Họ tình nguyện đến—Madagascar
Chị Sylviana, một tiên phong ngoài 20 tuổi, nói: “Khi nghe bạn bè kể kinh nghiệm phụng sự ở nơi có nhu cầu cần người tiên phong, tôi cũng muốn nếm thử niềm vui ấy”. Chị nói thêm: “Nhưng tôi sợ rằng việc phụng sự ở nơi có nhu cầu lớn hơn nằm ngoài khả năng của mình”.
Anh chị có cảm thấy như chị Sylviana không? Có phải anh chị cũng muốn phụng sự ở nơi cần nhiều người rao giảng về Nước Trời, nhưng vẫn băn khoăn liệu mình sẽ đạt được mục tiêu đó hay không? Nếu thế thì đừng nản lòng! Với sự trợ giúp của Đức Giê-hô-va, hàng ngàn anh chị đã vượt qua trở ngại để mở rộng thánh chức. Để biết cách Đức Giê-hô-va mở đường cho một vài người trong số họ, chúng ta sẽ đến Madagascar, là đảo lớn thứ tư trên thế giới.
Trong mười năm qua, có hơn 70 người công bố và tiên phong sốt sắng từ 11 nước * đã đến phụng sự trong cánh đồng màu mỡ này ở châu Phi, nơi có nhiều người tôn trọng Kinh Thánh. Ngoài ra, nhiều người công bố địa phương cũng sẵn sàng chuyển đi để rao truyền thông điệp Nước Trời ra khắp hòn đảo rộng lớn này. Chúng ta hãy làm quen với một số anh chị.
VƯỢT QUA SỰ SỢ HÃI VÀ NẢN LÒNG
Vợ chồng anh Louis và chị Perrine, ngoài 30 tuổi, chuyển từ Pháp đến Madagascar. Trong nhiều năm, họ nghĩ đến việc chuyển ra nước ngoài để mở rộng thánh chức, nhưng chị Perrine còn ngần ngại. Chị cho biết: “Tôi sợ phải đến một nơi xa lạ. Tôi lo lắng về việc phải xa gia đình, hội thánh, chỗ ở, những nơi quen thuộc cũng như thay đổi nề nếp. Thật sự, việc lo lắng là trở ngại lớn nhất mà tôi phải vượt qua”. Năm 2012, chị Perrine thu hết can đảm để vợ chồng chị chuyển đi. Chị cảm thấy thế nào về quyết định của hai vợ chồng? Chị nói: “Khi nhìn lại, chúng tôi có thể thấy bàn tay của Đức Giê-hô-va trong đời sống mình và đây là một kinh nghiệm giúp củng cố đức tin”. Anh Louis nói thêm: “Khi chúng tôi tham dự Lễ Tưởng Niệm đầu tiên ở
Madagascar, có tới mười học viên Kinh Thánh của chúng tôi đã đến!”.Điều gì tiếp sức cho cặp vợ chồng này để ở lại nhiệm sở khi có vấn đề nảy sinh? Họ tha thiết cầu xin Đức Giê-hô-va ban sức để chịu đựng (Phi-líp 4:13). Anh Louis kể: “Chúng tôi cảm nghiệm được Đức Giê-hô-va đáp lời cầu nguyện và ban cho chúng tôi ‘sự bình an của ngài’. Nhờ thế, chúng tôi có thể tiếp tục tập trung vào thánh chức. Bạn bè ở quê nhà cũng gửi e-mail và thư từ để khuyến khích chúng tôi đừng bỏ cuộc”.—Phi-líp 4:6, 7; 2 Cô 4:7.
Đức Giê-hô-va ban thưởng dồi dào cho anh Louis và chị Perrine vì đã chịu đựng. Anh Louis nói: “Tháng 10 năm 2014, chúng tôi được mời về Pháp để tham dự Trường Kinh Thánh cho cặp vợ chồng. * Được tham dự trường này là món quà tuyệt vời từ Đức Giê-hô-va”. Sau khi tốt nghiệp, anh chị ấy rất vui mừng vì được bổ nhiệm trở lại Madagascar.
“CHÚNG CON SẼ RẤT TỰ HÀO!”
Một cặp vợ chồng trung niên là anh Didier và chị Nadine đã chuyển từ Pháp đến Madagascar vào năm 2010. Anh Didier nói: “Chúng tôi làm tiên phong khi còn trẻ và rồi phải nuôi dạy ba con. Khi các con trưởng thành, chúng tôi nghĩ đến việc phụng sự ở nước ngoài”. Chị Nadine thừa nhận: “Nghĩ đến việc phải xa các con khiến tôi ngần ngại, nhưng các con nói với chúng tôi: ‘Nếu ba mẹ chuyển ra nước ngoài để phụng sự ở nơi có nhu cầu lớn hơn, chúng con sẽ rất tự hào!’. Những lời của các con đã khuyến khích chúng tôi chuyển đi. Giờ đây, dù phải sống xa các con, nhưng chúng tôi rất vui vì có thể thường xuyên trò chuyện với chúng”.
Đối với anh Didier và chị Nadine, việc học tiếng Malagasy là một thách thức. Chị Nadine mỉm cười và nói: “Chúng tôi không còn ở tuổi 20 nữa”. Làm thế nào họ thành công? Đầu tiên, họ tham dự hội thánh tiếng Pháp. Sau đó, khi cảm thấy sẵn sàng dành thời gian học ngôn ngữ địa phương, họ chuyển sang hội thánh tiếng Malagasy. Chị Nadine nói: “Nhiều người mà chúng tôi gặp trong thánh chức rất thích học Kinh Thánh. Họ thường cám ơn vì chúng tôi đến thăm. Lúc đầu, tôi cứ nghĩ mình đang mơ. Tôi yêu thích công việc tiên phong ở đây. Khi thức dậy vào buổi sáng, tôi tự nhủ: ‘Thật tuyệt, hôm nay mình sẽ đi rao giảng!’”.
Anh Didier cười khi nhớ lại lúc bắt đầu học tiếng Malagasy. “Tôi điều khiển một buổi nhóm họp tại hội thánh nhưng không hiểu bất cứ câu trả lời nào của các anh chị. Tôi chỉ có thể nói: ‘Cám ơn’. Sau khi cám ơn một chị vì đã trả lời, những người ngồi sau chị ấy ra hiệu cho tôi biết rằng câu trả lời không chính xác. Tôi liền gọi một anh có câu trả lời đúng hơn. Tôi mong là vậy!”
CHỊ VUI VẺ NHẬN LỜI
Tại một hội nghị năm 2005, vợ chồng anh Thierry và chị Nadia xem vở kịch “Theo đuổi những mục tiêu tôn vinh Đức Chúa Trời”. Vở kịch Kinh Thánh ấy nói về Ti-mô-thê và đã động đến lòng họ cũng như khơi dậy trong họ ước muốn phụng ở nơi cần thêm người rao giảng. Anh Thierry nói: “Lúc vở kịch kết thúc, trong khi vỗ tay, tôi quay sang vợ và hỏi: ‘Mình sẽ đi đâu em?’. Vợ tôi nói rằng cô ấy cũng đang nghĩ về điều đó”. Không lâu sau, họ bắt đầu thực hiện các bước để đạt được mục tiêu của mình. Chị Nadia kể: “Chúng tôi giảm bớt các vật dụng cho đến khi vừa đủ bốn va-li!”.
Họ đến Madagascar vào năm 2006 và thích công việc thánh chức ngay từ đầu. Chị Nadia nói: “Những người mà chúng tôi gặp đem lại rất nhiều niềm vui cho chúng tôi”.
Nhưng sáu năm sau, cặp vợ chồng này đối mặt với một thử thách. Mẹ của chị Nadia là chị Marie-Madeleine, sống ở Pháp, bị ngã gãy tay và chấn thương ở đầu. Sau khi anh chị ấy nói chuyện với bác sĩ của mẹ, họ xin mẹ đến sống với họ ở Madagascar. Lúc đó, dù đã 80 tuổi, nhưng chị Marie-Madeleine vui vẻ nhận lời. Chị cảm thấy thế nào về việc sống ở nước ngoài? Chị nói: “Đôi khi khó thích nghi, nhưng tôi thấy mình có ích trong hội thánh dù sức khỏe có giới hạn. Điều khiến tôi thật sự hạnh phúc là việc mình đến sống với các con giúp chúng tiếp tục công việc thánh chức đầy kết quả”.
“TÔI CẢM NHẬN BÀN TAY TRỢ GIÚP CỦA ĐỨC GIÊ-HÔ-VA”
Riana là một anh ngoài 20 tuổi. Anh lớn lên ở Alaotra Mangoro, một vùng màu mỡ thuộc phía đông Madagascar. Anh học rất giỏi và muốn theo đuổi việc học lên cao. Nhưng sau khi học Kinh Thánh, anh đã thay đổi suy nghĩ. Anh kể: “Tôi cố gắng học xong trung học sớm và hứa nguyện với Đức Giê-hô-va: ‘Nếu đậu kỳ thi cuối cấp, con sẽ làm tiên phong’”. Sau khi tốt nghiệp, anh Riana đã giữ lời hứa. Anh chuyển đến nhà một anh tiên phong, và làm việc bán thời gian rồi bắt đầu công việc tiên phong. Anh nói: “Đó là quyết định tốt nhất mà tôi từng đưa ra”.
Tuy nhiên, người thân của anh Riana không hiểu tại sao anh không theo đuổi sự nghiệp ngoài đời. Anh kể: “Ba, chú và bà dì của tôi đều khuyến khích tôi theo đuổi việc học lên cao. Nhưng tôi không muốn ngưng làm tiên phong vì bất cứ điều gì”. Chẳng bao lâu, anh Riana muốn phụng sự ở nơi có nhu cầu lớn hơn. Điều gì giúp anh có ước muốn đó? Anh kể: “Kẻ trộm vào nhà và lấy nhiều đồ đạc của tôi. Sự việc này khiến tôi suy ngẫm về lời của Chúa Giê-su nói đến việc tích trữ ‘của báu ở trên trời’. Tôi quyết định nỗ lực hơn để được giàu có về thiêng liêng” (Mat 6:19, 20). Anh chuyển đến tận cùng miền nam của nước này, nơi bị ảnh hưởng bởi hạn hán, cách chỗ anh đang ở 1.300km. Đó là nơi mà người Antandroy sinh sống. Tại sao anh đến đó?
Một tháng trước khi bị trộm, anh Riana bắt đầu giúp hai người đàn ông Antandroy học Kinh Thánh. Anh học một số câu trong ngôn ngữ của họ, và cũng nghĩ đến nhiều người Antandroy vẫn chưa được biết thông điệp Nước Trời. Anh nói: “Tôi cầu xin Đức Giê-hô-va giúp mình chuyển đến vùng nói tiếng Tandroy”.
Anh Riana chuyển đi và ngay sau đó anh đối mặt với một trở ngại. Anh không tìm được việc. Một người đàn ông nói với anh: “Tại sao anh đến đây? Để tìm được việc, người ở đây còn phải đi đến nơi của anh!”. Hai tuần sau, anh Riana rời nơi đó để tham dự hội nghị vùng mà gần như không một xu dính túi, anh không biết sẽ phải làm gì. Vào ngày cuối của hội nghị, một anh đã nhét cái gì đó vào túi áo khoác của anh Riana. Đó là số tiền lớn, đủ cho anh đi xe trở về vùng Antandroy và bắt đầu công việc bán sữa chua. Anh Riana nói: “Tôi cảm nhận bàn tay trợ giúp của Đức Giê-hô-va vào đúng lúc. Tôi có thể tiếp tục giúp những người chưa có cơ hội học về Đức Giê-hô-va”. Cũng có nhiều việc để làm trong hội thánh. Anh nói tiếp: “Cứ hai tuần tôi lại được giao bài diễn văn công cộng. Đức Giê-hô-va huấn luyện tôi qua tổ chức của ngài”.
Ngày nay, anh Riana vẫn đang chia sẻ thông điệp Nước Trời với nhiều người nói tiếng Tandroy muốn học về Đức Giê-hô-va.“ĐƯỢC CHÚC PHƯỚC NHÂN DANH ĐỨC CHÚA TRỜI CHÂN THẬT”
Đức Giê-hô-va đảm bảo với chúng ta: “Ai trên đất tìm lời chúc phước sẽ được chúc phước nhân danh Đức Chúa Trời chân thật” (Ê-sai 65:16). Khi nỗ lực vượt qua trở ngại để mở rộng thánh chức, chúng ta sẽ cảm nghiệm được ân phước của Đức Giê-hô-va. Hãy xem trường hợp của chị Sylviana được đề cập ở đầu bài. Hãy nhớ là chị đã sợ rằng việc phụng sự ở nơi có nhu cầu lớn hơn nằm ngoài khả năng của mình. Tại sao chị nghĩ như thế? Chị cho biết: “Chân trái của tôi ngắn hơn chân phải khoảng 9cm. Vì thế, tôi đi khập khiễng và dễ kiệt sức”.
Nhưng vào năm 2014, chị Sylviana cùng với chị Sylvie Ann, một tiên phong trẻ cùng hội thánh, chuyển đến một làng nhỏ cách nhà 85km. Bất kể trở ngại, mơ ước của chị Sylviana đã thành hiện thực, và chị nhận được ân phước. Chị kể: “Chỉ sau một năm tôi phụng sự tại nhiệm sở mới, chị Doratine là học viên Kinh Thánh của tôi đã báp-têm tại hội nghị vòng quanh”.
‘TA SẼ GIÚP ĐỠ CON’
Như các anh chị ở trên, khi cố gắng vượt qua trở ngại để mở rộng thánh chức, chính chúng ta sẽ cảm nghiệm sự chân thật trong lời Đức Giê-hô-va hứa với các tôi tớ ngài: “Ta sẽ thêm sức cho con, phải, ta sẽ giúp đỡ” (Ê-sai 41:10). Nhờ thế, mối quan hệ giữa chúng ta với Đức Giê-hô-va sâu đậm hơn. Ngoài ra, khi sẵn sàng tình nguyện phụng sự ở nơi mình sống hoặc nước ngoài, chúng ta sẽ được chuẩn bị cho các hoạt động thần quyền trong thế giới mới. Anh Didier, được đề cập ở trên, nói: “Việc phụng sự ở nơi có nhu cầu lớn hơn là sự huấn luyện tốt cho tương lai!”. Mong sao sắp tới có thêm nhiều anh chị tình nguyện sẽ nhận được sự huấn luyện ấy!
^ đ. 4 Những anh chị này đến từ Canada, Cộng hòa Séc, Pháp, Đức, Guadeloupe, Luxembourg, New Caledonia, Thụy Điển, Thụy Sĩ, Vương quốc Anh và Hoa Kỳ.
^ đ. 8 Nay được thay bằng Trường dành cho người rao truyền Nước Trời. Những anh chị đang phụng sự trọn thời gian ở nước ngoài và hội đủ điều kiện thì có thể nộp đơn tham dự trường này tại nước của họ hoặc nước khác, nơi mà trường này được tổ chức trong tiếng mẹ đẻ của họ.