Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

KINH NGHIỆM

Được an ủi khi đối mặt với lo âu

Được an ủi khi đối mặt với lo âu

Trước đây, ở bờ phía tây của sông Ấn, nay là Pakistan, tọa lạc thành phố Sukkur. Nơi đó, tôi chào đời vào ngày 9-11-1929. Khoảng thời gian ấy, cha mẹ tôi nhận được bộ sách nhiều màu từ một giáo sĩ người Anh. Bộ sách giải thích Kinh Thánh đó đã góp phần định hướng đời tôi để trở thành một Nhân Chứng Giê-hô-va.

Những cuốn sách ấy được gọi là bộ sách cầu vồng. Các hình ảnh sống động trong bộ sách giúp tôi dễ hình dung về nhiều điều. Vì thế, từ khi còn nhỏ, tôi đã khao khát sự hiểu biết về Kinh Thánh, chẳng hạn những điều được trình bày trong bộ sách đáng chú ý đó.

Khi Thế Chiến II ảnh hưởng đến Ấn Độ cũng là lúc mọi thứ trong đời sống tôi đảo lộn. Cha mẹ tôi ly thân rồi ly dị. Tôi đã không thể hiểu tại sao hai người mà tôi yêu thương lại chia tay nhau. Lòng tôi chết lặng và thấy mình bị bỏ rơi. Tôi là con một. Tôi cảm thấy mình không nhận được sự an ủi và hỗ trợ mà tôi rất cần.

Lúc đó, mẹ và tôi sống ở thủ phủ Karachi. Ngày nọ, anh Fred Hardaker, một bác sĩ lớn tuổi và là Nhân Chứng Giê-hô-va, đã gõ cửa nhà chúng tôi. Anh có cùng niềm tin với người giáo sĩ đã gửi bộ sách cho gia đình tôi. Anh mời mẹ tôi học Kinh Thánh. Bà từ chối nhưng nói có lẽ tôi quan tâm. Ngay tuần sau đó, tôi bắt đầu học Kinh Thánh với anh Hardaker.

Vài tuần sau, tôi tham dự các buổi nhóm tại phòng khám của anh. Có khoảng 12 Nhân Chứng lớn tuổi nhóm ở đó. Họ an ủi và chăm sóc tôi như con. Tôi còn nhớ họ đã ngồi với tôi, cúi xuống ngang tầm với tôi và nói chuyện như những người bạn chân tình, là điều mà tôi rất cần vào lúc đó.

Không lâu sau, anh Hardaker mời tôi cùng tham gia thánh chức. Anh chỉ cho tôi cách sử dụng máy hát đĩa xách tay để mở các bài giảng ngắn dựa trên Kinh Thánh. Vài bài giảng rất thẳng thắn nên một số chủ nhà không muốn nghe thông điệp. Dù vậy, tôi vẫn yêu thích công việc làm chứng. Lòng tôi tràn đầy nhiệt huyết và muốn chia sẻ chân lý với người khác.

Khi quân đội Nhật Bản tiến vào Ấn Độ, chính quyền Anh gây áp lực đối với Nhân Chứng Giê-hô-va. Vào tháng 7 năm 1943, chính tôi bị ảnh hưởng. Hiệu trưởng trường tôi, một tu sĩ Anh giáo, đã đuổi học tôi vì xem tôi là “phần tử lập dị”. Ông nói với mẹ tôi rằng việc tôi kết hợp với Nhân Chứng Giê-hô-va đã làm gương xấu cho các học sinh khác. Bà hốt hoảng và cấm tôi gặp Nhân Chứng. Sau đó, bà chuyển tôi đến sống với cha tôi ở Peshawar, một thị trấn cách đó 1.370km về hướng bắc. Vì tôi bị cắt nguồn thức ăn thiêng liêng và không được kết hợp với anh em, mối quan hệ của tôi với Đức Giê-hô-va trở nên suy yếu.

HỒI PHỤC VỀ THIÊNG LIÊNG

Năm 1947, tôi trở về Karachi để tìm việc làm. Khi ở đó, tôi đến phòng khám của bác sĩ Hardaker. Anh đã chào đón tôi một cách nồng ấm.

Nghĩ rằng tôi đến khám bệnh, anh hỏi: “Cháu bị đau ở đâu?”.

Tôi đáp: “Thưa bác sĩ, cháu không bị bệnh về thể chất. Cháu bị bệnh về thiêng liêng. Cháu cần học Kinh Thánh”.

Anh hỏi: “Khi nào cháu muốn học?”.

Tôi trả lời: “Dạ, nếu được thì ngay bây giờ”.

Tối đó, chúng tôi có một buổi thảo luận Kinh Thánh rất thú vị. Tôi cảm thấy như thể mình đã trở về với gia đình thiêng liêng. Dù mẹ tôi tìm cách ngăn cản tôi kết hợp với Nhân Chứng, nhưng lần này tôi quyết tâm chọn phụng sự Đức Giê-hô-va. Vào ngày 31-8-1947, tôi biểu trưng sự dâng mình qua phép báp-têm. Không lâu sau, tôi làm tiên phong đều đều ở tuổi 17.

VUI MỪNG TRONG THÁNH CHỨC TIÊN PHONG

Nhiệm sở đầu tiên của tôi là Quetta, trước đây là một tiền đồn của Anh. Năm 1947, đất nước bị chia thành Ấn Độ và Pakistan. * Sự kiện này đã châm ngòi cho những cuộc bạo loạn tôn giáo rộng khắp, dẫn đến một trong các cuộc di dân lớn nhất lịch sử. Khoảng 14 triệu người đã đi tị nạn. Người đạo Hồi ở Ấn Độ chạy sang Pakistan, trong khi người đạo Hindu và đạo Sikh ở Pakistan thì trở lại Ấn Độ. Trong tình cảnh hỗn loạn đó, tôi lên một tàu lửa ở Karachi. Vì tàu chật cứng người nên hầu hết chặng đường đi Quetta, tôi chỉ đứng được bên ngoài và vịn vào tay cầm.

Tham dự hội nghị vòng quanh ở Ấn Độ năm 1948

Tại Quetta, tôi gặp anh George Singh, một tiên phong đặc biệt hơn 20 tuổi. Anh cho tôi chiếc xe đạp cũ để tôi có thể đạp (hoặc đẩy) trong khu vực đồi núi ấy. Phần lớn là tôi rao giảng một mình. Trong sáu tháng, tôi có 17 học hỏi Kinh Thánh, và một số người đã theo chân lý. Trong đó có một sĩ quan tên là Sadiq Masih, người đã giúp anh George và tôi dịch một số ấn phẩm sang tiếng Urdu, quốc ngữ của Pakistan. Anh Sadiq là một người công bố tin mừng sốt sắng.

Đi tàu Queen Elizabeth để đến tham dự Trường Ga-la-át

Sau đó, tôi trở về Karachi phụng sự cùng với anh Henry Finch và anh Harry Forrest, hai giáo sĩ Trường Ga-la-át mới được bổ nhiệm. Sự huấn luyện về thần quyền của họ thật quý! Có lần tôi cùng anh Finch đi rao giảng ở miền bắc Pakistan. Tại chân của các rặng núi cao, chúng tôi tìm được rất nhiều dân làng nói tiếng Urdu khao khát chân lý. Hai năm sau, tôi được tham dự Trường Ga-la-át. Rồi tôi trở về Pakistan để làm giám thị vòng quanh bán thời gian. Tôi và ba anh giáo sĩ khác sống trong nhà giáo sĩ ở Lahore.

VỰC DẬY SAU NỖI ĐAU

Đáng buồn là vào năm 1954, các giáo sĩ ở Lahore không hòa thuận với nhau nên văn phòng chi nhánh phải bổ nhiệm lại. Vì thiếu khôn ngoan và đứng về một phe nên tôi nhận được lời khuyên mạnh mẽ. Tôi cảm thấy mình thật tồi tệ và thất bại về thiêng liêng. Tôi trở lại Karachi, rồi đi Luân Đôn, Anh Quốc, với hy vọng có khởi đầu mới về thiêng liêng.

Trong hội thánh ở Luân Đôn có nhiều thành viên gia đình Bê-tên. Anh Pryce Hughes, tôi tớ chi nhánh, đã tử tế dìu dắt tôi. Ngày nọ, anh kể tôi nghe về lần anh nhận được lời khuyên mạnh mẽ từ anh Joseph Rutherford, người đang chăm lo công việc rao giảng khắp thế giới lúc bấy giờ. Khi anh Hughes cố gắng bênh vực mình, anh Rutherford nghiêm nghị sửa anh. Tôi ngạc nhiên khi thấy anh Hughes mỉm cười kể về chuyện ấy. Anh nói rằng lúc đầu anh rất buồn, nhưng sau đó nhận ra mình cần lời khuyên mạnh mẽ ấy, và đó là cách Đức Giê-hô-va thể hiện tình yêu thương với anh (Hê 12:6). Lời của anh Hughes đã động đến lòng tôi và giúp tôi lấy lại thăng bằng về thiêng liêng.

Khoảng thời gian ấy, mẹ tôi chuyển đến Luân Đôn và đồng ý học Kinh Thánh với anh John Barr, về sau là thành viên của Hội đồng Lãnh đạo. Bà tiến bộ về thiêng liêng và báp-têm vào năm 1957. Sau này, tôi biết rằng cha tôi cũng học Kinh Thánh với Nhân Chứng trước khi qua đời.

Năm 1958, tôi kết hôn với Lene, một chị người Đan Mạch sống ở Luân Đôn. Năm sau, chúng tôi được ban phước là có bé gái tên Jane, con đầu trong năm người con. Tôi cũng nhận được những đặc ân phụng sự ở hội thánh Fulham. Tuy nhiên, vì sức khỏe của Lene, chúng tôi cần chuyển đến nơi có khí hậu ấm hơn. Vì thế, năm 1967, chúng tôi đến Adelaide, Úc.

ĐAU LÒNG KHI BI KỊCH XẢY RA

Hội thánh chúng tôi tham dự ở Adelaide có 12 anh chị được xức dầu. Họ sốt sắng dẫn đầu trong công việc rao giảng. Chúng tôi nhanh chóng ổn định nề nếp thiêng liêng.

Năm 1979, vợ chồng tôi sinh người con thứ năm là Daniel. Cháu bị chẩn đoán là mắc hội chứng Down * nghiêm trọng và không thể sống lâu. Đến giờ tôi vẫn thấy khó miêu tả sự đau khổ mà chúng tôi đã trải qua. Chúng tôi làm hết sức để chăm sóc cháu, trong khi không bỏ bê những người con khác. Đôi khi Daniel tái xanh vì tim cháu có hai lỗ khiến bị thiếu ô-xy. Những lúc đó, chúng tôi phải nhanh chóng đưa cháu đến bệnh viện. Dù sức khỏe kém nhưng Daniel rất thông minh và đáng yêu. Cháu cũng yêu mến Đức Giê-hô-va rất nhiều. Khi gia đình cầu nguyện trước bữa ăn, cháu chắp hai tay lại, cúi đầu và nói “A-men!” thật lớn. Chỉ khi làm vậy rồi thì cháu mới ăn.

Khi Daniel được bốn tuổi, cháu bị ung thư máu. Vợ chồng tôi suy sụp về thể chất lẫn tinh thần. Tôi cảm thấy gần như bị suy nhược thần kinh. Khi chúng tôi không chịu đựng được nữa thì giám thị vòng quanh là anh Neville Bromwich đến nhà chúng tôi. Tối đó, anh vừa khóc vừa ôm chúng tôi. Cả ba đều khóc. Những lời đầy yêu thương và trắc ẩn của anh đã an ủi chúng tôi rất nhiều. Anh đi về lúc 1 giờ sáng. Sau đó không lâu, Daniel qua đời. Mất mát này là bi kịch lớn nhất cuộc đời chúng tôi. Tuy nhiên, chúng tôi chịu đựng được vì tin chắc rằng không điều gì, ngay cả sự chết, có thể ngăn cách Daniel khỏi tình yêu thương của Đức Giê-hô-va (Rô 8:38, 39). Chúng tôi mong chờ gặp lại cháu trong thế giới mới!—Giăng 5:28, 29.

TÌM NIỀM VUI TRONG VIỆC GIÚP ĐỠ NGƯỜI KHÁC

Hiện nay, sau hai lần bị đột quỵ, tôi vẫn phục vụ với tư cách trưởng lão. Những kinh nghiệm trong đời giúp tôi dễ cảm thông và trắc ẩn với người khác, đặc biệt là những người đang đối phó với khó khăn. Tôi cố gắng không xét đoán họ. Trái lại, tôi tự hỏi: “Trải nghiệm đời sống đã ảnh hưởng đến cảm xúc và suy nghĩ của họ thế nào? Làm sao cho thấy mình quan tâm đến họ? Mình có thể khuyến khích họ đi theo đường lối Đức Giê-hô-va như thế nào?”. Tôi thật sự yêu thích công việc thăm chiên trong hội thánh! Khi an ủi và làm tươi tỉnh người khác về thiêng liêng, tôi cảm thấy chính mình đang được an ủi và tươi tỉnh.

Tôi tiếp tục tìm niềm vui trong việc thăm chiên

Tôi có cùng cảm nhận như người viết Thi thiên: “Khi bao âu lo tràn ngập trong con, [Đức Giê-hô-va] đã ủi an và xoa dịu con” (Thi 94:19). Ngài đã nâng đỡ khi tôi đối mặt với khó khăn trong gia đình, sự chống đối về tôn giáo, thất vọng về bản thân và bệnh trầm cảm. Đức Giê-hô-va quả là Cha của tôi!

^ đ. 19 Lúc đầu, Pakistan bao gồm Tây Pakistan (nay là Pakistan) và Đông Pakistan (nay là Bangladesh).

^ đ. 29 Xem bài “Nuôi dạy trẻ mắc hội chứng Down—Thử thách và phần thưởng” trong Tỉnh Thức! tháng 7 năm 2011.