Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

Chân lý ‘không đem bình an, mà đem gươm giáo’

Chân lý ‘không đem bình an, mà đem gươm giáo’

“Đừng nghĩ rằng tôi đến để đem bình an trên đất; tôi đến không phải để đem bình an, mà là đem gươm giáo”.—MAT 10:34.

BÀI HÁT: 125, 135

1, 2. (a) Chúng ta có thể hưởng sự bình an nào ngay bây giờ? (b) Hiện nay điều gì cản trở chúng ta tìm được sự bình an trọn vẹn? (Xem hình nơi đầu bài).

Tất cả chúng ta đều muốn sống bình an, không lo lắng. Thật biết ơn vì Đức Giê-hô-va ban cho chúng ta “sự bình an của Đức Chúa Trời”! Đó là sự bình an nội tâm, điều có thể bảo vệ chúng ta khỏi suy nghĩ và cảm xúc bất an (Phi-líp 4:6, 7). Nhờ dâng mình cho Đức Giê-hô-va, chúng ta cũng có “sự hòa thuận với Đức Chúa Trời”, một mối quan hệ tốt với ngài.—Rô 5:1.

2 Tuy nhiên, chưa đến thời điểm Đức Chúa Trời đem sự bình an trọn vẹn. Những ngày sau cùng này có đầy xung đột, và nhiều người hay gây gổ (2 Ti 3:1-4). Là tín đồ đạo Đấng Ki-tô, chúng ta phải tranh chiến về thiêng liêng để chống lại Sa-tan và những dạy dỗ sai lầm mà hắn cổ xúy (2 Cô 10:4, 5). Nhưng mối đe dọa lớn nhất đối với sự bình an của chúng ta có thể đến từ người thân không tin đạo. Một số người có thể chế giễu niềm tin của chúng ta, cáo buộc là chúng ta gây chia rẽ gia đình hoặc đe dọa sẽ cắt đứt mối quan hệ nếu chúng ta không từ bỏ đức tin. Chúng ta nên có quan điểm nào về sự chống đối từ gia đình? Bằng cách nào chúng ta có thể thành công khi đương đầu với thử thách ấy?

NÊN CÓ QUAN ĐIỂM NÀO VỀ SỰ CHỐNG ĐỐI TỪ GIA ĐÌNH?

3, 4. (a) Sự dạy dỗ của Chúa Giê-su có tác động nào? (b) Khi nào việc theo Chúa Giê-su sẽ là thách đố?

3 Chúa Giê-su biết rằng sự dạy dỗ của ngài sẽ chia rẽ người ta, và những người theo ngài cần can đảm khi bị chống đối. Sự chống đối này có thể ảnh hưởng đến mối quan hệ hòa thuận giữa các thành viên trong gia đình. Chúa Giê-su nói: “Đừng nghĩ rằng tôi đến để đem bình an trên đất; tôi đến không phải để đem bình an, mà là đem gươm giáo. Vì tôi đến để gây chia rẽ, khiến con trai chống cha, con gái chống mẹ, con dâu chống mẹ chồng. Thật vậy, kẻ thù sẽ là người nhà mình”.—Mat 10:34-36.

4 Khi nói: “Đừng nghĩ rằng tôi đến để đem bình an”, ý của Chúa Giê-su là những người đang nghe ngài cần nghĩ đến điều mà họ sẽ đối mặt khi theo ngài. Thông điệp của ngài có thể chia rẽ người ta. Dĩ nhiên, mục đích của Chúa Giê-su là công bố chân lý của Đức Chúa Trời, chứ không phá vỡ các mối quan hệ (Giăng 18:37). Dù vậy, việc giữ sự dạy dỗ của Đấng Ki-tô sẽ là thách đố khi bạn bè hoặc người thân bác bỏ chân lý.

5. Các môn đồ của Chúa Giê-su phải chịu đựng điều gì, nhưng kết quả ra sao?

5 Chúa Giê-su nói rằng sự chống đối từ gia đình là một trong những khốn khổ mà môn đồ ngài phải sẵn sàng chịu (Mat 10:38). Để xứng đáng với Đấng Ki-tô, các môn đồ đã phải chịu sự chế giễu hoặc thậm chí sự xa lánh của gia đình. Nhưng họ nhận được nhiều hơn những gì đã mất.—Đọc Mác 10:29, 30.

6. Chúng ta phải nhớ điều gì nếu bị người thân chống đối?

6 Ngay cả khi người thân chống đối vì chúng ta thờ phượng Đức Giê-hô-va, chúng ta vẫn yêu thương họ. Nhưng hãy nhớ rằng chúng ta phải yêu thương Đức Chúa Trời và Đấng Ki-tô trước hết (Mat 10:37). Chúng ta cũng phải hiểu rằng Sa-tan sẽ cố lợi dụng tình cảm của chúng ta đối với gia đình để phá đổ lòng trọn thành của chúng ta. Hãy xem xét một số trường hợp về sự chống đối từ gia đình và cách chúng ta có thể đương đầu với những thử thách này.

BẠN ĐỜI KHÔNG CÙNG ĐỨC TIN

7. Những ai có bạn đời không cùng đức tin nên xem hoàn cảnh của mình ra sao?

7 Kinh Thánh cảnh báo những người đã kết hôn sẽ “gặp khốn khổ về xác thịt” (1 Cô 7:28). Nếu có bạn đời không cùng đức tin, anh chị có thể còn gặp nhiều căng thẳng và lo lắng hơn. Dù vậy, điều quan trọng là xem hoàn cảnh của mình theo quan điểm của Đức Giê-hô-va. Ngài nói rằng chúng ta không được ly thân hay ly dị chỉ vì bạn đời không phụng sự Đức Giê-hô-va (1 Cô 7:12-16). Nếu có chồng không cùng đức tin và không dẫn đầu về thiêng liêng, người vợ tín đồ vẫn phải kính trọng vì anh là đầu gia đình. Tương tự, nếu có vợ không cùng đức tin, người chồng tín đồ vẫn phải thể hiện tình yêu thương bất vị kỷ và sự trìu mến với vợ.—Ê-phê 5:22, 23, 28, 29.

8. Anh chị có thể tự hỏi điều gì nếu người hôn phối cố giới hạn sự thờ phượng của mình?

8 Nói sao nếu người hôn phối cố giới hạn sự thờ phượng của anh chị? Chẳng hạn, chồng của một chị bảo chị ấy chỉ được đi thánh chức vào những ngày nào đó trong tuần. Nếu anh chị trong hoàn cảnh tương tự, hãy tự hỏi: “Người hôn phối có đòi hỏi tôi ngưng thờ phượng Đức Chúa Trời không? Nếu không, tôi có thể chiều theo mong muốn của người ấy không?”. Tính phải lẽ có thể giúp anh chị tránh xung đột không cần thiết trong hôn nhân.—Phi-líp 4:5.

9. Bằng cách nào một tín đồ có thể dạy con hiếu kính cha hoặc mẹ không cùng đức tin?

9 Việc nuôi dạy con có thể sẽ khó khăn hơn nếu anh chị có bạn đời không cùng đức tin. Chẳng hạn, anh chị cần dạy con vâng theo điều răn của Kinh Thánh: “Hãy hiếu kính cha mẹ” (Ê-phê 6:1-3). Nhưng nói sao nếu bạn đời của anh chị không theo tiêu chuẩn cao của Kinh Thánh? Hãy nêu gương bằng cách kính trọng bạn đời. Hãy chú tâm đến các đức tính tốt của bạn đời và biểu lộ lòng quý trọng với người ấy. Tránh nói những điều tiêu cực về người hôn phối trước mặt con. Thay vì thế, hãy giải thích cho con rằng mỗi người phải chọn phụng sự Đức Giê-hô-va hay không. Hạnh kiểm tốt của con có thể giúp cha hoặc mẹ không cùng đức tin chú ý đến sự thờ phượng thật.

Hãy dạy con cái chân lý của Kinh Thánh bất cứ khi nào có thể (Xem đoạn 10)

10. Trong gia đình chia rẽ về tôn giáo, làm thế nào cha hoặc mẹ tín đồ có thể dạy chân lý của Kinh Thánh cho con?

10 Đôi khi, bạn đời không cùng đức tin sẽ đòi hỏi con tham gia những ngày lễ ngoại giáo hoặc dạy con tín ngưỡng sai lầm. Một số người chồng có thể cấm vợ dạy con về Kinh Thánh. Dù vậy, chị làm mọi điều có thể để dạy con về chân lý của Kinh Thánh (Công 16:1; 2 Ti 3:14, 15). Chẳng hạn, người chồng có thể không cho phép người vợ Nhân Chứng thảo luận Kinh Thánh với con hoặc dẫn chúng đi dự các buổi nhóm họp. Dù tôn trọng quyết định của chồng, chị vẫn có thể biểu lộ đức tin trước mặt con khi có cơ hội. Khi làm thế, chị dạy con về đạo đức và về Đức Giê-hô-va (Công 4:19, 20). Dĩ nhiên, cuối cùng chính con phải tự quyết định thờ phượng ngài hay không.—Phục 30:19, 20. *

NGƯỜI THÂN CHỐNG ĐỐI SỰ THỜ PHƯỢNG THẬT

11. Điều gì có thể khiến chúng ta có vấn đề với người thân không phải là Nhân Chứng?

11 Lúc đầu có lẽ chúng ta không cho gia đình biết mình đang kết hợp với Nhân Chứng Giê-hô-va. Dù vậy, khi đức tin mạnh hơn, chúng ta thấy cần nói cho gia đình biết về niềm tin của mình (Mác 8:38). Nếu vì giữ lập trường mà anh chị có vấn đề với người thân không phải là Nhân Chứng, hãy xem một số cách để giảm xung đột mà vẫn giữ được lòng trọn thành.

12. Tại sao người thân không cùng đức tin có thể chống đối chúng ta? Nhưng bằng cách nào chúng ta có thể biểu lộ sự thông cảm?

12 Thông cảm với người thân không cùng đức tin. Dù chúng ta vui mừng về những sự thật Kinh Thánh mình được học, nhưng người thân có thể hiểu lầm là chúng ta bị lừa hoặc theo tà giáo. Họ có thể nghĩ rằng chúng ta không còn yêu thương họ vì chúng ta không tham gia các ngày lễ cùng họ. Thậm chí, người thân có thể lo sợ là chúng ta sẽ bị trừng phạt đời đời. Chúng ta nên biểu lộ sự thông cảm bằng cách đặt mình vào hoàn cảnh của họ, và cẩn thận lắng nghe để hiểu được mối quan tâm của họ (Châm 20:5). Sứ đồ Phao-lô cố gắng hiểu “mọi loại người” để chia sẻ tin mừng cho họ. Tương tự, việc cố gắng hiểu người thân sẽ giúp chúng ta chia sẻ tin mừng cho họ.—1 Cô 9:19-23.

13. Chúng ta nên nói với người thân không cùng đức tin như thế nào?

13 Nói mềm mại. Kinh Thánh khuyên: “Lời nói anh em phải luôn hòa nhã” (Cô 4:6). Chúng ta có thể xin Đức Giê-hô-va ban thần khí thánh giúp mình thể hiện bông trái thần khí khi nói với người thân. Chúng ta không nên tranh cãi về tín ngưỡng sai lầm của họ. Nếu họ làm tổn thương chúng ta qua lời nói hoặc hành động, chúng ta có thể noi gương các sứ đồ. Phao-lô viết: “Khi bị nhục mạ, chúng tôi chúc phước; khi bị ngược đãi, chúng tôi kiên nhẫn chịu đựng; khi bị vu khống, chúng tôi đáp lại mềm mại”.—1 Cô 4:12, 13.

14. Chúng ta nhận được lợi ích nào khi giữ hạnh kiểm tốt?

14 Giữ hạnh kiểm tốt. Dù nói mềm mại là điều giúp ích khi bị người thân chống đối, nhưng hạnh kiểm tốt của chúng ta có thể làm chứng hữu hiệu hơn. (Đọc 1 Phi-e-rơ 3:1, 2, 16). Qua gương của mình, anh chị hãy cho người thân thấy rằng Nhân Chứng Giê-hô-va có hôn nhân hạnh phúc, chăm sóc tốt cho con cái cũng như có đời sống trong sạch, đạo đức và thỏa nguyện. Cho dù người thân không theo chân lý, chúng ta vẫn vui mừng vì làm Đức Giê-hô-va hài lòng qua lối sống trung thành của mình.

15. Chúng ta có thể dự tính trước như thế nào để đối phó với tình huống dễ dẫn tới xung đột?

15 Dự tính trước. Hãy nghĩ đến những tình huống có thể dẫn tới xung đột và định trước cách giải quyết (Châm 12:16, 23). Một chị ở Úc kể: “Bố chồng tôi chống đối chân lý dữ dội. Trước khi gọi điện hỏi thăm ông, vợ chồng tôi cầu xin Đức Giê-hô-va giúp đỡ để không đáp trả khi ông nóng giận. Chúng tôi chuẩn bị một số đề tài để giữ cho cuộc trò chuyện vui vẻ. Để tránh những cuộc nói chuyện dài thường dẫn đến tranh cãi về tôn giáo, chúng tôi giới hạn thời gian hỏi thăm”.

16. Làm thế nào anh chị có thể vượt qua cảm giác áy náy khi không làm người thân hài lòng?

16 Dĩ nhiên, anh chị không thể tránh mọi bất đồng với người thân không cùng đức tin. Những bất đồng như thế có thể khiến anh chị cảm thấy áy náy, vì anh chị rất yêu thương người thân và muốn làm hài lòng họ. Nếu anh chị cảm thấy như thế, hãy cố gắng đặt lòng trung thành với Đức Giê-hô-va lên trên tình yêu thương dành cho gia đình. Lập trường ấy có thể giúp người thân nhận ra rằng việc áp dụng Kinh Thánh là vấn đề sinh tử. Dù trong trường hợp nào, hãy nhớ là anh chị không thể ép người khác chấp nhận chân lý. Thay vì thế, qua lối sống của anh chị, hãy cho họ thấy lợi ích của việc sống theo đường lối Đức Giê-hô-va. Đức Chúa Trời yêu thương của chúng ta cho họ cơ hội chọn theo đường lối mà họ muốn, giống như ngài đã cho chúng ta.—Ê-sai 48:17, 18.

KHI NGƯỜI THÂN BỎ ĐỨC GIÊ-HÔ-VA

17, 18. Điều gì có thể giúp anh chị khi người thân bỏ Đức Giê-hô-va?

17 Khi một thành viên trong gia đình bị khai trừ hoặc tự ly khai khỏi hội thánh, chúng ta có thể cảm thấy như bị gươm đâm. Làm thế nào anh chị có thể đương đầu với nỗi đau ấy?

18 Giữ nề nếp thiêng liêng. Hãy củng cố mình bằng cách đều đặn đọc Kinh Thánh, chuẩn bị và tham dự các buổi nhóm họp, tham gia thánh chức và cầu xin Đức Giê-hô-va ban sức chịu đựng (Giu 20, 21). Nhưng nói sao nếu anh chị không thật sự chú tâm vào các hoạt động đó mà chỉ làm một cách máy móc? Đừng bỏ cuộc! Một nề nếp thiêng liêng tốt có thể giúp anh chị kiểm soát suy nghĩ và cảm xúc. Hãy xem xét kinh nghiệm của người viết bài Thi thiên 73. Vì có quan điểm sai nên ông rất băn khoăn phiền muộn, nhưng ông đã điều chỉnh suy nghĩ khi vào nơi thờ phượng của Đức Chúa Trời (Thi 73:16, 17). Việc trung thành thờ phượng Đức Giê-hô-va cũng có thể giúp anh chị làm thế.

19. Bằng cách nào anh chị cho thấy mình tôn trọng sự sửa trị của Đức Giê-hô-va?

19 Tôn trọng sự sửa trị của Đức Giê-hô-va. Dù sự sửa trị của ngài lúc đầu gây đau buồn nhưng về lâu dài sẽ đem lại lợi ích cho mọi người, kể cả người phạm tội. (Đọc Hê-bơ-rơ 12:11). Chẳng hạn, Đức Giê-hô-va bảo chúng ta “ngưng kết hợp” với những người phạm tội không ăn năn (1 Cô 5:11-13). Dù đau lòng, chúng ta phải tránh liên lạc không cần thiết với người thân bị khai trừ như qua điện thoại, tin nhắn, thư từ, e-mail hay mạng xã hội.

20. Chúng ta có thể tiếp tục hy vọng điều gì?

20 Tiếp tục hy vọng. Tình yêu thương “hy vọng mọi điều”, kể cả việc hy vọng những người bỏ Đức Giê-hô-va sẽ trở về với ngài (1 Cô 13:7). Nếu thấy người thân có dấu hiệu thay đổi, anh chị có thể cầu nguyện cho người ấy được Lời Đức Chúa Trời giúp sức để hưởng ứng lời kêu gọi của ngài: “Hãy trở về cùng ta”.—Ê-sai 44:22.

21. Anh chị nên làm gì nếu bị gia đình chống đối vì theo Chúa Giê-su?

21 Chúa Giê-su nói rằng nếu chúng ta xem bất cứ người phàm nào quan trọng hơn ngài, chúng ta không xứng đáng với ngài. Nhưng ngài tin chắc rằng các môn đồ sẽ can đảm để giữ lòng trung thành dù bị gia đình chống đối. Nếu vì anh chị theo Chúa Giê-su mà gia đình gặp “gươm giáo”, hãy nương cậy Đức Giê-hô-va để đương đầu thành công với thử thách ấy (Ê-sai 41:10, 13). Hãy vui mừng vì biết rằng Đức Giê-hô-va và Chúa Giê-su hài lòng về anh chị, và hai đấng ấy sẽ ban thưởng cho lối sống trung thành của anh chị.

^ đ. 10 Để biết thêm thông tin về việc dạy dỗ con cái trong gia đình chia rẽ về tôn giáo, xin xem “Độc giả thắc mắc” trong Tháp Canh ngày 15-8-2002.