Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

Phép báp-têm—Một đòi hỏi đối với tín đồ đạo Đấng Ki-tô

Phép báp-têm—Một đòi hỏi đối với tín đồ đạo Đấng Ki-tô

“Phép báp-têm... cũng đang cứu anh em”.—1 PHI 3:21.

BÀI HÁT: 52, 41

1, 2. (a) Một số bậc cha mẹ cảm thấy thế nào khi con xin được báp-têm? (b) Tại sao các ứng viên báp-têm được hỏi là họ đã dâng mình cho Đức Giê-hô-va chưa? (Xem hình nơi đầu bài).

Trước sự chứng kiến của cha mẹ, một em, tạm gọi là Maria, đứng dậy cùng các ứng viên báp-têm khác. Em trả lời lớn tiếng và rõ ràng hai câu hỏi mà anh diễn giả nêu lên. Sau đó, em chịu phép báp-têm.

2 Cha mẹ của Maria rất tự hào khi con gái quyết định dâng mình cho Đức Giê-hô-va và chịu phép báp-têm. Dù vậy, trước đó mẹ của em cũng băn khoăn một số điều: “Maria có quá trẻ để chịu phép báp-têm không? Con bé có thật sự hiểu tầm quan trọng của điều mình đang làm không? Nếu đợi thêm một thời gian nữa thì có tốt hơn không?”. Nhiều bậc cha mẹ yêu thương cũng tự hỏi những câu như thế khi con mình bày tỏ ước muốn được báp-têm (Truyền 5:5). Điều đó cũng dễ hiểu vì dâng mình và báp-têm là những bước quan trọng nhất trong cuộc đời một tín đồ.—Xem khung “ Anh chị đã dâng mình cho Đức Giê-hô-va chưa?”.

3, 4. (a) Qua cách nào sứ đồ Phi-e-rơ dạy chúng ta tầm quan trọng của báp-têm? (b) Tại sao báp-têm được liên kết với việc đóng tàu vào thời Nô-ê?

3 Sứ đồ Phi-e-rơ liên kết báp-têm với việc Nô-ê đóng tàu khi nói: “Phép báp-têm, tương ứng với điều đó, cũng đang cứu anh em”. (Đọc 1 Phi-e-rơ 3:20, 21). Chiếc tàu là vật chứng rõ ràng về việc Nô-ê đã dâng mình để làm theo ý muốn Đức Chúa Trời. Ông trung thành thực hiện công việc Đức Giê-hô-va giao. Nhờ những hành động cụ thể dựa trên đức tin, Nô-ê cùng gia đình được bảo toàn mạng sống trong trận Đại Hồng Thủy. Khi liên kết báp-têm với việc đóng tàu, Phi-e-rơ muốn dạy chúng ta điều gì?

4 Chiếc tàu là bằng chứng về đức tin của Nô-ê. Tương tự, phép báp-têm trước sự chứng kiến của nhiều người cũng là bằng chứng rõ ràng. Về điều gì? Đó là một người đã dâng mình cho Đức Giê-hô-va dựa trên đức tin nơi giá chuộc và sự sống lại của Đấng Ki-tô. Như Nô-ê, các tín đồ đã dâng mình cũng vâng lời Đức Chúa Trời và thi hành công việc ngài giao. Như Nô-ê được cứu sống qua trận Đại Hồng Thủy, những tín đồ đã báp-têm và trung thành sẽ được cứu sống khi thế gian gian ác này bị kết liễu (Mác 13:10; Khải 7:9, 10). Vì thế, dâng mình và báp-têm là những bước rất quan trọng. Một người trì hoãn mà không có lý do chính đáng sẽ có nguy cơ đánh mất triển vọng sống đời đời.

5. Chúng ta sẽ xem xét điều gì trong bài này?

5 Vì báp-têm là bước quan trọng nên hãy chú ý đến ba câu hỏi sau: Kinh Thánh nói gì về báp-têm? Một người cần thực hiện những bước nào trước khi báp-têm? Tại sao cần ghi nhớ tầm quan trọng của phép báp-têm khi dạy con hoặc học viên Kinh Thánh khác?

PHÉP BÁP-TÊM TRONG KINH THÁNH

6, 7. (a) Hãy giải thích ý nghĩa phép báp-têm do Giăng thực hiện. (b) Giăng đã thực hiện phép báp-têm có một không hai nào?

6 Phép báp-têm đầu tiên được đề cập trong Kinh Thánh là do Giăng Báp-tít thực hiện (Mat 3:1-6). Ông làm báp-têm cho người nào muốn chứng tỏ họ ăn năn những tội lỗi mà Luật pháp Môi-se lên án. Nhưng điều đáng chú ý là trường hợp báp-têm quan trọng nhất Giăng thực hiện không liên quan đến việc ăn năn. Ông nhận được đặc ân có một không hai là làm báp-têm cho Chúa Giê-su, người Con hoàn hảo của Đức Chúa Trời (Mat 3:13-17). Chúa Giê-su không hề có tội, nên ngài không cần ăn năn (1 Phi 2:22). Phép báp-têm của Chúa Giê-su biểu trưng cho việc ngài trình diện để làm theo ý muốn Đức Chúa Trời.—Hê 10:7.

7 Trong thời gian Chúa Giê-su thi hành thánh chức trên đất, các môn đồ ngài cũng làm báp-têm cho người ta (Giăng 3:22; 4:1, 2). Phép báp-têm ấy cũng biểu trưng cho việc một người ăn năn tội lỗi mà Luật pháp Môi-se lên án, giống như phép báp-têm do Giăng thực hiện. Tuy nhiên, sau khi Chúa Giê-su chết và được sống lại, phép báp-têm mang ý nghĩa hoàn toàn khác.

8. (a) Sau khi được sống lại, Chúa Giê-su ban mệnh lệnh nào cho các môn đồ? (b) Tại sao tín đồ đạo Đấng Ki-tô cần chịu phép báp-têm?

8 Vào năm 33 CN, sau khi được sống lại, Chúa Giê-su hiện ra trước một đám đông hơn 500 người, gồm nam lẫn nữ và có thể cả trẻ em. Có lẽ trong dịp ấy, ngài ban mệnh lệnh: “Hãy đi đào tạo người từ muôn dân trở thành môn đồ tôi, làm phép báp-têm cho họ nhân danh Cha, Con và thần khí thánh, và dạy họ giữ mọi điều mà tôi đã truyền cho anh em” (Mat 28:19, 20; 1 Cô 15:6). Dường như hàng trăm môn đồ Chúa Giê-su đã có mặt khi ngài giao sứ mạng đào tạo môn đồ. Những lời ấy của ngài cho thấy rõ báp-têm là một đòi hỏi đối với những ai chấp nhận ách của tín đồ đạo Đấng Ki-tô (Mat 11:29, 30). Bất cứ ai muốn phụng sự theo cách đẹp lòng Đức Chúa Trời đều phải nhìn nhận vai trò của Chúa Giê-su trong việc thực hiện ý định ngài. Khi đó người ấy mới có thể chịu phép báp-têm. Đây là phép báp-têm bằng nước duy nhất được Đức Chúa Trời chấp nhận. Có bằng chứng rõ ràng trong Kinh Thánh cho thấy vào thế kỷ thứ nhất, các môn đồ mới đã hiểu ý nghĩa của phép báp-têm, và họ không trì hoãn báp-têm nếu không có lý do.—Công 2:41; 9:18; 16:14, 15, 32, 33.

ĐỪNG TRÌ HOÃN

9, 10. Qua trường hợp của người Ê-thi-ô-bi và sứ đồ Phao-lô, chúng ta học được gì về phép báp-têm?

9 Đọc Công vụ 8:35, 36. Hãy xem xét trường hợp của một người Ê-thi-ô-bi cải đạo Do Thái. Ông đang trên đường về nhà sau khi đến Giê-ru-sa-lem thờ phượng. Thiên sứ của Đức Giê-hô-va hướng dẫn Phi-líp đến gặp người Ê-thi-ô-bi ấy để “công bố cho ông tin mừng về Chúa Giê-su”. Người Ê-thi-ô-bi phản ứng thế nào? Hành động sau đó của ông cho thấy rõ là ông thật lòng quý trọng những sự thật mình vừa học. Ông muốn làm theo sự sắp đặt của Đức Giê-hô-va nên chịu phép báp-têm mà không trì hoãn.

10 Trường hợp thứ hai là một người đàn ông Do Thái từng bắt bớ tín đồ đạo Đấng Ki-tô. Dân Do Thái là dân được dâng cho Đức Giê-hô-va nhưng họ đánh mất mối quan hệ đặc biệt với ngài. Người đàn ông ấy rất sốt sắng với truyền thống của Do Thái giáo, nhưng rồi ông tìm được một con đường đúng đắn hơn. Ông được chính Chúa Giê-su đã sống lại và đầy vinh hiển làm chứng cho. Ông phản ứng ra sao? Ông sẵn sàng nhận sự trợ giúp của một môn đồ tên A-na-nia. Kinh Thánh tường thuật tiếp: “Sau-lơ bèn đứng dậy và chịu phép báp-têm” (Công 9:17, 18; Ga 1:14). Chắc chắn anh chị nhận ra người Do Thái ấy chính là người mà sau này được biết đến là sứ đồ Phao-lô. Điều đáng chú ý là khi vừa hiểu sự thật về vai trò của Chúa Giê-su trong việc thực hiện ý định Đức Chúa Trời, Phao-lô liền hành động. Ông chịu phép báp-têm mà không trì hoãn.—Đọc Công vụ 22:12-16.

11. (a) Điều gì thúc đẩy một học viên Kinh Thánh chịu phép báp-têm? (b) Chúng ta cảm thấy thế nào khi chứng kiến một người chịu phép báp-têm?

11 Ngày nay, nhiều học viên Kinh Thánh, cả già lẫn trẻ, cũng hành động tương tự. Vì có đức tin và thật sự quý trọng chân lý Kinh Thánh nên họ rất muốn dâng mình và chịu phép báp-têm. Mỗi hội nghị đều có phần nổi bật là bài giảng đặc biệt dành cho ứng viên báp-têm. Nhân Chứng Giê-hô-va vui mừng khi một học viên Kinh Thánh chấp nhận chân lý và tiến đến bước báp-têm. Hẳn các bậc cha mẹ tin kính cũng rất vui khi thấy con mình ở trong số những người sắp báp-têm. Trong năm công tác 2017, hơn 284.000 người “có lòng ngay thẳng” đã biểu trưng sự dâng mình cho Đức Giê-hô-va qua phép báp-têm trong nước (Công 13:48). Rõ ràng, các môn đồ mới ấy hiểu rằng báp-têm là một đòi hỏi đối với tín đồ đạo Đấng Ki-tô. Trước khi chịu phép báp-têm, họ đã thực hiện những bước nào?

12. Một học viên Kinh Thánh phải thực hiện những bước nào trước khi chịu phép báp-têm?

12 Trước khi chịu phép báp-têm, một học viên Kinh Thánh phải vun trồng đức tin dựa trên sự hiểu biết chính xác về Đức Chúa Trời, ý định của ngài và sắp đặt về sự cứu rỗi (1 Ti 2:3-6). Rồi đức tin thúc đẩy người ấy từ bỏ hành vi làm buồn lòng Đức Giê-hô-va và điều chỉnh lối sống theo các tiêu chuẩn công chính của ngài (Công 3:19). Điều này là quan trọng vì sự dâng mình sẽ không có giá trị nếu một người vẫn có những hành vi khiến cho người đó không được vào Nước Trời (1 Cô 6:9, 10). Nhưng chỉ sống theo các tiêu chuẩn đạo đức cao của Đức Giê-hô-va thì chưa đủ. Một người theo đuổi sự công chính cũng cần tham dự các buổi nhóm họp tại hội thánh và hết lòng tham gia công việc cứu mạng là rao giảng và đào tạo môn đồ. Chúa Giê-su nói rằng những ai muốn làm môn đồ ngài sẽ phải thi hành công việc này (Công 1:8). Chỉ khi thực hiện những bước ấy, một người mới có thể thật sự dâng mình cho Đức Giê-hô-va qua lời cầu nguyện riêng và biểu trưng sự dâng mình qua phép báp-têm trước sự chứng kiến của nhiều người.

MỤC TIÊU BÁP-TÊM

Anh chị có ghi nhớ tầm quan trọng của phép báp-têm và giúp học viên hiểu điều đó không? (Xem đoạn 13)

13. Tại sao chúng ta nên ghi nhớ báp-têm là một đòi hỏi đối với tín đồ đạo Đấng Ki-tô?

13 Khi giúp con hay những học viên Kinh Thánh khác thực hiện các bước cần thiết, chúng ta nên ghi nhớ rằng một người muốn trở thành môn đồ chân chính của Chúa Giê-su thì phải chịu phép báp-têm. Nếu nhớ rõ điều đó, chúng ta sẽ dễ hướng học viên đến mục tiêu ấy. Vào lúc thích hợp, chúng ta sẽ không ngần ngại nói đến tầm quan trọng của việc dâng mình và báp-têm. Thật vậy, chúng ta muốn con mình và học viên Kinh Thánh khác tiến đến bước báp-têm.

14. Tại sao chúng ta không nên gây áp lực cho bất cứ ai để họ chịu phép báp-têm?

14 Dù thế, cha mẹ, người hướng dẫn hay bất cứ ai trong hội thánh không nên gây áp lực để con hoặc học viên chịu phép báp-têm. Đức Giê-hô-va không ép buộc bất cứ ai phụng sự ngài (1 Giăng 4:8). Khi dạy học viên, chúng ta nên nhấn mạnh tầm quan trọng của việc vun đắp mối quan hệ cá nhân với Đức Chúa Trời. Rồi chính lòng biết ơn chân thành của học viên đối với chân lý và ước muốn được mang ách của một tín đồ sẽ thôi thúc người ấy quyết định chịu phép báp-têm.—2 Cô 5:14, 15.

15, 16. (a) Có tuổi ấn định để một người chịu phép báp-têm không? Hãy giải thích. (b) Nếu một học viên đã báp-têm trong tôn giáo khác, tại sao người ấy vẫn phải chịu phép báp-têm?

15 Không có tuổi ấn định để một người chịu phép báp-têm. Mỗi học viên tiến bộ ở mức độ khác nhau. Nhiều người chịu phép báp-têm lúc còn trẻ và về sau vẫn trung thành với Đức Giê-hô-va. Có những người học chân lý và chịu phép báp-têm khi đã lớn tuổi, thậm chí một số người làm thế lúc hơn 100 tuổi!

16 Một học viên lớn tuổi hỏi người hướng dẫn xem mình có thật sự cần chịu phép báp-têm nữa không, vì bà đã làm nghi thức ấy trong các tôn giáo khác. Rồi hai người cùng xem lại những câu Kinh Thánh liên quan. Sau đó, học viên ấy hiểu rằng đây là đòi hỏi của Kinh Thánh và ít lâu sau, bà chịu phép báp-têm. Dù đã gần 80 tuổi nhưng bà không cảm thấy điều này là vô ích. Thật thế, phép báp-têm có giá trị là phép báp-têm dựa trên sự hiểu biết chính xác về ý muốn của Đức Giê-hô-va. Do đó, các học viên Kinh Thánh phải chịu phép báp-têm cho dù họ đã từng báp-têm trong một tôn giáo khác.—Đọc Công vụ 19:3-5.

17. Vào ngày báp-têm, một người nên suy ngẫm về điều gì?

17 Ngày mà một người chịu phép báp-têm là ngày thật sự vui mừng nhưng cũng là dịp để suy ngẫm nghiêm túc xem việc dâng mình và báp-têm bao hàm điều gì. Sống đúng với sự dâng mình đòi hỏi phải nỗ lực. Vì thế, Chúa Giê-su ví việc làm môn đồ ngài với cái ách. Môn đồ của Chúa Giê-su “không sống cho chính mình nữa, mà sống cho đấng đã chết cho họ và đã được sống lại”.—2 Cô 5:15; Mat 16:24.

18. Chúng ta sẽ xem xét những câu hỏi nào trong bài sau?

18 Như đã xem xét trong bài này, quyết định trở thành tín đồ đạo Đấng Ki-tô là điều hệ trọng. Vì thế, mẹ của Maria tự hỏi những câu ở đầu bài. Nếu là cha mẹ, có lẽ anh chị từng tự hỏi: “Con mình có thật sự sẵn sàng để chịu phép báp-têm không? Con mình có đủ sự hiểu biết để dâng mình không? Nói sao về những mục tiêu ngoài đời liên quan đến học vấn và nghề nghiệp? Nếu sau báp-têm, con mình phạm tội trọng thì sao?”. Trong bài sau, chúng ta sẽ xem xét những câu hỏi đó và thảo luận làm thế nào cha mẹ có thể giữ quan điểm thăng bằng về phép báp-têm.