Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

Được tổ chức phù hợp với Cuốn sách của Đức Chúa Trời

Được tổ chức phù hợp với Cuốn sách của Đức Chúa Trời

“Đức Giê-hô-va dùng sự khôn-ngoan lập nên trái đất; nhờ sự thông-sáng mà sắp-đặt các từng trời”.—CHÂM 3:19.

BÀI HÁT: 105, 107

1, 2. (a) Một số người phản ứng thế nào trước ý tưởng là Đức Chúa Trời có một tổ chức? (b) Chúng ta sẽ thảo luận điều gì trong bài này?

Đức Chúa Trời có một tổ chức không? Một số người có thể nói: “Bạn không cần một tổ chức để hướng dẫn bạn, chỉ cần có mối quan hệ với Đức Chúa Trời là đủ”. Quan điểm đó có đúng không? Các bằng chứng cho thấy điều gì?

2 Trong bài này, chúng ta sẽ thảo luận các bằng chứng cho thấy Đức Giê-hô-va, Đức Chúa Trời của sự trật tự, là Đấng Tổ Chức vô song. Chúng ta cũng sẽ xem xét mình nên phản ứng thế nào trước chỉ dẫn đến từ tổ chức của Đức Giê-hô-va (1 Cô 14:33, 40). Vào thế kỷ thứ nhất CN cũng như trong thời chúng ta, Kinh Thánh đã giúp phần trên đất của tổ chức Đức Giê-hô-va thực hiện công việc rao giảng tin mừng trên phạm vi rộng lớn. Nhờ theo sát Kinh Thánh và các chỉ dẫn của tổ chức, chúng ta đẩy mạnh sự trong sạch, bình an và hợp nhất của toàn thể hội thánh.

ĐỨC GIÊ-HÔ-VA, ĐẤNG TỔ CHỨC VÔ SONG

3. Điều gì khiến anh chị tin chắc Đức Giê-hô-va là Đấng Tổ Chức vô song?

3 Các công trình sáng tạo chứng tỏ Đức Chúa Trời là Đấng Tổ Chức vô song. Kinh Thánh nói: “Đức Giê-hô-va dùng sự khôn-ngoan lập nên trái đất; nhờ sự thông-sáng mà sắp-đặt các từng trời” (Châm 3:19). Chúng ta chỉ biết được “biên-giới của các đường-lối [Đức Chúa Trời]” và chỉ “được nghe tiếng nói về Chúa xầm-xì nhỏ thay” (Gióp 26:14). Dù vậy, sự hiểu biết khiêm tốn về các hành tinh, ngôi sao và thiên hà cũng đủ để thôi thúc chúng ta công nhận rằng những vật thể trên trời được tổ chức một cách siêu việt (Thi 8:3, 4). Các thiên hà có hàng triệu ngôi sao và tất cả đều di chuyển trật tự trong vũ trụ. Các hành tinh trong hệ mặt trời của chúng ta chuyển động theo quỹ đạo vòng quanh mặt trời như thể chúng vâng theo luật giao thông! Chắc hẳn, bằng chứng về sự trật tự đáng kinh ngạc trong vũ trụ giúp chúng ta thấy rằng Đức Giê-hô-va, đấng “đã nhờ sự khôn-sáng mà dựng nên các từng trời” và trái đất, xứng đáng được chúng ta ngợi khen, thờ phượng và trung thành.—Thi 136:1, 5-9.

4. Tại sao khoa học không thể giải đáp được nhiều câu hỏi quan trọng?

4 Khoa học đã tiết lộ nhiều điều về vũ trụ và ngôi nhà trái đất, cũng như giúp đời sống của chúng ta thuận lợi hơn trong một số lĩnh vực. Nhưng có nhiều câu hỏi mà khoa học không thể giải đáp. Chẳng hạn, các nhà thiên văn học không thể cho chúng ta biết chính xác vũ trụ đã xuất hiện như thế nào, hoặc tại sao chúng ta có mặt trên Trái Đất, một hành tinh có sự sống đa dạng. Ngoài ra, người ta nói chung không thể giải thích được tại sao nhân loại có ước muốn mãnh liệt là sống đời đời (Truyền 3:11). Tại sao có quá nhiều câu hỏi quan trọng mà không được giải đáp? Một phần là vì nhiều nhà khoa học cũng như những người khác cổ vũ tư tưởng không có Đức Chúa Trời và ủng hộ thuyết tiến hóa. Nhưng trong Cuốn sách của ngài, Đức Giê-hô-va giải đáp những câu hỏi mà người ta ở khắp nơi băn khoăn.

5. Chúng ta phụ thuộc vào các quy luật tự nhiên như thế nào?

5 Chúng ta phụ thuộc vào các quy luật tự nhiên không thay đổi và đáng tin cậy do Đức Giê-hô-va thiết lập. Những người như thợ điện, thợ sửa ống nước, kỹ sư, phi công và bác sĩ phẫu thuật đều phụ thuộc vào những quy luật ấy để thực hiện công việc của mình. Chẳng hạn, các bác sĩ phẫu thuật phải dựa vào sự thật là về cơ bản, cấu trúc cơ thể của mọi người đều giống nhau. Thế nên, một bác sĩ phẫu thuật không cần phải tìm xem trái tim của bệnh nhân nằm ở đâu. Tất cả chúng ta đều phải tôn trọng các quy luật tự nhiên. Nếu cố chống lại quy luật về trọng lực, chúng ta có thể phải trả giá bằng mạng sống!

ĐƯỢC TỔ CHỨC BỞI ĐỨC CHÚA TRỜI

6. Tại sao hợp lý để tin rằng Đức Giê-hô-va muốn những người thờ phượng ngài được tổ chức?

6 Quả thật, vũ trụ có sự tổ chức tuyệt vời. Thế nên, hợp lý để tin rằng Đức Giê-hô-va muốn những người thờ phượng ngài được tổ chức tốt. Vì vậy, Đức Chúa Trời đã cung cấp Kinh Thánh để hướng dẫn chúng ta. Việc sống độc lập khỏi sự trợ giúp của tổ chức Đức Chúa Trời cũng như các tiêu chuẩn của ngài sẽ dẫn đến đau khổ và bất hạnh.

7. Điều gì cho thấy Kinh Thánh là một cuốn sách có sự hòa hợp?

7 Kinh Thánh không phải là một tuyển tập các tác phẩm rời rạc của Do Thái giáo và đạo Đấng Ki-tô. Thay vì thế, đó là cuốn sách có sự hòa hợp và là một kiệt tác được Đức Chúa Trời soi dẫn. Các sách trong Kinh Thánh liên kết với nhau. Kinh Thánh có một chủ đề xuyên suốt từ Sáng-thế Ký đến Khải huyền: Đó là việc biện minh cho quyền tối thượng của Đức Giê-hô-va và hoàn thành ý định của ngài đối với trái đất, qua Nước Trời do “dòng-dõi” đã hứa là Đấng Ki-tô cai trị.—Đọc Sáng-thế Ký 3:15; Ma-thi-ơ 6:10; Khải huyền 11:15.

8. Tại sao chúng ta có thể nói rằng dân Y-sơ-ra-ên đã được tổ chức tốt?

8 Dân Y-sơ-ra-ên xưa là một kiểu mẫu về sự tổ chức. Chẳng hạn, dưới Luật pháp Môi-se, có một số “người đàn-bà hầu việc [“được sắp xếp hầu việc”, NW] nơi cửa hội-mạc” (Xuất 38:8). Việc di chuyển đền tạm và trại quân của dân Y-sơ-ra-ên diễn ra một cách trật tự. Sau này, vua Đa-vít đã sắp xếp người Lê-vi và các thầy tế lễ vào những ban thứ phù hợp (1 Sử 23:1-6; 24:1-3). Khi dân Y-sơ-ra-ên vâng lời Đức Giê-hô-va, họ được ban cho sự trật tự, bình an và hợp nhất.—Phục 11:26, 27; 28:1-14.

9. Điều gì cho thấy hội thánh đạo Đấng Ki-tô vào thế kỷ thứ nhất đã được tổ chức?

9 Hội thánh đạo Đấng Ki-tô vào thế kỷ thứ nhất đã được tổ chức và nhận lợi ích từ sự chỉ dẫn của hội đồng lãnh đạo, lúc đầu gồm các sứ đồ (Công 6:1-6). Sau này, một số anh khác đã được bổ sung vào hội đồng lãnh đạo (Công 15:6). Lời khuyên và sự chỉ dẫn cũng được cung cấp qua những lá thư được soi dẫn của các anh thuộc hội đồng lãnh đạo vào thế kỷ thứ nhất, hoặc của những anh kết hợp chặt chẽ với hội đồng lãnh đạo (1 Ti 3:1-13; Tít 1:5-9). Các hội thánh đã nhận được lợi ích nào khi vâng theo chỉ dẫn của hội đồng lãnh đạo?

10. Kết quả là gì khi các hội thánh thời ban đầu vâng theo những chỉ thị của hội đồng lãnh đạo? (Xem hình nơi đầu bài).

10 Đọc Công vụ 16:4, 5. Những anh làm công tác lưu động đại diện cho hội đồng lãnh đạo đã chia sẻ “những chỉ thị của các sứ đồ và trưởng lão tại Giê-ru-sa-lem”. Khi các hội thánh vâng theo những chỉ thị đó, họ “tiếp tục vững mạnh về đức tin và số người tin đạo ngày càng gia tăng”. Lời tường thuật này chứa đựng một bài học mà chúng ta nên khôn ngoan áp dụng trong tổ chức của Đức Chúa Trời ngày nay.

ANH CHỊ CÓ VÂNG THEO CHỈ DẪN KHÔNG?

11. Những anh được bổ nhiệm nên phản ứng thế nào trước chỉ dẫn mà họ nhận được từ tổ chức của Đức Chúa Trời?

11 Thành viên của Ủy ban Chi nhánh, Ủy ban Quốc gia, giám thị vòng quanh và trưởng lão nên làm gì khi nhận được sự chỉ dẫn từ tổ chức của Đức Chúa Trời ngày nay? Cuốn sách của Đức Giê-hô-va chỉ dẫn rằng tất cả chúng ta cần vâng lời và phục tùng (Phục 30:16; Hê 13:7, 17). Tinh thần chỉ trích và chống đối không có chỗ trong tổ chức của Đức Chúa Trời, vì một tinh thần như thế có thể phá vỡ tình yêu thương, sự bình an và hợp nhất trong các hội thánh. Dĩ nhiên, không tín đồ trung thành nào muốn có thái độ bất kính và bất trung giống như Đi-ô-trép. (Đọc 3 Giăng 9, 10). Chúng ta có thể tự hỏi: “Mình có góp phần củng cố tình trạng thiêng liêng của người khác không? Mình có mau chóng chấp nhận và ủng hộ chỉ dẫn của các anh dẫn đầu không?”.

12. Đã có sự điều chỉnh nào về cách bổ nhiệm trưởng lão và phụ tá hội thánh?

12 Hãy xem xét một quyết định gần đây của Hội đồng Lãnh đạo. Bài “Độc giả thắc mắc” trong Tháp Canh ngày 15-11-2014 cho biết sự điều chỉnh về cách bổ nhiệm trưởng lão và phụ tá hội thánh. Bài lưu ý rằng hội đồng lãnh đạo vào thế kỷ thứ nhất đã giao quyền bổ nhiệm cho các giám thị lưu động. Phù hợp với khuôn mẫu đó, kể từ ngày 1-9-2014, các giám thị vòng quanh bắt đầu bổ nhiệm trưởng lão và phụ tá hội thánh. Giám thị vòng quanh cố gắng tìm hiểu về các anh được đề cử và tham gia thánh chức với họ, nếu có thể được. Anh cũng quan sát gia đình của anh được đề cử (1 Ti 3:4, 5). Hội đồng trưởng lão và giám thị vòng quanh cẩn thận xem xét những điều kiện dựa trên Kinh Thánh dành cho phụ tá và trưởng lão.—1 Ti 3:1-10, 12, 13; 1 Phi 5:1-3.

13. Bằng cách nào chúng ta cho thấy mình ủng hộ chỉ dẫn đến từ các trưởng lão?

13 Chúng ta cần vâng theo chỉ dẫn dựa trên Kinh Thánh mà mình nhận được từ các trưởng lão. Những người chăn bầy trung thành trong tổ chức của Đức Chúa Trời được hướng dẫn bởi những chỉ dẫn đúng đắn từ Cuốn sách của ngài (1 Ti 6:3). Hãy nhớ lại lời khuyên của Phao-lô liên quan đến những người vô kỷ luật trong hội thánh. Một số người “không làm việc gì cả mà còn xen vào những chuyện chẳng liên quan đến mình”. Dường như họ đã được các trưởng lão khuyên bảo nhưng vẫn tiếp tục xem thường lời khuyên ấy. Hội thánh phải xử lý những cá nhân đó như thế nào? Phao-lô chỉ dẫn: “Hãy lưu ý [“ghi dấu”, chú thích] và đừng kết hợp với người như thế nữa”. Tuy nhiên, ông cũng khuyên họ không đối xử với người ấy như kẻ thù (2 Tê 3:11-15). Ngày nay, các trưởng lão có thể nói bài giảng cảnh cáo về một người cứ tiếp tục có hành vi gây tiếng xấu cho hội thánh, chẳng hạn như hẹn hò với người không tin đạo (1 Cô 7:39). Anh chị phản ứng thế nào khi các trưởng lão nói một bài giảng như thế? Nếu biết về tình huống được miêu tả trong bài giảng, anh chị sẽ cẩn thận tránh kết thân với một người như thế không? Lòng quan tâm đầy yêu thương và lập trường vững chắc của anh chị có thể thôi thúc người ấy từ bỏ đường lối vô kỷ luật. [1]

GÌN GIỮ SỰ TRONG SẠCH, BÌNH AN VÀ HỢP NHẤT

14. Làm thế nào chúng ta có thể góp phần gìn giữ sự trong sạch của hội thánh?

14 Chúng ta có thể góp phần vào sự trong sạch về thiêng liêng của hội thánh qua việc vâng theo chỉ dẫn trong Lời Đức Chúa Trời. Hãy xem xét một tình huống ở Cô-rinh-tô thời xưa. Phao-lô đã siêng năng rao giảng trong thành phố ấy, và ông yêu thương những “người thánh” tại đó (1 Cô 1:1, 2). Nhưng chắc hẳn ông đã rất đau lòng khi phải đề cập đến vấn đề về sự vô luân mà hội thánh đang dung túng! Phao-lô chỉ dẫn rằng các trưởng lão cần nộp người phạm tội vô luân cho Sa-tan, nói theo cách khác là khai trừ người ấy. Để gìn giữ sự trong sạch của hội thánh, các trưởng lão cần phải loại bỏ “men” (1 Cô 5:1, 5, 7, 12). Khi ủng hộ quyết định của các trưởng lão trong việc khai trừ một người phạm tội mà không ăn năn, chúng ta góp phần gìn giữ sự trong sạch của hội thánh, đồng thời có thể thôi thúc người phạm tội ăn năn và tìm kiếm sự tha thứ của Đức Giê-hô-va.

15. Chúng ta có thể gìn giữ sự bình an trong hội thánh qua cách nào?

15 Một vấn đề khác ở Cô-rinh-tô cần được giải quyết. Một số anh em đã đưa nhau ra tòa. Phao-lô hỏi họ một câu hỏi nghiêm túc: “Sao không thà chịu bất công?” (1 Cô 6:1-8). Những tình huống tương tự cũng phát sinh vào thời nay. Đôi lúc, sự bình an trong vòng anh em đồng đạo bị phá vỡ vì một dự án kinh doanh thất bại, dẫn đến việc mất tiền và có lẽ còn dẫn đến những cáo buộc về tội lừa đảo. Một số người đã đưa anh em đồng đạo của mình ra tòa. Nhưng Cuốn sách của Đức Chúa Trời giúp chúng ta thấy việc chịu mất mát còn tốt hơn việc làm ô danh Đức Chúa Trời hoặc phá vỡ sự bình an của hội thánh. [2] Để giải quyết những vấn đề và tranh chấp nghiêm trọng, dĩ nhiên chúng ta nên áp dụng lời khuyên của Chúa Giê-su. (Đọc Ma-thi-ơ 5:23, 24; 18:15-17). Khi làm thế, chúng ta đẩy mạnh sự hợp nhất trong đoàn thể những người thờ phượng Đức Giê-hô-va.

16. Điều gì cho thấy dân của Đức Chúa Trời cần có sự hợp nhất?

16 Cuốn sách của Đức Giê-hô-va cho thấy dân ngài cần có sự hợp nhất. Người viết Thi-thiên hát: “Kìa, anh em ăn-ở hòa-thuận nhau thật tốt-đẹp thay!” (Thi 133:1). Khi vâng lời Đức Giê-hô-va, dân Y-sơ-ra-ên đã được tổ chức và hợp nhất. Đức Chúa Trời tuyên bố trước về tình trạng của dân ngài trong tương lai: ‘Ta sẽ đặt nó như một bầy ở giữa đồng cỏ’ (Mi 2:12). Ngoài ra qua nhà tiên tri Sô-phô-ni, Đức Giê-hô-va cũng báo trước: “Ta sẽ ban môi-miếng thanh-sạch [sự thật trong Kinh Thánh] cho các dân, hầu cho chúng nó thảy đều kêu-cầu danh Đức Giê-hô-va, đặng một lòng hầu việc Ngài” (Sô 3:9). Chúng ta thật biết ơn Đức Giê-hô-va vì có đặc ân thờ phượng ngài trong sự hợp nhất!

Các trưởng lão nỗ lực cung cấp sự trợ giúp về thiêng liêng cho một người lạc lối (Xem đoạn 17)

17. Để gìn giữ sự hợp nhất và trong sạch của hội thánh, các trưởng lão nên xử lý những hành động sai trái như thế nào?

17 Để gìn giữ sự hợp nhất và trong sạch của hội thánh, các trưởng lão phải nhanh chóng xử lý các vấn đề tư pháp và làm thế một cách yêu thương. Phao-lô biết rằng tình yêu thương của Đức Chúa Trời không đơn thuần dựa trên cảm xúc, và ngài không lờ đi những hành động sai trái (Châm 15:3). Thế nên, Phao-lô đã không do dự viết Thư thứ nhất gửi tín đồ ở Cô-rinh-tô, một lá thư mạnh mẽ nhưng đầy yêu thương. Thư thứ hai gửi tín đồ ở Cô-rinh-tô, được viết vài tháng sau đó, cho thấy hội thánh đã có sự tiến bộ vì các trưởng lão áp dụng chỉ dẫn của sứ đồ Phao-lô. Nếu một tín đồ lạc lối mà chưa nhận ra, các anh hội đủ điều kiện nên cố gắng sửa đổi người ấy với tinh thần mềm mại.—Ga 6:1.

18. (a) Lời khuyên trong Lời Đức Chúa Trời đã giúp các hội thánh vào thế kỷ thứ nhất như thế nào? (b) Chúng ta sẽ thảo luận điều gì trong bài tới?

18 Rõ ràng, lời khuyên được soi dẫn trong Cuốn sách của Đức Chúa Trời đã giúp các tín đồ vào thế kỷ thứ nhất ở Cô-rinh-tô và những nơi khác giữ được sự trong sạch, bình an và hợp nhất trong hội thánh (1 Cô 1:10; Ê-phê 4:11-13, chú thích; 1 Phi 3:8). Nhờ thế, các anh chị vào thời đó đạt được nhiều thành quả trong thánh chức. Phao-lô đã có thể nói rằng tin mừng “được rao giảng giữa mọi tạo vật ở dưới trời” (Cô 1:23). Ngày nay, sự hiểu biết về ý định tuyệt vời của Đức Chúa Trời đang được rao truyền ra khắp đất nhờ nỗ lực của những người thuộc một tổ chức rao giảng hợp nhất. Bài tới sẽ cung cấp thêm bằng chứng cho thấy những người ấy rất quý trọng Kinh Thánh và quyết tâm tôn vinh Chúa Tối Thượng Giê-hô-va.—Thi 71:15, 16.

^ [1] (đoạn 13) Xin xem sách Được tổ chức để thi hành ý muốn Đức Giê-hô-va, trg 134-136.

^ [2] (đoạn 15) Để biết thêm thông tin về những tình huống mà một tín đồ có thể quyết định kiện một tín đồ khác, xin xem sách Hãy giữ mình trong tình yêu thương của Đức Chúa Trời, trg 223, chú thích.