhất một thất bại trên chiến trường (Giô-suê 7:1-9). Không ngạc nhiên gì khi Giô-suê cần được khích lệ và củng cố! Do đó, hãy khích lệ các trưởng lão, bao gồm giám thị vòng quanh, là những người làm việc khó nhọc để chăm lo cho bầy của Đức Chúa Trời. (Đọc 1 Tê-sa-lô-ni-ca 5:12, 13). Một giám thị vòng quanh chia sẻ: “Thỉnh thoảng các anh chị viết cho chúng tôi một lá thư để cảm ơn và nói rằng họ rất thích cuộc viếng thăm của chúng tôi. Chúng tôi giữ những lá thư ấy và đọc chúng khi cảm thấy nản lòng. Những lá thư ấy thật sự là một nguồn khích lệ”.

Con cái sẽ phát triển tốt khi chúng ta nồng ấm khích lệ chúng (Xem đoạn 14)

14. Điều gì cho thấy lời khen và sự khích lệ là có hiệu quả khi chúng ta đưa ra lời khuyên?

14 Trưởng lão và các bậc cha mẹ nhận thấy rằng lời khen và sự khích lệ có hiệu quả trong việc khắc ghi lời khuyên của Kinh Thánh. Khi Phao-lô khen các tín đồ ở Cô-rinh-tô vì họ áp dụng lời khuyên của ông, chắc hẳn họ đã được khích lệ để tiếp tục làm điều đúng (2 Cô 7:8-11). Một người cha có hai con là anh Andreas nói: “Sự khích lệ giúp con cái phát triển về thiêng liêng và cảm xúc. Bạn có thể thúc đẩy con làm theo lời khuyên bằng cách khích lệ con. Dù con cái biết đâu là điều đúng, việc thường xuyên khích lệ các con sẽ giúp chúng có thói quen làm điều đúng”.

LÀM THẾ NÀO ĐỂ KHÍCH LỆ MỘT CÁCH HIỆU QUẢ?

15. Chúng ta có thể làm gì để khích lệ người khác?

15 Biểu lộ lòng quý trọng đối với những nỗ lực và phẩm chất tốt của anh em đồng đạo (2 Sử 16:9; Gióp 1:8). Đức Giê-hô-va và Chúa Giê-su rất quý trọng những điều mà mỗi chúng ta làm để ủng hộ quyền lợi Nước Trời, ngay cả khi vì hoàn cảnh có giới hạn mà chúng ta không thể giúp đỡ hoặc đóng góp được nhiều như mình muốn. (Đọc Lu-ca 21:1-4; 2 Cô-rinh-tô 8:12). Chẳng hạn, một số anh chị lớn tuổi thân yêu của chúng ta rất nỗ lực để đều đặn tham dự và góp phần trong các buổi nhóm họp cũng như tham gia thánh chức. Chẳng phải chúng ta nên khen và khích lệ những anh chị ấy sao?

16. Tại sao chúng ta không nên ngần ngại khích lệ người khác?

16 Nắm lấy cơ hội để khích lệ người khác. Nếu chúng ta thấy điều gì đó đáng khen ngợi, sao lại ngần ngại đưa ra lời khen? Hãy xem điều gì đã xảy ra khi Phao-lô và Ba-na-ba đang ở An-ti-ốt, xứ Bi-si-đi. Những người cai quản nhà hội ở đó nói với họ: “Thưa các anh, nếu có lời gì để khích lệ dân chúng, xin hãy nói”. Phao-lô đã hưởng ứng bằng cách nói một bài giảng hay (Công 13:13-16, 42-44). Nếu chúng ta có thể đưa ra lời khích lệ, sao không nói ra? Rất có thể chúng ta sẽ nhận thấy khi mình có thói quen khích lệ người khác thì người khác cũng sẽ khích lệ chúng ta.—Lu 6:38.

17. Điều gì giúp cho những lời khen của chúng ta có ý nghĩa sâu sắc?

17 Hãy chân thành và cụ thể. Lời khen và khích lệ chung chung cũng hữu ích, nhưng thông điệp mà Chúa Giê-su gửi các tín đồ ở Thi-a-ti-rơ cho thấy những lời cụ thể thì tốt hơn. (Đọc Khải huyền 2:18, 19). Chẳng hạn, nếu là bậc cha mẹ, chúng ta có thể cho con cái biết rằng chúng ta quý trọng một điểm cụ thể liên quan đến sự tiến bộ về thiêng liêng của các con. Chúng ta có thể cho một người mẹ đơn thân biết mình ấn tượng điều gì về cách chị nuôi dạy con cái, dù ở trong hoàn cảnh đầy thách đố. Những lời khen và khích lệ như thế có tác động tốt biết bao!

18, 19. Qua cách nào chúng ta có thể làm vững mạnh những người cần được khích lệ?

18 Đức Giê-hô-va sẽ không trực tiếp bảo chúng ta nói lời khích lệ một người nào đó như ngài đã bảo Môi-se khích lệ và củng cố Giô-suê. Dù vậy, Đức Chúa Trời vui lòng khi chúng ta nói lời khích lệ anh em đồng đạo và những người khác (Châm 19:17; Hê 12:12). Chẳng hạn, chúng ta có thể cho một diễn giả biết rằng bài giảng của anh đã cung cấp lời khuyên mà chúng ta cần hoặc giúp chúng ta hiểu một câu Kinh Thánh nào đó. Một chị đã viết cho một diễn giả khách: “Dù chỉ nói chuyện trong vài phút, anh đã thấy tấm lòng nặng trĩu của tôi. Anh đã an ủi và giúp tôi được lên tinh thần. Tôi muốn anh biết rằng khi anh nói một cách nồng ấm như thế, cả trên bục lẫn lúc gặp riêng, tôi cảm thấy đó là một món quà đến từ Đức Giê-hô-va”.

19 Rất có thể chúng ta sẽ tìm được nhiều cách để giúp người khác vững mạnh về thiêng liêng nếu quyết tâm áp dụng lời khuyên của Phao-lô: “Hãy tiếp tục khích lệ và giúp nhau vững mạnh, như anh em hiện đang làm” (1 Tê 5:11). Chắc chắn, tất cả chúng ta sẽ làm vui lòng Đức Giê-hô-va khi “tiếp tục khích lệ nhau mỗi ngày”.

^ [1] (đoạn 1) Một số tên đã được thay đổi.