Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

“Hãy chiếu ánh sáng” để tôn vinh Đức Giê-hô-va

“Hãy chiếu ánh sáng” để tôn vinh Đức Giê-hô-va

“Hãy chiếu ánh sáng của anh em trước mặt người ta, hầu cho họ... tôn vinh Cha trên trời”.—MAT 5:16.

BÀI HÁT: 77, 59

1. Chúng ta có lý do nào để vui mừng?

Thật vui mừng và hào hứng khi nghe về sự phát triển trong vòng dân Đức Giê-hô-va! Năm ngoái, chúng ta đều đặn điều khiển hơn 10.000.000 cuộc học hỏi Kinh Thánh. Đây quả là bằng chứng cho thấy tôi tớ Đức Chúa Trời đang chiếu ánh sáng của mình! Cũng hãy nghĩ đến hàng triệu người mới đã tham dự Lễ Tưởng Niệm. Nhờ thế, họ có thể biết về tình yêu thương mà Đức Chúa Trời thể hiện qua việc cung cấp giá chuộc.—1 Giăng 4:9.

2, 3. (a) Trở ngại nào không cản trở chúng ta “chiếu sáng như những ngọn đèn”? (b) Dựa trên những lời của Chúa Giê-su nơi Ma-thi-ơ 5:14-16, chúng ta sẽ xem xét điều gì?

2 Trên khắp thế giới, dân Đức Chúa Trời nói nhiều ngôn ngữ khác nhau. Tuy nhiên, điều này không cản trở chúng ta hợp nhất ngợi khen Cha trên trời là Đức Giê-hô-va (Khải 7:9). Dù nói ngôn ngữ nào và sống ở đâu, chúng ta cũng có thể “chiếu sáng như những ngọn đèn trong thế gian”.—Phi-líp 2:15.

3 Sự phát triển trong thánh chức mà chúng ta thấy, sự hợp nhất mà chúng ta có và tinh thần thức canh mà chúng ta đang cố gắng duy trì, tất cả đều góp phần vào việc tôn vinh Đức Giê-hô-va. Trong bài này, chúng ta sẽ xem xét làm thế nào mình có thể chiếu ánh sáng qua ba khía cạnh ấy.—Đọc Ma-thi-ơ 5:14-16.

MỞ RỘNG LỜI MỜI

4, 5. (a) Ngoài việc rao giảng thông điệp, chúng ta có thể chiếu ánh sáng qua cách nào? (b) Thái độ tử tế có thể mang lại lợi ích nào? (Xem hình nơi đầu bài).

4 Bài “Ánh sáng trong thế gian tối tăm” nơi Tháp Canh (Anh ngữ) ngày 1-6-1925 có ghi: “Không ai có thể trung thành với Chúa trong những ngày sau cùng này... nếu không tận dụng cơ hội để chiếu ánh sáng của mình”. Bài cũng cho biết thêm: “Người ấy phải làm thế qua việc nói tin mừng với người khác, và thay đổi mình theo đường lối của ánh sáng”. Thật vậy, một cách để chiếu ánh sáng là rao giảng và đào tạo môn đồ (Mat 28:19, 20). Ngoài việc rao giảng thông điệp, chúng ta cũng có thể tôn vinh Đức Giê-hô-va qua hạnh kiểm. Chủ nhà và người qua đường thường quan sát cách cư xử của chúng ta. Nụ cười thân thiện và lời chào nồng ấm sẽ cho biết nhiều về chúng ta và đấng mà chúng ta thờ phượng.

5 Chúa Giê-su nói với các môn đồ: “Khi vào nhà nào, hãy chào hỏi và chúc bình an cho nhà ấy” (Mat 10:12). Trong những khu vực mà Chúa Giê-su và các sứ đồ rao giảng, việc mời người lạ vào nhà là điều bình thường. Ngày nay, nhiều nơi không còn phong tục như thế. Nhưng cách cư xử lịch sự và thân thiện của anh chị thường giúp chủ nhà bớt nghi ngờ hoặc khó chịu. Một nụ cười niềm nở thường là cách giới thiệu tốt nhất. Điều này cũng được thấy rõ khi chúng ta làm chứng bằng quầy di động. Khi tham gia hình thức làm chứng này, anh chị sẽ thấy một số người hưởng ứng tích cực trước nụ cười và lời chào thân thiện. Có lẽ điều đó sẽ thôi thúc họ đến nhận ấn phẩm. Thái độ tử tế cũng có thể mở đường cho một cuộc trò chuyện.

6. Một cặp vợ chồng lớn tuổi đã mở rộng thánh chức bằng cách nào?

6 Một cặp vợ chồng lớn tuổi ở Anh Quốc có vấn đề sức khỏe nên khó đi rao giảng từng nhà. Họ chiếu ánh sáng bằng cách làm chứng ngay trước cửa nhà. Họ có sáng kiến là trưng một số ấn phẩm trên bàn vào giờ mà các phụ huynh đi đón con ở trường gần đó. Nhiều phụ huynh tò mò và đến nhận sách Giới trẻ thắc mắc—Những lời giải đáp thiết thực, Tập 1 và 2, cũng như các sách mỏng. Một chị tiên phong trong hội thánh đã tham gia với cặp vợ chồng ấy. Nhờ thái độ thân thiện của chị cùng với những nỗ lực chân thành của cặp vợ chồng, một người cha đã đồng ý tìm hiểu Kinh Thánh.

7. Anh chị có thể giúp người nói ngôn ngữ khác như thế nào?

7 Những năm gần đây, người tị nạn đổ xô đến nhiều nước. Anh chị có thể làm gì để giúp những người như thế tìm hiểu về Đức Giê-hô-va và ý định của ngài? Sao không bắt đầu bằng cách học một lời chào trong ngôn ngữ của họ? Ứng dụng JW Language là công cụ giúp anh chị làm điều đó. Ngoài ra, anh chị cũng có thể học một vài câu để bắt chuyện. Anh chị cũng có thể hướng họ đến trang web jw.org, cho xem video và ấn phẩm trong ngôn ngữ của họ.—Phục 10:19.

8, 9. (a) Chúng ta nhận được sự trợ giúp thiết thực nào tại buổi nhóm họp giữa tuần? (b) Làm thế nào cha mẹ có thể giúp con tham gia vào buổi nhóm họp?

8 Đức Giê-hô-va yêu thương cung cấp Buổi họp Lối sống và thánh chức để giúp chúng ta làm chứng hữu hiệu hơn. Những chỉ dẫn thiết thực trong buổi nhóm họp này giúp nhiều người trong chúng ta tự tin hơn khi thăm lại và điều khiển cuộc học hỏi Kinh Thánh.

9 Nhiều người mới đến thường quan sát việc con cái chúng ta tham gia vào buổi nhóm họp. Cha mẹ hãy giúp con chiếu ánh sáng qua việc dạy con bình luận bằng lời lẽ riêng. Đôi khi những lời bình luận đơn giản, từ đáy lòng của các em có thể khiến người mới được thu hút đến với chân lý.—1 Cô 14:25.

ĐẨY MẠNH SỰ HỢP NHẤT

10. Buổi thờ phượng của gia đình giúp chúng ta hợp nhất như thế nào?

10 Cách khác để chiếu ánh sáng là đẩy mạnh sự hợp nhất trong gia đình và hội thánh. Một điều cha mẹ có thể làm là duy trì Buổi thờ phượng của gia đình. Nhiều gia đình xem Kênh truyền thông JW trong tháng. Sau khi xem, hãy dành thời gian thảo luận về cách áp dụng những điểm được đề cập. Khi điều khiển buổi thờ phượng, cha mẹ nên nhớ rằng một em nhỏ có thể cần sự hướng dẫn khác với một thiếu niên. Vì vậy, hãy áp dụng tài liệu sao cho phù hợp với nhu cầu để mỗi thành viên trong gia đình đều nhận lợi ích.—Thi 148:12, 13.

Quan tâm đến anh chị lớn tuổi mang lại sự khích lệ (Xem đoạn 11)

11-13. Làm thế nào tất cả chúng ta có thể đẩy mạnh sự hợp nhất trong hội thánh để giúp người khác chiếu ánh sáng?

11 Làm thế nào người trẻ có thể đẩy mạnh sự hợp nhất trong hội thánh, nhờ thế khuyến khích người khác chiếu ánh sáng? Nếu là một tín đồ trẻ, hãy đặt mục tiêu quan tâm đến những anh chị lớn tuổi. Các em có thể lễ phép hỏi họ về kinh nghiệm trong những năm tháng phụng sự. Các em sẽ được khích lệ, và cả các em lẫn họ sẽ càng được thôi thúc để chiếu ánh sáng của chân lý. Tất cả chúng ta muốn cố gắng chào đón những người đến tham dự nhóm họp. Điều này sẽ đẩy mạnh sự hợp nhất và có lẽ sẽ thôi thúc người mới muốn cùng chúng ta chiếu ánh sáng. Các em có thể chào đón người mới bằng cách nở nụ cười thân thiện và giúp họ tìm chỗ ngồi. Hãy cố gắng giới thiệu họ với người khác, nhờ thế họ cảm thấy thoải mái hơn.

12 Những ai được giao điều khiển buổi nhóm rao giảng có thể làm nhiều điều để giúp các anh chị lớn tuổi tham gia thánh chức. Hãy bảo đảm là họ có khu vực thích hợp. Khi có thể, hãy sắp xếp để một anh chị trẻ đi rao giảng chung với họ. Hãy biểu lộ sự cảm thông đối với những anh chị có sức khỏe kém và hoàn cảnh hạn chế. Khi nhận được lòng quan tâm và cảm thông, người lớn tuổi lẫn người trẻ tuổi, người thành thục lẫn người thiếu kinh nghiệm đều có thể rao giảng tin mừng với lòng sốt sắng.—Lê 19:32.

13 Người viết Thi thiên thốt lên: “Kìa tốt đẹp, vui vẻ biết bao, cảnh anh em chung sống thuận hòa!”. (Đọc Thi thiên 133:1, 2). Khi kết hợp để cùng thờ phượng, dân Y-sơ-ra-ên nhận được nhiều lợi ích từ người khác. Sự hợp nhất này được ví như dầu thơm mang lại cảm giác dễ chịu và tươi tỉnh. Hẳn chúng ta muốn quyết tâm xây dựng và đẩy mạnh sự hợp nhất trong vòng anh em. Nếu anh chị đang làm thế thì thật đáng khen. Anh chị có thể “mở rộng lòng mình” nhiều hơn và thường xuyên hơn không?—2 Cô 6:11-13.

14. Anh chị có thể làm gì để chiếu ánh sáng cho hàng xóm?

14 Nói sao về việc anh chị nỗ lực chiếu ánh sáng chân lý cho hàng xóm của mình? Lời nói và hành động tử tế của anh chị rất có thể sẽ thu hút họ đến với chân lý. Hãy tự hỏi: “Hàng xóm nghĩ gì về mình? Mình có giữ nhà cửa gọn gàng, góp phần cho khu vực sạch đẹp hơn không? Mình có chủ động giúp đỡ người khác không?”. Khi nói chuyện với anh em đồng đạo, sao không hỏi họ về việc hạnh kiểm tốt và sự tử tế của họ đã tác động thế nào đến bà con, hàng xóm, đồng nghiệp hay bạn học? Rất có thể anh chị sẽ được nghe những kinh nghiệm khích lệ.—Ê-phê 5:9.

HÃY LUÔN THỨC CANH

15. Tại sao chúng ta cần luôn thức canh?

15 Để tiếp tục chiếu ánh sáng, chúng ta cần ý thức về thời kỳ mình đang sống. Chúa Giê-su nhiều lần khuyến giục các môn đồ: “Hãy luôn thức canh” (Mat 24:42; 25:13; 26:41). Nếu nghĩ rằng “hoạn nạn lớn” còn xa hoặc không đến trong đời mình thì chúng ta sẽ mất tinh thần khẩn trương trong công việc rao giảng (Mat 24:21). Thay vì chiếu sáng rực rỡ, ánh sáng của chúng ta sẽ yếu đi và thậm chí tắt hẳn.

16, 17. Anh chị có thể làm gì để luôn thức canh?

16 Thế gian này ngày càng tồi tệ nên mỗi chúng ta cần luôn thức canh. Đức Giê-hô-va sẽ ra tay vào đúng thời điểm. Điều đó là chắc chắn (Mat 24:42-44). Trong khi chờ đợi, chúng ta cần kiên nhẫn và luôn thức canh. Hãy đọc Lời Đức Chúa Trời mỗi ngày và tỉnh thức trong việc cầu nguyện (1 Phi 4:7). Hãy nghĩ đến gương của những anh chị vui mừng trong việc thức canh và chiếu ánh sáng. Chẳng hạn, Tháp Canh ngày 15-4-2012, trang 18-21, kể lại một kinh nghiệm khích lệ trong bài “Bảy mươi năm nắm chặt vạt áo của một người Giu-đa”.

17 Hãy luôn bận rộn trong việc phụng sự Đức Giê-hô-va, làm điều tốt cho người khác và dành thời gian cho anh em đồng đạo. Khi làm thế, anh chị sẽ có nhiều niềm vui và cảm thấy thời gian trôi nhanh hơn (Ê-phê 5:16). Cách đây một thế kỷ, anh em chúng ta đã bận rộn hoàn thành nhiều công việc. Nhưng ngày nay, chúng ta còn thực hiện được nhiều hơn nữa dưới sự hướng dẫn của Đức Giê-hô-va. Chúng ta đang chiếu ánh sáng trên bình diện rộng lớn chưa từng thấy!

Những cuộc thăm chiên cho chúng ta cơ hội nhận được sự khôn ngoan từ Lời Đức Chúa Trời (Xem đoạn 18, 19)

18, 19. Các trưởng lão có thể giúp chúng ta thế nào để tỉnh thức và sốt sắng trong việc phụng sự? Hãy nêu ví dụ.

18 Dù bất toàn, chúng ta vẫn có thể phụng sự Đức Giê-hô-va theo cách ngài chấp nhận. Để giúp chúng ta, ngài ban “món quà là những con người”, tức các trưởng lão trong hội thánh. (Đọc Ê-phê-sô 4:8, 11, 12). Vì thế, lần tới khi các trưởng lão thăm anh chị, hãy tận dụng cơ hội này để nhận lợi ích từ lời khuyên và sự khôn ngoan của họ.

19 Hai trưởng lão ở Anh Quốc đến thăm một cặp vợ chồng gặp vấn đề trong hôn nhân. Người vợ cảm thấy chồng không dẫn đầu về thiêng liêng. Người chồng thừa nhận mình không có tài dạy dỗ và không duy trì buổi thờ phượng của gia đình. Các trưởng lão đã hướng cặp vợ chồng này đến gương của Chúa Giê-su. Ngài quan tâm và để ý đến nhu cầu của các môn đồ. Các trưởng lão khuyến khích người chồng bắt chước Chúa Giê-su, và khuyến khích người vợ kiên nhẫn. Các anh cũng đưa ra một số gợi ý thiết thực để cặp vợ chồng ấy có buổi thờ phượng của gia đình với hai con (Ê-phê 5:21-29). Sau đó, các trưởng lão khen người chồng vì đã nỗ lực nhiều. Họ khuyến khích anh kiên trì và nương cậy thần khí thánh để trở thành người dẫn đầu tốt về thiêng liêng. Sự hỗ trợ và lòng quan tâm chân thành của các trưởng lão đã giúp gia đình này tiếp tục chiếu ánh sáng.

20. Việc chiếu ánh sáng mang lại kết quả nào?

20 Người viết Thi thiên hát: “Hạnh phúc cho ai kính sợ Đức Giê-hô-va, bước đi trong đường lối ngài” (Thi 128:1). Khi chiếu ánh sáng bằng cách mời người khác đến phụng sự Đức Chúa Trời, góp phần đẩy mạnh sự hợp nhất và luôn thức canh, anh chị sẽ ngày càng có nhiều niềm vui. Người khác sẽ thấy việc tốt lành của anh chị, và nhiều người sẽ được thôi thúc để tôn vinh Cha trên trời.—Mat 5:16.