Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

Hỡi các bậc cha mẹ, anh chị có giúp con tiến đến báp-têm không?

Hỡi các bậc cha mẹ, anh chị có giúp con tiến đến báp-têm không?

“Sao anh còn chần chừ? Hãy đứng dậy, chịu phép báp-têm”.​—CÔNG 22:16.

BÀI HÁT: 51, 135

1. Cha mẹ muốn chắc chắn điều gì trước khi con báp-têm?

“Trong nhiều tháng, tôi nói với cha mẹ rằng tôi muốn báp-têm. Vì muốn chắc chắn là tôi hiểu rõ tầm quan trọng của quyết định ấy nên cha mẹ thường nói chuyện với tôi về đề tài này. Cuối cùng ngày trọng đại trong đời tôi đã đến, đó là ngày 31-12-1934”. Đây là những lời mà chị Blossom Brandt kể về lúc chị quyết định báp-têm. Ngày nay, cha mẹ đạo Đấng Ki-tô cũng quan tâm đến việc giúp con quyết định khôn ngoan. Việc trì hoãn báp-têm mà không có lý do chính đáng có thể khiến con gặp vấn đề về thiêng liêng (Gia 4:17). Mặt khác, cha mẹ cũng muốn chắc chắn là trước khi báp-têm, con sẵn sàng gánh vác trách nhiệm của một tín đồ.

2. (a) Một số giám thị vòng quanh bày tỏ mối lo ngại về điều gì? (b) Chúng ta sẽ xem xét điều gì trong bài này?

2 Một số giám thị vòng quanh bày tỏ mối lo ngại là có những người trẻ trong gia đình Nhân Chứng dù đã trên dưới 20 tuổi nhưng vẫn chưa báp-têm. Phần lớn những người trẻ này đều đi nhóm họp và tham gia thánh chức. Họ xem mình là Nhân Chứng Giê-hô-va. Nhưng vì lý do nào đó, họ trì hoãn dâng đời sống cho Đức Giê-hô-va và báp-têm. Lý do có thể là gì? Một số trường hợp là do cha mẹ muốn các em trì hoãn việc báp-têm. Trong bài này, chúng ta sẽ xem xét bốn mối băn khoăn cản trở một số cha mẹ giúp con tiến đến báp-têm.

CON MÌNH ĐÃ ĐỦ LỚN CHƯA?

3. Cha mẹ của chị Blossom có mối lo lắng nào?

3 Cha mẹ của chị Blossom, người được đề cập trong đoạn đầu, có mối lo lắng chính đáng là không biết con gái mình đã đủ lớn để hiểu ý nghĩa và tầm quan trọng của báp-têm hay chưa. Làm thế nào cha mẹ biết con đã sẵn sàng để dâng mình?

4. Mệnh lệnh của Chúa Giê-su nơi Ma-thi-ơ 28:19, 20 giúp cha mẹ như thế nào khi dạy con?

4 Đọc Ma-thi-ơ 28:19, 20. Như đã nói đến trong bài trước, Kinh Thánh không quy định một người phải bao nhiêu tuổi thì mới có thể báp-têm. Tuy nhiên, suy ngẫm về ý nghĩa của việc đào tạo môn đồ sẽ giúp ích cho cha mẹ. Từ Hy Lạp được dịch là ‘đào tạo môn đồ’ nơi Ma-thi-ơ 28:19 có nghĩa dạy với mục tiêu giúp một người trở thành học trò, hoặc môn đồ. Môn đồ là người học và hiểu sự dạy dỗ của Chúa Giê-su, rồi quyết tâm làm theo. Vì thế, tất cả các bậc cha mẹ nên có mục tiêu là dạy con từ thuở thơ ấu nhằm giúp con trở thành môn đồ đã báp-têm của Đấng Ki-tô. Dĩ nhiên, một em bé thì chưa hội đủ điều kiện để chịu phép báp-têm. Nhưng Kinh Thánh cho thấy ngay cả những em còn khá trẻ cũng có thể lĩnh hội và quý trọng chân lý.

5, 6. (a) Qua những điều Kinh Thánh nói về Ti-mô-thê, chúng ta rút ra kết luận nào về việc báp-têm của ông? (b) Làm thế nào những bậc cha mẹ sáng suốt có thể giúp con cách hữu hiệu?

5 Ti-mô-thê là một môn đồ đã chọn chân lý từ khi còn trẻ. Sứ đồ Phao-lô cho biết Ti-mô-thê đã học các sự thật Kinh Thánh từ thuở thơ ấu. Dù gia đình Ti-mô-thê không đồng nhất về tôn giáo, nhưng mẹ và bà ngoại, là người Do Thái, đã vun trồng trong ông lòng quý trọng đối với Kinh Thánh. Nhờ thế, Ti-mô-thê có đức tin vững vàng (2 Ti 1:5; 3:14, 15). Mới khoảng 20 tuổi, Ti-mô-thê đã được đề cử để nhận những đặc ân trong hội thánh.—Công 16:1-3.

6 Dĩ nhiên, mỗi em mỗi khác. Có em trưởng thành sớm, có em trưởng thành muộn. Một số em dù ít tuổi nhưng khá chín chắn về cả nhận thức lẫn tâm lý và muốn báp-têm. Số khác thì phải đợi đến khi lớn hơn mới có thể báp-têm. Vì thế, những bậc cha mẹ sáng suốt sẽ không gây áp lực nhưng giúp con tấn tới về mặt thiêng liêng tùy theo mức độ trưởng thành và tiến bộ của từng đứa. Cha mẹ vui mừng khi con khắc ghi điều được nói nơi Châm ngôn 27:11. (Đọc). Nhưng họ không nên quên mục tiêu là giúp con trở thành môn đồ của Đấng Ki-tô. Nhớ mục tiêu đó, cha mẹ nên tự hỏi: “Con mình đã có đủ sự hiểu biết để dâng mình cho Đức Chúa Trời và báp-têm chưa?”.

CON MÌNH ĐÃ CÓ ĐỦ SỰ HIỂU BIẾT CHƯA?

7. Trước khi báp-têm, một người có cần sự hiểu biết sâu rộng về Kinh Thánh không? Hãy giải thích.

7 Khi hướng dẫn con, hẳn cha mẹ muốn con nắm được sự dạy dỗ căn bản trong Kinh Thánh để có nền tảng vững chắc. Nhờ đó, con có thể dâng mình cho Đức Chúa Trời. Nhưng trước khi dâng mình và báp-têm, một người không nhất thiết phải có sự hiểu biết sâu rộng về Kinh Thánh. Vì sau đó mọi tín đồ đều cần gia tăng sự hiểu biết chính xác. (Đọc Cô-lô-se 1:9, 10). Vậy một người cần hiểu bao nhiêu về Kinh Thánh trước khi báp-têm?

8, 9. Chúng ta học được gì từ lời tường thuật về Phao-lô và viên cai tù?

8 Câu chuyện của một gia đình vào thế kỷ thứ nhất có thể giúp ích cho cha mẹ ngày nay (Công 16:25-33). Trong hành trình truyền giáo thứ hai vào khoảng năm 50 CN, Phao-lô đến thành Phi-líp. Tại đó, ông và bạn đồng hành là Si-la bị bắt và bỏ tù oan. Đêm ấy có một cơn động đất khiến nền nhà tù rung chuyển, tất cả các cửa tù mở toang. Vì tưởng các tù nhân đã trốn hết, viên cai tù toan tự sát. Nhưng Phao-lô kêu lớn để ngăn ông lại. Rồi Phao-lô và Si-la làm chứng cho viên cai tù cùng gia đình ông. Lòng quý trọng đối với những sự thật học được đã thôi thúc họ làm gì? Họ chịu phép báp-têm mà không trì hoãn. Chúng ta học được gì từ lời tường thuật này?

9 Theo thông lệ thời đó, viên cai tù này có lẽ là một cựu chiến binh. Ông không quen thuộc với Kinh Thánh. Thế nên để có nền tảng vững chắc, ông cần tiếp thu sự dạy dỗ căn bản trong Kinh Thánh, hiểu việc trở thành tôi tớ Đức Chúa Trời có nghĩa gì và quyết tâm vâng theo sự dạy dỗ của Chúa Giê-su. Trong khoảng thời gian ngắn, ông hiểu được những sự thật căn bản trong Kinh Thánh và có được lòng quý trọng đối với những sự thật ấy. Điều này đã thôi thúc ông chịu phép báp-têm. Chắc chắn, sau đó ông tiếp tục thu thập thêm sự hiểu biết. Dựa vào trường hợp này, anh chị có thể làm gì khi con thể hiện lòng quý trọng chân thành đối với sự dạy dỗ căn bản trong Kinh Thánh, bao gồm ý nghĩa và tầm quan trọng của việc dâng mình và báp-têm? Có lẽ anh chị sẽ cho phép con đến gặp các trưởng lão để xem con đã hội đủ điều kiện báp-têm chưa. * Như bao môn đồ khác, con anh chị sẽ tiếp tục học về ý định của Đức Giê-hô-va trong suốt cuộc đời, thậm chí là mãi mãi.—Rô 11:33, 34.

MÌNH CÓ HƯỚNG CON ĐẾN THÀNH CÔNG THẬT KHÔNG?

10, 11. (a) Một số cha mẹ có suy nghĩ nào? (b) Cha mẹ nên quan tâm đến điều gì trước hết?

10 Một số cha mẹ nghĩ rằng con nên hoãn báp-têm để học lên cao và có sự nghiệp trước đã. Dù cha mẹ suy nghĩ như thế là muốn tốt cho con nhưng hướng đi đó có giúp con đạt được thành công thật không? Quan trọng hơn, hướng đi đó có phù hợp với Kinh Thánh không? Lời Đức Giê-hô-va khuyến khích hướng đi nào?—Đọc Truyền đạo 12:1.

11 Hãy nhớ rằng thế gian và những gì thuộc về nó đi ngược lại với ý muốn và lối suy nghĩ của Đức Giê-hô-va (Gia 4:7, 8; 1 Giăng 2:15-17; 5:19). Mối quan hệ mật thiết với Đức Giê-hô-va sẽ là lá chắn tốt nhất bảo vệ con trước ảnh hưởng của Sa-tan, thế gian và lối suy nghĩ không tin kính. Nếu đề cao các mục tiêu ngoài đời, cha mẹ có thể làm cho con mất phương hướng và ảnh hưởng đến hạnh phúc lâu dài của con. Hẳn các bậc cha mẹ yêu thương sẽ không muốn con cái bị ảnh hưởng bởi quan điểm của thế gian về sự thành công phải không? Thực tế, chúng ta chỉ có thể tìm được thành công và niềm vui thật khi đặt Đức Giê-hô-va lên hàng đầu trong đời sống.—Đọc Thi thiên 1:2, 3.

LỠ CON MÌNH PHẠM TỘI THÌ SAO?

12. Tại sao một số cha mẹ muốn con trì hoãn báp-têm?

12 Một người mẹ cho biết lý do chị ngăn cản con gái báp-têm: “Tôi thấy ngượng vì phải nói rằng lý do chính là việc khai trừ”. Như chị ấy, một số cha mẹ cho rằng con họ nên đợi đến khi đã qua tuổi bồng bột, là độ tuổi thường có khuynh hướng làm điều dại dột (Sáng 8:21; Châm 22:15). Có lẽ họ nghĩ: “Nếu con mình chưa báp-têm thì nó không thể bị khai trừ”. Tại sao lý luận như thế không đúng?—Gia 1:22.

13. Phải chăng một người trì hoãn báp-têm thì sẽ không phải chịu trách nhiệm trước mắt Đức Giê-hô-va? Hãy giải thích.

13 Dĩ nhiên, cha mẹ không muốn con báp-têm nếu con chưa đủ chín chắn để dâng mình cho Đức Chúa Trời. Nhưng sẽ sai lầm khi cho rằng nếu con chưa báp-têm thì chưa phải chịu trách nhiệm trước mắt Đức Giê-hô-va. Tại sao? Vì việc chịu trách nhiệm không tùy thuộc vào việc báp-têm. Ngay từ khi biết tiêu chuẩn của Đức Chúa Trời về điều đúng, điều sai thì một em trẻ đã phải chịu trách nhiệm trước mắt ngài. (Đọc Gia-cơ 4:17). Thế nên, thay vì ngăn cản con báp-têm, những bậc cha mẹ khôn ngoan sẽ cố gắng nêu gương cho con. Ngay từ khi con còn nhỏ, họ muốn vun trồng nơi con lòng quý trọng chân thành đối với những tiêu chuẩn đạo đức cao của Đức Giê-hô-va (Lu 6:40). Lòng quý trọng ấy là sự bảo vệ tốt nhất cho con vì sẽ thôi thúc con bước theo đường lối công chính của ngài.—Ê-sai 35:8.

NGƯỜI KHÁC CÓ THỂ LÀM GÌ ĐỂ TRỢ GIÚP?

14. Làm thế nào trưởng lão có thể hỗ trợ bậc cha mẹ đang giúp con tiến đến báp-têm?

14 Là người chăn bầy, các trưởng lão có thể hỗ trợ cha mẹ bằng cách nói tích cực về những mục tiêu thiêng liêng. Một chị làm công việc tiên phong hơn 70 năm cho biết rằng cuộc nói chuyện với anh Russell lúc chị mới sáu tuổi đã tác động sâu sắc đến chị. Chị kể: “Anh ấy dành 15 phút để nói chuyện với tôi về những mục tiêu thiêng liêng của tôi”. Quả thật, lời nói tích cực và sự khích lệ có tác động lâu dài (Châm 25:11). Các trưởng lão cũng có thể mời bậc cha mẹ cùng con cái tham gia chăm sóc Phòng Nước Trời, giao cho các em công việc phù hợp với độ tuổi và khả năng của chúng.

15. Các thành viên trong hội thánh có thể khuyến khích người trẻ qua một số cách nào?

15 Các thành viên khác trong hội thánh có thể trợ giúp bằng cách quan tâm đúng mức đến người trẻ. Điều này bao hàm việc tinh ý nhận ra sự tiến bộ của các em. Chẳng hạn, có em nào phát biểu từ lòng bằng những lời ý nghĩa, hoặc có phần trong buổi họp giữa tuần không? Có em nào đã vượt qua thử thách về đức tin hoặc tận dụng cơ hội làm chứng tại trường không? Hãy chân thành khen các em. Hãy tỏ lòng quan tâm bằng cách đặt mục tiêu nói chuyện với các em trước và sau buổi nhóm họp. Qua cách này và những cách khác, chúng ta giúp các em nhận ra mình là một phần của “hội chúng đông đảo”.—Thi 35:18.

GIÚP CON TIẾN ĐẾN BÁP-TÊM

16, 17. (a) Báp-têm liên hệ thế nào đến tương lai của một người? (b) Cha mẹ cố gắng hết sức để có được niềm vui nào? (Xem hình nơi đầu bài).

16 Một trong những đặc ân lớn nhất mà cha mẹ đạo Đấng Ki-tô có là “dùng sự sửa phạt và khuyên bảo của Đức Giê-hô-va” để nuôi dạy con (Ê-phê 6:4; Thi 127:3). Khác với trẻ em trong dân Y-sơ-ra-ên xưa, các em trong gia đình đạo Đấng Ki-tô không được sinh ra trong một dân tộc được dâng riêng cho Đức Giê-hô-va. Hơn nữa, lòng yêu mến đối với Đức Chúa Trời và chân lý không mang tính di truyền. Vì thế ngay từ khi con chào đời, cha mẹ nên có mục tiêu là đào tạo một môn đồ mới, tức giúp con tiến đến bước dâng mình và báp-têm. Còn nhiệm vụ nào quan trọng hơn thế? Suy cho cùng, chính việc dâng mình, báp-têm và trung thành phụng sự Đức Chúa Trời mới mở ra triển vọng cho một người được đánh dấu để sống sót qua hoạn nạn lớn sắp đến.—Mat 24:13.

Cha mẹ nên có mục tiêu giúp con trở thành môn đồ (Xem đoạn 16, 17)

17 Khi chị Blossom quyết định sẽ báp-têm, cha mẹ tin kính của chị muốn chắc chắn rằng chị đã sẵn sàng để thực hiện bước quan trọng nhất trong đời. Khi thấy chị đã thật sự sẵn sàng, họ hết lòng ủng hộ. Vào buổi tối trước ngày chị báp-têm, cha của chị làm một điều mà chị không bao giờ quên. Chị kể lại: “Cả nhà chúng tôi quỳ gối và cha dâng lời cầu nguyện. Cha nói với Đức Giê-hô-va rằng ông rất vui khi thấy con gái yêu quý của mình quyết định dâng đời sống cho ngài”. Hơn 60 năm sau, chị cho biết: “Buổi tối hôm đó sẽ mãi in đậm trong tâm trí tôi!”. Mong sao các bậc cha mẹ cũng cảm nghiệm được niềm vui và sự thỏa nguyện khi thấy con dâng mình, báp-têm để trở thành tôi tớ của Đức Giê-hô-va.

^ đ. 9 Cha mẹ có thể cùng con xem xét những thông tin hữu ích trong sách Giới trẻ thắc mắc—Những lời giải đáp thiết thực, Tập 2, trg 304-310. Cũng xem phần “Giải đáp thắc mắc” trong Thánh Chức Nước Trời tháng 4 năm 2011, trg 2.