Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

Hỡi các bạn trẻ, hãy tập trung vào mục tiêu thiêng liêng!

Hỡi các bạn trẻ, hãy tập trung vào mục tiêu thiêng liêng!

“Hãy phó mọi việc mình cho Đức Giê-hô-va, thì các kế hoạch mình ắt sẽ được thành công”.—CHÂM 16:3.

BÀI HÁT: 135, 144

1-3. (a) Tất cả người trẻ đối mặt với thử thách nào? Hãy minh họa. (Xem hình nơi đầu bài). (b) Cách tốt nhất để tín đồ trẻ có thể đối phó với thử thách ấy là gì?

Giả sử bạn định đến một thị trấn xa xôi vì có việc quan trọng. Để đến nơi đó, bạn phải di chuyển một chặng đường dài bằng xe khách. Tại bến xe, bạn cảm thấy choáng ngợp trước quá nhiều hành khách và xe cộ. Thật tốt là bạn có mục tiêu rõ ràng trong đầu, đó là tìm đúng chiếc xe chạy về thị trấn mà mình định đến! Nếu lên một chiếc xe chạy đến nơi khác thì có nghĩa là bạn sẽ đi sai đường.

2 Ngày nay, người trẻ có thể được ví như những hành khách. Họ có một chặng đường dài trong đời sống. Đôi khi người trẻ có thể cảm thấy choáng ngợp trước quá nhiều cơ hội và lựa chọn. Các bạn có thể dễ đưa ra quyết định hơn nếu biết rõ đích mà mình muốn hướng tới trong đời sống. Vậy các bạn nên hướng đến đích nào?

3 Bài này sẽ trả lời câu hỏi đó và khích lệ người trẻ tập trung vào việc làm hài lòng Đức Giê-hô-va. Điều này có nghĩa là để ngài hướng dẫn trong mọi khía cạnh của đời sống, chẳng hạn như học vấn, công việc, gia đình, v.v. Tập trung vào việc làm hài lòng Đức Giê-hô-va cũng có nghĩa là vươn tới các mục tiêu thiêng liêng. Những người trẻ tập trung vào việc phụng sự Đức Giê-hô-va có thể tin chắc rằng ngài sẽ ban phước để giúp họ thành công trong đời sống.—Đọc Châm ngôn 16:3.

TẠI SAO CẦN ĐẶT MỤC TIÊU THIÊNG LIÊNG?

4. Chúng ta sẽ xem xét điều gì trong bài này?

4 Đặt mục tiêu thiêng liêng ngay từ khi còn trẻ là điều khôn ngoan. Tại sao? Chúng ta sẽ xem xét ba lý do. Hai lý do đầu cho thấy việc vươn tới những mục tiêu thiêng liêng giúp củng cố mối quan hệ của một người với Đức Giê-hô-va. Lý do thứ ba cho thấy lợi ích của việc vươn tới các mục tiêu thiêng liêng ngay từ khi còn trẻ.

5. Lý do chính để đặt mục tiêu thiêng liêng là gì?

5 Lý do chính để đặt mục tiêu thiêng liêng là chúng ta muốn thể hiện lòng biết ơn với Đức Giê-hô-va vì tình yêu thương của ngài và những điều ngài đã làm cho chúng ta. Người viết Thi thiên cho biết: “Tốt thay được cảm tạ Đức Giê-hô-va... Lạy Đức Giê-hô-va, ngài khiến con hớn hở bởi bao việc ngài làm; con reo vui mừng rỡ bởi công việc tay ngài” (Thi 92:1, 4). Một người trẻ nên nghĩ đến những điều Đức Giê-hô-va ban cho mình: sự sống, đức tin, Kinh Thánh, hội thánh và hy vọng tuyệt vời về tương lai. Ưu tiên cho những điều thiêng liêng là cách để thể hiện lòng biết ơn về những ân phước này, và điều ấy giúp bạn đến gần Đức Giê-hô-va hơn.

6. (a) Mục tiêu thiêng liêng ảnh hưởng thế nào đến mối quan hệ của chúng ta với Đức Giê-hô-va? (b) Một người có thể đặt mục tiêu thiêng liêng nào ngay từ khi còn trẻ?

6 Lý do thứ hai là khi vươn tới mục tiêu thiêng liêng, bạn đang bắt đầu quá trình tạo dựng danh tiếng tốt trước mắt Đức Giê-hô-va qua các việc tốt lành. Điều này giúp bạn đến gần ngài hơn. Sứ đồ Phao-lô cho biết: “Đức Chúa Trời chẳng phải là không công chính mà quên công việc và tình yêu thương anh em đã thể hiện đối với danh ngài” (Hê 6:10). Không bao giờ là quá trẻ để đặt mục tiêu thiêng liêng. Khi lên 10 tuổi, chị Christine đặt mục tiêu là đều đặn đọc tự truyện của những Nhân Chứng trung thành. Lúc 12 tuổi, anh Toby đặt mục tiêu đọc xong toàn bộ Kinh Thánh trước khi báp-têm. Anh Maxim báp-têm lúc 11 tuổi và em gái là Noemi báp-têm khi lên 10, rồi cả hai bắt đầu vươn tới mục tiêu phụng sự tại Bê-tên. Để giữ sự tập trung, họ dán một đơn xin phụng sự tại Bê-tên lên tường nhà. Hỡi các bạn trẻ, hãy xem mình muốn đặt những mục tiêu thiêng liêng nào và rồi nỗ lực vươn tới các mục tiêu đó.—Đọc Phi-líp 1:10, 11.

7, 8. (a) Việc đặt mục tiêu thiêng liêng có thể giúp chúng ta dễ đưa ra quyết định hơn như thế nào? (b) Tại sao một chị trẻ quyết định không học lên cao?

7 Lý do thứ ba để đặt mục tiêu thiêng liêng ngay từ khi còn trẻ là vì điều này ảnh hưởng đến việc đưa ra quyết định. Người trẻ phải quyết định về học vấn, công việc và những vấn đề khác. Việc đưa ra quyết định giống như chọn đúng đường khi đến ngã tư. Miễn là bạn biết nơi mình muốn đến thì việc chọn đi tiếp đường nào sẽ không thành vấn đề. Tương tự, nếu biết mục tiêu của mình là gì thì bạn sẽ dễ đưa ra quyết định đúng. Châm ngôn 21:5 cho biết: “Kế hoạch người cần mẫn hẳn dẫn tới thành công”. Càng sớm lên kế hoạch bằng cách đặt các mục tiêu tốt thì bạn càng sớm thành công. Đó là điều mà chị Damaris cảm nghiệm khi đứng trước một quyết định quan trọng ở tuổi thanh thiếu niên.

8 Chị Damaris tốt nghiệp trung học với điểm số rất cao. Chị có thể nhận học bổng để theo học ngành luật tại trường đại học. Nhưng chị đã chọn một công việc không đòi hỏi bằng cấp. Tại sao? Chị cho biết: “Ngay từ nhỏ, tôi đặt mục tiêu làm tiên phong. Thế nên, tôi cần một công việc bán thời gian. Nếu có tấm bằng đại học trong ngành luật, tôi có thể kiếm nhiều tiền, nhưng khi đó sẽ khó tìm một công việc bán thời gian”. Đến nay, chị Damaris làm tiên phong được 20 năm. Chị có cảm thấy mình đã đặt mục tiêu khôn ngoan và quyết định đúng ngay từ khi còn trẻ không? Chị Damaris chia sẻ: “Ở chỗ làm, tôi tiếp xúc nhiều với các luật sư. Nếu theo học ngành luật thì bây giờ tôi sẽ làm công việc giống như họ. Tuy nhiên, nhiều người trong số họ thất vọng với công việc của mình. Việc quyết định làm tiên phong đã giúp tôi tránh sự thất vọng như thế, đồng thời cho tôi cơ hội phụng sự Đức Giê-hô-va một cách vui mừng trong nhiều năm”.

9. Tại sao người trẻ trong hội thánh xứng đáng nhận được lời khen chân thành?

9 Hàng ngàn người trẻ trong các hội thánh trên khắp thế giới xứng đáng nhận được lời khen chân thành. Họ nương cậy Đức Giê-hô-va và tập trung vào mục tiêu thiêng liêng. Những người trẻ này vui hưởng đời sống, đồng thời học cách vâng theo sự hướng dẫn của Đức Giê-hô-va trong mọi khía cạnh, kể cả học vấn, công việc và đời sống gia đình. Sa-lô-môn viết: “Hãy hết lòng tin cậy Đức Giê-hô-va... Trong mọi đường con, hãy nhận biết ngài thì ngài sẽ san bằng các lối con” (Châm 3:5, 6). Người trẻ trong hội thánh thật quý giá trước mắt Đức Giê-hô-va, là đấng hướng dẫn, bảo vệ, ban phước và tha thiết yêu thương họ.

CHUẨN BỊ KỸ ĐỂ LÀM CHỨNG

10. (a) Tại sao chúng ta cần ưu tiên cho thánh chức? (b) Làm thế nào để trở nên hữu hiệu trong thánh chức?

10 Một người trẻ tập trung vào việc làm hài lòng Đức Giê-hô-va thì sẽ đặc biệt chú tâm đến thánh chức. Chúa Giê-su nhấn mạnh: “Trước hết, tin mừng phải được rao truyền” (Mác 13:10). Vì công việc rao giảng là cấp bách nên cần được ưu tiên. Bạn có thể đặt mục tiêu tham gia thánh chức nhiều hơn không? Bạn có thể làm tiên phong không? Nhưng nói sao nếu bạn không có niềm vui trong thánh chức? Làm thế nào để rao giảng hữu hiệu hơn? Có hai điều sẽ giúp bạn, đó là chuẩn bị kỹ và không bỏ cuộc trong việc chia sẻ điều mình biết với người khác. Nếu làm vậy, rất có thể bạn sẽ ngạc nhiên khi tìm được nhiều niềm vui trong công việc rao giảng.

Bạn chuẩn bị để làm chứng như thế nào? (Xem đoạn 11, 12)

11, 12. (a) Người trẻ có thể làm gì để chuẩn bị làm chứng? (b) Một em trẻ đã tận dụng cơ hội để làm chứng ở trường như thế nào?

11 Bạn có thể bắt đầu bằng việc tìm lời giải đáp cho câu hỏi mà các bạn học thường nêu lên, chẳng hạn: “Tại sao bạn tin có Đức Chúa Trời?”. Trang web jw.org có nhiều bài được thiết kế để giúp người trẻ tự tìm lời giải đáp cho câu hỏi đó. Hãy vào mục KINH THÁNH GIÚP BẠN > THANH THIẾU NIÊN. Trong mục này, bạn sẽ tìm thấy phiếu thực tập có tựa đề “Tại sao mình tin có Đức Chúa Trời?”. Phiếu thực tập này giúp bạn chuẩn bị câu trả lời riêng, đồng thời liệt kê ba câu Kinh Thánh mà bạn có thể dùng để giải thích niềm tin của mình, đó là Hê-bơ-rơ 3:4, Rô-ma 1:20 và Thi thiên 139:14. Khi dùng những phiếu thực tập như thế, bạn có thể chuẩn bị lời giải đáp cho nhiều thắc mắc.—Đọc 1 Phi-e-rơ 3:15.

12 Khi có cơ hội, hãy khuyến khích các bạn ở trường truy cập trang web jw.org. Em Luca đã làm vậy. Khi cả lớp thảo luận về các tôn giáo khác nhau, em nhận thấy sách giáo khoa có một số thông tin không chính xác về Nhân Chứng Giê-hô-va. Dù lúc đầu hơi lưỡng lự, nhưng em Luca đã xin phép giáo viên để nói lên thông tin chính xác. Em không chỉ giải thích niềm tin của mình mà còn cho cả lớp xem trang web của tổ chức. Cuối cùng, giáo viên giao bài tập về nhà cho cả lớp là xem hoạt hình trên bảng trắng có tựa đề Đánh bại kẻ bắt nạt mà không dùng nắm đấm. Em Luca rất vui vì đã làm chứng hữu hiệu.

13. Tại sao chúng ta không nên bỏ cuộc khi gặp khó khăn?

13 Đừng nản lòng dù đôi lúc con đường mình đi có trở ngại (2 Ti 4:2). Khi gặp khó khăn, hãy bám chặt mục tiêu của mình. Lúc 17 tuổi, chị Katharina đặt mục tiêu làm chứng cho mỗi đồng nghiệp ở sở làm. Dù một đồng nghiệp vài lần lăng mạ nhưng chị đã không thoái lui. Hạnh kiểm tốt của chị Katharina khi đối mặt với khó khăn khiến một đồng nghiệp khác tên Hans ấn tượng. Kết quả là anh này đọc các ấn phẩm của tổ chức, học Kinh Thánh và báp-têm. Vì đã chuyển việc nên chị Katharina không biết được điều đó. Mười ba năm sau, trong buổi nhóm họp mà chị Katharina và gia đình tham dự, anh Hans được giới thiệu là diễn giả khách. Hãy tưởng tượng chị cảm thấy vui mừng thế nào! Thật tốt là chị Katharina đã không từ bỏ mục tiêu làm chứng cho đồng nghiệp!

ĐỪNG BỊ PHÂN TÂM

14, 15. (a) Khi gặp áp lực, người trẻ cần quyết tâm làm gì? (b) Người trẻ có thể đương đầu với áp lực bạn bè như thế nào?

14 Bài này đã khuyến khích bạn quyết tâm tập trung vào việc phụng sự Đức Giê-hô-va. Điều này có nghĩa là để mục tiêu thiêng liêng làm trọng tâm trong đời sống. Có lẽ những người trẻ cùng trang lứa chỉ chú tâm đến đời sống hưởng thụ và sẽ khuyến khích bạn sống như vậy. Tuy nhiên, không sớm thì muộn, bạn cần cho thấy mình kiên định với những gì đã chọn. Đừng để áp lực bạn bè khiến mình bị phân tâm. Hãy nghĩ đến minh họa về chiếc xe khách ở đầu bài. Chắc chắn là bạn sẽ không lên một chiếc xe khách chạy đến bất cứ nơi nào đơn giản chỉ vì bầu không khí trên xe đó dường như rất vui vẻ.

15 Có một số cách để đương đầu với áp lực bạn bè. Chẳng hạn, hãy tránh những tình huống gây cám dỗ (Châm 22:3). Hãy tự nhắc mình về hậu quả tai hại của việc hùa theo bạn bè để làm điều sai trái (Ga 6:7). Một cách khác cũng hữu ích là ý thức rằng mình cần lời khuyên. Sự khiêm nhường sẽ giúp bạn cởi mở trước đề nghị của cha mẹ và những anh chị thành thục trong hội thánh.—Đọc 1 Phi-e-rơ 5:5, 6.

16. Hãy kể một kinh nghiệm cho thấy lợi ích của sự khiêm nhường.

16 Sự khiêm nhường thúc đẩy một bạn trẻ tên Christoph chấp nhận lời khuyên hữu ích. Không lâu sau khi báp-têm, Christoph bắt đầu tập luyện tại một trung tâm thể hình. Những người trẻ khác ở đây mời em tham gia câu lạc bộ thể thao của họ. Vì thế, em nói chuyện với một trưởng lão về vấn đề này. Anh trưởng lão khuyên em trước khi quyết định, hãy nghĩ đến những mối nguy hiểm, chẳng hạn như bị nhiễm tinh thần cạnh tranh. Dù vậy, Christoph vẫn tham gia vào câu lạc bộ này. Cuối cùng, em nhận thấy môn thể thao đó mang tính bạo lực và thậm chí còn nguy hiểm. Do vậy, một lần nữa, em nói chuyện với các trưởng lão về vấn đề này và nhận được lời khuyên dựa trên Kinh Thánh. Christoph cho biết: “Đức Giê-hô-va đã ban cho em những cố vấn hữu ích và em lắng nghe ngài, dù phải mất một thời gian”. Bạn có khiêm nhường chấp nhận lời khuyên khôn ngoan không?

17, 18. (a) Đức Giê-hô-va muốn điều gì cho người trẻ ngày nay? (b) Một người có thể đối mặt với tình huống đáng buồn nào khi trưởng thành, và làm thế nào để tránh được điều đó? Hãy nêu ví dụ.

17 Kinh Thánh nói: “Hỡi người trẻ, hãy vui mừng trong tuổi trẻ, lòng con hãy hớn hở trong thời thanh xuân” (Truyền 11:9). Đúng vậy, Đức Giê-hô-va muốn người trẻ có lòng đầy vui mừng. Bài này đã nhấn mạnh một cách để có sự vui mừng như thế. Đó là tập trung vào mục tiêu thiêng liêng và theo sát sự hướng dẫn của Đức Giê-hô-va trong mọi kế hoạch của mình. Càng sớm bắt đầu làm thế, bạn sẽ càng mau chóng cảm nghiệm được sự hướng dẫn, che chở và ân phước của Đức Giê-hô-va. Hãy nghĩ về những lời khuyên khôn ngoan trong Kinh Thánh và khắc ghi câu sau: “Hãy nhớ đến Đấng Tạo Hóa Vĩ Đại của con trong thời thanh xuân”.—Truyền 12:1.

18 Thời thanh xuân trôi qua nhanh chóng. Chẳng bao lâu người trẻ sẽ trưởng thành. Đáng buồn là nhiều người trưởng thành phải hối tiếc vì đã theo đuổi sai mục tiêu hoặc không đặt mục tiêu gì khi còn trẻ. Nhưng những người trẻ đang tập trung vào mục tiêu thiêng liêng thì khi trưởng thành sẽ cảm thấy thỏa lòng sâu xa về lựa chọn của mình. Chị Mirjana đã cảm nghiệm được điều này. Ở tuổi thanh thiếu niên, chị chơi thể thao rất giỏi nên được mời tham dự Thế vận hội mùa đông. Tuy nhiên, chị đã quyết định theo đuổi thánh chức trọn thời gian. Hơn 30 năm sau, chị Mirjana vẫn đang phụng sự trọn thời gian cùng chồng. Chị cho biết: “Danh vọng, quyền lực và sự giàu sang sẽ chóng qua đi và là những mục tiêu tầm thường trong đời sống. Trong khi đó, việc phụng sự Đức Chúa Trời và cố gắng giúp người khác về thiêng liêng là những mục tiêu cao cả và lâu dài”.

19. Tại sao việc tập trung vào mục tiêu thiêng liêng ngay từ khi còn trẻ là điều hữu ích?

19 Người trẻ trong hội thánh xứng đáng nhận lời khen chân thành vì cách họ đối phó với những thử thách. Họ cũng đáng khen vì đã đặt việc phụng sự Đức Giê-hô-va làm trọng tâm trong đời sống. Người trẻ làm điều này bằng cách vươn tới mục tiêu thiêng liêng và ưu tiên cho việc rao giảng. Ngoài ra, họ quyết tâm không để thế gian này khiến mình bị phân tâm. Người trẻ có thể tin chắc rằng công khó của họ không phải là vô ích. Họ có sự hỗ trợ yêu thương của anh em đồng đạo. Khi nương cậy Đức Giê-hô-va, họ sẽ thành công trong các kế hoạch của mình.