Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

Sự hợp nhất tuyệt vời và Lễ Tưởng Niệm

Sự hợp nhất tuyệt vời và Lễ Tưởng Niệm

“Tốt đẹp, vui vẻ biết bao, cảnh anh em chung sống thuận hòa!”—THI 133:1.

BÀI HÁT: 18, 14

1, 2. Trong năm 2018, sự kiện nào sẽ hợp nhất chúng ta một cách đáng kinh ngạc, và tại sao? (Xem hình nơi đầu bài).

Vào ngày 31-3-2018, hàng triệu người trên khắp thế giới sẽ tham dự một sự kiện diễn ra mỗi năm một lần. Sau khi mặt trời lặn, dân của Đức Chúa Trời và nhiều người chú ý sẽ nhóm lại để tưởng nhớ sự hy sinh của Chúa Giê-su. Hằng năm, Lễ Tưởng Niệm sự hy sinh của Chúa Giê-su hợp nhất chúng ta một cách đáng kinh ngạc, hơn bất cứ sự kiện nào trên đất.

2 Hẳn Đức Giê-hô-va và Chúa Giê-su vui mừng biết bao khi chứng kiến giờ này qua giờ khác hàng triệu người trên đất tham dự sự kiện đặc biệt này cho đến hết ngày hôm đó. Kinh Thánh báo trước rằng “một đám đông lớn không ai đếm được, từ mọi nước, mọi chi phái, mọi dân và mọi thứ tiếng” sẽ hô lớn: “Sự cứu rỗi đến từ Đức Chúa Trời chúng ta, là đấng ngồi trên ngai, và từ Chiên Con” (Khải 7:9, 10). Thật tuyệt vời khi Đức Giê-hô-va và Chúa Giê-su được tôn vinh qua Lễ Tưởng Niệm được cử hành hằng năm!

3. Bài này sẽ giải đáp những câu hỏi nào?

3 Bài này sẽ giải đáp một số câu hỏi được nêu lên. (1) Làm sao để chính chúng ta có thể chuẩn bị cho Lễ Tưởng Niệm và nhận lợi ích khi tham dự? (2) Lễ Tưởng Niệm tác động thế nào đến sự hợp nhất của dân Đức Chúa Trời? (3) Mỗi chúng ta có thể góp phần vào sự hợp nhất ra sao? (4) Sẽ có Lễ Tưởng Niệm cuối cùng không? Nếu có thì khi nào?

LÀM SAO ĐỂ CHUẨN BỊ VÀ NHẬN LỢI ÍCH KHI THAM DỰ?

4. Tại sao có mặt tại Lễ Tưởng Niệm là điều quan trọng?

4 Hãy suy ngẫm về tầm quan trọng của việc tham dự Lễ Tưởng Niệm. Hãy nhớ rằng các buổi nhóm họp tại hội thánh là một phần trong sự thờ phượng của chúng ta. Chắc chắn, Đức Giê-hô-va và Chúa Giê-su chú ý đến những ai nỗ lực để tham dự buổi họp quan trọng nhất này trong năm. Trừ khi hoàn cảnh hoặc tình trạng sức khỏe khiến mình không thể tham dự, chúng ta muốn cho hai đấng ấy thấy mình sẽ có mặt tại Lễ Tưởng Niệm. Khi cho thấy các buổi nhóm họp là quan trọng đối với mình, chúng ta cho Đức Giê-hô-va thêm lý do để giữ tên của mình trong “cuốn sách để kỷ niệm”, tức “sách sự sống”, là sách có tên của những người có triển vọng nhận sự sống vĩnh cửu.—Mal 3:16; Khải 20:15.

5. Trong những ngày trước Lễ Tưởng Niệm, làm thế nào chúng ta có thể “tra xét xem mình có đang ở trong đức tin không”?

5 Trong những ngày trước Lễ Tưởng Niệm, chúng ta có thể dành thời gian cầu nguyện và xem xét kỹ mối quan hệ của mình với Đức Giê-hô-va. (Đọc 2 Cô-rinh-tô 13:5). Chúng ta có thể làm thế bằng cách nào? Bằng cách “tra xét xem mình có đang ở trong đức tin không”. Để làm thế, hãy tự hỏi: “Mình có thật sự tin rằng đây là tổ chức duy nhất mà Đức Giê-hô-va chọn để thi hành ý muốn của ngài không? Mình có đang cố gắng hết sức để rao giảng và dạy dỗ tin mừng về Nước Trời không? Hành động của mình có cho thấy mình thật sự tin rằng đây là những ngày sau cùng và sự cai trị của Sa-tan sắp chấm dứt không? Mình có còn tin chắc nơi Đức Giê-hô-va và Chúa Giê-su như lúc mới dâng mình cho Đức Giê-hô-va không?” (Mat 24:14; 2 Ti 3:1; Hê 3:14). Suy ngẫm lời giải đáp cho những câu hỏi như thế sẽ giúp chúng ta luôn chứng minh mình là loại người nào.

6. (a) Đâu là con đường duy nhất dẫn đến sự sống? (b) Một trưởng lão chuẩn bị cho Lễ Tưởng Niệm mỗi năm như thế nào, và anh chị có thể làm điều tương tự ra sao?

6 Hãy đọc và suy ngẫm những tài liệu dựa trên Kinh Thánh thảo luận về tầm quan trọng của Lễ Tưởng Niệm. (Đọc Giăng 3:16; 17:3). Con đường duy nhất dẫn đến sự sống vĩnh cửu là “tìm hiểu” về Đức Giê-hô-va và “thể hiện đức tin” nơi Chúa Giê-su, Con một của ngài. Để chuẩn bị cho Lễ Tưởng Niệm, sao không chọn một số đề tài học hỏi có thể giúp anh chị đến gần hai đấng ấy? Hãy xem xét điều mà một trưởng lão lâu năm đã làm. Trong nhiều năm, anh đã thu thập các bài Tháp Canh thảo luận về Lễ Tưởng Niệm và tình yêu thương mà Đức Giê-hô-va và Chúa Giê-su dành cho chúng ta. Vài tuần trước Lễ Tưởng Niệm, anh đọc lại các bài này và suy ngẫm tầm quan trọng của buổi lễ. Thỉnh thoảng, anh bổ sung vài bài vào bộ sưu tập của mình. Anh thấy rằng khi đọc lại những bài này cũng như đọc và suy ngẫm phần đọc Kinh Thánh vào mùa Lễ Tưởng Niệm, anh học được vài điều mới mỗi năm. Quan trọng nhất, anh cảm thấy tình yêu thương của mình dành cho Đức Giê-hô-va và Chúa Giê-su sâu đậm hơn mỗi năm. Việc học hỏi như thế cũng có thể giúp anh chị vun đắp tình yêu thương và lòng biết ơn dành cho Đức Giê-hô-va và Chúa Giê-su, nhờ thế anh chị được lợi ích trọn vẹn hơn từ Lễ Tưởng Niệm.

LỄ TƯỞNG NIỆM TÁC ĐỘNG ĐẾN SỰ HỢP NHẤT

7. (a) Vào đêm Bữa Ăn Tối Của Chúa được thiết lập, Chúa Giê-su cầu nguyện về điều gì? (b) Điều gì cho thấy Đức Giê-hô-va đáp lời cầu nguyện của Chúa Giê-su?

7 Vào đêm Bữa Ăn Tối Của Chúa được thiết lập, Chúa Giê-su dâng lời cầu nguyện đặc biệt. Ngài cầu nguyện về sự hợp nhất quý báu giữa ngài và Cha. Chúa Giê-su cũng cầu nguyện cho tất cả các môn đồ có sự hợp nhất như thế. (Đọc Giăng 17:20, 21). Chắc chắn Đức Giê-hô-va đáp lời cầu nguyện ấy của Con ngài và giờ đây có hàng triệu người tin rằng ngài đã phái Con đến. Hơn bất cứ buổi nhóm họp nào, Lễ Tưởng Niệm cho thấy rõ Nhân Chứng Giê-hô-va có sự hợp nhất. Vào ngày đó, người thuộc nhiều màu da, chủng tộc đều nhóm lại ở các nơi trên khắp đất. Ở một số nơi, những người khác chủng tộc nhóm lại tại buổi lễ tôn giáo là điều chưa từng xảy ra, hoặc nếu có thì cũng bị người khác xem thường. Nhưng trước mắt Đức Giê-hô-va và Chúa Giê-su, sự hợp nhất như thế là điều tốt đẹp!

8. Liên quan đến sự hợp nhất, Đức Giê-hô-va ban cho Ê-xê-chi-ên thông điệp nào?

8 Là dân của Đức Giê-hô-va, chúng ta không ngạc nhiên về sự hợp nhất mà mình có được. Thật ra, Đức Giê-hô-va đã báo trước điều đó. Hãy xem xét thông điệp ngài ban cho nhà tiên tri Ê-xê-chi-ên liên quan đến việc ráp hai thanh gỗ lại với nhau, tức thanh gỗ “cho Giu-đa” với thanh gỗ “cho Giô-sép”. (Đọc Ê-xê-chi-ên 37:15-17). Bài “Độc giả thắc mắc” trong Tháp Canh tháng 7 năm 2016 giải thích: “Đức Giê-hô-va ban cho Ê-xê-chi-ên một thông điệp mang lại hy vọng, đó là lời hứa về sự hợp nhất của dân Y-sơ-ra-ên sau khi được trở lại Đất Hứa. Thông điệp ấy cũng báo trước về sự hợp nhất của dân Đức Chúa Trời, bắt đầu xảy ra trong những ngày sau cùng”.

9. Vào Lễ Tưởng Niệm hằng năm, sự hợp nhất mà Ê-xê-chi-ên báo trước được thấy rõ ra sao?

9 Kể từ năm 1919, trước tiên Đức Giê-hô-va dần tái tổ chức và hợp nhất những người được xức dầu, tượng trưng bởi thanh gỗ “cho Giu-đa”. Sau đó, ngày càng có nhiều người có hy vọng sống trên đất kết hợp với người được xức dầu. Những người có hy vọng này được tượng trưng bởi thanh gỗ “cho Giô-sép”. Đức Giê-hô-va hứa sẽ ráp hai thanh này lại thành một trong tay ngài (Êxê 37:19). Ngài hợp những người được xức dầu và “chiên khác” lại thành “một bầy” (Giăng 10:16; Xa 8:23). Hiện nay, cả hai nhóm phụng sự hợp nhất dưới sự cai trị của một Vua, là Chúa Giê-su Ki-tô, người được gọi là ‘Đa-vít tôi tớ Đức Chúa Trời’ trong lời tiên tri của Ê-xê-chi-ên (Êxê 37:24, 25). Sự hợp nhất quý báu mà Ê-xê-chi-ên miêu tả được thấy rõ mỗi năm khi người được xức dầu còn sót lại và “chiên khác” cử hành Lễ Tưởng Niệm sự hy sinh của Đấng Ki-tô! Nhưng mỗi chúng ta có thể làm gì để gìn giữ và đẩy mạnh sự hợp nhất ấy?

CÁCH ĐẨY MẠNH SỰ HỢP NHẤT

10. Bằng cách nào chúng ta có thể đẩy mạnh sự hợp nhất trong vòng dân Đức Chúa Trời?

10 Một cách chúng ta có thể đẩy mạnh sự hợp nhất trong vòng dân Đức Chúa Trời là vun trồng tính khiêm nhường. Khi còn ở trên đất, Chúa Giê-su khuyên các môn đồ phải hạ mình xuống (Mat 23:12). Nếu có lòng khiêm nhường, chúng ta sẽ không xem mình quan trọng hơn người khác. Chúng ta sẽ phục tùng những người dẫn đầu, và tinh thần vâng lời như thế là điều thiết yếu để hội thánh được hợp nhất. Trên hết, sự khiêm nhường sẽ làm Đức Chúa Trời hài lòng, vì ngài “chống lại kẻ cao ngạo nhưng tỏ lòng nhân từ bao la với người khiêm nhường”.—1 Phi 5:5.

11. Làm thế nào việc suy ngẫm về ý nghĩa của các món biểu tượng giúp đẩy mạnh sự hợp nhất?

11 Cách thứ hai để đẩy mạnh sự hợp nhất là suy ngẫm về ý nghĩa của các món biểu tượng trong Lễ Tưởng Niệm. Vào trước và đặc biệt trong đêm diễn ra buổi lễ đó, hãy suy ngẫm về ý nghĩa của bánh không men và rượu nho đỏ (1 Cô 11:23-25). Bánh tượng trưng cho thân thể hoàn toàn của Chúa Giê-su được dâng lên làm vật tế lễ, và rượu tượng trưng cho huyết ngài đổ ra. Nhưng biết ý nghĩa của món biểu tượng thôi thì chưa đủ. Hãy nhớ rằng sự hy sinh làm giá chuộc của Chúa Giê-su cho thấy hai hành động cao cả nhất về tình yêu thương: Đó là việc Đức Giê-hô-va hy sinh Con ngài vì chúng ta và Chúa Giê-su sẵn sàng hy sinh mạng sống cho chúng ta. Việc suy ngẫm về hai hành động yêu thương này thúc đẩy chúng ta yêu thương hai đấng ấy. Tình yêu thương mà mỗi người dành cho Đức Giê-hô-va gắn kết chúng ta lại với nhau và củng cố sự hợp nhất.

Khi tha thứ, chúng ta đẩy mạnh sự hợp nhất (Xem đoạn 12, 13)

12. Trong minh họa về vị vua và đầy tớ, làm thế nào Chúa Giê-su cho thấy rõ rằng Đức Giê-hô-va đòi hỏi chúng ta phải tha thứ?

12 Cách thứ ba để đẩy mạnh sự hợp nhất là sẵn sàng tha thứ cho người khác. Khi làm thế, chúng ta cho thấy mình biết ơn về việc Đức Giê-hô-va tha thứ tội lỗi qua sự hy sinh của Chúa Giê-su. Hãy xem xét một minh họa của Chúa Giê-su nơi Ma-thi-ơ 18:23-34. Hãy tự hỏi: “Mình có được thúc đẩy để áp dụng những điều Chúa Giê-su dạy không? Mình có kiên nhẫn và cảm thông cho anh em đồng đạo không? Mình có sẵn sàng tha thứ cho những ai phạm lỗi với mình không?”. Đành rằng có nhiều mức độ phạm lỗi khác nhau và một số lỗi là rất khó để người bất toàn tha thứ. Nhưng minh họa này dạy chúng ta điều mà Đức Giê-hô-va đòi hỏi. (Đọc Ma-thi-ơ 18:35). Chúa Giê-su cho thấy rõ rằng Đức Giê-hô-va sẽ không tha thứ cho chúng ta nếu chúng ta không tha thứ cho anh em khi có lý do chính đáng để làm vậy. Điều này đáng để chúng ta suy nghĩ nghiêm túc. Khi tha thứ người khác như Chúa Giê-su dạy, chúng ta bảo vệ và gìn giữ sự hợp nhất quý báu.

13. Bằng cách nào chúng ta tạo sự hòa thuận hầu đẩy mạnh sự hợp nhất?

13 Khi tha thứ người khác, chúng ta đang tạo sự hòa thuận. Hãy nhớ lời khuyên của sứ đồ Phao-lô là chúng ta nên “cố gắng hết sức gìn giữ sự hiệp một có được nhờ thần khí trong mối liên kết của sự hòa thuận” (Ê-phê 4:3). Trong mùa Lễ Tưởng Niệm này và đặc biệt vào đêm cử hành Lễ Tưởng Niệm, hãy suy ngẫm cách chúng ta đối xử với người khác. Hãy tự hỏi: “Mình có cho thấy mình là người không nuôi lòng oán giận không? Mình có được biết đến là người nỗ lực đẩy mạnh sự hòa thuận và hợp nhất không?”. Hãy suy ngẫm những câu hỏi quan trọng ấy.

14. Làm thế nào chúng ta cho thấy mình “chịu đựng nhau bằng tình yêu thương”?

14 Cách thứ tư để đẩy mạnh sự hợp nhất là thể hiện tình yêu thương theo gương của Đức Giê-hô-va, Đức Chúa Trời yêu thương (1 Giăng 4:8). Chúng ta không bao giờ muốn nói: “Tôi phải yêu thương họ nhưng tôi không cần phải thích họ!”. Lối suy nghĩ này trái với lời khuyên của Phao-lô là chúng ta nên “chịu đựng nhau bằng tình yêu thương” (Ê-phê 4:2). Hãy lưu ý là Phao-lô không chỉ nói chúng ta “chịu đựng nhau” mà còn nói chúng ta nên làm thế “bằng tình yêu thương”. Có sự khác biệt giữa hai điều này. Trong hội thánh, có nhiều loại người khác nhau và Đức Giê-hô-va đã kéo họ đến (Giăng 6:44). Chắc chắn ngài thấy họ đáng quý. Vậy sao chúng ta có thể nói họ không xứng đáng được chúng ta yêu thương? Chúng ta nên sốt sắng yêu thương họ theo cách Đức Giê-hô-va muốn mình làm.—1 Giăng 4:20, 21.

KHI NÀO LÀ LỄ TƯỞNG NIỆM CUỐI CÙNG?

15. Làm sao chúng ta biết sẽ có Lễ Tưởng Niệm cuối cùng?

15 Đến một ngày, Lễ Tưởng Niệm sẽ được cử hành lần cuối. Làm sao chúng ta biết? Trong lá thư thứ nhất gửi cho tín đồ ở Cô-rinh-tô, Phao-lô viết cho những tín đồ được xức dầu rằng qua việc tưởng nhớ sự chết của Chúa Giê-su mỗi năm, họ “tiếp tục rao truyền về sự chết của Chúa, cho tới khi ngài đến” (1 Cô 11:26). Tương tự, Chúa Giê-su cũng nói về sự kiện ngài “đến” trong lời tiên tri về thời kỳ cuối cùng. Về hoạn nạn lớn sắp tới, ngài nói: “Dấu hiệu của Con Người sẽ xuất hiện trên trời và mọi dân tộc trên đất sẽ đấm ngực than khóc, họ sẽ thấy Con Người đến trong các đám mây trên trời, với quyền lực và đầy vinh hiển. [Chúa Giê-su] sẽ sai thiên sứ đi, và với một tiếng kèn lớn, họ sẽ thu nhóm những người được chọn của ngài từ khắp bốn phương, từ chân trời này đến chân trời kia” (Mat 24:29-31). Việc “thu nhóm những người được chọn” nói đến thời điểm mà tất cả người được xức dầu vẫn còn ở trên đất sẽ nhận phần thưởng trên trời. Điều này sẽ xảy ra sau giai đoạn đầu của hoạn nạn lớn và trước trận chiến Ha-ma-ghê-đôn. Rồi tất cả 144.000 người sẽ cùng với Chúa Giê-su chinh phục các vua trên đất (Khải 17:12-14). Lễ Tưởng Niệm mà chúng ta tham dự trước khi Chúa Giê-su “đến” để thu nhóm những người được xức dầu còn sót lại sẽ là Lễ Tưởng Niệm cuối cùng.

16. Tại sao anh chị quyết tâm có mặt tại Lễ Tưởng Niệm năm nay?

16 Chúng ta hãy quyết tâm có mặt tại Lễ Tưởng Niệm vào ngày 31-3-2018. Hãy cầu xin Đức Giê-hô-va giúp chúng ta tiếp tục góp phần vào sự hợp nhất của dân ngài. (Đọc Thi thiên 133:1). Hãy nhớ rằng vào một ngày, Lễ Tưởng Niệm mà chúng ta cử hành sẽ là Lễ Tưởng Niệm cuối cùng. Trong lúc này, mong sao chúng ta cố gắng tham dự và trân trọng sự hợp nhất tuyệt vời tại Lễ Tưởng Niệm.