KINH NGHIỆM
Tình trạng khiếm thính không ngăn cản tôi dạy người khác
Tôi làm báp-têm năm 1941, khi 12 tuổi. Nhưng phải đến năm 1946 tôi mới hiểu rõ sự thật Kinh Thánh. Tại sao lại như thế? Tôi xin kể câu chuyện của mình.
Vào thập niên 1910, cha mẹ tôi từ Tbilisi, Georgia, di cư sang Canada và sống trong một ngôi nhà nhỏ trên thảo nguyên gần Pelly, Saskatchewan, ở miền tây Canada. Tôi sinh năm 1928, là con út trong gia đình có sáu anh chị em. Cha mất sáu tháng trước khi tôi sinh ra, và mẹ qua đời lúc tôi còn ẵm ngửa. Không lâu sau, chị cả Lucy cũng mất khi mới 17 tuổi. Sau đó, cậu tôi là Nick đem chị em tôi về nuôi.
Một ngày nọ khi tôi vừa biết đi, gia đình thấy tôi kéo đuôi một con ngựa nông trại, là con ngựa đực. Vì quá lo sợ rằng con ngựa có thể đá tôi nên họ hét lên bảo tôi dừng lại, nhưng tôi không phản ứng gì. Tôi vẫn quay lưng về phía họ và không nghe tiếng la của họ. Thật mừng là tôi không bị thương, nhưng đó là ngày gia đình phát hiện tôi bị điếc.
Một người bạn của gia đình gợi ý rằng tôi nên học chung với những trẻ khiếm thính khác, vì thế cậu Nick đăng ký cho tôi học trường khiếm thính ở Saskatoon, Saskatchewan. Tôi được chuyển đến nơi học cách nhà vài tiếng, và vì mới năm tuổi nên tôi rất sợ. Tôi chỉ được về thăm nhà vào các ngày lễ và kỳ nghỉ hè. Cuối cùng, tôi học được ngôn ngữ ký hiệu và chơi vui với các bạn.
BIẾT SỰ THẬT KINH THÁNH
Năm 1939, chị thứ hai của tôi là Marion kết hôn với anh Bill Danylchuck. Họ đem tôi và người chị khác là Frances về chăm sóc. Anh chị là người đầu tiên trong gia đình đã gặp Nhân Chứng Giê-hô-va. Trong các kỳ nghỉ hè, anh chị cố gắng hết sức để chia sẻ với tôi những điều học được trong Kinh Thánh. Thành thật mà nói, trò chuyện với họ
không phải là dễ vì họ không biết ngôn ngữ ký hiệu. Nhưng họ thấy tôi thật lòng yêu thích những điều thiêng liêng. Tôi hiểu rằng việc họ đang làm liên quan đến điều Kinh Thánh dạy, vì thế tôi đi cùng khi họ rao giảng. Không lâu sau, tôi muốn làm báp-têm và vào ngày 5-9-1941, anh Bill làm báp-têm cho tôi trong một thùng tôn chứa đầy nước được bơm từ giếng. Nước lạnh kinh khủng!Năm 1946 khi tôi về nhà vào kỳ nghỉ hè, chúng tôi tham dự hội nghị ở Cleveland, Ohio, Hoa Kỳ. Vào ngày đầu tiên của hội nghị, các chị của tôi thay phiên ghi chép để giúp tôi theo dõi chương trình. Nhưng qua ngày thứ nhì, tôi phấn khởi khi biết có một nhóm người khiếm thính và cũng có người phiên dịch. Thế là tôi có thể thưởng thức chương trình. Thật tuyệt vời vì cuối cùng tôi cũng hiểu rõ sự thật Kinh Thánh!
DẠY SỰ THẬT
Lúc đó, Thế Chiến II vừa chấm dứt và chủ nghĩa dân tộc dâng cao. Sau khi dự hội nghị về, tôi quyết tâm giữ lập trường về đức tin. Vì thế, tôi ngừng chào cờ và ra dấu bài quốc ca. Tôi cũng ngưng ăn mừng những ngày lễ và ngưng tham dự các buổi lễ tại nhà thờ mà trường bắt buộc. Đội ngũ giáo viên không vui, họ cố đe dọa và nói dối để khiến tôi thay đổi suy nghĩ. Tất cả những điều này gây xôn xao cho đám bạn trong lớp, nhưng lại cho tôi cơ hội làm chứng. Các bạn cùng lớp như Larry Androsoff, Norman Dittrick và Emil Schneider cuối cùng đã chấp nhận sự thật và trung thành phụng sự Đức Giê-hô-va đến ngày nay.
Khi đến thăm các thành phố khác, tôi luôn tận dụng cơ hội để làm chứng cho người khiếm thính. Chẳng hạn, ở câu lạc bộ người khiếm thính tại Montreal, tôi làm chứng cho Eddie Tager, một anh trẻ thuộc băng đảng. Cho đến khi anh qua đời năm ngoái, anh thuộc hội thánh ngôn ngữ ký hiệu ở Laval, Quebec. Tôi cũng gặp một anh trẻ tên Juan Ardanez. Giống người ở thành Bê-rê, anh sốt sắng tìm hiểu để xác định thông điệp mình nghe có đến từ Kinh Thánh hay không (Công 17:10, 11). Anh ấy cũng vào sự thật và trung thành phụng sự với tư cách trưởng lão ở Ottawa, Ontario, cho đến khi qua đời.
Năm 1950, tôi chuyển đến Vancouver. Dù yêu thích công việc rao giảng cho người khiếm thính, tôi sẽ không bao giờ quên kinh nghiệm làm chứng cho một phụ nữ nghe được tên Chris Spicer khi đang rao giảng trên đường phố. Cô ấy đồng ý đặt tạp chí dài hạn và muốn tôi gặp chồng của cô ấy là Gary. Vì thế, tôi đến nhà họ và chúng tôi có
buổi thảo luận rất lâu qua việc ghi chép. Đó là lần gặp duy nhất cho đến vài năm sau. Tại một hội nghị ở Toronto, Ontario, tôi rất ngạc nhiên khi họ nhìn thấy tôi giữa đám đông. Anh Gary làm báp-têm vào chính ngày đó. Kinh nghiệm tuyệt vời ấy nhắc tôi về tầm quan trọng của việc tiếp tục rao giảng vì chúng ta không biết nơi nào hay khi nào sự thật sẽ đâm rễ.Sau đó, tôi trở lại Saskatoon. Ở đó tôi gặp một phụ nữ, bà đã nhờ tôi học Kinh Thánh với hai con gái sinh đôi khiếm thính của bà là Jean và Joan Rothenberger, cũng là học sinh cùng trường khiếm thính mà tôi từng học. Không lâu sau, hai cô gái chia sẻ với bạn cùng lớp những điều học được. Cuối cùng, năm người trong một lớp trở thành Nhân Chứng Giê-hô-va, trong đó có Eunice Colin. Tôi gặp Eunice lần đầu ở trường khiếm thính ấy khi tôi học năm cuối cấp. Lúc đó, cô ấy cho tôi một cái kẹo và xin kết bạn với tôi. Sau này, cô ấy trở thành một phần rất quan trọng trong cuộc đời tôi—là vợ tôi!
Khi mẹ của Eunice biết cô ấy đang học Kinh Thánh, bà nhờ hiệu trưởng cố gắng khuyên can cô ấy. Ông ta tịch thu ấn phẩm của cô ấy. Thế nhưng, Eunice quyết tâm đặt Đức Giê-hô-va lên hàng đầu. Khi cô ấy muốn làm báp-têm, cha mẹ bảo: “Nếu trở thành Nhân Chứng Giê-hô-va, con phải ra khỏi nhà!”. Khi 17 tuổi, Eunice rời khỏi nhà, và một gia đình Nhân Chứng địa phương tốt bụng nhận cô ấy về chăm sóc. Cô ấy tiếp tục việc học, rồi làm báp-têm. Khi chúng tôi kết hôn vào năm 1960, cha mẹ Eunice không đến dự đám cưới. Tuy nhiên, nhiều năm trôi qua, họ dần tôn trọng chúng tôi vì niềm tin và cách nuôi dạy con cái của chúng tôi.
ĐỨC GIÊ-HÔ-VA CHĂM SÓC TÔI
Là cha mẹ khiếm thính, chúng tôi nuôi dạy bảy người con trai nghe được. Đây là một thử thách, nhưng chúng tôi lo sao cho chúng biết ngôn ngữ ký hiệu để chúng tôi có thể trò chuyện cởi mở và dạy chúng sự thật. Các anh chị trong hội thánh cũng giúp nhiều. Chẳng hạn, một bậc cha mẹ ghi vài dòng để cho chúng tôi biết một con trai của chúng tôi đã chửi thề trong Phòng Nước Trời. Nhờ thế, chúng tôi có thể xử lý vấn đề ngay. Bốn con trai của tôi là James, Jerry, Nicholas, và Steven đang trung thành phụng sự Đức Giê-hô-va cùng vợ con. Cả bốn người con này đều làm trưởng lão. Hơn nữa, Nicholas và vợ là Deborah hỗ trợ việc dịch ngôn ngữ ký hiệu ở chi nhánh Anh Quốc, còn Steven và vợ là Shannan thuộc nhóm dịch ngôn ngữ ký hiệu ở chi nhánh Hoa Kỳ.
Vợ chồng các con trai tôi là James, Jerry và Steven ủng hộ công việc rao giảng trong ngôn ngữ ký hiệu qua nhiều cách khác nhau
Một tháng trước khi kỷ niệm 40 năm ngày cưới, Eunice qua đời vì bệnh ung thư. Cô ấy rất can đảm trong giai đoạn khó khăn đó. Đức tin nơi sự sống lại giúp cô ấy mạnh mẽ. Tôi rất trông mong ngày sẽ gặp lại cô ấy.
Vào tháng 2 năm 2012, tôi bị ngã gãy xương hông, và tôi nhận ra mình cần sự giúp đỡ. Vì thế, tôi chuyển đến sống cùng vợ chồng một người con trai. Bây giờ, chúng tôi thuộc hội thánh ngôn ngữ ký hiệu Calgary và tôi vẫn làm trưởng lão. Thật ra, đây là lần đầu tiên tôi thuộc hội thánh ngôn ngữ ký hiệu. Hãy tưởng tượng tôi đã thuộc hội thánh tiếng Anh trong ngần ấy năm, từ năm 1946! Tình trạng thiêng liêng của tôi ra sao trong thời gian đó? Đức Giê-hô-va đã giữ lời hứa chăm sóc trẻ mồ côi (Thi 10:14). Tôi cảm kích trước nỗ lực của những người đã sẵn lòng ghi chép, học ngôn ngữ ký hiệu và cố gắng hết sức để phiên dịch cho tôi.
Thành thật mà nói, có lúc tôi cảm thấy nản lòng và muốn bỏ cuộc vì không hiểu điều người khác nói hoặc dường như không ai biết cách giúp người khiếm thính. Tuy nhiên, trong những lúc đó, tôi nghĩ đến lời mà Phi-e-rơ nói với Chúa Giê-su: “Thưa Chúa, chúng tôi sẽ theo ai đây? Chúa có những lời mang lại sự sống vĩnh cửu” (Giăng 6:66-68). Như nhiều anh chị khiếm thính khác trong thời mình, tôi đã tập kiên nhẫn. Tôi tập chờ đợi Đức Giê-hô-va và tổ chức ngài. Tôi nhận được nhiều lợi ích khi làm thế! Bây giờ, tôi có dư dật thức ăn thiêng liêng trong chính ngôn ngữ của mình, và tôi có thể vui thích kết hợp tại các buổi nhóm cũng như hội nghị trong ngôn ngữ ký hiệu Hoa Kỳ. Thật vậy, đời sống tôi rất hạnh phúc và thỏa nguyện khi phụng sự Đức Giê-hô-va, Đức Chúa Trời vĩ đại của chúng ta.