Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

KINH NGHIỆM

Cảm nghiệm lòng nhân từ bao la của Đức Chúa Trời qua nhiều cách

Cảm nghiệm lòng nhân từ bao la của Đức Chúa Trời qua nhiều cách

Cha tôi tên là Arthur. Từ khi còn trẻ, cha đã kính sợ Đức Chúa Trời và mong muốn trở thành mục sư Giám Lý Hội. Dù vậy, khi đọc ấn phẩm của Học viên Kinh Thánh, ông đã thay đổi ước muốn và bắt đầu kết hợp với họ. Năm 1914, cha tôi làm báp-têm ở tuổi 17. Thế Chiến I đang diễn ra ác liệt, và ông được gọi nhập ngũ. Vì không chịu cầm vũ khí, ông bị kết án mười tháng tù và bị giam tại nhà tù Kingston ở bang Ontario, Canada. Sau khi được trả tự do, cha tôi rao giảng trọn thời gian với vai trò người phân phát sách đạo (người tiên phong).

Năm 1926, cha tôi kết hôn với mẹ. Mẹ tôi tên là Hazel Wilkinson và bà ngoại biết sự thật vào năm 1908. Tôi chào đời vào ngày 24-4-1931 và là con thứ hai trong gia đình có bốn anh chị em. Gia đình chúng tôi tập trung vào việc thờ phượng Đức Giê-hô-va. Lòng kính trọng sâu xa mà cha dành cho Kinh Thánh đã giúp chúng tôi vun trồng sự quý trọng đối với Lời Đức Chúa Trời trong suốt cuộc đời. Gia đình tôi thường xuyên đi rao giảng từng nhà cùng nhau.—Công 20:20.

GIỮ TRUNG LẬP VÀ LÀM TIÊN PHONG NHƯ CHA

Thế Chiến II nổ ra vào năm 1939, một năm trước khi công việc của Nhân Chứng Giê-hô-va tại Canada bị cấm đoán. Các trường công tổ chức những nghi lễ cổ vũ tinh thần ái quốc như chào cờ và hát quốc ca. Tôi và chị cả, tên là Dorothy, đã được cho ra khỏi lớp trong khi những nghi lễ này diễn ra. Một ngày nọ, tôi rất ngạc nhiên vì cô giáo đã cố ý làm tôi xấu hổ khi nói rằng tôi là kẻ hèn nhát. Khi tan trường, vài bạn cùng lớp đánh tôi ngã xuống đất. Nhưng vụ việc này thật ra càng khiến tôi quyết tâm “vâng phục Đức Chúa Trời hơn là vâng phục loài người”.—Công 5:29.

Tháng 7 năm 1942, ở tuổi 11, tôi được làm báp-têm trong bể nước tại một trang trại. Hằng năm, khi được nghỉ học vài tháng, tôi thích làm tiên phong kỳ nghỉ (nay gọi là tiên phong phụ trợ). Một lần, tôi cùng ba anh khác làm chứng cho những người thợ chặt gỗ sống trong khu vực chưa được chỉ định cho hội thánh nào, ở phía bắc bang Ontario.

Ngày 1-5-1949, tôi làm tiên phong đều đều. Tôi được mời trợ giúp công việc xây cất của chi nhánh, và bắt đầu phục vụ tại Bê-tên Canada vào ngày 1 tháng 12. Tôi được giao nhiệm vụ làm việc tại xưởng in và đã học cách vận hành máy in flatbed. Trong vài tuần, tôi trực ca đêm để in tờ chuyên đề nói về việc dân của Đức Giê-hô-va bị bắt bớ ở Canada.

Sau đó, khi làm việc trong Ban công tác, tôi đã phỏng vấn một số tiên phong đến thăm văn phòng chi nhánh. Họ đang trên đường đến nhiệm sở ở Quebec, nơi mà lúc đó đang bị chống đối dữ dội. Một trong những người mà tôi phỏng vấn là chị Mary Zazula đến từ Edmonton, Alberta. Vì không chịu ngưng học Kinh Thánh nên chị Mary và anh trai, tên là Joe, bị cha mẹ, là những tín đồ sốt sắng của Giáo hội Chính Thống, đuổi khỏi nhà. Vào tháng 6 năm 1951, chị Mary và anh trai làm báp-têm và sáu tháng sau, họ làm tiên phong. Trong khi phỏng vấn, tôi thấy ấn tượng vì chị Mary là người thiêng liêng tính. Tôi tự nhủ: “Trừ khi có điều gì đó không tốt về cô ấy, đây có vẻ là người phụ nữ mà mình sẽ lấy làm vợ”. Chín tháng sau vào ngày 30-1-1954, chúng tôi kết hôn. Tuần kế tiếp, chúng tôi được mời nhận sự huấn luyện cho công tác vòng quanh, và đã phục vụ tại một vòng quanh ở phía bắc của bang Ontario trong vòng hai năm.

Khi công việc rao giảng phát triển nhanh chóng trên toàn cầu thì có lời kêu gọi cần thêm giáo sĩ. Chúng tôi nghĩ rằng nếu chịu được mùa đông lạnh giá ở Canada và những con muỗi làm phiền vào mùa hè, thì chúng tôi có thể vượt qua những hoàn cảnh khắc nghiệt ở bất cứ nhiệm sở nào. Vào tháng 7 năm 1956, chúng tôi tốt nghiệp khóa 27 của Trường Ga-la-át và bốn tháng sau, chúng tôi phục vụ tại Brazil.

LÀM GIÁO SĨ Ở BRAZIL

Khi đến chi nhánh Brazil, chúng tôi được giới thiệu về tiếng Bồ Đào Nha. Sau khi học cách giao tiếp cơ bản và ghi nhớ lời trình bày mời nhận tạp chí kéo dài một phút, chúng tôi bắt đầu được mời đi rao giảng. Chúng tôi được khuyên là đọc các câu Kinh Thánh nói về đời sống dưới sự cai trị của Nước Đức Chúa Trời, nếu chủ nhà tỏ ra chú ý. Trong ngày đầu rao giảng, một người phụ nữ đã chú ý lắng nghe. Vì thế, tôi đọc Khải huyền 21:3, 4 và rồi bị ngất! Tôi chưa thích ứng được với thời tiết nóng và ẩm. Đó sẽ là một thử thách dai dẳng.

Nhiệm sở trong công việc giáo sĩ của chúng tôi là thành phố Campos, nơi mà hiện nay có 15 hội thánh. Khi chúng tôi đến đó, chỉ có một nhóm đơn lẻ và một nhà giáo sĩ gồm bốn chị: Esther Tracy, Ramona Bauer, Luiza Schwarz và Lorraine Brookes (tên hiện nay là Lorraine Wallen). Nhiệm vụ của tôi tại nhà giáo sĩ là giặt ủi và lấy củi để nấu ăn. Sau một Buổi học Tháp Canh vào tối thứ hai, chúng tôi có một vị khách không mời mà đến. Mary đang nghỉ ngơi thư giãn trên ghế nệm và nói chuyện với tôi về các hoạt động trong ngày hôm đó. Khi cô ấy vừa ngẩng đầu lên để đứng dậy thì một con rắn từ dưới gối bò ra. Điều này gây náo động cho đến khi tôi giết được con rắn!

Sau một năm học tiếng Bồ Đào Nha, tôi được bổ nhiệm làm giám thị vòng quanh. Chúng tôi có một đời sống đơn giản tại những vùng nông thôn: sinh hoạt mà không có điện, ngủ trên chiếu và đi lại bằng xe ngựa. Trong một đợt rao giảng tại khu vực chưa được chỉ định cho hội thánh nào, chúng tôi đi tàu hỏa đến một thị trấn nằm trên núi và thuê một phòng trọ. Văn phòng chi nhánh đã gửi 800 tạp chí để chúng tôi dùng trong thánh chức. Để chuyển hết những thùng tạp chí này về nơi ở của mình, chúng tôi phải nhiều lần tới bưu điện.

Vào năm 1962, Trường thánh chức Nước Trời được tổ chức để huấn luyện các anh và những chị là giáo sĩ ở Brazil. Trong vòng sáu tháng, tôi được giao nhiệm vụ dạy hết lớp này đến lớp khác ở Manaus, Belém, Fortaleza, Recife và Salvador. Mary không đi cùng tôi trong khoảng thời gian này. Tôi sắp xếp hội nghị địa hạt tại một nhà hát nổi tiếng ở Manaus. Mưa to đã làm bẩn nước uống và khiến chúng tôi không có một khu vực ăn uống tươm tất cho hội nghị. (Thời đó, các bữa ăn được phục vụ tại hội nghị). Tôi liên lạc với quân đội. Một viên sĩ quan tốt bụng đã vui vẻ cung cấp nước uống cho cả kỳ hội nghị cũng như cử lính đến dựng hai cái lều lớn để làm bếp và khu vực ăn uống cho chúng tôi.

Khi tôi đi vắng, Mary đã rao giảng trong khu vực thương mại nói tiếng Bồ Đào Nha, nơi mà người ta chỉ nói về chuyện tiền bạc. Vì không thể dẫn cuộc nói chuyện vào Kinh Thánh với bất cứ người nào, nên cô ấy nói với một vài thành viên Bê-tên: “Nơi cuối cùng trên đất mà tôi muốn đến sống là Bồ Đào Nha”. Thật bất ngờ! Sau đó không lâu, chúng tôi nhận được thư mời đến phục vụ tại Bồ Đào Nha. Thời ấy, công việc rao giảng bị ngăn cấm ở đó. Tuy nhiên, chúng tôi vẫn nhận nhiệm vụ này dù Mary bị sốc lúc đầu.

PHỤC VỤ Ở BỒ ĐÀO NHA

Vào tháng 8 năm 1964, chúng tôi đến Lisbon, Bồ Đào Nha. Các anh em trở thành mục tiêu trong nhiều vụ bắt bớ của cảnh sát mật ở Bồ Đào Nha (PIDE). Do vậy, tốt nhất là chúng tôi đến nhiệm sở này mà không có sự chào đón, và tránh liên lạc với các Nhân Chứng địa phương. Chúng tôi ở trong một phòng trọ và đợi giấy phép lưu trú. Sau khi được cấp thị thực, chúng tôi đã thuê một căn hộ. Cuối cùng, vào tháng 1 năm 1965, chúng tôi liên lạc được với văn phòng chi nhánh. Quả là một ngày hạnh phúc khi lần đầu tiên trong vòng 5 tháng, chúng tôi được tham dự nhóm họp!

Chúng tôi hay rằng mỗi ngày cảnh sát đều lục soát nhà của các anh em. Vì các Phòng Nước Trời bị đóng cửa nên những buổi nhóm họp phải được tổ chức tại nhà riêng. Hàng trăm Nhân Chứng bị đưa vào đồn cảnh sát để xác định danh tính và thẩm vấn. Các anh bị ngược đãi thậm tệ và bị ép phải khai tên của những anh điều khiển buổi nhóm họp. Do vậy, các anh đã thống nhất dùng tên thay vì dùng họ để xưng hô, chẳng hạn như José hoặc Paulo. Chúng tôi cũng làm vậy.

Việc cung cấp thức ăn thiêng liêng cho anh em đồng đạo là mối quan tâm hàng đầu. Nhiệm vụ của Mary là đánh máy những bài học hỏi trong Tháp Canh hoặc các ấn phẩm khác trên giấy xtăng-xin, sau đó chúng được in ra nhiều bản.

BÊNH VỰC TIN MỪNG TRƯỚC TÒA

Tháng 6 năm 1966, một phiên tòa đặc biệt diễn ra ở Lisbon. Tất cả 49 thành viên của hội thánh Feijó bị xét xử vì nhóm họp bất hợp pháp tại nhà riêng. Để chuẩn bị tinh thần cho các anh chị trong việc xét xử và thẩm vấn, tôi đã giả làm công tố viên và đặt ra những câu hỏi. Chúng tôi biết mình sẽ thua kiện, nhưng nhận thấy vụ việc này là dịp làm chứng tốt. Luật sư của chúng tôi kết luận lời biện hộ bằng cách trích lời của Ga-ma-li-ên vào thế kỷ thứ nhất (Công 5:33-39). Tin tức của vụ kiện được đăng trên báo chí, và 49 anh chị bị giam từ 45 ngày đến 5 tháng rưỡi. Chúng tôi vui mừng khi thấy vị luật sư can đảm chấp nhận học Kinh Thánh và tham dự nhóm họp trước khi ông qua đời.

Tháng 12 năm 1966, tôi được bổ nhiệm làm giám thị chi nhánh và dành nhiều thời gian làm việc về vấn đề pháp lý. Chúng tôi đã thu thập nhiều thông tin để chứng tỏ Nhân Chứng Giê-hô-va có quyền được tự do thờ phượng (Phi-líp 1:7). Cuối cùng, Nhân Chứng ở Bồ Đào Nha được công nhận về mặt pháp lý vào ngày 18-12-1974. Anh Nathan Knorr và anh Frederick Franz, từ trụ sở trung ương, đến Bồ Đào Nha để chia sẻ niềm vui này trong buổi họp mang tính lịch sử với tổng số 46.870 người tham dự ở Oporto và Lisbon.

Đức Giê-hô-va đã mở đường cho công việc phát triển ở các đảo nói tiếng Bồ Đào Nha gồm Azores, Cape Verde, Madeira cũng như São Tomé và Príncipe. Vì thế, nhu cầu cần cơ sở chi nhánh lớn hơn của chúng tôi được đáp ứng vào năm 1988. Ngày 23 tháng 4 năm đó, anh Milton Henschel đã nói bài giảng trong buổi lễ dâng hiến chi nhánh mới với sự hiện diện của 45.522 người. Thật cảm động khi có 20 anh chị từng là giáo sĩ phụng sự ở Bồ Đào Nha đã trở lại tham dự sự kiện mang tính lịch sử này!

NHẬN ĐƯỢC LỢI ÍCH TỪ NHỮNG GƯƠNG TRUNG THÀNH

Qua nhiều năm, việc kết hợp với các anh em trung thành đã khiến cuộc sống của chúng tôi phong phú hơn. Tôi đã rút ra một bài học quý giá khi hỗ trợ anh Theodore Jaracz trong một cuộc viếng thăm vùng. Chi nhánh mà chúng tôi đến thăm phải đối mặt với một vấn đề nghiêm trọng, và các thành viên thuộc Ủy ban Chi nhánh đã làm hết khả năng có thể. Để giúp họ cảm thấy thoải mái, anh Jaracz đã nói: “Bây giờ là lúc nhường chỗ cho thần khí hoạt động”. Cách đây vài thập kỷ trong cuộc viếng thăm Brooklyn, vợ chồng tôi đã trò chuyện với anh Franz cùng vài người khác vào một buổi tối. Khi kết thúc buổi trò chuyện tối hôm đó, anh Franz được mời nói vài điều về những năm phụng sự Đức Giê-hô-va. Anh bày tỏ: “Lời khuyên của tôi là: Hãy gắn bó với tổ chức hữu hình của Đức Giê-hô-va bất chấp khó khăn trở ngại. Đây là tổ chức duy nhất làm theo mệnh lệnh của Chúa Giê-su về việc rao truyền tin mừng Nước Đức Chúa Trời!”.

Vợ chồng tôi đã tìm thấy niềm vui thật sự khi làm thế. Chúng tôi có nhiều kỷ niệm quý báu về những chuyến viếng thăm các chi nhánh. Những cuộc viếng thăm ấy cho chúng tôi cơ hội bày tỏ lòng biết ơn đối với các anh chị trẻ cũng như lớn tuổi và khích lệ họ tiếp tục giữ đặc ân phụng sự Đức Giê-hô-va.

Thời gian trôi qua, cả hai chúng tôi đều đã ngoài 80 tuổi. Mary phải chống chọi với nhiều vấn đề sức khỏe (2 Cô 12:9). Những thử thách đã giúp chúng tôi củng cố đức tin và càng quyết tâm giữ lòng trung kiên. Khi hồi tưởng lại cuộc đời phụng sự, chúng tôi cảm nghiệm lòng nhân từ bao la của Đức Giê-hô-va dành cho chúng tôi qua rất nhiều cách. *

^ đ. 29 Khi bài này đang được biên soạn để ấn hành, anh Douglas Guest đã qua đời trong sự trung thành với Đức Giê-hô-va vào ngày 25-10-2015.