Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

“Hãy nghe sự sửa dạy và trở nên khôn ngoan”

“Hãy nghe sự sửa dạy và trở nên khôn ngoan”

“Hỡi các con,... hãy nghe sự sửa dạy và trở nên khôn ngoan”.—CHÂM 8:32, 33.

BÀI HÁT: 56, 89

1. Làm thế nào để có được sự khôn ngoan, và sự khôn ngoan ấy mang lại lợi ích nào?

Đức Giê-hô-va là nguồn của sự khôn ngoan, và ngài rộng rãi ban sự khôn ngoan cho người khác. Gia-cơ 1:5 nói: “Nếu ai trong anh em thiếu sự khôn ngoan thì hãy tiếp tục cầu xin Đức Chúa Trời, vì ngài rộng rãi ban cho mọi người mà không trách mắng gì”. Một cách để có được sự khôn ngoan từ Đức Chúa Trời là chấp nhận sự sửa dạy của ngài. Sự khôn ngoan đó có thể bảo vệ chúng ta khỏi mối nguy hại về đạo đức và thiêng liêng (Châm 2:10-12). Nhờ thế, chúng ta “giữ mình trong tình yêu thương của Đức Chúa Trời... với triển vọng nhận sự sống vĩnh cửu”.—Giu 21.

2. Điều gì sẽ giúp chúng ta vun trồng lòng biết ơn về sự sửa dạy của Đức Chúa Trời?

2 Tuy nhiên, khuynh hướng tội lỗi, sự giáo dục từ gia đình và những yếu tố khác có thể khiến chúng ta khó chấp nhận hoặc không có quan điểm đúng về sự sửa dạy. Khi nhận được lợi ích từ sự sửa dạy của Đức Chúa Trời, là bằng chứng cho thấy ngài yêu thương mình, chúng ta sẽ vun trồng lòng biết ơn đối với ngài. Châm ngôn 3:11, 12 nói: “Hỡi con, chớ bác bỏ sự sửa dạy của Đức Giê-hô-va,... vì người nào Đức Giê-hô-va yêu thương thì ngài khiển trách”. Vậy, hãy nhớ rằng Đức Giê-hô-va quan tâm đến lợi ích của chúng ta. (Đọc Hê-bơ-rơ 12:5-11). Vì Đức Chúa Trời biết rõ chúng ta nên sự sửa dạy của ngài luôn phù hợp và đúng mức. Hãy xem xét bốn khía cạnh của sự sửa dạy: (1) kỷ luật bản thân, (2) sự sửa dạy của cha mẹ, (3) sự sửa dạy nhận được trong hội thánh và (4) điều tồi tệ hơn nỗi đau tạm thời đến từ sự sửa dạy.

TÍNH KỶ LUẬT CHO THẤY SỰ KHÔN NGOAN

3. Bằng cách nào một đứa trẻ vun trồng tính kỷ luật? Hãy minh họa.

3 Tính kỷ luật bao gồm việc kiểm soát bản thân để cải thiện cách cư xử và lối suy nghĩ. Khi sinh ra, chúng ta không sẵn có tính kỷ luật. Chúng ta phải học để có tính đó. Hãy xem minh họa này: Khi một đứa trẻ tập đi xe đạp lần đầu, cha mẹ em thường giữ để xe không bị đổ. Nhưng khi em có thể giữ thăng bằng, cha mẹ thận trọng buông tay ra một chút. Khi em có thể lái vững thì cha mẹ để em tự đi. Cũng vậy, khi cha mẹ kiên nhẫn dạy con theo “sự sửa phạt và khuyên bảo của Đức Giê-hô-va”, họ giúp con vun trồng tính kỷ luật và sự khôn ngoan.—Ê-phê 6:4.

4, 5. (a) Tại sao tính kỷ luật là một phần quan trọng của “nhân cách mới”? (b) Dù “có ngã bảy lần”, tại sao chúng ta không nên bỏ cuộc?

4 Nguyên tắc đó cũng áp dụng cho những người lớn học về Đức Giê-hô-va. Đành rằng có thể họ đã vun trồng phần nào tính kỷ luật, nhưng khi trở thành môn đồ, họ vẫn non nớt về thiêng liêng. Dù vậy, họ có thể tiến đến sự thành thục bằng cách học để mặc lấy “nhân cách mới” hầu trở nên giống Đấng Ki-tô (Ê-phê 4:23, 24). Để tiến bộ như thế thì có tính kỷ luật là điều quan trọng. Vì khi có đức tính ấy, chúng ta biết cách “bác bỏ sự không tin kính cùng những ham muốn của thế gian, để sống có suy xét, đi theo đường lối công chính và thể hiện lòng sùng kính giữa thế gian này”.—Tít 2:12.

5 Dĩ nhiên, tất cả chúng ta đều phạm tội (Truyền 7:20). Nhưng một người vấp ngã không có nghĩa là thất bại hoặc hoàn toàn không có tính kỷ luật. Châm ngôn 24:16 nói: “Người công chính có ngã bảy lần cũng đứng dậy”. Điều gì giúp người ấy thành công? Không phải bằng nghị lực của bản thân nhưng nhờ thần khí của Đức Chúa Trời. (Đọc Phi-líp 4:13). Bông trái của thần khí bao gồm tính tự chủ, là đức tính có liên hệ chặt chẽ với tính kỷ luật.

6. Làm thế nào để trở thành người học Kinh Thánh tốt hơn? (Xem hình nơi đầu bài).

6 Điều quan trọng khác giúp vun trồng tính kỷ luật là cầu nguyện chân thành, học hỏi Kinh Thánh và suy ngẫm điều mình học. Nhưng nói sao nếu anh chị thấy việc học Lời Đức Chúa Trời là điều khó hoặc không thú vị? Nếu vậy, đừng bỏ cuộc. Đức Giê-hô-va sẽ giúp đỡ nếu anh chị để cho ngài giúp. Ngài có thể giúp anh chị “tập khao khát” Lời ngài (1 Phi 2:2). Trước tiên, hãy cầu xin Đức Giê-hô-va giúp anh chị có tính kỷ luật để học Lời ngài. Rồi hành động phù hợp với lời cầu nguyện, có lẽ lúc đầu học mỗi lần một ít. Với thời gian, việc học hỏi sẽ dễ dàng và thú vị hơn! Anh chị sẽ thấy quý những lúc yên tĩnh được suy ngẫm các ý tưởng quý báu của Đức Giê-hô-va.—1 Ti 4:15.

7. Làm thế nào tính kỷ luật giúp chúng ta đạt được mục tiêu thiêng liêng?

7 Tính kỷ luật giúp chúng ta đạt được mục tiêu thiêng liêng. Hãy xem trường hợp của một chủ gia đình. Anh cảm thấy mình giảm dần lòng sốt sắng, nên đã đặt mục tiêu trở thành tiên phong đều đều, đồng thời đọc các bài trong tạp chí có liên quan và cầu nguyện. Nhờ thế, anh vững vàng và được củng cố về thiêng liêng. Anh cũng sắp xếp để làm tiên phong phụ trợ khi có thể. Kết quả là gì? Dù gặp trở ngại, anh vẫn chú tâm vào mục tiêu là trở thành tiên phong đều đều và cuối cùng anh đã đạt được.

NUÔI DẠY CON THEO SỰ SỬA DẠY CỦA ĐỨC GIÊ-HÔ-VA

Con trẻ không biết phân biệt điều đúng và sai khi chào đời; chúng cần được dạy dỗ (Xem đoạn 8)

8-10. Điều gì có thể giúp bậc cha mẹ thành công trong việc nuôi dạy con để chúng phụng sự Đức Giê-hô-va? Hãy nêu ví dụ.

8 Cha mẹ đạo Đấng Ki-tô có đặc ân cao quý là được nuôi dạy con theo “sự sửa phạt và khuyên bảo của Đức Giê-hô-va” (Ê-phê 6:4). Đó là trách nhiệm lớn, đặc biệt là trong thế gian ngày nay (2 Ti 3:1-5). Dĩ nhiên, con trẻ không biết phân biệt điều đúng và sai khi chào đời. Dù chúng được phú cho lương tâm, nhưng lương tâm ấy cần được giáo dục, hay sửa dạy (Rô 2:14, 15). Một tài liệu tham khảo về Kinh Thánh cho rằng từ Hy Lạp được dịch là “sự sửa dạy” cũng có nghĩa “sự giáo dục con trẻ”, hay việc nuôi dạy con thành người có trách nhiệm.

9 Những đứa trẻ được sửa dạy một cách yêu thương thường cảm thấy an toàn. Chúng học được rằng sự tự do có giới hạn, cũng như mỗi quyết định và hành động đều dẫn đến kết quả hay hậu quả nào đó. Vì thế, việc cha mẹ xin Đức Giê-hô-va hướng dẫn là điều quan trọng. Hãy nhớ rằng mỗi nền văn hóa và thế hệ có ý tưởng cũng như cách dạy con khác nhau. Khi cha mẹ làm theo sự hướng dẫn của Đức Chúa Trời, họ không cần mò mẫm hay dựa vào kinh nghiệm hoặc lối suy nghĩ của con người để biết cách dạy con.

10 Để hiểu điều đó, hãy xem gương của Nô-ê. Khi Đức Giê-hô-va bảo Nô-ê đóng tàu, ông không thể dựa vào kinh nghiệm riêng vì trước đây ông chưa từng đóng tàu. Thế nên, ông phải nương cậy nơi Đức Giê-hô-va, ông làm “y như” sự chỉ dẫn của ngài (Sáng 6:22). Kết quả là gì? Nô-ê hoàn tất việc đóng tàu và chiếc tàu đã cứu sống ông cùng gia đình. Nô-ê cũng thành công trong việc hướng dẫn gia đình. Nhờ tin cậy nơi sự khôn ngoan của Đức Chúa Trời, ông dạy con rất tốt và nêu gương cho con, là điều không dễ trong thế gian đầy dẫy sự gian ác trước trận Đại Hồng Thủy.—Sáng 6:5.

11. Tại sao cha mẹ nên nỗ lực dạy con?

11 Nếu là cha mẹ, bằng cách nào anh chị có thể làm “y như” sự chỉ dẫn của Đức Giê-hô-va? Hãy lắng nghe ngài. Hãy để Đức Chúa Trời hướng dẫn anh chị nuôi dạy con qua Lời ngài và tổ chức của ngài. Với thời gian, hẳn con sẽ biết ơn anh chị vì đã làm thế! Một anh viết: “Tôi tràn ngập lòng biết ơn về cách cha mẹ nuôi dạy mình. Họ đã nỗ lực hết sức để động đến lòng tôi. Tôi tiến bộ về thiêng liêng phần lớn là nhờ họ”. Tuy nhiên, một số người con vẫn rời bỏ Đức Giê-hô-va dù được cha mẹ nỗ lực dạy dỗ. Nhưng khi cha mẹ đã cố gắng hết sức để khắc ghi chân lý vào lòng con, họ không nên tự trách mình. Họ cũng có thể hy vọng rằng một ngày nào đó đứa con lạc lối sẽ quay về với Đức Giê-hô-va.

12, 13. (a) Nếu có con bị khai trừ, làm thế nào cha mẹ cho thấy họ vâng lời Đức Chúa Trời? (b) Một gia đình đã nhận được lợi ích nào khi cha mẹ vâng lời Đức Giê-hô-va?

12 Một trong những thử thách lớn nhất về sự vâng lời mà một số bậc cha mẹ gặp phải là mối quan hệ của họ với người con bị khai trừ. Hãy xem trường hợp của một người mẹ có con gái bị khai trừ và đã rời khỏi nhà. Chị thừa nhận: “Tôi tìm kẽ hở trong các ấn phẩm để có thể dành thời gian cho con gái và cháu ngoại”. Chị nói thêm: “Nhưng chồng tôi nhân từ giúp tôi hiểu rằng hiện giờ việc sửa dạy con đã nằm trong tay Đức Giê-hô-va, và chúng tôi không được can thiệp”.

13 Vài năm sau, con gái của họ được nhận lại. Người mẹ kể: “Bây giờ hầu như mỗi ngày con gái tôi đều gọi điện và nhắn tin cho tôi! Cháu tôn trọng cha mẹ sâu xa vì biết rằng chúng tôi đã vâng lời Đức Chúa Trời. Chúng tôi có mối quan hệ khăng khít với con gái”. Nếu có con bị khai trừ, anh chị sẽ “hết lòng tin cậy Đức Giê-hô-va” thay vì “dựa vào sự hiểu biết của riêng mình” không? (Châm 3:5, 6). Hãy nhớ rằng sự sửa dạy của Đức Giê-hô-va phản ánh tình yêu thương bao la và sự khôn ngoan tột bậc của ngài. Đừng bao giờ quên rằng ngài đã ban Con của ngài cho mọi người, kể cả con anh chị. Đức Chúa Trời không muốn bất cứ ai bị hủy diệt. (Đọc 2 Phi-e-rơ 3:9). Vì thế, hãy tin cậy nơi sự sửa dạy và hướng dẫn của Đức Giê-hô-va. Hãy làm thế ngay cả khi việc vâng lời ngài khiến anh chị đau lòng. Hãy hợp tác, chứ đừng chống lại sự sửa dạy của Đức Chúa Trời.

TRONG HỘI THÁNH

14. Làm thế nào chúng ta nhận được lợi ích từ sự hướng dẫn mà Đức Giê-hô-va cung cấp qua “quản gia trung tín”?

14 Đức Giê-hô-va hứa sẽ chăm sóc, bảo vệ và hướng dẫn hội thánh đạo Đấng Ki-tô. Ngài làm thế qua nhiều cách. Chẳng hạn, ngài giao hội thánh cho Con ngài chăm sóc, và Chúa Giê-su đã bổ nhiệm “quản gia trung tín” để cung cấp thức ăn thiêng liêng đúng giờ (Lu 12:42). Thức ăn thiêng liêng được cung cấp qua nhiều cách khác nhau và mang lại sự hướng dẫn, hay sửa dạy, rất quý báu. Đã bao giờ anh chị được thúc đẩy bởi một bài giảng hoặc một bài trong tạp chí để điều chỉnh suy nghĩ hay hạnh kiểm chưa? Nếu có thì rất tốt, vì điều đó cho thấy anh chị đang để Đức Giê-hô-va uốn nắn, hay sửa dạy, hầu nhận được lợi ích.—Châm 2:1-5.

15, 16. (a) Làm thế nào chúng ta nhận được lợi ích từ “món quà là những con người”? (b) Bằng cách nào chúng ta giúp các trưởng lão gia tăng niềm vui khi thi hành nhiệm vụ?

15 Đấng Ki-tô cũng ban cho hội thánh “món quà là những con người”, tức các trưởng lão, để chăn bầy của Đức Chúa Trời (Ê-phê 4:8, 11-13). Làm thế nào chúng ta nhận được lợi ích từ món quà quý giá ấy? Một cách là noi theo đức tin và gương tốt của các trưởng lão. Cách khác là làm theo lời khuyên của họ dựa trên Kinh Thánh. (Đọc Hê-bơ-rơ 13:7, 17). Hãy nhớ rằng các trưởng lão yêu mến chúng ta và muốn chúng ta tiến bộ về thiêng liêng. Chẳng hạn, nếu thấy chúng ta vắng mặt ở nhóm họp hoặc giảm lòng sốt sắng, hẳn họ sẽ nhanh chóng giúp đỡ. Họ sẽ lắng nghe và cố gắng củng cố chúng ta bằng những lời khích lệ ấm lòng và lời khuyên thích hợp dựa trên Kinh Thánh. Anh chị có xem sự giúp đỡ đó là biểu hiện của tình yêu thương mà Đức Giê-hô-va dành cho mình không?

16 Hãy nhớ rằng không phải lúc nào cũng dễ cho các trưởng lão để đưa ra lời khuyên. Chẳng hạn, hãy hình dung việc nhà tiên tri Na-than nói chuyện với Đa-vít sau khi vua cố che đậy tội trọng của mình hẳn khó đến mức nào (2 Sa 12:1-14). Tương tự, hẳn sứ đồ Phao-lô đã thu hết can đảm để chỉnh sửa Phi-e-rơ, một trong 12 sứ đồ, khi ông dành sự ưu ái cho anh em gốc Do Thái (Ga 2:11-14). Vậy, chúng ta có thể làm gì để giúp giảm bớt gánh nặng của các trưởng lão? Hãy khiêm nhường, dễ gần và tỏ ra biết ơn. Hãy xem sự giúp đỡ của họ là biểu hiện của tình yêu thương Đức Chúa Trời dành cho anh chị. Làm thế không chỉ mang lại lợi ích cho anh chị mà còn giúp các trưởng lão gia tăng niềm vui khi thi hành nhiệm vụ.

17. Một chị được lợi ích ra sao từ sự giúp đỡ yêu thương của các trưởng lão?

17 Một chị cảm thấy khó yêu thương Đức Giê-hô-va vì những điều đã trải qua trong quá khứ. Chị nói: “Khi lỗi lầm trước kia và những vấn đề khác đè nặng và khiến tôi kiệt sức, tôi biết mình phải đến gặp các trưởng lão. Họ không trách móc hay chỉ trích tôi, nhưng khuyến khích và làm tôi vững mạnh. Sau mỗi buổi nhóm họp, dù bận rộn thế nào thì ít nhất một trưởng lão cũng hỏi thăm tôi. Vì lỗi lầm trong quá khứ nên tôi cảm thấy mình không xứng đáng với tình yêu thương của Đức Chúa Trời. Tuy nhiên, hết lần này đến lần khác, Đức Giê-hô-va dùng hội thánh và các trưởng lão để khẳng định rằng ngài yêu thương tôi. Tôi khẩn xin để không bao giờ rời bỏ ngài”.

ĐIỀU GÌ TỒI TỆ HƠN NỖI ĐAU ĐẾN TỪ SỰ SỬA DẠY?

18, 19. Điều gì tồi tệ hơn nỗi đau đến từ sự sửa dạy? Hãy nêu ví dụ.

18 Dù sự sửa dạy có thể gây ra đau đớn, nhưng có một điều còn tồi tệ hơn, đó là hậu quả tai hại của việc bác bỏ sự sửa dạy (Hê 12:11). Hãy xem trường hợp của Ca-in và vua Xê-đê-kia. Khi Ca-in nuôi dưỡng lòng căm ghét đối với A-bên, Đức Chúa Trời đã khuyên nhủ Ca-in: “Vì sao con giận và sầm nét mặt? Nếu trở lại làm điều lành, lẽ nào con không được lại ơn sao? Nhưng nếu con không trở lại làm điều lành thì tội lỗi rình rập trước cửa và thèm khống chế con lắm, nhưng con phải chế ngự nó” (Sáng 4:6, 7). Ca-in không nghe theo, và tội lỗi đã lấn át ông. Ca-in tự chuốc lấy nỗi đau không cần thiết! (Sáng 4:11, 12). Nếu lắng nghe Đức Chúa Trời thì ông đã không phải gánh chịu nỗi đau như thế.

19 Xê-đê-kia là vua nhu nhược và gian ác, cai trị trong thời kỳ đen tối của Giê-ru-sa-lem. Nhà tiên tri Giê-rê-mi đã nhiều lần khuyên Xê-đê-kia từ bỏ đường lối xấu nhưng vua bác bỏ sự sửa dạy. Xê-đê-kia cũng phải lãnh kết cục bi thảm (Giê 52:8-11). Đức Giê-hô-va muốn chúng ta tránh được nỗi đau không cần thiết!—Đọc Ê-sai 48:17, 18.

20. Tương lai nào đón đợi những người chấp nhận sự sửa dạy của Đức Chúa Trời và những người bác bỏ sự sửa dạy ấy?

20 Trong thế gian, người ta thường không xem trọng sự sửa dạy, kể cả việc kỷ luật bản thân. Nhưng thái độ dại dột ấy sẽ sớm dẫn đến hậu quả đau lòng (Châm 1:24-31). Vì thế, chúng ta “hãy nghe sự sửa dạy và trở nên khôn ngoan”. Châm ngôn 4:13 nói: “Hãy nắm chặt sự sửa dạy, chớ có buông ra. Hãy gìn giữ nó vì là sự sống của con”.