Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

Con đường dẫn đến sự tự do thật

Con đường dẫn đến sự tự do thật

“Nếu Con giải thoát các người thì các người sẽ thật sự tự do”.—GIĂNG 8:36.

BÀI HÁT: 54, 36

1, 2. (a) Có bằng chứng nào cho thấy con người đang rất nỗ lực để đạt được sự tự do? (b) Kết quả của nỗ lực đó là gì?

Ngày nay, người ta thường bàn luận nhiều về sự bình đẳng và tự do. Tại nhiều nơi trên thế giới, người ta muốn được thoát khỏi sự áp bức, kỳ thị và nghèo khổ. Ở những nơi khác, người dân đòi quyền tự do ngôn luận, tự do lựa chọn và tự quyết. Dường như ở khắp nơi, người ta đều có ước muốn được làm những điều mình thích và sống theo cách mình muốn.

2 Tuy nhiên, làm thế nào để thỏa mãn những ước muốn này lại là chuyện khác. Để được tự do, nhiều người tham gia vào các cuộc biểu tình, nổi dậy và thậm chí là những cuộc cách mạng. Nhưng những sự đấu tranh như thế có mang lại kết quả như mong muốn không? Thực tế, chúng thường dẫn đến bi kịch và thiệt hại về tính mạng. Điều này cho thấy rõ lời được soi dẫn của vua Sa-lô-môn là sự thật: “Loài người cai trị trên loài người mà gây hại cho nhau”.—Truyền 8:9.

3. Chúng ta có thể làm gì để tìm được sự thỏa lòng và hạnh phúc thật?

3 Kinh Thánh cho biết bí quyết để tìm được sự thỏa lòng và hạnh phúc thật. Môn đồ Gia-cơ viết: “Người xem xét kỹ luật pháp hoàn hảo dẫn đến tự do và tiếp tục làm theo... sẽ được hạnh phúc trong việc mình làm” (Gia 1:25). Đức Giê-hô-va, đấng ban luật pháp hoàn hảo ấy, hiểu rõ nhất con người cần gì để có sự thỏa lòng và hạnh phúc trọn vẹn. Ngài đã ban cho cặp vợ chồng đầu tiên mọi thứ cần thiết để có được hạnh phúc, gồm sự tự do thật.

LOÀI NGƯỜI TỪNG CÓ SỰ TỰ DO THẬT

4. A-đam và Ê-va được hưởng sự tự do nào? (Xem hình nơi đầu bài).

4 Khi đọc hai chương đầu của sách Sáng thế, chúng ta dễ nhận thấy A-đam và Ê-va đã được hưởng sự tự do mà con người ngày nay chỉ có thể hy vọng, đó là không túng thiếu, không sợ hãi và không bị áp bức. Cặp vợ chồng đầu tiên này hoàn toàn không phải lo lắng về thức ăn, việc làm, bệnh tật và sự chết (Sáng 1:27-29; 2:8, 9, 15). Phải chăng điều đó có nghĩa là A-đam và Ê-va có sự tự do tuyệt đối? Hãy xem xét điều này.

5. Trái với quan điểm của nhiều người, chúng ta cần điều gì để hưởng sự tự do?

5 Ngày nay, nhiều người nghĩ rằng sự tự do thật nghĩa là có thể làm bất cứ điều gì mình muốn mà không cần quan tâm đến hậu quả. Cuốn Bách khoa từ điển thế giới (The World Book Encyclopedia) định nghĩa tự do là “khả năng lựa chọn và rồi thực hiện những điều mình chọn”. Nhưng sách đó nói tiếp: “Về mặt pháp lý, người ta được tự do nếu xã hội không bắt họ chịu những sự hạn chế bất công, không cần thiết hoặc vô lý”. Điều này hàm ý rằng trong thực tế, cần có những hạn chế nhất định để mọi người trong xã hội đó có thể hưởng lợi ích từ sự tự do mà mình nhận được. Vậy ai có quyền đưa ra những sự hạn chế công bằng, cần thiết và hợp lý?

6. (a) Tại sao chỉ mình Đức Giê-hô-va mới có sự tự do tuyệt đối? (b) Con người có thể hưởng sự tự do nào, và tại sao?

6 Khi nhắc đến sự tự do, chúng ta cần nhớ điểm quan trọng là chỉ mình Đức Giê-hô-va mới có sự tự do tuyệt đối và không giới hạn. Tại sao? Vì ngài là Đấng Tạo Hóa toàn năng của muôn vật và Đấng Cai Trị Tối Thượng của vũ trụ (1 Ti 1:17; Khải 4:11). Hãy nhớ lại lời miêu tả rất hay của vua Đa-vít về vị thế cao trọng và độc nhất của Đức Giê-hô-va. (Đọc 1 Sử ký 29:11, 12). Thế nên, mọi tạo vật trên trời và dưới đất đều chỉ có sự tự do tương đối. Tất cả phải công nhận Đức Giê-hô-va có thẩm quyền tối cao trong việc đặt ra những hạn chế mà ngài xem là công bằng, cần thiết và hợp lý. Thực tế, Đức Giê-hô-va đã đặt ra những hạn chế đối với con người ngay từ ban đầu.

7. Một số hoạt động mang tính bản năng nào giúp chúng ta hạnh phúc?

7 Dù ban đầu A-đam và Ê-va được hưởng sự tự do trong nhiều khía cạnh, nhưng cũng có những hạn chế. Một số hạn chế này là theo bản năng. Chẳng hạn, tổ phụ đầu tiên của chúng ta hiểu rằng để duy trì sự sống họ cần phải thở, ăn, ngủ, v.v. Họ có cảm thấy mất tự do khi làm những điều đó không? Không. Vì Đức Giê-hô-va lo liệu sao cho họ vẫn có thể vui mừng và thỏa lòng ngay cả trong những hoạt động thông thường như thế (Thi 104:14, 15; Truyền 3:12, 13). Có ai mà lại không vui khi được hít thở không khí trong lành, thưởng thức những đồ ăn mình thích hoặc tỉnh dậy sau một đêm ngủ ngon? Chúng ta vui thích với các hoạt động cần thiết này mà không cảm thấy nặng nhọc hoặc gò bó. Chắc hẳn A-đam và Ê-va cũng cảm thấy như thế.

8. Đức Chúa Trời đã ban mệnh lệnh cụ thể nào cho cặp vợ chồng đầu tiên, và mục đích của mệnh lệnh đó là gì?

8 Đức Giê-hô-va ban mệnh lệnh cụ thể cho A-đam và Ê-va, đó là làm cho trái đất có đầy người ở và chăm sóc trái đất (Sáng 1:28). Mệnh lệnh này có lấy đi sự tự do của họ không? Dĩ nhiên là không! Đấng Tạo Hóa ban lệnh này để con người có cơ hội được dự phần vào ý định của ngài, là biến trái đất thành địa đàng để toàn thể nhân loại hoàn hảo có thể sống ở đó mãi mãi (Ê-sai 45:18). Ngày nay, việc chọn kết hôn mà không sinh con hoặc sống độc thân không đi ngược lại với ý định của Đức Giê-hô-va. Nhưng nhìn chung, người ta thường kết hôn và sinh con dù sự lựa chọn này có thể gây ra khó khăn (1 Cô 7:36-38). Tại sao? Vì trong hoàn cảnh bình thường, người ta tìm được hạnh phúc và sự thỏa lòng khi làm vậy (Thi 127:3). Lẽ ra A-đam và Ê-va có thể vui hưởng đời sống hôn nhân và gia đình hạnh phúc cho đến mãi mãi.

SỰ TỰ DO THẬT BỊ ĐÁNH MẤT NHƯ THẾ NÀO?

9. Tại sao mệnh lệnh của Đức Chúa Trời nơi Sáng thế 2:17 không phải là bất công, không cần thiết hoặc vô lý?

9 Đức Giê-hô-va ban mệnh lệnh khác cho A-đam và Ê-va, đồng thời ngài cũng cho biết hình phạt nếu họ vi phạm: “Về cây biết điều thiện và điều ác, con không được phép ăn, vì vào ngày con ăn, chắc chắn con sẽ chết” (Sáng 2:17). Mệnh lệnh này có bất công, không cần thiết hoặc vô lý không? Nó có cướp đi sự tự do của A-đam và Ê-va không? Chắc chắn là không. Thực tế, một số học giả Kinh Thánh đã bình luận về sự hợp lý của mệnh lệnh này. Chẳng hạn, một học giả nhận xét: “Mệnh lệnh của Đức Chúa Trời nơi [Sáng thế 2:16, 17] cho thấy chỉ có Đức Chúa Trời mới biết điều gì là tốt... và điều gì là không tốt... cho nhân loại. Để hưởng những điều tốt, nhân loại phải tin cậy Đức Chúa Trời và vâng lời ngài. Nếu không vâng lời, họ sẽ phải tự quyết định điều gì là tốt... và điều gì là xấu”. Đó là việc khó khăn mà nhân loại không thể tự mình làm được.

Sự lựa chọn của A-đam và Ê-va dẫn đến thảm họa! (Xem đoạn 9-12)

10. Tại sao chúng ta không nên nhầm lẫn sự tự do ý chí với quyền quyết định điều gì là tốt và điều gì là xấu?

10 Ngày nay khi đọc mệnh lệnh của Đức Giê-hô-va ban cho A-đam, nhiều người nghĩ A-đam không có sự tự do để làm điều mình muốn. Khi nghĩ thế, họ đang nhầm lẫn sự tự do ý chí với quyền quyết định điều gì là tốt và điều gì là xấu. A-đam và Ê-va có quyền chọn vâng lời Đức Chúa Trời hoặc không. Tuy nhiên, chỉ Đức Giê-hô-va mới có quyền quyết định điều gì là tốt và điều gì là xấu. Quyền này được tượng trưng bởi “cây biết điều thiện và điều ác” trong vườn Ê-đen (Sáng 2:9). Chúng ta không luôn biết được kết quả của những điều mình chọn và những lựa chọn ấy có mang lại lợi ích hay không. Đó là lý do chúng ta thường thấy người ta đưa ra quyết định hoặc lựa chọn với mong muốn tốt đẹp, để rồi kết quả nhận được chỉ là đau khổ, thảm họa hoặc bi kịch (Châm 14:12). Thật vậy, con người có nhiều giới hạn. Qua mệnh lệnh ban cho A-đam và Ê-va, Đức Giê-hô-va dạy họ rằng để có sự tự do thật, họ cần vâng lời ngài. A-đam và Ê-va đã chọn làm gì?

11, 12. Tại sao sự lựa chọn của A-đam và Ê-va dẫn đến thảm họa? Hãy minh họa.

11 Tổ phụ đầu tiên của chúng ta đã chọn không vâng lời Đức Giê-hô-va. Sa-tan hứa hẹn: “Mắt [các người] sẽ mở ra và các người sẽ giống như Đức Chúa Trời, biết điều thiện và điều ác”. Ê-va đã không kháng cự cám dỗ này (Sáng 3:5). Sự lựa chọn của A-đam và Ê-va có đem lại cho họ nhiều tự do hơn không? Hoàn toàn không. Sự lựa chọn đó không mang lại điều mà Sa-tan đã nói. Thực tế, họ nhanh chóng nhận ra là việc lờ đi sự hướng dẫn của Đức Giê-hô-va và làm theo ý riêng đã dẫn đến thảm họa (Sáng 3:16-19). Tại sao? Đơn giản là vì Đức Giê-hô-va không ban cho nhân loại quyền tự quyết định điều gì là tốt và điều gì là xấu.—Đọc Châm ngôn 20:24 và chú thích; Giê-rê-mi 10:23.

12 Điều này có thể được ví như việc một viên phi công lái máy bay. Để đến nơi dự kiến một cách an toàn, viên phi công thường phải bay theo lộ trình được định sẵn. Anh ta cần dùng những thiết bị định vị trên máy bay và liên lạc với bộ phận kiểm soát không lưu trong suốt hành trình. Tuy nhiên, nếu anh ta xem nhẹ sự hướng dẫn và bay theo bất cứ lộ trình nào mình muốn thì có thể dẫn đến thảm họa. Như viên phi công xem nhẹ sự hướng dẫn, A-đam và Ê-va muốn làm mọi thứ theo cách riêng của mình. Họ không chấp nhận sự hướng dẫn mà Đức Chúa Trời cung cấp. Hậu quả là gì? Thảm họa! Quyết định này khiến họ cũng như con cháu của họ phải gánh chịu tội lỗi và sự chết (Rô 5:12). Khi cố tự quyết, A-đam và Ê-va đã đánh mất sự tự do thật mà mình được ban cho.

LÀM THẾ NÀO ĐỂ CÓ SỰ TỰ DO THẬT?

13, 14. Làm thế nào chúng ta có sự tự do thật?

13 Người ta có thể nghĩ rằng càng có nhiều tự do thì càng tốt. Nhưng thật ra sự tự do mà không có giới hạn giống như con dao hai lưỡi. Đúng là sự tự do mang lại nhiều lợi ích. Nhưng nếu không có hạn chế nào cả thì thế giới sẽ ra sao? Chúng ta có thể cảm thấy rùng mình khi tưởng tượng về điều này. Vì thế, cuốn Bách khoa từ điển thế giới cho biết: “Các điều luật của mọi xã hội đều rất phức tạp vì phải có sự cân bằng giữa những điều được tự do làm và những hạn chế”. Từ “phức tạp” được đề cập ở đây là phù hợp. Hãy nghĩ đến vô số điều luật của con người. Cần phải có rất nhiều luật sư và thẩm phán để giải thích và thi hành những điều luật này.

14 Trái lại, Chúa Giê-su Ki-tô cho biết một cách đơn giản để hưởng sự tự do thật. Ngài nói: “Nếu anh em hằng giữ lời tôi, anh em thật sự là môn đồ tôi, anh em sẽ biết chân lý, và chân lý sẽ giải thoát anh em” (Giăng 8:31, 32). Chúa Giê-su nêu ra hai đòi hỏi để có sự tự do thật. Thứ nhất là chấp nhận chân lý mà ngài dạy và thứ hai là trở thành môn đồ của ngài. Khi làm vậy, chúng ta sẽ có sự tự do thật. Điều này có nghĩa gì? Chúa Giê-su cho biết: “Ai làm điều tội lỗi là nô lệ cho tội lỗi... Nếu Con giải thoát các người thì các người sẽ thật sự tự do”.—Giăng 8:34, 36.

15. Tại sao sự tự do mà Chúa Giê-su hứa có thể giúp chúng ta “thật sự tự do”?

15 Rõ ràng, sự tự do mà Chúa Giê-su hứa tốt hơn nhiều so với sự tự do về mặt chính trị hoặc xã hội mà ngày nay hầu hết người ta ao ước. Khi nói: “Nếu Con giải thoát các người thì các người sẽ thật sự tự do”, Chúa Giê-su đề cập đến việc người ta được thoát khỏi cảnh nô lệ và áp bức lớn nhất mà nhân loại trải qua, đó là “nô lệ cho tội lỗi”. Tội lỗi không chỉ khiến chúng ta làm điều xấu mà còn cản trở chúng ta làm những điều đúng và không làm hết khả năng của mình. Theo nghĩa này, chúng ta là nô lệ cho tội lỗi và hậu quả là sự thất vọng, đau đớn, khốn khổ cũng như sự chết (Rô 6:23). Sứ đồ Phao-lô cảm nhận nỗi khốn khổ này một cách sâu sắc. (Đọc Rô-ma 7:21-25). Chỉ khi thoát khỏi gông cùm của tội lỗi thì chúng ta mới có hy vọng hưởng sự tự do thật mà tổ phụ đầu tiên của nhân loại từng có.

16. Bằng cách nào chúng ta có thể thật sự tự do?

16 Khi nói “nếu anh em hằng giữ lời tôi”, Chúa Giê-su hàm ý rằng có những hạn chế hoặc đòi hỏi nhất định để được ngài giải thoát. Là tín đồ đã dâng mình, chúng ta từ bỏ chính mình và chọn chấp nhận những sự hạn chế mà Đấng Ki-tô đặt ra cho các môn đồ (Mat 16:24). Theo lời hứa của Chúa Giê-su, chúng ta sẽ thật sự tự do khi nhận được lợi ích trọn vẹn từ sự hy sinh làm giá chuộc của ngài.

17. (a) Chúng ta cần làm gì để thật sự hạnh phúc và thỏa lòng? (b) Bài tới sẽ xem xét điều gì?

17 Khi làm môn đồ Chúa Giê-su và vâng theo sự dạy dỗ của ngài, chúng ta sẽ có đời sống thật sự ý nghĩa và thỏa nguyện. Nhờ vậy, chúng ta cũng có triển vọng được giải thoát hoàn toàn khỏi vòng nô lệ của tội lỗi và sự chết. (Đọc Rô-ma 8:1, 2, 20, 21). Bài tới sẽ xem xét làm thế nào chúng ta có thể dùng sự tự do của mình một cách khôn ngoan để mãi tôn vinh Đức Giê-hô-va, Đức Chúa Trời của sự tự do thật.