Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

Hãy bác bỏ lối suy nghĩ của thế gian

Hãy bác bỏ lối suy nghĩ của thế gian

“Hãy coi chừng để không ai giam cầm anh em bằng các triết lý cùng những tư tưởng gian trá và rỗng tuếch... của thế gian”.—CÔ 2:8.

BÀI HÁT: 38, 31

1. Sứ đồ Phao-lô đưa ra lời khuyên nào cho anh em đồng đạo? (Xem hình nơi đầu bài).

Sứ đồ Phao-lô viết thư gửi các tín đồ ở Cô-lô-se vào cuối thời gian ông bị giam cầm lần đầu tiên ở Rô-ma, tức vào khoảng năm 60-61 CN. Ông nhắc họ về tầm quan trọng của việc đạt được “sự thông hiểu thiêng liêng” (Cô 1:9). Phao-lô nói thêm: “Tôi nói thế để không ai có thể lừa gạt anh em bằng những lập luận có sức thuyết phục. Hãy coi chừng để không ai giam cầm anh em bằng các triết lý cùng những tư tưởng gian trá và rỗng tuếch theo truyền thống của loài người, theo những điều sơ đẳng của thế gian chứ không theo Đấng Ki-tô” (Cô 2:4, 8). Sau đó, Phao-lô giải thích tại sao một số tư tưởng phổ biến là sai, và tại sao lối suy nghĩ của thế gian có sức thuyết phục với nhiều người. Chẳng hạn, lối suy nghĩ đó có thể khiến một người cảm thấy mình khôn ngoan và cao trọng hơn người khác. Mục đích của lá thư là giúp anh em bác bỏ lối suy nghĩ của thế gian và những thực hành sai trái.—Cô 2:16, 17, 23.

2. Tại sao chúng ta xem xét những ví dụ về lối suy nghĩ của thế gian?

2 Những người có lối suy nghĩ của thế gian lờ đi hay khinh thường sự hướng dẫn của Đức Giê-hô-va. Họ có thể gây ảnh hưởng và khiến đức tin chúng ta dần suy yếu. Ngày nay, chúng ta không thể tránh tiếp cận với lối suy nghĩ của thế gian. Nó được cổ vũ trên ti-vi, Internet, tại sở làm hay trường học. Trong bài này, chúng ta sẽ xem xét làm sao để lối suy nghĩ đó không khiến tâm trí mình bại hoại. Chúng ta sẽ xem năm ví dụ về lối suy nghĩ của thế gian và thảo luận cách để bác bỏ những lối suy nghĩ này.

CÓ CẦN TIN LÀ CÓ ĐỨC CHÚA TRỜI KHÔNG?

3. Nhiều người có lối suy nghĩ nào, và tại sao?

3 “Tôi vẫn có thể là người tốt dù không tin có Đức Chúa Trời”. Trong nhiều nước, không có gì lạ khi nghe nhiều người nói là họ không tin có Đức Chúa Trời và chẳng theo tôn giáo nào. Có thể họ chưa xem xét kỹ liệu có Đức Chúa Trời hay không, nhưng họ bị thu hút bởi ý tưởng là được tự do làm những điều mình thích. (Đọc Thi thiên 10:4). Nhiều người khác có thể thấy mình khôn ngoan theo quan điểm thế gian khi nói: “Tôi vẫn có thể giữ tiêu chuẩn cao dù không tin có Đức Chúa Trời”.

4. Chúng ta có thể lý luận thế nào với người cho rằng không có Đấng Tạo Hóa?

4 Quan điểm cho rằng không có Đấng Tạo Hóa có dựa trên lập luận hợp lý không? Khi tìm kiếm câu trả lời từ khoa học về nguồn gốc sự sống, một người có thể dễ bị bối rối trước nhiều thông tin không rõ ràng. Nhưng trên thực tế, câu trả lời rất đơn giản. Một ngôi nhà phải có người xây, huống chi là những vật sống! Thật ra, những tế bào sống đơn giản nhất trên trái đất còn phức tạp hơn nhiều so với bất cứ ngôi nhà nào, vì chúng có thể làm điều mà không ngôi nhà nào làm được, đó là tự sinh sản. Những tế bào này có cách lưu trữ và sao chép những thông tin cần thiết để tự nhân đôi. Ai đã thiết kế các tế bào sống với khả năng làm những điều đó? Kinh Thánh trả lời: “Ngôi nhà nào cũng có người dựng nên, còn đấng dựng nên muôn vật chính là Đức Chúa Trời”.—Hê 3:4.

5. Làm sao để lý luận về quan điểm cho rằng một người có thể quyết định điều gì là đúng dù không tin có Đức Chúa Trời?

5 Làm sao để lý luận về quan điểm là một người có thể quyết định điều gì là đúng dù không tin có Đức Chúa Trời? Lời Đức Chúa Trời công nhận những người không tin đạo có thể có những nguyên tắc đáng khen (Rô 2:14, 15). Chẳng hạn, có thể họ kính trọng và yêu quý cha mẹ. Nhưng nếu họ không chịu thừa nhận rằng Đấng Tạo Hóa có quyền đặt ra tiêu chuẩn về điều đúng và điều sai, thì làm sao những tiêu chuẩn đạo đức của họ dựa trên cơ sở vững chắc? (Ê-sai 33:22). Nhiều người biết suy xét thừa nhận là tình trạng tồi tệ trên đất chứng minh rằng con người cần Đức Chúa Trời giúp đỡ. (Đọc Giê-rê-mi 10:23). Vậy, đừng bao giờ tin rằng một người có thể hoàn toàn quyết định điều gì là đúng, dù không tin có Đức Chúa Trời và không tuân theo tiêu chuẩn của ngài.—Thi 146:3.

CÓ CẦN TÔN GIÁO KHÔNG?

6. Nhiều người có quan điểm nào về tôn giáo?

6 “Bạn vẫn có thể hạnh phúc dù không có tôn giáo”. Lối suy nghĩ này của thế gian đã thu hút nhiều người vì họ xem tôn giáo là nhàm chán và không thực tế. Ngoài ra, nhiều tôn giáo khiến người ta xa lánh Đức Chúa Trời khi dạy về hỏa ngục, thu thuế thập phân hay giảng về chính trị. Chẳng lạ gì khi càng ngày càng có nhiều người thấy rằng họ vẫn có thể hạnh phúc dù không có tôn giáo! Họ có thể nói: “Tôi quan tâm đến những vấn đề tâm linh, nhưng không dính líu đến các tổ chức tôn giáo”.

7. Bằng cách nào tôn giáo thật mang lại hạnh phúc?

7 Có thật là một người có thể hạnh phúc dù không có tôn giáo? Đúng là một người có thể hạnh phúc khi không theo tôn giáo sai lầm, nhưng không thể có hạnh phúc thật nếu không có mối quan hệ với Đức Giê-hô-va, đấng được miêu tả là “Đức Chúa Trời hạnh phúc” (1 Ti 1:11). Mọi điều Đức Chúa Trời làm đều mang lại lợi ích cho người ta. Tôi tớ ngài hạnh phúc vì tập trung vào việc giúp người khác (Công 20:35). Chẳng hạn, hãy xem sự thờ phượng thật mang lại hạnh phúc cho gia đình như thế nào. Sự thờ phượng thật dạy chúng ta yêu quý và tôn trọng người hôn phối, xem lời thề ước hôn nhân là điều thánh khiết, tránh ngoại tình, dạy con cái biết lễ phép và thể hiện tình yêu thương chân thật. Kết quả là sự thờ phượng thật giúp dân Đức Chúa Trời có hạnh phúc cũng như được hợp nhất trong hội thánh và đoàn thể anh em quốc tế.—Đọc Ê-sai 65:13, 14.

8. Làm thế nào chúng ta có thể dùng Ma-thi-ơ 5:3 để lý luận về câu hỏi: Điều gì khiến người ta hạnh phúc?

8 Chúng ta lý luận thế nào về quan điểm của thế gian cho rằng một người có thể hạnh phúc mà không phụng sự Đức Chúa Trời? Hãy xem xét câu hỏi này: Điều gì khiến người ta hạnh phúc? Một số người tìm thấy sự thỏa nguyện trong sự nghiệp, thể thao hoặc khi theo đuổi sở thích. Số khác thì thỏa nguyện trong việc chăm sóc gia đình hoặc bạn bè. Những điều đó có thể mang lại niềm vui. Nhưng đời sống chúng ta có một mục đích cao cả hơn, và mục đích ấy có thể mang lại hạnh phúc lâu dài. Khác với loài vật, chúng ta có thể tìm hiểu về Đấng Tạo Hóa và trung thành phụng sự ngài. Chúng ta được tạo ra theo cách mà mình sẽ tìm được hạnh phúc khi làm thế. (Đọc Ma-thi-ơ 5:3). Chẳng hạn, những người thờ phượng thật tìm được niềm vui và sự khích lệ từ việc nhóm lại với nhau để thờ phượng Đức Giê-hô-va (Thi 133:1). Họ cũng vui mừng khi có một đoàn thể anh em hợp nhất, lối sống lành mạnh và hy vọng mang lại hạnh phúc.

CÓ CẦN TIÊU CHUẨN ĐẠO ĐỨC KHÔNG?

9. (a) Lối suy nghĩ nào về tình dục là phổ biến trong thế gian? (b) Tại sao Lời Đức Chúa Trời cấm quan hệ tình dục ngoài hôn nhân?

9 “Sao lại lên án quan hệ tình dục ngoài hôn nhân?” Người ta có thể nói với chúng ta: “Cuộc sống này là để hưởng thụ. Sao lại lên án quan hệ tình dục ngoài hôn nhân?”. Thật sai lầm khi nghĩ rằng tín đồ đạo Đấng Ki-tô nên dung túng tình dục vô luân. Tại sao? Vì Lời Đức Chúa Trời cấm sự gian dâm. * (Đọc 1 Tê-sa-lô-ni-ca 4:3-8). Đức Giê-hô-va có quyền lập luật pháp cho chúng ta vì ngài tạo ra chúng ta. Luật pháp của ngài chỉ cho phép quan hệ tình dục giữa một người nam và một người nữ đã kết hôn. Đó là một phần trong sự sắp đặt về hôn nhân. Đức Chúa Trời lập ra luật pháp vì yêu thương chúng ta. Luật pháp của ngài mang lại lợi ích cho chúng ta. Những gia đình tuân theo luật pháp ấy sẽ có tình yêu thương, sự tôn trọng và cảm giác an tâm. Đức Chúa Trời không dung túng việc cố ý bất tuân luật pháp của ngài.—Hê 13:4.

10. Bằng cách nào một tín đồ có thể tránh xa sự gian dâm?

10 Lời Đức Chúa Trời dạy chúng ta cách để tránh xa sự gian dâm. Một cách quan trọng là kiểm soát những gì mình xem. Chúa Giê-su nói: “Hễ ai cứ nhìn một phụ nữ và sinh lòng ham muốn thì trong lòng đã phạm tội ngoại tình với người ấy. Nếu mắt bên phải khiến anh em vấp ngã, hãy móc ra và ném đi” (Mat 5:28, 29). Vì thế, tín đồ đạo Đấng Ki-tô phải tránh xem tài liệu khiêu dâm hay nghe những loại nhạc có nội dung đồi bại. Sứ đồ Phao-lô viết cho anh em đồng đạo: “Hãy làm chết các bộ phận của thân thể trần tục sinh ra những thứ như gian dâm” (Cô 3:5). Hơn nữa, chúng ta cũng cần kiểm soát những điều mình suy nghĩ và nói đến.—Ê-phê 5:3-5.

CÓ NÊN THEO ĐUỔI SỰ NGHIỆP NGOÀI ĐỜI?

11. Tại sao việc theo đuổi sự nghiệp ngoài đời có vẻ hấp dẫn?

11 “Theo đuổi sự nghiệp là bí quyết dẫn đến hạnh phúc”. Nhiều người thôi thúc chúng ta theo đuổi sự nghiệp ngoài đời như mục tiêu của đời sống. Sự nghiệp có thể hứa hẹn nhiều điều như địa vị, quyền lực và sự giàu sang. Vì nhiều người xem mục tiêu chính trong đời sống là theo đuổi sự nghiệp, nên một tín đồ có thể bắt đầu có lối suy nghĩ đó.

12. Sự nghiệp thành công có phải là bí quyết dẫn đến hạnh phúc không? Hãy giải thích.

12 Có thật là một sự nghiệp mang lại quyền lực và địa vị sẽ dẫn đến hạnh phúc lâu dài không? Không. Hãy nhớ rằng Sa-tan đã thèm muốn được kiểm soát người khác và khao khát được ngưỡng mộ. Theo nghĩa nào đó, hắn đã đạt được điều mình muốn. Nhưng hắn là kẻ giận dữ chứ không hạnh phúc (Mat 4:8, 9; Khải 12:12). Trái lại, hãy nghĩ đến niềm vui lâu dài mà chúng ta có được khi giúp người khác nhận lợi ích từ sự khôn ngoan của Đức Chúa Trời, để họ nhận được sự sống vĩnh cửu. Không sự nghiệp nào khác có thể mang lại thỏa nguyện như thế. Hơn nữa, tinh thần cạnh tranh của thế gian rất khốc liệt. Tinh thần đó khiến người ta muốn hơn người khác, nuôi lòng ghen tị, nhưng cuối cùng họ vẫn cảm thấy trống rỗng. Kinh Thánh nói là họ đang “đuổi theo luồng gió”.—Truyền 4:4.

13. (a) Chúng ta nên có quan điểm nào về việc theo đuổi sự nghiệp ngoài đời? (b) Theo lá thư Phao-lô gửi cho anh em ở Tê-sa-lô-ni-ca, điều gì mang lại niềm vui sâu xa cho ông?

13 Đúng là chúng ta phải kiếm sống, và không có gì sai khi chọn công việc mình yêu thích. Nhưng không nên để sự nghiệp ngoài đời là điều chính yếu trong đời sống. Chúa Giê-su nói: “Không ai có thể làm tôi hai chủ, vì sẽ ghét chủ này mà yêu chủ kia hoặc sẽ gắn bó với chủ này mà khinh thường chủ kia. Anh em không thể vừa làm tôi Đức Chúa Trời lại vừa làm tôi Tiền Của” (Mat 6:24). Khi đặt ưu tiên cho việc phụng sự Đức Giê-hô-va và dạy người khác về Lời ngài, chúng ta cảm nghiệm được niềm vui không gì sánh bằng. Sứ đồ Phao-lô đã có trải nghiệm đó. Trước kia, ông từng theo đuổi một sự nghiệp đầy hứa hẹn trong Do Thái giáo. Nhưng ông tìm được hạnh phúc thật khi trở thành người đào tạo môn đồ và thấy thông điệp của Đức Chúa Trời thay đổi đời sống của những người chấp nhận chân lý. (Đọc 1 Tê-sa-lô-ni-ca 2:13, 19, 20). Không sự nghiệp nào khác có thể mang lại sự thỏa nguyện như thế.

Giúp người khác nhận lợi ích từ sự khôn ngoan của Đức Chúa Trời sẽ mang lại niềm vui lâu dài (Xem đoạn 12, 13)

CHÚNG TA CÓ THỂ GIẢI QUYẾT CÁC VẤN ĐỀ CỦA NHÂN LOẠI KHÔNG?

14. Tại sao nhiều người thích lối suy nghĩ là con người có thể tự giải quyết các vấn đề?

14 “Con người có thể tự giải quyết các vấn đề”. Nhiều người thích lối suy nghĩ này. Tại sao? Nếu điều này là đúng, có nghĩa con người không cần sự hướng dẫn của Đức Chúa Trời và họ có thể tự do làm điều mình muốn. Hơn nữa, lối suy nghĩ là con người có thể tự giải quyết các vấn đề nghe có vẻ hợp lý, vì một số nghiên cứu cho rằng chiến tranh, tội ác, bệnh tật và nghèo đói đang giảm bớt. Một báo cáo cho biết: “Lý do nhân loại ngày càng tốt hơn là vì con người quyết định làm cho thế giới thành một nơi tốt hơn”. Lời bình luận như thế có cho thấy con người biết cách giải quyết những vấn đề đã tồn tại từ lâu không? Để trả lời, hãy xem xét những vấn đề ấy kỹ hơn.

15. Những sự thật nào cho thấy các vấn đề của nhân loại đang rất nghiêm trọng?

15 Chiến tranh: Hai cuộc thế chiến đã cướp đi khoảng 60 triệu sinh mạng hoặc hơn. Từ cuối Thế Chiến II, nhân loại không hề rút ra bài học để tránh chiến tranh. Đến năm 2015, số người phải rời bỏ nhà cửa vì chiến tranh hay sự đàn áp lên tới khoảng 65 triệu. Theo một ước tính, chỉ riêng năm 2015 có 12,4 triệu người phải rời bỏ nhà cửa. Tội ác: Dù vài tội ác đã giảm bớt ở một số nơi, nhưng những tội ác khác như tội phạm mạng, bạo lực gia đình và nạn khủng bố đang gia tăng đến mức báo động. Hơn nữa, nhiều người tin rằng nạn tham nhũng trên toàn cầu ngày càng tồi tệ. Con người không thể loại bỏ tội ác. Bệnh tật: Một số căn bệnh đã được kiểm soát. Nhưng theo một báo cáo năm 2013, mỗi năm có chín triệu người dưới 60 tuổi chết vì bệnh tim, đột quỵ, ung thư, bệnh đường hô hấp và tiểu đường. Nghèo đói: Theo Ngân hàng Thế giới, chỉ riêng ở châu Phi số người chịu cảnh nghèo đói cùng cực đã tăng từ 280 triệu vào năm 1990 đến 330 triệu vào năm 2012.

16. (a) Tại sao chỉ có Nước Trời mới giải quyết được các vấn đề của nhân loại? (b) Theo lời tiên tri của Ê-sai và người viết Thi thiên, Nước Trời sẽ mang lại những ân phước nào?

16 Hiện nay, tinh thần ích kỷ đang kiểm soát hệ thống kinh tế và chính trị. Vì thế, con người không thể loại bỏ chiến tranh, tội ác, bệnh tật và nghèo đói. Chỉ có Nước của Đức Chúa Trời mới làm được điều đó. Hãy xem Đức Giê-hô-va sẽ làm gì cho nhân loại. Chiến tranh: Nước Trời sẽ dẹp bỏ hết những nguyên nhân sâu xa dẫn đến chiến tranh như sự ích kỷ, tham nhũng, tinh thần ái quốc, tôn giáo sai lầm và ngay cả Sa-tan (Thi 46:8, 9). Tội ác: Nước Trời đang dạy hàng triệu người biết yêu thương và tin tưởng nhau, là điều mà không chính phủ nào khác làm được (Ê-sai 11:9). Bệnh tật: Đức Giê-hô-va sẽ ban cho dân ngài sức khỏe hoàn hảo (Ê-sai 35:5, 6). Nghèo đói: Đức Giê-hô-va sẽ loại bỏ sự nghèo đói cũng như giúp dân ngài có đời sống hạnh phúc và mối quan hệ mật thiết với ngài. Điều đó quý giá hơn nhiều so với sự giàu có.—Thi 72:12, 13.

‘BIẾT NÊN ĐỐI ĐÁP THẾ NÀO’

17. Bằng cách nào anh chị có thể bác bỏ lối suy nghĩ của thế gian?

17 Nếu nghe một lối suy nghĩ của thế gian có thể thử thách đức tin của mình, hãy tìm hiểu xem Lời Đức Chúa Trời nói gì về đề tài đó và thảo luận với một anh chị thành thục. Hãy xem xét tại sao lối suy nghĩ đó có vẻ hấp dẫn, tại sao quan điểm đó là sai lầm và làm sao để bác bỏ. Thật vậy, tất cả chúng ta có thể bảo vệ mình khỏi lối suy nghĩ của thế gian bằng cách vâng theo lời khuyên mà sứ đồ Phao-lô viết cho hội thánh ở Cô-lô-se: “Hãy tiếp tục sống khôn ngoan với người ngoài hội thánh... hầu anh em biết nên đối đáp mỗi người thế nào”.—Cô 4:5, 6.

^ đ. 9 Một số bản Kinh Thánh có đoạn Giăng 7:53–8:11. Nhiều người không biết rằng đoạn này được thêm vào chứ không phải là một phần của bản gốc được soi dẫn. Một số người dựa trên đoạn này để cho rằng chỉ người chưa từng phạm tội mới có thể kết án người khác về tội ngoại tình. Nhưng luật pháp Đức Chúa Trời ban cho dân Y-sơ-ra-ên nói: “Nếu một người nam bị phát hiện ăn nằm với vợ của người khác thì cả hai phải chết chung với nhau”.—Phục 22:22.