Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

Tại sao dâng tặng cho đấng đã có mọi thứ?

Tại sao dâng tặng cho đấng đã có mọi thứ?

‘Lạy Đức Chúa Trời, chúng con cảm tạ và ngợi khen danh cao đẹp của ngài’.—1 SỬ 29:13.

BÀI HÁT: 80, 50

1, 2. Đức Giê-hô-va rộng rãi với chúng ta như thế nào?

Đức Giê-hô-va là Đức Chúa Trời rộng rãi. Mọi thứ chúng ta có đều đến từ ngài. Mọi điều quý báu của đất đều thuộc về Đức Giê-hô-va, và ngài dùng chúng để cung cấp nhu cầu thiết yếu nhằm duy trì sự sống (Thi 104:13-15; Ha-gai 2:8). Kinh Thánh chứa đựng nhiều lời tường thuật về cách Đức Giê-hô-va dùng những điều quý báu ấy để cung cấp cho dân ngài một cách kỳ diệu.

2 Trong 40 năm, Đức Giê-hô-va cung cấp ma-na và nước cho dân Y-sơ-ra-ên khi họ ở trong hoang mạc (Xuất 16:35). Vì thế, “họ không thiếu thốn gì cả” (Nê 9:20, 21). Qua nhà tiên tri Ê-li-sê, Đức Giê-hô-va thực hiện phép lạ để gia tăng lượng dầu ít ỏi của một góa phụ trung thành. Món quà của ngài đã giúp bà trả nợ và sau đó có đủ tiền để nuôi sống bà và các con trai (2 Vua 4:1-7). Với sự trợ giúp của Đức Giê-hô-va, Chúa Giê-su đã làm phép lạ để cung cấp thức ăn, và thậm chí tiền bạc khi cần.—Mat 15:35-38; 17:27.

3. Bài này sẽ giải đáp những câu hỏi nào?

3 Đức Giê-hô-va có thể dùng bất cứ điều gì ngài muốn để hỗ trợ các tạo vật trên đất. Tuy nhiên, ngài vẫn mời tôi tớ ngài dùng những gì họ có để ủng hộ công việc của tổ chức ngài (Xuất 36:3-7; đọc Châm ngôn 3:9). Tại sao Đức Giê-hô-va muốn chúng ta dâng cho ngài những điều quý báu? Trong quá khứ, các tôi tớ trung thành đã ủng hộ tài chính cho công việc của những người đại diện Đức Giê-hô-va ra sao? Ngày nay, tổ chức dùng tiền đóng góp như thế nào? Bài này sẽ giải đáp những câu hỏi đó.

TẠI SAO DÂNG TẶNG CHO ĐỨC GIÊ-HÔ-VA?

4. Khi ủng hộ công việc của ngài, chúng ta cho Đức Giê-hô-va thấy điều gì?

4 Chúng ta dâng cho Đức Giê-hô-va vì yêu thương và biết ơn ngài. Chúng ta vô cùng cảm động khi suy ngẫm về mọi điều ngài làm vì lợi ích của chúng ta. Khi giải thích về nhu cầu của dự án xây đền thờ, vua Đa-vít thừa nhận là mọi thứ chúng ta nhận được đều đến từ Đức Giê-hô-va, và mọi điều chúng ta dâng cho ngài đều do ngài ban cho.—Đọc 1 Sử ký 29:11-14.

5. Làm thế nào Kinh Thánh cho thấy việc dâng cho Đức Giê-hô-va một cách bất vị kỷ là khía cạnh quan trọng của sự thờ phượng thật?

5 Việc dâng cho Đức Giê-hô-va cũng là cách chúng ta thờ phượng ngài. Trong khải tượng, sứ đồ Giăng nghe thấy các tôi tớ trên trời của Đức Giê-hô-va nói: “Lạy Giê-hô-va Đức Chúa Trời chúng con, ngài xứng đáng nhận sự vinh hiển, tôn kính và quyền năng, vì ngài đã tạo nên muôn vật, và bởi ý muốn ngài mà muôn vật hiện hữu và được tạo nên” (Khải 4:11). Đức Giê-hô-va quả xứng đáng nhận được mọi sự vinh hiển và tôn kính, vì thế chúng ta muốn dâng cho ngài điều tốt nhất mình có! Qua Môi-se, Đức Giê-hô-va ban lệnh cho dân Y-sơ-ra-ên đến trình diện ngài vào ba kỳ lễ hằng năm. Vì những kỳ lễ ấy là một phần của sự thờ phượng, nên dân Y-sơ-ra-ên không được “đi tay không mà đến trước mặt Đức Giê-hô-va” (Phục 16:16). Ngày nay cũng vậy, việc dâng cho ngài một cách bất vị kỷ là khía cạnh quan trọng của sự thờ phượng. Khi làm thế, chúng ta cho thấy mình quý trọng và ủng hộ công việc thuộc phần trên đất của tổ chức ngài.

6. Tại sao dâng tặng hay ban cho là điều tốt cho chúng ta? (Xem hình nơi đầu bài).

6 Dâng tặng hay ban cho là điều tốt cho chúng ta. Chúng ta sẽ nhận được lợi ích nếu là người rộng lòng ban cho chứ không chỉ nhận lãnh. (Đọc Châm ngôn 29:21). Hãy nghĩ đến một người con mua quà cho cha mẹ từ số tiền nhỏ mà cha mẹ cho mình. Hẳn cha mẹ quý trọng món quà ấy biết bao! Một người con làm tiên phong và sống chung nhà với cha mẹ có thể đóng góp ít tiền để chi trả các khoản chi tiêu trong gia đình. Dù cha mẹ có thể không đòi hỏi điều đó, nhưng họ đón nhận vì đó là cách tốt để con thể hiện lòng biết ơn cha mẹ. Cũng vậy, Đức Giê-hô-va thấy việc chúng ta dâng cho ngài những điều quý báu là tốt cho chúng ta.

VIỆC DÂNG TẶNG VÀO THỜI KINH THÁNH

7, 8. Dân Đức Giê-hô-va vào thời Kinh Thánh đã nêu gương nào về việc đóng góp (a) cho dự án cụ thể? (b) để ủng hộ công việc của ngài?

7 Qua Kinh Thánh, chúng ta biết dân Đức Giê-hô-va đã đóng góp để ủng hộ công việc của ngài. Trong một số trường hợp, họ đã đóng góp cho dự án cụ thể. Chẳng hạn, Môi-se kêu gọi dân chúng đóng góp cho việc dựng lều thánh, và vua Đa-vít cũng làm vậy đối với việc xây cất đền thờ (Xuất 35:5; 1 Sử 29:5-9). Trong thời vua Giê-hô-ách, các thầy tế lễ đã dùng tiền thu được để sửa chữa nhà Đức Giê-hô-va (2 Vua 12:4, 5). Trong hội thánh vào thế kỷ thứ nhất, khi biết về nhu cầu phát sinh do nạn đói, các anh em “quyết định gửi quà cứu trợ cho anh em ở xứ Giu-đê, mỗi người tùy theo khả năng của mình”.—Công 11:27-30.

8 Trong những trường hợp khác, dân Đức Giê-hô-va ủng hộ tài chính cho những người dẫn đầu công việc. Dưới Luật pháp Môi-se, người Lê-vi không nhận phần thừa kế như các chi phái khác. Thay vì thế, dân Y-sơ-ra-ên cho người Lê-vi một phần mười của những gì họ có. Điều này cho phép người Lê-vi tập trung vào công việc tại lều thánh (Dân 18:21). Tương tự, sau này Chúa Giê-su và các sứ đồ nhận lợi ích từ lòng rộng rãi của những phụ nữ đã “dùng của cải mình mà phục vụ ngài và các sứ đồ”.—Lu 8:1-3.

9. Vào thời xưa, phần đóng góp đến từ một số nguồn nào?

9 Dĩ nhiên, phần đóng góp đến từ nhiều nguồn khác nhau. Khi đóng góp để dựng lều thánh trong hoang mạc, hẳn dân Y-sơ-ra-ên dâng tặng những gì họ mang theo từ Ai Cập (Xuất 3:21, 22; 35:22-24). Vào thế kỷ thứ nhất, một số tín đồ bán tài sản mình có như đất ruộng hoặc nhà cửa, và mang tiền đến cho các sứ đồ. Các sứ đồ phân phát tiền đóng góp ấy cho những tín đồ cần sự giúp đỡ (Công 4:34, 35). Những người khác thì dành ra một khoản tiền và đều đặn đóng góp để ủng hộ công việc của Đức Chúa Trời (1 Cô 16:2). Vì thế, mọi người từ rất giàu đến rất nghèo đều tham gia đóng góp.—Lu 21:1-4.

VIỆC DÂNG TẶNG VÀO THỜI NAY

10, 11. (a) Làm thế nào để noi gương các tôi tớ rộng rãi của Đức Giê-hô-va vào thời Kinh Thánh? (b) Anh chị cảm thấy thế nào về đặc ân mình có để ủng hộ công việc Nước Trời?

10 Ngày nay, chúng ta cũng được khuyến khích để đóng góp cho một mục đích cụ thể. Chẳng hạn, có kế hoạch xây Phòng Nước Trời mới mà hội thánh anh chị sẽ dùng không? Hoặc Phòng Nước Trời hiện tại của anh chị có đang được sửa chữa không? Có thể chúng ta được cho biết về nhu cầu tài chính liên quan đến hội nghị mình tham dự, việc sửa chữa văn phòng chi nhánh hoặc giúp đỡ anh em ở vùng có thảm họa. Chúng ta cũng đóng góp để ủng hộ những người chăm lo công việc tại trụ sở trung ương và các văn phòng chi nhánh trên khắp thế giới. Khoản đóng góp của chúng ta được dùng để hỗ trợ các giáo sĩ, tiên phong đặc biệt và những người làm công việc vòng quanh. Chắc chắn, hội thánh của anh chị cũng có nghị quyết để đều đặn hỗ trợ tài chính cho chương trình xây cất Phòng hội nghị và Phòng Nước Trời trên toàn cầu, là điều mang lại lợi ích cho anh em trên khắp đất.

11 Tất cả chúng ta có thể đóng góp để ủng hộ công việc mà Đức Giê-hô-va đang thực hiện trong những ngày sau cùng này. Phần lớn các khoản được âm thầm đóng góp. Chúng ta kín đáo bỏ tiền vào hộp đóng góp trong Phòng Nước Trời, hoặc đóng góp trực tuyến qua jw.org. Có thể chúng ta cảm thấy khoản đóng góp của mình chẳng đáng là bao. Tuy nhiên, phần lớn quỹ đóng góp ngày nay là đến từ nhiều khoản đóng góp nhỏ chứ không phải từ vài khoản lớn. Ngay cả những anh em có tài chính eo hẹp cũng noi gương các tín đồ người Ma-xê-đô-ni-a thời xưa. Dù trong “sự nghèo khổ tột cùng”, họ vẫn nài xin để có được đặc ân đóng góp và làm thế một cách rộng rãi.—2 Cô 8:1-4.

12. Tổ chức cố gắng dùng tiền đóng góp một cách tốt nhất như thế nào?

12 Với sự cân nhắc và cầu nguyện, Hội đồng Lãnh đạo cố gắng trung tín và khôn ngoan trong cách dùng quỹ đóng góp (Mat 24:45). Tổ chức luôn lập ngân sách và chi tiêu quỹ đó một cách phù hợp (Lu 14:28). Vào thời Kinh Thánh, người quản lý tiền đóng góp đã làm theo thủ tục để đảm bảo là tiền đóng góp chỉ dùng đúng mục đích. Chẳng hạn, Ê-xơ-ra đi về Giê-ru-sa-lem, mang theo các vật dụng do vua Ba Tư đóng góp, gồm vàng bạc và những thứ khác, trị giá hơn 100 triệu đô-la Mỹ hiện nay. Ê-xơ-ra xem những khoản đóng góp này là lễ vật tự nguyện dâng cho Đức Giê-hô-va, và ông đề ra các bước cụ thể để đảm bảo an toàn cho những của báu này trên chuyến hành trình đầy nguy hiểm (Ê-xơ-ra 8:24-34). Nhiều năm sau, sứ đồ Phao-lô đã thu các khoản đóng góp để cứu trợ anh em ở Giu-đê. Ông thực hiện các bước để đảm bảo là những người chuyển tiền đóng góp chăm lo “mọi việc một cách lương thiện, không chỉ trước mắt Đức Giê-hô-va mà còn trước mắt người ta”. (Đọc 2 Cô-rinh-tô 8:18-21). Noi theo gương của Ê-xơ-ra và Phao-lô, tổ chức chúng ta ngày nay có những thủ tục rất chặt chẽ trong việc quản lý và chi tiêu tiền đóng góp.

13. Tại sao gần đây tổ chức điều chỉnh việc chi tiêu?

13 Một gia đình có thể điều chỉnh khi muốn cân bằng thu chi, hoặc khi tìm cách đơn giản hóa đời sống và giảm chi tiêu để làm nhiều hơn cho Đức Giê-hô-va. Tổ chức của ngài cũng vậy. Trong những năm gần đây, có nhiều dự án mới. Đôi khi, điều này khiến tiền chi nhiều hơn tiền thu. Vì thế, tổ chức tìm cách giảm chi tiêu và đơn giản hóa công việc để có thể dùng tiền đóng góp của các anh chị một cách hiệu quả nhất.

LỢI ÍCH TỪ KHOẢN ĐÓNG GÓP

Việc đóng góp của anh chị hỗ trợ công việc toàn cầu (Xem đoạn 14-16)

14-16. (a) Một số công việc nào được thực hiện nhờ sự đóng góp của anh chị? (b) Anh chị nhận được lợi ích nào từ những sự cung cấp ấy?

14 Nhiều tôi tớ lâu năm của Đức Giê-hô-va nói rằng họ chưa bao giờ thấy có nhiều sự cung cấp về thiêng liêng như lúc này. Hãy thử nghĩ! Trong những năm gần đây, chúng ta bắt đầu có jw.org và Kênh truyền thông JW. Kinh Thánh—Bản dịch Thế Giới Mới được phát hành trong nhiều ngôn ngữ hơn. Năm 2014-2015, một số sân vận động lớn nhất trong 14 thành phố trên khắp thế giới đã trở thành nơi tổ chức hội nghị quốc tế ba ngày “Hãy luôn tìm kiếm Nước Trời trước hết!”. Những người tham dự vô cùng phấn khởi vì được có mặt ở đó.

15 Nhiều người tỏ lòng biết ơn về những lợi ích tuyệt vời họ nhận được từ tổ chức của Đức Giê-hô-va. Chẳng hạn, về chương trình Kênh truyền thông JW, cặp vợ chồng phụng sự ở một nước châu Á viết: “Nhiệm sở của chúng tôi là một thành phố nhỏ. Vì thế, đôi khi chúng tôi cảm thấy lẻ loi, và dễ quên phạm vi của công việc mà Đức Giê-hô-va đang thực hiện. Nhưng sau khi xem các chương trình trên Kênh truyền thông JW, chúng tôi nhớ rằng mình thuộc về đoàn thể anh em quốc tế. Anh em tại địa phương đều phấn khởi với Kênh truyền thông. Chúng tôi thường nghe họ nói là sau khi xem chương trình của tháng, họ cảm thấy gần gũi với các thành viên thuộc Hội đồng Lãnh đạo. Hơn bao giờ hết, họ rất tự hào rằng mình thuộc về tổ chức của Đức Chúa Trời”.

16 Hiện nay, trên thế giới có gần 2.500 Phòng Nước Trời đang được xây cất hoặc sửa chữa. Sau khi bắt đầu sử dụng Phòng Nước Trời mới, các thành viên của một hội thánh ở Honduras viết: “Chúng tôi rất hạnh phúc vì được là một phần trong gia đình hoàn vũ của Đức Giê-hô-va và được thuộc về đoàn thể anh em quốc tế tuyệt vời. Cả hai điều này góp phần biến giấc mơ của chúng tôi thành hiện thực, đó là có một Phòng Nước Trời trong khu vực của mình”. Nhiều anh chị thể hiện lòng biết ơn tương tự sau khi nhận được Kinh Thánh và những ấn phẩm trong ngôn ngữ của mình, sau khi nhận lợi ích từ công tác cứu trợ, hoặc sau khi thấy kết quả của việc làm chứng ở nơi công cộng và tại trung tâm thành phố trong khu vực.

17. Làm sao chúng ta biết Đức Giê-hô-va đang hỗ trợ tổ chức ngài ngày nay?

17 Những người quan sát không thể hiểu làm sao chúng ta có thể làm tất cả công việc ấy chỉ bằng tiền đóng góp. Sau khi tham quan một cơ sở in ấn của chúng ta, thành viên ban quản trị của một công ty lớn kinh ngạc khi biết tất cả công việc ấy được thực hiện bởi các tình nguyện viên, bởi tiền đóng góp, chứ không phải do kinh doanh hay việc huy động vốn. Ông nói rằng điều chúng ta đang làm thật ngoài sức tưởng tượng. Đúng vậy, điều đó chỉ có thể làm được với sự hỗ trợ của Đức Giê-hô-va.—Gióp 42:2.

ÂN PHƯỚC ĐẾN TỪ VIỆC DÂNG TẶNG CHO ĐỨC GIÊ-HÔ-VA

18. (a) Chúng ta nhận được những ân phước nào khi đóng góp để ủng hộ Nước Trời? (b) Bằng cách nào chúng ta có thể huấn luyện con cái và người mới để đóng góp?

18 Đức Giê-hô-va xem trọng chúng ta khi cho chúng ta cơ hội ủng hộ công việc vĩ đại đang được thực hiện ngày nay. Ngài đảm bảo rằng chúng ta sẽ nhận được ân phước khi ủng hộ Nước Trời (Mal 3:10). Đức Giê-hô-va hứa rằng những người dâng tặng cách rộng rãi sẽ được thịnh vượng. (Đọc Châm ngôn 11:24, 25). Việc dâng tặng cũng làm chúng ta hạnh phúc, vì “cho thì hạnh phúc hơn nhận” (Công 20:35). Qua lời nói và gương mẫu, chúng ta có đặc ân huấn luyện con cái và người mới để họ quý trọng việc đóng góp hầu hưởng được nhiều ân phước.

19. Bài này khích lệ anh chị như thế nào?

19 Mọi thứ chúng ta có đều đến từ Đức Giê-hô-va. Khi dâng điều mình có cho ngài, chúng ta cho thấy mình yêu thương ngài và biết ơn về mọi điều ngài làm vì lợi ích của chúng ta (1 Sử 29:17). Khi đóng góp cho việc xây đền thờ, “dân chúng vui mừng khi dâng những lễ vật tự nguyện ấy vì họ dâng cho Đức Giê-hô-va với cả tấm lòng” (1 Sử 29:9). Cũng vậy, mong sao chúng ta tiếp tục tìm được niềm vui và sự thỏa nguyện trong việc dâng cho Đức Giê-hô-va những gì mình nhận được từ ngài.