Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

KINH NGHIỆM

Bỏ lại tất cả để đi theo Chủ

Bỏ lại tất cả để đi theo Chủ

“Nếu muốn đi giảng đạo thì đừng vác mặt về, còn nếu về thì tao sẽ đánh gãy chân mày”. Lời đe dọa đó của cha cứ văng vẳng bên tai nên tôi quyết định bỏ nhà đi. Đó là trải nghiệm đầu tiên của tôi trong việc bỏ lại tất cả để đi theo Chủ. Lúc ấy, tôi mới 16 tuổi.

Điều gì khiến tôi rơi vào hoàn cảnh đó? Tôi xin giải thích. Tôi sinh ngày 29-7-1929, và lớn lên tại một làng ở tỉnh Bulacan thuộc Philippines. Đời sống ở đây rất đơn giản vì là thời kỳ khủng hoảng kinh tế. Chiến tranh nổ ra khi tôi còn trẻ. Lúc đó, quân Nhật Bản xâm lăng Philippines. Tuy nhiên, vì làng của chúng tôi khá hẻo lánh nên không bị ảnh hưởng trực tiếp bởi cuộc xung đột vũ trang. Do không có radio, ti-vi và báo chí nên chúng tôi nhận tin tức về chiến tranh chỉ qua lời truyền miệng.

Tôi là con thứ hai trong gia đình có tám người con, và ông bà ngoại đã mang tôi về sống chung khi tôi tám tuổi. Dù chúng tôi theo đạo Công giáo, nhưng ông ngoại rất cởi mở về tôn giáo và đã nhận các sách đạo mà bạn của ông tặng. Tôi nhớ rằng ông từng cho tôi xem những sách nhỏ là Sự bảo vệ (Protection), Sự an toàn (Safety) và Bị vạch trần (Uncovered) trong tiếng Tagalog, * cũng như Kinh Thánh. Tôi thích đọc Kinh Thánh, nhất là bốn sách Phúc âm. Việc này khiến tôi muốn noi gương Chúa Giê-su.—Giăng 10:27.

HỌC ĐỂ ĐI THEO CHỦ

Cuộc xâm lăng của quân Nhật Bản chấm dứt năm 1945. Vào khoảng thời gian đó, cha mẹ kêu tôi về nhà. Ông ngoại bảo tôi làm thế, và tôi đã nghe theo.

Không lâu sau, vào tháng 12 năm 1945, một nhóm Nhân Chứng Giê-hô-va từ thị trấn Angat đến rao giảng ở làng của chúng tôi. Một Nhân Chứng lớn tuổi đến nhà chúng tôi và giải thích điều Kinh Thánh dạy về “những ngày sau cùng” (2 Ti 3:1-5). Anh mời chúng tôi tham dự buổi thảo luận Kinh Thánh ở một làng gần đó. Cha mẹ tôi không đi nhưng tôi thì đi. Có khoảng 20 người tham dự và một số người nêu thắc mắc về Kinh Thánh.

Vì không hiểu hết những gì thảo luận trong buổi hôm đó nên tôi quyết định đi về. Nhưng vào lúc ấy, họ bắt đầu hát bài hát Nước Trời. Bài hát rất ấn tượng với tôi nên tôi đã ở lại. Sau bài hát và lời cầu nguyện, tất cả mọi người được mời tham dự buổi nhóm họp vào chủ nhật tuần tới ở Angat.

Vài người trong chúng tôi đi bộ khoảng 8km để đến nhóm họp ở nhà của gia đình anh chị Cruz. Tôi ấn tượng vì ngay cả các em nhỏ trong vòng 50 người tham dự cũng bình luận về những đề tài sâu sắc trong Kinh Thánh. Sau vài buổi nhóm họp, anh Damian Santos, một tiên phong lớn tuổi từng là thị trưởng, đã mời tôi nghỉ qua đêm ở nhà anh. Chúng tôi thảo luận Kinh Thánh gần suốt đêm đó.

Thời ấy, khi học được những sự thật căn bản của Kinh Thánh, nhiều người trong chúng tôi nhanh chóng hưởng ứng. Chỉ sau vài buổi nhóm họp, các anh hỏi tôi và những người khác: “Các anh chị có muốn báp-têm không?”. Tôi trả lời: “Dạ muốn”. Tôi biết rằng mình muốn “làm tôi cho Chủ là Đấng Ki-tô” (Cô 3:24). Chúng tôi đến một con sông gần đó, tôi và một anh khác báp-têm vào ngày 15-2-1946.

Chúng tôi nhận ra rằng khi đã báp-têm, chúng tôi cần noi gương Chúa Giê-su là rao giảng đều đặn. Khi tôi làm thế, cha tôi không hài lòng và nói: “Con còn quá trẻ để giảng đạo. Vả lại, được nhận chìm dưới sông không làm con trở thành người giảng đạo”. Tôi giải thích rằng ý muốn của Đức Chúa Trời là chúng ta rao giảng tin mừng về Nước của ngài (Mat 24:14). Tôi nói thêm: “Con cần làm trọn lời hứa nguyện với Đức Chúa Trời”. Đó chính là lúc cha đe dọa tôi, như tôi kể ở đầu bài. Thật vậy, cha tôi ra sức ngăn cản tôi rao giảng. Chính điều đó dẫn đến trải nghiệm đầu tiên của tôi trong việc bỏ lại tất cả để theo đuổi các mục tiêu thiêng liêng.

Gia đình anh chị Cruz mời tôi đến sống với họ ở Angat. Họ cũng khuyến khích tôi và con gái út của họ là Nora đăng ký làm tiên phong. Cả hai chúng tôi bắt đầu làm tiên phong vào ngày 1-11-1947. Nora phụng sự ở thị trấn khác, còn tôi tiếp tục ủng hộ công việc rao giảng ở Angat.

MỘT CƠ HỘI KHÁC ĐỂ BỎ LẠI TẤT CẢ

Trong năm thứ ba tôi làm tiên phong, anh Earl Stewart từ văn phòng chi nhánh đã trình bày bài giảng trước hơn 500 người tại một nơi công cộng ở Angat. Anh nói bài giảng bằng tiếng Anh, và sau đó tôi tóm lược trong tiếng Tagalog. Dù tôi chỉ được đi học bảy năm, nhưng giáo viên thường dùng tiếng Anh. Một điều khác đã giúp tôi cải thiện tiếng Anh là vì trong tiếng Tagalog có rất ít ấn phẩm dựa trên Kinh Thánh, nên tôi nghiên cứu nhiều ấn phẩm của tổ chức bằng tiếng Anh. Nhờ vậy, tôi tích lũy đủ vốn tiếng Anh để thông dịch bài giảng đó và các bài giảng khác vào những dịp sau này.

Vào ngày mà tôi thông dịch cho anh Stewart, anh nói với hội thánh địa phương rằng văn phòng chi nhánh muốn mời một hoặc hai anh tiên phong vào Bê-tên. Mục tiêu là để giúp đỡ trong khi các giáo sĩ đi tham dự Hội nghị Thần quyền Tăng tiến vào năm 1950 ở New York, Hoa Kỳ. Tôi là một trong những anh được mời. Một lần nữa, tôi bỏ lại những điều quen thuộc xung quanh, và lần này là để giúp công việc Bê-tên.

Tôi vào Bê-tên ngày 19-6-1950, và bắt đầu nhiệm sở mới. Bê-tên là một căn nhà lớn và cũ, xung quanh là những cây to, và nằm trên diện tích một héc-ta. Có hơn chục anh độc thân phụng sự ở đó. Vào sáng sớm, tôi phụ việc trong nhà bếp. Rồi từ 9 giờ sáng, tôi làm trong phòng giặt. Buổi chiều tôi lại làm việc theo lịch trình tương tự. Ngay cả khi các giáo sĩ đã trở lại từ hội nghị quốc tế, tôi vẫn phụng sự tại Bê-tên. Tôi đóng gói các tạp chí để gửi đi, xử lý các phiếu đặt ấn phẩm dài hạn và làm tiếp tân. Tôi làm bất cứ việc gì được chỉ định.

RỜI PHILIPPINES ĐỂ HỌC TRƯỜNG GA-LA-ÁT

Năm 1952, cùng với sáu anh khác từ Philippines, tôi vui mừng khi nhận được lời mời tham dự khóa 20 của Trường Ga-la-át. Nhiều thứ chúng tôi thấy và trải nghiệm ở Hoa Kỳ rất mới lạ. Thật vậy, mọi thứ rất khác so với những điều tôi biết khi ở ngôi làng nhỏ bé của mình.

Với các học viên khác ở Trường Ga-la-át

Chẳng hạn, chúng tôi phải tập dùng các thiết bị và vật dụng không quen thuộc. Thời tiết thì khác hẳn! Một buổi sáng, khi bước ra ngoài thì trước mắt tôi là một thế giới màu trắng tuyệt đẹp. Đó là lần đầu tiên tôi thấy tuyết. Rồi tôi nhận ra trời lạnh đến thấu xương!

Tuy nhiên, vì tôi rất thích sự huấn luyện tại Trường Ga-la-át nên những thay đổi đó chẳng là gì. Các giảng viên dùng những phương pháp dạy dỗ rất hiệu quả. Chúng tôi được dạy để nghiên cứu và học hỏi một cách có ý nghĩa. Sự huấn luyện ở Trường Ga-la-át thật sự đã giúp tôi cải thiện về thiêng liêng.

Sau khi tốt nghiệp, tôi tạm thời được bổ nhiệm làm tiên phong đặc biệt ở Bronx, thuộc thành phố New York. Vì thế, tháng 7 năm 1953, tôi có thể tham dự Hội nghị Xã hội Thế Giới Mới, cũng được tổ chức trong khu đó. Sau hội nghị, tôi trở lại nhiệm sở ở Philippines.

BỎ LẠI CUỘC SỐNG THOẢI MÁI Ở THÀNH PHỐ

Các anh ở văn phòng chi nhánh nói với tôi: “Bây giờ anh sẽ làm giám thị vòng quanh”. Điều đó mở ra cơ hội mới để tôi bước theo dấu chân của Chủ theo nghĩa đen, đấng đã đi đến các thành và thị trấn xa xôi để giúp chiên của Đức Giê-hô-va (1 Phi 2:21). Vòng quanh mà tôi được bổ nhiệm đến là một vùng rộng lớn thuộc miền trung Luzon, đảo lớn nhất của Philippines. Vùng này bao gồm các tỉnh Bulacan, Nueva Ecija, Tarlac và Zambales. Để thăm một số thị trấn, tôi phải băng qua vùng núi Sierra Madre hiểm trở. Phương tiện giao thông công cộng không đi đến những nơi này, nên tôi phải xin các tài xế xe tải cho tôi ngồi lên những cây gỗ họ chở. Thường thì họ đồng ý, nhưng đi như vậy không thoải mái lắm.

Đa số các hội thánh tương đối nhỏ và mới. Vì thế, các anh rất biết ơn khi tôi giúp họ tổ chức hiệu quả hơn các buổi nhóm họp và công việc rao giảng.

Sau này, tôi được chuyển đến một vòng quanh bao gồm toàn bộ vùng Bicol. Vòng quanh này chủ yếu gồm các nhóm đơn lẻ, nơi mà tiên phong đặc biệt đang khai thác những khu vực chưa có người rao giảng. Tại một gia đình, nhà vệ sinh chỉ là một cái hố và có hai thanh gỗ bắc ngang qua. Khi tôi bước lên hai thanh gỗ thì chúng bị rớt xuống hố và tôi bị ngã theo. Phải mất khá lâu để tôi rửa sạch và sẵn sàng cho bữa sáng!

Tại nhiệm sở đó, tôi bắt đầu nghĩ đến Nora, người đã làm tiên phong khi còn ở Bulacan. Lúc bấy giờ, cô ấy đang là tiên phong đặc biệt ở thành phố Dumaguete, và tôi đến thăm cô ấy. Sau đó, chúng tôi trao đổi thư từ trong một thời gian, và vào năm 1956, chúng tôi kết hôn. Chúng tôi dành tuần đầu tiên sau đám cưới để thăm một hội thánh ở đảo Rapu Rapu. Ở đó, chúng tôi phải leo núi và đi bộ rất nhiều, nhưng thật vui mừng khi vợ chồng tôi được cùng nhau phục vụ anh em ở những nơi hẻo lánh!

LẠI ĐƯỢC MỜI VÀO BÊ-TÊN

Sau gần bốn năm cùng nhau làm công việc vòng quanh, chúng tôi nhận được thư mời đến phụng sự ở văn phòng chi nhánh. Vì thế, tháng 1 năm 1960 đánh dấu sự khởi đầu của sự nghiệp lâu dài của chúng tôi tại Bê-tên. Qua thời gian, tôi học được nhiều điều khi cùng làm việc với các anh có trọng trách, và Nora làm các việc khác nhau ở Bê-tên.

Nói bài giảng tại một hội nghị, cùng với người thông dịch tiếng Cebuano

Khi làm việc tại Bê-tên, tôi có đặc ân được chứng kiến sự phát triển nổi bật về thiêng liêng ở Philippines. Lần đầu tôi vào Bê-tên khi còn là một anh trẻ độc thân, lúc đó có khoảng 10.000 người công bố trong cả nước. Hiện nay, có hơn 200.000 người công bố ở Philippines, cùng với hàng trăm thành viên Bê-tên đang làm việc để hỗ trợ công việc quan trọng là rao giảng.

Sau nhiều năm, khi công việc Nước Trời phát triển, các tòa nhà của Bê-tên trở nên chật hẹp. Hội đồng Lãnh đạo đề nghị chúng tôi tìm đất để xây chi nhánh mới rộng hơn. Tôi và anh giám thị xưởng in đi từ nhà này sang nhà kia trong khu vực xung quanh chi nhánh để hỏi xem có ai muốn bán đất không. Không ai muốn bán, và một chủ nhà còn nói với chúng tôi: “Người Hoa không bán đất, chỉ mua thôi!”.

Thông dịch bài giảng của anh Albert Schroeder

Nhưng vào ngày nọ, một người bất ngờ hỏi chúng tôi có muốn mua đất của ông không, vì ông sắp chuyển đến Hoa Kỳ. Điều này dẫn đến một chuỗi sự kiện khó tin. Một người hàng xóm khác quyết định bán đất và người ấy khuyến khích láng giềng cũng làm thế. Thậm chí, chúng tôi còn mua được mảnh đất của người đàn ông từng nói rằng “người Hoa không bán đất”. Trong một thời gian ngắn, diện tích đất của chi nhánh tăng lên gấp ba. Tôi tin chắc rằng Đức Giê-hô-va muốn điều này xảy ra.

Năm 1950, tôi từng là thành viên trẻ nhất của gia đình Bê-tên. Giờ đây, vợ chồng tôi là những thành viên lớn tuổi nhất. Tôi không hối tiếc về việc đi theo Chủ đến bất cứ nơi nào ngài hướng dẫn. Dù cha mẹ đã đuổi tôi ra khỏi nhà, nhưng Đức Giê-hô-va ban cho tôi một gia đình lớn hơn gồm các anh em đồng đạo. Tôi hoàn toàn tin chắc rằng Đức Giê-hô-va cung cấp mọi thứ chúng ta cần, dù ở bất cứ nhiệm sở nào mình được chỉ định. Vợ chồng tôi vô cùng biết ơn Đức Giê-hô-va về mọi sự cung cấp nhân từ của ngài, và chúng tôi khuyến khích những người khác thử ngài.—Mal 3:10.

Chúa Giê-su từng mời một người thu thuế tên là Ma-thi-ơ Lê-vi: “Hãy làm môn đồ tôi”. Ông đã phản ứng thế nào? “Ông bỏ lại tất cả rồi đứng lên đi theo ngài” (Lu 5:27, 28). Tôi cũng có những cơ hội tương tự, và tôi thật lòng khuyến khích người khác làm thế để cảm nghiệm được nhiều ân phước.

Vui mừng khi được tiếp tục góp phần vào sự phát triển ở Philippines

^ đ. 6 Do Nhân Chứng Giê-hô-va xuất bản, nhưng nay không còn ấn hành.