Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

Hãy khích lệ nhau “nhiều hơn nữa”

Hãy khích lệ nhau “nhiều hơn nữa”

“Hãy quan tâm đến nhau..., khuyến khích nhau, và khi thấy ngày ấy gần kề thì càng phải làm như thế nhiều hơn nữa”.—HÊ 10:24, 25.

BÀI HÁT: 90, 87

1. Tại sao sứ đồ Phao-lô khuyến khích tín đồ người Hê-bơ-rơ khích lệ lẫn nhau “nhiều hơn nữa”?

Tại sao chúng ta cần nỗ lực khích lệ người khác nhiều hơn nữa? Trong thư gửi tín đồ người Hê-bơ-rơ, sứ đồ Phao-lô cho chúng ta biết lý do. Ông nói: “Hãy quan tâm đến nhau để khuyến giục nhau biểu lộ tình yêu thương và làm việc lành, chớ bỏ việc nhóm họp với nhau như một số người quen làm, nhưng hãy khuyến khích nhau, và khi thấy ngày ấy gần kề thì càng phải làm như thế nhiều hơn nữa” (Hê 10:24, 25). Chỉ trong vòng 5 năm, tín đồ người Do Thái sống ở Giê-ru-sa-lem đã chứng kiến ‘ngày của Đức Giê-hô-va’ đến gần và nhận ra dấu hiệu mà Chúa Giê-su đã báo trước để giúp họ chạy thoát khỏi thành này (Công 2:19, 20; Lu 21:20-22). Ngày của Đức Giê-hô-va đến vào năm 70 CN khi quân La Mã thi hành sự phán xét của ngài đối với Giê-ru-sa-lem.

2. Tại sao ngày nay chúng ta nên quan tâm đến việc khích lệ lẫn nhau nhiều hơn nữa?

2 Ngày nay, chúng ta có mọi lý do để tin rằng “ngày lớn và đáng sợ của Đức Giê-hô-va” đang gần kề (Giô-ên 2:11). Nhà tiên tri Xô-phô-ni nói: “Ngày lớn của Đức Giê-hô-va gần kề! Ngày ấy gần kề và đến thật mau!” (Xô 1:14). Lời cảnh báo mang tính tiên tri này cũng áp dụng cho thời nay. Vì ngày của Đức Giê-hô-va sắp đến nên Phao-lô khuyên: “Hãy quan tâm đến nhau để khuyến giục nhau biểu lộ tình yêu thương và làm việc lành” (Hê 10:24). Chúng ta càng nên quan tâm nhiều hơn nữa đến anh em đồng đạo để có thể khích lệ họ khi cần.

AI CẦN SỰ KHÍCH LỆ?

3. Sứ đồ Phao-lô nói gì về sự khích lệ? (Xem hình nơi đầu bài).

3 Kinh Thánh nói: “Nỗi lo trong lòng khiến lòng nặng trĩu, nhưng một lời lành khiến lòng phấn chấn” (Châm 12:25). Điều này đúng với tất cả mọi người. Tất cả chúng ta đôi lúc cũng cần một lời khích lệ. Phao-lô cho thấy là ngay cả một người có trách nhiệm khích lệ người khác thì cũng cần được khích lệ. Trong thư gửi tín đồ ở Rô-ma, Phao-lô viết: “Tôi mong mỏi được gặp anh em để chia sẻ món quà thiêng liêng giúp anh em vững mạnh; hay để chúng ta khích lệ lẫn nhau bằng đức tin của mỗi người, tức là của anh em và của tôi” (Rô 1:11, 12). Đúng vậy, dù Phao-lô thường khích lệ người khác nhưng đôi khi chính ông cũng cần được khích lệ.—Đọc Rô-ma 15:30-32.

4, 5. Ngày nay chúng ta có thể khích lệ ai, và tại sao?

4 Những người có đời sống hy sinh đáng được khen, trong số đó có các tiên phong trung thành. Có những anh chị phải hy sinh rất nhiều để làm tiên phong. Các giáo sĩ, thành viên Bê-tên, anh chị làm việc tại văn phòng dịch thuật từ xa, giám thị vòng quanh và vợ họ cũng phải hy sinh rất nhiều. Tất cả những anh chị này phải hy sinh để có thể dành nhiều thời gian hơn cho việc phụng sự Đức Chúa Trời. Thế nên, chúng ta nên khích lệ họ. Một số anh chị từng phụng sự trọn thời gian không thể làm được nhiều như trước đây vì lý do khác nhau. Họ cũng quý trọng những lời khích lệ.

5 Các anh chị sống độc thân vì muốn vâng theo lời khuyên là chỉ kết hôn với “môn đồ của Chúa” cũng xứng đáng nhận sự khích lệ (1 Cô 7:39). Tương tự, người vợ siêng năng cũng quý trọng những lời khích lệ của chồng (Châm 31:28, 31). Những tín đồ giữ lòng trung thành dù đương đầu với sự chống đối hoặc bệnh tật cũng cần được khích lệ (2 Tê 1:3-5). Đức Giê-hô-va và Chúa Giê-su an ủi tất cả những tôi tớ trung thành này.—Đọc 2 Tê-sa-lô-ni-ca 2:16, 17.

CÁC TRƯỞNG LÃO CỐ GẮNG KHÍCH LỆ NGƯỜI KHÁC

6. Như được miêu tả nơi Ê-sai 32:1, 2, vai trò của các trưởng lão là gì?

6 Đọc Ê-sai 32:1, 2. Qua anh em được xức dầu của ngài và “các quan” thuộc chiên khác, Chúa Giê-su cung cấp sự khích lệ và hướng dẫn cho những người nản lòng. Điều này thật thích hợp vì các trưởng lão này không phải là “người cai trị” đức tin của người khác mà là “những cộng sự” mang lại niềm vui cho anh em đồng đạo.—2 Cô 1:24.

7, 8. Ngoài việc nói lời khích lệ, các trưởng lão có thể làm vững mạnh người khác như thế nào?

7 Sứ đồ Phao-lô nêu gương tốt để chúng ta noi theo. Ông viết cho những tín đồ bị bắt bớ ở Tê-sa-lô-ni-ca: “Vì yêu thương anh em tha thiết nên chúng tôi quyết tâm cho anh em không chỉ tin mừng của Đức Chúa Trời, mà cả mạng sống chúng tôi nữa, bởi anh em đã trở nên những người bạn rất yêu dấu của chúng tôi”.—1 Tê 2:8.

8 Để cho thấy chỉ nói lời khích lệ thì không phải lúc nào cũng đủ, Phao-lô khuyên các trưởng lão ở Ê-phê-sô: “Anh em phải... giúp đỡ những người yếu đuối, và anh em phải nhớ lời mà chính Chúa Giê-su đã nói: ‘Cho thì hạnh phúc hơn nhận’” (Công 20:35). Phao-lô không chỉ sẵn sàng khích lệ anh em đồng đạo mà còn “dành mọi sự và hy sinh tất cả” cho họ (2 Cô 12:15). Tương tự, các trưởng lão không chỉ khích lệ, an ủi anh em đồng đạo qua lời nói mà còn phải làm vững mạnh họ bằng cách thể hiện sự quan tâm chân thành.—1 Cô 14:3.

9. Làm thế nào các trưởng lão có thể cho lời khuyên một cách khích lệ?

9 Làm vững mạnh lẫn nhau cũng có thể bao gồm việc cho lời khuyên. Các trưởng lão cần noi theo gương trong Kinh Thánh về việc cho lời khuyên một cách khích lệ. Lời khuyên của Chúa Giê-su sau khi ngài được sống lại là ví dụ điển hình. Ngài đưa ra lời khuyên mạnh mẽ cho các hội thánh ở Tiểu Á. Nhưng trước khi cho lời khuyên, Chúa Giê-su đã chân thành khen các hội thánh ở Ê-phê-sô, Bẹt-găm và Thi-a-ti-rơ (Khải 2:1-5, 12, 13, 18, 19). Ngài nói với hội thánh ở Lao-đi-xê: “Người nào tôi yêu mến thì tôi khiển trách và sửa phạt. Vậy, hãy sốt sắng và ăn năn” (Khải 3:19). Các trưởng lão nên noi gương Chúa Giê-su khi cần cho lời khuyên.

KHÔNG PHẢI LÀ TRÁCH NHIỆM CỦA RIÊNG TRƯỞNG LÃO

Hỡi các bậc cha mẹ, anh chị có đang huấn luyện con cái trong việc khích lệ người khác không? (Xem đoạn 10)

10. Tất cả chúng ta có thể góp phần vào việc giúp nhau vững mạnh như thế nào?

10 Khích lệ người khác không phải là trách nhiệm của riêng các trưởng lão. Phao-lô khuyến giục tất cả các tín đồ “nói những lời tốt lành giúp vững mạnh theo nhu cầu, hầu mang lại lợi ích” (Ê-phê 4:29). Mỗi người chúng ta nên tinh ý quan sát để biết nhu cầu của người khác. Phao-lô khuyên các tín đồ người Hê-bơ-rơ: “Hãy làm cho tay bủn rủn và đầu gối yếu đuối nên mạnh mẽ, hãy luôn làm cho thẳng con đường dưới chân anh em, để chi thể thương tật không bị trật khớp, mà được chữa lành” (Hê 12:12, 13). Tất cả chúng ta, gồm người trẻ, có thể giúp nhau vững mạnh bằng lời khích lệ.

11. Chị Marthe đã được giúp đỡ như thế nào trong giai đoạn buồn nản?

11 Chị Marthe, * người đã trải qua giai đoạn buồn nản, kể lại: “Một ngày nọ, tôi cầu xin Đức Chúa Trời ban sự khích lệ. Sau đó, tôi gặp một chị lớn tuổi. Chị ấy đã thể hiện sự trìu mến và lòng trắc ẩn với tôi, là điều mà tôi đang rất cần. Chị cũng chia sẻ kinh nghiệm của mình khi đương đầu với thử thách giống như tôi, nhờ thế tôi cảm thấy bớt cô đơn”. Có lẽ chị lớn tuổi ấy đã không biết những lời của mình tác động tích cực ra sao đến chị Marthe.

12, 13. Bằng những cách nào chúng ta có thể áp dụng lời khuyên nơi Phi-líp 2:1-4?

12 Phao-lô đưa ra lời khuyên cho tất cả thành viên của hội thánh ở Phi-líp: “Nếu có sự khích lệ trong Đấng Ki-tô, nếu có sự an ủi bằng tình yêu thương, nếu có mối kết giao về thiêng liêng, nếu có sự trìu mến và lòng trắc ẩn thì hãy làm cho niềm vui của tôi được trọn vẹn bằng cách có cùng tư tưởng, cùng tình yêu thương, hoàn toàn hợp nhất và đồng tâm nhất trí với nhau. Đừng làm việc gì vì ưa tranh cãi hay vì tự cao, nhưng hãy khiêm nhường xem người khác cao hơn mình, đồng thời hãy quan tâm đến lợi ích của người khác, chứ không chỉ quan tâm đến lợi ích của riêng mình”.—Phi-líp 2:1-4.

13 Vậy, để khích lệ anh em đồng đạo, chúng ta nên an ủi họ bằng tình yêu thương, tỏ lòng quan tâm đến họ, đồng thời thể hiện sự trìu mến và lòng trắc ẩn.

NHỮNG NGUỒN KHÍCH LỆ

14. Điều gì có thể là nguồn khích lệ?

14 Thông tin về lòng trung thành của những người mà chúng ta từng giúp đỡ có thể là nguồn khích lệ thật sự. Đó là điều mà sứ đồ Giăng cảm nghiệm. Ông viết: “Không có gì khiến tôi vui mừng hơn là nghe rằng con cái tôi tiếp tục bước theo chân lý” (3 Giăng 4). Nhiều tiên phong được khích lệ khi biết những người mà họ từng giúp để bước theo chân lý vẫn trung thành, và thậm chí đang làm tiên phong. Việc nhắc lại những gì họ đã làm để giúp người khác có thể là nguồn khích lệ thật sự đối với một tiên phong đang nản lòng.

15. Chúng ta có thể khích lệ những người trung thành phụng sự bằng cách nào?

15 Nhiều giám thị vòng quanh cho biết vợ chồng họ cảm thấy khích lệ ra sao sau khi nhận được vài dòng thể hiện lòng biết ơn vì họ đã viếng thăm hội thánh. Các trưởng lão, giáo sĩ, tiên phong và thành viên Bê-tên cũng cảm thấy khích lệ khi người khác thể hiện lòng quý trọng đối với việc họ trung thành phụng sự.

TẤT CẢ CHÚNG TA CÓ THỂ KHÍCH LỆ NGƯỜI KHÁC

16. Để khích lệ người khác có lẽ chúng ta chỉ cần làm gì?

16 Thật sai sót nếu cho rằng chúng ta không thể khích lệ người khác vì không khéo ăn nói. Việc trở thành nguồn khích lệ không đòi hỏi quá nhiều, có lẽ chỉ cần một nụ cười nồng ấm để chào người khác. Nếu không đáp lại thì có thể người ấy đang gặp vấn đề gì đó. Trong trường hợp này, chỉ cần lắng nghe cũng có thể đem lại sự an ủi cho người ấy.—Gia 1:19.

17. Một anh trẻ được giúp đỡ ra sao trong thời gian đau buồn?

17 Một anh trẻ tên Henri rất đau lòng khi thân nhân của anh, kể cả người cha từng là trưởng lão, đã từ bỏ chân lý. Giám thị vòng quanh đã mời anh Henri đi uống cà phê và lắng nghe anh tâm sự. Nhờ đó, anh được khích lệ. Anh Henri nhận ra rằng cách duy nhất để giúp gia đình trở về với Đức Giê-hô-va là chính mình phải tiếp tục trung thành. Anh được an ủi rất nhiều khi đọc Thi thiên 46, Xô-phô-ni 3:17 và Mác 10:29, 30.

Tất cả chúng ta có thể khích lệ và giúp nhau vững mạnh (Xem đoạn 18)

18. (a) Vua Sa-lô-môn nêu ra nhận xét nào? (b) Sứ đồ Phao-lô đưa ra đề nghị nào?

18 Gương của chị Marthe và anh Henri cho thấy chúng ta có thể khích lệ những anh chị đang cần sự an ủi. Vua Sa-lô-môn viết: “Lời nói đúng lúc thật tốt biết bao! Ánh nhìn vui vẻ khiến lòng phấn khởi, tin tốt lành làm xương khỏe mạnh” (Châm 15:23, 30, chú thích). Ngoài ra, việc đọc cho người buồn nản nghe một điểm hay trong Tháp Canh hoặc trên trang web của chúng ta có thể giúp người ấy được thêm sức. Phao-lô cho thấy việc cùng nhau hát bài ca Nước Trời có thể là nguồn khích lệ. Ông cho biết: “Hãy tiếp tục dạy dỗ, khích lệ nhau bằng những bài thơ thánh, lời chúc tụng Đức Chúa Trời và những bài thánh ca được hát với lòng biết ơn; hãy hát cho Đức Giê-hô-va với cả tấm lòng”.—Cô 3:16; Công 16:25.

19. Tại sao việc khích lệ lẫn nhau càng trở nên quan trọng, và chúng ta nên làm gì?

19 Việc khích lệ lẫn nhau càng trở nên quan trọng hơn khi ngày của Đức Giê-hô-va càng “gần kề” (Hê 10:25). Vì thế, chúng ta nên cố gắng làm theo điều Phao-lô nói: “Hãy tiếp tục khích lệ nhau và giúp nhau vững mạnh, như anh em hiện đang làm”.—1 Tê 5:11.

^ đ. 11 Các tên đã được thay đổi.