Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

Hãy vui mừng ca hát!

Hãy vui mừng ca hát!

“Thật tốt thay khi hát chúc tụng Đức Chúa Trời chúng ta”.—THI 147:1.

BÀI HÁT: 10, 2

1. Việc ca hát giúp chúng ta làm gì?

Một nhạc sĩ nổi tiếng từng nói: “Từ ngữ cho bạn ý tưởng. Âm nhạc cho bạn cảm xúc. Nhưng bài hát giúp bạn cảm nhận một ý tưởng”. Những ý tưởng tốt nhất để chúng ta cảm nhận là ý tưởng về việc ngợi khen và bày tỏ tình yêu thương dành cho Cha trên trời của chúng ta, Đức Giê-hô-va. Vì thế, không ngạc nhiên khi ca hát là một khía cạnh nổi bật của sự thờ phượng thanh sạch, dù chúng ta hát một mình hay hát chung với hội thánh.

2, 3. (a) Một số người cảm thấy thế nào về việc hát lớn tiếng cùng với hội thánh? (b) Chúng ta sẽ xem xét những câu hỏi nào?

2 Anh chị cảm thấy thế nào về việc hát lớn tiếng cùng với hội thánh? Anh chị có cảm thấy xấu hổ không? Trong một số nền văn hóa, đàn ông thấy không thoải mái khi hát trước đông người. Quan điểm này có thể ảnh hưởng đến cả hội thánh, đặc biệt nếu các anh dẫn đầu ngại hát lớn tiếng hoặc tìm cớ làm những việc khác khi hội thánh đang hát.—Thi 30:12.

3 Nếu xem việc ca hát là một phần trong sự thờ phượng, chúng ta sẽ không muốn ra khỏi chỗ hoặc vắng mặt trong phần hát của chương trình nhóm họp. Vì thế, mỗi chúng ta nên tự hỏi: “Mình có quan điểm nào về việc ca hát tại buổi nhóm họp? Làm sao để vượt qua sự e ngại ngăn cản mình vui mừng ca hát? Khi hát, mình có thể làm gì để chuyển tải hết cảm xúc của bài hát?”.

CA HÁT—MỘT PHẦN THIẾT YẾU CỦA SỰ THỜ PHƯỢNG THẬT

4, 5. Vào thời dân Y-sơ-ra-ên, việc ca hát trong sự thờ phượng được tổ chức lớn đến mức nào?

4 Từ lâu, các tôi tớ trung thành của Đức Giê-hô-va đã dùng âm nhạc là một cách để ngợi khen ngài. Điều đáng chú ý là khi dân Y-sơ-ra-ên xưa trung thành phụng sự Đức Giê-hô-va thì ca hát là điều nổi bật trong sự thờ phượng của họ. Chẳng hạn, khi chuẩn bị cho việc thờ phượng ở đền thờ, vua Đa-vít đã sắp xếp 4.000 người Lê-vi để ngợi khen Đức Giê-hô-va bằng âm nhạc. Trong số đó có 288 người “được huấn luyện để hát cho Đức Giê-hô-va, tất cả đều là người chuyên nghiệp”.—1 Sử 23:5; 25:7.

5 Trong dịp khánh thành đền thờ, âm nhạc và ca hát đóng một vai trò quan trọng. Lời tường thuật cho biết: “Vào lúc những người thổi kèn và người ca hát đồng thanh hòa điệu để ngợi khen và cảm tạ Đức Giê-hô-va, khi âm thanh từ kèn, chập chỏa và những nhạc cụ khác trỗi lên, khi họ đang ngợi khen Đức Giê-hô-va... vinh quang của Đức Giê-hô-va tràn đầy nhà Đức Chúa Trời”. Hẳn đó là một dịp củng cố đức tin!—2 Sử 5:13, 14; 7:6.

6. Hãy miêu tả buổi trình diễn âm nhạc đặc biệt khi Nê-hê-mi làm quan tổng đốc ở Giê-ru-sa-lem.

6 Khi Nê-hê-mi hướng dẫn những người Y-sơ-ra-ên trung thành xây lại tường thành Giê-ru-sa-lem, ông cũng sắp xếp để những người Lê-vi ca hát và chơi nhạc cụ. Khi tường thành được dâng hiến, một buổi trình diễn âm nhạc đặc biệt đã làm cho dịp này vui mừng hơn rất nhiều. Vào dịp này, có “hai nhóm ca hát tạ ơn”. Họ đi theo hai hướng ngược nhau, vừa đi vừa hát rồi gặp tại bức tường gần khu vực đền thờ, nhờ thế từ rất xa cũng có thể nghe thấy (Nê 12:27, 28, 31, 38, 40, 43). Chắc chắn, Đức Giê-hô-va rất vui khi nghe những người thờ phượng hát chúc tụng ngài với cả tấm lòng.

7. Bằng cách nào Chúa Giê-su cho thấy ca hát là một phần thiết yếu của sự thờ phượng thật?

7 Khi hội thánh đạo Đấng Ki-tô được thành lập, âm nhạc tiếp tục là một phần thiết yếu của sự thờ phượng thật. Vào đêm quan trọng nhất trong lịch sử nhân loại, Chúa Giê-su và các sứ đồ cũng hát thánh ca sau khi ngài thiết lập Bữa Ăn Tối Của Chúa.—Đọc Ma-thi-ơ 26:30.

8. Các tín đồ vào thế kỷ thứ nhất đã nêu gương nào trong việc ca hát?

8 Các tín đồ vào thế kỷ thứ nhất đã nêu gương trong việc cùng nhau ca hát chúc tụng Đức Chúa Trời. Dù thường nhóm lại tại nhà riêng, nhưng nơi khiêm tốn này không làm giảm đi lòng sốt sắng của họ trong việc hát chúc tụng Đức Giê-hô-va. Sứ đồ Phao-lô được soi dẫn để khuyến giục anh em đồng đạo: “Hãy tiếp tục dạy dỗ, khích lệ nhau bằng những bài thơ thánh, lời chúc tụng Đức Chúa Trời và những bài thánh ca được hát với lòng biết ơn; hãy hát cho Đức Giê-hô-va với cả tấm lòng” (Cô 3:16). Những bài hát trong sách hát của chúng ta nên “được hát với lòng biết ơn”. Đó là một phần của thức ăn thiêng liêng do “đầy tớ trung tín và khôn ngoan” cung cấp.—Mat 24:45.

VƯỢT QUA SỰ E NGẠI

9. (a) Điều gì có thể cản trở một số người vui mừng ca hát ở buổi nhóm họp hay hội nghị? (b) Chúng ta nên hát chúc tụng Đức Giê-hô-va như thế nào, và ai nên dẫn đầu? (Xem hình nơi đầu bài).

9 Nói sao nếu ca hát không phải là thói quen trong gia đình, văn hóa hay môi trường của anh chị? Với công nghệ hiện đại, anh chị có thể thích nghe những ca sĩ chuyên nghiệp hát. Có lẽ anh chị cảm thấy xấu hổ hay thất vọng khi so sánh giọng hát của mình với họ. Tuy nhiên, đừng để điều đó cản trở anh chị chu toàn trách nhiệm hát chúc tụng Đức Giê-hô-va. Thay vì thế, hãy cầm cao sách hát, ngước đầu lên và hát từ đáy lòng! (Ê-xơ-ra 3:11; đọc Thi thiên 147:1). Ngày nay, trong nhiều Phòng Nước Trời, lời bài hát được chiếu trên màn hình để giúp chúng ta hát lớn tiếng. Một điều thú vị là việc hát những bài hát Nước Trời được đưa vào khóa học của Trường thánh chức Nước Trời dành cho các trưởng lão. Điều này nhấn mạnh rằng các trưởng lão cần dẫn đầu trong việc hát ở hội thánh.

10. Chúng ta nên nhớ điều gì nếu nỗi sợ cản trở mình hát lớn tiếng?

10 Một yếu tố khiến nhiều người ngại hát lớn tiếng là nỗi sợ. Đó có thể là sợ mình hát quá lớn hoặc khiến người khác chướng tai. Tuy nhiên, hãy nhớ rằng “hết thảy chúng ta đều vấp ngã nhiều lần” trong lời nói (Gia 3:2). Nhưng điều đó không ngăn cản chúng ta nói. Vậy tại sao lại để giọng hát không lý tưởng cản trở chúng ta hát chúc tụng Đức Giê-hô-va?

11, 12. Có một số lời đề nghị nào giúp cải thiện khả năng ca hát?

11 Có lẽ chúng ta ngại hát vì nghĩ là mình không biết cách hát. Tuy nhiên, chúng ta có thể cải thiện khả năng ca hát của mình bằng cách áp dụng một số đề nghị đơn giản. *

12 Anh chị có thể tập hát với giọng khỏe và âm lượng thích hợp bằng cách thở đúng cách. Như điện cung cấp năng lượng cho bóng đèn, việc thở tiếp thêm năng lượng cho giọng của chúng ta khi nói hoặc hát. Anh chị nên hát lớn như khi nói, thậm chí lớn hơn thế. (Xin xem những đề nghị trong sách Được lợi ích nhờ sự giáo dục của Trường Thánh Chức Thần Quyền, trang 181 đến 184, dưới tiểu đề “Biết cách thở”). Thật vậy, khi nói đến việc hát chúc tụng, đôi khi Kinh Thánh bảo những người thờ phượng Đức Giê-hô-va: “Hãy reo vui”.—Thi 33:1-3.

13. Bằng cách nào chúng ta có thể tự tin hơn khi hát?

13 Trong Buổi thờ phượng của gia đình hoặc ngay cả khi ở một mình, hãy thử điều này: Chọn một bài hát Nước Trời mình yêu thích. Đọc lớn tiếng lời bài hát với giọng mạnh mẽ và tự tin. Sau đó, với âm lượng ấy, hãy đọc tất cả những từ trong một câu bằng một hơi. Rồi hát câu đó với giọng mạnh mẽ như thế (Ê-sai 24:14). Giọng hát của anh chị sẽ mạnh hơn, và đây là điều tốt. Vì thế, đừng sợ hay xấu hổ về giọng hát mạnh của mình!

14. (a) Làm thế nào việc mở miệng rộng hơn có thể giúp ích khi hát? (Xem khung “ Cách cải thiện khả năng ca hát”). (b) Trong các lời đề nghị giúp khắc phục những vấn đề khi hát, anh chị thấy đề nghị nào là thực tế?

14 Giọng hát của anh chị sẽ không đủ mạnh nếu không có đủ khoảng trống trong miệng. Vì vậy, một đề nghị khác là khi hát, hãy mở miệng rộng hơn lúc nói chuyện bình thường. Anh chị nên làm gì nếu cảm thấy mình có giọng yếu hoặc quá cao? Anh chị có thể tìm được những lời đề nghị thực tế trong sách Được lợi ích nhờ sự giáo dục của Trường Thánh Chức Thần Quyền, trang 184, nơi khung “Khắc phục những khó khăn cụ thể”.

HÁT CHÚC TỤNG ĐỨC CHÚA TRỜI TỪ ĐÁY LÒNG

15. (a) Có thông báo nào tại phiên họp thường niên năm 2016? (b) Một số mục tiêu của sách hát mới là gì?

15 Tại phiên họp thường niên năm 2016, mọi người rất hào hứng khi anh Stephen Lett thuộc Hội đồng Lãnh đạo thông báo là có sách hát mới, với tên gọi Vui mừng ca hát cho Đức Giê-hô-va, và sách này sẽ sớm được dùng trong các buổi nhóm họp. Anh Lett giải thích rằng một trong những mục tiêu của việc hiệu đính sách hát là để có sự hòa hợp giữa các bài hát với Kinh ThánhBản dịch Thế Giới Mới. Điều này đòi hỏi phải bỏ hoặc sửa lại những lời bài hát có các cụm từ không còn xuất hiện trong Bản dịch Thế Giới Mới. Hơn nữa, những bài hát mới về công việc rao giảng và những bài hát bày tỏ lòng biết ơn về giá chuộc đã được thêm vào. Cũng vì ca hát là một phần thiết yếu trong sự thờ phượng của chúng ta, nên Hội đồng Lãnh đạo muốn xuất bản một sách hát chất lượng cao, có bìa giống với Bản dịch Thế Giới Mới.

16, 17. Có những điều chỉnh nào trong sách hát mới?

16 Các bài hát trong sách Vui mừng ca hát cho Đức Giê-hô-va được sắp xếp theo chủ đề để dễ sử dụng hơn. Chẳng hạn, 12 bài đầu tiên nói về Đức Giê-hô-va, 8 bài kế tiếp nói về Chúa Giê-su và giá chuộc, v.v. Sách này có một danh mục đề tài rất hữu ích. Chẳng hạn, có thể dùng danh mục này để chọn bài hát cho diễn văn công cộng.

17 Nhằm giúp mọi người hát từ đáy lòng, một số lời bài hát đã được thay đổi để ý tưởng rõ ràng hơn. Một vài bài hát cũng được điều chỉnh để phản ánh những đề tài thực tế hơn liên quan đến nhóm họp hay thánh chức. Ví dụ, bài hát “Thỏa lòng với quà tốt lành từ Đức Chúa Trời” ít được sử dụng, nên đã được đổi thành “Dạy Lời Đức Chúa Trời”.

Hãy tập các bài hát trong Buổi thờ phượng của gia đình (Xem đoạn 18)

18. Tại sao chúng ta nên quen thuộc với những bài trong sách hát mới? (Xem chú thích).

18 Nhiều bài hát trong sách Vui mừng ca hát cho Đức Giê-hô-va có dạng lời cầu nguyện. Qua những bài hát này, anh chị có thể bày tỏ cảm xúc với Đức Giê-hô-va. Một số bài hát khác “khuyến giục [chúng ta] biểu lộ tình yêu thương và làm việc lành” (Hê 10:24). Chắc chắn chúng ta muốn trở nên quen thuộc với giai điệu, nhịp điệu và lời của các bài hát. Chúng ta có thể làm thế bằng cách nghe những bài hợp xướng có trong một số ngôn ngữ trên jw.org. Việc tập các bài hát mới ở nhà cũng giúp anh chị hát một cách tự tin và từ đáy lòng. *

19. Làm thế nào mọi người trong hội thánh có thể trực tiếp tham gia vào việc thờ phượng Đức Giê-hô-va?

19 Hãy nhớ rằng ca hát là một phần quan trọng trong sự thờ phượng của chúng ta. Đây là cách rất tốt để bày tỏ tình yêu thương và lòng biết ơn của chúng ta với Đức Giê-hô-va. (Đọc Ê-sai 12:5). Khi hát lớn tiếng với lòng vui mừng, anh chị cũng sẽ khích lệ người khác hát một cách tự tin. Thật thế, mọi người trong hội thánh, bao gồm người nhỏ tuổi, người lớn tuổi và người mới, đều có thể trực tiếp tham gia vào việc thờ phượng Đức Giê-hô-va theo cách này. Do đó, đừng ngại thể hiện cảm xúc của anh chị qua bài hát. Thay vì thế, hãy vâng theo chỉ thị rõ ràng mà người viết Thi thiên được soi dẫn để ghi lại: “Hãy hát cho Đức Giê-hô-va!”. Vậy, hãy vui mừng ca hát!—Thi 96:1.

^ đ. 11 Để biết thêm về cách cải thiện giọng hát, xin xem chương trình Kênh truyền thông JW tháng 12 năm 2014 (Anh ngữ) (video thuộc chủ đề TỪ TRƯỜNG QUAY).

^ đ. 18 Để giúp chúng ta hào hứng khi hát, mỗi phiên họp của hội nghị vùng và hội nghị vòng quanh đều mở đầu bằng phần trình chiếu âm nhạc dài 10 phút. Phần nhạc giao hưởng này được soạn để giúp chúng ta chuẩn bị lòng và trí cho chương trình tiếp theo. Vì vậy, chúng ta được khuyến khích ngồi vào chỗ khi chương trình bắt đầu và chăm chú lắng nghe phần âm nhạc này.