Hãy noi gương Đức Giê-hô-va, đấng ban sự khích lệ
“Chúc tụng Đức Chúa Trời... Ngài khích lệ chúng ta trong mọi thử thách”.—2 CÔ 1:3, 4, chú thích.
1. Đức Giê-hô-va đưa ra sự khích lệ nào ngay sau cuộc phản nghịch trong vườn Ê-đen?
Từ khi nhân loại rơi vào vòng tội lỗi và sự bất toàn, Đức Giê-hô-va đã chứng tỏ ngài là đấng ban sự khích lệ. Ngay sau cuộc phản nghịch trong vườn Ê-đen, ngài đã cho con cháu tương lai của A-đam lý do để hy vọng. Việc hiểu lời hứa nơi Sáng thế 3:15 sẽ mang lại hy vọng cho nhân loại, đó là cuối cùng “con rắn xưa kia”, tức là Sa-tan Ác Quỷ, cùng tất cả các việc làm xấu xa của hắn sẽ bị hủy diệt.—Khải 12:9; 1 Giăng 3:8.
ĐỨC GIÊ-HÔ-VA KHÍCH LỆ TÔI TỚ THỜI XƯA
2. Đức Giê-hô-va đã khích lệ Nô-ê như thế nào?
2 Tôi tớ của Đức Giê-hô-va là Nô-ê sống trong một thế gian không tin kính. Thời đó, chỉ có gia đình ông thờ phượng Đức Giê-hô-va. Khi sự hung bạo và vô luân lan tràn khắp nơi, Nô-ê có thể cảm thấy nản lòng (Sáng 6:4, 5, 11; ). Nhưng Đức Giê-hô-va đã cung cấp thông tin để giúp Nô-ê có sự can đảm cần thiết hầu tiếp tục nỗ lực ‘đồng đi với ngài’ ( Giu 6Sáng 6:9). Đức Giê-hô-va nói với Nô-ê rằng ngài sẽ kết liễu thế gian gian ác ấy, đồng thời ngài cũng chỉ dẫn ông phải làm gì để gia đình được an toàn (Sáng 6:13-18). Đối với Nô-ê, Đức Giê-hô-va đã chứng tỏ ngài là đấng ban sự khích lệ.
3. Giô-suê nhận được sự khích lệ nào? (Xem hình nơi đầu bài).
3 Sau này, Giô-suê có một nhiệm vụ đầy thử thách là đưa dân Đức Chúa Trời vào Đất Hứa. Điều này bao gồm việc chinh phục những đội quân hùng mạnh của các nước đang sống trên lãnh thổ đó. Giô-suê có mọi lý do để lo sợ. Hiểu được điều này, Đức Giê-hô-va chỉ dẫn cho Môi-se trấn an Giô-suê. Đức Chúa Trời nói: “Hãy bổ nhiệm Giô-suê, khích lệ người và khiến người trở nên mạnh mẽ, vì người sẽ băng qua sông, đi trước dân chúng và khiến họ hưởng được xứ mà con sẽ thấy” (Phục 3:28). Trước khi Giô-suê hành động, Đức Giê-hô-va khích lệ ông: “Chẳng phải ta đã phán dặn con rồi sao? Hãy can đảm và mạnh mẽ! Đừng kinh hãi hay khiếp sợ, vì Giê-hô-va Đức Chúa Trời ở cùng con tại bất cứ nơi nào con đến” (Giô-suê 1:1, 9). Quả là một sự khích lệ ấm lòng!
4, 5. (a) Vào thời xưa, Đức Giê-hô-va khích lệ dân ngài như thế nào? (b) Đức Giê-hô-va đã khích lệ Con của ngài ra sao?
4 Đức Giê-hô-va cũng khích lệ dân ngài với tư cách là một tập thể. Qua những lời mang tính tiên tri, ngài an ủi dân Do Thái đang bị lưu đày ở Ba-by-lôn. Ngài nói: “Đừng sợ chi vì ta ở với con. Đừng lo gì vì ta là Đức Chúa Trời của con. Ta sẽ thêm sức cho con, phải, ta sẽ giúp đỡ; phải, ta sẽ giữ chặt con bằng tay hữu công chính của ta” (Ê-sai 41:10). Các tín đồ thời ban đầu và dân Đức Chúa Trời ngày nay cũng nhận được sự khích lệ tương tự.—Đọc 2 Cô-rinh-tô 1:3, 4.
5 Chúa Giê-su cũng nhận được sự khích lệ từ Cha ngài. Lúc báp-têm, Chúa Giê-su nghe thấy có tiếng phán từ trời: “Đây là Con yêu dấu của ta, người mà ta hài lòng” (Mat 3:17). Lời này chắc hẳn đã củng cố Chúa Giê-su trong thời gian thi hành thánh chức trên đất!
CHÚA GIÊ-SU KHÍCH LỆ NGƯỜI KHÁC
6. Dụ ngôn về ta-lâng khích lệ chúng ta như thế nào?
6 Chúa Giê-su noi gương Cha ngài. Chẳng hạn, ngài dùng dụ ngôn về ta-lâng để khích lệ các môn đồ giữ lòng trung thành. Trong dụ ngôn, người chủ khen mỗi đầy tớ trung thành: “Tốt lắm, đầy tớ trung tín và giỏi giang! Ngươi đã trung tín trong một số việc, ta sẽ giao cho ngươi phụ trách nhiều việc. Hãy chung vui với chủ ngươi” (Mat 25:21, 23). Quả là sự khích lệ mạnh mẽ để tiếp tục trung thành phụng sự Đức Giê-hô-va!
7. Chúa Giê-su đã khích lệ các sứ đồ và đặc biệt là Phi-e-rơ như thế nào?
7 Các sứ đồ nhiều lần tranh cãi xem ai lớn nhất trong vòng họ, nhưng Chúa Giê-su kiên nhẫn khuyến khích họ hạ mình xuống và trở thành đầy tớ chứ không phải là người chủ (Lu 22:24-26). Phi-e-rơ đã làm Chúa Giê-su thất vọng vài lần (Mat 16:21-23; 26:31-35, 75). Thay vì từ bỏ Phi-e-rơ, ngài đã khích lệ và thậm chí còn giao cho ông nhiệm vụ làm vững mạnh anh em đồng đạo.—Giăng 21:16.
SỰ KHÍCH LỆ VÀO THỜI XƯA
8. Ê-xê-chia đã khích lệ các tướng quân đội và dân Giu-đa như thế nào?
8 Ngay cả trước khi Chúa Giê-su xuống trái đất và nêu gương hoàn hảo về việc khích lệ, các tôi tớ trung thành của Đức Giê-hô-va đã ý thức là cần làm vững mạnh người khác. Khi bị dân A-si-ri đe dọa, Ê-xê-chia đã tập hợp các tướng quân đội và dân Giu-đa để khích lệ họ. Kinh Thánh nói: “Dân chúng được vững mạnh nhờ những lời của Ê-xê-chia”.—Đọc 2 Sử ký 32:6-8.
9. Sách Gióp dạy chúng ta điều gì về việc khích lệ người khác?
9 Dù bản thân cần được khích lệ, nhưng Gióp đã dạy cho ba “kẻ an ủi gây thêm đau khổ” bài học về việc khích lệ người khác. Gióp nói rằng nếu ở vị thế của họ thì ‘lời của miệng ông sẽ làm họ vững mạnh, lời an ủi trên môi ông sẽ mang lại khuây khỏa’ (Gióp 16:1-5). Cuối cùng, Gióp đã nhận được sự khích lệ từ Ê-li-hu và từ chính Đức Giê-hô-va.—Gióp 33:24, 25; 36:1, 11; 42:7, 10.
10, 11. (a) Tại sao con gái của Giép-thê cần được khích lệ? (b) Ngày nay ai xứng đáng nhận được sự khích lệ tương tự?
10 Một trường hợp khác vào thời xưa cần được khích lệ là con gái của Giép-thê. Trước khi chiến đấu với dân Am-môn, quan xét Giép-thê đã hứa nguyện là nếu Đức Giê-hô-va giúp ông chiến thắng thì người đầu tiên ra đón ông trở về sẽ được dâng hiến để phụng sự ngài tại lều thánh. Và người đầu tiên ra đón Giép-thê để mừng chiến thắng là người con duy nhất của ông. Dù tan nát cõi lòng, nhưng Giép-thê vẫn giữ lời hứa nguyện và đưa con gái đồng trinh của mình đến Si-lô để cô phụng sự suốt đời tại lều thánh.—Quan 11:30-35.
11 Dù điều này thật khó đối với Giép-thê, nhưng hẳn còn khó hơn đối với con gái ông. Tuy nhiên, cô đã sẵn sàng làm theo quyết định của cha (Quan 11:36, 37). Khi làm thế, cô từ bỏ quyền được kết hôn, quyền sinh con cũng như lưu truyền danh và di sản của gia đình. Thế nên, cô rất cần sự an ủi và khích lệ. Kinh Thánh cho biết: “Trong Y-sơ-ra-ên có tục lệ này: Cứ mỗi năm, những người nữ Y-sơ-ra-ên trẻ tuổi sẽ đi ngợi khen con gái Giép-thê người Ga-la-át trong bốn ngày” (Quan 11:39, 40). Chẳng phải các tín đồ đang tận dụng thời gian độc thân để chú tâm nhiều hơn vào “việc Chúa” cũng xứng đáng được khen và khích lệ hay sao?—1 Cô 7:32-35.
CÁC SỨ ĐỒ KHÍCH LỆ ANH EM ĐỒNG ĐẠO
12, 13. Phi-e-rơ “làm vững mạnh anh em mình” như thế nào?
12 Vào đêm trước khi chết, Chúa Giê-su nói với sứ đồ Phi-e-rơ: “Này Si-môn, Si-môn, Sa-tan đòi sàng sảy tất cả anh em như lúa mì. Nhưng tôi đã tha thiết cầu nguyện cho anh để anh không mất đức tin; và một khi trở lại, anh hãy làm vững mạnh anh em mình”.—Lu 22:31, 32.
13 Phi-e-rơ đã chứng tỏ là cột trụ của hội thánh thời ban đầu (Ga 2:9). Ông khích lệ anh em đồng đạo bằng gương can đảm của mình vào Lễ Ngũ Tuần và sau đó. Sau nhiều năm phụng sự, ông viết thư cho anh em đồng đạo. Ông cho biết: “Tôi viết vài lời để khích lệ anh em và thành thật làm chứng rằng lòng nhân từ bao la mà Đức Chúa Trời biểu lộ với anh em là thật. Hãy đứng vững trong lòng nhân từ bao la của ngài” (1 Phi 5:12). Những lá thư được soi dẫn của Phi-e-rơ là nguồn khích lệ đối với các tín đồ trong nhiều thế kỷ và cho đến tận ngày nay. Chúng ta rất cần sự khích lệ này trong khi chờ đợi những lời hứa của Đức Giê-hô-va thành hiện thực.—2 Phi 3:13.
14, 15. Những sách do sứ đồ Giăng viết là nguồn khích lệ cho các tín đồ trong nhiều thế kỷ như thế nào?
14 Sứ đồ Giăng cũng là cột trụ của hội thánh thời ban đầu. Lời tường thuật sống động về thánh chức của Chúa Giê-su được ghi nơi Phúc âm Giăng là nguồn khích lệ cho các tín đồ trong nhiều thế kỷ và cho đến ngày nay. Trong sách này, Chúa Giê-su cho biết tình yêu thương là dấu hiệu nhận biết môn đồ chân chính của ngài. Phúc âm Giăng là sách duy nhất ghi lại điều này.—Đọc Giăng 13:34, 35.
15 Ba lá thư của Giăng cũng có những sự thật quý báu khác. Khi tâm trí bị đè nặng bởi tội lỗi, chẳng phải chúng ta được nhẹ nhõm vì biết rằng “huyết của... Chúa Giê-su tẩy sạch chúng ta khỏi mọi tội” hay sao? (1 Giăng 1:7). Còn nếu lòng tiếp tục lên án thì khi biết rằng “Đức Chúa Trời lớn hơn lòng chúng ta”, chẳng phải chúng ta cảm thấy nghẹn ngào và mắt ngấn lệ vì biết ơn hay sao? (1 Giăng 3:20). Giăng là người duy nhất viết câu sau: “Đức Chúa Trời là tình yêu thương” (1 Giăng 4:8, 16). Trong lá thư thứ hai và thứ ba của mình, Giăng đã khen những tín đồ “tiếp tục bước theo chân lý”.—2 Giăng 4; 3 Giăng 3, 4.
16, 17. Phao-lô đã khích lệ các tín đồ thời ban đầu như thế nào?
16 Vào thế kỷ thứ nhất, có lẽ Phao-lô là người khích lệ anh em đồng đạo nhiều nhất trong vòng các sứ đồ. Dường như trong thời kỳ đầu của đạo Đấng Ki-tô, hầu hết các sứ đồ đều ở Giê-ru-sa-lem, và hội đồng lãnh đạo Công 8:14; 15:2). Các tín đồ ở Giu-đê rao giảng về Đấng Ki-tô cho những người tin có một Đức Chúa Trời. Trong khi đó, sứ đồ Phao-lô được thần khí thánh phái đến rao giảng cho dân ngoại, là những người sống trong xã hội Hy Lạp-La Mã và thờ nhiều thần.—Ga 2:7-9; 1 Ti 2:7.
cũng ở đó (17 Phao-lô đi đến Hy Lạp, Ý và vùng đất mà nay là Thổ Nhĩ Kỳ. Ông đã rao giảng và thành lập các hội thánh đạo Đấng Ki-tô trong vòng những người không phải là dân Do Thái. Những tín đồ mới cải đạo này đã “chịu khổ bởi tay đồng hương mình”, nên họ cần được khích lệ (1 Tê 2:14). Vào khoảng năm 50 CN, Phao-lô viết cho hội thánh mới được thành lập ở Tê-sa-lô-ni-ca: “Chúng tôi luôn cảm tạ Đức Chúa Trời khi nhắc đến hết thảy anh em trong lời cầu nguyện... Chúng tôi luôn nhớ đến việc làm trung tín của anh em, công lao khó nhọc của anh em vì tình yêu thương cùng sự chịu đựng của anh em” (1 Tê 1:2, 3). Phao-lô cũng khuyến khích họ củng cố lẫn nhau. Ông nói: “Hãy tiếp tục khích lệ nhau và giúp nhau vững mạnh”.—1 Tê 5:11.
HỘI ĐỒNG LÃNH ĐẠO KHÍCH LỆ ANH EM
18. Hội đồng lãnh đạo vào thế kỷ thứ nhất đã khích lệ Phi-líp như thế nào?
18 Hội đồng lãnh đạo vào thế kỷ thứ nhất đã chứng tỏ là nguồn khích lệ cho những người dẫn đầu cũng như các tín đồ nói chung. Khi người rao truyền tin mừng là Phi-líp làm chứng về Đấng Ki-tô cho người Sa-ma-ri, ông được các thành viên của hội đồng lãnh đạo hết lòng hỗ trợ. Hội đồng lãnh đạo đã phái hai thành viên là Phi-e-rơ và Giăng đến cầu nguyện cho những tín đồ mới để họ nhận được thần khí thánh (Công 8:5, 14-17). Chắc hẳn chính Phi-líp và những người mà ông giúp cải đạo đã được khích lệ từ sự hỗ trợ này của hội đồng lãnh đạo.
19. Thư của hội đồng lãnh đạo tác động đến hội thánh đạo Đấng Ki-tô thời ban đầu như thế nào?
19 Sau này, hội đồng lãnh đạo họp lại để xem xét một vấn đề quan trọng, đó là tín đồ không phải gốc Do Thái có cần chịu phép cắt bì theo đòi hỏi của Luật pháp Môi-se dành cho người Do Thái hay không (Công 15:1, 2). Dưới sự hướng dẫn của thần khí thánh, và sau khi lý luận dựa trên Kinh Thánh, các anh có trách nhiệm đã quyết định việc cắt bì là không cần thiết nữa. Họ viết thư cho các hội thánh về quyết định này. Hội đồng lãnh đạo đã phái người đại diện đến các hội thánh để đưa thư. Kết quả là gì? Kinh Thánh nói: “Sau khi đọc thư, họ rất vui vì được khích lệ”.—Công 15:27-32.
20. (a) Ngày nay, Hội đồng Lãnh đạo khích lệ đoàn thể anh em quốc tế như thế nào? (b) Câu hỏi nào sẽ được giải đáp trong bài tới?
20 Ngày nay, Hội đồng Lãnh đạo của Nhân Chứng Giê-hô-va cũng khích lệ các thành viên gia đình Bê-tên, anh chị phụng sự trong công tác đặc biệt ở ngoài cánh đồng, cũng như đoàn thể anh em quốc tế. Điều này mang lại kết quả tương tự như vào thế kỷ thứ nhất, đó là anh em chúng ta “rất vui vì được khích lệ”! Ngoài ra, vào năm 2015 Hội đồng Lãnh đạo cho ra mắt sách mỏng Hãy trở về với Đức Giê-hô-va. Sách này khuyến khích người đã rời bỏ chân lý quay trở lại. Nhưng phải chăng chỉ những anh dẫn đầu mới cần noi gương Đức Giê-hô-va về việc khích lệ người khác? Câu hỏi này sẽ được giải đáp trong bài tới.