Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

Hãy noi theo công lý và lòng thương xót của Đức Giê-hô-va

Hãy noi theo công lý và lòng thương xót của Đức Giê-hô-va

“Hãy xét xử theo công lý thật, đối xử với nhau bằng tình yêu thương thành tín và lòng thương xót”.—XA 7:9.

BÀI HÁT: 125, 88

1, 2. (a) Chúa Giê-su cảm thấy thế nào về Luật pháp của Đức Chúa Trời? (b) Các thầy kinh luật và người Pha-ri-si bóp méo Luật pháp ra sao?

Chúa Giê-su yêu mến Luật pháp Môi-se. Điều này là đương nhiên vì Luật pháp ấy đến từ đấng quan trọng nhất trong cuộc đời của ngài là Đức Giê-hô-va, Cha ngài. Việc Chúa Giê-su yêu mến sâu xa luật pháp của Đức Chúa Trời được báo trước nơi Thi thiên 40:8: “Lạy Đức Chúa Trời của con, làm theo ý muốn ngài là niềm vui của con, luật pháp của ngài khắc sâu nơi dạ”. Qua lời nói và hành động, Chúa Giê-su khẳng định Luật pháp của Đức Chúa Trời là hoàn hảo, hữu ích và chắc chắn được ứng nghiệm.—Mat 5:17-19.

2 Hẳn Chúa Giê-su rất buồn khi thấy các thầy kinh luật và người Pha-ri-si bóp méo Luật pháp của Cha ngài! Họ giữ chi li những điều nhỏ nhất của Luật pháp. Chúng ta biết điều này vì Chúa Giê-su nói: “Các ông nộp một phần mười bạc hà, thì là và các loại thảo mộc khác”. Vấn đề là gì? Ngài nói tiếp: “Nhưng [các ông] lại bỏ qua những điều quan trọng hơn trong Luật pháp, ấy là công lý, lòng thương xót và sự trung tín” (Mat 23:23). Không giống như người Pha-ri-si tự cho mình là công chính, Chúa Giê-su hiểu thấu tinh thần nằm sau Luật pháp và các đức tính của Đức Chúa Trời được phản ánh trong mỗi điều răn.

3. Bài này sẽ xem xét điều gì?

3 Là tín đồ đạo Đấng Ki-tô, chúng ta không ở dưới giao ước Luật pháp (Rô 7:6). Tuy nhiên, Đức Giê-hô-va bảo tồn Luật pháp cho chúng ta trong Lời ngài, là Kinh Thánh. Ngài không muốn chúng ta quá chú trọng từng chi tiết của Luật pháp, nhưng muốn chúng ta nhận ra và áp dụng “những điều quan trọng hơn”, tức những nguyên tắc cao quý là nền tảng của các điều răn. Chẳng hạn, qua sự sắp đặt về thành trú ẩn, chúng ta nhận ra những nguyên tắc nào? Trong bài trước, chúng ta đã rút ra những bài học từ các bước mà người chạy trốn phải làm. Nhưng sự sắp đặt về thành trú ẩn còn dạy chúng ta về Đức Giê-hô-va và cách chúng ta có thể phản ánh các đức tính của ngài. Vì thế, bài này sẽ trả lời ba câu hỏi: Làm thế nào các thành trú ẩn cho thấy lòng thương xót của Đức Giê-hô-va? Các thành ấy dạy chúng ta điều gì về quan điểm của ngài về sự sống? Chúng phản ánh công lý hoàn hảo của ngài ra sao? Trong mỗi trường hợp, hãy tìm cách để noi theo Cha trên trời.—Đọc Ê-phê-sô 5:1.

VỊ TRÍ CỦA CÁC THÀNH TRÚ ẨN CHO THẤY LÒNG THƯƠNG XÓT CỦA ĐỨC CHÚA TRỜI

4, 5. (a) Điều gì giúp người chạy trốn dễ đến các thành trú ẩn, và tại sao? (b) Qua đó, chúng ta học được gì về Đức Giê-hô-va?

4 Rất dễ để đến sáu thành trú ẩn. Đức Giê-hô-va lệnh cho dân Y-sơ-ra-ên bố trí những thành này nằm đều ở cả hai bên sông Giô-đanh. Tại sao? Để bất cứ ai chạy trốn cũng có thể tìm được nơi trú ẩn một cách nhanh chóng và thuận tiện (Dân 35:11-14). Các con đường dẫn đến thành trú ẩn được bảo trì tốt (Phục 19:3). Theo truyền thống Do Thái, những biển báo được dựng lên để chỉ đường cho người chạy trốn có thể đến các thành ấy. Vì có các thành trú ẩn, người ngộ sát không phải trốn đến xứ khác, nơi mà người ấy có thể bị cám dỗ đi theo sự thờ phượng sai lầm.

5 Hãy thử nghĩ: Đức Giê-hô-va, đấng ra lệnh rằng kẻ cố ý giết người phải bị xử tử, đã cho người ngộ sát có cơ hội được thương xót và bảo vệ. Một nhà bình luận viết: “Mọi điều liên quan đến sắp đặt này đều rõ ràng, đơn giản và dễ dàng nhất có thể. Đó là đường lối nhân từ của Đức Chúa Trời”. Đức Giê-hô-va không phải là đấng phán xét vô cảm, nôn nóng trừng phạt tôi tớ ngài. Thay vì thế, ngài “giàu lòng thương xót”.—Ê-phê 2:4.

6. Thái độ của người Pha-ri-si khác hẳn lòng thương xót của Đức Chúa Trời như thế nào?

6 Ngược lại, những người Pha-ri-si không sẵn sàng thể hiện lòng thương xót. Chẳng hạn, theo truyền thống, họ không chịu tha thứ cho những ai tái phạm một lỗi với họ quá ba lần. Để cho thấy thái độ sai trái của họ đối với người phạm tội, Chúa Giê-su nêu minh họa về một người Pha-ri-si cầu nguyện: “Lạy Đức Chúa Trời, con tạ ơn ngài vì con không như người khác, tống tiền, bất chính, ngoại tình, cũng không như tên thu thuế kia”, tức người thu thuế đã khiêm nhường cầu xin Đức Chúa Trời thương xót. Tại sao người Pha-ri-si không sẵn sàng thể hiện lòng thương xót? Kinh Thánh nói rằng họ “xem người khác không ra gì”.—Lu 18:9-14.

“Con đường” dẫn đến sự tha thứ của anh chị có được mở rộng và “bảo trì” tốt không? Hãy là người dễ gần (Xem đoạn 4-8)

7, 8. (a) Khi ai đó phạm lỗi với anh chị, làm thế nào anh chị có thể noi gương Đức Giê-hô-va? (b) Tại sao tha thứ là một thử thách về lòng khiêm nhường?

7 Hãy noi gương Đức Giê-hô-va thay vì người Pha-ri-si. Hãy thể hiện lòng trắc ẩn. (Đọc Cô-lô-se 3:13). Một cách để làm thế là khiến người khác cảm thấy dễ đến xin mình tha thứ (Lu 17:3, 4). Hãy tự hỏi: “Mình có sẵn sàng tha thứ cho người phạm lỗi với mình dù họ phạm lỗi nhiều lần không? Mình có mong muốn làm hòa với người phạm lỗi hoặc người làm mình tổn thương không?”.

8 Thật ra, sự tha thứ là một thử thách về lòng khiêm nhường. Những người Pha-ri-si không vượt qua thử thách này vì họ xem người khác thấp kém hơn mình. Tuy nhiên, là tín đồ đạo Đấng Ki-tô, chúng ta phải khiêm nhường “xem người khác cao hơn mình” và xứng đáng được mình tha thứ (Phi-líp 2:3). Anh chị có noi gương Đức Giê-hô-va và vượt qua thử thách về lòng khiêm nhường không? Hãy giữ cho “con đường” dẫn đến sự tha thứ của anh chị được mở rộng và “bảo trì” tốt. Hãy nhanh chóng tỏ lòng thương xót và chậm giận.—Truyền 7:8, 9.

HÃY TÔN TRỌNG SỰ SỐNG ĐỂ “KHÔNG MẮC TỘI ĐỔ MÁU”

9. Làm thế nào Đức Giê-hô-va giúp dân Y-sơ-ra-ên hiểu rằng sự sống là thánh khiết?

9 Một mục đích của thành trú ẩn là để bảo vệ dân Y-sơ-ra-ên khỏi mắc nợ máu (Phục 19:10). Đức Giê-hô-va yêu sự sống và ghét “tay làm đổ máu vô tội” (Châm 6:16, 17). Là Đức Chúa Trời công bằng và thánh khiết, ngài không thể làm ngơ ngay cả khi một người vô tình gây đổ máu. Đành rằng người ngộ sát được thương xót. Nhưng người ấy vẫn phải trình bày vụ việc cho các trưởng lão và nếu hành động của người ấy được xét là vô tình, người ấy phải tiếp tục ở trong thành trú ẩn cho đến khi thầy tế lễ thượng phẩm qua đời. Điều này có nghĩa là người ấy có thể phải sống cả đời ở đó. Hậu quả nghiêm trọng này giúp dân Y-sơ-ra-ên hiểu rằng sự sống là thánh khiết. Để tôn kính Đấng Ban Sự Sống, họ phải làm mọi điều có thể để tránh gây nguy hại đến tính mạng người khác.

10. Lời của Chúa Giê-su cho thấy các thầy kinh luật và người Pha-ri-si không xem trọng sự sống ra sao?

10 Khác với Đức Giê-hô-va, các thầy kinh luật và người Pha-ri-si không xem trọng sự sống của người khác. Chúa Giê-su nói với họ: “Các ông cất đi chìa khóa của sự hiểu biết; chính các ông không vào, mà ai vào thì các ông cản trở!” (Lu 11:52). Đáng ra họ phải cắt nghĩa Lời Đức Chúa Trời và giúp người khác bước đi trên con đường dẫn đến sự sống vĩnh cửu. Nhưng họ lại hướng người ta đi xa khỏi “Đấng Lãnh Đạo Chính của sự sống”, là Chúa Giê-su. Khi làm thế, họ đưa người ta tới sự hủy diệt đời đời (Công 3:15). Vì tự cao và ích kỷ, các thầy kinh luật và người Pha-ri-si không quan tâm đến lợi ích và mạng sống của người khác. Thật tàn ác và nhẫn tâm!

11. (a) Làm thế nào sứ đồ Phao-lô cho thấy ông có cùng quan điểm với Đức Chúa Trời về sự sống? (b) Điều gì sẽ giúp chúng ta noi theo gương sốt sắng của Phao-lô trong thánh chức?

11 Làm thế nào chúng ta có thể tránh thái độ của các thầy kinh luật và người Pha-ri-si, đồng thời noi gương Đức Giê-hô-va? Chúng ta nên tôn trọng và nâng niu món quà sự sống. Sứ đồ Phao-lô đã làm thế bằng cách làm chứng cặn kẽ. Kết quả là ông có thể nói: “Tôi vô tội về huyết của mọi người”. (Đọc Công vụ 20:26, 27). Dù vậy, điều thúc đẩy Phao-lô rao giảng không phải là cảm giác áy náy cũng không phải vì bổn phận, nhưng vì yêu thương người khác và sự sống của họ là quý giá đối với ông (1 Cô 9:19-23). Tương tự, chúng ta nên cố gắng có cùng quan điểm với Đức Giê-hô-va về sự sống. Ngài “muốn mọi người đều ăn năn” (2 Phi 3:9). Còn anh chị thì sao? Khi có lòng thương xót, rất có thể anh chị sẽ được thúc đẩy để càng sốt sắng trong thánh chức, và anh chị sẽ vui mừng hơn khi làm thế.

12. Tại sao an toàn là điều quan trọng đối với dân Đức Chúa Trời?

12 Chúng ta cũng có cùng quan điểm với Đức Giê-hô-va về sự sống khi vun trồng thái độ đúng về sự an toàn. Chúng ta phải đảm bảo an toàn khi lái xe và làm việc, ngay cả khi xây cất, bảo trì hoặc đi đến nơi thờ phượng. Đừng bao giờ đặt năng suất, tài chính hay lịch trình làm việc lên trên sự an toàn và sức khỏe. Đức Chúa Trời công chính của chúng ta luôn làm điều đúng và thích hợp. Chúng ta muốn bắt chước ngài. Đặc biệt các trưởng lão nên quan tâm đến sự an toàn của chính mình và những người làm việc ở xung quanh (Châm 22:3). Vì thế, nếu được một trưởng lão nhắc nhở về những luật lệ và tiêu chuẩn an toàn, anh chị hãy chấp nhận lời khuyên (Ga 6:1). Hãy có cùng quan điểm với Đức Giê-hô-va về sự sống. Khi làm thế, ‘anh chị sẽ không mắc tội đổ máu’.

“PHẢI XÉT XỬ... DỰA VÀO NHỮNG LUẬT LỆ TRÊN”

13, 14. Bằng cách nào các trưởng lão Y-sơ-ra-ên có thể phản ánh công lý của Đức Giê-hô-va?

13 Đức Giê-hô-va lệnh cho các trưởng lão Y-sơ-ra-ên phải noi theo tiêu chuẩn cao của ngài về công lý. Trước tiên các trưởng lão cần xác minh sự việc. Họ cũng phải xem xét kỹ động cơ, thái độ và hạnh kiểm trước đây của người gây đổ máu khi quyết định có nên thể hiện lòng thương xót hay không. Để phản ánh công lý của Đức Chúa Trời, họ phải xác định liệu người chạy trốn có hành động “vì căm ghét” và “với ác ý” hay không. (Đọc Dân số 35:20-24). Nếu xem xét lời khai của nhân chứng, thì phải có ít nhất hai nhân chứng mới có thể kết tội người đó là cố ý giết người.—Dân 35:30.

14 Sau khi xác minh sự việc, các trưởng lão phải xem xét con người, chứ không chỉ hành động của người ấy. Họ cần sáng suốt, không chỉ nhìn bề ngoài nhưng phải xem xét kỹ vấn đề. Quan trọng nhất, họ cần thần khí thánh của Đức Giê-hô-va, là điều sẽ giúp họ phản ánh sự thông sáng, lòng thương xót và công lý của ngài.—Xuất 34:6, 7.

15. Hãy cho thấy sự tương phản giữa quan điểm của Chúa Giê-su và người Pha-ri-si về người phạm tội.

15 Người Pha-ri-si chỉ tập trung vào hành động thay vì con người của người phạm tội. Khi thấy Chúa Giê-su dự tiệc ở nhà Ma-thi-ơ, người Pha-ri-si hỏi các môn đồ ngài: “Sao thầy các anh lại ăn chung với bọn thu thuế và kẻ tội lỗi?”. Nghe vậy, ngài đáp: “Người khỏe không cần thầy thuốc, chỉ người bệnh mới cần. Vậy hãy đi và tìm hiểu ý nghĩa câu này: ‘Ta muốn lòng thương xót chứ không phải vật tế lễ’. Vì tôi đến không phải để kêu gọi người công chính, mà là người tội lỗi” (Mat 9:9-13). Chúa Giê-su có bào chữa cho những người phạm tội nặng không? Hoàn toàn không. Vì thông điệp chính của Chúa Giê-su bao gồm việc kêu gọi người phạm tội ăn năn (Mat 4:17). Dù vậy, Chúa Giê-su sáng suốt nhận ra ít nhất một số người “thu thuế và kẻ tội lỗi” muốn thay đổi. Họ không chỉ đơn giản đến nhà Ma-thi-ơ để ăn uống. Thật ra, “nhiều người trong số họ đang theo [Chúa Giê-su]” (Mác 2:15). Đáng buồn là phần lớn người Pha-ri-si không thấy điều mà Chúa Giê-su thấy nơi những người như thế. Không giống với Đức Chúa Trời công bằng và thương xót mà họ cho rằng họ thờ phượng, người Pha-ri-si xem người khác là kẻ tội lỗi, vô phương cứu chữa.

16. Ủy ban tư pháp cố gắng xác định điều gì?

16 Ngày nay, các trưởng lão phải noi gương Đức Giê-hô-va, là đấng “yêu chuộng công lý” (Thi 37:28). Trước tiên, họ cần “xem xét sự việc và điều tra kỹ càng” để xác minh một người có phạm tội hay không. Nếu có, họ sẽ xử lý trường hợp đó theo sự chỉ dẫn trong Kinh Thánh (Phục 13:12-14). Khi lập ủy ban tư pháp, các trưởng lão trong ủy ban ấy phải xác định kỹ xem người phạm tội nặng có ăn năn hay không. Không phải lúc nào cũng dễ xác định điều đó. Sự ăn năn bao gồm quan điểm, thái độ và tình trạng của lòng (Khải 3:3). Người phạm tội phải ăn năn nếu muốn được thương xót. *

17, 18. Làm thế nào các trưởng lão nhận ra một người thành thật ăn năn? (Xem hình nơi đầu bài).

17 Khác với Đức Giê-hô-va và Chúa Giê-su, các trưởng lão không thể đọc được lòng. Vậy nếu là trưởng lão, làm thế nào anh có thể nhận ra một người thành thật ăn năn? Đầu tiên, hãy cầu xin sự khôn ngoan và thông sáng (1 Vua 3:9). Sau đó, hãy xem xét Lời Đức Chúa Trời và các ấn phẩm từ đầy tớ trung tín để giúp mình phân biệt “nỗi buồn theo cách của thế gian” với “nỗi buồn theo ý Đức Chúa Trời”, tức sự thành thật ăn năn (2 Cô 7:10, 11). Hãy xem cách Kinh Thánh miêu tả người ăn năn và người không ăn năn. Kinh Thánh miêu tả cảm xúc, thái độ và hạnh kiểm của họ như thế nào?

18 Cuối cùng, cố gắng xem xét người phạm tội là người như thế nào. Hãy xem gốc gác, động cơ và những giới hạn của người ấy. Về đầu của hội thánh đạo Đấng Ki-tô là Chúa Giê-su, Kinh Thánh tiên tri: “Người không xét xử theo điều mắt thấy bên ngoài, cũng không khiển trách chỉ dựa vào điều tai nghe. Người sẽ lấy lẽ công bằng xét xử những người thấp hèn; người sẽ lấy sự ngay thẳng khiển trách vì cớ những người khiêm hòa trên đất” (Ê-sai 11:3, 4). Hỡi các trưởng lão, các anh là người chăn phụ của Chúa Giê-su và ngài sẽ giúp các anh xét xử như ngài (Mat 18:18-20). Chẳng phải chúng ta biết ơn vì có các trưởng lão quan tâm đến chúng ta sao? Chúng ta rất quý trọng nỗ lực không mệt mỏi của họ để đẩy mạnh công lý và lòng thương xót trong hội thánh.

19. Anh chị muốn áp dụng bài học nào từ thành trú ẩn?

19 Luật pháp Môi-se phản ánh những điều “cơ bản về kiến thức và chân lý” về Đức Giê-hô-va và các nguyên tắc công chính của ngài (Rô 2:20). Chẳng hạn, thành trú ẩn dạy các trưởng lão cách “xét xử theo công lý thật”, và dạy tất cả chúng ta cách “đối xử với nhau bằng tình yêu thương thành tín và lòng thương xót” (Xa 7:9). Chúng ta không còn ở dưới Luật pháp. Nhưng Đức Giê-hô-va không thay đổi. Công lý và lòng thương xót vẫn quan trọng đối với ngài. Thật là một đặc ân khi được thờ phượng Đức Chúa Trời, đấng tạo ra chúng ta theo hình ảnh của ngài! Chúng ta hãy noi theo các đức tính tuyệt vời của ngài và náu thân nơi ngài để được an toàn.

^ đ. 16 Xin xem “Độc giả thắc mắc” trong Tháp Canh ngày 15-9-2006, trg 30.