Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

Hãy trao hết mọi lo lắng cho Đức Giê-hô-va

Hãy trao hết mọi lo lắng cho Đức Giê-hô-va

“Hãy trao hết mọi lo lắng cho [Đức Giê-hô-va], vì ngài quan tâm đến anh em”.—1 PHI 5:7.

BÀI HÁT: 60, 23

1, 2. (a) Tại sao không có gì đáng ngạc nhiên khi đôi lúc chúng ta cảm thấy lo lắng? (Xem hình nơi đầu bài). (b) Chúng ta sẽ xem xét điều gì trong bài này?

Chúng ta đang sống trong thời kỳ đầy căng thẳng. Sa-tan Kẻ Quỷ Quyệt vô cùng giận dữ và “đang đi lảng vảng như sư tử gầm rống, tìm kiếm người nào đó để cắn nuốt” (1 Phi 5:8; Khải 12:17). Vì thế, không ngạc nhiên gì khi ngay cả chúng ta, là các tôi tớ của Đức Chúa Trời, cũng có những lúc cảm thấy lo lắng. Suy cho cùng, những tôi tớ tin kính của Đức Giê-hô-va trong quá khứ, chẳng hạn như vua Đa-vít, đôi khi cũng “lo-lắng” (Thi 13:2). Cũng hãy nhớ rằng sứ đồ Phao-lô đã từng “lo lắng về hết thảy các hội thánh” (2 Cô 11:28). Nhưng chúng ta có thể làm gì khi bị cảm xúc lo lắng đè nặng?

2 Cha yêu thương trên trời đã hỗ trợ những tôi tớ của ngài trong quá khứ, và ngày nay, ngài có thể giúp chúng ta giảm đáng kể sự căng thẳng và lo lắng. Kinh Thánh khuyến giục chúng ta: “Hãy trao hết mọi lo lắng cho ngài, vì ngài quan tâm đến anh em” (1 Phi 5:7). Tuy nhiên, anh chị có thể làm điều này ra sao? Hãy xem bốn cách mà anh chị có thể làm thế. Đó là chân thành cầu nguyện, đọc và suy ngẫm Lời Đức Chúa Trời, tận dụng thần khí của ngài, và giãi bày cảm xúc với một người bạn đáng tin cậy. Khi thảo luận bốn cách này, hãy cố gắng nhận ra những bước thực tế mà anh chị có thể thực hiện.

“HÃY TRAO GÁNH-NẶNG NGƯƠI CHO ĐỨC GIÊ-HÔ-VA”

3. Bằng cách nào anh chị có thể ‘trao gánh-nặng cho Đức Giê-hô-va’?

3 Bước đầu tiên mà chúng ta có thể làm là đến gần Đức Giê-hô-va qua lời cầu nguyện chân thành. Khi anh chị phải đương đầu với những tình huống khó khăn khiến mình cảm thấy bất an, sợ hãi hoặc lo lắng, hãy dốc đổ lòng với Cha yêu thương trên trời. Người viết Thi-thiên là Đa-vít đã nài xin Đức Giê-hô-va: “Lạy Đức Chúa Trời, xin hãy lắng tai nghe lời cầu-nguyện tôi”. Cũng trong bài ấy, ông nói: “Hãy trao gánh-nặng ngươi cho Đức Giê-hô-va, Ngài sẽ nâng-đỡ ngươi” (Thi 55:1, 22). Sau khi anh chị đã làm tất cả những gì có thể để giải quyết vấn đề, chắc hẳn lời cầu nguyện chân thành của anh chị sẽ giúp ích nhiều hơn so với việc lo lắng. Nhưng làm thế nào lời cầu nguyện có thể giúp anh chị tránh bị choáng ngợp trước những tư tưởng bộn bề và nỗi đau buồn?—Thi 94:18, 19.

4. Khi chúng ta lo lắng, tại sao cầu nguyện là điều rất quan trọng?

4 Đọc Phi-líp 4:6, 7. Đức Giê-hô-va có thể đáp lại lời nài xin tha thiết, chân thành và bền bỉ của chúng ta. Bằng cách nào? Bằng cách ngài ban sự bình an nội tâm mà có thể giải tỏa nỗi phiền muộn trong lòng và trí chúng ta. Nhiều người có thể chứng thực điều này qua kinh nghiệm riêng của họ. Thay vì lo lắng, tức là lo nghĩ về điều xấu có thể xảy đến, họ đã được Đức Chúa Trời giúp đỡ để có sự bình an sâu sắc mà thật sự không ai hiểu thấu. Anh chị cũng có thể có kinh nghiệm tương tự. Quả thật, “sự bình an của Đức Chúa Trời” có thể chiến thắng bất cứ thử thách nào mà anh chị phải đối mặt. Anh chị có thể hoàn toàn tin cậy lời hứa đầy lòng trắc ẩn của Đức Giê-hô-va: “Chớ kinh-khiếp, vì ta là Đức Chúa Trời ngươi! Ta sẽ bổ sức cho ngươi; phải, ta sẽ giúp-đỡ ngươi”.—Ê-sai 41:10.

SỰ BÌNH AN NỘI TÂM ĐẾN TỪ LỜI ĐỨC CHÚA TRỜI

5. Bằng cách nào Lời Đức Chúa Trời mang lại cho chúng ta sự bình an nội tâm?

5 Cách thứ hai để có được sự bình an nội tâm là đọc và suy ngẫm Kinh Thánh. Tại sao điều này quan trọng? Kinh Thánh chứa đựng sự hướng dẫn khôn ngoan và thực tế mà có thể giúp anh chị tránh, giảm thiểu hoặc đối phó với sự lo lắng. Đừng quên một thực tế: Lời Đức Chúa Trời rất hữu ích và mang lại sự tươi tỉnh vì chứa đựng những lời khôn ngoan của chính Đấng Tạo Hóa. Anh chị sẽ được thêm sức rất nhiều khi suy ngẫm về tư tưởng của Đức Chúa Trời, ngày hoặc đêm, và tìm cách tốt nhất để áp dụng sự hướng dẫn thực tế của Kinh Thánh. Đức Giê-hô-va liên kết việc đọc Lời ngài với việc “vững lòng bền chí” và không “run-sợ” hoặc “kinh-khủng”.—Giô-suê 1:7-9.

6. Lời của Chúa Giê-su có thể tác động tích cực đến anh chị như thế nào?

6 Trong Kinh Thánh, chúng ta có thể tìm thấy những lời an ủi của Chúa Giê-su. Lời nói và sự dạy dỗ của ngài là nguồn mang lại sự tươi tỉnh cho người nghe. Dân chúng được thu hút đến gần Chúa Giê-su vì ngài xoa dịu những tấm lòng lo âu, làm vững mạnh người yếu đuối và an ủi người buồn nản. (Đọc Ma-thi-ơ 11:28-30). Ngài để ý một cách yêu thương đến nhu cầu về thiêng liêng, tình cảm và thể chất của người khác (Mác 6:30-32). Lời hứa trợ giúp của Chúa Giê-su vẫn có giá trị. Anh chị có thể cảm nghiệm điều này giống như các sứ đồ từng đồng hành với ngài. Anh chị không cần phải trực tiếp ở bên cạnh Chúa Giê-su thì mới nhận được lợi ích. Với tư cách là Vua trên trời, ngài tiếp tục biểu lộ sự đồng cảm. Vì thế, khi anh chị cảm thấy lo lắng, ngài có thể hỗ trợ anh chị với lòng thương xót và giúp đỡ khi anh chị cần. Đúng vậy, Chúa Giê-su có thể giúp anh chị đương đầu với nỗi đau buồn và khiến lòng anh chị tràn đầy niềm hy vọng và sự can đảm.—Hê 2:17, 18; 4:16.

NHỮNG ĐỨC TÍNH TIN KÍNH LÀ SẢN PHẨM CỦA THẦN KHÍ

7. Anh chị sẽ nhận được lợi ích ra sao khi Đức Chúa Trời đáp lại việc anh chị xin ngài ban thần khí?

7 Chúa Giê-su hứa rằng Cha trên trời sẽ ban thần khí cho những người cầu xin ngài (Lu 11:10-13). Điều này cung cấp phương tiện hữu hiệu thứ ba để giảm thiểu nỗi lo lắng, đó là bông trái thần khí. Thần khí, hay lực hoạt động của Đức Chúa Trời, giúp chúng ta vun trồng những đức tính phản ánh phẩm chất của Đấng Toàn Năng. (Đọc Ga-la-ti 5:22, 23; Cô 3:10). Khi anh chị vun trồng bông trái thần khí, mối quan hệ của anh chị với người khác sẽ được cải thiện. Nhờ thế, anh chị sẽ tránh được những tình huống gây ra sự lo lắng. Hãy xem xét vắn tắt về cách mà bông trái thần khí sẽ giúp anh chị.

8-12. Bằng cách nào bông trái thần khí của Đức Chúa Trời có thể giúp anh chị đương đầu hoặc tránh được những tình huống căng thẳng?

8 “Tình yêu thương, vui mừng, bình an”. Khi cố gắng đối xử tôn trọng với mọi người, có lẽ anh chị sẽ thấy mình đối phó tốt hơn với cảm xúc tiêu cực của bản thân. Như thế nào? Khi biểu lộ tình yêu thương tha thiết, tình huynh đệ và lòng tôn trọng, anh chị sẽ tránh được những tình huống có thể gây ra sự lo lắng.—Rô 12:10.

9 “Nhẫn nhịn, tử tế, nhân đức”. Anh chị sẽ đẩy mạnh mối quan hệ hòa thuận với người khác khi làm theo lời khuyên: “Hãy tử tế với nhau, có lòng trắc ẩn, sẵn lòng tha thứ nhau” (Ê-phê 4:32). Khi làm thế, anh chị sẽ tránh được những tình huống có thể gây ra sự lo lắng. Ngoài ra, anh chị cũng đối phó tốt hơn với các tình huống nảy sinh vì sự bất toàn của con người.

10 “Đức tin”. Ngày nay, sự lo lắng của chúng ta thường liên quan đến tiền bạc và của cải vật chất (Châm 18:11). Vì thế, việc có đức tin mạnh nơi sự chăm sóc đầy yêu thương của Đức Giê-hô-va có thể giúp anh chị đương đầu hoặc tránh lo lắng. Như thế nào? Anh chị sẽ bớt lo lắng khi làm theo lời khuyên được soi dẫn của Phao-lô, đó là hãy “thỏa lòng với những gì mình hiện có”. Rồi ông nói thêm: “Vì [Đức Chúa Trời] đã phán: ‘Ta sẽ không bao giờ lìa ngươi, và chẳng bao giờ bỏ ngươi’. Nhờ thế chúng ta có sự can đảm và nói: ‘Đức Giê-hô-va là đấng giúp đỡ tôi; tôi sẽ không sợ. Loài người làm gì được tôi?’”.—Hê 13:5, 6.

11 “Mềm mại, tự chủ”. Hãy thử nghĩ xem việc biểu lộ những đức tính này sẽ thực tế và hiệu quả ra sao đối với anh chị. Các đức tính ấy sẽ giúp anh chị tránh được những hành động mà có thể gây ra sự lo lắng cho chính mình, đồng thời anh chị sẽ nhận được lợi ích qua việc tránh “sự cay đắng hiểm độc, tức giận, căm ghét, quát tháo, lăng mạ”.—Ê-phê 4:31.

12 Thực tế là anh chị cần có sự khiêm nhường để “hạ mình xuống dưới tay quyền năng của Đức Chúa Trời” và “trao hết mọi lo lắng cho ngài” (1 Phi 5:6, 7). Khi vun trồng tính khiêm nhường, anh chị sẽ ở trên con đường dẫn đến ân huệ và sự hỗ trợ của Đức Chúa Trời (Mi 6:8). Nhờ giữ cái nhìn thực tế về thể chất, trí tuệ và cảm xúc của mình, anh chị sẽ không dễ bị choáng ngợp bởi nỗi lo lắng, vì anh chị đang nương cậy nơi Đức Chúa Trời.

“CHỚ LO LẮNG”

13. Chúa Giê-su có ý gì khi nói: “Chớ lo lắng”?

13 Nơi Ma-thi-ơ 6:34 (đọc), chúng ta thấy lời khuyên khôn ngoan của Chúa Giê-su: “Chớ lo lắng”. Tuy nhiên, dường như không dễ để làm theo lời khuyên ấy. Chúa Giê-su có ý gì khi nói: “Chớ lo lắng”? Rõ ràng, ngài không có ý nói rằng một tôi tớ của Đức Chúa Trời sẽ không bao giờ trải qua sự lo lắng; chúng ta đã đề cập đến lời của Đa-vít và Phao-lô về vấn đề này. Nhưng Chúa Giê-su đang giúp các môn đồ nhận ra rằng sự lo lắng thái quá, hay cực đoan, không giải quyết được vấn đề. Ngày nào có thử thách của ngày đó, vì thế các tín đồ đạo Đấng Ki-tô không cần lo lắng thêm về quá khứ hoặc tương lai. Làm thế nào anh chị có thể áp dụng lời khuyên của Chúa Giê-su và giải tỏa được nỗi lo lắng gây hao mòn?

14. Bằng cách nào anh chị có thể đối phó với nỗi lo lắng về quá khứ?

14 Một vài nỗi lo lắng có thể đến từ những hành động hoặc lỗi lầm của một người trong quá khứ. Người ấy có thể bị mặc cảm tội lỗi về điều mình từng làm trước đây, ngay cả từ nhiều năm về trước. Có những lúc vua Đa-vít cảm thấy ‘sự gian-ác ông vượt qua đầu ông’. Đa-vít thừa nhận: “Tôi la-hét vì cớ lòng tôi bồn-chồn” (Thi 38:3, 4, 8, 18). Trong hoàn cảnh đó, điều khôn ngoan mà Đa-vít cần làm là gì? Ông đã làm gì? Ông đã tin cậy nơi lòng thương xót và sự tha thứ của Đức Giê-hô-va. Với lòng tin chắc, ông nói: “Phước thay cho người nào được tha sự vi-phạm mình”.—Đọc Thi-thiên 32:1-3, 5.

15. (a) Vì sao anh chị không nên lo lắng về hiện tại? (b) Anh chị có thể thực hiện những bước thực tế nào để giảm bớt lo lắng? (Xin xem khung “ Một số cách thực tế để giảm bớt lo lắng”).

15 Đôi lúc, anh chị có thể lo lắng về hiện tại. Chẳng hạn, khi Đa-vít viết bài Thi-thiên 55, ông sợ mất mạng sống (Thi 55:2-5). Dù vậy, ông không để cho sự lo lắng phá đổ lòng tin cậy của mình nơi Đức Giê-hô-va. Đa-vít đã cầu nguyện tha thiết về những vấn đề của mình, nhưng ông cũng hiểu giá trị của việc thực hiện những bước thực tế để đối phó với nguyên nhân gây ra sự lo lắng (2 Sa 15:30-34). Hãy học từ gương của Đa-vít. Thay vì để cho sự lo lắng lấn át, anh chị hãy thực hiện những bước mà mình có thể làm để đối phó với tình huống ấy, rồi để mọi việc trong tay Đức Giê-hô-va và tin chắc rằng ngài sẽ giúp đỡ.

16. Ý nghĩa danh Đức Chúa Trời có thể củng cố đức tin của anh chị như thế nào?

16 Sự lo lắng vô cớ thường nảy sinh nếu một tín đồ cứ lo nghĩ mãi về những vấn đề có thể xảy ra trong tương lai. Tuy nhiên, anh chị không nhất thiết phải kiệt quệ vì lo lắng những chuyện mà mình không biết trước. Tại sao? Vì mọi việc thường không tồi tệ đến mức như chúng ta lo sợ. Hơn nữa, sẽ không có tình huống nào vượt quá tầm kiểm soát của Đức Chúa Trời, là đấng mà anh chị có thể trao mọi lo lắng. Danh của ngài có nghĩa là “Đấng làm cho trở thành” (Xuất 3:14, NW). Ý nghĩa sâu xa của danh ngài đảm bảo với chúng ta rằng Đức Chúa Trời hoàn toàn có khả năng lo liệu để ý định của ngài đối với các tôi tớ ngài được thực hiện. Anh chị có thể chắc chắn rằng Đức Chúa Trời sẽ ban thưởng cho những người trung thành và giúp họ đối phó với sự lo lắng về quá khứ, hiện tại và tương lai.

TRÒ CHUYỆN CHÂN THÀNH

17, 18. Làm thế nào việc trò chuyện cởi mở có thể giúp anh chị đối phó với sự lo lắng?

17 Cách thứ tư giúp anh chị đối phó với nỗi lo lắng là trò chuyện cởi mở và chia sẻ những cảm xúc của mình với một người bạn đáng tin cậy. Người bạn đời, một người bạn thân hoặc một trưởng lão trong hội thánh có thể giúp anh chị có cái nhìn đúng đắn về nỗi lo lắng của mình. Châm-ngôn 12:25 nói: “Sự buồn-rầu ở nơi lòng người làm cho nao-sờn; nhưng một lời lành khiến lòng vui-vẻ”. Sự trò chuyện thành thật và thẳng thắn có thể giúp ích nhiều cho anh chị trong việc hiểu và đối phó với những mối lo âu. Kinh Thánh cho chúng ta biết: “Đâu không có nghị-luận, đó mưu-định phải phế; nhưng nhờ có nhiều mưu-sĩ, mưu-định bèn được thành”.—Châm 15:22.

18 Đức Giê-hô-va cũng giúp chúng ta đối phó với sự lo lắng qua các buổi nhóm họp hằng tuần. Tại đó, anh chị có thể kết hợp với anh em đồng đạo, là những người quan tâm đến anh chị và muốn khích lệ lẫn nhau (Hê 10:24, 25). Việc “khích lệ lẫn nhau” như thế sẽ giúp anh chị được củng cố về mặt thiêng liêng và dễ đối phó hơn với bất cứ mối lo lắng nào.—Rô 1: 12.

MỐI QUAN HỆ VỚI ĐỨC CHÚA TRỜI LÀ NGUỒN SỨC MẠNH LỚN NHẤT CỦA ANH CHỊ

19. Tại sao anh chị có thể tin chắc rằng mối quan hệ với Đức Chúa Trời sẽ thêm sức cho anh chị?

19 Hãy xem làm thế nào một trưởng lão ở Canada đã hiểu được giá trị của việc trao sự lo lắng cho Đức Giê-hô-va. Anh có một công việc rất căng thẳng là làm giáo viên và người cố vấn cho học sinh. Anh cũng phải đương đầu với chứng rối loạn lo âu. Anh đã đối phó với hoàn cảnh này như thế nào? Anh cho biết: “Trên hết, tôi thấy rằng việc nỗ lực củng cố mối quan hệ với Đức Giê-hô-va là nguồn sức mạnh lớn nhất giúp mình đối phó với những vấn đề về cảm xúc. Sự hỗ trợ của những người bạn chân thật và các anh em thiêng liêng là điều rất quan trọng trong những lúc buồn nản. Tôi nói chuyện với vợ một cách cởi mở và thành thật về cảm xúc của mình. Các trưởng lão khác và anh giám thị vòng quanh đã giúp tôi rất nhiều trong việc có cái nhìn đúng đắn về các vấn đề. Tôi cũng tìm sự trợ giúp về y tế, thực hiện những thay đổi trong cách quản lý thời gian, đồng thời dành thì giờ cho việc thư giãn và vận động. Dần dần, tôi bắt đầu cảm thấy mình kiểm soát mọi thứ tốt hơn. Khi có những điều nằm ngoài tầm kiểm soát của mình, tôi đặt vấn đề trong tay Đức Giê-hô-va”.

20. (a) Bằng cách nào chúng ta có thể trao sự lo lắng cho Đức Chúa Trời? (b) Chúng ta sẽ thảo luận điều gì trong bài tới?

20 Trong bài này, chúng ta đã thấy lợi ích của việc trao sự lo lắng cho Đức Chúa Trời qua lời cầu nguyện chân thành, cũng như qua việc đọc và suy ngẫm Lời ngài. Chúng ta cũng xem xét giá trị của việc vun trồng bông trái thần khí, tâm sự với một người bạn đáng tin cậy, và tận dụng sức mạnh từ việc kết hợp lành mạnh với anh em đồng đạo. Bài tới sẽ thảo luận thêm cách Đức Giê-hô-va nâng đỡ chúng ta qua việc cung cấp cho chúng ta hy vọng về một phần thưởng.—Hê 11:6.