Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

“Ngài ban sức mạnh cho người mòn mỏi”

“Ngài ban sức mạnh cho người mòn mỏi”

Câu Kinh Thánh cho năm 2018: “Ai trông cậy Đức Giê-hô-va sẽ được lại sức”.Ê-SAI 40:31.

BÀI HÁT: 3, 47

1. Chúng ta phải đương đầu với vấn đề nào, nhưng tại sao Đức Giê-hô-va hài lòng về các tôi tớ trung thành? (Xem hình nơi đầu bài).

Chắc chắn chúng ta không tránh được vấn đề khi sống trong thế gian này. Nhiều anh chị đang bị bệnh nặng. Những người khác thì dù đã lớn tuổi nhưng đang chăm sóc cho người thân già yếu. Trong khi đó, một số anh chị phải vật lộn để chu cấp nhu cầu cơ bản cho gia đình. Có những anh chị phải đương đầu không chỉ với một vấn đề mà nhiều vấn đề ấy cùng lúc. Điều đó khiến họ tiêu hao nhiều thời gian, năng lực, chưa kể đến tiền bạc. Dù vậy, anh chị vẫn tin chắc nơi lời hứa của Đức Chúa Trời, và đức tin của anh chị về một tương lai tươi sáng không hề lay chuyển. Hẳn Đức Giê-hô-va hài lòng biết bao!

2. Ê-sai 40:29 cho chúng ta sự khích lệ nào, nhưng chúng ta có thể mắc sai lầm nghiêm trọng nào?

2 Tuy nhiên, có khi nào anh chị bị kiệt sức trước các áp lực của đời sống không? Nếu có, trường hợp của anh chị không phải là duy nhất. Kinh Thánh cho biết một số tôi tớ trung thành trong quá khứ cũng cảm thấy không thể bước tiếp (1 Vua 19:4; Gióp 7:7). Nhưng thay vì bỏ cuộc, họ hướng đến Đức Giê-hô-va để được ban sức. Họ đã không thất vọng, vì Đức Chúa Trời chúng ta “ban sức mạnh cho người mòn mỏi” (Ê-sai 40:29). Đáng buồn là một số người trong vòng dân Đức Chúa Trời ngày nay kết luận rằng cách tốt nhất để đối phó với những áp lực trong đời sống là tạm ngưng các hoạt động thiêng liêng một thời gian, như thể các hoạt động của đạo Đấng Ki-tô là gánh nặng chứ không phải ân phước. Vì thế, họ ngưng đọc Lời Đức Chúa Trời, tham dự nhóm họp và tham gia thánh chức, đúng như điều Sa-tan muốn.

3. (a) Làm thế nào chúng ta tránh để Sa-tan khiến mình suy yếu? (b) Bài này sẽ xem xét điều gì?

3 Ác Quỷ biết rõ rằng chúng ta sẽ được thêm sức khi tham gia trọn vẹn vào các hoạt động của đạo Đấng Ki-tô, và hắn không muốn điều đó. Vì thế, khi cảm thấy kiệt quệ về thể chất lẫn tinh thần, đừng tách khỏi Đức Giê-hô-va. Hơn bao giờ hết, hãy đến gần ngài hơn, vì “ngài sẽ làm anh em vững vàng, ngài sẽ làm anh em mạnh mẽ” (1 Phi 5:10; Gia 4:8). Bài này sẽ xem xét hai tình huống có thể khiến chúng ta chậm lại trong việc phụng sự Đức Chúa Trời, và việc áp dụng các nguyên tắc Kinh Thánh giúp chúng ta đương đầu ra sao. Nhưng trước tiên, chúng ta hãy tập trung vào việc Đức Giê-hô-va có khả năng củng cố chúng ta, như được nói đến trong Ê-sai 40:26-31.

AI TRÔNG CẬY ĐỨC GIÊ-HÔ-VA SẼ ĐƯỢC LẠI SỨC

4. Chúng ta rút ra bài học nào từ Ê-sai 40:26?

4 Đọc Ê-sai 40:26. Không ai có thể đếm hết các ngôi sao trên trời. Các nhà khoa học tin rằng chỉ riêng dải Ngân Hà của chúng ta có thể chứa tới 400 tỉ ngôi sao. Thế mà Đức Giê-hô-va đặt tên cho từng ngôi sao. Bài học là gì? Nếu Đức Giê-hô-va quan tâm đến các tạo vật vô tri, thì ngài còn quan tâm đến anh chị nhiều hơn biết bao! Anh chị không bị buộc để phụng sự ngài nhưng phụng sự vì yêu thương ngài (Thi 19:1, 3, 14). Cha yêu thương của chúng ta biết rất rõ anh chị. Kinh Thánh nói: “Ngay cả tóc trên đầu anh em cũng được [ngài] đếm hết rồi” (Mat 10:30). Người viết Thi thiên cũng đảm bảo với chúng ta: “Đức Giê-hô-va biết cảnh ngộ người trọn vẹn” (Thi 37:18). Thật vậy, ngài thấy các thử thách mà anh chị đối mặt, và ngài có thể ban sức để anh chị chịu đựng mỗi thử thách ấy.

5. Làm thế nào chúng ta tin chắc rằng Đức Giê-hô-va có thể ban sức cho mình?

5 Đọc Ê-sai 40:28. Đức Giê-hô-va là Nguồn của năng lượng. Chẳng hạn, hãy xem năng lượng mà ngài cung cấp cho mặt trời. Một tác giả viết về khoa học là ông David Bodanis nói rằng mỗi giây, năng lượng mà mặt trời phát ra tương đương với hàng tỉ quả bom nguyên tử. Một nhà nghiên cứu khác đã ước tính rằng ‘năng lượng mà mặt trời tỏa ra trong một giây đủ để đáp ứng nhu cầu của nhân loại trong 200.000 năm’. Chắc chắn, đấng “cung cấp nhiên liệu” cho mặt trời có thể ban sức cần thiết cho chúng ta để đương đầu với bất cứ vấn đề nào.

6. Ách của Chúa Giê-su dễ chịu theo nghĩa nào, và điều này tác động đến cá nhân anh chị ra sao?

6 Đọc Ê-sai 40:29. Việc phụng sự Đức Giê-hô-va mang lại nhiều niềm vui. Chúa Giê-su nói với các môn đồ: “Hãy mang ách của tôi”. Ngài nói thêm: “Anh em sẽ được lại sức, vì ách của tôi dễ chịu và gánh của tôi nhẹ nhàng” (Mat 11:28-30). Những lời ấy thật đúng làm sao! Đôi khi, chúng ta có thể mệt mỏi khi rời nhà để tham dự nhóm họp hay tham gia thánh chức. Nhưng chúng ta cảm thấy thế nào khi trở về? Chúng ta cảm thấy được lại sức, và được trang bị tốt hơn để đương đầu với thử thách trong đời sống. Ách của Chúa Giê-su quả thật rất dễ chịu!

7. Hãy kể lại một kinh nghiệm cho thấy những lời nơi Ma-thi-ơ 11:28-30 là chân thật.

7 Một chị, tạm gọi là Kayla, phải vật lộn với chứng mệt mỏi kinh niên, trầm cảm và đau nửa đầu. Thế nên, đôi khi chị thấy khó tham dự nhóm họp. Tuy nhiên, sau khi nỗ lực hết sức để tham dự một buổi họp công cộng, chị viết: “Bài giảng nói về sự nản lòng. Thông tin được trình bày theo cách thể hiện sự đồng cảm và quan tâm, khiến tôi rơi lệ. Điều này nhắc nhở tôi rằng mình cần có mặt ở các buổi họp”. Chị vui mừng biết bao vì đã nỗ lực để tham dự nhóm họp!

8, 9. Ý của sứ đồ Phao-lô là gì qua những lời: “Khi tôi yếu đuối chính là lúc tôi mạnh mẽ”?

8 Đọc Ê-sai 40:30. Cho dù tài năng đến đâu, nhưng với sức riêng, chúng ta chỉ làm được rất ít việc. Đây là bài học cho tất cả chúng ta. Dù là người tài năng, sứ đồ Phao-lô cũng có những giới hạn cản trở ông làm mọi điều mình muốn. Khi ông giãi bày nỗi lòng cho Đức Chúa Trời, ngài phán với ông: “Quyền năng của ta trở nên trọn vẹn trong sự yếu đuối”. Phao-lô đã hiểu ra và kết luận: “Khi tôi yếu đuối chính là lúc tôi mạnh mẽ” (2 Cô 12:7-10). Ý của ông là gì qua những lời ấy?

9 Phao-lô nhận ra rằng ông sẽ chẳng làm được nhiều nếu không có sự trợ giúp của một nguồn cao hơn. Thần khí thánh của Đức Chúa Trời có thể ban cho Phao-lô sức lực khi ông yếu đuối. Không những vậy, thần khí còn có thể thêm sức cho Phao-lô để thực hiện những việc mà ông sẽ không bao giờ hoàn thành được bằng sức riêng. Chúng ta cũng vậy. Nếu được Đức Giê-hô-va ban sức, chúng ta sẽ thật sự mạnh mẽ!

10. Đức Giê-hô-va đã giúp đỡ Đa-vít ra sao để đương đầu với thử thách?

10 Người viết Thi thiên là Đa-vít thường cảm nghiệm quyền lực của thần khí thánh. Ông hát: “Nhờ sự giúp đỡ ngài, con đánh toán giặc cướp; nhờ sức Đức Chúa Trời, con vượt bức tường cản” (Thi 18:29). Có một số bức tường, hay vấn đề, mà chúng ta không thể vượt qua bằng sức riêng nhưng cần sự giúp đỡ của Đức Giê-hô-va.

11. Bằng cách nào thần khí thánh giúp chúng ta đối phó với vấn đề?

11 Đọc Ê-sai 40:31. Chim đại bàng không chỉ dùng sức riêng để bay trên những chặng đường dài. Một luồng khí nóng nâng nó lên, giúp nó tiết kiệm sức. Vì thế, khi đối mặt với một vấn đề khó khăn, hãy nhớ đến chim đại bàng. Hãy nài xin Đức Giê-hô-va ban sức cho anh chị qua “sự trợ giúp, là thần khí thánh” (Giăng 14:26). Đáng mừng là chúng ta có thể cầu xin ngài bất cứ khi nào mình cần, 24 giờ trong ngày. Chúng ta có thể thấy cần sự giúp đỡ của Đức Chúa Trời nhất là khi có mâu thuẫn với anh em đồng đạo. Nhưng tại sao những mâu thuẫn như thế xảy ra?

12, 13. (a) Tại sao mâu thuẫn xảy ra giữa các tín đồ? (b) Lời tường thuật về Giô-sép dạy chúng ta điều gì về Đức Giê-hô-va?

12 Vì tất cả chúng ta đều bất toàn nên mâu thuẫn giữa các cá nhân là điều không thể tránh khỏi. Do đó, có lúc chúng ta bực bội trước lời nói hay hành động của anh em đồng đạo, hoặc họ khó chịu bởi lời nói hay hành động của chúng ta. Điều này có thể là thách đố. Nhưng đây là cơ hội để chúng ta chứng tỏ lòng trung thành với Đức Giê-hô-va. Bằng cách nào? Bằng cách tập làm việc hợp nhất với anh em đồng đạo. Đức Giê-hô-va yêu mến họ dù họ bất toàn, nên mình cũng cần làm thế.

Đức Giê-hô-va không bỏ rơi Giô-sép, ngài cũng không bỏ rơi anh chị (Xem đoạn 13)

13 Việc Đức Giê-hô-va để cho tôi tớ ngài gặp thử thách được thấy qua lời tường thuật về Giô-sép. Khi còn trẻ, Giô-sép bị các anh cùng cha khác mẹ bán làm nô lệ chỉ vì ghen tị, và bị đưa đến Ai Cập (Sáng 37:28). Đức Giê-hô-va thấy điều đang diễn ra và chắc chắn ngài buồn khi thấy bạn ngài, là chàng Giô-sép công chính, bị đối xử bất công. Dù vậy, ngài không can thiệp. Sau này, khi Giô-sép bị vu oan là toan cưỡng hiếp vợ Phô-ti-pha và bị bỏ tù, Đức Giê-hô-va vẫn không can thiệp. Nhưng có bao giờ Đức Chúa Trời bỏ rơi Giô-sép không? Hoàn toàn không. Ngược lại, “Đức Giê-hô-va khiến mọi việc [Giô-sép] làm đều thành công”.—Sáng 39:21-23.

14. Việc “thôi giận” có thể mang lại những lợi ích nào về thể chất lẫn thiêng liêng?

14 Sau đây là trường hợp khác. Ít có ai bị đối xử tồi tệ như Đa-vít. Dù vậy, người bạn này của Đức Chúa Trời không nuôi lòng oán giận. Thay vì thế, ông viết: “Hãy thôi giận và dẹp cơn thịnh nộ; chớ bực tức mà quay sang làm dữ” (Thi 37:8). Lý do quan trọng nhất để “thôi giận” là noi gương Đức Giê-hô-va, đấng “không đối đãi tùy theo tội lỗi chúng ta” (Thi 103:10). Việc “thôi giận” cũng mang lại những lợi ích thực tế. Giận dữ có thể gây ra những vấn đề về sức khỏe như huyết áp cao và bệnh về đường hô hấp. Nó cũng có thể ảnh hưởng đến gan, tụy và hệ tiêu hóa. Khi tức giận, không phải lúc nào chúng ta cũng suy nghĩ sáng suốt. Đôi khi, giận dữ có thể dẫn đến trầm cảm. Trái lại, Kinh Thánh nói: “Lòng yên bình là sự sống cho cơ thể” (Châm 14:30). Vậy, làm thế nào để đương đầu với những cảm xúc bị tổn thương và hòa thuận lại với anh em? Đó là áp dụng lời khuyên khôn ngoan từ Kinh Thánh.

KHI ANH EM ĐỒNG ĐẠO LÀM MÌNH THẤT VỌNG

15, 16. Chúng ta nên làm gì khi ai đó khiến mình tổn thương?

15 Đọc Ê-phê-sô 4:26. Chúng ta không ngạc nhiên khi bị đối xử tồi tệ trong thế gian này. Nhưng khi anh em đồng đạo hay thành viên trong gia đình nói hoặc làm điều gì đó khiến mình tổn thương nặng nề, chúng ta có thể bị suy sụp. Nếu không thể quên chuyện xảy ra, chúng ta có nuôi lòng oán giận trong nhiều năm không? Hay chúng ta sẽ làm theo lời khuyên khôn ngoan của Kinh Thánh để nhanh chóng giải quyết vấn đề? Càng để vấn đề kéo dài, chúng ta sẽ càng khó làm hòa với anh em.

16 Giả sử anh chị bị một anh em làm tổn thương và cứ nghĩ mãi về điều đó. Anh chị có thể thực hiện những bước tích cực nào để làm hòa? Trước tiên, hãy đến gần Đức Giê-hô-va qua lời cầu nguyện tha thiết. Hãy xin ngài giúp anh chị có cuộc nói chuyện xây dựng với người ấy. Hãy nhớ rằng người ấy là bạn của Đức Giê-hô-va (Thi 25:14). Đức Chúa Trời yêu thương người ấy. Đức Giê-hô-va đối xử nhân từ với bạn ngài, và ngài cũng đòi hỏi chúng ta làm thế (Châm 15:23; Mat 7:12; Cô 4:6). Kế tiếp, hãy suy nghĩ kỹ về điều mình sẽ nói. Đừng vội cho rằng người ấy cố tình làm anh chị tổn thương, có thể do người ấy sai sót hoặc do anh chị hiểu lầm. Hãy sẵn sàng thừa nhận là mình cũng có một phần lỗi trong đó. Anh chị có thể bắt đầu cuộc nói chuyện bằng cách nói: “Có lẽ tôi quá nhạy cảm, nhưng hôm qua khi anh/chị nói những lời đó, tôi cảm thấy...”. Nếu cuộc nói chuyện không như mình mong muốn, hãy tìm cơ hội khác để làm hòa. Đồng thời, hãy cầu nguyện cho người ấy, xin Đức Giê-hô-va ban phước cho người ấy. Hãy xin Đức Chúa Trời giúp anh chị tập trung vào những đức tính tốt của người ấy. Dù cuối cùng có thế nào, anh chị có thể tin chắc rằng Đức Giê-hô-va sẽ hài lòng khi thấy anh chị thật sự nỗ lực để làm hòa với anh em, là bạn ngài.

KHI MANG NẶNG MẶC CẢM TỘI LỖI

17. Qua phương tiện nào Đức Giê-hô-va có thể giúp chúng ta hồi phục sau khi đã phạm tội, và tại sao chúng ta nên chấp nhận sự giúp đỡ đó?

17 Một số anh chị cảm thấy mình không xứng đáng phụng sự Đức Giê-hô-va vì từng phạm tội trọng. Mặc cảm tội lỗi có thể là người đốc công tàn nhẫn. Vua Đa-vít, người từng tranh đấu với mặc cảm tội lỗi, đã nói: “Bao lâu con còn im lặng, bấy lâu xương cốt mỏi mòn, bởi con rên xiết cả ngày. Suốt ngày suốt đêm, tay ngài đè nặng trên con”. Đáng mừng là Đa-vít đã đương đầu với vấn đề như một người thiêng liêng tính. Ông viết: “Cuối cùng, con đã xưng tội với ngài... Ngài quả thứ lỗi tha tội cho con” (Thi 32:3-5). Nếu anh chị từng phạm tội trọng, Đức Giê-hô-va sẵn sàng giúp anh chị hồi phục. Nhưng anh chị phải chấp nhận sự giúp đỡ mà ngài cung cấp qua hội thánh (Châm 24:16; Gia 5:13-15). Đừng trì hoãn, tương lai vĩnh cửu của anh chị phụ thuộc vào điều đó! Nhưng nói sao nếu rất lâu sau khi được tha thứ, anh chị vẫn mang nặng mặc cảm tội lỗi?

18. Trường hợp của Phao-lô giúp ích thế nào cho những người tranh đấu với cảm giác không xứng đáng?

18 Có vài lần sứ đồ Phao-lô đau buồn về việc làm sai trái của mình trong quá khứ. Ông thừa nhận: “Tôi hèn mọn nhất trong các sứ đồ và không đáng được gọi là sứ đồ, bởi tôi đã bắt bớ hội thánh của Đức Chúa Trời”. Nhưng Phao-lô nói thêm: “Tuy nhiên, nhờ lòng nhân từ bao la của Đức Chúa Trời mà tôi được như ngày nay” (1 Cô 15:9, 10). Đức Giê-hô-va chấp nhận Phao-lô bất kể quá khứ của ông, và ngài muốn ông tin điều đó. Nếu anh chị thật lòng ăn năn cũng như đã thú tội theo cách Đức Giê-hô-va đòi hỏi, anh chị có thể tin chắc rằng ngài sẽ thương xót. Vậy, hãy tin rằng Đức Giê-hô-va đã tha thứ cho anh chị và hãy chấp nhận sự tha thứ của ngài.—Ê-sai 55:6, 7.

19. Câu Kinh Thánh cho năm 2018 là gì, và tại sao câu này rất thích hợp?

19 Càng gần đến ngày thế gian này kết thúc, áp lực đời sống càng gia tăng. Tuy nhiên, hãy tin chắc đấng “ban sức mạnh cho người mòn mỏi, sinh lực tràn trề cho người yếu sức” có thể ban cho anh chị mọi điều cần thiết để tiếp tục đương đầu (Ê-sai 40:29; Thi 55:22; 68:19). Trong năm 2018, chúng ta sẽ được nhắc nhở về sự thật quan trọng này mỗi khi tham dự nhóm họp ở Phòng Nước Trời. Sự thật ấy được thấy rõ trong câu Kinh Thánh cho năm nay: “Ai trông cậy Đức Giê-hô-va sẽ được lại sức”.Ê-sai 40:31.