Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

Noi theo đức tin và sự vâng lời của Nô-ê, Đa-ni-ên và Gióp

Noi theo đức tin và sự vâng lời của Nô-ê, Đa-ni-ên và Gióp

“Nô-ê, Đa-ni-ên và Gióp... chỉ cứu được bản thân nhờ sự công chính của mình”.—Ê-XÊ 14:14.

BÀI HÁT: 89, 119

1, 2. (a) Tại sao chúng ta được khích lệ từ gương của Nô-ê, Đa-ni-ên và Gióp? (b) Ê-xê-chi-ên viết những lời nơi Ê-xê-chi-ên 14:14 trong hoàn cảnh nào?

Anh chị có đang đương đầu với thử thách, như bệnh tật, vấn đề tài chính hoặc sự bắt bớ không? Có khi nào anh chị thấy khó giữ niềm vui trong việc phụng sự Đức Giê-hô-va không? Nếu vậy, gương của Nô-ê, Đa-ni-ên và Gióp sẽ khích lệ anh chị. Họ cũng là người bất toàn và đối mặt với những thử thách như chúng ta, trong đó có một số thử thách nguy hại đến tính mạng. Tuy nhiên, họ đã giữ lòng trọn thành, qua đó trở thành gương mẫu về đức tin và sự vâng lời trong mắt Đức Chúa Trời.—Đọc Ê-xê-chi-ên 14:12-14.

2 Ê-xê-chi-ên viết những lời trong câu Kinh Thánh chủ đề của bài này tại xứ Ba-by-lôn vào năm 612 TCN * (Ê-xê 1:1; 8:1). Lúc ấy, thành Giê-ru-sa-lem bội đạo sắp bị hủy diệt như được báo trước, và điều đó đã xảy ra năm 607 TCN. Chỉ rất ít người thể hiện những đức tính của Nô-ê, Đa-ni-ên và Gióp, và được đánh dấu để sống sót (Ê-xê 9:1-5). Trong đó có Giê-rê-mi, Ba-rúc, Ê-bết-mê-lết và người Rê-cáp.

3. Chúng ta sẽ xem xét điều gì trong bài này?

3 Ngày nay cũng vậy, chỉ những ai mà Đức Giê-hô-va xem là trọn vẹn, như Nô-ê, Đa-ni-ên và Gióp, mới được đánh dấu để sống sót khi thế gian này bị kết liễu (Khải 7:9, 14). Vậy, hãy xem tại sao Đức Giê-hô-va dùng những người ấy làm gương mẫu về sự công chính. Khi thảo luận mỗi gương, chúng ta sẽ xem xét (1) người ấy đối mặt với thử thách nào và (2) làm sao để noi theo đức tin và sự vâng lời của người ấy.

NÔ-Ê TRUNG TÍN VÀ VÂNG LỜI TRONG CHÍN THẾ KỶ

4, 5. Nô-ê phải đối mặt với những thử thách nào, và tại sao sự chịu đựng của ông là điều đáng chú ý?

4 Nô-ê đối mặt với thử thách nào? Đến thời ông cố của Nô-ê là Hê-nóc, con người đã rất gian ác. Họ thậm chí nói “lời độc địa” về Đức Giê-hô-va (Giu 14, 15). Sự hung bạo ngày càng gia tăng. Vào thời Nô-ê, ‘trái đất đầy dẫy sự hung bạo’. Các thiên sứ gian ác mặc lấy hình người, lấy vợ và sinh ra giống con lai dữ tợn (Sáng 6:2-4, 11, 12). Nhưng Nô-ê thì hoàn toàn khác. “Nô-ê được ơn trước mắt Đức Giê-hô-va... Ông sống trọn vẹn giữa những người cùng thời. Nô-ê đồng đi với Đức Chúa Trời thật”.—Sáng 6:8, 9.

5 Hãy xem lời miêu tả ấy cho biết gì về người đàn ông công chính này. Thứ nhất, Nô-ê không chỉ đồng đi với Đức Chúa Trời trong thế gian gian ác trước trận Đại Hồng Thủy trong 70 hoặc 80 năm, là tuổi thọ của nhiều người ngày nay. Nhưng ông sống trong thế gian đó gần 600 năm! (Sáng 7:11). Thứ hai, khác với chúng ta thời nay, ông không có sự trợ giúp về thiêng liêng từ hội thánh, hẳn là ngay cả từ anh chị em ruột. *

6. Nô-ê thể hiện sự can đảm nổi bật như thế nào?

6 Nô-ê không chỉ muốn có lối sống tốt, ông còn “rao giảng sự công chính” một cách dạn dĩ, công khai cho người khác biết ông có đức tin nơi Đức Giê-hô-va (2 Phi 2:5). Sứ đồ Phao-lô viết: “Qua đức tin ấy, ông kết án thế gian” (Hê 11:7). Hẳn Nô-ê bị chế nhạo và chống đối, có lẽ ông còn bị dọa hành hung. Nhưng ông không “run sợ trước con người” (Châm 29:25). Ông có sự can đảm mà Đức Giê-hô-va ban cho các tôi tớ trung thành.

7. Khi đóng tàu, Nô-ê đối mặt với những thử thách nào?

7 Sau khi Nô-ê đồng đi với Đức Giê-hô-va trong hơn năm thế kỷ, ngài bảo ông đóng một chiếc tàu để cứu mạng sống của người và thú vật (Sáng 5:32; 6:14). Đối với Nô-ê, hẳn dự án đó khó biết bao, không chỉ về mặt xây cất! Chắc chắn Nô-ê biết việc đó sẽ khiến ông càng bị chế nhạo và chống đối. Nhưng vì có đức tin nên ông vâng lời và bắt tay vào dự án. “Ông làm y như vậy”.—Sáng 6:22.

8. Điều gì cho thấy Nô-ê tin cậy Đức Giê-hô-va là Đấng Cung Cấp?

8 Một thử thách khác mà Nô-ê phải đối mặt là chu cấp nhu cầu vật chất cho vợ con. Trước trận Đại Hồng Thủy, người ta phải rất vất vả trồng trọt mới có đồ ăn, và Nô-ê không phải là trường hợp ngoại lệ (Sáng 5:28, 29). Dù vậy, ông tập trung đời sống vào việc làm theo ý muốn Đức Chúa Trời, chứ không vào nhu cầu vật chất. Ngay cả khi đang đóng tàu, là công việc có thể kéo dài 40 hoặc 50 năm, Nô-ê tiếp tục tập trung vào điều thiêng liêng. Ông vẫn giữ sự tập trung đó trong 350 năm sau trận Đại Hồng Thủy (Sáng 9:28). Thật là gương mẫu nổi bật về đức tin và sự vâng lời!

9, 10. (a) Làm thế nào chúng ta có thể noi theo đức tin và sự vâng lời của Nô-ê? (b) Nếu kiên quyết vâng theo luật pháp của Đức Chúa Trời, anh chị có thể tin chắc điều gì?

9 Làm sao để noi theo đức tin và sự vâng lời của Nô-ê? Chúng ta làm thế bằng cách ủng hộ sự công chính của Đức Chúa Trời, không thuộc về thế gian Sa-tan và luôn ưu tiên cho quyền lợi Nước Trời (Mat 6:33; Giăng 15:19). Chắc chắn, thế gian không thích lối sống của chúng ta. Tại vài nơi, chúng ta bị nói xấu trên các phương tiện truyền thông vì kiên quyết vâng theo luật pháp của Đức Chúa Trời, chẳng hạn về hôn nhân và tính dục. (Đọc Ma-la-chi 3:17, 18). Tuy nhiên, như Nô-ê, chúng ta kính sợ Đức Giê-hô-va, chứ không sợ loài người. Chúng ta biết chỉ mình ngài mới có thể ban sự sống vĩnh cửu.—Lu 12:4, 5.

10 Còn anh chị thì sao? Anh chị sẽ tiếp tục “đồng đi với Đức Chúa Trời” ngay cả khi bị chế nhạo, chỉ trích, hoặc khi áp lực kinh tế thử thách đức tin của anh chị nơi Đấng Cung Cấp không? Nếu noi theo đức tin và sự vâng lời của Nô-ê, anh chị có thể tin chắc rằng Đức Giê-hô-va sẽ chăm sóc anh chị.—Phi-líp 4:6, 7.

ĐA-NI-ÊN TRUNG TÍN VÀ VÂNG LỜI TRONG MỘT THÀNH GIAN ÁC

11. Đa-ni-ên và ba người bạn phải đối mặt với những thử thách lớn nào ở Ba-by-lôn? (Xem hình nơi đầu bài).

11 Đa-ni-ên đối mặt với thử thách nào? Đa-ni-ên sống trong cảnh phu tù ở Ba-by-lôn, một thành đầy dẫy thực hành thờ thần tượng và ma thuật. Không những thế, người Ba-by-lôn còn xem thường người Do Thái, chế nhạo họ và Đức Chúa Trời của họ là Đức Giê-hô-va (Thi 137:1, 3). Hẳn điều này khiến những người Do Thái trung thành như Đa-ni-ên đau lòng biết bao! Ngoài ra, ông cùng ba người bạn là Ha-na-nia, Mi-sa-ên và A-xa-ria, cũng bị để mắt đến vì họ được huấn luyện để hầu việc vua. Thậm chí chế độ ăn của họ cũng được sắp đặt. Thật vậy, thức ăn và đồ uống sớm trở thành một vấn đề vì Đa-ni-ên không muốn “làm ô uế mình bằng cao lương mỹ vị của vua”.—Đa 1:5-8, 14-17.

12. (a) Đa-ni-ên có những phẩm chất tốt nào? (b) Đức Giê-hô-va xem Đa-ni-ên là người như thế nào?

12 Một thử thách tinh vi khác mà có thể Đa-ni-ên phải đối mặt liên quan đến những khả năng nổi bật của ông, là điều giúp ông nhận được những đặc ân từ vua (Đa 1:19, 20). Nhưng thay vì trở nên ngạo mạn và bảo thủ, ông tiếp tục khiêm nhường và khiêm tốn, luôn quy công trạng cho Đức Giê-hô-va (Đa 2:30). Khi Đa-ni-ên còn là chàng trai trẻ, Đức Giê-hô-va đã nhắc đến ông như gương mẫu về sự công chính, cùng với Nô-ê và Gióp. Ngài có đặt niềm tin sai chỗ không? Hoàn toàn không! Đa-ni-ên giữ sự trung tín và vâng lời cho đến hết cuộc đời. Thật vậy, rất có thể ông gần 100 tuổi khi thiên sứ của Đức Chúa Trời nồng ấm nói với ông: “Hỡi Đa-ni-ên, người rất đáng quý”.—Đa 10:11.

13. Có thể điều gì đã khiến Đa-ni-ên trở thành ân phước cho người Do Thái đồng hương?

13 Nhờ Đức Chúa Trời trợ giúp, Đa-ni-ên được làm quan chức cấp cao trong triều đại của người Ba-by-lôn, và sau đó là triều đại của người Mê-đi Ba Tư (Đa 1:21; 6:1, 2). Có lẽ Đức Giê-hô-va lèo lái sự việc để khiến Đa-ni-ên trở thành một ân phước cho dân mình, như Giô-sép khi ở Ai Cập cũng như Ê-xơ-tê và Mạc-đô-chê khi ở Ba Tư * (Đa 2:48). Hẳn những người Do Thái phu tù, kể cả Ê-xê-chi-ên, được an ủi biết bao khi thấy bàn tay Đức Giê-hô-va trong vấn đề này!

Đức Giê-hô-va xem những người giữ lòng trọn thành là đáng quý (Xem đoạn 14, 15)

14, 15. (a) Hoàn cảnh của chúng ta giống với Đa-ni-ên như thế nào? (b) Các bậc cha mẹ có thể học được gì từ cha mẹ Đa-ni-ên?

14 Làm sao để noi theo đức tin và sự vâng lời của Đa-ni-ên? Ngày nay, chúng ta sống như người ngoại quốc trong thế gian đồi bại về đạo đức và thiêng liêng, vì người ta bị ảnh hưởng bởi Ba-by-lôn Lớn, đế quốc tôn giáo sai lầm, là “nơi trú ngụ của các quỷ” (Khải 18:2). Do đó, chúng ta cũng bị xem là khác biệt, thậm chí là mục tiêu của sự chế nhạo (Mác 13:13). Vậy, như Đa-ni-ên, hãy đến gần Đức Chúa Trời. Khi khiêm nhường, vâng lời và tin cậy Đức Giê-hô-va, chúng ta cũng trở nên đáng quý trong mắt ngài.—Ha-gai 2:7.

15 Các bậc cha mẹ có thể học từ gương của cha mẹ Đa-ni-ên. Khi Đa-ni-ên còn nhỏ, sự gian ác lan tràn ở Giu-đa nhưng ông vẫn yêu mến Đức Chúa Trời. Chắc chắn điều này không tự nhiên mà có nhưng đó là bằng chứng cho thấy ông được cha mẹ dạy dỗ (Châm 22:6). Thậm chí tên Đa-ni-ên, có nghĩa là “Đấng xét xử tôi là Đức Chúa Trời”, cho thấy cha mẹ ông là người kính sợ Đức Chúa Trời (Đa 1:6, chú thích). Vậy hỡi các bậc cha mẹ, đừng bỏ cuộc nhưng hãy kiên nhẫn dạy dỗ con (Ê-phê 6:4). Ngoài ra, hãy cầu nguyện với con và cầu nguyện cho con. Khi cố gắng khắc ghi chân lý của Kinh Thánh vào lòng con, anh chị sẽ được Đức Giê-hô-va ban phước dồi dào.—Thi 37:5.

GIÓP TRUNG TÍN VÀ VÂNG LỜI CẢ KHI GIÀU LẪN KHI NGHÈO

16, 17. Gióp trải qua những thử thách nào cả khi giàu lẫn khi nghèo?

16 Gióp đối mặt với thử thách nào? Cuộc đời của Gióp đầy thăng trầm. Trước khi bị thử thách, ông là “người lớn nhất trong toàn thể dân tộc ở Đông Phương” (Gióp 1:3). Gióp giàu có, được nhiều người kính trọng và biết đến (Gióp 29:7-16). Dù thế, ông không nghĩ quá cao về mình hoặc thấy không cần Đức Chúa Trời. Chúng ta biết điều này vì Đức Giê-hô-va gọi ông là “tôi tớ ta” và nói thêm: “Đó là người ngay thẳng và trọn thành, kính sợ Đức Chúa Trời và tránh xa điều ác”.—Gióp 1:8.

17 Trong một thời gian ngắn, cuộc đời Gióp thay đổi hoàn toàn. Ông mất tất cả và đau khổ cùng cực. Chúng ta biết nguyên nhân là do Sa-tan, kẻ cáo buộc Gióp là thờ phượng Đức Chúa Trời vì động cơ ích kỷ. (Đọc Gióp 1:9, 10). Đức Giê-hô-va không bỏ qua lời cáo buộc độc địa đó. Thay vì thế, ngài cho Gióp cơ hội chứng tỏ lòng trọn thành, cho thấy sự thờ phượng của ông xuất phát từ tấm lòng trong sạch và bất vị kỷ.

18. (a) Anh chị ấn tượng điều gì về lòng trọn thành của Gióp? (b) Cách Đức Giê-hô-va đối xử với Gióp cho thấy gì về ngài?

18 Sa-tan giáng một loạt đòn tấn công hiểm độc trên Gióp, khiến ông nghĩ Đức Chúa Trời gây ra điều đó (Gióp 1:13-21). Rồi ba người an ủi giả tạo đến và nói lời cay nghiệt. Họ cho rằng Đức Chúa Trời khiến ông bị những điều ông đáng phải chịu (Gióp 2:11; 22:1, 5-10). Tuy nhiên, Gióp vẫn giữ lòng trọn thành. Đúng là có lúc ông nói lời thiếu suy nghĩ (Gióp 6:1-3). Nhưng Đức Giê-hô-va hiểu rằng ông làm thế vì buồn nản, và ngài thấy ông luôn trung thành với ngài, dù Sa-tan như thể ném ông xuống và hành hạ ông bằng những lời sỉ nhục. Khi thử thách chấm dứt, Đức Giê-hô-va ban cho Gióp gấp đôi những gì ông có trước đó và cho ông sống thêm 140 năm (Gia 5:11). Trong thời gian ấy, ông tiếp tục dành cho Đức Giê-hô-va sự thờ phượng chuyên độc. Làm sao chúng ta biết điều đó? Vì những lời trong câu Kinh Thánh chủ đề của bài này được Ê-xê-chi-ên ghi lại sau khi Gióp đã qua đời nhiều thế kỷ.

19, 20. (a) Bằng cách nào chúng ta có thể noi theo đức tin và sự vâng lời của Gióp? (b) Khi đối xử với người khác, làm thế nào chúng ta có thể phản ánh lòng trắc ẩn của Đức Chúa Trời?

19 Làm sao để noi theo đức tin và sự vâng lời của Gióp? Dù ở trong hoàn cảnh nào, chúng ta hãy luôn đặt Đức Giê-hô-va làm trọng tâm của đời sống, hoàn toàn tin cậy và hết lòng vâng lời ngài. Thật vậy, chúng ta có nhiều lý do hơn Gióp để làm thế! Chúng ta biết nhiều về Sa-tan và mưu kế của hắn (2 Cô 2:11). Qua Kinh Thánh và đặc biệt là sách Gióp, chúng ta biết lý do Đức Chúa Trời để cho có đau khổ. Lời tiên tri của Đa-ni-ên giúp chúng ta hiểu rằng Nước Trời là chính phủ có thật do Chúa Giê-su cai trị (Đa 7:13, 14). Chúng ta cũng biết không lâu nữa Nước ấy sẽ chấm dứt vĩnh viễn mọi đau khổ.

20 Kinh nghiệm của Gióp cũng cho thấy chúng ta cần tỏ lòng trắc ẩn với những anh em đồng đạo đang gặp khó khăn. Như Gióp, một số anh chị có lúc nói lời thiếu suy nghĩ (Truyền 7:7). Nhưng thay vì xét đoán họ, hãy tỏ lòng thấu hiểu và trắc ẩn. Khi làm thế, chúng ta noi gương Cha Giê-hô-va đầy yêu thương và thương xót.—Thi 103:8.

ĐỨC GIÊ-HÔ-VA “SẼ LÀM ANH EM MẠNH MẼ”

21. Những lời nơi 1 Phi-e-rơ 5:10 liên quan thế nào đến trải nghiệm của Nô-ê, Đa-ni-ên và Gióp?

21 Dù Nô-ê, Đa-ni-ên và Gióp sống khác thời nhau và ở trong hoàn cảnh khác nhau, nhưng họ chịu đựng mọi thử thách gặp phải. Câu chuyện cuộc đời của họ khiến chúng ta nhớ đến lời mà sứ đồ Phi-e-rơ viết: “Sau khi anh em chịu khổ ít lâu thì chính Đức Chúa Trời đầy lòng nhân từ bao la... sẽ hoàn tất việc huấn luyện anh em. Ngài sẽ làm anh em vững vàng, ngài sẽ làm anh em mạnh mẽ, ngài sẽ lập anh em trên nền vững chắc”.—1 Phi 5:10.

22. Bài sau sẽ xem xét điều gì?

22 Những lời ấy của Phi-e-rơ cho thấy Đức Giê-hô-va đảm bảo rằng ngài sẽ làm cho các tôi tớ ngài vững vàng và mạnh mẽ. Những lời này cũng áp dụng cho dân ngài ngày nay. Tất cả chúng ta muốn được Đức Giê-hô-va làm cho mạnh mẽ và tiếp tục vững vàng trong sự thờ phượng. Vì thế, chúng ta muốn noi theo đức tin và sự vâng lời của Nô-ê, Đa-ni-ên và Gióp. Bài sau sẽ xem xét bí quyết giúp họ giữ lòng trọn thành, đó là thật sự biết Đức Giê-hô-va. Đúng vậy, họ “hiểu được mọi sự” ngài muốn họ làm (Châm 28:5). Chúng ta cũng có thể làm được điều đó.

^ đ. 2 Ê-xê-chi-ên bị lưu đày vào năm 617 TCN. Ê-xê-chi-ên 8:1–19:14 được viết “vào năm thứ sáu” của thời kỳ lưu đày, hay năm 612 TCN.

^ đ. 5 Cha của Nô-ê là Lê-méc. Ông kính sợ Đức Chúa Trời nhưng đã qua đời khoảng 5 năm trước trận Đại Hồng Thủy. Nếu mẹ và anh chị em ruột của Nô-ê còn sống khi trận Đại Hồng Thủy xảy ra thì họ đã không sống sót.

^ đ. 13 Điều này có lẽ cũng xảy ra với ba người bạn của Đa-ni-ên, là những người cũng được ban chức quyền.—Đa 2:49.