Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

KINH NGHIỆM

Đức Giê-hô-va không bao giờ bỏ rơi tôi!

Đức Giê-hô-va không bao giờ bỏ rơi tôi!

Tôi là một trong bốn bé gái được chọn để tặng hoa cho Adolf Hitler sau khi ông nói xong bài diễn thuyết. Tại sao tôi lại được chọn? Vì cha tôi rất tích cực trong các hoạt động của Đức Quốc Xã và lái xe cho lãnh đạo địa phương của Đảng Quốc Xã. Mẹ tôi là tín đồ Công giáo sùng đạo và muốn tôi trở thành nữ tu. Dù vậy, tôi không đi theo Quốc Xã cũng chẳng trở thành nữ tu. Hãy để tôi kể tại sao.

Tôi lớn lên ở Graz, Áo. Khi lên bảy tuổi, tôi đi học tại một trường dòng. Nhưng tôi bị sốc khi chứng kiến sự vô luân giữa các linh mục và nữ tu. Vì thế chưa đầy một năm sau, mẹ cho phép tôi nghỉ học.

Gia đình tôi cùng với cha mặc quân phục

Sau đó, tôi theo học ở một trường nội trú. Đêm nọ, cha đến trường để đưa tôi đi trú vì Graz bị đánh bom dữ dội. Chúng tôi lánh nạn trong thị trấn Schladming. Ngay khi chúng tôi đến nơi và vừa băng qua cây cầu thì cây cầu bị nổ tung. Lần khác, tôi và bà ngoại đang ở trong sân thì bị những chiếc máy bay tầm thấp bắn. Cho đến khi chiến tranh chấm dứt, dường như cả nhà thờ lẫn chính phủ đều bỏ rơi chúng tôi.

BIẾT VỀ SỰ TRỢ GIÚP KHÔNG NGỪNG

Năm 1950, một chị Nhân Chứng chia sẻ thông điệp Kinh Thánh cho mẹ tôi. Tôi nghe những cuộc nói chuyện giữa mẹ và chị ấy, thậm chí cùng mẹ tham dự một số buổi nhóm họp. Vì tin chắc rằng Nhân Chứng Giê-hô-va có chân lý nên mẹ báp-têm vào năm 1952.

Lúc ấy, đối với tôi hội thánh địa phương giống như câu lạc bộ cho các quý bà. Nhưng sau đó, chúng tôi thăm một hội thánh khác. Hội thánh này có nhiều người trẻ, chứ không phải “câu lạc bộ quý bà”! Khi trở lại Graz, tôi bắt đầu tham dự tất cả các buổi nhóm họp, và không lâu sau, tôi cũng tin chắc điều mình đang học là chân lý. Tôi cũng được biết Đức Giê-hô-va là đấng không ngừng trợ giúp các tôi tớ ngài. Ngài trợ giúp ngay cả khi chúng ta cảm thấy mình đơn độc đối mặt với những tình huống dường như quá sức.—Thi 3:5, 6.

Tôi muốn chia sẻ chân lý cho người khác. Đầu tiên tôi nói với anh chị em ruột. Bốn chị gái của tôi là giáo viên và sống ở các làng khác nhau. Tôi đến thăm và khuyến khích họ tìm hiểu Kinh Thánh. Cuối cùng, tất cả anh chị em của tôi đều học Kinh Thánh và trở thành Nhân Chứng Giê-hô-va.

Vào tuần thứ hai khi mới bắt đầu đi rao giảng từng nhà, tôi gặp một phụ nữ ngoài 30 tuổi và chị ấy đồng ý học Kinh Thánh. Chị tiến bộ đến bước báp-têm, và về sau chồng cùng hai con trai của chị cũng làm thế. Cuộc học hỏi đó đã củng cố đức tin của tôi rất nhiều. Tại sao? Vì tôi chưa từng được ai hướng dẫn học Kinh Thánh một cách bài bản. Thế nên tôi phải chuẩn bị kỹ cho mỗi bài học. Theo một nghĩa nào đó, tôi đang dạy mình trước tiên, rồi sau đó có thể dạy học viên! Điều đó thật sự giúp tôi gia tăng lòng quý trọng đối với chân lý. Vào tháng 4 năm 1954, tôi biểu trưng sự dâng mình cho Đức Giê-hô-va qua phép báp-têm trong nước.

“BỊ BẮT BỚ NHƯNG KHÔNG BỊ BỎ RƠI”

Năm 1955, tôi tham dự hội nghị quốc tế ở Đức, Pháp và Anh Quốc. Trong thời gian ở Luân Đôn, tôi gặp anh Albert Schroeder. Anh ấy là giảng viên Trường Kinh Thánh Ga-la-át, và sau này là thành viên Hội đồng Lãnh đạo. Lúc đi tham quan Bảo tàng Anh Quốc, anh Schroeder chỉ cho chúng tôi xem một số bản Kinh Thánh chép tay có danh Đức Chúa Trời bằng các ký tự Hê-bơ-rơ. Anh giải thích tầm quan trọng của những bản chép tay này. Điều đó làm cho tôi yêu mến Đức Giê-hô-va và chân lý nhiều hơn, và càng quyết tâm chia sẻ chân lý trong Lời ngài.

Với bạn cùng làm tiên phong đặc biệt (bên phải) tại Mistelbach, Áo

Tôi bắt đầu làm tiên phong đều đều ngày 1-1-1956. Bốn tháng sau, tôi được mời làm tiên phong đặc biệt ở Áo. Lúc đó, thị trấn mà tôi được phái đến là Mistelbach không có Nhân Chứng nào. Ngoài ra, tôi cũng phải đối mặt với thử thách khác. Tôi và bạn cùng làm tiên phong rất khác nhau. Tôi sắp 19 tuổi và đến từ thành phố, còn chị ấy 25 tuổi, đến từ miền quê. Tôi thích dậy trễ, chị ấy thì thích dậy sớm. Tôi muốn thức khuya, còn chị ấy muốn ngủ sớm. Nhưng nhờ áp dụng lời khuyên trong Kinh Thánh, chúng tôi có thể giải quyết bất đồng và cùng nhau phụng sự cách hiệu quả.

Thật ra, chúng tôi còn đối mặt với những thử thách cam go khác, thậm chí là sự bắt bớ, nhưng chúng tôi “không bị bỏ rơi” (2 Cô 4:7-9). Ngày nọ, chúng tôi đang rao giảng tại một làng quê thì bị người dân thả chó ra cắn. Chúng tôi bị bầy chó lớn bao vây, chúng vừa nhe răng vừa sủa. Chúng tôi nắm tay nhau, và tôi cầu nguyện: “Lạy Đức Giê-hô-va, nếu bầy chó tấn công, xin cho chúng con chết nhanh để khỏi bị đau đớn!”. Khi bầy chó lại gần cách chúng tôi khoảng một cánh tay thì chúng đứng lại, vẫy đuôi, rồi bỏ đi. Chúng tôi cảm thấy Đức Giê-hô-va đã bảo vệ mình. Sau đó, chúng tôi rao giảng khắp ngôi làng ấy, và thật vui khi thấy người dân sẵn sàng lắng nghe. Có lẽ họ ngạc nhiên vì bầy chó không làm hại chúng tôi hoặc thấy chúng tôi vẫn kiên trì sau trải nghiệm đáng sợ đó. Cuối cùng, vài người trong số họ trở thành Nhân Chứng.

Chúng tôi cũng gặp trường hợp đáng sợ khác. Một hôm, ông chủ nhà trở về trong tình trạng say khướt. Ông dọa sẽ giết chúng tôi vì cho là chúng tôi đang quấy rầy khu xóm. Vợ ông đã cố khuyên ngăn nhưng chẳng ích gì. Từ trên gác, chúng tôi nghe hết những gì họ nói. Chúng tôi liền lấy ghế chặn cửa phòng và thu xếp hành lý. Khi chúng tôi mở cửa thì ông chủ đang đứng chặn ở cầu thang, tay cầm con dao lớn. Thế nên chúng tôi mang hành lý ra cửa sau, chạy dọc theo hướng vườn và không bao giờ trở lại.

Chúng tôi tới một khách sạn thuê phòng và ở đó gần một năm. Cuối cùng, nơi chúng tôi thuê mang lại kết quả tốt trong thánh chức. Tại sao? Khách sạn đó nằm ở trung tâm thị trấn nên một số học viên Kinh Thánh muốn đến đó học. Không lâu sau, chúng tôi tổ chức Buổi học cuốn sách và Phần học Tháp Canh hằng tuần trong phòng khách sạn, có khoảng 15 người tham dự.

Chúng tôi ở Mistelbach hơn một năm, sau đó tôi được bổ nhiệm đến Feldbach ở phía đông nam Graz. Tôi có bạn đồng hành mới, và ở đây cũng chưa có hội thánh nào. Chúng tôi sống trong một căn phòng nhỏ xíu ở tầng hai của ngôi nhà gỗ đơn sơ. Gió rít qua các khe gỗ của căn phòng nên chúng tôi phải dùng báo để bít các khe này lại. Chúng tôi cũng phải đi lấy nước ở giếng. Nhưng những điều này rất đáng công. Trong vòng vài tháng, một nhóm đã được thành lập. Cuối cùng, khoảng 30 thành viên trong một gia đình học Kinh Thánh với chúng tôi đã theo chân lý!

Những trải nghiệm này giúp tôi gia tăng lòng biết ơn với Đức Giê-hô-va. Ngài đã không ngừng trợ giúp những người theo đuổi quyền lợi Nước Trời. Ngay cả khi đối mặt với vấn đề mà con người không thể giúp thì Đức Giê-hô-va vẫn luôn ở bên và trợ giúp.—Thi 121:1-3.

ĐƯỢC “TAY HỮU CÔNG CHÍNH” CỦA ĐỨC CHÚA TRỜI HỖ TRỢ

Vào năm 1958, một hội nghị quốc tế được tổ chức tại sân vận động Yankee và Polo Grounds, thành phố New York. Tôi đã nộp đơn xin tham dự. Chi nhánh Áo đã hỏi tôi có muốn dự khóa 32 của trường Ga-la-át không. Làm sao tôi có thể từ chối đặc ân như thế? Tôi trả lời ngay là “Có!”.

Khi học tại trường Ga-la-át, tôi ngồi cạnh anh Martin Poetzinger. Anh đã trải qua những kinh nghiệm khủng khiếp trong trại tập trung thời Quốc Xã. Sau này anh ấy phụng sự với tư cách là thành viên Hội đồng Lãnh đạo. Trong lớp, thỉnh thoảng anh Martin hỏi nhỏ tôi: “Chị Erika, trong tiếng Đức điều này có nghĩa là gì?”.

Đến giữa khóa học, anh Nathan Knorr thông báo nhiệm sở của các học viên. Tôi được bổ nhiệm đến Paraguay. Vì lúc ấy tôi còn trẻ nên tôi phải được cha đồng ý cho đến đó. Sau khi được cha cho phép, tôi đã đến Paraguay vào tháng 3 năm 1959. Tôi được bổ nhiệm làm giáo sĩ tại Asunción, cùng với bạn đồng hành mới.

Không lâu sau, tôi gặp anh Walter Bright là giáo sĩ tốt nghiệp khóa 30 của trường Ga-la-át. Rồi chúng tôi kết hôn và cùng đối mặt với thử thách trong đời sống. Mỗi khi đương đầu với thử thách cam go, chúng tôi đọc lời hứa của Đức Giê-hô-va nơi Ê-sai 41:10: “Đừng sợ chi vì ta ở với con. Đừng lo gì vì ta là Đức Chúa Trời của con. Ta sẽ thêm sức cho con”. Điều này đảm bảo với chúng tôi rằng nếu quyết tâm trung thành với Đức Chúa Trời và đặt Nước Trời trên hết thì ngài sẽ không bao giờ bỏ rơi chúng tôi.

Với thời gian, chúng tôi được bổ nhiệm đến khu vực gần biên giới Brazil. Hàng giáo phẩm tại đó xúi giục đám trẻ ném đá vào căn nhà xiêu vẹo của chúng tôi. Sau đó, anh Walter bắt đầu học Kinh Thánh với ông cảnh sát trưởng. Ông sắp xếp để các viên cảnh sát đứng gần nhà chúng tôi trong một tuần, nên những kẻ bắt bớ không quấy rầy chúng tôi nữa. Ít lâu sau, chúng tôi được chuyển đến căn nhà tốt hơn phía bên kia biên giới Brazil. Nơi đây cũng thuận tiện vì chúng tôi có thể tổ chức nhóm họp cả ở Paraguay và Brazil. Trước khi chúng tôi rời nhiệm sở này, có hai hội thánh nhỏ được thành lập.

Cùng chồng tôi là anh Walter làm giáo sĩ tại Asunción, Paraguay

ĐỨC GIÊ-HÔ-VA TIẾP TỤC TRỢ GIÚP TÔI

Trước đây, bác sĩ cho biết là tôi bị vô sinh, nhưng vào năm 1962, chúng tôi rất ngạc nhiên khi biết tôi có thai. Sau đó, chúng tôi về sống tại Hollywood, Florida, gần gia đình anh Walter. Chúng tôi không thể làm tiên phong trong vài năm vì phải chăm sóc gia đình. Tuy nhiên, chúng tôi vẫn đặt quyền lợi Nước Trời lên hàng đầu.—Mat 6:33.

Khi đến Florida vào tháng 11 năm 1962, chúng tôi rất ngạc nhiên vì thấy các anh chị da đen nhóm họp riêng với các anh chị da trắng. Họ cũng đi thánh chức ở các khu vực riêng. Lý do là vì người địa phương ở đây có quan điểm phân biệt chủng tộc. Nhưng Đức Giê-hô-va không phân biệt chủng tộc, nên không lâu sau đó các anh chị khác màu da nhóm lại chung với nhau. Rõ ràng là có bàn tay của Đức Giê-hô-va trong sắp đặt này. Hiện nay ở đây có hàng chục hội thánh.

Đáng buồn là anh Walter qua đời vì ung thư não vào năm 2015. Anh là người chồng tuyệt vời trong suốt 55 năm, anh yêu mến Đức Giê-hô-va và giúp đỡ nhiều anh em. Tôi trông mong được gặp lại anh khi anh sống lại với sức khỏe hoàn hảo.—Công 24:15.

Tôi biết ơn vì đã được phụng sự trọn thời gian trong hơn 40 năm, cảm nghiệm rất nhiều niềm vui và ân phước. Chẳng hạn, vợ chồng chúng tôi có cơ hội chứng kiến 136 học viên Kinh Thánh báp-têm. Dĩ nhiên chúng tôi cũng gặp một số khó khăn nhưng chúng tôi không bao giờ xem đây là lý do để ngừng phụng sự Đức Chúa Trời thành tín. Thay vì thế, chúng tôi đến gần ngài hơn, tin rằng ngài sẽ giải quyết vấn đề vào đúng thời điểm và theo cách của ngài. Quả thật, ngài luôn làm thế!—2 Ti 4:16, 17.

Tôi vẫn rất nhớ anh Walter nhưng công việc tiên phong giúp tôi nguôi ngoai phần nào. Tôi thấy việc dạy người khác về Kinh Thánh rất hữu ích, đặc biệt là khi chia sẻ hy vọng về sự sống lại với họ. Thật vậy, có vô số lần trong đời Đức Giê-hô-va đã không bỏ rơi tôi. Đức Giê-hô-va giữ đúng lời đã hứa là trợ giúp, thêm sức và giữ chặt tôi bằng “tay hữu công chính” của ngài.—Ê-sai 41:10.