Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

Nhờ lòng nhân từ bao la, chúng ta đã được giải thoát

Nhờ lòng nhân từ bao la, chúng ta đã được giải thoát

“Chớ để tội lỗi làm chủ trên anh em, vì anh em... ở dưới lòng nhân từ bao la của Đức Chúa Trời”.—RÔ 6:14.

BÀI HÁT: 2, 61

1, 2. Tại sao Nhân Chứng Giê-hô-va quan tâm đến Rô-ma 5:12?

Giả sử anh chị muốn liệt kê những câu Kinh Thánh mà Nhân Chứng Giê-hô-va quen thuộc và thường xuyên sử dụng. Liệu Rô-ma 5:12 có là một trong những câu đầu tiên của danh sách đó không? Hãy nghĩ xem anh chị đã bao nhiêu lần nhắc đến câu này: “Như bởi một người mà tội lỗi vào thế gian và bởi tội lỗi mà có sự chết, nên sự chết trải trên mọi người, vì hết thảy đều có tội”.

2 Câu Kinh Thánh ấy được dùng nhiều lần trong sách Kinh Thánh thật sự dạy gì?. Trong quá trình học hỏi sách này với con cái hoặc với người khác, rất có thể anh chị sẽ đọc Rô-ma 5:12 khi thảo luận về ý định của Đức Chúa Trời đối với trái đất, về giá chuộc và tình trạng người chết trong chương 3, 56. Nhưng anh chị có bao giờ nghĩ đến Rô-ma 5:12 khi suy ngẫm về vị thế của mình trước mắt Đức Giê-hô-va, về những hành động của bản thân và triển vọng của mình trong tương lai không?

3. Chúng ta phải đối mặt với sự thật nào liên quan đến tội lỗi?

3 Dĩ nhiên, tất cả chúng ta đều phải đối mặt với sự thật: Chúng ta là những người tội lỗi. Chúng ta phạm lỗi mỗi ngày. Dù vậy, Kinh Thánh đảm bảo rằng Đức Chúa Trời nhớ là chúng ta ra từ bụi đất, và ngài sẵn sàng thương xót chúng ta (Thi 103:13, 14). Trong lời cầu nguyện mẫu, Chúa Giê-su dạy chúng ta thỉnh cầu Đức Chúa Trời: “Xin tha tội chúng con” (Lu 11:2-4). Do đó, không có lý do để nghĩ mãi về những lỗi lầm mà Đức Chúa Trời đã tha thứ. Nhưng chúng ta được lợi ích khi nghĩ về việc tại sao Đức Chúa Trời có thể tha thứ cho chúng ta và về việc ngài đã làm thế.

ĐƯỢC THA THỨ NHỜ LÒNG NHÂN TỪ BAO LA

4, 5. (a) Điều gì giúp chúng ta hiểu ý nghĩa của Rô-ma 5:12? (b) “Lòng nhân từ bao la” được nói đến nơi Rô-ma 3:24 là gì?

4 Chúng ta tìm được những thông tin quan trọng trong các chương liền kề với lời của sứ đồ Phao-lô nơi Rô-ma 5:12, đặc biệt là trong chương 6. Những thông tin này sẽ giúp chúng ta hiểu tại sao Đức Giê-hô-va có thể tha thứ chúng ta. Rô-ma 3:23, 24 nói: “Mọi người đều phạm tội... Bởi lòng nhân từ bao la, ngài ban cho họ một món quà, ấy là tuyên bố họ công chính bằng cách giải thoát họ khỏi tội lỗi qua giá chuộc của Đấng Ki-tô Giê-su”. Phao-lô có ý gì khi nói về “lòng nhân từ bao la”? Ông đã dùng một từ Hy Lạp, mà theo một tài liệu tham khảo, có nghĩa là “rộng rãi ban ân huệ và không đòi hỏi hoặc mong được đền đáp”. Đó là điều mà một người không thể tự đạt được và không xứng đáng nhận được.

5 Học giả John Parkhurst lưu ý rằng: “Khi nói về Đức Chúa Trời hoặc Đấng Ki-tô, [từ Hy Lạp đó] thường đặc biệt nói đến ân huệ hoặc lòng nhân từ rộng rãi của hai đấng ấy mà người nhận không xứng đáng nhận, được thể hiện qua việc cứu chuộc và cứu rỗi con người”. Do đó, từ nguyên ngữ Hy Lạp ấy truyền đạt ý tưởng “lòng nhân từ bao la mà người nhận không xứng đáng được nhận”. Nhưng Đức Chúa Trời đã biểu lộ lòng nhân từ bao la như thế nào? Điều này liên hệ ra sao đến hy vọng và mối quan hệ của anh chị với ngài? Hãy cùng xem xét.

6. Một người có thể nhận được lợi ích đến mức nào từ lòng nhân từ bao la của Đức Chúa Trời?

6 Qua “một người” là A-đam, tội lỗi và sự chết “vào thế gian”. Vì vậy, “bởi tội của một người mà sự chết được làm vua”. Phao-lô nói thêm rằng sự “dư dật [của] lòng nhân từ bao la” của Đức Chúa Trời đã đến qua “một người là Chúa Giê-su Ki-tô” (Rô 5:12, 15, 17). Lòng nhân từ bao la ấy đã mang lại lợi ích cho toàn nhân loại. Kinh Thánh nói: “Bởi sự vâng lời của một người [Chúa Giê-su] mà nhiều người sẽ trở nên công chính”. Quả thật, lòng nhân từ bao la của Đức Chúa Trời có thể dẫn đến “sự sống vĩnh cửu qua Chúa Giê-su Ki-tô”.—Rô 5:19, 21.

7. Tại sao giá chuộc mà Đức Chúa Trời cung cấp là biểu hiện của lòng nhân từ, và tại sao chúng ta không xứng đáng nhận được giá chuộc?

7 Đức Giê-hô-va không buộc phải sai Con ngài xuống trái đất để cung cấp giá chuộc. Hơn nữa, bản thân con người tội lỗi và bất toàn không xứng đáng với điều Đức Chúa Trời và Chúa Giê-su đã làm để cung cấp một giá chuộc, là cơ sở cho sự tha tội. Thế nên, việc chúng ta được tha thứ và được ban triển vọng sống vĩnh cửu quả là biểu hiện của lòng nhân từ mà chúng ta không xứng đáng nhận được. Chúng ta nên hết sức quý trọng lòng nhân từ bao la của Đức Chúa Trời và để món quà ấy tác động đến đời sống mình mỗi ngày.

BIẾT ƠN LÒNG NHÂN TỪ BAO LA CỦA ĐỨC CHÚA TRỜI

8. Một số người có quan điểm sai lầm nào về tội lỗi của họ?

8 Là con cháu bất toàn của A-đam, chúng ta có khuynh hướng mắc lỗi, làm điều xấu và phạm tội. Dù vậy, sẽ là sai lầm nghiêm trọng nếu chúng ta lợi dụng lòng nhân từ bao la của Đức Chúa Trời, chẳng hạn qua việc nghĩ rằng: “Ngay cả khi làm một điều sai trái, tức điều mà Đức Chúa Trời xem là tội lỗi, mình cũng không cần phải lo lắng. Đức Giê-hô-va sẽ tha thứ cho mình”. Đáng buồn là một số tín đồ đã có lối suy nghĩ đó, ngay cả trong khi một vài sứ đồ vẫn đang sống. (Đọc Giu-đe 4). Có lẽ bản thân chúng ta sẽ không bao giờ nói ra suy nghĩ như thế, nhưng quan điểm sai trái ấy có thể nảy mầm trong chúng ta hoặc được gieo vào tâm trí chúng ta và bắt đầu phát triển.

9, 10. Phao-lô và những người khác đã được giải thoát khỏi tội lỗi và sự chết như thế nào?

9 Phao-lô nhấn mạnh rằng chúng ta phải kiên quyết bác bỏ lối suy nghĩ: “Không sao, Đức Chúa Trời hiểu mà. Ngài sẽ bỏ qua những việc làm và hành động sai trái của tôi”. Tại sao? Vì như Phao-lô viết, các tín đồ đạo Đấng Ki-tô “đã chết về mặt tội lỗi”. (Đọc Rô-ma 6:1, 2). Tại sao ông có thể nói rằng họ “đã chết về mặt tội lỗi” trong khi họ vẫn còn sống trên đất?

10 Đức Chúa Trời đã áp dụng giá chuộc cho Phao-lô và những người khác trong thời của ông. Nhờ thế, Đức Giê-hô-va tha tội cho họ, xức dầu cho họ bằng thần khí và gọi họ làm con thiêng liêng của ngài. Do đó, họ có hy vọng lên trời. Nếu chứng tỏ lòng trung thành, họ sẽ sống ở trên trời và cai trị cùng Đấng Ki-tô. Nhưng Phao-lô có thể nói rằng họ “đã chết về mặt tội lỗi” trong khi họ vẫn còn sống và đang phụng sự Đức Chúa Trời ở trên đất. Ông nhắc đến trường hợp của Chúa Giê-su: Sau khi chết, ngài đã được sống lại làm một thần linh bất tử ở trên trời. Sự chết không còn làm chủ trên ngài. Điều này cũng tương tự với các tín đồ được xức dầu. Họ có thể xem mình “đã chết về mặt tội lỗi, nhưng sống cho Đức Chúa Trời nhờ Đấng Ki-tô Giê-su” (Rô 6:9, 11). Lối sống của họ không còn giống như trước kia. Họ không còn vâng theo tiếng gọi hoặc sự thôi thúc của những ham muốn tội lỗi. Họ đã “chết” về lối sống trước đây.

11. Là những người có hy vọng sống mãi trong địa đàng, chúng ta “đã chết về mặt tội lỗi” theo nghĩa nào?

11 Còn chúng ta thì sao? Trước khi trở thành tín đồ đạo Đấng Ki-tô, chúng ta thường phạm tội và có lẽ không nhận ra hành động của mình là sai trái và xấu xa như thế nào trước mắt Đức Chúa Trời. Chúng ta như thể “làm nô lệ cho sự ô uế và gian ác”. Có thể nói rằng chúng ta đã “làm nô lệ cho tội lỗi” (Rô 6:19, 20). Rồi chúng ta biết sự thật Kinh Thánh, thực hiện những thay đổi trong đời sống, dâng mình cho Đức Chúa Trời và làm báp-têm. Kể từ đó, chúng ta có ước muốn “thành tâm vâng theo” những sự dạy dỗ và các tiêu chuẩn của Đức Chúa Trời. Chúng ta “đã được giải thoát khỏi tội lỗi” và “trở thành tôi tớ của sự công chính” (Rô 6:17, 18). Thế nên, có thể nói rằng chúng ta cũng “đã chết về mặt tội lỗi”.

12. Mỗi chúng ta phải đưa ra lựa chọn nào?

12 Giờ đây hãy nghĩ về chính mình dựa trên lời của Phao-lô: “Đừng để tội lỗi tiếp tục làm vua trong thân xác hay chết của anh em mà vâng phục ham muốn của nó” (Rô 6:12). Chúng ta có thể “để tội lỗi tiếp tục làm vua” qua việc làm theo bất cứ điều gì mà cơ thể bất toàn thôi thúc. Vì chúng ta có thể “để” tội lỗi cai trị hoặc không để tội lỗi cai trị, nên câu hỏi đặt ra là: “Trong thâm tâm, chúng ta thật sự muốn gì?”. Hãy tự hỏi: “Đôi lúc, mình có để cơ thể hoặc tâm trí bất toàn hướng mình về một đường lối xấu, rồi đi theo hướng đó không? Mình có chết về mặt tội lỗi không? Mình có đang sống cho Đức Chúa Trời nhờ Đấng Ki-tô Giê-su không?”. Vấn đề cốt lõi là chúng ta biết ơn đến mức nào về lòng nhân từ bao la mà Đức Chúa Trời đã biểu lộ qua việc ngài tha thứ cho chúng ta.

MỘT CUỘC CHIẾN MÀ ANH CHỊ CÓ THỂ GIÀNH THẮNG LỢI

13. Bằng chứng nào giúp chúng ta tin chắc rằng mình có thể từ bỏ tội lỗi?

13 Dân của Đức Giê-hô-va đã từ bỏ ‘loại trái mà họ từng gặt hái’ trước khi họ biết Đức Chúa Trời, yêu thương ngài và phụng sự ngài. Lối sống trước kia của họ có thể bao gồm “những điều mà nay [họ] hổ thẹn” và đáng dẫn đến cái chết (Rô 6:21). Nhưng họ đã thay đổi. Điều này đúng với nhiều môn đồ trong hội thánh ở Cô-rinh-tô mà Phao-lô viết thư cho. Một số người trong vòng họ từng thờ thần tượng, ngoại tình, đồng tính luyến ái, trộm cắp, say sưa hoặc làm những điều tương tự. Dù vậy, họ đã “được tẩy sạch” và “được nên thánh” (1 Cô 6:9-11). Rất có thể điều này cũng đúng với một số người trong hội thánh ở Rô-ma. Phao-lô được soi dẫn để viết cho họ: “Đừng dâng các chi thể mình cho tội lỗi để làm vũ khí cho sự không công chính nữa; nhưng anh em như người chết được sống lại, thì hãy dâng chính mình cho Đức Chúa Trời, và dâng các chi thể mình cho ngài để làm vũ khí cho sự công chính” (Rô 6:13). Phao-lô tin chắc rằng các môn đồ ấy có thể giữ trong sạch về thiêng liêng, và nhờ thế tiếp tục nhận được lợi ích từ lòng nhân từ bao la của Đức Chúa Trời.

14, 15. Chúng ta nên tự hỏi điều gì về việc thành tâm vâng lời?

14 Điều tương tự cũng xảy ra ngày nay. Một số anh chị có lẽ từng giống những người ở Cô-rinh-tô. Nhưng họ cũng đã thay đổi. Họ từ bỏ quá khứ tội lỗi và đã “được tẩy sạch”. Dù điều này giống với hoàn cảnh của mình đến đâu, hiện tại anh chị đang có vị thế nào trước mắt Đức Chúa Trời? Giờ đây, anh chị đã nhận lợi ích từ lòng nhân từ bao la của Đức Chúa Trời và nhờ thế được tha thứ. Vậy anh chị có quyết tâm không “dâng các chi thể mình cho tội lỗi” nữa không? Thay vì thế, liệu anh chị sẽ ‘dâng chính mình cho Đức Chúa Trời như người chết được sống lại’ không?

15 Để làm thế, chắc chắn chúng ta phải tránh việc cố ý phạm những tội trọng mà một số người ở Cô-rinh-tô phạm phải. Đó là điều thiết yếu nếu chúng ta cho rằng mình đã chấp nhận lòng nhân từ bao la của Đức Chúa Trời và ‘tội lỗi không làm chủ trên chúng ta’. Tuy nhiên, chúng ta có kiên quyết thành tâm vâng lời qua việc nỗ lực hết sức để tránh những tội mà một số người xem là ít nghiêm trọng hơn không?—Rô 6:14, 17.

16. Tại sao chúng ta biết một tín đồ phải làm nhiều hơn là chỉ từ bỏ việc phạm tội trọng?

16 Hãy nghĩ về sứ đồ Phao-lô. Chúng ta có thể chắc chắn rằng ông không phạm những tội trọng được đề cập nơi 1 Cô-rinh-tô 6:9-11. Dù vậy, ông thừa nhận rằng mình vẫn mắc tội. Ông viết: “Tôi thuộc về xác thịt, đã bị bán cho tội lỗi. Tôi không hiểu điều mình làm. Vì điều tôi muốn, tôi không làm; còn điều tôi ghét, tôi lại làm” (Rô 7:14, 15). Lời ấy cho thấy rằng có những điều khác được Phao-lô xem là tội lỗi và ông cũng đang chống lại những điều sai trái đó. (Đọc Rô-ma 7:21-23). Mong sao chúng ta noi gương ông và nỗ lực để thành tâm vâng lời.

17. Tại sao anh chị muốn trung thực?

17 Chẳng hạn, hãy xem xét vấn đề về sự trung thực. Sự trung thực là một dạy dỗ cơ bản của đạo Đấng Ki-tô. (Đọc Châm-ngôn 14:5; Ê-phê-sô 4:25). Sa-tan là “cha sự nói dối”. A-na-nia và vợ ông đã mất mạng vì nói dối. Chúng ta không muốn bắt chước những gương xấu như thế. Chúng ta cần tránh nói dối (Giăng 8:44; Công 5:1-11). Nhưng phải chăng sự trung thực của chúng ta chỉ dừng lại ở đó? Thật ra, nếu biết ơn sâu xa lòng nhân từ bao la của Đức Chúa Trời, chúng ta cũng sẽ trung thực qua những cách khác.

18, 19. Tại sao sự trung thực bao hàm nhiều hơn là chỉ tránh nói dối trắng trợn?

18 Nói dối là nói một điều không đúng sự thật. Tuy nhiên, Đức Giê-hô-va muốn dân ngài làm nhiều hơn là chỉ tránh những lời nói dối trắng trợn. Ngài khuyến giục dân Y-sơ-ra-ên xưa: “Hãy nên thánh, vì ta, Giê-hô-va Đức Chúa Trời các người, vốn là thánh”. Rồi ngài nêu những ví dụ về việc nên thánh. Chẳng hạn, Đức Chúa Trời nói: “Các ngươi chớ ăn trộm ăn cắp, chớ nói dối, và chớ lừa-đảo nhau” (Lê 19:2, 11). Đáng buồn là một người cố gắng tránh nói dối trắng trợn vẫn có thể sẵn sàng lừa gạt hoặc lừa đảo người khác.

Chúng ta có quyết tâm tránh cả việc nói dối lẫn lừa gạt không? (Xem đoạn 19)

19 Chẳng hạn, một người nói với chủ hay với những đồng nghiệp rằng ngày hôm sau anh không thể đi làm hoặc phải về sớm vì có “cuộc hẹn với bác sĩ”. Nhưng trên thực tế, “cuộc hẹn với bác sĩ” chẳng qua chỉ là ghé vào tiệm thuốc hoặc phòng khám để thanh toán một hóa đơn. Lý do thật sự của việc anh nghỉ làm là để anh có thể đi du lịch sớm hơn hoặc đưa gia đình đi nghỉ mát ở bãi biển. Có lẽ có một chút sự thật khi anh đề cập đến “cuộc hẹn với bác sĩ” nhưng anh chị có nghĩ rằng anh ấy trung thực không, hay anh đang lừa gạt? Anh chị có thể biết những ví dụ tương tự về việc cố ý lừa gạt. Có lẽ việc này nhằm mục đích tránh bị phạt hoặc để mình được lợi ích từ sự thiệt hại của người khác. Dù chúng ta không nói dối trắng trợn, nhưng nói sao về mệnh lệnh của Đức Chúa Trời là: “Chớ lừa-đảo”? Cũng hãy nghĩ về điều được ghi nơi Rô-ma 6:19: “Hãy dâng chi thể mình làm tôi cho sự công chính để làm điều thánh sạch”.

20, 21. Lòng nhân từ bao la của Đức Chúa Trời nên thôi thúc chúng ta đến mức nào?

20 Điểm chính là nếu biết ơn lòng nhân từ bao la của Đức Chúa Trời, chúng ta sẽ không chỉ tránh ngoại tình, say sưa hoặc những tội khác mà một số người ở Cô-rinh-tô từng phạm phải. Chấp nhận lòng nhân từ bao la của Đức Chúa Trời không chỉ có nghĩa là tránh gian dâm, mà còn phải chống lại bất cứ khuynh hướng nào liên quan đến việc vui thích sự giải trí đồi bại. Việc dâng chi thể mình làm tôi cho sự công chính sẽ không chỉ ngăn chúng ta say sưa, mà còn thôi thúc chúng ta tránh uống rượu bia đến mức sắp bị say. Có thể chúng ta phải nỗ lực nhiều để chống lại những điều sai trái như thế, nhưng đó là một cuộc chiến mà chúng ta có thể giành thắng lợi.

21 Chúng ta nên tránh cả những tội trọng lẫn những điều sai trái mà không đến mức nghiêm trọng như thế. Dù không thể làm vậy một cách hoàn hảo, nhưng chúng ta nên nỗ lực như sứ đồ Phao-lô. Ông khuyến giục anh em: “Đừng để tội lỗi tiếp tục làm vua trong thân xác hay chết của anh em mà vâng phục ham muốn của nó” (Rô 6:12; 7:18-20). Khi chống lại mọi hình thức tội lỗi, chúng ta cho thấy mình thật sự biết ơn lòng nhân từ bao la của Đức Chúa Trời qua Đấng Ki-tô.

22. Điều gì đang chờ đợi những người chứng tỏ rằng họ biết ơn lòng nhân từ bao la của Đức Chúa Trời?

22 Nhờ lòng nhân từ bao la của Đức Chúa Trời, chúng ta đã được tha tội và có thể tiếp tục được tha tội. Với lòng biết ơn, chúng ta hãy nỗ lực để chiến thắng khuynh hướng chiều theo những điều mà người khác có thể xem là lỗi nhỏ nhặt. Phao-lô nhấn mạnh phần thưởng đang chờ đợi chúng ta khi làm thế: “Bây giờ anh em đã được giải thoát khỏi tội lỗi mà trở thành tôi tớ Đức Chúa Trời, nên anh em gặt hái bông trái là sự thánh sạch, và cuối cùng là sự sống vĩnh cửu”.—Rô 6:22.