Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

Độc giả thắc mắc

Độc giả thắc mắc

Những tín đồ đã kết hôn có thể dùng dụng cụ tử cung (IUD) để kiểm soát sinh sản không?

Về vấn đề này, mỗi cặp vợ chồng đạo Đấng Ki-tô có thể xem xét những thông tin liên quan và các nguyên tắc Kinh Thánh. Sau đó, họ nên đưa ra quyết định sao cho giữ được lương tâm tốt trước mặt Đức Chúa Trời.

Ban đầu, khi chỉ có hai người trên đất (và sau trận Đại Hồng Thủy là tám người), Đức Giê-hô-va ban mệnh lệnh: “Hãy sinh sản và gia tăng nhiều” (Sáng 1:28; 9:1). Từ thời Chúa Giê-su, Kinh Thánh không nói rằng tín đồ đạo Đấng Ki-tô phải vâng theo mệnh lệnh này. Vì thế, mỗi cặp vợ chồng phải tự quyết định có nên dùng biện pháp kiểm soát sinh sản hay không để kế hoạch hóa gia đình, hoặc quyết định khi nào có con. Họ nên xem xét những yếu tố nào?

Khi xem xét bất cứ biện pháp kiểm soát sinh sản nào, tín đồ đạo Đấng Ki-tô phải dựa trên các nguyên tắc Kinh Thánh. Vì thế, họ không chấp nhận việc phá thai là một biện pháp kiểm soát sinh sản. Phá thai là đi ngược lại với điều Kinh Thánh nói về việc tôn trọng sự sống. Tín đồ đạo Đấng Ki-tô không chọn chấm dứt một sự sống mà với thời gian sẽ sinh ra một người (Xuất 20:13; 21:22, 23; Thi 139:16; Giê 1:5). Còn về việc dùng dụng cụ tử cung, trong đó có vòng tránh thai, thì sao?

Vấn đề này được nói đến trong Tháp Canh ngày 15-5-1979, trang 30, 31 (Anh ngữ). Thời đó có những dụng cụ tử cung bằng nhựa, không có hoạt chất. Dụng cụ này được đặt bên trong tử cung để tránh thai. Bài nói rằng người ta không hiểu rõ cơ chế hoạt động của dụng cụ này. Nhiều chuyên gia cho rằng dụng cụ tử cung này gây ra một phản ứng trong tử cung nhằm cản trở tinh trùng gặp trứng của người nữ để thụ tinh. Nếu quá trình thụ tinh không xảy ra thì sự sống mới không bắt đầu.

Tuy nhiên, một số bằng chứng cho thấy đôi khi một trứng vẫn được thụ tinh. Trứng vừa được thụ tinh có thể phát triển trong ống dẫn trứng (thai ngoài tử cung) hoặc di chuyển vào tử cung. Trong trường hợp trứng vừa được thụ tinh di chuyển vào tử cung, thì dụng cụ đặt trong tử cung có thể cản trứng bám vào lớp niêm mạc tử cung, khiến việc mang thai không thể tiến triển. Việc chấm dứt sự sống đang phát triển ấy tương tự với việc phá thai. Bài Tháp Canh kết luận: “Nếu tín đồ thành thật nào đang băn khoăn không biết dùng dụng cụ tử cung có phải là điều đúng không, thì hãy nghiêm túc xem xét những thông tin vừa thảo luận dựa vào quan điểm của Kinh Thánh về tính thánh khiết của sự sống”.—Thi 36:9.

Từ khi bài ấy được xuất bản năm 1979, có những tiến bộ đáng chú ý nào về y học hay khoa học liên quan đến dụng cụ tử cung không?

Có hai loại dụng cụ tử cung được phát minh. Loại dụng cụ tử cung chứa đồng phổ biến ở Hoa Kỳ vào năm 1988. Ngoài ra, cũng có loại dụng cụ tử cung tiết ra hoóc-mon đã có mặt trên thị trường vào năm 2001. Hai loại này hoạt động như thế nào?

Đồng: Như đã được đề cập, các dụng cụ tử cung dường như khiến tinh trùng khó sống sót để đến gặp trứng. Ngoài ra, với dụng cụ tử cung chứa đồng, đồng được giải phóng ra dường như là độc tố đối với tinh trùng, và hoạt động như một chất diệt tinh trùng. * Hơn nữa, dụng cụ tử cung chứa đồng được cho là làm thay đổi niêm mạc tử cung.

Hoóc-mon: Có những dụng cụ tử cung chứa loại hoóc-mon thường thấy trong thuốc tránh thai. Loại dụng cụ này tiết ra hoóc-mon bên trong tử cung. Dường như loại dụng cụ này ngăn sự rụng trứng đối với một số phụ nữ. Dĩ nhiên, nếu trứng không rụng thì việc thụ tinh không thể xảy ra. Ngoài cơ chế đó, người ta cho rằng hoóc-mon trong loại dụng cụ này còn làm mỏng lớp niêm mạc tử cung. * Nó cũng làm tăng độ quánh của chất nhầy ở cổ tử cung, tạo nên hàng rào ngăn cản tinh trùng di chuyển từ âm đạo vào tử cung. Những tác dụng này không thấy nơi dụng cụ tử cung không có hoạt chất.

Như đã được nói đến, cả hai loại dụng cụ tử cung này dường như đều làm thay đổi lớp niêm mạc tử cung. Nhưng nói sao nếu trứng rụng và được thụ tinh? Trứng đó có thể vào tử cung nhưng không thể bám vào niêm mạc tử cung vì lớp niêm mạc đã bị thay đổi. Điều này sẽ chấm dứt việc mang thai ngay từ đầu. Tuy nhiên, trường hợp này được cho là hiếm xảy ra, và dường như thuốc tránh thai cũng có kết quả tương tự.

Vì thế, không ai có thể đảm bảo rằng dụng cụ tử cung chứa đồng hay hoóc-mon không bao giờ cho phép một trứng thụ tinh. Tuy nhiên, có bằng chứng khoa học cho thấy vì một số cơ chế trên của dụng cụ tử cung nên việc mang thai hiếm xảy ra khi dùng những dụng cụ này.

Một cặp vợ chồng đạo Đấng Ki-tô đang suy nghĩ đến việc dùng dụng cụ tử cung có thể tham khảo ý kiến của các chuyên viên y khoa về những loại dụng cụ tử cung có ở địa phương, cũng như lợi ích và rủi ro cho người vợ. Cặp vợ chồng đó không nên mong đợi hoặc để người thứ ba, kể cả bác sĩ, quyết định thay cho mình (Rô 14:12; Ga 6:4, 5). Đó là quyết định cá nhân. Họ nên cùng nhau đưa ra quyết định cho thấy họ muốn làm vui lòng Đức Chúa Trời và giữ được lương tâm trong sạch trước mặt ngài.—So sánh 1 Ti-mô-thê 1:18, 19; 2 Ti-mô-thê 1:3.

^ đ. 10 Một sách hướng dẫn của Dịch vụ Y tế Quốc gia Anh Quốc cho biết: “Dụng cụ tử cung chứa nhiều đồng hơn đạt hiệu quả hơn 99%. Điều này có nghĩa là trong một năm, cứ 100 phụ nữ dùng dụng cụ này, thì chưa đến một người sẽ mang thai. Dụng cụ chứa ít đồng hơn thì hiệu quả sẽ kém hơn”.

^ đ. 11 Vì có tác dụng làm mỏng lớp niêm mạc tử cung, nên loại dụng cụ tử cung chứa hoóc-mon đôi khi được chỉ định cho các phụ nữ đã kết hôn hoặc chưa kết hôn để hạn chế kinh nguyệt ra quá nhiều.