Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

Các bậc cha mẹ hãy giúp con trở nên “khôn ngoan để được cứu rỗi”

Các bậc cha mẹ hãy giúp con trở nên “khôn ngoan để được cứu rỗi”

“Từ thuở thơ ấu, con đã biết Kinh Thánh, là lời có thể khiến con khôn ngoan để được cứu rỗi”.—2 TI 3:15.

BÀI HÁT: 141, 134

1, 2. Tại sao một số bậc cha mẹ có thể lo lắng khi con họ muốn dâng mình và báp-têm?

Hàng ngàn học viên Kinh Thánh đã dâng mình cho Đức Giê-hô-va và báp-têm. Trong số đó có nhiều bạn trẻ được nuôi dạy trong chân lý và đã chọn lối sống tốt nhất (Thi 1:1-3). Nếu là bậc cha mẹ đạo Đấng Ki-tô, chắc chắn anh chị trông mong ngày con mình sẽ báp-têm.—So sánh 3 Giăng 4.

2 Dù vậy, anh chị có thể lo lắng. Có lẽ anh chị thấy một số người trẻ báp-têm nhưng sau đó lại đặt nghi vấn liệu sống theo các tiêu chuẩn của Đức Chúa Trời có khôn ngoan không. Một số em trẻ thậm chí rời bỏ đường lối chân lý. Vì thế, anh chị có thể lo lắng rằng con mình bắt đầu phụng sự Đức Giê-hô-va nhưng rồi thay đổi và mất đi tình yêu thương ban đầu. Khi đó, con mình có thể giống như những tín đồ trong hội thánh ở Ê-phê-sô vào thế kỷ thứ nhất mà Chúa Giê-su nói: “Anh đã bỏ tình yêu thương mà anh từng có lúc ban đầu” (Khải 2:4). Làm thế nào anh chị có thể tránh được kết cuộc đó, đồng thời giúp con “lớn lên và được cứu rỗi”? (1 Phi 2:2). Để tìm lời giải đáp, chúng ta hãy xem xét gương của Ti-mô-thê.

“CON ĐÃ BIẾT KINH THÁNH”

3. (a) Ti-mô-thê trở thành tín đồ đạo Đấng Ki-tô trong bối cảnh nào, và ông đã hưởng ứng ra sao trước sự dạy dỗ của Chúa Giê-su? (b) Phao-lô nói với Ti-mô-thê về ba khía cạnh nào?

3 Hẳn là năm 47 CN, vào lần đầu tiên sứ đồ Phao-lô viếng thăm Lít-trơ, Ti-mô-thê mới học về sự dạy dỗ của Chúa Giê-su. Dù lúc đó rất có thể Ti-mô-thê còn là thanh thiếu niên nhưng ông đã áp dụng tốt điều học được. Hai năm sau, ông trở thành bạn đồng hành của Phao-lô. Khoảng 16 năm sau đó, Phao-lô viết cho Ti-mô-thê: “Hãy tiếp tục làm theo những điều con đã học và được thuyết phục để tin, vì con biết mình học những điều đó từ ai và từ thuở thơ ấu, con đã biết Kinh Thánh [phần Kinh Thánh tiếng Hê-bơ-rơ], là lời có thể khiến con khôn ngoan để được cứu rỗi qua đức tin nơi Đấng Ki-tô Giê-su” (2 Ti 3:14, 15). Hãy lưu ý rằng Phao-lô đề cập đến việc (1) biết Kinh Thánh, (2) được thuyết phục để tin những điều đã học và (3) trở nên khôn ngoan để được cứu rỗi qua đức tin nơi Đấng Ki-tô Giê-su.

4. Khi dạy con, anh chị thấy công cụ nào hữu hiệu? (Xem hình nơi đầu bài).

4 Là cha mẹ theo đạo Đấng Ki-tô, anh chị muốn con mình biết Kinh Thánh, là cuốn sách mà ngày nay bao gồm phần Kinh Thánh tiếng Hê-bơ-rơ và phần Kinh Thánh tiếng Hy Lạp. Tùy vào khả năng của con, ngay cả con rất nhỏ cũng có thể học về các nhân vật và sự kiện trong Kinh Thánh. Tổ chức của Đức Giê-hô-va cung cấp nhiều công cụ mà cha mẹ có thể dùng để giúp con. Anh chị có thể nghĩ đến một số công cụ có trong ngôn ngữ của mình không? Hãy nhớ rằng sự hiểu biết về Kinh Thánh là nền tảng để xây dựng mối quan hệ mật thiết với Đức Giê-hô-va.

“ĐƯỢC THUYẾT PHỤC ĐỂ TIN”

5. (a) “Được thuyết phục để tin” có nghĩa gì? (b) Làm thế nào chúng ta biết Ti-mô-thê được thuyết phục để tin vào tin mừng về Chúa Giê-su?

5 Biết Kinh Thánh là điều quan trọng. Tuy nhiên, việc truyền đạt cho con sự hiểu biết về thiêng liêng bao hàm nhiều hơn là chỉ dạy con về các nhân vật và sự kiện trong Kinh Thánh. Ti-mô-thê cũng “được thuyết phục để tin”. Trong nguyên ngữ, cụm từ này có nghĩa là “tin chắc về” hoặc “chắc chắn về tính xác thực của một điều gì đó”. Ti-mô-thê đã biết phần Kinh Thánh tiếng Hê-bơ-rơ từ thuở thơ ấu. Với thời gian, ông tin chắc Chúa Giê-su là Đấng Mê-si dựa trên những bằng chứng thuyết phục. Nói cách khác, ngoài sự hiểu biết, ông còn có lòng tin chắc. Thật vậy, niềm tin của Ti-mô-thê đối với tin mừng mạnh mẽ đến mức ông báp-têm để trở thành môn đồ Chúa Giê-su, và đồng hành với Phao-lô trong công việc giáo sĩ.

6. Làm thế nào anh chị có thể giúp con được thuyết phục để tin những điều chúng học từ Lời Đức Chúa Trời?

6 Làm thế nào anh chị có thể giúp con vun trồng lòng tin chắc hầu được thuyết phục để tin giống như Ti-mô-thê? Trước tiên, hãy kiên nhẫn. Lòng tin chắc không thể có được trong một sớm một chiều, cũng không phải là yếu tố di truyền. Mỗi đứa con cần dùng “lý trí” của mình để vun đắp lòng tin chắc nơi chân lý của Kinh Thánh. (Đọc Rô-ma 12:1). Là cha mẹ, anh chị đóng vai trò quan trọng trong quá trình đó, nhất là khi con nêu thắc mắc. Hãy xem một ví dụ.

7, 8. (a) Một người cha tín đồ tỏ ra kiên nhẫn thế nào khi dạy con gái? (b) Anh chị đã phải kiên nhẫn với con ra sao?

7 Anh Thomas, có một con gái 11 tuổi, nói rằng có lúc con gái của anh hỏi: “Có khi nào Đức Giê-hô-va dùng sự tiến hóa để làm cho sự sống gia tăng trên đất không?” hay “Tại sao chúng ta không tham gia vào những hoạt động xã hội, chẳng hạn như bỏ phiếu, để cố gắng cải thiện các vấn đề?”. Đôi khi, anh ấy phải kiềm chế để không áp đặt niềm tin cho con. Suy cho cùng, niềm tin có được là nhờ nhiều mảnh nhỏ bằng chứng chứ không phải nhờ một lượng lớn thông tin.

8 Anh Thomas cũng biết rằng việc dạy con đòi hỏi sự kiên nhẫn. Thật ra, sự kiên nhẫn quan trọng đối với mọi tín đồ (Cô 3:12). Anh nhận ra rằng có khi phải nói với con nhiều lần về một đề tài để giúp con vun đắp lòng tin chắc. Anh cần dùng Kinh Thánh để lý luận nhằm giúp con có được sự tin chắc về những gì con học. Anh Thomas nói: “Nhất là những điểm quan trọng, vợ chồng tôi muốn biết liệu con gái có thật sự tin vào điều cháu học, và thấy điều đó là hợp lý không. Nếu cháu nêu câu hỏi thì rất tốt. Thành thật mà nói, tôi sẽ lo lắng nếu cháu chấp nhận điều gì đó mà không thắc mắc”.

9. Làm thế nào anh chị có thể khắc ghi Lời Đức Chúa Trời vào lòng con?

9 Với sự dạy dỗ một cách kiên nhẫn của cha mẹ, dần dần con cái có thể hiểu “chiều rộng, chiều dài, chiều cao và chiều sâu của chân lý” (Ê-phê 3:18). Chúng ta có thể tìm cách dạy con phù hợp với độ tuổi và khả năng của con. Khi con tin chắc nơi điều học được, chúng sẽ dễ bênh vực niềm tin trước người khác, kể cả bạn học (1 Phi 3:15). Chẳng hạn, con anh chị có thể dùng Kinh Thánh để giải thích về tình trạng người chết không? Chúng có thấy cách giải thích của Kinh Thánh là hợp lý không? * Thật vậy, việc khắc ghi Lời Đức Chúa Trời vào lòng con đòi hỏi sự kiên nhẫn, nhưng nỗ lực ấy là đáng công.—Phục 6:6, 7.

10. Điều gì nên là một phần quan trọng trong việc dạy con?

10 Dĩ nhiên, gương mẫu của anh chị cũng quan trọng trong việc giúp con vun đắp lòng tin chắc. Chị Stephanie, có ba con gái, nói: “Ngay từ khi các con còn rất nhỏ, tôi đã tự hỏi: ‘Mình có nói chuyện với con về lý do mình tin chắc Đức Giê-hô-va là đấng có thật và yêu thương, cũng như đường lối ngài là công chính không? Các con có thấy rõ mình thật sự yêu thương ngài không?’. Tôi không thể mong đợi các con sẽ được thuyết phục nếu chính mình chưa được thuyết phục”.

“KHÔN NGOAN ĐỂ ĐƯỢC CỨU RỖI”

11, 12. Sự khôn ngoan là gì, và tại sao chúng ta có thể kết luận rằng sự thành thục của một người không dựa vào tuổi tác?

11 Như chúng ta đã biết, Ti-mô-thê có (1) sự hiểu biết về Kinh Thánh và (2) niềm tin chắc nơi những điều mình học. Nhưng ý của Phao-lô là gì khi nói Kinh Thánh có thể khiến Ti-mô-thê “khôn ngoan để được cứu rỗi”?

12 Sách Thông hiểu Kinh Thánh, Tập 2 (Anh ngữ), giải thích rằng trong Kinh Thánh, sự khôn ngoan bao gồm “khả năng vận dụng kiến thức và sự hiểu biết một cách hữu hiệu để giải quyết vấn đề, tránh nguy hiểm, đạt được các mục tiêu hoặc khuyên người khác làm thế. Sự khôn ngoan trái ngược với sự dại dột”. Kinh Thánh nói rằng “sự dại dột vốn buộc vào lòng con trẻ” (Châm 22:15). Sự khôn ngoan trái ngược với dại dột nên hợp lý để nói sự khôn ngoan là dấu hiệu cho thấy sự thành thục. Điều chính yếu quyết định sự thành thục về thiêng liêng của một người không phải là tuổi tác, mà là lòng kính sợ sâu xa dành cho Đức Giê-hô-va và sẵn sàng vâng theo các điều răn của ngài.—Đọc Thi thiên 111:10.

13. Làm thế nào một người trẻ cho thấy mình khôn ngoan để được cứu rỗi?

13 Những người trẻ thành thục về thiêng liêng ở mức độ nào đó thì không “chao đảo như bị sóng đánh và bị cuốn đi đây đó” bởi ham muốn của mình hoặc áp lực từ bạn bè (Ê-phê 4:14). Thay vì thế, “khả năng nhận thức” của họ đang được “rèn luyện... để phân biệt điều đúng, điều sai” (Hê 5:14). Họ cho thấy mình đang tiến đến sự thành thục qua việc đưa ra các quyết định khôn ngoan, ngay cả khi cha mẹ hoặc người khác không nhìn thấy (Phi-líp 2:12). Sự khôn ngoan ấy là điều cần thiết để được cứu rỗi. (Đọc Châm ngôn 24:14). Làm thế nào anh chị có thể giúp con đạt được sự khôn ngoan ấy? Hãy đảm bảo là anh chị cho con biết rõ tiêu chuẩn dựa trên Kinh Thánh của mình. Qua lời nói và gương mẫu, hãy cho con thấy rằng tiêu chuẩn trong Lời Đức Chúa Trời cũng là tiêu chuẩn của anh chị.—Rô 2:21-23.

Tại sao nỗ lực không ngừng của cha mẹ là điều quan trọng? (Xem đoạn 14-18)

14, 15. (a) Một người trẻ đang nghĩ đến việc báp-têm nên xem xét những điều quan trọng nào? (b) Làm thế nào anh chị có thể giúp con suy ngẫm về những ân phước có được nhờ vâng theo luật pháp của Đức Chúa Trời?

14 Tuy nhiên, chỉ nói với con điều gì là đúng và điều gì là sai thì chưa đủ. Anh chị cũng nên giúp chúng lý luận qua các câu hỏi như: “Tại sao Kinh Thánh cấm những điều dường như rất thu hút? Điều gì giúp tôi tin chắc các tiêu chuẩn Kinh Thánh luôn mang lại lợi ích cho mình?”.—Ê-sai 48:17, 18.

15 Một người con muốn báp-têm nên được giúp để lý luận về một vấn đề khác: Chúng cảm thấy thế nào về các trách nhiệm của người tín đồ? Các trách nhiệm ấy mang lại lợi ích nào, và đòi hỏi phải hy sinh những gì? Tại sao những lợi ích nhận được vượt xa những gì phải hy sinh? (Mác 10:29, 30). Sau khi báp-têm, hẳn một người sẽ đối mặt với những điều đó. Vì thế, suy nghĩ kỹ về những điều ấy trước khi báp-têm là việc rất quan trọng. Khi con trẻ được giúp để xem xét kỹ các ân phước của việc vâng lời và hậu quả của việc bất tuân, hẳn chúng sẽ tin chắc rằng các tiêu chuẩn của Kinh Thánh luôn mang lại lợi ích tốt nhất cho chúng.—Phục 30:19, 20.

KHI CON TRẺ ĐÃ BÁP-TÊM ĐANG DAO ĐỘNG

16. Các bậc cha mẹ nên làm gì nếu người con đã báp-têm bắt đầu chao đảo về thiêng liêng?

16 Nói sao nếu con anh chị bắt đầu bày tỏ sự nghi ngờ vào thời điểm nào đó sau khi báp-têm? Chẳng hạn, một thiếu niên đã báp-têm có thể bị thu hút bởi những điều trong thế gian hoặc bắt đầu nghi ngờ liệu sống theo các nguyên tắc Kinh Thánh có khôn ngoan không (Thi 73:1-3, 12, 13). Cách phản ứng của anh chị có thể ảnh hưởng đến việc con sẽ tiếp tục phụng sự Đức Giê-hô-va hay không. Do đó, đừng cố tranh cãi với con về vấn đề này, dù con còn nhỏ hay ở tuổi mới lớn. Thay vì thế, hãy cho con thấy anh chị yêu thương và muốn giúp đỡ chúng.

17, 18. Nếu con trẻ có những mối nghi ngờ, cha mẹ có thể giúp đỡ như thế nào?

17 Dĩ nhiên trước khi báp-têm, một người trẻ đã long trọng dâng mình cho Đức Giê-hô-va. Dâng mình là hứa nguyện sẽ yêu thương Đức Chúa Trời và đặt ý muốn của ngài lên trên mọi điều khác. (Đọc Mác 12:30). Đức Giê-hô-va không xem nhẹ lời hứa ấy và người dâng lời hứa nguyện cũng không nên xem nhẹ (Truyền 5:4, 5). Hãy tế nhị nhắc con về điều đó. Tuy nhiên, trước khi làm thế, hãy đọc và nghiên cứu các tài liệu mà tổ chức Đức Giê-hô-va cung cấp cho cha mẹ. Vào lúc thích hợp, hãy nhấn mạnh cho con biết rằng quyết định dâng mình và báp-têm là điều hệ trọng nhưng sẽ mang lại nhiều ân phước.

18 Chẳng hạn, anh chị có thể tìm được lời khuyên hữu ích trong phụ lục có chủ đề “Phụ huynh thắc mắc” ở cuối sách Giới trẻ thắc mắc—Những lời giải đáp thiết thực, Tập 1. Trong đó có nói: “Đừng vội kết luận là con đã bỏ đức tin. Trong nhiều trường hợp là có lý do nào đó tiềm ẩn”. Đó có thể là áp lực bạn bè, sự cô đơn hoặc cảm thấy các bạn tín đồ khác xuất sắc hơn về thiêng liêng. Bài này cũng nói: “Đáng chú ý là những ví dụ trên cho thấy vấn đề thường không nằm ở giáo lý. Hoàn cảnh mới là điều khiến cho việc sống theo đức tin trở thành một thử thách, ít nhất là trong hiện tại”. Phụ lục này đưa ra vài đề nghị để các bậc cha mẹ có thể giúp con trẻ đang bị dao động về niềm tin.

19. Làm thế nào cha mẹ có thể giúp con trở nên “khôn ngoan để được cứu rỗi”?

19 Là cha mẹ, anh chị có trọng trách cũng như đặc ân để nuôi dạy con theo “sự sửa phạt và khuyên bảo của Đức Giê-hô-va” (Ê-phê 6:4). Như chúng ta đã xem xét, điều đó không chỉ bao hàm việc dạy con những điều Kinh Thánh nói mà còn giúp chúng vun đắp lòng tin chắc nơi những gì mình học. Thật vậy, con cái cần có niềm tin chắc đến mức thúc đẩy chúng dâng mình cho Đức Giê-hô-va và phụng sự ngài hết lòng. Vậy, mong sao Lời Đức Chúa Trời, thần khí ngài và nỗ lực của anh chị với cương vị là cha mẹ sẽ giúp con trở nên “khôn ngoan để được cứu rỗi”.

^ đ. 9 Các phần thực hành “Kinh Thánh thật sự dạy gì?” là công cụ tuyệt vời giúp cả người trẻ và người lớn hiểu cũng như giải thích các sự thật Kinh Thánh. Phần này có trên jw.org trong nhiều ngôn ngữ. Hãy vào mục KINH THÁNH GIÚP BẠN > CÔNG CỤ HỌC KINH THÁNH.