Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

Anh chị có hết lòng quý trọng Cuốn sách của Đức Giê-hô-va không?

Anh chị có hết lòng quý trọng Cuốn sách của Đức Giê-hô-va không?

“Khi tiếp nhận lời Đức Chúa Trời,... anh em đã không xem đó là lời của con người mà là lời của Đức Chúa Trời, vì đó thật là lời ngài”.—1 TÊ 2:13.

BÀI HÁT: 114, 113

1-3. Sự bất hòa giữa Ê-vô-đi và Sin-ty-cơ có thể đã nảy sinh như thế nào, và làm thế nào chúng ta có thể tránh khỏi những vấn đề tương tự? (Xem hình nơi đầu bài).

Các tôi tớ của Đức Giê-hô-va hết lòng quý trọng Cuốn sách của ngài là Kinh Thánh. Vì bất toàn, tất cả chúng ta đều có lúc cần nhận lời khuyên dựa trên Kinh Thánh. Chúng ta sẽ phản ứng thế nào? Hãy xem xét trường hợp của hai tín đồ vào thế kỷ thứ nhất là Ê-vô-đi và Sin-ty-cơ. Những vấn đề nghiêm trọng đã nảy sinh giữa hai chị được xức dầu này. Đó là gì? Kinh Thánh không cho biết. Nhưng với mục đích minh họa, hãy xem xét khả năng sau.

2 Giả sử Ê-vô-đi đã mời một số anh chị đến nhà chơi và dùng bữa. Sin-ty-cơ không được mời, nhưng chị nghe rằng mọi người đã rất vui vào dịp đó. Có lẽ Sin-ty-cơ nghĩ: “Không thể tin được là Ê-vô-đi lại không mời mình! Mình cứ tưởng chị ấy với mình là bạn thân của nhau chứ”. Cảm thấy như bị phản bội, Sin-ty-cơ bắt đầu nhìn Ê-vô-đi với sự ngờ vực. Thế nên, Sin-ty-cơ đã sắp xếp một cuộc vui chơi riêng và mời chính những anh chị lúc trước đã đến nhà Ê-vô-đi, nhưng không mời Ê-vô-đi! Vấn đề giữa Ê-vô-đi và Sin-ty-cơ có thể đã làm xáo trộn sự bình an của cả hội thánh. Kinh Thánh không cho chúng ta biết kết cuộc là gì, nhưng có lẽ hai chị đã hưởng ứng lời khuyên đầy yêu thương của sứ đồ Phao-lô.—Phi-líp 4:2, 3.

3 Đôi lúc những tình huống tương tự gây ra vấn đề trong các hội thánh của dân Đức Giê-hô-va thời nay. Tuy nhiên, những vấn đề như thế có thể được giải quyết hoặc thậm chí tránh khỏi nếu chúng ta áp dụng lời khuyên trong Kinh Thánh, là Lời Đức Chúa Trời. Nếu hết lòng quý trọng Cuốn sách của Đức Giê-hô-va, chúng ta sẽ sống theo sự chỉ dẫn của sách ấy.—Thi 27:11.

CUỐN SÁCH CỦA ĐỨC CHÚA TRỜI VÀ CẢM XÚC CỦA CON NGƯỜI

4, 5. Kinh Thánh cho chúng ta lời khuyên nào về việc kiểm soát cảm xúc?

4 Không dễ để kiểm soát cảm xúc khi chúng ta cảm thấy mình bị xem thường hoặc bị đối xử bất công. Chúng ta có thể cảm thấy đau lòng nếu bị đối xử tệ vì sắc tộc, màu da hoặc sự khác biệt nào đó về thể chất. Nỗi đau ấy còn lớn hơn biết bao nếu người khiến chúng ta tổn thương là một anh em đồng đạo! Kinh Thánh có thể giúp chúng ta đương đầu với mặt tiêu cực này trong cách cư xử của con người bất toàn không?

5 Đức Giê-hô-va đã quan sát các mối quan hệ của con người kể từ sự khởi đầu của nhân loại. Ngài để ý đến cảm xúc và hành động của chúng ta. Cảm xúc mạnh mẽ có thể dẫn đến những lời nói hoặc hành động khiến chúng ta sau này phải hối tiếc. Thật khôn ngoan khi áp dụng lời khuyên của Kinh Thánh là kiểm soát cảm xúc và tránh vội giận! (Đọc Châm-ngôn 16:32; Truyền-đạo 7:9). Tất cả chúng ta cần nỗ lực để bớt nhạy cảm và rộng lòng tha thứ hơn. Đức Giê-hô-va và Chúa Giê-su xem việc tha thứ là điều rất quan trọng (Mat 6:14, 15). Anh chị có cần rộng lòng tha thứ hơn hoặc để ý đến việc kiểm soát cảm xúc không?

6. Tại sao chúng ta nên tránh có cảm xúc cay đắng?

6 Những người không kiểm soát được cảm xúc thường trở nên cay đắng. Hậu quả là người khác có lẽ không muốn ở gần họ. Một người cay đắng có thể gây ảnh hưởng xấu trong hội thánh. Người ấy có thể cố che giấu sự cay đắng hoặc ngay cả sự căm ghét, nhưng những suy nghĩ tiêu cực ẩn chứa trong lòng người ấy “sẽ bị lộ ra nơi hội-chúng” (Châm 26:24-26). Các trưởng lão có thể giúp những người như thế nhận biết rằng sự cay đắng, căm ghét và việc nuôi lòng oán giận không có chỗ trong tổ chức của Đức Chúa Trời. Cuốn sách vô giá của Đức Giê-hô-va nói rất rõ về điều này (Lê 19:17, 18; Rô 3:11-18). Anh chị có đồng ý với những gì sách ấy nói không?

HÃY NHỚ CÁCH CHÚNG TA ĐANG ĐƯỢC DẪN DẮT

7, 8. (a) Đức Giê-hô-va dẫn dắt phần trên đất của tổ chức ngài như thế nào? (b) Lời Đức Chúa Trời có một số chỉ dẫn nào, và tại sao chúng ta nên vâng theo những chỉ dẫn ấy?

7 Đức Giê-hô-va dẫn dắt và cung cấp thức ăn thiêng liêng cho những người thuộc phần trên đất của tổ chức ngài qua “đầy tớ trung tín và khôn ngoan” dưới sự chỉ dẫn của Đấng Ki-tô, là “đầu hội thánh” (Mat 24:45-47; Ê-phê 5:23). Giống như hội đồng lãnh đạo vào thế kỷ thứ nhất, đầy tớ ấy chấp nhận lời, hay thông điệp, được Đức Chúa Trời soi dẫn và hết lòng quý trọng lời ấy. (Đọc 1 Tê-sa-lô-ni-ca 2:13). Kinh Thánh có một số chỉ dẫn nào vì lợi ích của chúng ta?

8 Kinh Thánh chỉ dẫn rằng chúng ta cần đều đặn tham dự các buổi nhóm họp (Hê 10:24, 25). Lời Đức Chúa Trời khuyến giục chúng ta phát huy sự hợp nhất về giáo lý (1 Cô 1:10). Kinh Thánh khuyên chúng ta đặt Nước Trời lên hàng đầu trong đời sống (Mat 6:33). Kinh Thánh cũng nhấn mạnh rằng chúng ta có đặc ân và trách nhiệm rao giảng từng nhà, rao giảng tại nơi công cộng và làm chứng bán chính thức (Mat 28:19, 20; Công 5:42; 17:17; 20:20). Cuốn sách của Đức Chúa Trời chỉ dẫn rằng các trưởng lão cần giữ cho tổ chức của ngài được trong sạch (1 Cô 5:1-5, 13; 1 Ti 5:19-21). Đức Giê-hô-va ra lệnh cho mọi người trong tổ chức của ngài phải trong sạch cả về thể chất lẫn thiêng liêng.—2 Cô 7:1.

9. Phương tiện duy nhất đang được dùng để giúp chúng ta hiểu Lời Đức Chúa Trời là gì?

9 Một số người nghĩ rằng họ có thể tự giải nghĩa Kinh Thánh. Tuy nhiên, Chúa Giê-su đã bổ nhiệm “đầy tớ trung tín” làm phương tiện duy nhất để cấp phát thức ăn thiêng liêng. Kể từ năm 1919, Chúa Giê-su Ki-tô được vinh hiển đã dùng đầy tớ ấy để giúp các môn đồ hiểu Cuốn sách của Đức Chúa Trời và vâng theo những chỉ dẫn trong đó. Nhờ làm thế, chúng ta đẩy mạnh sự trong sạch, bình an và hợp nhất của hội thánh. Mỗi chúng ta nên tự hỏi: “Mình có trung thành với phương tiện mà Chúa Giê-su đang dùng ngày nay không?”.

CỖ XE CỦA ĐỨC GIÊ-HÔ-VA ĐANG CHUYỂN ĐỘNG!

10. Phần trên trời của tổ chức Đức Giê-hô-va được miêu tả như thế nào trong sách Ê-xê-chi-ên?

10 Lời của Đức Giê-hô-va giúp chúng ta quen thuộc với phần trên trời của tổ chức ngài. Chẳng hạn, nhà tiên tri Ê-xê-chi-ên đã nhận được một khải tượng mà trong đó, phần trên trời của tổ chức Đức Giê-hô-va được tượng trưng bởi một cỗ xe trên trời (Ê-xê 1:4-28). Đức Giê-hô-va là đấng điều khiển, và cỗ xe đi bất cứ nơi nào thần khí của ngài thúc đẩy cỗ xe ấy đi. Rồi phần trên trời của tổ chức ngài tác động đến phần trên đất. Chắc chắn cỗ xe ấy đang chuyển động! Hãy nghĩ đến nhiều sự thay đổi về mặt tổ chức đã được thực hiện trong thập kỷ qua, và nhớ rằng Đức Giê-hô-va đứng sau những sự thay đổi đó. Đấng Ki-tô và các thiên sứ thánh sắp hủy diệt thế gian gian ác này, nên cỗ xe của Đức Giê-hô-va đang nhanh chóng tiến về mục tiêu biện minh cho quyền tối thượng của ngài và làm thánh danh ngài!

Chúng ta thật biết ơn vì có nhiều tình nguyện viên xây cất đang làm việc siêng năng trong các dự án! (Xem đoạn 11)

11, 12. Tổ chức của Đức Giê-hô-va đang thực hiện một số điều nào?

11 Hãy nghĩ về những điều mà phần trên đất của tổ chức Đức Chúa Trời đang thực hiện trong những ngày sau cùng này. Công việc xây cất. Hàng trăm anh chị đã rất bận rộn trong việc xây trụ sở mới của Nhân Chứng Giê-hô-va ở Warwick, New York, Hoa Kỳ. Dưới sự chỉ dẫn của Ban Thiết kế/Xây dựng Toàn cầu, hàng ngàn tình nguyện viên trên khắp thế giới đang nỗ lực xây các Phòng Nước Trời mới và mở rộng các cơ sở chi nhánh. Chúng ta thật biết ơn vì có nhiều tình nguyện viên sẵn lòng làm việc siêng năng trong những dự án như thế! Hãy nhớ rằng Đức Giê-hô-va đang ban phước cho những người công bố Nước Trời khắp nơi trên thế giới vì họ khiêm nhường và trung thành đóng góp trong khả năng của mình để ủng hộ về tài chính cho những dự án này.—Lu 21:1-4.

12 Sự giáo dục. Hãy nghĩ về những trường đẩy mạnh sự giáo dục của Đức Chúa Trời (Ê-sai 2:2, 3). Chúng ta có Trường dành cho tiên phong, Trường dành cho người rao truyền Nước Trời, Trường Ga-la-át, Trường dành cho thành viên mới của Bê-tên, Trường dành cho giám thị vòng quanh và vợ họ, Trường dành cho trưởng lão, Trường thánh chức Nước Trời và Trường dành cho thành viên Ủy ban chi nhánh và vợ họ. Đức Giê-hô-va yêu thích việc giáo dục dân ngài biết bao! Sự giáo dục dựa trên Kinh Thánh cũng được quảng bá trên trang web của chúng ta là jw.org, nơi có các ấn phẩm trong hàng trăm ngôn ngữ. Trang web này có những mục đặc biệt dành cho trẻ emgia đình, cũng như có một mục về tin tức. Anh chị có đang sử dụng jw.org trong thánh chức và trong buổi thờ phượng của gia đình không?

HÃY TRUNG THÀNH VỚI ĐỨC GIÊ-HÔ-VA VÀ ỦNG HỘ TỔ CHỨC CỦA NGÀI

13. Là những tôi tớ trung thành của Đức Giê-hô-va, chúng ta có trách nhiệm nào?

13 Quả là một đặc ân khi được thuộc về tổ chức của Đức Giê-hô-va! Vì hiểu biết về những đòi hỏi và tiêu chuẩn của Đức Chúa Trời, nên chúng ta có trách nhiệm làm điều đúng và ủng hộ quyền tối thượng của ngài. Khi thế gian này đang ngày càng chìm sâu vào sự bại hoại, chúng ta phải “ghét sự ác”, giống như Đức Giê-hô-va (Thi 97:10). Chúng ta cương quyết không “gọi dữ là lành, gọi lành là dữ” như những kẻ không tin kính (Ê-sai 5:20). Vì muốn làm vui lòng Đức Chúa Trời, chúng ta nỗ lực giữ trong sạch về thể chất, đạo đức và thiêng liêng (1 Cô 6:9-11). Chúng ta yêu thương Đức Giê-hô-va và đặt lòng tin cậy nơi ngài. Chúng ta chọn thể hiện lòng trung thành với ngài qua việc sống theo các tiêu chuẩn được nêu rõ trong Cuốn sách quý giá của ngài. Chúng ta nỗ lực hết sức để vâng theo các tiêu chuẩn ấy tại bất cứ nơi đâu: tại nhà, tại hội thánh, tại sở làm hay tại trường học (Châm 15:3). Hãy xem xét thêm những cách chúng ta có thể chứng tỏ lòng trung thành với Đức Chúa Trời.

14. Các bậc cha mẹ tin kính thể hiện lòng trung thành với Đức Chúa Trời qua cách nào?

14 Nuôi dạy con cái. Các bậc cha mẹ theo đạo Đấng Ki-tô thể hiện lòng trung thành với Đức Giê-hô-va qua việc huấn luyện con cái theo sự hướng dẫn của Lời ngài. Những bậc cha mẹ tin kính không để quan điểm và văn hóa địa phương ảnh hưởng quá nhiều đến việc nuôi dạy con cái. Tinh thần thế gian không có chỗ trong một gia đình theo đạo Đấng Ki-tô (Ê-phê 2:2). Một người cha đã báp-têm sẽ không nghĩ: “Tại nước chúng tôi, phụ nữ là người dạy dỗ con cái”. Kinh Thánh nói rõ về vấn đề này: “Còn những người cha,... hãy luôn dùng sự sửa dạy và răn bảo của Đức Giê-hô-va mà nuôi dạy chúng” (Ê-phê 6:4). Các bậc cha mẹ kính sợ Đức Chúa Trời muốn con cái của mình giống như Sa-mu-ên, vì Đức Giê-hô-va ở cùng cậu khi cậu lớn lên.—1 Sa 3:19.

15. Làm thế nào chúng ta thể hiện lòng trung thành với Đức Giê-hô-va khi đưa ra những quyết định quan trọng?

15 Đưa ra quyết định. Khi phải đưa ra những quyết định quan trọng trong đời sống, một cách mà chúng ta thể hiện lòng trung thành với Đức Chúa Trời là tìm kiếm sự trợ giúp từ Lời ngài và tổ chức của ngài. Để minh họa về tầm quan trọng của việc làm thế, hãy xem xét một đề tài tế nhị có ảnh hưởng đến nhiều bậc cha mẹ. Một số người nhập cư gửi con sơ sinh của mình cho bà con chăm sóc để họ có thể tiếp tục làm việc và kiếm tiền tại đất nước mới. Dù đây là quyết định cá nhân nhưng hãy nhớ rằng chúng ta phải chịu trách nhiệm trước mắt Đức Chúa Trời về những quyết định của mình. (Đọc Rô-ma 14:12). Có khôn ngoan không nếu đưa ra những quyết định quan trọng về gia đình và việc làm mà trước hết không xem xét lời khuyên của Kinh Thánh? Dĩ nhiên là không! Chúng ta cần sự giúp đỡ của Cha trên trời vì không thể tự dẫn đưa bước của mình.—Giê 10:23.

16. Một người mẹ đã phải đưa ra lựa chọn nào khi con của chị chào đời, và điều gì giúp chị quyết định đúng?

16 Một phụ nữ đã sinh con trai trong khi đang sống ở nước ngoài. Chị định gửi con về quê cho ông bà nội chăm sóc. Vào thời điểm đó, một Nhân Chứng Giê-hô-va bắt đầu học Kinh Thánh với chị. Chị tiến bộ tốt và hiểu được rằng Đức Giê-hô-va giao cho chị trách nhiệm dạy con cái thờ phượng ngài (Thi 127:3; Châm 22:6). Người phụ nữ trẻ ấy đã dốc đổ lòng mình cho Đức Giê-hô-va, như điều Kinh Thánh bảo chúng ta làm (Thi 62:7, 8). Chị cũng tâm sự với người dạy Kinh Thánh và nói chuyện với những người khác trong hội thánh. Dù bà con và bạn bè gây áp lực để chị gửi con cho ông bà, nhưng chị kết luận rằng việc đó là không đúng. Chồng chị rất ấn tượng trước cách hội thánh chứng tỏ là nơi nương náu cho chị và con. Thế nên, anh đã chấp nhận học hỏi Kinh Thánh và bắt đầu tham dự các buổi nhóm họp cùng với vợ con. Theo anh chị, người mẹ ấy có cảm nghiệm Đức Giê-hô-va đáp lời cầu nguyện chân thành của mình không? Chắc chắn là vậy.

17. Chúng ta đã nhận được chỉ dẫn nào liên quan đến các học viên Kinh Thánh?

17 Vâng theo chỉ dẫn. Một cách quan trọng mà chúng ta thể hiện lòng trung thành với Đức Chúa Trời là vâng theo chỉ dẫn đến từ tổ chức của ngài. Chẳng hạn, hãy xem xét những đề nghị chúng ta đã nhận được liên quan đến các học viên Kinh Thánh. Không lâu sau khi bắt đầu học hỏi với một người bằng sách Kinh Thánh thật sự dạy gì?, chúng ta được đề nghị dành ít phút sau mỗi buổi học để hướng sự chú ý của học viên vào tổ chức. Chúng ta có thể làm thế bằng cách dùng video Điều gì diễn ra tại Phòng Nước Trời? và sách mỏng Ngày nay ai đang làm theo ý muốn Đức Giê-hô-va?. Khi học xong sách Kinh Thánh dạy với một học viên tiến bộ, chúng ta được đề nghị học tiếp với người ấy sách Hãy giữ mình trong tình yêu thương của Đức Chúa Trời, ngay cả khi người ấy đã làm báp-têm. Tổ chức đã đưa ra chỉ dẫn này để giúp các môn đồ mới “vững vàng trong niềm tin” (Cô 2:7). Anh chị có đang vâng theo những đề nghị đến từ tổ chức của Đức Giê-hô-va không?

18, 19. Chúng ta nên cảm tạ Đức Giê-hô-va vì một số lý do nào?

18 Chúng ta có vô số lý do để cảm tạ Đức Giê-hô-va! Nhờ ngài mà chúng ta có sự sống. Nếu không có ngài, chúng ta thậm chí sẽ không hoạt động hoặc tồn tại (Công 17:27, 28). Ngài đã ban cho chúng ta một món quà vô cùng quý giá là Kinh Thánh, cuốn sách của ngài. Với lòng biết ơn, chúng ta xem sách ấy là thông điệp của Đức Chúa Trời, giống như các tín đồ ở Tê-sa-lô-ni-ca đã chấp nhận lời ngài.—1 Tê 2:13.

19 Nhờ có Lời của Đức Giê-hô-va, chúng ta đến gần với ngài và ngài đến gần chúng ta (Gia 4:8). Cha trên trời đã ban cho chúng ta đặc ân tuyệt vời là được thuộc về tổ chức của ngài. Chúng ta thật biết ơn về những ân phước ấy! Người viết Thi-thiên đã miêu tả rất hay về điều này khi ông hát: “Hãy cảm-tạ Đức Giê-hô-va, vì Ngài là thiện; sự nhân-từ Ngài còn đến đời đời” (Thi 136:1). Điệp khúc “sự nhân-từ Ngài còn đến đời đời” xuất hiện 26 lần trong bài Thi-thiên 136. Qua việc chứng tỏ lòng trung thành với Đức Giê-hô-va và tổ chức của ngài, chúng ta sẽ cảm nghiệm rằng những lời ấm lòng ấy là chân thật vì chúng ta sẽ sống đời đời!